R
affaello là họa sĩ nổi tiếng đồng thời là nhà điêu khắc và kiến trúc lỗi lạc của Ý. Tác phẩm của ông là đỉnh cao của nghệ thuật thời Phục Hưng. Ông đã để lại cho thế giới nhiều tác phẩm và các bài học mẫu mực về bố cục và hình họa. Ông tổng hợp được thành tựu của những người đi trước, quan tâm tới sự thống nhất giữa không gian và hình tượng nhân vật, phóng khoáng trong miêu tả không gian và sắp xếp các nhân vật. Tranh của ông màu sắc tinh tế, trang nhã, hài hòa, hoàn chỉnh và dầy sức sống trong mỗi đường nét, cử động của nhân vật.
Raffaello sinh năm 1483 tại Urbino. Khi học tập ở Urbino và Peruga, Raffaello là học trò của danh họa Pietro Perugino. Thời kì này, Raffaello đã vẽ nhiều tranh chịu ảnh hưởng của thầy như: “Thánh Niccolo”; “Jesus bị đóng đinh trên thánh giá”; “Trao vương miện trinh nữ”; “Lễ cưới trinh nữ”.
Năm 1504 Raffaello tới Florence, gặp Leonardo da Vinci và Michelangelo đang làm việc ở đây. Raffaello đã học tập những nghệ sĩ tài ba nổi tiếng này. Trong khoảng thời gian bốn năm ở Florence, Raffaello vẽ nhiều tranh, trong đó có những bức nổi tiếng như: “Đức Bà” và “Chúa hài Đồng lên ngôi với năm thánh”, “Thánh Micheal và con rồng”, “Chân dung Angelo Doni”, “Hạ huyệt”.
Năm 1508, Raffaello được Giáo hoàng Julius II mời tới làm việc tại Roma. Chính ở đây, ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới như: “Tranh luận về lễ ban phước”, “Trường Athenes”. Đặc biệt là một loạt tranh tôn giáo rất đẹp như: “Đức bà Alba”, “Đức mẹ Sixtine”. Bức tranh này được xem là một kiệt tác, đánh dấu đỉnh cao và sự tổng kết về tranh Thiên chúa giáo.
“Trường Athenes” là bức tranh tượng khổ lớn được Raffaello vẽ tại phòng chữ ký của Giáo hoàng ở Vatican. Phối cảnh, hình họa, bố cục, màu sắc trong tranh “Trường Athens”… được Raffaello giải quyết một cách hoàn hảo. Trên nền cao của ngôi đền nguy nga tráng lệ, đồng thời cũng là trung tâm của bức tranh, Raffaello đã thể hiện 2 triết gia vĩ đại là Plato và Aristotle vừa đi vừa tranh luận. Đây chính là những người đặt nền móng cho triết học châu Âu. Xung quanh và những bậc thang thấp là những học giả, những đại biểu của tư tưởng, khoa học, nghệ thuật của các thời kỳ sau đó, suốt chiều dày lịch sử 2000 năm tới thời Raffaello. Hơn 50 nhân vật được diễn tả trong một bố cục gắn bó chặt chẽ với tương quan sáng tối lý tưởng, làm nổi bật các nhân vật trên một nền kiến trúc tầng tầng lớp lớp trong sáng và sâu thẳm.
Plato với ngón tay phải trỏ lên cao tượng trưng cho Trời, còn Aristotle để xấp lòng bàn tay như đối chọi với Trời, hình ảnh tượng trưng cho Đất. Đó là phong cách của hai triết gia, một người theo đuổi lý thuyết siêu hình, còn người kia bảo vệ những logic khoa học thực tế. Phía bên trái, những người theo Plato đang nghiên cứu sự huyền bí của vũ trụ, còn bên phải là nhà triết học theo Aristotle đang chăm chú theo dõi những quy luật phát triển tự nhiên của con người. Cái hay của Raffaello là ông đã phân loại rạch ròi hai trường phái triết học. Siêu hình và thực tế lồng vào trong cùng một tổng thể bức tranh như để tôn vinh sự cần thiết của cả hai trường phái này. Hai triết gia, một người “ngước” lên Trời, một người “hướng” xuống Đất, cùng nhau đứng dưới mái vòm Athens mở ra bầu trời xanh. Plato theo phương thẳng đứng còn Aristotle theo hướng nằm ngang và hai đường thẳng ấy gặp nhau ở một điểm chung duy nhất, tính “Vĩnh cửu”, một hình ảnh tượng trưng mà không phải họa sĩ nào cũng lột tả được về bản chất.
