A
lfred Nobel sinh ngày 21 tháng 10 năm 1833 tại Stockholm, Thụy Điển, là con trai thứ ba của nhà khoa học Imanuel Nobel. Nobel có hai anh, anh cả là Robert Nobel, anh thứ là Rubich Nobel. Từ nhỏ, Nobel rất hay bị ốm, sức khoẻ của cậu không được tốt lắm. Sau vài năm, cha của Nobel rời đến Leningrad để chế tạo thuỷ lôi, địa lôi và vũ khí cho quân đội Nga.
Năm Alfred lên 9 tuổi thì cả gia đình chuyển đến Saint Peterburg. Lúc này, công việc làm ăn của người cha tiến triển thuận lợi nên gia đình sống sung túc với mức sống của tầng lớp tư sản. Bấy giờ, Saint Peterburg là một đô thị sầm uất, một trung tâm văn hoá và khoa học phát triển, một thủ phủ lớn của châu Âu. Mấy anh em nhà Nobel được các giáo sư đại học hàng đầu hướng dẫn. Họ tập trung nghiên cứu cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ngoài ngôn ngữ Thụy Điển, Alfred và các em còn được học thêm các ngôn ngữ Nga, Anh, Pháp, Đức, triết học và văn học. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên có hai giáo sư là Yuli Trapp và Nicolai Zinin dạy họ về toán, lý và hoá học. Bên những người thầy chuyên gia này, Alfred bị cuốn hút vào môn hoá học. Anh học làm các thí nghiệm hoá học, một công việc có sức thôi miên cuốn hút anh ngay từ thuở ban đầu.
Từ năm 1850 đến 1852, Alfred có một số chuyến công du ra nước ngoài với mục đích nghiên cứu. Nobel đã làm việc một năm tại Paris với nhà hoá học nổi tiếng Jules Pelouze, giáo sư Trường đại học Pháp lúc đó đã có một phòng thí nghiệm giảng dạy riêng. Giáo sư Pelouze tình cờ lại là người bạn thân thiết của nhà hoá học Thụy Điển nổi tiếng Berzelius (1779-1848), cũng là người thầy của Nicolai Zinin, là thầy giảng dạy trực tiếp cho Alfred Nobel. Sau những năm tháng học tập tại Paris, Alfred đã được đào tạo thành một nhà hoá học.
Năm 1847 tại Turin, Ascanio Sobrero, một nghiên cứu sinh người Italia của Giáo sư Pelouze đã phát hiện ra một chất nổ mới, ban đầu ông ta gọi là pyro glycerin (nitro glycerin sau này). Tuy nhiên, trong những bức thư gửi tới giáo sư Pelouze cũng như công bố trên các tư liệu khoa học sau này, Sobrero cảnh báo về hợp chất mới này: Nó không chỉ có sức nổ công phá kinh khủng mà còn không thể kiểm soát nổi. Alfred Nobel đặc biệt quan tâm đến các loại vật liệu nổ, qua Pelouze ông đã có kiến thức về chế tạo vật liệu nổ.
Năm 1853, cuộc chiến Crime nổ ra, nước Nga phải đối đầu với liên quân ba nước Anh-Pháp-Thổ Nhĩ Kì. Nhà máy của gia đình Nobel càng bận rộn hơn. Cuộc chiến tranh Crime 1856 kết thúc, nhà máy của gia đình Nobel vốn tồn tại nhờ cung cấp đạn dược cho chiến tranh bị phá sản. Cha mẹ Alfred trở về quê hương Thụy Điển. Ba anh em Nobel tiếp tục ở lại Saint Peterburg giải quyết nốt một số công việc và trù tính khôi phục lại nhà máy. Alfred Nobel và hai em đã bàn tới một số dự án khả thi với các giáo sư giảng dạy cũ. Giáo sư Nicolai Zinin khuyến khích họ về tiềm năng của nitro glycerin. Ông chứng minh sức mạnh của nó bằng cách nhỏ vài giọt lên một cái đe, đập búa lên thì xảy ra một vụ nổ đột ngột. Những vấn đề mà Sobrero nắm được gồm hai phần: Một là, quá trình sản xuất chất nổ rất nguy hiểm do nếu gặp nhiệt độ cao sẽ phát nổ. Hai là, nếu thành công trong việc sản xuất với số lượng nhỏ thì vấn đề đặt ra là cần đưa quá trình nổ kèm với một số điều kiện có thể kiểm soát được. Nobel bắt đầu nghiên cứu về thuốc nổ. Nobel nhận thấy Nitroglycerin phân giải ở 50-60°C, phát nổ rất mạnh ở nhiệt độ 218°C. Dù rất nguy hiểm, Nobel vẫn miệt mài trong công việc. Sau vài lần nghiên cứu với cha, Nobel đã tìm ra nguyên lý của thuốc nổ, và mọi người chứng kiến thí nghiệm của Nobel đều hết sức ngạc nhiên. Nobel thành lập một công ty, làm ăn rất phát đạt, không những thế, nhiều lúc nhà máy còn phải sản xuất cấp tốc để giao hàng cho kịp. Em út của Nobel, Emil Nobel cũng cùng anh và cha nghiên cứu nitroglycerin, và Emil được quyền tự do trong nhà máy.
Trong những năm 1860, Alfred đã tiến hành nhiều thí nghiệm vô cùng nguy hiểm. Ông đã sản xuất ra nitro glycerin với số lượng không hạn chế mà không còn sợ xảy ra sự cố. Ông rót nitroglycerin vào một bình thuỷ tinh rồi đặt nó vào trong một cái hộp có chất bột màu đen, sau đó ông đặt một ngòi nổ để đốt thông thường. Thế là chiếc kíp nổ đầu tiên đã được phát minh. Sau một số vụ nổ thành công trên mặt sông Neva đang đóng băng ở ngoại ô Saint Peterburg, Alfred trở lại Stockholm. Tại đây, cha ông cũng đã có những thử nghiệm tương tự (tuy ít thành công hơn). Năm 1863, Alfred được cấp bằng phát minh ra chất nổ, còn gọi là “dầu nổ”.
