V
incent van Gogh sinh năm 1853 tại GrootZunert, một làng nhỏ gần thành phố Breda thuộc tỉnh Bắc Brabant phía Nam Hà Lan. Mẹ ông là Anna Cornelia Carbentus và cha ông là Theodorus van Gogh, một giáo sĩ của Giáo hội cải cách Hà Lan. Dòng họ Van Gogh vốn là một dòng họ chuyên buôn bán tranh hoặc làm các công việc có liên quan đến nghệ thuật.
Khi Van Gogh lên bốn thì em trai của ông, Theodorus (Theo) ra đời. Ông còn có một người em trai khác là Cor và ba người em gái là Elizabeth, Anna và Wil. Khi còn bé, Van Gogh là một đứa trẻ trầm tính, ít nói và sâu sắc. Năm 1860 ông theo học ở trường làng Zundert, năm 1861 ông bắt đầu học ở nhà cùng em gái Anna dưới sự hướng dẫn của một nữ gia sư. Năm 1864, Van Gogh lên Zevenbergen để vào học tại một trường nội trú, ông cảm thấy rất đau khổ vì phải xa gia đình và vẫn còn nhắc đến nỗi buồn này kể cả khi đã trưởng thành.
Ngày 15 tháng 9 năm 1866, Van Gogh vào học trường Willem II College tại thành phố Tilburg, tại đây ông được học vẽ dưới sự hướng dẫn của Constantijn C. Huysmans, một họa sĩ đã có đôi chút thành công ở Paris. Tháng 3 năm 1868, Van Gogh bất ngờ bỏ học để quay về nhà. Về sau ông nhắc lại thời niên thiếu của mình như một giai đoạn u tối, lạnh lẽo và cằn cỗi.
Tháng 7 năm 1869, ở tuổi 15, Van Gogh bắt đầu nghề buôn bán tranh tại công ty Goupil & Cie ở Den Haag. Tháng 6 năm 1873 ông được phái đến London. Trong thời gian ở thành phố này ông trọ tại số 87 đường Hackford, Brixton. Đây là thời gian vui vẻ của Van Gogh khi ông thành công trong việc buôn bán. Ông có tình cảm với Eugénie Loyer, con gái của bà chủ nhà trọ, nhưng khi Van Gogh bày tỏ tình cảm thì bị Eugénie từ chối. Vincent van Gogh bắt đầu trở nên cô độc và sùng đạo.
Sau khi được bố và chú gửi đến Paris, Van Gogh bắt đầu biểu lộ sự không hài lòng với việc coi nghệ thuật chỉ là những món hàng. Năm 1876, Van Gogh quyết định chấm dứt công việc buôn bán tranh.
Tình cảm tôn giáo của Van Gogh bắt đầu phát triển tới mức ông nghĩ mình đã tìm được thiên hướng thực sự cho cuộc đời. Thậm chí ông bỏ nghề giáo viên để trở thành trợ tá cho một giáo sĩ của Phong trào giám lý với mục đích đưa sách phúc âm đến khắp nơi.
Năm 1877 ông thi vào khoa Thần học nhưng bị trượt sau đó ông học một khóa ba tháng tại trường truyền giáo đạo Tin Lành.
Năm 1879, Van Gogh trở thành người truyền giáo tạm thời tại một làng ở Petit Wasmes thuộc vùng mỏ than của Bỉ với nhiệm vụ đem lại niềm tin tôn giáo cho những người bất hạnh và tuyệt vọng nhất châu Âu.
Sau đó, Van Gogh phải quay về “nhà" dưới sức ép của gia đình. Thời gian này nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh giữa Van Gogh và cha, cha của họa sĩ thậm chí còn yêu cầu ông phải vào một nhà thương điên. Cuối cùng, ông phải trốn về Cuesmes nơi ông trọ trong gia đình một người thợ mỏ. Càng ngày ông càng cảm thấy hứng thú với những con người bình thường và cảnh vật xung quanh mình và bắt đầu ghi lại những hình ảnh đó bằng những bức vẽ.