Không chỉ có thế, “Trường học Athens” là một tổng thể bao gồm những nhân vật kiệt xuất, những nhân vật mang đầy tính tư tưởng của nhân loại. Socrates đứng bên trái (gần Plato) đang thuyết giảng luân lý cho học trò, còn bên phải, Euclid đang thể hiện một minh họa hình học cho những người xung quanh, phía sau ông là Zoroaster (triết gia Hy Lạp, người sáng lập ra tôn giáo Parsees) và Claudius Ptolemy (nhà thiên văn học người Hy Lạp), mỗi người cầm một quả cầu nhỏ. Không khó để nhận thấy quả cầu của Zoroaster mang hình dáng thiên đàng còn của Ptolemy là một quả cầu giống như quả đất. Quả đất tượng trưng cho kiểu triết học khoa học tự nhiên và con người, còn quả cầu Thiên đàng biểu trưng cho thần học, một mối liên hệ mật thiết giữa nghiên cứu bản chất tôn giáo, Chúa Trời với trí tuệ con người. Ở giữa bức tranh là hiền triết Diogenes đang ngồi suy nghĩ, có lẽ Raffaello để ông ngồi một mình vì tính đa nghi và nghi ngờ tất cả mọi thứ của ông. Lẩn quất trong đám đông còn có Xenophon (sử học và triết gia Hy Lạp), nhà toán học Pythagoras, Parmenides (nhà triết gia và nhà thơ Hy Lạp), Helacritus, Epicurus (Triết gia Hy Lạp)… tất cả đều có điểm sáng ở vị trí của mình. Chỉ với bức “Trường học Athens” mà có người đã đánh giá Raffaello miêu tả lại được cả một nền tư tưởng “Hy Lạp cổ đại” tại La Mã thời Phục Hưng Raffaello hiểu rõ được tư tưởng nhân văn thời đó và thể hiện nó qua nhiều chất liệu khác nhau.
Bức tranh Đức mẹ Sistine, Raffaello vẽ cho nhà thờ Saint Sixto có bố cục tài tình khéo léo với sáu nhân vật, tạo nên tam giác ổn định bền vững như mong muốn trường tồn của nhà thờ. Đỉnh cao trang nghiêm là hình Đức Mẹ Đồng trinh bế Chúa Hài đồng với những nét tâm lý sâu sắc từ dáng ngồi đến ánh mắt, như tiên báo một con người sinh ra để làm những việc lớn lao phi thường.
Xung quanh gương mặt ngời sáng của Đức Mẹ và Chúa Hài đồng là vầng hào quang kỳ ảo, nếu nhìn kỹ sẽ thấy vầng hào quang này soi rõ vô vàn những khuôn mặt đang hướng về Chúa. Hai bên là các nhân vật Saint Sixto và Barbara đang tôn vinh Đức mẹ và Chúa hài đồng, tất cả đều bồng bềnh trên mây. Bên dưới cận cảnh bức tranh là hình ảnh hai thiên thần hướng thượng. Màu sắc ở đây cao nhã và tha thiết. Những hình ảnh hết sức tôn nghiêm nhưng lại gần gũi lạ thường. Bức tranh này là bản tổng kết tuyệt vời của Raffaello về đề tài tôn giáo và tình mẹ con để mãi về sau chưa ai có thể vượt qua.