Bằng phát minh đầu tiên đạt được khi Alfred mới vừa tròn 30 tuổi. Phát minh của ông đã mở đầu cho một thời kỳ khám phá sôi động với một tốc độ chóng mặt. Đến mùa xuân và mùa hè năm sau, Alfred tiếp tục các thí nghiệm mới và chuẩn bị đăng ký bằng phát minh mới. Lần này là việc sản xuất nitroglycerin (với phương pháp đơn giản hơn) và sử dụng kíp nổ còn gọi là “kíp nổ Nobel” là một vật bằng gỗ rỗng ở giữa chứa đầy chất bột màu đen đặt tên là kíp nổ tác động bằng lực va chạm mạnh, đơn giản là kíp nổ. Thiết bị này nhanh chóng được cải tiến thay thế vật liệu gỗ bằng vật liệu kim loại. Phát minh này là bước đột phá trong lĩnh vực vật liệu nổ. Chỉ đến lúc này tiềm năng phát nổ lớn lao của nitroglycerin mới phát huy hết hiệu quả.
Nhiều người cho rằng việc phát minh ra kíp nổ còn quan trọng hơn cả việc phát minh ra chất nổ. Đây là tiến bộ vĩ đại nhất trong lĩnh vực vật liệu nổ từ khi thuốc súng xuất hiện tại phương Tây từ thế kỷ XV. Ragnar Sohlman, người cộng sự gần gũi nhất của Nobel cũng là một trong những người góp phần chế tạo kíp nổ coi việc chế tạo thành công kíp nổ lớn lao hơn cả chế tạo chất nổ. Đây là phát minh lớn nhất trên cả hai mặt lý thuyết và thực hành vật liệu nổ. Nobel cũng đồng cảm với quan điểm này, mười năm sau ông tuyên bố rằng “Thời đại nitroglycerin thực thụ” đã bắt đầu từ phát minh của ông năm 1864.
Trong suốt cuộc đời mình, Alfred đã bộc lộ rõ tính quả quyết và tự tin. Ông đã từng mô tả mình là “người đầu tiên đưa chất nổ từ phòng thí nghiệm khoa học ra thế giới công nghiệp”. Đến lúc này, ông đã bảo toàn thành công món tiền vay khá lớn từ ngân hàng Pháp.
Đến thời điểm này, Alfred đã gia nhập hàng ngũ các nhà kinh doanh. Tinh thần quyết đoán vượt qua trở ngại đã dẫn đến thành công. Tuy nhiên, tháng 9 năm 1864 đã xảy ra một vụ nổ lớn trong một nhà máy nhỏ tại Heleneborg, trung tâm Stockholm làm cho em trai út của Alfred và bốn người khác thiệt mạng. Đây quả là một thảm hoạ, nó làm gia tăng rõ rệt các mối lo ngại và hậu quả còn bị phóng đại đồn thổi lên rất nhiều. Cha của Alfred bị đột quỵ ngay khi biết tin này. Bản thân Alfred vẫn đứng vững. Ông biết cần phải làm gì lúc này và dự định vẫn tiếp tục tiến hành các kế hoạch của mình bất chấp tai nạn thảm khốc. Chỉ một tháng sau, ông đã thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tiên của mình, Công ty nitroglycerin A B. Lúc đó, ông đã gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép thành lập nhà máy mới. Cảnh sát yêu cầu từ nay các nhà máy phải xây dựng tại ngoại ô thành phố vì lo ngại hiểm hoạ của các vụ nổ. Việc chế tạo “dầu nổ” đã bắt đầu tiến hành trở lại trên một chiếc xà-lan tại hồ Malaren, Stockholm. Sau đó, Nobel đã mua một trại nuôi ngựa ở Vinterviken, ngoại vi phía nam thành phố Stockholm để xây dựng nhà máy và một phòng thí nghiệm tại đây. Nobel nhận thấy khi nitroglycerin kết hợp với một chất hấp thu trơ như kieselguhr (đất có nhiều tảo cát hay còn gọi là đất mùn) nó trở nên an toàn và dễ sử dụng hơn. Kết quả năm 1867, ông được trao bằng sáng chế hỗn hợp với cái tên dynamite. Nobel đã quảng cáo thử nghiệm chất nổ của mình lần đầu tiên trong năm đó tại một mỏ khai thác đá ở Redhill, Surrey, nước Anh.
Tiếp theo Nobel kết hợp nitroglycerin với một chất nổ mạnh khác, bông thuốc súng, và có được một chất trong như thạch với sức công phá mạnh hơn cả dynamite. Gelignite, hay blasting gelatin như tên nó được gọi, được cấp bằng sáng chế năm 1876, và tiếp theo đó là hàng loạt các hỗn hợp tương tự khác, thêm kali nitrate, bột gỗ và nhiều chất khác.
Vài năm sau, Nobel tạo ra ballistite, một trong những loại thuốc súng nitroglycerin, có chứa phần bông thuốc súng và phần nitroglycerin tương đương nhau. Thuốc súng này là tiền thân của cordite. Nobel tuyên bố bằng sáng chế của ông về loại thuốc súng này hùng hồn minh chứng cho sự tranh cãi giữa ông và nước Anh. Đỉnh điểm của việc chế tạo loại thuốc nổ này là thuốc nổ mạnh và không có khói. Từ việc chế tạo dynamite và các loại thuốc nổ khác cũng như công việc khai thác các giếng dầu ở Baku của ông và các anh em trai Ludvig và Robert Hjalmar (1829-1896) ông có được một gia sản to lớn.
Việc sản xuất tiếp tục được tiến hành. Nhà máy mới được thị trường chào đón nồng nhiệt. Ông J. W. Smitt, một nhà doanh nghiệp giàu có sở hữu một gia tài lớn tại châu Phi đã mua số cổ phần rất lớn. Công ty liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng. Sức công phá của chất nổ mới được công nhận. Công ty đường sắt Thụy Điển đã đặt hàng với số lượng lớn để thi công công trình đường hầm tại Stockholm nối từ nhà ga trung tâm tới ga Sodra. Sau năm 1865, Alfred hoàn chỉnh kíp nổ kim loại đời mới. Cho đến nay người ta vẫn chế tạo kíp nổ theo phương pháp này.