Năm 1880, ông đến Bruxelles để theo học họa sĩ Hà Lan nổi tiếng Willem Roelofs, người đã thuyết phục Van Gogh thi vào trường mỹ thuật Hoàng gia. Ở đây ông không chỉ được học về giải phẫu, mà còn biết thêm những quy tắc chuẩn trong việc dựng hình và phối cảnh.
Năm 1885, cha của Van Gogh qua đời. Thời gian này Van Gogh đã hoàn thành tác phẩm được đầu tay của ông, bức “Những người ăn khoai”. Tháng 8 năm ấy các tác phẩm của Van Gogh lần đầu tiên được triển lãm tại Den Haag.
Trong thời gian ở Nuenen, màu sắc ưa thích của Van Gogh là các tông màu đất, đặc biệt là màu nâu tối và nằm ngoài phong cách phổ biến thời đó là các bức họa tươi vui của các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng. Làm việc hai năm ở Nueen, họa sĩ sáng tác rất nhiều bức vẽ và màu nước, ngoài ra còn có gần 200 bức họa hoàn chỉnh.
Tháng 11 năm 1885 Van Gogh chuyển tới Antwerp, thuê một căn buồng nhỏ phía trên một cửa hiệu bán tranh ở phố Rue des Images. Họa sĩ có rất ít tiền và ăn uống đạm bạc, ông dành phần lớn số tiền người em trai gửi cho để mua vật liệu sáng tác và trả tiền cho người mẫu.
Ngoài thời gian sáng tác, Van Gogh nghiên cứu thêm lý thuyết màu sắc và đi chiêm ngưỡng các tác phẩm tại bảo tàng thành phố, đặc biệt là các bức tranh của Peter Paul Rubens, những tác phẩm đã khích lệ họa sĩ trong việc dùng các màu sắc tươi sáng hơn như màu son, màu xanh cô ban và màu xanh lục.
Tháng 1 năm 1886, Van Gogh trúng tuyển vào trường Mỹ thuật Antwerp sau đó chuyển tới Paris và học tại xưởng vẽ của Fernand Cormon. Vincent làm việc vài tháng trong xưởng vẽ của Cormon nơi ông thường tiếp xúc với họa sĩ người Úc John Peter Russell cũng như hai họa sĩ người Pháp là Émile Bernard và đặc biệt là Henri de Toulouse - Lautrec.
Trong thời gian này ở Paris, hai triển lãm lớn của các họa sĩ tiên phong trong trường phái Ấn tượng đã được tổ chức ở thủ đô nước Pháp nhưng ông cảm thấy khó khăn trong việc nắm bắt tinh thần của các tác phẩm đang được ưa chuộng này.
Năm 1888, Gauguin đến Arles theo lời mời của Van Gogh. Trong suốt tháng 11 hai họa sĩ làm việc cùng nhau, cũng trong tháng này Van Gogh đã sáng tác bức tranh nổi tiếng “Cánh đồng nho đỏ”. Tuy nhiên sau đó tình bạn của hai người trở nên xấu đi vì những xung đột về nghệ thuật. Van Gogh sợ Gauguin sẽ rời bỏ ông, căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 23 tháng 12 năm 1888 khi Vincent đuổi theo Gauguin với một lưỡi dao cạo trong tay và sau đó tự cắt phần dưới tai trái của chính mình, gói nó vào một tờ báo, đưa cho cô gái Rachel ở nhà thổ trong vùng và yêu cầu cô này giữ cẩn thận. Cuối cùng thì Gauguin vẫn rời Arles và không bao giờ gặp lại Van Gogh nữa. Van Gogh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, liên tục phải đến bệnh viện vì gặp ảo giác, ông còn mắc chứng hoang tưởng khi nghĩ mình bị đầu độc. Sau khi nhận được yêu cầu từ những người hàng xóm, cảnh sát đã quyết định đóng cửa ngôi nhà của Van Gogh.
