T
iziano Vecellio sinh tại Pieve di Cadore, một thị trấn nhỏ ở chân núi Dolomites của dãy núi. Cha ông là Gregory, một quân nhân. Anh trai của ông, Francesco cũng là một họa sĩ. Chưa có tài liệu nào ghi lại chính xác ngày sinh của Tiziano, nhưng theo các thông tin hiện có và dựa vào phong cách sáng tác ban đầu của ông, người ta đoán ông sinh vào khoảng năm 1490.
Vào năm lên 10 tuổi, Tiziano đến Venice, thành phố này về sau trở thành một trong những thành phố giàu có và mang tính quốc tế nhất trên thế giới.
Tizianoitian bắt đầu học nghề tại xưởng của người thợ khảm tên là Sebastian Zuccato. Một thời gian ngắn sau đó, ông đến xưởng Gentile Bellini. Sau cái chết của Gentile vào năm 1507, Tiziano đến xưởng của anh trai ông là, Giovanni Bellini, nơi có tiếng tăm tại Venice vào thời điểm đó.
Năm 1511, Tiziano vẽ bức bích họa nổi tiếng tại Scuola del Santo ở Padua. Phong cách của ông bây giờ đã đạt đến độ chín, những tác phẩm ra đời vào thời gian này có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của dòng tranh Venice và kể cả Châu Âu.
Tiziano tinh thông cả về chân dung, phong cảnh cũng như các chủ đề thần thoại và tôn giáo. Tài năng này đã thu hút sự chú ý của những công tước và giới quý tộc trí thức ở Ý.
Khi được giao nhiệm vụ vẽ tranh tôn giáo, Tiziano đánh dấu thành công của chính mình bằng bức bích họa trên bệ thờ cao của nhà thờ Phanxicô của Santa Maria Gloriosa dei Frari ở Venice. Bức Assunta (Đức Mẹ đồng trinh thăng thiên) cao gần 7m, ra mắt vào năm 1518, tạo ra một bước ngoặt mang tính cách mạng trong thiết kế bệ thờ ở Venice.
Giữa năm 1519 và 1526, một bức họa trứ danh nữa ra đời Pala Pesaro, kiệt tác này cũng giành cho nhà thờ nói trên. Sự không đối xứng và thoát khỏi những khuôn mẫu trong tác phẩm làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối trang trí bệ thờ Venice cho tới tận thế kỷ XVIII. Sắc trong sơn dầu, cái tên đầu tiên được nhắc tới là và sẽ là Tiziano.
Đầu năm 1516, Tiziano bắt đầu kết thân với Alfonso I d’Este, Công tước xứ Ferrara và dành nhiều thời gian ở trong lâu đài của Alfonso. Vị công tước này muốn thiết kế một căn phòng riêng trang trí bằng những cảnh thần thoại lấy cảm hứng từ thơ cổ điển.
Công tước mời các họa sĩ mà ông cho là tài hoa nhất thời bấy giờ. Ngoài Tiziano, còn có Raffaello, Fra Bartolomeo và Dosso Dossi. Sau cái chết của Raffaello và Fra Bartolomeo, vai trò của Tiziano tăng lên đáng kể. Tiziano vẽ hai bức Bacchanals (ngày nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Prado, Madrid) cùng với Bacchus and Ariadne (hiện ở trong Thư viện Quốc gia).
Tiziano cũng được mời đến cung điện Mantua. Bắt đầu vào năm 1523, ông vẽ cho Công tước Mantua, Federico II Gonzaga. Tại đây, ông chủ yếu vẽ chân dung cho giới quý tộc Mantua.
Năm 1532, Tiziano bắt đầu làm việc cho Công tước xứ Urbino, Francesco Maria della Rovere và người kế nhiệm của ông này, Guidobaldo II. Trong những năm 1530, ông vẽ tranh cho Đức Giáo hoàng Paolo III Farnese.
Năm 1525, Tiziano kết hôn với Cecilia và có ba người con, mang tên của các nhân vật nổi tiếng thời La Mã cổ đại: Pompey, Horace và Lavinia.