Sau sự kiện trên, Nobel đến một số nước để thăm dò thị trường. Ông tới các nước Anh, Na Uy, Phần Lan cấp bằng phát minh chất nổ và tiến hành thương lượng với nhiều nước khác. Mọi việc tiến triển hết sức tốt đẹp. Tháng 3 năm 1865, Nobel tới Hamburg, nước Đức. Chỉ ba tháng sau ông đã cùng với hai anh em Wilhelm, Theodor Winkler và Luật sư C.E. Bandmann thành lập nhà máy đầu tiên của Thụy Điển tại nước ngoài. Cũng vào mùa thu năm ấy, họ mua được một khu đất tại vùng châu thổ sông Enbơ ở phía nam Hamburg và tiến hành xây dựng nhà máy tại đó. Đầu năm mới 1866, Alfred thử quảng bá sức mạnh của chất nổ tại mỏ đá ở miền bắc xứ Wales nhưng không được dư luận Anh quan tâm đến. Giữa tháng 4 năm 1866, Alfred lên đường sang nước Mỹ.
Lúc này, bầu không khí tại nước Mỹ đang căng thẳng, một số vụ nổ nghiêm trọng đã xảy ra tại Mỹ, châu Âu và châu Úc. Một số vụ nổ quy kết do nitroglycerin làm mấy trăm người thiệt mạng. Trong một số trường hợp có những thùng thuốc nổ được gửi từ các nhà máy của Nobel đặt tại châu Âu. Dư luận rộng rãi lên tiếng cảnh báo, sau đó quốc hội có lệnh cấm hoàn toàn việc vận chuyển chất nổ nguy hiểm. Sau lệnh cấm này, đương nhiên Nobel không thể phát triển được ngành sản xuất của mình và không thể bán được sản phẩm.
Thời gian này là một thử thách đối với Nobel. Báo chí mô tả Nobel như một người đàn ông nguy hiểm nhưng ông vẫn không nhụt chí. Ông đề nghị với thị trưởng New York cho phép quảng bá thử nghiệm nitroglycerin với tên gọi là dầu nổ. Tháng 5 năm 1866, một số vụ nổ thử nghiệm đã được tiến hành tại mỏ đá Manhattan thượng, một khu vực còn kém phát triển lúc bấy giờ. Các vụ nổ thử nghiệm đã tiến hành đúng theo kế hoạch, được đích thân Nobel giám sát chặt chẽ. Sự kiện này đã có tác động tích cực tới những người chứng kiến và tầng lớp dân chúng, thêm vào với việc vận động hành lang đã dấy lên làn sóng đòi xem xét lại lệnh cấm của quốc hội. Bây giờ chỉ còn một việc phải làm là dán những lời cảnh báo vận chuyển chất nguy hiểm lên bao bì sản phẩm. Một ngày sau khi nhận được quyết định cho phép của chính quyền, Nobel và các cộng sự người Mỹ đã thành lập “Công ty chất nổ Hoa Kỳ”.
Mặc dù thời bấy giờ thông tin còn chậm trễ nhưng mọi việc đều tiến triển rất nhanh. Trong thời gian Alfred ở Mỹ, nhà máy tại Đức đã xảy ra một vụ nổ. Ông tức khắc trở về Đức trong tháng 8 để làm rõ nguyên nhân và bắt đầu ấp ủ thực hiện những kế hoạch mới.
Một lần nữa Nobel lại lập một phòng thí nghiệm mới trên một chiếc sà lan. Lần này ông neo sà lan trên sông Enbơ gần khu đổ nát của nhà máy cũ. Không thể chần chừ được. Rõ ràng là vật liệu nổ không an toàn khi vận chuyển hay bảo quản lâu ngày. Vì vậy mà Nobel luôn trăn trở để làm sao có được độ an toàn cho chất nổ và đã tiến hành nhiều thí nghiệm mới. Ông phát hiện ra nitroglycerin có thể giảm nguy hiểm nhờ vật liệu xốp và trộn thêm phụ gia nhằm mục đích an toàn trong khi vận chuyển. Ông đã thử nghiệm một cách có hệ thống một loạt các chất phụ gia như than củi, mùn cưa và ximăng nhưng không thành công.
Cuối cùng, gần như chỉ là tình cờ mà Nobel đã đạt được kết quả mỹ mãn. Tại một vùng đất hoang của nước Đức có một loại cát xốp và có tính chất hút ẩm gọi là kiselguhr. Kiselguhr khi hấp thụ nitroglycerin sẽ tạo thành một dạng keo ướt. Bột keo này có thể định hình thành viên dễ dàng đặt vào lỗ khoan, chịu được chấn động trong quá trình vận chuyển mà không sợ bị nổ, có thể chịu nhiệt mà không xảy ra nổ nếu không có kíp nổ.
Thế là, chất nổ dynamite đã được phát minh. Lúc đầu, Nobel đặt tên như vậy dựa theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sức mạnh”. Các cộng sự người Đức đề nghị đặt tên là “bột nổ”. Năm 1867, ông đã được nhiều nước cấp bằng phát minh ra chất nổ dynamite, quan trọng nhất là Thụy Điển, Anh và Mỹ. Việc sản xuất đại trà đã được tiến hành, nhu cầu về dynamite tăng rõ rệt. Các dự án xây dựng lớn như làm đường sắt, hải cảng, cầu đường, hầm mỏ, đường ngầm... Tất thảy đều cần đến chất nổ như một đặc trưng của thời đại lúc bấy giờ. Ví như việc xây dựng đường hầm Sankt Gotthard qua dãy núi Anpơ trong những năm 1870, chất nổ có vai trò cực kỳ lớn lao.
Năm 1868, một năm sau khi được cấp bằng phát minh, Alfred và cha ông đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Letterstedska, giải thưởng mà Alfred đã ao ước từ lâu. Viện Hàn lâm Thụy Điển ghi rõ giải được tặng thưởng cho “những phát minh quan trọng có giá trị thực tế đối với loài người”. Qua những lời ghi trên những bằng phát minh của Nobel cũng thấy được ảnh hưởng lớn lao từ các thành tựu của ông.
