A
ndreas Vesalius sinh ngày 31 tháng 12 năm 1514 ở Bruxelles (Bỉ). Từ bên trong bức tường thành phố Bruxelles, ngôi nhà ông ở có thể nhìn thấy quả đồi nơi các kẻ tử tù bị tra tấn và hành quyết. Hồi còn bé, ông từng nhìn thấy những thi thể bị bỏ lại trên đồi cho diều hâu rỉa thịt.
Cha của ông làm thái y cho vua Charles V và gia đình ông nổi tiếng về nghề thuốc. Thuở nhỏ chịu ảnh hưởng của cha, Vesalius rất thích nghiên cứu tự nhiên, nhất là nghiên cứu động vật nhỏ. Ông thường theo cha học cách phẫu thuật chó, thỏ, chim, chuột... nên đã học được nhiều tri thức và kỹ năng thuộc lĩnh vực giải phẫu. Ông học ở Hà Lan theo truyền thống nghiêm khắc của trường phái Galen. Ông luôn luôn giữ cho mình một tình cảm tôn kính sâu sắc với Galen.
Ông đậu trung học ở Đại học Louvain năm 1530, rồi đi học ở Đại học Paris. Ở đây ông thụ giáo với giáo sư Sylvius, người theo học thuyết của Galen. Khi chiến tranh giữa Pháp và đế quốc Rôma bùng nổ, Vesalius vì là dân của nước thù địch, nên bị trục xuất khỏi Paris. Trở về Louvain, ông đậu bằng cử nhân y khoa năm 1537, rồi đến Padua, là trường y khoa nổi tiếng nhất châu Âu. Tại đây ông dự khóa thi hai ngày và đậu bằng tiến sĩ y khoa hạng giỏi.
Vào thời đó tôn giáo thần học còn chiếm địa vị tuyệt đối. Giáo hội thời kỳ này cấm giải phẫu thi thể người, cho rằng giải phẫu thi thể người là mạo phạm thần linh, là đại nghịch, vô đạo. Quan niệm này gây trở ngại nghiêm trọng tới sự phát triển của khoa học. Vì lệnh cấm này, Vesalius dù rất muốn nghiên cứu cơ thể người nhưng phải giấu giếm việc giải phẫu thi thể, tìm trăm phương ngàn kế trốn tránh sự chú ý của giáo hội.
Lòng mong mỏi cầu học mãnh liệt, cộng với sự hiếu kỳ, khiến ông quên nỗi lo sợ nguy hiểm tới tính mạng, nhiều lần nấp trốn cảnh vệ, trong những đêm trời tối đen như mực, mò tới các bãi hành hình, bãi tha ma, vượt qua hàng đàn chó đói, lấy trộm thi thể, mang về nhà tiến hành giải phẫu suốt đêm. Cứ như thế Vesalius đã lấy trộm không biết bao nhiêu thi thể và thức trắng bao nhiêu đêm để bí mật giải phẫu. Do đó, ông đã nắm vững chính xác rất nhiều tri thức giải phẫu cơ thể người không hề ghi trong sách vở đến mức nhắm mắt ông cũng có thể rất nhanh nhận ra loại xương nào mà người ta đặt vào bàn tay ông. Cấu tạo các bộ phận nội tạng, bắp thịt, thần kinh, huyết quản, ông cũng rất quen thuộc.
Sau một thời gian nghiên cứu, Vesalius bắt đầu có ý thức phê phán lý luận của Galen. Thời đó, ở các viện y học, người ta dạy giải phẫu học về chó, về lợn, mà không phải là dạy giải phẫu học về người. Ai cũng biết đối tượng nghiên cứu y học là người; còn thú y mới nghiên cứu chó, lợn... nhưng vào thời đó, một số người vẫn quan niệm sai lầm rằng cấu tạo của người, chó và lợn là không sai khác bao nhiêu. Vì thế, ở viện y học rất hiếm khi sinh viên được giải phẫu thi thể; khi giải phẫu các giáo sư thường không cho sinh viên nhìn rõ. Nếu phát hiện chỗ nào không giống với lý luận mà Galen đã viết thì họ cố ý lập lờ, không dám nói rõ, sợ nói ngược với quan điểm truyền thống.