Cuộc gặp gỡ với Hoàng đế La Mã Charles V tại Bologna năm 1530 được xem là sự kiện có tính quyết định trong cuộc đời của Tiziano. Nhân dịp này, Tiziano thực hiện một bức chân dung (hiện giờ đã thất lạc) cao bằng người thật cho Hoàng đế - một ví dụ điển hình của thể loại chân dung cực kỳ sáng tạo tại thời điểm đó.
Ông nhanh chóng trở thành họa sĩ chính cho triều đình, từ đó nhận được nhiều đặc quyền và thậm chí là được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Kể từ đây, ông trở thành họa sĩ hàng đầu của các vương triều trên khắp Châu Âu. Bắt đầu từ khoảng năm 1551, ông đã vẽ loạt tranh thần thoại cho Philip II, con trai vua Charles V, được gọi là poesie.
Loạt tranh poesie bao gồm các tác phẩm: Diana and Actaeon và Diana and Callisto, hiện tại đang nằm trong bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia, cùng với The Death of Actaeon dù trên thực tế bức tranh này vẫn còn dang dở trong studio của Tiziano do ông qua đời trước khi kịp hoàn thành nó.
Vào cuối những năm 1560 và đầu những năm 1570, Tiziano lúc này đã già, những sáng tác của ông mang hơi hướng trừu tượng. Phong cách này sau đó đã được gọi là “ấn tượng ma thuật”. Tất cả điều này được thể hiện rõ qua hai tác phẩm sau cùng của ông, The Death of Actaeon tại thư viện Quốc gia và Pietà, Pietà ban đầu được sáng tác với mục đích dùng trang trí cho ngôi mộ riêng của chính Tiziano trong nhà thờ Santa Maria Gloriosa dei Frari, nơi Tiziano được chôn cất sau khi qua đời vì bệnh dịch hạch vào ngày 27 tháng 8 năm 1576.
Tiziano được tôn vinh là danh họa vĩ đại nhất thời Phục Hưng của Venice và là một trong số những họa sĩ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Từ trước đến nay chưa có một bộ sưu tập hoàn chỉnh nào của Tiziano được công bố, song người ta ước tính các tác phẩm mà danh họa này để lại không thể dưới con số 600.
Ông được xem là bậc thầy về nghệ thuật sử dụng màu sắc và ánh sáng trong tranh. Ông thường sử dụng những cây cọ "lớn như những cây chổi", đôi khi sử dụng cả những ngón tay, để vẽ tranh. Trong số các kiệt tác được trưng bày tại Atlanta, hai bức tranh được dư luận chú ý nhất là những tác phẩm dành riêng cho vua Philip II của Tây Ban Nha - “Diana và Actaeon” và “Diana và Callisto”, được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1556 - 1559. Hai bức tranh được vẽ theo cặp, với nhân vật chính là Nữ thần săn bắn Diana và yếu tố chung độc đáo là dòng suối nhỏ chảy xuyên từ bức tranh này sang bức tranh kia. Nằm trong bộ 6 tác phẩm thuộc chủ đề thần thoại của Tiziano, “Diana và Actaeon'' và “Diana and Callisto'' cũng được coi là tiên phong, điển hình và chuẩn mực của hội họa Venice thời kỳ hoàng kim hồi thế kỷ XVI, trong đó bao gồm các chủ đề thần thoại và tôn giáo.
Nhìn chung, thời gian đầu, phong cách vẽ của ông chịu ảnh hưởng của các họa sĩ tiền bối với cách dựng hình hoạ bố cục bằng bút lông và sơn dầu, vẽ các lớp sơn mỏng, trật tự trong cấu trúc, trừ những chỗ hình đè lên nhau. Hòa sắc thời kỳ đầu của Tiziano khá giống của Giorgione, gồm các màu tươi, nhấn mạnh các điểm sáng, nhiều vàng kim, vàng chanh phủ lên vàng chì, dùng nhiều lớp màu trong phủ trên các màu đục, hoặc hòa trộn các màu song khác với cách vẽ hình các nếp vải gấp hình tam giác của Giorgione, Tiziano ngả theo hướng tìm khối, khiến lối vẽ của ông dần dần gần với phong cách của Sebastiano del Piombo, người hơn Tiziano vài tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn.