Năm 1873, Alfred bốn mươi tuổi, ông đã có những phát minh quan trọng nhất trong cuộc đời, thành lập Công ty đa quốc gia, có một gia tài và mua một ngôi nhà lớn tại đại lộ Malakoff (sau này đổi tên là đại lộ Poincaré) tại trung tâm thủ đô Paris. Sau đó Alfred tiếp tục phát minh những chất nổ cực mạnh. Công ty của ông tiếp tục phát triển, khối tài sản của ông cũng lớn theo. Ông là một người đa tài, là nhà phát minh, nhà tổ chức và là ông trùm công nghiệp. Ông đã bảo hộ được các bằng phát minh của mình, phát triển sản phẩm của công ty, thành lập nhiều công ty mới và trao đổi thư từ với nhiều nơi trên thế giới bằng năm ngôn ngữ không cần đến thư ký giúp đỡ trong điều kiện thế giới chưa có điện thoại và internet như bây giờ. Ông liên tục đi ký kết hợp đồng bằng phương tiện tàu hỏa hay tàu thủy (thời ấy chưa có máy bay). Khi các nhà máy xảy ra sự cố, nỗi sợ hãi bao trùm khắp nơi. Các công ty bị quy kết là lừa đảo. Tất cả sự việc xảy ra đều một mình ông chèo chống. Ông hiếm khi thật sự khoẻ mạnh, tạng người ốm và mảnh khảnh, luôn than phiền về chứng đau nửa đầu, bệnh thấp khớp và dạ dày. Ông cho rằng “đời là một cuộc chạy đua điên cuồng, luôn bị tra tấn”. Một bức thư do ông gửi từ Paris kể là mọi người đều như những kẻ điên khùng, họ nhảy bổ vào và lao ra khỏi văn phòng của ông, mọi người đều muốn gặp ông và họ mong muốn thấy ông xuất hiện ở mọi nơi ngay lập tức. Ông luôn đương đầu bất chấp tất cả. Riêng với vai trò là nhà kinh doanh thì thời bấy giờ không ai có thể so sánh được với ông.
Luôn luôn lo lắng làm việc là một tính cách trong thiên tài phát minh của Nobel. Ông không hề bằng lòng với thành công của mình. Ông luôn nhanh chóng tìm cách hoàn chỉnh các bản thiết kế. Ngay chất nổ dynamite cũng chưa được hoàn hảo, ông cho rằng sức công phá của nó còn quá yếu. Đến năm 1875 ông đã cải tiến để có được gelignite, một chất nổ cực mạnh.
Một lần, do mải mê với tính toán, Alfred lỡ làm chảy máu tay nên đang đêm phải đến phòng thí nghiệm bôi chất collodion lên ngón tay, chất này tạo thành một màng đàn hồi lên trên vết thương. Ông trầm ngâm nhìn rồi bất ngờ nảy sinh ý định trộn nitroglycerin với chất collodion trong một cái bát. Nitroglycerin lập tức hòa tan và tạo ra một chất giống như thạch. Độ đậm đặc của chất này tùy tỉ lệ pha trộn. Ông tiếp tục thức suốt đêm để tiến hành thí nghiệm. Sáng hôm sau khi các cộng sự đến thì ông đã có thể giới thiệu phát minh mới của mình - chất nổ cực mạnh gelignite. Sức công phá của nó không chỉ lớn hơn nitroglycerin nguyên chất mà còn có tính chất hoá học ổn định, không nguy hiểm nếu chịu lực tác động bất ngờ. Sang năm sau 1876, ông được cấp bằng sáng chế cho phát minh mới của mình.
Trong những năm 1875-1877, tổ hợp công nghiệp đa quốc gia của ông tiếp tục phát triển, Nobel đã phải tổ chức sắp xếp lại một số công ty. Năm 1875, ông xây dựng nhà máy sản xuất chất nổ dynamite tại Pháp. Năm sau công ty Alfred Nobel & Co tại Đức đã phát triển thành công ty DAG.
Mấy năm sau, Nobel phát minh ra thuốc súng không khói mà ông gọi là ballistite nhưng người ta vẫn thường gọi đơn giản là “thuốc súng Nobel”. Loại này dần thay thế thuốc nổ đen phát ra “khói súng” đặc trưng. Bằng cách kết hợp nitro xenlulo và nitro glycerin, Nobel đã có được loại thuốc súng khi nổ sinh ra hơi nước nhiều hơn khói. Năm 1881, tại Sevran Livry ngoại ô Paris, một phòng thí nghiệm nhằm phục vụ cho những phát minh mới của ông được xây dựng nhưng đến năm 1887, sau khi ông có được bằng phát minh đầu tiên tại Pháp, phòng thí nghiệm này chấm dứt hoạt động.
Nobel nghiên cứu nhiều dự án đồng thời cùng một lúc. Từ lĩnh vực cao su, da tổng hợp, thiết kế tàu, máy bay bọc nhôm đến chế tạo tủ lạnh gia đình, sức sáng tạo của ông không bao giờ dừng lại. Ông đã từng viết “Nếu tôi có 300 ý tưởng trong một năm và chỉ một trong số đó được coi là có ích thì tôi cũng đã cảm thấy hài lòng”.
Alfred Nobel không chỉ là nhà khoa học, ông có năng lực tổ chức, nhận thức tài tình bắt kịp với thời đại, đó là những đặc trưng năng động để ông trở thành nhà lãnh đạo ngành công nghiệp thành công.
Nobel luôn cảm thấy phải chịu sức ép về thời gian. Một số phát minh của ông xuất hiện trong thời gian nghỉ ngơi. Bằng sáng chế chưa đủ yên tâm vì có một số vụ nổ bất hợp pháp. Hơn thế, một số bạn hàng của ông lại sử dụng thuốc nổ với mục đích tội phạm. Vì thế, dư luận xã hội đã xôn xao trước những thử nghiệm không thành công của ông.
Tuy nhiên, Nobel không nản lòng. Chiến lược của Nobel là nhanh chóng xâm nhập thị trường và xây dựng các nhà máy sản xuất đại trà, giành lợi thế, vô hiệu hoá khả năng cạnh tranh của các đối thủ. Nhà máy sản xuất chất nổ dynamite đầu tiên tại Mỹ được xây dựng đầu mùa thu năm 1867 tại Rock House Canyon (hẻm núi đá) tại ngoại ô thành phố San Francisco. Lúc này, nhu cầu của thị trường lên cao nên chỉ sau hai năm hoạt động đã phải mở rộng nhà máy. Nobel cũng đã được chính phủ Anh cấp bằng phát minh vào đầu mùa xuân năm 1867, nhưng đã có một số vấn đề nảy sinh bất chấp một số buổi thử nghiệm thành công tại Surrey vào mùa hè năm đó. Mãi đến năm 1871, sau khi một loạt sự kiện rắc rối được giải quyết, “Công ty chất nổ dynamite Anh” mới được thành lập. Sau khi xây dựng xong cơ sở sản xuất tại Anh, ông bắt tay xây dựng ngay một nhà máy tại Ardeer, bờ biển miền tây Scotland. Giám đốc điều hành công ty này là John Downie là người bạn trung thành của ông. Nobel vẫn giành nhiều thời gian cho hoạt động của công ty này. Như thường lệ, ông đã lập một phòng thí nghiệm riêng tại đây, mua một ngôi nhà tại làng Lauriston và sống liên tục ở đó trong những năm 1870.