Năm 1889 Van Gogh phải nhập viện tại bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole nằm trong một tu viện cũ ở Saint Rémy de Provence không xa Arles. Tu viện nằm cách biệt với thị trấn và ở giữa những cánh đồng ngô, nho và ô liu. Ở đây ông có hai buồng nhỏ trong bệnh viện, một buồng dành riêng làm xưởng vẽ. Trong thời gian chữa trị tại đây, phòng khám và khu vườn của bệnh viện đã trở thành đề tài chính của họa sĩ. Một số tác phẩm của Van Gogh xuất hiện trong thời kỳ này, tiêu biểu là “Đêm đầy sao”.
Năm 1890, Van Gogh được mời tham gia triển lãm tranh của nhóm nghệ sĩ Độc lập ở Paris, họa sĩ Monet đã nhận xét, tác phẩm của Vincent là tuyệt vời nhất trong cả triển lãm.
Năm 1890, tình trạng bệnh của Van Gogh ngày càng trầm trọng. Ngày 27 tháng 7 năm đó, ở tuổi 37, họa sĩ đã bước ra cánh đồng và tự bắn vào ngực bằng một khẩu súng lục. Không nhận ra rằng mình đã bị thương nặng, ông quay trở lại hoàn thành bức tranh “Chân dung Adeline Ravoux”. Hai ngày sau ông qua đời.
Trong cuộc đời, Van Gogh thường xuyên gặp phải các vấn đề về thần kinh, đặc biệt những năm cuối đời. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra trong việc tìm nguyên nhân thực sự cho chứng bệnh thần kinh của họa sĩ và tác động của nó lên các tác phẩm của ông. Người ta đã đưa ra khoảng 30 chẩn đoán khác nhau cho triệu chứng bệnh của Van Gogh, trong đó phải kể tới chứng tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng, giang mai, ngộ độc màu vẽ, động kinh và rối loạn chuyển hóa porphyrine cấp tính. Bất kì chứng bệnh nào trong số trên cũng có thể là thủ phạm dẫn tới sự suy nhược thần kinh của họa sĩ, tình trạng của ông còn bị làm trầm trọng thêm do ăn uống thiếu chất, lao lực, mất ngủ và nghiện rượu.
Van Gogh chết trong cảnh nghèo túng và chỉ mới có một chút danh tiếng trong giới nghệ thuật châu Âu. Tuy vậy các sáng tác của ông về sau đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các họa sĩ sau này, đặc biệt là các họa sĩ thuộc trường phái “Dã thú” như Henri Matisse và các họa sĩ thuộc trường phái Biểu hiện Đức thuộc nhóm Die Brücke. Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng trong nghệ thuật thập niên 1950 cũng bắt nguồn từ việc phát triển các ý tưởng sáng tác của Van Gogh.
Thế nhưng, ẩn sâu trong những họa phẩm đầy thán phục, ngưỡng mộ ông là những nỗi thống khổ mà chỉ với nghệ thuật Van Gogh mới có thể trải lòng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tác giả của họa phẩm nổi tiếng “Chân dung bác sĩ Gachet” gặp rắc rối trong vấn đề thần kinh dẫn đến việc tự cắt tai năm 1890 và cái chết 19 tháng sau đó.
Lo sợ về sự an toàn của mình và mọi người xung quanh cũng như cho rằng việc rời xa chốn thị thành sẽ khơi gợi cảm hứng nghệ thuật trong ông nên Van Gogh đã tự cô lập và sống đơn độc tại viện tâm thần St. Remy ở Provence, miền đông nam nước Pháp.