Tiziano đã học được từ Sebastiano cách dùng các vệt bút rộng, đậm đặc sơn để vẽ các nếp vải tương phản với nền da thịt nhẵn mịn màng. Tuy nhiên, nhờ tiếp xúc với Giorgione, người trước đó cũng được đào tạo tại xưởng của Giovanni Bellini, mà ông đã định hình phong cách sáng tác ban đầu của mình. Phong cách của Giorgione xuất hiện trong các tác phẩm đầu tay của Tiziano, đặc trưng bởi khung cảnh đồng quê, là bằng chứng về sự gần gũi giữa hai họa sĩ này. Trong những năm 1508 - 1509, cả hai cùng nhau trang trí các bức tường bên ngoài cho Fondaco dei Tedeschi (chợ Đức) ở Venice. Các phần do Tiziano trang trí được những họa sĩ thời bấy giờ đánh giá cao hơn so với của Giorgione.
Kể từ sau sự kiện Giorgione qua đời năm 1510 và Sebastiano del Piombo đến Rome năm 1511, Tiziano phát triển thương hiệu riêng ở Venice. Lúc bấy giờ trong trường phái Venice, Tiziano trở thành không có đối thủ.
Trước đây người ta cho rằng Tiziano vẽ thẳng bằng màu, không cần dựng hình họa bố cục. Nhưng phản xạ tia hồng ngoại cho thấy tất cả các bức tranh đều có hình họa chuẩn bị được vẽ bên dưới. Các hình họa này được vẽ bằng bút lông nhúng sơn dầu đen than hoặc phẩm đỏ.
Khi phác hình như vậy, Tiziano đôi khi dùng đầu bút nhỏ nét, nhưng nói chung, ông ưa dùng bút to đi những vệt hay đường cong ngắn để định vị. Cách vẽ phác bằng các nét đậm, nặng của Tiziano khác hẳn lối vẽ lót nét mảnh chính xác thường thấy trong tranh của các hoạ sĩ Venice đầu thế kỷ XVI. Lối vẽ nét đậm này là đặc trưng của Tiziano, tùy theo mục đích ông có thể tỉa rất chi tiết hoặc chỉ vẽ những mảng lớn.
Một số giai thoại
Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng
Tiziano dùng cả dầu lanh và dầu hạt óc chó. Hai thứ dầu này được xử lý nhiệt cho đặc lại và khô nhanh hơn. Dầu hạt óc chó được dùng vẽ các màu sáng vì ít ngả vàng. Dầu này còn được dùng cho màu láng tím tối. Dầu lanh được dùng để vẽ những chỗ không bị ảnh hưởng nhiều do ngả vàng, như nền nâu, các phần y phục nâu và lục. Sulphate kẽm được dùng để tăng tốc độ khô. Nhựa thông được tìm thấy trong tất cả các mẫu thử nhưng không thể xác định được đó là nhựa của varnish bảo vệ hay nhựa được pha với dung dịch để vẽ các lớp màu trong trên cùng.
Tiziano thích đưa các phần áo trắng vẽ bằng trắng chì vào bố cục để tăng sự phong phú của màu sắc và tạo tương phản với da thịt. Để tạo màu tím quang học của tấm vải áo trong tranh, Tiziano còn láng ultramarine lên màu hồng, sau đó lại láng phẩm đỏ trong lên ultramarine, rồi trên cùng thậm chí ông còn sửa tiếp bằng láng một lớp ultramarine hòa với phẩm đỏ nữa. Kết quả ông đạt được là tấm vải màu tím đỏ rất sâu và phong phú độ chuyển sắc. Để giảm độ chói của màu đỏ vermilion, Tiziano lót bên dưới bằng màu nâu tối hoặc dùng phẩm đỏ trong láng lên trên. Khi vẽ vải đỏ, ông dùng trắng chì rất dày để tạo khối ở các chỗ sáng khi vẽ lót đơn sắc, sau đó láng phẩm đỏ lên trên rồi trộn từ vàng chì - thiếc và đất đỏ. Những chỗ sáng nhất của màu đỏ được vẽ bằng đỏ hùng hoàng. Màu lục là verdigris. Lá cây được vẽ bằng màu nâu pha verdigris, màu chàm và vàng chì và thiếc.
