M
ichelangelo tên đầy đủ là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục Hưng Ý. Michelangelo sinh ngày 6 tháng 3 năm 1475 tại Caprese gần Arezzo, Tuscany. Gia đình ông từ nhiều thế hệ đã là các chủ nhà băng nhỏ tại Florence nhưng cha ông, Lodovico di Leonardo di Buonarroti di Simoni - không thể duy trì được tình hình tài chính tốt của ngân hàng. Khi Michelangelo ra đời, cha ông là nhân viên pháp lý tại thị trấn nhỏ Caprese. Mẹ của Michelangelo là Francesca di Neri del Miniato di Siena. Sau khi Michelangelo ra đời, gia đình ông quay trở lại Florence và Michelangelo lớn lên tại đây.
Năm mười ba tuổi, Michelangelo được nhận vào học việc tại xưởng của họa sĩ Domenico Ghirlandaio. Chỉ một năm sau, Domenico Ghirlandaio đã phải trả tiền công cho Michelangelo như cho một “nghệ sĩ thực thụ”. Đó là điều vô cùng hiếm có ở thời kỳ đó.
Từ năm 1489, được sự bảo trợ của Lorenzo de’ Medici, Michelangelo theo học điêu khắc với Bertoldo di Giovanni, một nhà điêu khắc có ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ. Tại học viện của Bertoldo di Giovanni, Michelangelo tiếp thu cả quan điểm lẫn nghệ thuật của các nhà triết học và tác gia “Tân Platon” nổi tiếng nhất thời ấy như Marsilio Ficino, Pico della Mirandola và Angelo Poliziano.
Cái chết của Lorenzo de' Medici năm 1492 dẫn tới một sự đảo ngược hoàn cảnh của Michelangelo. Michelangelo rời triều đình Medici quay trở về ngôi nhà của người cha. Trong những tháng sau đó ông đã tạc một thập tự giá bằng gỗ như một món quà gửi cha tu viện trưởng nhà thờ Florentine Santo Spirito, người đã cho phép ông thực hiện một số nghiên cứu giải phẫu trên các thi thể của bệnh viện nhà thờ. Từ năm 1493 tới năm 1494, ông đã mua một khối đá mable để điêu khắc bức tượng Hercules có kích thước lớn hơn người thật. Ngày 20 tháng 1 năm 1494, sau những trận tuyết rơi dày, người thừa kế của Lorenzo, Piero de Medici đặt hàng ông làm một bức tượng bằng tuyết, và Michelangelo một lần nữa lại vào triều đình Medici.
Cùng năm ấy, nhà Medici bị trục xuất khỏi Florence vì sự nổi lên của nhà Savonarola. Michelangelo rời thành phố trước khi quyền lực chính trị thay đổi, đi tới Venice và sau đó tới Bologna. Tại Bologna ông được đặt hàng là hoàn thành việc tạc những nhân vật nhỏ cuối cùng tại Điện thờ thánh Dominic, trong nhà thờ dành cho vị thánh này. Tới cuối năm 1494, tình hình chính trị tại Florence lắng dịu hơn. Michelangelo quay trở lại Florence nhưng không nhận được đơn hàng nào từ chính phủ mới của thành phố thuộc nhà Savonarola. Ông quay lại làm việc cho nhà Medici. Trong nửa năm ở tại Florence ông thực hiện hai bức tượng nhỏ một Thánh John Người rửa tội trẻ em và một tượng Cupid ngủ.
Michelangelo tới Rome ngày 25 tháng 6 năm 1496, ở tuổi 21. Ngày 4 tháng 7 năm ấy, ông bắt tay vào đơn đặt hàng của Hồng y Raffaele Riario, làm một bức tượng theo kích thước thực của vị thần rượu La Mã, Bacchus. Bức tượng này bị Hồng y từ chối, sau đó được đưa vào bộ sưu tập của người chủ ngân hàng Jacopo Galli, đặt trong vườn nhà ông. Tháng 11 năm 1497, đại sứ Pháp tại Tòa Thánh đặt hàng tác phẩm điêu khắc Pietà và hợp đồng được ký vào tháng 8 năm sau. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông.
