G
iotto, tên đầy đủ Giotto di Bondone, là một họa sĩ và kiến trúc sư, ông được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thời kỳ Phục Hưng Ý.
Giotto từng học những danh họa đương thời như Cimabue, Cavallini, Arnolfo di Cambio, Nicola, Giovanni Pisano, nhưng ông không bắt chước một ai cả. Các nhân vật trong tranh của ông được cá biệt hóa bằng những cử chỉ biểu hiện sự hân hoan, nỗi khát khao, sự đau đớn, nỗi buồn sâu lắng. Lối vẽ tranh ấy của ông từ sau 1350 trở đi được gọi là “Trường phái Giotto”. Ông được coi là một trong những họa sĩ Ý vĩ đại nhất, là một trong những người tạo lập truyền thống trung đại của hội họa phương Tây.
Trong số tác phẩm mà Giotto để lại cho hậu thế có bích họa “Thánh Francois” ở nhà thờ Thánh Francois ở Assise, bích họa “Phán xét cuối cùng”, bích họa “Truyền tin” ở giáo đường Scrovegni ở Padoue. Ông được coi là người tiên phong mở đường thời Phục Hưng ở Ý.
Tranh của Giotto bắt đầu có sự khám phá không gian trong tranh. Là một người theo chủ nghĩa tự nhiên hơn hẳn những người khác, ông có tài trong việc mô tả những điểm tương đồng trong cuộc sống. Giotto cũng thể hiện tài năng phi thường trong việc mô tả hành động, nhất là trong các bích họa mô tả cuộc đời của Đức Kitô. Ông là họa sĩ vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Tây phương đã mở đầu cho một lối vẽ khác - khép lại mười mấy thế kỷ nghệ thuật Trung cổ, mở đầu cho thời đại Phục Hưng và dẫn nghệ thuật phương Tây vào kỷ nguyên hiện đại.
Bằng tác phẩm của mình, ông đã tách khỏi sự cách điệu hóa của nghệ thuật “Bi dăng tin”, hướng nghệ thuật đến những tư tưởng mới của chủ nghĩa tự nhiên, sáng tạo cảm thức vững chắc về không gian - như mắt thường nhìn thấy trước thế giới kinh nghiệm - trong hội họa. Khác hẳn với nghệ thuật “Bi dăng tin” vốn chỉ là những ước lệ tượng trưng mang tính minh họa trải rộng trên mặt phẳng hai chiều và hầu như không hề hay biết gì về phép phối cảnh, hình diện trong tranh ông đã mang dáng dấp của hình ảnh cuộc sống thực tế. Qua tranh ông, lần đầu tiên người ta nhận thấy có sự nhận thức mới về tính ba chiều và tính vật chất của thế giới sự vật, trong khi thể hiện những sự kiện thiêng liêng ông tạo cảm giác có sức nặng tinh thần thay vì hào quang thần thánh.
Không có nghệ sĩ nào có khả năng đi thẳng vào trọng tâm câu chuyện thể hiện tinh thần của nó với cử chỉ, vẻ mặt của nhân vật với sự vững tâm chính xác như ông... Với cách nhìn và cách vẽ như vậy, Giotto đã khẳng định tư cách chủ thể sáng tạo nơi con người nghệ sĩ. Đây là điều rất mới vì hầu hết các nghệ sĩ Bi dăng tin đều phải ẩn danh, dấu ấn trong tranh chủ yếu vẫn là các qui phạm thần học hết sức nghiêm ngặt do Giáo hội quy định.
Trong bức tranh “Chân dung đức tin”, cử chỉ của Thánh Gioan với động tác mãnh liệt trong bức tranh, khi cúi mình về phía trước, đôi tay giang rộng tạo cho người xem cảm giác về không khí và không gian, chuyển động của nhân vật. Các nhân vật ở tiền cảnh cho thấy nghệ thuật của Giotto hoàn toàn mới mẻ. Ông cho thấy cách mỗi nhân vật biểu lộ vẻ đau buồn trước cảnh tang tóc, quá thuyết phục đến nỗi có thể cảm nhận được cũng một nỗi buồn đau nơi các nhân vật đang phủ phục hay cúi mình mà ta không thấy mặt... Theo đánh giá của các nhà phê bình, đương thời, bức tranh này là cả một cuộc cách mạng trong hội họa.
Thật dễ nhận ra sự giống nhau giữa hình ảnh của các nhân vật trong tranh với những tác phẩm điêu khắc Gothic nhưng đây không phải tượng mà là một bức họa, đem lại ảo giác như một bức tượng chạm nổi. Lối vẽ thu ngắn nơi cánh tay, cách tạo hình khuôn mặt và cổ, bóng đậm của những nếp y phục đổ xuôi, không có gì giống thế suốt một ngàn năm qua. Giotto đã tái khám phá nghệ thuật tạo cảnh ảo về chiều sâu trên một mặt phẳng. Phát hiện này của ông không chỉ là một kỹ xảo được trình bày trong tranh mà là sự thay đổi toàn bộ quan niệm về hội họa. Thay vì sử dụng các phương pháp của tranh minh họa, họa sĩ có thể tạo ảo cảnh để câu chuyện như đang xảy ra trước mắt ta.