Tại nước Pháp, Nobel cũng gặp phải những khó khăn không ít. Trước đó, đã từng có lệnh cấm sản xuất chất nổ dynamite. Sau đó cuộc chiến tranh Pháp - Phổ 1870-1871 nổ ra nên người Pháp đã thay đổi chính sách. Năm 1871, chỉ trong một thời gian kỷ lục, một nhà máy được xây dựng tại Paulille, miền nam nước Pháp có sự cộng tác với người bạn Pháp là Paul Barbe, một công trình sư và là sĩ quan pháo binh. Tuy nhiên, cuối mùa xuân năm đó đã xảy ra sự kiện Công xã Paris và lực lượng tự do đã dùng chất nổ để đe doạ các nhà chính trị. Đến mùa thu, chính phủ Pháp cấm tư nhân sản xuất vận chuyển chất nổ dynamite và các chất gây nổ khác. Nobel và Barbe không chỉ đơn độc là những người phản đối lệnh này mà còn được các chủ mỏ, các nhà thầu xây dựng đường hầm, các công ty đường sắt ủng hộ. Sau khi có sự vận động hành lang mạnh mẽ và tranh luận chính kiến, lệnh cấm đã bị dỡ bỏ vào tháng 3 năm 1875.
Từ năm 1871-1873, Nobel đã thành lập mười nhà máy tại 9 nước. Tới năm 1873, các nhà máy của Nobel đã có mặt tại 17 quốc gia trên thế giới. Ngoài những nước đã đề cập ở trên, các nhà máy khác được đặt tại Áo, Tây ban nha, Thuỵ Sĩ, Italia và Bồ Đào Nha.
Trong những năm từ 1875 đến 1883, Nobel đã phải làm việc cật lực. Đầu tiên, ông đưa tất cả các nhà máy ở từng nước vào một công ty chủ quản, tiếp đó nhập vào công ty xuyên quốc gia. Trước đó không lâu, John D. Rockefeller đã hợp nhất tất cả các công ty dầu lửa của mình thành công ty xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới với tên gọi “Công ty dầu lửa tiêu chuẩn”.
Công ty xuyên quốc gia đầu tiên của Nobel bao gồm các công ty đặt tại Anh và Đức được gọi là “Công ty trách nhiệm hữu hạn xuyên quốc gia sản xuất chất nổ Nobel” có trụ sở đặt tại London, có vốn điều lệ lên tới hai triệu bảng Anh. Công ty xuyên quốc gia thứ hai là “Hiệp hội chất nổ dynamite trung ương” liên kết những nhà máy tại các nước miền nam châu Âu có trụ sở đặt tại Paris với số vốn điều lệ lên tới 16 triệu phơrăng. Hiệp hội này bao gồm các nhà máy đặt tại Pháp, Italia, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đến năm 1896, khi Nobel mất, các Công ty xuyên quốc gia của ông có mặt tại khoảng 20 nước. Chất nổ các loại được chế tạo theo những sáng chế của ông tại hàng trăm nhà máy khắp nơi trên thế giới.
Ngoài công việc của mình, Alfred còn tham gia vào các hoạt động kinh doanh của hai người anh của mình là Robert và Ludvig tại Nga. Sau vụ phá sản của người cha họ đã tập trung khôi phục sự nghiệp và đã thành lập một xưởng sản xuất tại Saint Peterburg. Sau đó họ chuyển hướng sang lĩnh vực dầu lửa và đã thiết lập một mạng lưới các mỏ dầu lớn tại Bacu, Azerbaijan. Họ đã đóng được một chiếc tàu chở dầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Alfred gia nhập Công ty dầu lửa với tư cách là một bạn hàng và là người bảo trợ tài chính. Ông Ludvig chịu trách nhiệm nhập khẩu chất nổ dynamite vào nước Nga. Sự cộng tác giữa các anh em nhà Nobel tiến triển tốt và có hiệu quả.
Những năm tháng cuối đời, Nobel trăn trở về chiến tranh và hòa bình. Người ta cho rằng ông đã lập nên giải thưởng hòa bình do lương tâm bị cắn rứt vì ngành công nghiệp vũ khí của mình. Trong những buổi tiếp xúc của ông với Bertha von Suttner -nhà vận động hòa bình, ông thường thảo luận về chủ đề hòa bình và thường tự biện hộ những chỉ trích về các hoạt động của mình. Có lần ông nói “Các nhà máy của tôi cũng có thể coi là có ích. Nó làm cho chiến tranh kết thúc nhanh hơn hội nghị đàm phán của các ông. Khi hai đội quân có sức mạnh tương đương có thể nhanh chóng tiêu diệt lẫn nhau thì hai dân tộc có hiểu biết sẽ thương lượng giải giáp quân đội”. Sau các cố gắng của Bertha von Suttner, Nobel đã có những gắn kết với hoạt động hòa bình. Ông đã trở thành thành viên của Hội Hòa bình Áo và đã trợ giúp tài chính cho hội hoạt động. Cuối cùng ông nhận thấy phong trào hòa bình còn thiếu chương trình hoạt động thiết thực. Ông ủng hộ ý tưởng thành lập một toà án quốc tế để giải quyết xét xử những vấn đề tranh chấp quốc tế. Trong thời gian mười hai tháng khi đang giải quyết đàm phán, các bên tham gia chiến sự bị cấm sử dụng vũ lực. Thậm chí, Nobel đã tuyển dụng một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tên là Aristarchi Bey làm trợ lý để thông báo và giúp đỡ ông những vấn đề về hòa bình.
