G
ian Lorenzo Bernini hay Gian Lorenzo Bernini sinh ở Napoli ngày 7 tháng 12 năm 1598. Ông là một nghệ sĩ người Ý, là nhà điêu khắc hàng đầu của thời đại được ghi nhận là người tạo ra phong cách Baroque trong điêu khắc đồng thời cũng là một kiến trúc sư nổi tiếng. Lorenzo sinh ra trong một gia đình khá giả, cha là nhà điêu khắc nổi tiếng, nên từ nhỏ ông đã có điều kiện học tập.
Một lần khi lên bảy, ông được đưa tới chỗ Giáo hoàng Paul V, và vẽ cho Giáo hoàng xem bức chân dung của thánh Peter. Nhận thấy đây sẽ là một nghệ sỹ giỏi trong tương lai, không thua các nghệ sỹ bấy giờ như Michelangelo, để phát huy năng khiếu của cậu bé, Giáo hoàng đã giao Bernini cho Hồng y Meffeo Barberini dạy dỗ. Khác với các bạn, ngay từ buổi đầu, ông đã chứng tỏ mình là một học sinh sáng dạ khác thường. Mặc dù được học nghiêm luật song ông luôn làm mọi thứ khác đi và thường phá vỡ các quy luật về chế tác để khám phá cái mới.
Mới 15 tuổi, Bernini đã có kiệt tác “Sự quằn quại của San Lorenzo”, tượng thánh tử vì đạo St. Lawrence. Để diễn tả tột cùng nỗi đau của nhân vật, Bernini đã đưa chân mình áp vào lò lửa và nhìn qua gương nhằm phác thảo những nét quằn quại trên khuôn mặt của chính ông để diễn tả khuôn mặt vị thánh, tuy nhiên ngoài vẻ đau đớn thì khuôn mặt St. Lawrence còn có những nét như mỉm cười sung sướng do Bernini khắc họa thêm một số chi tiết về thánh Lawrence qua thánh tích: “Khi đang đau, một bên sườn đã cháy đen, St. Lawrence quay sang bảo lũ đồ tể rằng hãy lật Ngài sang nốt bên kia”. Khi chúng làm vậy thì mùi thịt khét bỗng nhiên hóa thành làn hương ngọt ngào, khiến lỗ mũi của những kẻ ác phải phập phồng như ngửi được mùi bánh nướng, chúng sau đó hối cải và nhờ thế linh hồn được cứu vớt. St Lawrence từ lúc đó trở thành vị thánh đỡ đầu cho nghề nấu ăn.
Năm 22 tuổi, ông đã có nhiều tác phẩm đắt giá và được phép vẽ chân dung cho Giáo hoàng Paul V. Năm 23 tuổi ông được Giáo hoàng Gregory XV phong hiệp sỹ; Năm 25 tuổi được Giáo hoàng mời làm cố vấn - người bạn tin cậy và 31 tuổi trở thành kiến trúc sư trưởng xây dựng các công trình ở Nhà thờ St. Peter (Vatican).
Theo ghi chép của nhà văn cùng thời Filippo Baldinucci thì Bernini là một thanh niên khá điển trai, với mái tóc dày sẫm màu và làn da ngăm đen. Là một người dí dỏm, sôi nổi và luôn say mê công việc. Ông sẵn sàng cho đi mọi thứ, không ăn, không uống, không nghỉ chỉ để sáng tác. Phải tới năm 41 tuổi, ông mới cưới một thiếu nữ kém ông do nhà thờ sắp đặt. Đó là Caterina Tezio, một thiếu nữ đẹp nhất thành Romesong. Hai người sống với nhau hạnh phúc đến cuối đời và có 11 người con.