Không chỉ là người mở đầu cho một lối vẽ khác, Giotto còn là đỉnh cao chói lọi nhất trong nền nghệ thuật đương thời với lối vẽ mới mẻ đó. Những bích họa vẽ trên tường nhà thờ San Francesco ở Assisi, nhà nguyện Arena ở Padua và nhà thờ Santa Croce ở Florence của Giotto là những tác phẩm thực sự vĩ đại, đã làm choáng ngợp tâm trí người đương thời.
Các tác phẩm bích họa của ông ở nhà thờ Scrovegni Chapel ở Padua, thường được gọi là Arena Chapel, mô tả cuộc đời của Đức mẹ đồng trinh và chúa Jesus được xem là một trong những kiệt tác của thời kỳ đầu Phục hưng. Các nhân vật trong tranh đã được cá biệt hóa bằng những cử chỉ biểu hiện sự hân hoan, nỗi khát khao, sự đau đớn, nỗi buồn sâu lắng.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử hội họa, tranh của Giotto đã là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho rất nhiều họa sĩ vĩ đại sau này như Masaccio, Michelangelo. Hầu hết sách lịch sử mỹ thuật phương Tây đều có khái niệm Giottesques, bắt nguồn từ tên ông, một khái niệm dùng để chỉ phong cách nghệ thuật phổ biến nhất ở châu Âu thế kỷ XIV, cho thấy tầm ảnh hưởng của Giotto rộng lớn như thế nào.
MỘT SỐ GIAI THOẠI
Thần đồng Giotto
Từ nhỏ Giotto đã tỏ ra rất thông minh lanh lợi khiến cha và bà con xóm giềng đều rất yêu quý cậu. Năm lên 10 Giotto được cha giao chăn cừu. Suốt ngày, cậu bé vừa canh đàn cừu vừa lấy que vẽ lên đất những gì cậu nhìn thấy xung quanh.
Một hôm trong khi Giotto đang dùng một viên đá nhọn vẽ những con cừu trên mặt đất, một khách bộ hành dừng lại quan sát. Kinh ngạc trước tài vẽ của cậu bé, người khách lạ hỏi cậu có muốn theo ông học vẽ không. Giotto trả lời nếu cha đồng ý thì được. Người khách lạ đến gặp cha Giotto. Sau khi ông ta xưng danh và ngỏ lời muốn đưa Giotto về Florence để dạy vẽ, cha Giotto đã ưng thuận. Người khách lạ đó là chính là Cimabue.
Có lần, trong khi Cimabue vắng mặt, Giotto đã vẽ một con ruồi lên mũi một nhân vật trong bức bích họa Cimabue đang vẽ dở trong nhà nguyện. Con ruồi giống thật đến mức, khi quay lại, Cimabue tưởng đó là con ruồi thật, đã lấy tay xua mấy lần.
Với năng khiếu bẩm sinh cùng cảnh sống của người chăn cừu, cậu bé Giotto có thể vẽ những con cừu nhìn sống động như chúng đang thực sự đứng trước chúng ta. Nhìn tranh của học trò vẽ, Cimabue phải thốt lên:
- Cậu sẽ là một họa sĩ vĩ đại hơn tôi.
Vòng tròn hoàn hảo của Giotto
Trong số các tác phẩm Giotto đã vẽ ở Florence có bích họa tại nhà nguyện Podesta thuộc Palazzo del Bargello. Trong bích họa này Giotto đã vẽ chân dung người bạn thân của mình, đại thi hào Dante Alighieri. Đây là chân dung đầu tiên của người được coi là cha của tiếng Ý, và là chân dung duy nhất của Dante được vẽ từ mẫu thực. Sau bức bích họa này Giotto được mời vẽ bích họa tại tu viện Thánh Francis ở Assisi. Tác phẩm này đã khiến danh tiếng của Giotto bay tới Rome.
Khi đó giáo hoàng Boniface đang phái sứ giả đi tìm danh họa vẽ cho tu viện San Pietro tại Rome. Sứ giả yêu cầu mỗi họa sĩ gửi vài bức tranh để đem về trình giáo hoàng. Khi sứ giả tới xưởng vẽ của Giotto ở Florence đề nghị ông gửi tranh cho giáo hoàng xem, Giotto nhúng bút lông vào vermilion, vẽ ngay một vòng tròn hoàn hảo lên giấy, rồi bảo sứ giả cầm về cho giáo hoàng. Sứ giả bối rối hỏi:
- Chỉ có thế này thôi sao?
Giotto đáp:
- Thế là quá đủ. Ông hãy đem nó cùng với các bức tranh các họa sĩ khác vẽ về trình đức giáo hoàng xem ngài có hiểu không.