Năm 1888, trên một tờ báo Pháp đã công bố về cái chết của Nobel, nhầm lẫn giữa Alfred Nobel với Ludvid Nobel - người anh của Alfred và nhận xét có ý chê trách Alfred Nobel là “thần chết”. Bản cáo phó với đầu đề: Nhà buôn cái chết đã chết với những dòng nhận xét: “Tiến sĩ Alfred Nobel, người trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua.” Theo một giả thuyết, có lẽ sự nhầm lẫn về bản cáo phó này càng khiến Nobel thấy bị tổn thương vì phát minh thuốc nổ của ông đã được sử dụng cho mục đích dã man.
Trong những năm cuối đời, Alfred có nhiều bất động sản. Năm 1890, sau khi có một số vấn đề rắc rối với nhà chức trách Pháp, ông rời Paris định cư tại San Remo, Italia. Bốn năm sau, ông mua xưởng đúc gang Bofors và một nhà máy vũ khí tại Thụy Điển rồi xây một biệt thự gần thái ấp Bjorkborn, Thụy Điển. Tại tất cả các dinh cơ của ông đều có phòng thí nghiệm vì thế dù ở đâu ông vẫn có thể làm việc liên tục. Ông bày tỏ lòng nhớ Thụy Điển mỗi khi xa quê hương nhưng có than phiền về mùa đông khắc nghiệt của tổ quốc. Lúc này, tình hình sức khoẻ của ông bắt đầu giảm sút nghiêm trọng. Ông đã phải mời bác sĩ đến nhà thường xuyên nhưng không bao giờ chịu làm điều quan trọng nhất là “nghỉ ngơi và chăm lo sức khoẻ cho bản thân”.
Trước đó, Nobel đã nhờ các cộng sự trẻ tuổi của mình là Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist là những người thừa hành chúc thư. Đây là một công việc phức tạp. Các cổ phần được bán. Một loạt các công ty tại các nước thì gặp phải việc liệt kê không chính xác. Lúc này rất cần có sự giúp đỡ hợp pháp. Ngoài ra, chúc thư còn gặp phải sự chống đối của một số thành viên trong gia đình. Ngay cả Oscar II, vua Thụy Điển và Na Uy cũng phản đối ý tưởng giải thưởng sẽ được trao cho cả những người không thuộc quốc tịch Thụy Điển hoặc Na Uy. Tuy nhiên, sau một cuộc vận động dàn xếp kéo dài năm năm liền thì tất cả đã ổn thoả.
Chúc thư của Nobel chỉ gồm vài trang giấy viết tay. Sau khi liệt kê những phần dành cho người thân và cộng sự gần gũi. Ông cho biết phần còn lại của gia tài dành để “Lập nên một Quỹ giải thưởng, bắt đầu từ năm sau trao tặng cho những người có cống hiến lớn nhất cho lợi ích của loài người” trong các lĩnh vực vật lý, hoá học, sinh lý học hoặc y học, văn học và công cuộc củng cố hòa bình. Các giải thưởng về vật lý và hoá học do Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển trao. Giải về sinh lý học hoặc y học do Trường Đại học Karolinska tại Stockholm trao. Giải về văn học do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao. Những người được xét nhận giải thưởng hòa bình do một uỷ ban được Quốc hội Na Uy chỉ định sẽ tiến hành bình chọn.
Ngày 27 tháng 11 năm 1895 tại Câu lạc bộ Thụy Điển – Na Uy ở Paris, Nobel đã ký chúc thư để phần lớn số tài sản thành lập các giải Nobel, trao hàng năm cho bất kỳ ai không phân biệt quốc tịch. Số lượng tiền mặt giành cho Quỹ Giải Nobel là 31 triệu kronor (4.223.500,00 USD).
Thực tế, Alfred Nobel đã viết nhiều bản di chúc trong cuộc đời mình. Bản cuối cùng ông viết vào ngày 27 tháng 11 năm 1895, một năm trước khi ông mất. Ông kí tên trong một quán bar ở Paris. Trong bản di chúc, Alfred đã dành 94% trị giá tài sản (khoảng 2 000 000 bảng Anh) và lấy lãi hàng năm để lập nên 5 giải Nobel (vật lý, hóa học, hay y học, văn học, và hòa bình) cho “những ai, trong những năm trước khi giải được trao đó, đã đưa đến những lợi ích nhất cho con người.”
Ba giải Nobel đầu tiên giành cho những gương mặt nổi bật trong khoa học vật lý, trong hoá học, trong sinh lý học hay y học; giải thứ tư là dành cho các tác phẩm văn học “theo một định hướng tư tưởng” và giải thứ năm được trao cho cá nhân hay tổ chức có thành tích tốt nhất phục vụ cho tình thân thiện quốc tế, ngăn chặn hay giảm bớt các đội quân thường trực, thành lập hay xúc tiến sự tiến triển hòa bình.
Giải văn học được định nghĩa “theo một định hướng tư tưởng” khá khó hiểu và gây ra nhiều tranh cãi. Trong nhiều năm, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã diễn giải “ideal – tư tưởng” mang nghĩa “duy tâm hay lý tưởng” và coi đó là lý do để từ chối trao giải cho những tác giả quan trọng nhưng kém phần lãng mạn, như Henrik Ibsen, August Strindberg và Lev Nikolayevich Tolstoy.
Các cơ quan được Nobel chỉ định trao giải thưởng vật lý và hoá học cũng có khá nhiều cách diễn giải ý kiến của ông, bởi ông không tham vấn ý kiến của họ trước khi quyết định uỷ thác trách nhiệm. Trong một bản chúc thư dài một trang ông đặt điều kiện rằng số tiền không được trao cho những khám phá hay phát minh trong khoa học vật lý và những khám phá hay những cải tiến trong hoá học. Ông đã mở một cánh cửa cho những giải thưởng kỹ thuật, nhưng ông không để lại những hướng dẫn về việc làm thế nào phân biệt giữa khoa học và kỹ thuật. Bởi các cơ quan có quyền quyết định trao giải trong những lĩnh vực đó quan tâm nhiều tới khoa học hơn kỹ thuật nên không có gì ngạc nhiên khi các giải thưởng đều được trao cho những nhà khoa học chứ không phải các kỹ sư, kỹ thuật viên hay những nhà phát minh khác.
