M
ikhail Lomonosov sinh năm 1711 tại một làng nhỏ ven biển phía bắc nước Nga, gần thị trấn Ackhanghen. Cha Mikhail là một nông dân làm nghề đánh cá. Năm 12 tuổi, cậu bé Mikhail đã đọc thông viết thạo, không những đọc sách đạo của giáo hội mà còn thích đọc cả các sách khác. Có hai cuốn sách mà Mikhail say sưa đọc mãi nhiều lần, đó là cuốn “Ngữ pháp” của Xmotritxki và cuốn “Số học” của Manhixki. Đó là những cuốn sách nổi tiếng thời bấy giờ, phản ánh được đầy đủ trình độ ngữ văn Nga và toán học thế kỷ XVIII. Chúng đã khơi dậy trong tâm hồn Mikhail lòng ham thích khoa học và khát vọng muốn nắm vững khoa học vì khoa học tạo ra khả năng làm chủ thiên nhiên. Mikhail thấy rằng tự mình đọc sách là chưa đủ, cậu còn muốn được đến trường học nữa nhưng ước mơ đó không thể thành sự thực vì quanh vùng Mikhail ở chỉ có một trường học duy nhất của giáo hội, nhưng trường đó không nhận con em các nhà bình dân vào học.
Mikhail không chịu bỏ cuộc. Năm 1730, mặc dù cha hết sức can ngăn, chàng thanh niên Mikhail 19 tuổi quyết tâm từ giã gia đình đi Moscow tìm nơi học tập. Với vài bộ quần áo bọc trong một chiếc khăn nhỏ móc tòng teng trên đầu chiếc gậy ngắn và một số tiền ăn đường ít ỏi, Mikhail đi bộ vượt hàng trăm kilômét để tới Moscow. Ở đây, cũng như ở khắp nơi trong nước Nga, tầng lớp bình dân không được nhận vào trường đại học. Mikhail đã tìm cách khai man, tự nhận mình là con trai một nhà quý tộc, và cuối cùng được nhận vào học tại Học viện Moscow của giáo hội. Thời gian này, nước Nga là một nước phong kiến lạc hậu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sức lao động của nông nô, công nghiệp chưa phát triển. Giáo hội giữ một vai trò then chốt trong sự phát triển văn hóa của đất nước. Hai trường đại học lớn lúc bấy giờ, Học viện Kiev và Học viện Moscow, là những trường của giáo hội, chủ yếu dạy giáo lí và triết học kinh viện, hầu như không quan tâm đến các môn khoa học tự nhiên. Trong khi đó thì ở Anh, Pháp, chủ nghĩa tư bản đã hoàn thành và đã tổ chức được những viện hàn lâm khoa học nổi tiếng ở Paris và London.
Năm năm ở học viện là năm năm Lomonosov sống rất gian khổ và túng thiếu. Lomonosov vừa đi làm thêm để kiếm tiền ăn, vừa dốc sức học hành, mong tiến sâu vào khoa học. Nhưng càng học, Lomonosov càng thấy chán nản vì nhà trường chỉ dạy giáo lí, kinh viện, không giúp cho anh tiến thêm được bước nào trong khoa học tự nhiên. Được biết Học viện Kiev có dạy khoa học tự nhiên, năm 1734 Lomonosov cố xin được biệt phái xuống Kiev một thời gian. Nhưng anh đã thất vọng quay trở về Moscow, vì học viện Kiev cũng chỉ dạy những “câu chữ rỗng tuếch của triết học Aristotle”, chứ không phải là khoa học tự nhiên thực sự.