Trong khi đó, Vesalius không quá chú trọng tới quyền uy và sách vở, ông chỉ xem trọng thực tiễn. Vì thế, năm 28 tuổi, ông đã cho xuất bản cuốn sách “Bàn về cấu tạo cơ thể người”. Trong cuốn sách này, ông chỉ ra những sai lầm trong sách của Galen. Khi đó, trên giảng đường đại học, ông thường vừa giảng, vừa giải phẫu thi thể người khi giảng về cấu tạo cơ thể người, làm sinh viên nhận ra đâu là thật đâu là giả. Do đó các buổi lên lớp của ông thường có tới 400 - 500 người tham dự, ngồi chật cả giảng đường.
Năm 23 tuổi, là giáo sư và trưởng khoa giải phẫu học, ông đã đem đến cho khoa giải phẫu một ý nghĩa mới. Vì ông không còn coi nhiệm vụ chính là giảng các sách giáo khoa của Galen nữa nên khi dạy môn giải phẫu, ông đã thay đổi phương pháp mà các giáo sư khác vẫn dùng. Không giống các giáo sư trước đó, ông không đứng cao trên bục giảng để chứng kiến một nhà phẫu thuật với bàn tay vấy máu đang moi những bộ phận ra khỏi thi thể. Ngược lại, chính Vesalius tự tay mổ xẻ thi thể và lấy các cơ quan ra. Để giúp các sinh viên, ông chuẩn bị một số trợ giúp giảng dạy gồm bốn bức vẽ giải phẫu lớn, khá chi tiết để cho sinh viên thấy cấu trúc của thân thể khi không có sẵn thi thể trước mắt. Mỗi bộ phận được dán nhãn tên kỹ thuật riêng. Thêm vào đó là một bộ từ vựng liệt kê tên của các bộ phận bằng tiếng Hi Lạp, Latinh, Ảrập và Hípri.
Chỉ nguyên việc sử dụng các minh họa cũng đã là điều mới mẻ vào thời ấy rồi. Vào thế kỷ XVI, những sách giáo khoa của Galen tuy đã được hiệu đính và biên tập kỹ lưỡng, nhưng vẫn không có hình vẽ. Một số giáo sư giải phẫu hàng đầu thậm chí còn cấm sinh viên sử dụng các hình vẽ, vì họ cho rằng đó không phải những tài liệu chính truyền của Galen. Vì thế bản giải phẫu của Vesalius là cố gắng đầu tiên để tạo cho những bài giảng dưới một hình thức cụ thể. Trong nhiều thế kỷ, cả trong những trường y khoa danh tiếng nhất châu Âu mà có môn giải phẫu, thì cơ hội được nhìn thấy các cơ quan bên trong cơ thể con người vẫn rất hiếm hoi do đó bản Giải phẫu của Vesalius là bước nhảy vọt từ giải phẫu động vật sang giải phẫu người. Những bảng giải phẫu này cho thấy một “mạng lưới kỳ diệu”, ở hạ não của con người.
Vesalius đã lợi dụng mọi cơ hội, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, để có thể thu thập những mẫu cơ thể người giúp cho việc giải phẫu. Bằng nhiều cách, ông đã có được một bộ xương người ở Louvain. Về sau, ông làm quen với một thẩm phán ở tòa đại hình quan tâm tới công trình nghiên cứu của ông, vị thẩm phán này đã cho phép ông sử dụng xác của những tử tội bị hành quyết. Không những thế, ông ta còn có thể hoãn giờ hành quyết để Vesalius sẵn sàng khi hành quyết xong là có ngay xác để mổ lúc còn tươi.