Nhiều người tin rằng họa phẩm “Cánh đồng lúa mì” và “bầy quạ” là bản di chúc hội họa cuối cùng của Van Gogh. Tác phẩm này thể hiện đầy đủ nghệ thuật thiên tài cũng như lột tả được hết tâm trạng và mối linh cảm về tấn bi kịch cuộc đời của Van Gogh.
Những nét cọ vẽ cánh đồng lúa chín và đàn quạ đen xiên, thô và ngắn dưới bầu trời mây đen vần vũ, khỏa lấp áng mây xanh, trắng thể hiện nỗi buồn quạnh vắng và sự cô đơn đến cùng cực.
Trong bức thư cuối cùng gửi cho em trai, họa sĩ có nhắc đến 2 tác phẩm vẽ cùng năm 1890 là “Khu vườn của Daubigny” và “Nhà miền quê với mái rạ”. Dựa theo sắc màu tươi tắn của hai bức họa này và sắc mây đen của “Cánh đồng lúa mì” và “bầy quạ”, có thể hiểu được đôi chút tâm tư từ phấn chấn, vui vẻ đến u buồn, cô quạnh của danh họa trước những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Đêm đầy sao được Van Gogh vẽ trong thời gian điều trị bệnh tại một nhà thương điên ở Saint-Remy-de-Provence (Pháp). Bức tranh được vẽ vào ban ngày, giữa những cơn bệnh qua sự tưởng tượng về khung cảnh bên ngoài cửa sổ phòng bệnh của ông. Trong bức tranh vẽ bầu trời cuộn xoáy, Van Gogh đã thay đổi vị trí của chòm sao Đại Hùng từ phía Bắc sang phía Nam. Đây cũng là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đối với các họa sĩ trường phái Ấn tượng thế hệ sau này.
Tạo ra một phong cách riêng cho mình khi kết hợp hai trường phái Ấn tượng và tân Ấn tượng, Van Gogh liên tiếp đưa ra hơn 2.000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bức vẽ hoặc phác thảo trong 10 năm ngắn ngủi. Đặc biệt trong hai năm cuối đời, những tác phẩm kinh điển nhất của ông đã ra đời như “Hoa hướng dương”, “Đêm nhiều sao”, “Chân dung bác sĩ Gachet”...
Giai thoại về các bức họa
Bức họa Đêm đầy sao
Nghiên cứu “Chân dung tự họa với chiếc tẩu” (1886) của Van Gogh, nhiều giả định đã được đưa ra, trong đó một số người tin rằng danh họa đã tự cắt tai mình, một số khác lại khẳng định ông buộc phải cắt bỏ - kết quả của việc chế ngự chứng động kinh. Những sắc thái phong phú của màu vàng trong bức tranh được các nhà khoa học giải thích là do danh họa sử dụng quá liều thuốc trị bệnh động kinh. Trong đó, rượu absinthe là một trong những yếu tố tác động mạnh tới tư duy sử dụng màu sắc của Van Gogh.
“Trăng lên” là tác phẩm gây ra nhiều tranh cãi nhất trong giới sưu tầm tranh thế giới. Lý do là bởi quan điểm của họ về tên gọi của bức tranh thường không thống nhất. Có người cho rằng, đáng ra tên gọi của bức tranh phải là “Mặt trời lặn”. Số khác lại không đồng ý với quan điểm này, cho rằng nên tôn trọng tên gọi của tranh thay vì đi tìm một cái tên khác dựa vào những quan sát chủ quan. Bức tranh rõ ràng vẽ một vật thể đỏ bầm nơi đỉnh núi, tuy nhiên chưa thể khẳng định chắc chắn đó là mặt trăng hay mặt trời.