Vua nước Nga lúc đó, Piôt đại đế là một người có chí hướng lớn, muốn đưa nước Nga ra khỏi cảnh lạc hậu, trì trệ, tiến lên thành một cường quốc châu Âu. Ông hiểu rằng muốn đạt được điều đó phải phát triển khoa học, kĩ thuật, phải đào tạo nhân tài. Bản thân Piôt đã đi tới các nước châu Âu, đích thân học nghề đóng tàu, học cách buôn bán. Sau khi về nước, ông cử nhiều thanh niên ra nước ngoài học khoa học quân sự, học nghề kĩ sư, nghề hàng hải. Ông mở nhiều trường học kĩ thuật, cho xuất bản sách báo kĩ thuật, tổ chức Viện Hàn lâm Khoa học Peterburg, chủ trương phát triển khoa học, kĩ thuật và tách giáo dục và khoa học ra khỏi ảnh hưởng của giáo hội. Để nhanh chóng đi lên trong điều kiện kinh tế còn lạc hậu, Piôt chủ trương mời các nhà khoa học lớn ở châu Âu đến Viện Hàn lâm Khoa học Peterburg, tạo cho họ những điều kiện tốt để nghiên cứu khoa học và vận dụng khoa học vào việc nâng cao nền kinh tế và tiềm lực quân sự của nước Nga đồng thời sử dụng các nhà khoa học nước ngoài để đào tạo các nhà khoa học trong nước.
Chủ trương sáng suốt đó của Piôt vấp phải sự chống đối của giáo hội và của giai cấp phong kiến Nga. Họ biết rằng muốn cho nước Nga có sức mạnh kinh tế và quân sự, cần phải phát triển khoa học. Nhưng họ lại sợ khoa học phát triển sẽ làm nảy nở tư tưởng duy vật, vô thần, và nhiều tư tưởng chính trị “nguy hại” khác nữa. Từ năm 1725, sau khi Piôt mất, thái độ đầy mâu thuẫn đó của các tầng lớp thống trị nước Nga đã khiến họ cúi đầu sùng bái các nhà khoa học, các nhà kinh doanh nước ngoài, giao cho họ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước, nhưng lại ngăn cản việc học hành của thanh niên trong nước, chặn con đường tiến vào khoa học của họ.
Năm 1735, một sự tình cờ may mắn đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Lomonosov. Theo chỉ thị của Nghị viện Nga, Học viện Moscow chọn 12 sinh viên xuất sắc nhất cho đi học tại Viện Hàn lâm Khoa học Peterburg, trong số 12 người đó Lomonosov đã được chọn. Và sau 8 tháng học tại Peterburg, được Viện Hàn lâm cử đi học tiếp ở Đức. Lomonosov được học những giáo sư xuất sắc, được đào tạo chuyên về luyện kim và mỏ. Năm 1741 ông trở về Viện Hàn lâm Peterburg. Năm 1745 ông được công nhận là giáo sư hóa học, viện sĩ Viện Hàn lâm.
Viện Hàn lâm khoa học Peterburg lúc đó thực sự nằm dưới sự điều khiển của chánh văn phòng Schumacher. Schumacher là một nhân viên cao cấp người Đức, hẹp hòi và thiển cận, lo cho quyền lợi của mình nhiều hơn là lo cho khoa học. Ông ta luôn cản trở việc đào tạo khoa học cho người Nga. Lomonosov đã phải khó khăn lắm mới được ông ta nhận vào công tác ở Viện Hàn lâm.
Tuy nhiên, Lomonosov vẫn cố gắng hết sức và đã có những hoạt động hết sức đa dạng. Bản thân ông là giáo sư hóa học, nhưng ông cũng có nhiều nghiên cứu về vật lý, thiên văn, địa chất, địa lí. Ông cũng nghiên cứu cả lịch sử và ngôn ngữ học, sáng tác thơ và để lại nhiều bức họa, trong đó nổi tiếng nhất là các bức “Chân dung Piôt” và “Trận đánh Pôntava”.
Ngoài việc trực tiếp nghiên cứu khoa học, Lomonosov còn là một nhà hoạt động xã hội, một nhà tổ chức khoa học, đấu tranh không mệt mỏi cho việc xây dựng nền khoa học Nga. Trong Viện Hàn lâm Khoa học Peterburg, Lomonosov chống sự tôn sùng quá đáng các nhà khoa học nước ngoài, chống lại Schumacher, và bằng những hành động cụ thể, chỉ rõ sự kém cỏi của một số nhà khoa học nước ngoài trong Viện Hàn lâm.