Tác phẩm là một tuyệt tác của nền mỹ thuật thế giới và qua đó làm cho Michelangelo nổi tiếng. Pietà là tên gọi chung của các tác phẩm mô tả cảnh Đức Mẹ Maria bế xác của Jesus sau khi được hạ từ Thập ác xuống. Đó là một thời khắc thiêng liêng, khi mà người mẹ bế xác con trai của mình, trong nỗi đau đớn khôn cùng, nhưng lại cũng thần thánh vô cùng, vì người mẹ đó biết rằng con trai mình là con của Chúa, và cái chết đó là để cứu vớt tội lỗi cho loài người, vinh quang và cao cả.
Tay phải Maria cố gắng bế trọn xác Jesus, tay trái đang vươn ra trong một nỗi đau khổ, người ngả ra sau như để ngắm con trai mình rõ hơn. Cả cơ thể bà đang trong một sự chuyển động rõ ràng, với bàn tay trái còn chưa kịp buông xuống. Ngược lại, thân thể Jesus hoàn toàn bất động, với đôi mắt nhắm nghiền, miệng hơi hé, cánh tay buông thõng lạnh lẽo, thân xác hoàn toàn dựa vào vòng tay Mẹ. Nhưng khuôn mặt của Maria lại không thể hiện sự đau đớn, ngược lại, lại rất thanh thản, bình yên, dường như bà đang ngắm người con đang ngủ chứ không phải đã chết. Dường như bà biết rằng con mình đã chết cho một lý tưởng cao cả, và hơn nữa, con mình sẽ sống lại.
Thời ấy, người ta đã nói về tác phẩm này: “Một sự phát lộ mọi tiềm năng và xung lực của nghệ thuật điêu khắc và, chắn chắn đó là một điều thần diệu mà một khối đá có thể được tạc thành một sự hoàn hảo mà thiên nhiên không thể tạo ra trong đó.”
Có thể nói, trong tác phẩm này, ông đã thâu tóm thành công những tiến bộ trong ngành điêu khắc từ thế kỷ XV của các bậc tiền bối như Donatello, trong khi vẫn thổi vào hồn tác phẩm những nét tinh hoa của trào lưu điêu khắc trong thế kỷ XVI của phong trào Phục Hưng.
Michelangelo quay trở lại Florence năm 1499. Ông được yêu cầu hoàn thành dự án còn dang dở đã được bắt đầu từ 40 năm trước đó bởi Agostino di Duccio: một bức tượng khổng lồ thể hiện David như một biểu tượng của sự tự do của Florence. Thời ấy, chủ đề David chiến đấu với khổng lồ Goliath đã được Donatello và Verrocchio thể hiện nên Michelangelo thể hiện tượng David theo cách khác. Michelangelo chọn lúc David còn là thanh niên cường tráng chuẩn bị đi chiến đấu. David của Michelangelo đẹp như một Apollo của Hi Lạp, không chỉ đẹp về thân hình cân xứng mà còn biểu hiện sức sống mãnh liệt, một dũng khí mới mẻ đặc biệt mà mọi người không hề thấy ở David lúc trước đó.
Người anh hùng huyền thoại này được mô tả trong trạng thái khỏa thân, rất uyển chuyển và mềm dẻo, những múi cơ bắp tuyệt đẹp đầy tính đe dọa; David đang nhìn vào một khoảng không mông lung sau khi đã đánh gục người khổng lồ Goliath, kẻ thù bất ngờ của chàng. Khuôn mặt chàng biểu lộ lòng quả cảm và quyết tâm cao độ khiến người ta phải hãi hùng, e sợ và đây cũng là đặc điểm tiêu biểu của rất nhiều hình tượng sáng tác của Michelangelo, cũng như dấu ấn cá nhân của riêng ông. David - tác phẩm nổi tiếng của ông đã trở thành biểu tượng của thành phố Florence xinh đẹp và hiện nay vẫn được đặt nguyên vị tại quảng trường Piazza della Signoria ngay phía trước Cung điện Palazzo Vecchio, nay là tòa thị chính. Với bức tượng này, ông đã vượt hẳn lên so với những nghệ sĩ đương thời, không những tại Hy Lạp và La Mã mà còn hơn hẳn các nghệ sĩ hiện đại bằng những kỹ thuật mô tả những đường nét và hồn tác phẩm rất mạnh mẽ và tuyệt đẹp.