Năm 2001, cháu trai của ông - Peter, đã yêu cầu Ngân hàng Thụy Điển phân biệt giải thưởng giành cho các nhà kinh tế học trao “để tưởng nhớ Alfred Nobel” với năm giải thưởng kia. Điều này đã gây nhiều tranh cãi về việc liệu giải thưởng trao trong lĩnh vực kinh tế hiện nay có phải là “Giải Nobel” hay không.
Không có giải Nobel cho toán học. Có lời đồn đại cho rằng Nobel đã quyết định không thành lập giải Nobel Toán học vì một phụ nữ - được cho là người tình, vợ hay vợ chưa cưới – đã từ bỏ ông để đi theo một nhà toán học nổi tiếng, thường được cho là Gösta Mittag-Leffler. Không hề có bằng chứng lịch sử xác nhận lời đồn này vì Nobel không bao giờ kết hôn.
Trong chúc thư của mình, ông viết:
Tất cả tài sản còn lại của tôi được thực hiện như sau đây: Số tiền vốn sẽ được người thực hiện di chúc đầu tư vào các nguồn an toàn và lập nên quỹ, lợi nhuận nói trên được chia thành các giải thưởng cho những ai trong những năm trước khi nhận giải đã phục vụ tốt cho nhân loại. Lợi nhuận nói trên được chia ra làm 5 giải thưởng bằng nhau, chia ra như sau: một phần cho người có phát hiện hay phát minh quan trọng nhất trong lĩnh vực vật lý; một phần cho người có phát hiện và phát triển quan trọng nhất trong hóa học; một phần cho người có phát hiện quan trọng nhất trong lĩnh vực sinh lý học hay y học; một phần cho người có sáng tạo trong lĩnh vực văn chương, tác phẩm nổi bật nhất với khuynh hướng lý tưởng hóa; và một phần cho người đã đóng góp nhiều nhất hay tốt nhất cho tình anh em giữa các dân tộc, cho sự xóa bỏ hay giảm thiểu quân đội thường trực và cho sự giữ gìn và tăng tình hữu nghị giữa các nước.
Giải thưởng cho vật lý và hóa học sẽ do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng; cho sinh lý học hay y học do Viện Caroline ở Stockholm; cho văn chương do Viện Hàn lâm Stockhohm; và cho người đóng góp vì hòa bình do ủy ban 5 người được Quốc hội Na Uy bầu. Trong di chúc của tôi có nói rõ ràng rằng giải được trao không phân biệt quốc gia của người nhận, vì thế người xứng đáng nhận giải nhất sẽ nhận giải, dù cho người đó có là người Scandinavi hay không.
Chúc thư được công bố đã làm dư luận trên thế giới xôn xao. Người ta cho rằng không thể trao tặng một số tiền lớn như thế chỉ vì những lý do khoa học và nhân đạo. Nhiều người chỉ trích tính quốc tế của giải thưởng chỉ nên được trao cho những người có quốc tịch Thụy Điển. Điều này không phù hợp với một người đã từng có nhiều hoạt động quốc tế như Nobel. Một số thành viên gia đình phản đối chúc thư, một số tình trạng rắc rối về hành chính đã được giải quyết. Phải mất một thời gian dài mới thu xếp các vấn đề ổn thoả và lễ trao giải Nobel đầu tiên đã được tiến hành vào năm 1901.
Từ đó, Quỹ giải thưởng Nobel được coi là tổ chức trao giải dân sự cao nhất thế giới. Việc thông báo tên người sẽ được nhận giải được công bố vào mùa thu hàng năm, lễ trao giải được tiến hành vào tháng 12 tại Stockholm và Oslo có sự hiện diện của các quan chức quốc tế và hoàng gia đã trở thành một sự kiện có uy tín xã hội.
Lễ trao giải Nobel được tiến hành tại Na Uy và Thụy Điển. Tại Oslo, giải thưởng hòa bình được tổ chức trong một nghi lễ trang trọng có sự hiện diện của nhà vua và hoàng hậu Na Uy. Quan chức cấp cao có mặt sẽ trao bằng chứng nhận giải thưởng cho người được giải.
Tại Stockholm, lễ trao giải thưởng Nobel là một sự kiện xã hội hoành tráng nhất trong năm. Buổi lễ được tổ chức tại một lâu đài lớn tại Stockholm, nhà vua Thụy Điển trao giải thưởng cho những người được nhận trong các lĩnh vực vật lý, hoá học, y học hay sinh lý học và văn học cùng với giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ tới Nobel. Cũng như tại Oslo, buổi lễ kèm theo có chương trình ca nhạc đặc biệt. Ngay tối hôm đó, một bữa tiệc long trọng được tổ chức tại Toà thị chính Stockholm với khoảng 1.350 khách. Cả lễ trao giải và buổi tiệc đều được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới.
Giải Nobel là một giải thưởng quốc tế được tổ chức hằng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hoá học, y học, văn học và hòa bình; đặc biệt là giải hòa bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân. Vào năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào một giải về lĩnh vực khoa học kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel. Kết quả đoạt giải được công bố hằng năm vào tháng 10 và được trao (bao gồm tiền thưởng, một huy chương vàng và một giấy chứng nhận) vào ngày 10 tháng 12, kỷ niệm ngày mất của Nobel. Giải Nobel được thừa nhận rộng rãi như là giải thưởng danh giá nhất một người có thể nhận được trong lĩnh vực được trao.
Trong cuộc đời mình, Nobel đã có 355 bằng phát minh được cấp mang tên ông. Ông đã xây dựng khoảng 90 nhà máy tại 20 nước. Chính vì thế mà không lấy làm lạ là số tiền dành để lập quỹ giải thưởng Nobel vô cùng lớn, khoảng 31 triệu cua-ron Thụy Điển lúc bấy giờ. Tiền lãi được sử dụng một phần cho giải thưởng và một phần để tăng ngân sách cho quỹ. Năm 2006, tổng ngân sách của Quỹ giải thưởng Nobel đã lên đến 3,6 tỉ cua-ron Thụy Điển. Số tiền kèm theo một giải thưởng đã lên đến 10 triệu cua-ron Thụy Điển.