Lomonosov còn dành nhiều công sức cho việc phát triển khoa học ở nước Nga. Một mặt, ông tích cực tổ chức và tham gia trực tiếp vào việc phổ biến các trí thức khoa học trong dân chúng. Mặt khác, ông tổ chức đào tạo cán bộ khoa học trên cơ sở mở rộng mạng lưới giáo dục ở Nga. Ông đã bỏ nhiều công sức để xây dựng trường Đại học Tổng hợp Moscow trở thành trường đại học thực sự đầu tiên của nước Nga.”
Lomonosov đi vào khoa học trong lúc nền khoa học Nga còn rất thấp kém. Lĩnh vực nghiên cứu của ông lại rất lớn, vì với trí tuệ và nhận thức rộng rãi của mình, ông thấy rằng chỗ nào cũng có vấn đề phải nghiên cứu. Ông vừa nghiên cứu khoa học, vừa hoạt động xã hội, vừa phải đấu tranh chống những “kẻ thù của nền khoa học Nga” - tầng lớp thống trị quý tộc và tăng lữ. Sức khỏe bị hao mòn, ông mất năm 1765, khi chưa tròn 54 tuổi. Lúc còn sống, ông mới chỉ hoàn chỉnh và công bố một phần ba các công trình của mình. Hai phần ba còn lại là những ghi chép, nhận xét, những công trình dang dở, thể hiện một nhãn quan khoa học có tầm xa, đi trước thời đại của mình.
Những công trình đầu tiên của Lomonosov là về hóa học. Các nhà giả kim thuật thời Trung thế kỷ cố tìm cách chế ra “hòn đá triết học” để biến đá thành vàng. Thất bại của môn giả kim thuật khiến các nhà hoá học thế kỷ XVII vạch ra cho mình một mục tiêu thực tế hơn: tìm cách pha chế các loại thuốc chữa bệnh và các chất cần thiết trong thực tế. Hoá học được gọi là một nghệ thuật, và mang nặng tính kinh nghiệm chủ nghĩa, không dựa trên một cơ sở lí luận nào. Lomonosov nhận xét rằng hóa học vẫn còn bị bao phủ trong bóng tối dày đặc, và những nguyên nhân thực sự của các hiện tượng kì lạ đối với ta vẫn còn là điều bí ẩn. Đó là thiếu sót lớn của hóa học thời đó. Lomonosov nói: “Nhà hóa học chân chính phải vừa là nhà lí thuyết, vừa là nhà thực hành”, và “trong cùng một con người, phải có một nhà hoá học khéo léo và một nhà toán học sâu sắc”.
Lomonosov cho rằng chuyển động của các hạt nhỏ là cơ sở của mọi hiện tượng hóa học, vì vậy “ai muốn nắm sâu các chân lí hóa học thì phải nghiên cứu cơ học, và muốn nghiên cứu cơ học thì phải am hiểu toán học”. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Lomonosov giải thích nguyên nhân của nhiệt và của tính đàn hồi của các chất khí là sự chuyển động của các hạt nhỏ li ti mà giác quan của ta không cảm giác được. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học về nhiệt và thuyết động học chất khí.
Trong hệ thống khoa học của Lomonosov, “định luật phổ biến” về sự bảo toàn giữ một vị trí quan trọng. Ông phát biểu định luật đó lần đầu tiên trong một bức thư gửi Ơle năm 1748. Ông viết: “Mọi sự biến đổi trong thiên nhiên đều diễn ra sao cho nếu thêm một cái gì vào một cái gì đó, thì phải bớt cái ấy đi ở một cái gì khác. Thí dụ nếu thêm bao nhiêu vật chất vào một vật nào đó thì có bấy nhiêu vật chất phải bị bớt đi ở một vật khác, tôi dùng bao nhiêu giờ để ngủ thì phải bớt đi bấy nhiêu giờ để thức v.v… Vì đó là một định luật phổ biến của thiên nhiên, nên nó cũng áp dụng cả cho các quy tắc chuyển động: một vật do va chạm mà làm một vật khác chuyển động, nó mất đi bao nhiêu chuyển động của nó thì lại truyền bấy nhiêu chuyển động cho vật kia”. Mười hai năm sau, năm 1760, Lomonosov mới chính thức công bố định luật đó, nhưng nó cũng vẫn mới chỉ là một phát biểu định tính, chưa phải là một định luật định lượng chặt chẽ. Điều đó tất nhiên, vì thời Lomonosov trong cơ học chưa xác định được cái gì là số đo của chuyển động (đó là động lượng và động năng), trong điện học và từ học cũng chưa có các nghiên cứu định lượng.
