S
andro Botticelli là họa sĩ người Ý nổi tiếng thời kỳ tiền Phục Hưng. Botticelli sinh năm 1445 tại Plorence, Ý. Thời kỳ đầu, ông chịu ảnh hưởng của Filipino Lippi và Andrea del Veroechio. Năm 1481, được giáo hoàng mời về Rome trang trí giáo đường Sixtin với bích họa: “Cuộc đời Môizơ”, “Chúa bị cám dỗ”… Trở lại Florence, ông làm việc cho dòng họ Medici trong không khí bạo loạn của thành phố. Là một họa sĩ hết sức nhạy cảm, ông đã gửi gắm tình cảm và những trăn trở, lo âu về đất nước vào các nhân vật của mình. Các tác phẩm mang đề tài tôn giáo của ông đều thể hiện sự tôn kính, tinh tế nhưng sầu muộn.
Botticelli sống ở thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa nhân văn và mỹ thuật ở châu Âu. Năm 18 tuổi, ông học kỹ thuật vẽ tranh tường theo sự hướng dẫn của họa sĩ - thầy tu Fra Filippo Lippi. Dần dần, ông tìm ra phong cách riêng của mình.
Botticelli đã để lại cho kho tàng nghệ thuật nhân loại những kiệt tác bất hủ: “Mùa xuân”, “Thần Venus và thần Mars”, “Ngày sinh của thần Venus”...
Các tác phẩm của ông được đánh giá như những viên ngọc quý, vượt qua mọi thời đại, được toàn thế giới ngưỡng mộ.
Ngày 17 - 5 - 1510, ông qua đời, mộ được đặt tại nghĩa trang Ognissanti.
Các tác phẩm vẽ theo chủ đề thần thoại thể hiện rõ khuynh hướng nhân văn. Tranh của ông tạo hình vững, khỏe, đường nét khúc chiết, nhịp điệu biến đổi. Quan hệ chặt chẽ giữa nội dung và hình thức gắn với hàm ý truyền đạt của tác giả khiến tác phẩm có giá trị thẩm mỹ rất cao. Tác phẩm của ông đã làm thay đổi quan niệm về không gian và thời gian, biến đổi cách thể hiện hành động của nhân vật, biến đổi cả tính chất đạo lý và tôn giáo trong nghệ thuật cũng như trong cách nhìn nhận xã hội, đưa kỹ xảo hội họa lên một tầm cao mới. Có thể nói, ông có ảnh hưởng rất lớn đến hội họa Ý.
Trong các tác phẩm của mình, Botticelli đã sáng tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ, Sandro Botticelli miêu tả hình ảnh thần Vệ Nữ tóc vàng với vẻ đẹp hoàn hảo. Nữ thần đứng trên một vỏ sò khổng lồ, được thần gió và thần không khí tinh khiết thổi vào bờ biển, nữ thần mùa màng với tấm áo hoa ra đón nàng. Vệ Nữ trong tranh thể hiện đầy đủ vẻ đẹp chuẩn mực thời Phục Hưng, vẻ đẹp của người phụ nữ hài hòa, cân đối, đầy đặn và quyến rũ. Bên trái trên bức tranh là vợ chồng thần gió đang cố gắng thổi làn gió ấm áp an lành để đưa nữ thần Vệ Nữ (Venus) từ biển vào bờ. Bên phải là nữ thần hoa Flora mặc bộ quần áo đầy hoa mang tấm áo choàng đến cho thần Vệ Nữ.
Vẻ đẹp của nữ thần tình yêu và sắc đẹp không chỉ là vẻ đẹp trần trụi của đường nét và màu sắc mà còn nằm ở độ sâu tinh thần mà họa sĩ thể hiện. Vệ Nữ từ sóng biển bước lên, bao bọc quanh nàng là bầu không khí tinh khiết, ngát thơm và trong sáng. Khơi gợi lại truyền thống Hy Lạp cổ xưa, hình dung thần thánh bằng vóc thân hoàn hảo của con người, nữ thần uy nghi và quyền năng trong huyền thoại được nghệ sĩ hình dung như một hiện thân nữ tính của một người phụ nữ đẹp đang hiện hữu.