Tác phẩm này đã minh chứng cho sự xuất chúng của ông với tư cách là một nhà điêu khắc tài năng với kỹ thuật phi thường và khả năng sáng tạo biểu tượng.
Người ta còn hay nhắc đến hai tác phẩm điêu khắc nữa của ông. Đó là hai bức tượng “Người nô lệ bị giam giữ” và “Người nô lệ hấp hối” thể hiện rõ nét hơn phương pháp tiếp cận của Michelangelo trong điêu khắc. Ông thể hiện sự cầm tù nhân vật của mình bằng các khối đá và chỉ cần lược bỏ đi những “mẩu đá thừa” thế là tác phẩm đã được hình thành. Ở đây, trái với tác phong sáng tác của mình, Michelangelo đã để tác phẩm trong tình trạng dang dở, có lẽ ông đã hài lòng với tình trạng này của tác phẩm và muốn dùng sự dang dở đó để truyền đạt tới người xem thân phận khốn khổ của những con người nô lệ.
Cũng trong giai đoạn này, Michelangelo nhận được đơn đặt hàng vẽ trần Nhà nguyện Sistine. Để vẽ được tác phẩm kinh điển này, Michelangelo đã phải tạo ra một giàn giáo vĩ đại, nằm trên đó suốt 4 năm trời lao lực và cực khổ để hoàn thành. Bởi vì phải ngửa mặt lên để vẽ, làm việc trong tư thế đó 4 năm, sau khi hoàn thành Michelangelo không nhìn được khi đi đứng mà phải mất một thời gian lâu sau, thị lực mới trở lại bình thường. Trần đền Sistine là một công trình vĩ đại của hội họa thế giới. Michelangelo đã chia trần đền theo 12 chủ đề: 5 tranh về chủ đề tạo ra trời đất của Chúa, 7 tranh về truyện thánh, sau khi Adam và Eva bị quyến rũ. Lần lượt từ dưới lên trên là các cảnh: “Chúa tạo ra ánh sáng”; “Chúa tạo ra mặt trời”; “Chúa tạo ra đất và nước”; “Chúa tạo ra Adam”; “Chúa tạo ra Eva”; “Adam và Eva phạm tội bị đuổi khỏi vườn Eden”; “Noah lập đàn tế Thiên Chúa”; “Đại hồng thủy”; “Noah say rượu”.
Ban đầu ông được đặt hàng vẽ 12 Thánh tông đồ trên một nền cảnh bầu trời sao, hai bên có những hình ảnh phối hợp khác biệt và phức tạp, thể hiện sự tạo thành thế giới, sự suy đồi của con người và lời hứa cứu rỗi thông qua các nhà tiên tri và Bảng phả hệ của Chúa Jesus. Tác phẩm là một phần của một bối cảnh trang trí lớn hơn bên trong nhà nguyện thể hiện đa phần học thuyết của Giáo hội Công giáo Rome.
Cuối cùng, bố cục có hơn 300 nhân vật và có chín tình tiết trung tâm từ sách “Khải huyền”, được chia thành ba nhóm: Sự sáng tạo thế giới của Chúa; Chúa tạo ra loài người và việc họ mất ân huệ của Chúa; cuối cùng, tình trạng của nhân loại như được thể hiện bởi Noah và gia đình ông. Trên các vòm tam giác đỡ mái vẽ mười hai người đàn ông và phụ nữ đã tiên đoán sự xuất hiện của Chúa Jesus. Họ gồm bảy nhà tiên tri Israel và năm bà đồng, các phụ nữ tiên tri của thế giới Cổ đại.
Trong số những bức họa nổi tiếng nhất trên trần có “Chúa tạo ra Adam”, “Adam và Eve trong vườn địa đàng”, “Đại hồng thuỷ”, nhà tiên tri Isaiah và Bà đồng Cumaean. Quanh các cửa sổ vẽ các tổ tiên của Chúa Jesus.
Bức tranh vẽ Adam khỏa thân bên trái, giơ tay trái ra đón nhận. Thiên Chúa ngồi trong một đám mây giơ tay phải ra, hai ngón tay trỏ của hai người gần chạm vào nhau. Chúa trao linh hồn cho Adam theo cách đó.