Lomonosov đã dùng cân để nghiên cứu các phản ứng hóa học về mặt định tính. Năm 1756, ông đã thực hiện nhiều thí nghiệm. Ông cho nhiều loại kim loại vào những bình gắn kín, đốt nóng lên cho kim loại phản ứng với không khí trong bình. Ông cân cái bình trước và sau phản ứng. Kết quả là nếu không cho không khí bên ngoài lọt vào bình thì trọng lượng của bình không đổi. Đó là thí nghiệm đầu tiên trong lịch sử khoa học, dùng cân để kiểm tra định luật bảo toàn trọng lượng trong các phản ứng hóa học. Nhưng Lomonosov không tán thành quan điểm của Newton cho trọng lượng là số đo lượng vật chất. Vì vậy ông không coi định luật bảo toàn trọng lượng là định luật bảo toàn vật chất. Ông phân vân, không tìm ra được cách giải thích sự bảo toàn trọng lượng trong các phản ứng hóa học. Vì vậy ông chỉ mô tả các thí nghiệm, nhưng không từ đó mà phát biểu thành định luật bảo toàn trọng lượng. Định luật này về sau được Lavoisier phát biểu khi ông nghiên cứu lí thuyết về sự cháy.
Có thể nói, Lomonosov là một trí tuệ tinh tế, đi trước thời mình sớm hơn cả một thế kỷ. Những quan niệm đúng đắn của ông chưa được trình độ khoa học đương thời tán thành. Sau này, khi tiếp tục nghiên cứu những công trình còn bỏ dở của Lomonosov và đối chiếu chúng với những thành tựu mới nhất của khoa học, người ta mới càng thấy rõ giá trị sâu sắc của những quan niệm đó.
Lomonosov đã mở đầu truyền thống duy vật chủ nghĩa trong khoa học và triết học tiên tiến của Nga. Những thành quả của ông về hoá học và vật lý học đều là những thành quả quan trọng nhất. Cống hiến quan trọng nhất của Lomonosov vào khoa học là đã phát hiện ra định luật bảo tồn vật chất và vận động, coi như định luật tự nhiên có tính chất phổ biến và chứng minh qui luật đó bằng lý luận và thực nghiệm. Ngay từ những công trình nghiên cứu đầu tiên của mình, ông đã kết luận về tính chất vĩnh viễn bất diệt của vật chất và của vận động. Năm 1748, ông đã nêu ra công thức của định luật đó: “Tất cả những biến đổi trong tự nhiên đều tiến hành như sau: cái đưa thêm vào vật này tức là cái rút bớt ra ở vật kia. Số vật chất đưa thêm vào một vật thể này cũng bằng số vật chất bị rút bớt ra ở một vật thể kia... Định luật tự nhiên này phổ biến đến mức nó cũng được áp dụng cả vào sự vận động”. Về sau Lomonosov đã phát triển định luật đó trong tập Bàn về thể đặc và thể lỏng của các vật thể và trong các tác phẩm khác của ông. Định luật bảo tồn vật chất được gọi một cách thích đáng là định luật Lomonosov. Ông đã đem cân những vật thể trước và sau khi có phản ứng hoá học để chứng minh định luật đó bằng thực nghiệm. Gần một trăm năm sau, nguyên lý bảo tồn vận động do ông đưa ra đã được xác nhận dưới một hình thức cụ thể (định luật bảo tồn năng lượng). Chính Lomonosov là người đầu tiên phát hiện ra định luật phổ biến bảo tồn vật chất và vận động, là cơ sở của các khoa học tự nhiên hiện đại, nhất là của vật lý học và hoá học. Xuất phát từ chỗ vật chất và vận động đều không thể bị phá hủy được và không bao giờ được tạo ra, Lomonosov đã khẳng định, vật chất và vận động có mối liên hệ khăng khít với nhau. Ông