Bố cục của tranh gồm ba phần. Thần gió và thần không khí ở bên trái thuộc về không trung. Nữ thần mùa màng ở bên phải với rừng cây làm nền thuộc về đảo Cyprus. Toàn bộ ánh sáng trong tranh đều tập trung vào nữ thần Vệ Nữ, đứng ở vị trí trung tâm của bức tranh, trên một chiếc vỏ sò khổng lồ, được sóng cuộn đưa vào bờ còn biển xanh như lùi ra xa ở phía sau lưng nàng.
Vệ Nữ, nổi bật giữa bức tranh như một biểu hiện đầy nữ tính, mái tóc vàng bồng bềnh, dáng đứng mềm mại nhưng chông chênh. Có thể nói, từ sau bức vẽ này của Sandro Botticelli, mái tóc vàng, vỏ sò và dáng đứng uyển chuyển đó trở thành đặc trưng tiêu biểu của thần Vệ Nữ. Vỏ sò tượng trưng cho nữ tính và âm vật nên việc đặt vào trung tâm của tranh một biểu tượng âm vật chính là thể hiện tinh thần đề cao vẻ đẹp và nữ tính của con người thời Phục Hưng.
Ở phương tây, bức tranh Vệ Nữ của Botticelli tượng trưng cho vẻ đẹp vĩnh hằng. Nàng đẹp và duyên dáng đến nổi hãng đồ họa nổi tiếng Apple cũng đã lấy biểu tượng khuôn mặt và mái tóc bồng bềnh của nàng làm biểu tượng khởi động chương trình thiết kế chế bản dàn trang nổi tiếng ailustrator trong các version 8, 9, 10.
Hàng trăm năm nay các học giả luôn tranh cãi về ý nghĩa và quan hệ giữa các nhân vật. Một điều khó phủ nhận là sự tương đồng giữa hình ảnh Vệ Nữ và đức Mẹ đồng trinh. Từ hình dáng bàn tay đến màu áo đỏ đặc trưng của đức Mẹ đều là những hình ảnh song song, và ngay cả thần ái tình nhỏ cũng là một bản sao của Chúa hài đồng. Botticelli và những người trong dòng họ Medici đều là những tín đồ Công giáo ngoan đạo. Việc đồng nhất hình ảnh Vệ Nữ và Đức Mẹ giúp việc chuyển hóa tín ngưỡng trong bức tranh này trở nên dễ dàng hơn.
Bức tranh Primavera được họa sĩ hoàn thành năm 1482, với lối vẽ độc đáo, thể hiện tư tưởng tiến bộ trong các chủ đề thần thoại, gắn các nhân vật truyền thuyết với đời thực. Primavera có kích thước 202 x 314cm. Tranh được lấy cảm hứng từ bài thơ Fasti của Ovid về mùa xuân và các lễ hội.
Chuyện kể rằng một hôm Chloris - nữ thần sông suối - dạo chơi trong rừng, thần gió Zephyrus say đắm sắc đẹp liền bắt cóc nàng về làm vợ. Hối hận về việc làm này, thần liền biến Chloris thành nữ chúa hoa Flora. Mỗi khi Flora thốt lên điều gì thì từ miệng nàng lại rơi ra một loài hoa, nàng còn được tặng một khu vườn xanh tươi, nơi đó mãi mãi là mùa xuân.