Về sáng tác, Bernini có một số lượng tác phẩm khổng lồ. Điêu khắc có các kiệt tác “Aeneas”, “Anchises và Ascantus”, “Vụ cưỡng đoạt Proserpine”, “Apollo và Daphne”, “David, Khoảng khắc đê mê của St. Theresa”; Kiến trúc có “Quảng trường Piazza San Pietro”, “mặt tiền lâu đài Palazzo Berberini”, “mộ Giáo hoàng Urban VIII, cầu Ponte San Angelo”, “các nhà thờ ở Castelgandolfo và Ariccia”, “tiểu cảnh có các đài phun nước Fontana del Tritone”, “Những con ong”, “Bốn dòng sông”…
Bernini đã lập một kỷ nguyên mới trong lịch sử điêu khắc châu Âu, đem lại một cái nhìn khác lạ cho tác phẩm lịch sử và tôn giáo. Trong các tác phẩm điêu khắc cổ đại, người ta luôn thấy đó là những thần thánh, anh hùng có vẻ siêu phàm, thuần khiết. Bernini lại chú trọng đến con người thực đa dạng về dung mạo, phong phú trong tính cách, cử chỉ. Ông thường phá vỡ thế đứng vững chãi cho nhân vật chạy, nhảy, xoay vòng, la hét. Các hình tượng của ông thường sôi nổi, vươn lên. Bernini đã ghi được hình ảnh tuyệt diệu của một vị thánh trong phút giây chuyển thế qua khoảng khắc đê mê của St Theresa.
Qua các bức tượng, ánh sáng phản chiếu trên bề mặt bóng và độ khắc nông sâu khiến các nhân vật do ông tạo ra như đang toát mồ hôi. Đó là lý do sau khi mất Bernini đã bị một số người xem là một thầy phù thủy, xảo trá, phải chịu trách nhiệm vì đã làm méo mó hình tượng tôn quý. Người ta chỉ trích do ông thể hiện các nhân vật trong tôn giáo với quá nhiều cảm xúc nên đã làm hỏng tính kiên định, liêm chính khiến sự uy nghi, cao cả sụp đổ. Thêm nữa, ông còn luôn sử dụng con người thật và chính bản thân để khắc họa nhân vật. Chính việc chê trách này lại là yếu tố đặc biệt làm nên sự độc đáo trong phong cách của Bernini. Hai tác phẩm điêu khắc “Vụ cưỡng đoạt Proserpine Apollo” và “Daphne và David” ông đã dùng chính dung mạo và hình thể của mình làm mẫu như mày chau, miệng mím hoặc há rộng, biểu lộ những xúc cảm mạnh mẽ.
Tượng của Bernini diễn tả cái động, sức mạnh và kịch tính. Điều này thể hiện rõ qua hình tượng David vặn mình phóng về phía tên khổng lồ Goliath như một đòn sấm sét. Trong “Vụ cưỡng đoạt Proserpine”, thần Pluto lấy tay ghì chặt nữ thần bốn mùa Proserpine với ý định chiếm đoạt bằng được nàng và Proserpine cũng chống cự quyết liệt để ngăn cản kẻ tấn công. Giống Pluto, thần ánh sáng Apollo cũng theo đuổi một người mình yêu là nàng tiên nữ Daphne và cũng bị nàng cự tuyệt, tuy nhiên vị thần này không thô bạo bằng Pluto và chỉ vờn đuổi theo nàng cho đến khi nàng thuận ý. Nhưng Daphne nhất định không chịu và khi thân thể nàng chạm vào bầu trời - ý chỉ một phần nào đó trên người Apollo thì nó lập tức biến dần thành một cái cây. Để nhấn mạnh cao trào của hành động, ngoài tạc tượng với một góc nhìn tuyệt diệu, ông còn đặt nó nằm đối diện với các bức tường tôn thêm vẻ kịch tính, cho tượng một nguồn năng lượng tư tưởng, qua đó người xem có thể thấy suy nghĩ của nhân vật như ở Daphne với miệng há rộng thể hiện sự lo sợ kinh ngạc, Proserpine thì vật lộn để trốn thoát.
Đáng chú ý là tác phẩm điêu khắc như “khoảnh khắc đê mê của St. Theresa và Costanza”. Trong hai tác phẩm này, ông đã thể hiện người phụ nữ hết sức thơ mộng, duyên dáng, gợi cảm. Dù nhân vật là thần thánh hay người bình thường, hình ảnh của họ được ông diễn tả đầy khơi gợi, nồng nhiệt, đôi mắt mở to, sáng rực hoặc chỉ khép hờ một cách đê mê, đôi môi như đang nói và các nếp áo như có làn gió thổi.