đã áp dụng định luật này vào sự vận động của những phần nhỏ của vật chất. Lomonosov là người sáng lập ra thuyết nguyên tử trong hoá học, thuyết này nói rõ kết cấu nguyên tử và phân tử của vật chất. Ông nhận thấy các “hạt nhỏ” (phân tử) gồm có những phần cực kỳ nhỏ bé hay những “nguyên tố” (nguyên tử). Lomonosov viết: “Nếu những hạt nhỏ gồm số lượng ngang nhau về những nguyên tố giống nhau, kết hợp với nhau cùng theo một cách, thì những hạt nhỏ đó đều là đồng chất... Khi những nguyên tố không giống nhau, kết hợp với nhau theo những cách khác nhau, hoặc với những số lượng khác nhau, thì các hạt nhỏ được tạo thành đều không đồng nhất, do đó mà có rất nhiều loại vật thể khác nhau”. Ông quan niệm nhiệt là sự vận động máy móc của các hạt nhỏ, quan niệm này dựa vào định luật bảo tồn vận động. Trong tập “Bàn về sức đàn hồi của không khí”, Lomonosov đã phát triển lý luận về kết cấu của không khí bằng cách căn cứ vào những quan niệm về phân tử và về vận động, những quan niệm đó sau này có tác dụng bậc nhất trong sự phát triển của khoa học.
Lomonosov kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng giả danh khoa học, hồi thế kỷ XVIII đã thống trị trong khoa học tự nhiên. Trong tập “Bàn về nguyên nhân của nhiệt và lạnh”, Lomonosov đã viết: “Nhiệt có một căn cứ đầy đủ trong vận động. Và vì nếu không có vật chất thì vận động không thể phát sinh được, cho nên một căn cứ đầy đủ của nhiệt tất nhiên là phải ở trong sự vận động của một vật chất nào đó”. Lomonosov đã diễn đạt những tư tưởng thiên tài về tính chất muôn vẻ của những hiện tượng tự nhiên, trong đó ông nhìn thấy nhiều hình thức khác nhau của sự vận động của vật chất. Lomonosov đã đặt cơ sở cho một khoa học hoàn toàn mới, khoa hóa học vật lý, khoa này áp dụng những phương pháp và lý thuyết về việc nghiên cứu có tính chất vật lý vào các vấn đề hoá học. Ông đã hết sức chú ý đến sự phát triển của ngành luyện kim.
Về mặt địa chất học, ông là người đầu tiên đề xướng tư tưởng về tiến hoá. Ông đã khám phá ra những nguồn khoáng chất ở Nga, đã nghiên cứu những điều kiện thuỷ vận trên đường hàng hải miền Bắc.
Về mặt thiên văn học, ông là người tán thành thuyết mặt trời là trung tâm, tính phức số của vạn vật và tính vô tận của vũ trụ: ông là người đầu tiên phát hiện ra xung quanh Kim tinh có một lớp không khí, và ngược lại giáo lý của Giáo hội, ông đã thừa nhận rằng trên các hành tinh khác có thể có sự sống. Ông đã giải thích một cách đúng đắn những nguyên nhân thay đổi khí hậu trên mặt đất, giải thích sự phát hiện, trong những lớp đất băng giá ở miền Bắc, những động vật và cây cối hoá thạch, những động vật và cây cối này có lẽ đã không thể sống được trong điều kiện ở Bắc cực. Lomonosov dự đoán, trên một độ cao của không khí, người ta sẽ phát hiện ra những hiện tượng không hợp với định luật Boyle-Mariotte. Trong hoá học, ông đã dùng phương pháp định lượng coi đó là phương pháp nghiên cứu, đã phát minh ra nhiều khí cụ dùng vào thuỷ vận, khí tượng học, trắc địa học, vật lý học, hoá học... đã sáng lập ra phòng thí nghiệm đầu tiên về hoá học ở Nga (1748).