Trong khi giảng giải theo sách giáo khoa của Galen, Vesalius đã nhận thấy quá nhiều chỗ Galen mô tả về cơ thể người nhưng thực ra là cơ thể động vật. Ông dễ dàng đi đến kết luận là khoa giải phẫu “người” của Galen thực ra chỉ là một tổng hợp các phát biểu của Galen về động vật nói chung. Vesalius viết vào năm 1539: “Tôi nghiêm túc suy nghĩ tới khả năng việc phẫu thuật có thể được dùng để kiểm chứng lý thuyết”. Thế là ông quyết định soạn một bộ sách giải phẫu mới hoàn toàn dựa trên những quan sát của ông về cơ thể người.
Những nghiên cứu giải phẫu học của ông đạt tới đỉnh điểm trong cuốn sách đã mang lại danh tiếng cho ông trên khắp châu Âu. Đó là cuốn “Cấu trúc cơ thể người” thường được gọi tắt là Fabrica, một cuốn sách in khổ lớn rất đẹp dày 663 trang, xuất bản tháng 8 năm 1543, cùng năm với cuốn “De Revolutionibus” của Copernic.
Vì việc làm này, Vesalius bị thế lực giáo hội công kích kịch liệt. Giáo hội dứt khoát không dung tha ông, xem ông là kẻ báng bổ thần thánh, thậm chí cả thầy giáo của Vesalius cũng phản đối ông. Theo Thánh kinh, Thượng đế sáng tạo ra trời, đất, ngày và đêm, mặt trăng, mặt trời và các vì sao,và sáng tạo ra động vật, thực vật. Cuối cùng Thượng đế dùng đất bùn tạo ra con người, đầu tiên tạo ra một người nam là Adam, sau đó từ chiếc xương sườn của Adam tạo ra một người nữ là Eva để làm vợ Adam, và con cháu họ... ra đời, thành loài người. Theo cách thuyết giáo như vậy thì xương của nam giới phải kém nữ giới một xương. Còn theo thực tiễn giải phẫu của Vesalius, sự thực đã chứng minh, số xương của nam và nữ là như nhau, đều là 26 chiếc. Sự thực hùng hồn này đã giáng một đòn chí mạng vào Thánh kinh của tôn giáo.
Sau khi xuất bản cuốn sách đó, Vesalius lâm vào tình cảnh bất hạnh. Vesalius vốn trông đợi sự đồng tình ủng hộ của giới y học đương thời, nhưng sự thật đã ngược lại với mong muốn đó. Nhiều bác sĩ phản đối ông kịch liệt, ủng hộ uy quyền của Galen dựng lên từ thời cổ đại. Thầy giáo của ông gọi ông là kẻ dị giáo, loạn thần kinh và thể hiện sự căm phẫn với ông đến cùng. Sự công kích từ mọi phía gây khó khăn cho ông càng lúc càng nghiêm trọng, khiến ông tuyệt vọng, phẫn chí tới mức hủy hết những tư liệu nghiên cứu đã bỏ ra bao tâm huyết tích lũy nhiều năm, và rời bỏ chức vị giáo sư đại học. Từ đấy, ông trở nên trầm tư, khổ não, không quan tâm gì đến sự nghiệp nữa...
Cho dù tình cảnh của ông đã bi đát như thế, nhưng những kẻ phản đối ông trong giới khoa học và tôn giáo quyền uy vẫn không chịu buông tha ông. Ông bị thu thập tài liệu, luận tội trạng, và năm 1563 bị lôi ra tòa án tôn giáo kết án ông tử hình.
Tuy nhiên thực tế sau này cho thấy, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, giải phẫu học của Vesalius đã chiếm ưu thế tại các trường y khoa ở châu Âu. Việc nghiên cứu giải phẫu học ở phương Tây sẽ không bao giờ còn như cũ nữa. Những gì ông nói về quả tim hay bộ não không quan trọng bằng con đường mà ông đã mở ra cho các sinh viên tương lai để họ nghiên cứu về mọi cơ quan của cơ thể con người. Phê bình Galen thôi không đủ. Cần phải có sự say mê mới trong việc thực hành giải phẫu so sánh thật nhiều. Không có cách nào khác để người thầy thuốc có thể chắc chắn mình không mô tả những điều bất bình thường.
Do những công lao đóng góp của Vesalius đối với y học, ông được người đời sau tôn vinh là ông tổ giải phẫu học.