Trong bức tranh này, Thiên Chúa rất đời thường, lực lưỡng như một lực sĩ, tay chân, bộ ngực vạm vỡ y như Adam. Michelanglo đã dùng ý tưởng trong Kinh thánh: Thiên Chúa tạo ra Adam theo hình dáng của mình, do đó Adam phải giống Chúa. Chúa mặc áo cộc, quần cộc, đôi chân choãi tự nhiên, và quàng tay trái qua cổ một người đàn bà, có thể là hình ảnh của linh hồn Eva.
Để chuẩn bị cho tác phẩm đồ sộ này, ông đã phải nghiên cứu, thiết kế hàng loạt phác thảo, tạo ra các hình tượng hạt nhân cho mỗi mẫu nhân vật. Chính điều đó đã thể hiện khả năng độc nhất vô nhị của ông trong việc nghiên cứu về giải phẫu học cơ thể, nghiên cứu các chuyển động của con người, nghiên cứu các hình ảnh huyền bí trong tôn giáo vô cùng kỹ lưỡng. Do vậy, ông đã làm thay đổi về phong cách hội họa của phương Tây một cách mạnh mẽ.
Trong suốt 500 năm, có vô vàn ý kiến quanh bức họa này, về ý tưởng sâu xa mà Michelangelo gửi gắm. Nhiều người công nhận một điều là đám mây mà Chúa ngồi có hình dáng giống hệt bộ não người, với vòng vải hồng là đại não, dải lụa xanh là hành tủy, thân thể Chúa chính là phần não trong, và các thiên thần ẩn hiện giống hệt các nếp gấp trên não.
Năm 1505 Michelangelo được Giáo hoàng Julius II mới được bầu mời quay trở lại Rome. Ông được yêu cầu xây dựng hầm mộ cho Giáo hoàng. Dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng, Michelangelo phải liên tục dừng công việc ở hầm mộ để hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác. Bởi những sự ngắt quãng này, Michelangelo đã mất 40 năm cho việc xây hầm mộ. Hầm mộ, với trung tâm là tượng Moses của Michelangelo, không bao giờ được hoàn thành ở mức khiến ông hài lòng, nhưng nó đã vẫn đi vào lịch sử như một tác phẩm bất hủ…
Năm 1513 Giáo hoàng Julius II qua đời và người kế tục ông Giáo hoàng Leo X, một thành viên gia đình Medici, đặt hàng Michelangelo xây dựng lại mặt tiền của La Mã pháp đình San Lorenzo tại Florence và trang trí nó bằng những tác phẩm điêu khắc. Michelangelo đã mất gần 3 năm chuẩn bị các phác thảo và tổ chức việc khai thác đá phục vụ công trình, nhưng công việc bất thần bị huỷ bỏ do sự thiếu hụt tài chính của những người bảo trợ.
Trong thập niên 1520 và 1530, Michelangelo dành hết thời gian thực hiện nhà nguyện trong nghĩa trang của gia đình Medici tại La Mã pháp đình San Lorenzo. Công trình này đã được xem là ví dụ tốt nhất về sự tích hợp tầm nhìn về điêu khắc và kiến trúc của Michelangelo.
Từ năm 1534 tới tháng 10 năm 1541, theo yêu cầu của Giáo hoàng Clement VII, Michelangelo thực hiện bích hoạ “Sự phán xét cuối cùng” trên tường Cung Thánh Nhà nguyện Sistine. Mặc dù, Giáo hoàng Clement VII đã chết ngay sau khi giao việc, nhưng Giáo hoàng kế nhiệm Paul III đã để cho Michelangelo tiếp tục và hoàn thành tác phẩm.
Bức tranh mô tả vào ngày Tận thế, các linh hồn đến trước Chúa Jesus để chờ nghe phán xử. Nguyên bản bức tranh Michelangelo vẽ, tất cả các nhân vật, chỉ trừ Chúa Jesus, đều khỏa thân, vì con người trần trụi vào ngày phán xử cuối cùng. Khi đang vẽ bức này thì người hầu cận của giáo hoàng là hồng y giáo chủ Biagio đến xem, thấy Michelangelo vẽ các nhân vật trong tranh đều khỏa thân đã nói: “Tranh này để trong một nhà tắm thì đúng hơn là để ở lễ đường của giáo hoàng”. Michelangelo vẽ luôn hình ông này ở địa ngục bị rắn quấn và lửa đốt. Hồng y đến than phiền với Giáo hoàng thì Giáo hoàng nói: “Nếu Michelangelo để người ở lửa luyện tội thì ta còn cứu vớt được, nhưng Michelangelo lại để ngươi ở địa ngục thì ta chịu thôi”.