Kết cục, giáo hoàng đã chọn Giotto làm họa sĩ vẽ bức bích họa của tu viện. Hoàn thành bức bích họa tại tu viện San Pietro, Giotto được giáo hoàng trả 600 ducats vàng (một ducat vàng có 3.545 grams vàng 99.5%), và ban nhiều ân huệ khác, khiến danh tiếng của Giotto lan truyền khắp nước Ý.
Bức tranh tả vương quốc
Giotto quay về Florence. Vua Robert xứ Naples đã viết thư bảo con trai mình là Charles, vua xứ Calabria, khi đó đang ở Florence, phải tìm mọi cách mời bằng được Giotto về Naples.
Giotto nghe tiếng vua Naples đã lâu nên vui mừng dọn tới Porte Reale ở Naples. Tại đây ông đã vẽ nhiều tranh cho nhà vua. Nhà vua rất quý Giotto và thường tới xưởng vẽ để trò chuyện với ông.
Có lần nhà vua đặt Giotto vẽ một bức tranh tả vương quốc của mình. Giotto vẽ một con lừa đang thồ một chiếc vương miện lớn nặng trĩu trên lưng. Cạnh chân con lừa là cây quyền trượng cũng to lớn và nặng không kém. Khi nhà vua hỏi ý nghĩa bức tranh, Giotto đáp:
- Thưa nhà vua! Đây là vương quốc đang mong chờ một quân vương mới.
Giotto thắng kiện
Một lần, một gã xuất thân thấp kém tới đặt Giotto vẽ binh khí lên chiếc khiên của y như thể y là người thuộc dòng dõi hoàng tộc Pháp. Giotto phác thảo các binh khí lên chiếc khiên rồi bảo học trò hoàn thành nốt. Chiếc khiên được vẽ xong, gã khách hàng chê xấu, không chịu trả tiền. Giotto tức giận nói:
- Ông bảo ta vẽ binh khí, thì ta đã vẽ tất cả binh khí đây. Ông có biết binh khí là cái gì không? Bản thân ông dùng binh khí gì? Ông xuất thân từ đâu ra? Tổ tiên ông là ai?...
Gã kia kiện Giotto ra tòa, lấy cớ Giotto đã làm hỏng chiếc khiên của mình. Tại tòa Giotto đòi gã khách trả ông 2 florins (1 florin = 7 Florentine lire). Với những lập luận đúng tòa phán gã khách phải chấp nhận chiếc khiên đã được vẽ và phải trả Giotto 6 lire.
Sáng tạo ra trong bóng tối
Sinh thời Giotto là người có tướng mạo dị thường. Thi hào Boccaccio có lần nói thành Florence không có ai xấu xí hơn Giotto và còn cho biết tướng mạo các con của Giotto cũng không hơn gì cha.
Trong một lần tới thăm Giotto vẽ bích họa tại nhà nguyện Scrovegni, Dante nhìn thấy các con của Giotto nghịch quanh giàn giáo, đã thốt lên:
- Làm sao một người đã sáng tạo nên các bức hoạ tuyệt vời đến thế lại có thể đẻ ra những đứa con xấu xí như vậy?
Giotto hóm hỉnh:
- Vì tôi sáng tạo ra chúng trong bóng tối.
Xương của đồ tể
Giotto qua đời ngày 8 tháng 1 năm 1337. Trong một cuộc khai quật vào năm 1972 tại Santa Reparata, nguyên là giáo đường Florence, được cho là nơi chôn cất Giotto, người ta tìm thấy bộ xương một người đàn ông khoảng 70 tuổi, thấp lùn, đầu to, mũi khoằm, một mắt lồi hơn mắt kia.
Các kết quả nghiên cứu do nhà nhân chủng học Francesco Mallegni và các cộng sự công bố năm 2000 cho thấy đây là bộ xương của một họa sĩ vì ngấm nhiều arsenic, chì, đồng, kẽm, maganese, sắt, và nhiều chất khác thường có trong bột màu thế kỷ XIV. Xương cổ cho thấy người này hay ngẩng đầu nhìn lên trên (do vẽ các bích họa lớn). Răng cửa bị mòn phù hợp với cách thường xuyên dùng răng ngậm bút lông ngang miệng khi vẽ. Các nhà nghiên cứu Ý khẳng định đó là hài cốt của Giotto.
Ngày 8 tháng 1 năm 2001, dưới sự chủ tọa của Hồng y Slivano Piovanelli, giáo chủ Florence, bộ hài cốt đã được long trọng cải táng tại đại giáo đường Santa Maria del Fiore, cạnh mộ của Brunelleschi - kiến trúc sư thiên tài thời Phục Hưng, người đã khai sinh luật viễn cận tuyến tính.
Tuy vậy một số người khác lại tỏ ra rất hoài nghi. Giáo sư sử học Franklin Toker từ Đại học Pittsburgh nói chắc đó là xương của một gã đồ tể béo phì nào đó.