Khoảng khắc đê mê St. Theresa và Costanza là bức tượng diễn tả thời khắc lúc St. Theresa bắt đầu giác ngộ và thể hiện tình yêu đặc biệt đối với Thiên chúa. Nhân vật được thể hiện bằng muôn ngàn ngọn giáo đâm xuyên tim song vẫn cảm thấy sung sướng, khuôn mặt ngây ngất như đang yêu.
Nguyên mẫu bức tượng Costanza là vợ một người thợ hồ làm việc trong xưởng của ông. Bernini đã đem lòng yêu mến Costanza và tạc nên pho tượng bán thân Costanza, được xem là sexy nhất trong lịch sử điêu khắc châu Âu. Tượng miêu tả một người phụ nữ trẻ đẹp với mái tóc tết buông sau gáy, khuôn mặt bầu bĩnh, cổ cao, chiếc áo lót để lộ bộ ngực đẫy đà, sống động như người thật.
Angel of Death là tác phẩm điêu khắc thể hiện bức tượng Giáo hoàng Alexander VII, dưới là hình một tấm vải rất lớn màu đỏ phủ xuống, được tạc từ một khối cẩm thạch đỏ nguyên khối lớn. Nét tạc mạnh mẽ và sống động như tấm vải thật. Từ dưới tấm vải, một bộ xương người khô thò lên, đầu lâu cười, tay cầm một cái đồng hồ cát. Bộ xương làm bằng đồng mạ vàng, thể hiện Thần Chết. Thần Chết chui từ dưới lớp vải báo hiệu thời gian của con người sẽ hết, ai cũng sẽ chết. Hai bên là hai tượng thần. Vị thần bên phải đứng lên quả địa cầu. Ngón chân cái của vị thần dẫm lên một cái chốt mạ vàng, cái chốt ấy cắm đúng vào nước Anh, bởi vào thời gian tạc tượng, thì sự ly giáo của Anh quốc là một mối lo lớn trong lòng giáo hoàng Alexander VII, do đó Bernini đã tạc pho tượng này thể hiện điều đó.
Ngoài điêu khắc, Bernini đã tạo nên rất nhiều kỳ quan kiến trúc như Quảng trường Piazza San Pietro trước Nhà thờ St Peter. Ở Quảng trường này, đứng ở góc nào, mọi người cũng có thể nhìn thấy Giáo hoàng. Các đài phun tráng lệ, nổi bật là Đài phun bốn dòng sông ở quảng trường Piazza Navona, một lúc khắc họa bốn vị thần sông quanh một cột tháp Ai Cập cao với đỉnh là một con chim câu cắp cành ô liu, biểu thị cho bốn dòng sông lớn của thế giới gồm sông Nile - châu Phi, Danube - châu Âu, Hằng - châu Á và Rio de la Plata - châu Mỹ, giờ đây là nơi sinh hoạt, vui chơi của hàng triệu người.
Qua kiến trúc cầu Ponte San, Angelo ở Rome được ông thể hiện với các thiên thần có cánh rong ruổi về phía mặt trời. Những hàng cột đồng đỡ mái vòm trên hầm mộ St. Peter dưới sự diễn tả của ông quằn quại như muốn trỗi dậy.
Quảng trường “The Fontana di Trevi” cũng là tác phẩm kiến trúc đáng chú ý. Bản thiết kế do Bernini vẽ nhưng phải tới gần một thế kỷ sau mới được xây dựng. Trung tâm của đài phun nước là bức tượng khổng lồ Neptune, vị thần của biển cả đang oai hùng đứng trên cỗ xe ngựa được điều khiển bởi hai vị thần đầu người thân cá. Một con ngựa nghe lời trong khi con còn lại thì đang ở trong trạng thái bất tuân. Chúng tượng trưng cho sự thay đổi bất thường của đại dương. Phía trên là bốn bức tượng đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Bernini mất nhưng tên tuổi của ông vẫn bao trùm nền mỹ thuật Ý thế kỷ XVII.