Sau 5 năm tới làm việc tại Roma, Raffaello trở nên nổi tiếng. Tài năng và sự uyên bác của ông có ảnh hưởng to lớn tới giới họa sĩ trẻ ở Ý thời bấy giờ. Bảy năm cuối đời, Raffaello làm việc dưới quyền Giáo hoàng Leon X. Mặc dù phải đảm đương nhiều trọng trách, giám sát các công trình ở Vatican, ông vẫn lãnh đạo một tập hợp đông đảo các nghệ sĩ tài năng, trong đó có Jiulio Romano và Giovan Francesco Penni. Thời gian này, Raffaello tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm đẹp và hoành tráng như: “Đức mẹ Velata”, “Đức mẹ ngồi ghế”, “Đám cháy ở Borgo”, “Mẻ lưới kì diệu”…
Nhìn chung, những bức tranh vẽ Đức Mẹ của ông, còn lại khoảng 20 bức, đều được xem là những thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật Phục Hưng, là “khuôn vàng, thước ngọc” về nghệ thuật thể hiện hình tượng Đức Mẹ.
Bức tranh “Đức Mẹ Granduca” không dựa vào một nguyên mẫu nào. Tất cả đều chỉ từ trí tưởng tượng. Họa sĩ phải vật lộn với vô số phác thảo để tìm kiếm cái đẹp lý tưởng của mình, và cuối cùng, công lao khổ nhọc của ông đã được đền đáp. Bức tranh đạt đến sự hài hòa, bình dị một cách tự nhiên, ẩn chứa một cảm xúc vô biên, khó tả vượt xa tất cả những tác phẩm vẽ Đức Mẹ đã có trước đó.
Nhiều nhà phê bình mỹ thuật sau này cho rằng, kể từ khi “Đức Mẹ Granduca” của Raffaello ra đời, hình ảnh Đức mẹ Maria trong hội họa phương Tây và cả trong tâm thức người phương Tây nói chung, mới có được một mẫu mực.
Sự ảnh hưởng này dường như vẫn còn tươi mới cho đến tận ngày nay.
Bức tranh này đúng là kinh điển theo cái nghĩa nó đã trở thành mẫu mực của sự hoàn hảo cho bao thế hệ... Nó không cần được giải thích. Nơi đây sức sống tràn đầy. Cái cách Raffaello tạo hình khuôn mặt Đức Mẹ và cho lui dần vào bóng tối, cái cách làm cho người xem cảm thấy khối lượng cơ thể dưới lớp áo choàng lỏng lẻo, sự vững chãi và dịu dàng trong cách Đức Mẹ bồng Giêsu - tất cả tạo nên thế cân bằng hoàn hảo nhưng không có gì gò bó hay giả tạo trong cách sắp xếp. Bức tranh như không thể khác hơn, và dường như nó đã hiện hữu như thế từ thời gian bắt đầu.
GIAI THOẠI VỀ NGƯỜI MẪU TRONG TRANH ĐỨC MẸ
Một lần, khi đang cùng người học trò đi dạo trong khu công viên quanh lâu đài Farnesia, Raffaello đã quá bước đến bên bờ sông Tiber để rồi ở tại đó, ông bắt gặp một thiếu nữ với vẻ đẹp lạ thường khiến ông choáng ngợp. “Cuối cùng, ta đã tìm thấy Psyche!” - Ông thì thầm với người học trò đi cùng như vậy.
Margarita Lootie là tên của cô gái trẻ người Ý đã chinh phục được trái tim của họa sĩ thiên tài Raffaello. Nhưng cũng chính mỹ nhân này về sau đã trở thành kẻ hủy diệt sức khỏe của danh họa, là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết khi còn quá trẻ của ông.
Lúc làm quen với Raffaello, Margarita mới 17 tuổi. Cô là con gái của một người thợ làm bánh và vì thế mà họa sĩ vẫn gọi cô là Fornarina (fornarino trong tiếng Ý có nghĩa là thợ làm bánh mì). Ngay trong lần gặp đầu tiên Raffaello đã mời Fornarina đến thăm xưởng vẽ và đề nghị cô hãy nhận lời làm người mẫu cho ông.