Lomonosov đã giải quyết một cách duy vật vấn đề cơ bản của triết học. Ông đã dùng những sự nghiên cứu của mình để giáng một đòn nặng vào quan niệm siêu hình về vũ trụ. Lomonosov đã đem quan niệm duy vật về nguyên tử đối lập với thuyết đơn tử duy tâm của Lainit mà ông đã phê bình kịch liệt. Trong khi bác bỏ sự tồn tại của những đơn tử tinh thần của Lainit, ông đã gọi những hạt nhỏ là những “đơn tử vật lý”. Những quan điểm mà ông đã phát triển, bao hàm những nhân tố của phép biện chứng. Ông vạch ra rằng thế giới xung quanh chúng ta phát triển không ngừng và biến đổi luôn luôn. Trong tác phẩm “Các lớp đất” ông nói đến những biến đổi và sự phát triển tiến hoá của giới động vật và giới thực vật, trình bày một học thuyết về nguồn gốc thực vật của than bùn, than đá, dầu lửa, hổ phách, một học thuyết tiến hoá về nguồn gốc của đất. Theo Lomonosov, vận động tồn tại vĩnh viễn. Trong tác phẩm “Bàn về trọng lượng của vật thể và về tính chất vĩnh viễn của sự vận động đầu tiên”, ông viết: “Sự vận động đầu tiên không bao giờ có thể có sự bắt đầu, nhưng phải tiếp tục mãi”.
Lomonosov là người tán thành nhận thức luận duy vật chủ nghĩa: nguồn nhận thức là thế giới bên ngoài tác động vào các giác quan của chúng ta. Là người kiên quyết phản đối học thuyết duy tâm của phái Descartes về quan niệm bẩm sinh và phản đối “kinh nghiệm bên trong” của Locke... ông chủ trương kết hợp những tài liệu của kinh nghiệm với những kết luận của lý luận. Ông phê bình những người tách rời nhận thức lý tính với tri giác cảm tính và đem đối lập một cách siêu hình tổng hợp với phân tích. Trong nhận thức luận của mình, Lomonosov đã giành một vị trí quan trọng cho kinh nghiệm hiểu theo nghĩa hẹp là kinh nghiệm khoa học và cho tri giác cảm tính về hiện thực khách quan. Lomonosov phê bình kịch liệt học thuyết duy tâm về “chất có sau” bằng cách vạch ra rằng “chất có sau” đó cũng tồn tại hoàn toàn khách quan như chất có trước.
Trong rất nhiều năm, Lomonosov đã đấu tranh để sáng tạo một nền khoa học Nga, ông đã cống hiến nhiều cho việc phát triển khoa học tự nhiên ở Nga, kết hợp khoa học tiên tiến với những nhiệm vụ thực tế. Ông là nhà bác học Nga đầu tiên được kết nạp vào Viện Hàn lâm. Ông đã sáng lập ra trường Đại học Mátxcơva (1755), phấn đấu để cải tổ Viện Hàn lâm Khoa học. Trong cuộc đấu tranh chống phái tăng lữ, ông đã đập thẳng tay sự ngu dốt của đám cha cố. Là một nhà sử học và là người yêu nước, ông phản đối mọi sự xuyên tạc lịch sử Nga, đấu tranh chống địa vị thống trị của “phái Đức” phản động trong nội bộ Viện Hàn lâm Khoa học và yêu mến nồng nàn nhân dân mình, tin tưởng vào tương lai vĩ đại của đất nước.
Tài năng của Lomonosov không chỉ trong lĩnh vực hoá học, ông còn được lịch sử đánh giá là một nhà bác học bách khoa vĩ đại. Sự nghiệp của ông có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của xã hội và văn hoá Nga. Ông còn là một nhà thơ đã sáng tạo ra những âm luật mới cho thơ ca Nga. Ông cũng còn là một hoạ sỹ đã sáng tạo ra những bức tranh ghép gốm khổng lồ. Và ông cũng là tác giả của những cuốn sách giáo khoa đầu tiên về lịch sử cổ đại nước Nga, đồng thời là một nhà địa lý học, địa chất học kiệt xuất, nhà luyện kim và nhà sư phạm thiên tài.