Bức “Trăng lên” được họa sĩ vẽ vào mùa hè năm 1889 ở tỉnh Saint-Remyde, miền Nam nước Pháp. Thời điểm chính xác của cảnh tượng trong bức họa luôn là một điều bí ẩn đối với những nhà nghiên cứu nghệ thuật hội họa. Thế nhưng, vào năm 2003, nhà thiên văn học Donald Olson tại Đại học Southwest, bang Texas, Hoa Kì đã giải mã được bí ẩn đó. Ông nhận định: “Chính xác là bức tranh được vẽ vào 21 giờ 08 phút, ngày 13 tháng 7 năm 1889”.
Olson đã cùng các cộng sự tới tỉnh Saint-Remyde vào tháng 6/2002 để xác định khu vực đúng như mô tả trong bức họa. Sử dụng la bàn và những phần mềm thiên văn học để đo đạc hướng mặt trăng xuất hiện trước mặt họa sĩ và độ cao của dãy núi phía chân trời. Cuối cùng, họ đã tìm ra được hai thời điểm mà mặt trăng tròn nhô lên sau rặng núi tại đúng vị trí như mô tả trong tranh: ngày 16 tháng 5 năm 1889 và ngày 13 tháng 7 năm 1889.
So sánh với cảnh vẽ trong bức tranh - cánh đồng lúa vàng ươm đã được gặt, Olson đã khẳng định thời điểm đó chỉ có thể là vào tháng 7. Thực hiện thêm một số tính toán cần thiết, ông và các cộng sự thấy rằng, thời điểm trăng nhô lên vào ngày 13 tháng 7 năm 1889 tại đúng vị trí của tranh là 21 giờ 08 phút. Một điều thú vị nữa là vào năm kỉ niệm sinh nhật thứ 150 của Van Gogh, vầng trăng trong bức tranh “Trăng lên” sẽ được tái hiện lại chính xác. Theo tính toán của Olson, mỗi tháng, mặt trăng đều tròn một lần nhưng nó chỉ quay lại đúng một vị trí trên bầu trời sau 19 năm.
Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi khác khiến các nhà nghiên cứu trước đó đã phải mất nhiều thời gian tìm hiểu trong bức họa này: Cái bóng đen dưới chân núi do đâu mà có? Mặt trăng thì không thể tạo ra mảng tối này rồi. Còn vào khoảnh khắc hơn 21 giờ đêm thì làm gì có mặt trời ló rạng? Olson đã giải thích khúc mắc này một cách đơn giản: Van Gogh đã thực hiện bức tranh này trong hai đợt. Ông bắt đầu tác phẩm vào lúc chiều tối và vẽ xong vào buổi sáng. Chính vì thế, mới nhìn thấy trên bức tranh cảnh mặt trăng đang lên vào lúc chập tối và bóng rợp dưới chân núi được ông vẽ thêm vào khi mặt trời đã mọc.
Cho rằng các bức họa của Van Gogh không hề được hư cấu nên vào mùa hè năm 2005, Olson đã lên đường sang Pháp để thu thập thông tin về bức họa “Đêm đầy sao”. Đây là một trong hai bức họa mà Van Gogh đã gửi cho em trai mình. Tháng 5 năm 1889, Van Gogh đã tới một tu viện để chữa bệnh tâm thần. Olson đã xác định được, Van Gogh thực hiện bức họa khi nhìn qua khung cửa căn phòng của mình và điểm sáng trong bức tranh chính là một vầng trăng.
Vào năm 2001, Olson đã xác định một cách rất cụ thể thời gian mà Van Gogh vẽ bức “Ngôi nhà trắng buổi đêm”. Olson đã tìm ra ngôi nhà đó trong thực tế và may sao nó vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến tận ngày nay. Ông thấy ngôi sao trong tranh chính là sao Kim, còn ánh nắng phản chiếu phía chân ngôi nhà trong tranh là vào giờ cuối cùng trước khi mặt trời lặn, lúc đó là 7 giờ chiều. Sao Kim được vẽ muộn hơn nên khá sáng. Một chương trình máy tính tính toán rằng, sao Kim chiếu vào khoảng 8 giờ ngày 16/6/1890, chỉ 6 tuần trước khi Van Gogh tự tử. Từ đó, ông đã tính toán ra thời gian nhà danh họa vẽ tranh, vào “7 giờ chiều ngày ngày 16 tháng 6 năm 1890”.