Sau khi ông mất, nhiều người tiếp xúc với ông đã kể lại, Nobel là một người có cá tính khác thường, ông không thích hư danh. Tính ông kín đáo, thậm chí còn có phần rụt rè. Ông không muốn sáp nhập các công ty nhỏ thành công ty lớn và thường giảm bớt việc mời mọc những bữa tiệc chính thức. Ông tỏ ra khiêm nhường không thích đánh bóng tên tuổi mình.
Các mối quan hệ của Nobel với gia đình rất tốt. Ông luôn luôn liên hệ chặt chẽ với mẹ và các anh, luôn viết thư, nhớ ngày sinh của họ và chu cấp tiền tương đối rộng rãi. Ông còn quan tâm chu đáo tới các cháu, đón chúng đến ở tại biệt thự của mình tại San Remo. Ông cũng rất khéo léo trong các mối quan hệ xã hội khi có vấn đề phát sinh.
Nobel không có gia đình riêng, gần như sống đơn độc suốt đời. Ông biết Bertha Kinsky (sau này là Von Suttner) từ năm 1876 và nhận cô là thư ký riêng. Ông say mê cô nhưng gần như sau đó không lâu cô đã đi lấy chồng. Cùng năm đó, Nobel gặp một cô gái trẻ ở Viên tên là Sofie Hess. Ông đưa cô theo đến Paris và bố trí cho cô một căn hộ riêng. Ông muốn cô trau dồi năng lực và học thêm tiếng Pháp nhưng mọi việc diễn ra không được suôn sẻ. Sofie luôn bị hấp dẫn bởi những bộ quần áo đắt tiền và những thói quen sang trọng còn tình cảm của Alfred đối với cô dần trở thành tình cảm của bậc cha chú. Ông đã mua cho cô một biệt thự ở vùng núi Anpơ nước Áo rồi khuyên cô nên kết hôn với một sĩ quan kỵ binh. Sau đó, Alfred tiếp tục có khoản trợ cấp hàng năm rất rộng rãi cho Sofie. Trong chúc thư, ông cũng dành riêng cho Sofie một món tiền lớn nhưng cô vẫn chưa lấy làm thoả mãn. Cô đe doạ gây nên một vụ tai tiếng sẽ đưa ra những bức thư tình của Alfred cho người được uỷ quyền thực hiện chúc thư nhằm mục đích chiếm đoạt một số tiền lớn. Cơn lốc về chuyện tình lãng mạn của Alfred đã nhanh chóng bị thêu dệt đầy tai tiếng khiến ông không muốn có quan hệ tình cảm với ai nữa. Ông đã chọn cô đơn làm phương châm sống cho mình. Alfred luôn giữ một khoảng cách trong quan hệ tiếp xúc. Ông thường mô tả mình như một người cô độc, một ẩn sĩ, một người luôn u sầu hoặc ghét đời. Ông đã từng viết: “Tôi là một người chán đời nhưng vẫn luôn có ý định tốt. Tôi hơi lập dị, là người có lý tưởng cao đồng thời cũng lại là một kẻ chán đời”.
Không chỉ là một nhà phát minh, Alfred Nobel còn là một nhà soạn kịch. “Vở Nemesis”, bi kịch bốn hồi về Beatrice Cenci, một phần lấy cảm hứng từ vở kịch thơ năm hồi của Percy Bysshe Shelley The Cenci, đã được in khi ông hấp hối. Toàn bộ số sách đó, trừ ba bản lưu đã bị đốt ngay sau khi ông chết, vì bị coi là một vụ scandal và báng bổ. Cuốn xuất bản lần đầu tiên còn lại (song ngữ tiếng Thụy Điển - Quốc tế ngữ) được xuất bản tại Thụy Điển năm 2003.
Alfred Nobel còn là người đặc biệt quan tâm về văn học. Ông đọc nhiều truyện viễn tưởng, viết nhiều kịch và thơ. Nobel cũng hết sức quan tâm tới các vấn đề triết học. Trong số các giấy tờ để lại có một cuốn sổ tay bìa đen ghi chép về triết học mà đến nay những người viết tiểu sử ông vẫn chưa đề cập đến. Cuốn sổ tay không có gì đáng chú ý nhưng những nét bút chì bộc lộ một sự quan tâm đặc biệt của ông đến triết học. Nobel đã hệ thống sự phát triển triết học từ thời cổ đại đến thời ông sống và nhận định những vấn đề ông cho là đặc biệt quan trọng. Ông đã có những nhận xét, bày tỏ sự hoài nghi theo quan điểm của ông về Platon, Aristotle và Democritus cũng như Newton, Voltaire và các nhà sinh vật học đương thời như Darwin và Haeckel. Ông bày tỏ sự khâm phục về những hoài nghi đối với triết học của Descartes và Spinoza, cho rằng đây là điểm khởi đầu đúng đắn cho mọi triết lý.
Nobel đặc biệt quan tâm tới những vấn đề về tri thức. Ông đã nhiều lần phản biện lý thuyết của Locke cho rằng tri thức bắt nguồn từ những ấn tượng của giác quan mà “bộ não như một cuốn sổ ghi chép ấn tượng có tính linh hoạt cao”. Điều này đã khiến ông có phương pháp làm việc khoa học, ông đã phát triển chuỗi tư tưởng dường như không chỉ ảnh hưởng bởi Locke mà còn bởi Alexander von Humboldt. Ông viết “Mọi vấn đề khoa học đều dựa trên sự quan sát giữa bản chất giống nhau và khác nhau”. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao trùm từ hoá học, lịch sử, địa lý, địa chất, thiên văn học, vật lý như các minh chứng cho học thuyết của ông. “Trên mọi lĩnh vực ta cần xác định sự giống và khác nhau trước khi có thể tiến hành phân loại và so sánh cũng như phân tích. Chỉ có một môn loại trừ điều luật này là thần học. Thậm chí đối với siêu hình học, nếu không điên khùng quá mức, vẫn có thể xác nhận các loại theo kiểu loại suy. Có một điều không thể cường điệu, trọng tâm của kiến thức loài người là nhận xét và tìm tòi những sự giống và khác nhau”.
Nobel mất sau một cơn đột quỵ ngày 10 tháng 12 năm 1896 tại Sanremo, Ý. Thi hài Alfred Nobel được chôn cất tại Norra begravningsplatsen ở Stockholm.