Để cảm ơn người đẹp về việc đã ghé thăm, Raffaello ngỏ ý muốn tặng nàng một sợi dây chuyền vàng. Quá bất ngờ trước một món quà xa xỉ, cô gái đã từ chối. Raffaello bèn đề nghị cô hãy mua sợi dây chuyền ấy bằng 10 nụ hôn.
Fornarina liếc nhìn họa sĩ và đã đồng ý. Chỉ có điều Fornarina đã trả cho Raffaello không chỉ 10 nụ hôn mà bằng cả tấm thân nóng bỏng của một cô gái trẻ! Mối quan hệ tình ái của họ được bắt đầu từ đó, kéo dài suốt 6 năm, cho đến lúc Raffaello qua đời.
Cần phải nói thêm rằng lúc hiến mình cho Raffaello, cô gái mang vẻ đẹp thiên thần của Đức Mẹ vô nhiễm không còn là trinh nữ nữa. Đã nhiều tháng trước khi gặp Raffaello, đêm nào cô cũng đón vị hôn phu của mình - một chàng chăn cừu tên là Tommazo - đến phòng riêng để ân ái. Vì thế Fornarina rất am tường các thủ thuật yêu đương.
Còn Raffaello, từ lần đầu tiên được ngắm Margarita ngồi làm mẫu vẽ đã bị hút hồn, đến mức đêm đó ông theo đến tận phòng riêng của cô rồi ở lại đó cho đến sáng. Sau nhiều giờ mòn mỏi đợi thầy về, một học trò của Raffaello có nói bóng gió về tác hại của sự ái ân vô độ. Nhưng Raffaello nói: “Người nghệ sĩ trở nên tài hoa hơn khi anh ta yêu và được yêu say đắm! Tình yêu sẽ giúp tài năng thăng hoa! Rồi cậu sẽ thấy nhờ có Margarita ta sẽ vẽ được những bức tranh như thế nào! Quả là Chúa đã ban nàng cho ta!”
Như thể bị Fornarina bỏ bùa, chỉ vài ngày sau Raffaello đã quyết định đem đến cho bác thợ làm bánh 3000 đồng tiền vàng để xin cưới con gái ông. Bố Fornarina không phải là một người cha khái tính, ông tỏ ra rất vui mừng trước “giao kèo” này và còn hứa sẽ chịu trách nhiệm giải thích với chàng rể tương lai Tommazo. Sau đó, Raffaello thuê cho Fornarina một dinh thự xinh xắn ở ngoại ô Roma, sắm cho nàng đủ thứ lụa là gấm vóc và các món trang sức quý giá. Từ đó, con gái của một người thợ làm bánh mì, vị hôn thê của một chàng chăn cừu, đã hóa thân thành một quý bà sang trọng.
Suốt một năm trời, đôi tình nhân gần như không rời nhau lấy nửa bước. Raffaello chẳng thiết gặp gỡ ai, bỏ bê mọi công việc và lãng quên cả những giờ học của học trò. Agostino bắt đầu bực mình vì việc trang trí galery của ông cứ dậm chân tại chỗ. Để Raffaello chú tâm đẩy nhanh tiến độ công việc, Agostino cho phép họa sĩ đưa Fornarina vào sống chung trong một căn hộ tại lâu đài Farnesino.
Thế là nàng Fornarina kiều diễm đã theo Raffaello về sống tại lâu đài của Agostino. Trong lúc họa sĩ còn bận bịu với công việc thì cô người yêu bé bỏng của ông chẳng ngần ngại làm duyên làm dáng với ông chủ nhà Agostino.
Một lần, trong lúc Raffaello đi vắng, Agostino đã ghé thăm Fornarina và được người đẹp này giữ lại để “chung vui” suốt một ngày. Kể từ đó, bất cứ lúc nào có thể Fornarina lại tranh thủ hẹn hò với Agostino. Để làm đẹp lòng Fornarina, Agostino còn tìm cách đẩy Tommazo vào một tu viện để anh ta không còn làm phiền cô với những lá thư đầy lời lẽ hăm dọa nữa.