Bên cạnh “Đêm đầy sao” được Olson xác định ra thời điểm Van Gogh vẽ tranh, bức họa này còn được các chuyên gia y học dùng để giải mã những bí ẩn khác về nhà danh họa tài năng nhưng bạc mệnh. Van Gogh có một niềm say mê với màu vàng chói chang, trông đến nhức mắt - điều này được thể hiện qua hàng loạt bức họa của ông. Theo họ, Van Gogh nghiện màu vàng bởi ông luôn say sưa với thứ rượu ngải cứu.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, màu vàng trong tranh của ông liên quan mật thiết tới chứng động kinh mà ông mắc phải. Để điều trị chứng bệnh này, theo đơn thuốc của bác sĩ Poli Ferdinand Gase, Van Gogh phải uống loại thuốc có tên Digitalis. Việc dùng thứ thuốc này sẽ khiến con bệnh nhìn thế giới xung quanh với “lăng kính màu vàng”. Bằng tài năng của mình, Van Gogh đã thể hiện rất chính xác lăng kính đó vào tác phẩm của mình.
Những bức tranh khắc họa cây ôliu có một ý nghĩa quan trọng đối với Van Gogh, thể hiện triết lý về cuộc đời, về sự thần thánh, thiêng liêng trong vòng quay tuần hoàn của cuộc sống và cả cảm thức về Chúa. Hình ảnh người ta thu hoạch ôliu thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng thời cũng là ẩn dụ về vòng quay cuộc sống, khi đó, thu hoạch cũng đồng nghĩa với cái chết của những trái ôliu đã chín.
Van Gogh sinh thời thường tìm thấy sự thư giãn, khuây khỏa khi giao hòa với thiên nhiên. Khi vẽ loạt tranh về cây ôliu cũng là khi ông đã bắt đầu lâm bệnh nặng, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần.
Trong sự nghiệp của Van Gogh, không thể không kể tới những bức chân dung tự họa của ông, Van Gogh vẽ hàng chục bức chân dung tự họa với những phong cách khác nhau. Điều đặc biệt là hiếm khi Van Gogh ở trong tranh nhìn thẳng vào mắt người xem tranh. Ngoài ra, khi Van Gogh tự vẽ mình, ông thường quan sát bản thân qua một tấm gương, vì vậy, thực tế phần mặt bên phải trong tranh lại là phần mặt bên trái của ông và ngược lại.
Dường như người ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác nhau trong hình ảnh tự họa chân dung của Van Gogh, dẫu các bức họa đó được vẽ cùng thời gian. Không chỉ là trang phục khác nhau, râu, không râu, kiểu đội mũ khác khau, nền khác nhau, mà trạng thái nhân vật được khắc họa là chính Van Gogh cũng khác nhau, trong độ tuổi 35 - 37. Có lẽ điều này đã làm nên khác biệt lớn của tranh tự họa Van Gogh so với phần nhiều họa sĩ khác khi vẽ chân dung mình ở các độ tuổi hay năm tháng khác nhau.
Bức chân dung vẽ tháng 1 năm 1889 gắn liền với câu chuyện bệnh tật đặc biệt của danh họa hậu Ấn tượng Van Gogh. Trong một lần lên cơn, ông đã không kìm chế được mình, cắt đi bên tai trái. Câu chuyện này cũng liên quan đến mâu thuẫn của ông với Paul Gauguin, người đến thăm và vẽ cùng ông trong thời gian ông điều trị ở Arles. Chân dung băng bó tai cũng có vài bức khác nhau. Bức tranh ngậm tẩu, trên nền đỏ rực rỡ, như phản ánh tinh thần khá thoải mái, dẫu chiếc băng tai trắng quấn dày cho cảm giác về nỗi đau. Nhưng chiếc băng trắng đó lại lẩn dưới chiếc mũ lông và đồng màu với cổ áo sơ mi trắng lộ ra trong áo khoác dạ màu xanh. Nó cũng khác với bức băng bó tai với hậu cảnh căn phòng và bức họa trên tường. Tuy nhiên, ánh nhìn của đôi mắt xanh lục được vẽ quá gần nhau lại như ẩn chứa trạng thái nội tâm xa xôi, khác hẳn với các tác phẩm khác.