TOÀN CẢNH BỨC TRANH PRIMAVERA
Bức tranh Primavera vẽ chín vị thần La Mã, đứng ở trung tâm là thần Vệ Nữ (Venus) xinh đẹp choàng khăn màu đỏ. Vị trí trung tâm của thần Vệ nữ giống như sự ngăn cách giữa thế giới tâm linh và thế giới dục vọng. Nàng đứng tựa vào cây sim - loài cây mang ý nghĩa biểu tượng bởi những chiếc lá sim là chiếc áo đầu tiên nàng vận khi sinh ra từ bọt biển. Bên tay trái của Vệ nữ là ba nàng tiên duyên dáng, nhan sắc và thông minh. Cả ba cùng vận váy trắng, tay trong tay nhảy múa, họ là đối tượng nhắm đến của thần Cupid. Bên cạnh ba nàng tiên là thần truyền tin Mercury - người quấn vải đỏ, đội mũ và đeo thanh gươm.Thần đang giơ chiếc gậy chỉ về phía đám mây xám để làm phép giữ cho khu vườn không bị mưa, lạnh và đón mùa xuân mới. Đứng góc phải tranh ngay cạnh thần Vệ nữ là thần mùa xuân Primavera. Đầu nữ thần đội vòng hoa, mặc váy hoa, một tay rắc cánh hoa, một tay ôm váy. Sát cạnh nàng là thần sông suối Chloris (cũng là nữ thần hoa Flora) mở miệng nói là rơi ra hoa. Chloris mặc váy trắng mỏng, đang bị thần gió lạnh Zephyrus bay ở trên đầu lôi kéo. Thần gió lạnh được vẽ với làn da xanh tái, miệng thổi ra làn gió mạnh làm nghiêng ngả cây cối. Tiểu thần tình yêu Cupid bay lượn trên đầu thần Vệ nữ. Dưới hình hài một em bé, Cupid ở vị trí cao nhất là biểu hiện cho con cái, sự tôn trọng và mong chờ kết quả tình yêu.
Một điều đáng kinh ngạc là họa sĩ Botticelli đã vẽ tới 500 loại cây cỏ, hoa khác nhau trong bức tranh chỉ có diện tích 202 x 314cm. Nền tranh là khu vườn cam, tương truyền cam là loài cây biểu tượng cho gia tộc Medici. Trong các loài thực vật, có tới 190 loài hoa và 130 hoa có tên được vẽ tỉ mỉ, chi tiết chính xác như một nhà giải phẫu sinh học. Với các nhân vật, cỏ cây hoa lá, Primavera là một sự thể hiện sinh động, đầy màu sắc nhất về sự sống, tình yêu, hôn nhân và niềm hạnh phúc đang đến với thế giới khi vào xuân.
Có thể khẳng định Primavera là bức họa đầu tiên của phương Tây trong hơn một nghìn năm sử dụng những hình ảnh đa thần. Vị trí của Vệ Nữ mang một ý nghĩa tượng trưng - nàng chính là lòng nhân ái ngăn cách giữa thế giới tâm linh và thế giới dục vọng. Đây là một khái niệm mới trong thời kì Phục Hưng thể hiện sự kết hợp giữa lí trí và sự cao thượng của tình yêu Kito giáo.
Có ý kiến cho rằng, thần Vệ Nữ trong bức tranh được Botticelli vẽ theo nguyên mẫu Simonetta Vespucci - mĩ nhân số một ở Florence thời bấy giờ. Simonetta được coi là người đẹp nhất trong thời đại mình. Tất cả những nhà quý tộc ở Florence đều say mê nàng kể cả khi nàng đã làm vợ Marco Vespucci. Thậm chí người ta còn cho rằng tất cả những phụ nữ trong bức tranh của Botticelli đều mang gương mặt của Simonetta!
Thật khó có thể xác định Botticelli có thực sự đem Simonetta vào Primavera hay không, song việc Botticelli say đắm bà là không phải bàn cãi, vì ông đã yêu cầu khi chết được chôn ở dưới chân bà tại nhà thờ Ognissanti.
Còn một điều gây tranh cãi trong Primavera là hành động kì lạ diễn ra ở bên phải bức tranh của thần gió Zephyrus. Theo thi hào Ovid, sự quyến rũ của tiên nữ Chloris đã khiến Zephyru theo đuổi nàng. Khi hai người hòa hợp, những bông hoa nở từ miệng nàng và nàng biến thành thần hoa Flora.
Có thể nói, Sandro Botticelli là một trong những họa sĩ vĩ đại thời Phục Hưng và 500 năm sau khi ông qua đời, những kiệt tác của ông đã quay trở lại để đại diện cho lý tưởng về vẻ đẹp đương thời.