Những nghiên cứu khoa học cho thấy Tiziano đã dùng những họa phẩm rất phổ biến đương thời, vẽ trên canvas được bồi theo phương pháp truyền thống, và dung dịch pha màu chỉ gồm dầu lanh, dầu hạt óc chó, và có thể được pha thêm nhựa cây như Venice turpentine.
Phong cách vẽ của Tiziano luôn theo sát truyền thống. Ông chịu ảnh hưởng từ các bậc đàn anh như Michelangelo, Giorgione, Cima da Conegliano, Sebastiano del Piombo, nhưng phong cách đó đã biến đổi dần theo khí chất riêng của ông. Truyền thống đã chỉ đường cho ông, nhưng không hề trói buộc ông. Ngược lại, nó đã giúp ông có được độ tự do ngày càng lớn. Áp dụng kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp, với một bảng màu hạn chế, ông đã tạo ra những hòa sắc hết sức phong phú khiến hội họa của ông trở thành bất tử.
Nhiều huyền thoại đã lan truyền về kỹ thuật vẽ sơn dầu của Tiziano như cách ông vẽ khí quyển, vẽ các y phục lộng lẫy, và trên tất cả là màu sắc rực rỡ và ấm áp của da thịt trong tranh ông.
Đáng chú ý là bức tranh Danae hay Danae và cơn mưa vàng. Người mẫu cho bức tranh này của Tiziano là Angela, nhân tình của Farnese, đồng thời là một kỹ nữ nổi tiếng thời đó. Tranh vẽ Danae, mẹ của người anh hùng thần thoại Hy Lạp Perseus, đang đón nhận tình yêu từ nhân tình là thần Zeus, dưới dạng một cơn mưa vàng. Cơn mưa vàng là một trong vô vàn cách hóa thân của Zeus khi đi với các người tình.
Trong bức tranh, Danae nằm nghiêng trên chiếc giường xa hoa, phô bày cơ thể gợi cảm, tiền vàng rơi xuống người nàng từ trên cao. Đó là ngụ ý của Tiziano về cách Farnese trả tiền cho người tình chuyên nghiệp của mình.
Trong thời Trung cổ và Phục hưng, Danae được nhìn nhận như một biểu tượng của tiền bạc làm hỏng vẻ đẹp phụ nữ và đạo đức luân lý. Thơ ca cổ Hy Lạp viết về huyền thoại Danae và Zeus: “Vàng nới lỏng mọi dây cương, mở mọi ổ khóa, khiến phụ nữ với đôi mắt đầy khinh miệt của họ phải quỳ gối. Đàn ông cần gì phải cầu xin Nữ thần Aphrodite ban cho tình yêu nữa, một khi họ đã có vàng để đổi chác”.
Bức tranh Danae khi mới vẽ xong rất nổi tiếng. Thậm chí Michelangelo từng đích thân đến studio của Tiziano để chiêm ngưỡng nó. Mặc dù vậy, trên đường về, Michelangelo chế nhạo Tiziano là không biết vẽ, rằng những người yêu nghệ thuật khác đã trả tiền cho Tiziano để vẽ thêm nhiều phiên bản khác.
Nhìn chung, Tiziano là một trong những họa sĩ Ý đa tài nhất, tinh thông cả về chân dung, phong cảnh và các chủ đề thần thoại và tôn giáo. Những phương pháp sáng tác của ông, đặc biệt trong việc áp dụng và sử dụng màu sắc, đã có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với những họa sĩ Ý thời Phục hưng, mà cả với những thế hệ tiếp sau.
Mặc dù phong cách nghệ thuật của Tiziano đã thay đổi nhưng ông vẫn giữ lại sự chú trọng đặc biệt với màu sắc. Tác phẩm sau này của ông không chứa đựng sự mạnh mẽ, màu sắc tươi sáng như những tác phẩm ban đầu nhưng phong cách vẽ lỏng tay và sự biến đổi màu sắc huyền ảo trong tác phẩm của ông là chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật phương Tây.