Điều thú vị người ta nhận ra ở đây là chiếc tai băng bó là tai phải, trong khi thực tế ông đã cắt tai trái. Điều này cũng liên quan đến phần lớn tác phẩm tự họa của Van Gogh, được vẽ với người mẫu là chính mình trong gương. Nó tạo cho ông cảm giác về sự đối diện không chỉ là hình ảnh mà còn là bản thể được nhìn thấy trong các trạng thái khác nhau khi chứng bệnh của ông diễn biến thất thường.
Bức chân dung vẽ tháng 9 năm 1889 theo lối nhìn nghiêng 2/3, chỉ có một sắc xanh lam nhạt (blue) cho tổng phổ chung của tác phẩm. Người đàn ông với cặp mắt lam trong veo đau đáu nhìn về phía người xem, mái tóc hung nâu hất ngược ra phía sau và bộ râu đỏ hơn như một điểm nhấn tạo nên sự cương nghị cho con người của ông. Điểm đáng chú ý ở bức tranh này có lẽ là những đường cuộn xoáy quen thuộc trên cả áo complet lẫn nền hậu cảnh đều trong sắc lam nhạt là chủ đạo. Nó dường như tương đồng với những khám phá của ông trong thời điểm này về việc sử dụng nét tạo nên chuyển động ngầm trong không gian. Bức tranh bầu trời sao, bức cánh đồng, quả đồi... những nét lam này đã tạo nên hiệu quả đáng kể. Chúng không chỉ đơn thuần tạo ra sự thay đổi mà còn như biểu thị ra sự dữ dội trong nội tâm, mà bệnh tật luôn hành hạ ông. Sắc xanh lam trên nền và trên áo cũng như phản chiếu lên gương mặt và đôi mắt của người đàn ông trông đầy chất cương nghị kia thực chất lại là con người đầy mâu thuẫn với chính mình giữa yếu đuối và mạnh mẽ. Bức tranh này cũng được xem như bức tranh tự họa cuối cùng của Van Gogh trước khi ông qua đời.
“Hoa diên vĩ” là bản khảo nghiệm, thế nên chưa từng thấy bản vẽ nào về nó trước đó. Vì vậy, “Hoa diên vĩ” là bức tranh mà danh họa này sáng tác ở tâm thế tự do nhất, lúc ông chẳng vướng bận gì ở bệnh viện Tâm thần Saint Paul- de-Mausole (Pháp). Bức tranh này là “bản khảo nghiệm tuyệt đẹp đầy không khí và sự sống”, gây ấn tượng sâu sắc dù nhìn xa hay gần.
Bức “Hoa diên vĩ” không chỉ cho thấy vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là vẻ đẹp của nghệ thuật. Trong bức tranh này, hầu như cả không gian đều phủ đầy hoa diên vĩ, chỉ chừa một mảng đất nhỏ màu nâu đỏ bên góc trái. Từng bông hoa trong bức Hoa diên vĩ đều mang nét đẹp riêng. Van Gogh đã nghiên cứu rất tỉ mỉ sự chuyển động và hình dáng của chúng để tạo ra những bông hoa mềm mại với cánh hoa cong rủ, gợn sóng.