Raffaello vẫn tiếp tục bận bịu và Margarita, “cô bé ngây thơ với vẻ mặt thiên thần” vẫn tiếp tục đi tìm nguồn an ủi ở bên ngoài. Thời ấy có rất nhiều họa sĩ trẻ tuổi ở Ý tìm đến chỗ Raffaello để xin làm học trò. Và Fornarina đã trơ trẽn tán tỉnh hết thảy các chàng và chẳng ngần ngại hiến thân cho họ. Đám thanh niên đương nhiên chẳng chối từ thịnh tình của một người đàn bà đẹp... Thậm chí, vì người đàn bà đa tình này mà một cuộc đấu kiếm đã xảy ra giữa các học trò của Raffaello khiến một trong những kẻ ái mộ Fornarina suýt tử nạn.
Với Fornarina, dường như bao nhiêu đàn ông cũng chưa đủ. “Trong huyết quản của nàng không phải là máu mà là cả một dòng dung nham nóng chảy tuôn trào!” đám đàn ông đã nói về Fornarina như vậy.
Càng ngày Raffaello càng hay than phiền về tình trạng sức khỏe, cuối cùng thì ông ngã bệnh. Các thầy thuốc cho rằng Raffaello bị suy nhược vì cảm mạo. Nhưng nguyên nhân thực sự hoàn toàn khác: chính dục vọng vô độ của Fornarina cộng với gánh nặng công việc đã tàn phá sức khỏe của ông.
Một lần, sau khi được các thầy thuốc giác hơi giải cảm, Raffaello cảm thấy khỏe hẳn ra. Ông nghĩ rằng mình đã phục hồi và cho gọi Fornarina đến để rồi cuộc giao hoan sau đó đã đánh gục hoàn toàn người họa sĩ tội nghiệp.
Ngày hôm sau, tình trạng của Raffaello trở nên nguy kịch. Hiểu rằng phút lâm chung của mình đã cận kề, Raffaello bỗng cảm thấy ghê sợ người đàn bà đã khơi dậy trong ông bao dục vọng, ông đã van nài mọi người đừng để Fornarina đến gần ông thêm nữa...
Raffaello qua đời vào ngày 6/4/1520 khi mới 37 tuổi. Ông đã di chúc lại cho Fornarina một tài sản đủ để cô ta có thể sống một cuộc đời thanh sạch. Nhưng người đàn bà ấy không thỏa mãn với những gì đang có. Cô ta tiếp tục sống nương nhờ vào sự bảo trợ của Agostino, người đàn ông không bao lâu sau đó cũng chết yểu bởi căn bệnh y hệt như Raffaello.
Sau cái chết của Agostino, Fornarina trở thành một trong những cô gái bao đắt giá nhất thành Roma. Nhưng dù cho số phận của người đàn bà này có thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng trong con mắt của hậu thế, hình ảnh của Fornarina trong tranh Raffaello vẫn luôn là một tạo vật trinh bạch, với những đường nét thiên thần khắc ghi vào trong hình tượng Đức Mẹ đồng trinh được thờ phụng khắp nhân gian.
Sau này, sự hiện diện của Margarita trong các bức tranh được giấu kín một cách kỹ lưỡng, nếu không phải bởi Raffaello thì cũng bởi học trò của ông. Vào thời điểm Raffaello qua đời, trường học của Raffaello đang vẽ bức Sala di Constantino trong tòa thánh Vatican và họ đã làm mọi cách để không bị tước đi sứ mệnh của mình. Nó sẽ đồng nghĩa với việc phá sản, Curuz cho biết.
Để làm lắng dịu các tin đồn, học trò của Raffaello còn đặt trên mộ ông một tấm biển đề tên vị hôn thê Maria Bibbiena, như thể để gắn kết hai người với nhau sau cái chết.
Margarita ngay sau đó cũng đã bị đưa đi. Bốn tháng sau cái chết của Raffaello, nữ tu viện Sant’ Apollonia tại Rome đã ghi nhận sự xuất hiện của một nhân vật mới: quả phụ Margarita, con gái của người thợ làm bánh Siena.