Đây là tác phẩm vô cùng xuất sắc, nhưng đương thời đã gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt. Chủ yếu là do Michelangelo đã vẽ “khỏa thân” tất cả. Lúc ấy, mọi người cho rằng nó “tục tĩu và báng bổ”. Hồng y giáo chủ Carafa và Monsignor Sernini (thư ký của Giáo Hoàng) đã kêu gọi kiểm duyệt và xóa bỏ bức tranh, nhưng Giáo hoàng phản đối. Sau khi Michelangelo chết, mọi người quyết định che đi các bộ phận sinh dục và Daniele da Volterra, một học trò của Michelangelo, được trao trách nhiệm làm việc này.
Sự kiện “Sự phán xét cuối cùng” xoay quanh những hình ảnh khỏa thân là đỉnh cao của các tranh luận đương thời, mà cho đến ngày nay, vẫn còn vô số giai thoại được lưu truyền. Trong đó, được biết đến nhiều nhất là câu nói của Michelangelo trả lời những kẻ kết án mình: “Thiên Chúa đã sinh ra con người trong hình hài đẹp đẽ giống Người. Chỉ có những kẻ thiếu đức tin với tâm hồn gian trá mới xấu hổ vì sự lõa lồ!”
Năm 1546, Michelangelo được chỉ định làm kiến trúc sư Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican. Đây là công trình kiến trúc quan trọng nhất của ông, cũng là công trình kiến trúc quan trọng nhất đối với Giáo hội Công Giáo. Ông đã thiết kế mái vòm nổi tiếng công trình ấy.
Michelangelo còn một lần nữa tạo ra một công trình bất tử đó là nóc tròn tuyệt mĩ của nhà thờ thành Pierre Roma nhưng ông đã qua đời trước khi công trình này hoàn thành năm 1564.
Thời gian này, Michelangelo còn tham gia nhiều dự án do những người khác khởi đầu, đáng chú ý nhất là công việc của ông tại Nhà thờ thánh Peter, ở Rome, Campidoglio, cũng được Michelangelo điều chỉnh cấu trúc và không gian phù hợp với Capitoline Hill của Rome. Hình dáng của nó, kiểu giống hình chữ nhật lệch hơn là hình vuông, được dự định để trung hoà với những hiệu ứng của phong cảnh. Các dự án kiến trúc lớn của Florentine do Michelangelo tiến hành là mặt tiền chưa được thi công cho La Mã pháp đình San Lorenzo, Florence và Nhà nguyện Medici và Thư viện Laurentian, các pháo đài của Florence. Các dự án La Mã lớn là Nhà thờ thánh St. Peter, Palazzo Farnese, San Giovanni dei Fiorentini, Nhà nguyện Sforza tại Basilica di Santa Maria Maggiore, Porta Pia và Santa Maria degli Angeli. Michelangelo đã thiết kế Nhà nguyện Medici. Nhà nguyện Medici có các tượng đài ở trong dành cho một số thành viên gia đình Medici. Michelangelo không bao giờ hoàn thành dự án này, các học trò của ông sau này hoàn thành nó. Lorenzo the Magnificent được chôn ở bức tường cổng Nhà nguyện Medici. Những tác phẩm điêu khắc "Madonna and Child" và các vị thánh bảo trợ nhà Medici là Cosmas và Damian được đặt khi chôn cất ông.
Sau khi Michelangelo qua đời, Rome muốn xây mộ xứng đáng với tên tuổi của thiên tài này nhưng thành Florence nửa đêm đã cho người lẻn vào thành và đưa thi hài Michelangelo về an táng tại nhà thờ Santa Croce - quê hương của ông.
Nhìn chung, tác phẩm của Michelangelo tiêu biểu cho nghệ thuật hùng vĩ, thể hiện sáng tạo độc đáo. Ông đã đem nền mỹ thuật đến một đỉnh cao chưa từng thấy trong một thời đại sáng chói nhất của lịch sử thế giới.