“Hoa diên vĩ” còn được xem là bức họa đặc tả tâm hồn Van Gogh. Sự khôn ngoan (những bông diên vĩ xanh) sinh sôi trên nền tảng hy vọng (thân cây diên vĩ) và khi sự khôn ngoan phát triển thì niềm tin hình thành (hoa diên vĩ trắng mọc lên). Nhiều chuyên gia hội họa cho rằng bông hoa diên vĩ trắng đơn lẻ trong tranh biểu trưng cho ước muốn tìm thấy bản ngã của Van Gogh trong đám đông hỗn loạn. Và tổng thể bức tranh thể hiện tinh thần vươn lên không ngừng, chống chọi với giông bão cuộc đời vì diên vĩ là loài hoa thường mọc ở những nơi cằn cỗi và điều kiện càng khắc nghiệt thì chúng càng sinh sôi nảy nở.
Với những ai có thể đánh giá và thực sự ngưỡng mộ chiều sâu trong tài năng nghệ thuật của Van Gogh thì bức tranh “Hoa diên vĩ” biểu trưng cho bản tính kiên cường của một bộ óc thiên tài và sự cống hiến không mệt mỏi của ông cho nghệ thuật: “Cuộc đời sẽ ra sao nếu ta chẳng có dũng khí để thử làm bất cứ điều gì?”.
Có thể thấy, sinh thời, Van Gogh không có được sự vinh danh xứng đáng. Thiên tài là một danh xưng xa xỉ đối với danh họa. Ông chỉ bán được một bức tranh duy nhất là “Vườn nho đỏ” ở Arles. Vinh quang đến quá muộn màng sau khi Van Gogh đã qua đời. Vào thời điểm năm 1889 - 1890, vì bệnh tật, Van Gogh cảm thấy cuộc sống thật vô vọng và bản thân là gánh nặng đối với em trai. Sau khi bắn vào ngực tự kết liễu, Van Gogh còn cầm cự được thêm hai ngày và tiếp tục vẽ nốt bức tranh còn dang dở - “Chân dung Adeline Ravoux”. Trước khi lìa đời, Van Gogh chỉ thốt ra một câu duy nhất "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi".
100 năm sau khi ông qua đời, công chúng và giới nghệ thuật mới thực sự công nhận và ngưỡng mộ tài năng của Van Gogh. Ông được vinh danh là thiên tài hội họa. Nhiều tác phẩm của Van Gogh được ngợi ca là kiệt tác đắt giá nhất của nghệ thuật đương đại, xuất hiện ở vô số các bộ sưu tập của các phòng trưng bày nghệ thuật và viện bảo tàng nổi tiếng nhất trên thế giới.
Những nhà sưu tầm họa phẩm hàng đầu trên thế giới nhận xét rằng, tranh của Van Gogh có một sức hút kì lạ đối với họ. Màu sắc gây cho người xem cảm xúc mạnh, nét bút thô, đường viền của hình ảnh lớn và chứa đựng đủ đầy nỗi đau khổ của một nghệ sĩ tài hoa nhưng cả đời phải sống trong cảnh cô độc và bệnh tật. Dù chỉ thoáng nhìn qua nhưng những đặc điểm trên khiến cho người xem không hề bị lẫn giữa tranh của Van Gogh với tranh của những họa sĩ cùng thời khác.
Nghệ thuật của Van Gogh tỏa ra từ con tim hừng hực lửa, ánh sáng và sắc màu, những khát vọng vươn tới cái đẹp toàn mỹ, gây một cảm xúc mãnh liệt cho người thưởng lãm. Dưới nét cọ Van Gogh dường như tất cả đều bốc cháy, từ chiếc ghế, ngôi nhà, cánh đồng cho đến bầu trời đêm đầy sao… Ông được các họa sĩ tôn vinh là “chủ soái” của trường phái hậu Ấn tượng, mở đầu cho trường phái “Dã thú” và “Biểu hiện”. Van Gogh là người tiên phong cho nền hội họa hiện đại đầu thế kỷ XX.