G
regor Mendel (Johann Mendel) sinh ngày 20 tháng 7 năm 1822 trong một gia đình nói tiếng Đức ở Hynčice thuộc Đế quốc Áo (nay là Cộng hòa Séc). Ông là con trai của Anton và Rosine Mendel. Họ sinh sống và làm việc trong một nông trại vốn đã được gia tộc Mendel sở hữu suốt 130 năm. Xuất thân trong một gia đình nông dân, Mendel làm việc như một thợ làm vườn, nghiên cứu về cách nuôi ong. Thuở bé, ông tỏ ra rất thông minh do đó một giáo sĩ cùng quê đã để mắt đến ông và cho phép ông được đi học tiếp. Tuy nhiên, ngoài việc học Mendel phải làm việc để kiếm sống vì số tiền cha mẹ cung cấp cho không được bao nhiêu. Nhờ sự tiến cử của giáo viên dạy vật lý - Friedrich Franz, ông được nhận vào học tại một tu viện ở Brno năm 1843. Với sự hỗ trợ của cha cố Napp, năm 1851 ông được gửi tới Đại học Tổng hợp Viên để nghiên cứu, ở đây ông nghiên cứu về toán học và khoa học. Năm 1853, Mendel hoàn tất việc học tại Viên, và quay về tu viện.
Trong tu viện, Mendel vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Suốt 7 năm từ 1856 đến 1863 ông đã tiến hành các thí nghiệm lai trên đậu Hà Lan trong một mảnh vườn nhỏ của tu viện. Với quá trình quan sát khoảng 37 ngàn cây đậu và 300 ngàn hạt đậu, Mendel đã chứng minh sự di truyền do các nhân tố di truyền. Ông phát hiện thấy cây đậu bố mẹ có thể truyền lại cho con cái những nhân tố di truyền riêng rẽ và nhấn mạnh rằng các nhân tố di truyền (ngày nay gọi là gene) duy trì được các tính chất cá biệt của chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thực nghiệm của ông vừa mang tính chất thực nghiệm vừa mang tính chính xác toán học. Ông đã sử dụng 7 cặp tính trạng khi tiến hành lai tạo: Hoa tía - Hoa trắng, Hoa mọc nách - Hoa mọc ngọn, Hạt vàng - Hạt xanh, Hạt trơn - Hạt nhăn, Quả trơn - Quả nhăn, Quả xanh - Quả vàng, Cây cao - Cây thấp. Các thí nghiệm của ông hết sức phong phú và chính xác.
Mendel đã quan sát và lựa chọn những cặp tính trạng chất lượng của đậu Hà Lan có sự tương phản rõ ràng, dễ quan sát cho các phép lai đơn tính. Trong các thí nghiệm ông đã sử dụng các vật liệu thuần chủng (biết rõ nguồn gốc và qua các đời tự thụ phấn); theo dõi riêng từng cặp tính trạng qua nhiều thế hệ; đánh giá khách quan các kết quả quan sát; sử dụng cách biểu thị kết quả đơn giản, dễ hiểu. Các khái niệm về tính trội - lặn đã được ông đưa ra và trình bày trước Hội các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên vào năm 1865 tại Brno nhưng các kết quả thực nghiệm của ông không được ai chú ý. Một năm sau các kết quả nghiên cứu này được công bố trên tập san của Hiệp hội và gửi cho các cơ quan khoa học trên thế giới nhưng các nhà khoa học lúc bấy giờ chưa sẵn sàng để công nhận điều quan trọng của những kết quả mà Mendel đã tìm ra.
Có thể nói, trong vô vàn hiện tượng phức tạp của sinh vật, Mendel đã tách ra được các tính trạng riêng rẽ và cho thấy chúng do các nhân tố bên trong chi phối (sau này các nhân tố đó được xác định là các gene). Một điều kỳ lạ trong các phát minh của Mendel là lúc đó chưa có khái niệm nhiễm sắc thể, liên kết gene nhưng có lẽ với tư duy, suy luận chính xác của một nhà toán học, nhà vật lý học, ông đã lựa chọn được 7 cặp tính trạng, sau này các gene xác định các tính trạng đó được xác định chỉ nằm trên 4 cặp nhiễm sắc thể trong đó một số gene chỉ thuộc hai nhóm liên kết nhưng chúng nằm cách xa đến nỗi các kết quả thu được hầu như không có biểu hiện về ảnh hưởng của liên kết gene.
Dù không được giới khoa học biết đến, Mendel vẫn miệt mài vừa dạy học, vừa truyền đạo và vừa tiếp tục làm thực nghiệm trong vườn của tu viện. Năm 1868 ông được phong chức Tổng Giám mục. Ngoài ra, ông còn là người sáng lập ra Hội nghiên cứu Thiên nhiên và Hội Khí tượng học của thành phố Brno. Năm 57 tuổi ông được cử làm Giám đốc Tu viện. Ngày 6-1-1884 ông qua đời sau một tai biến do viêm thận.
Mãi 6 năm sau ngày ông qua đời các nghiên cứu quý giá của ông mới được nhân loại biết tới thông qua các nghiên cứu độc lập nhưng cùng một lúc (1900) của 3 nhà khoa học ở 3 quốc gia khác nhau: H. M. de Vries (Hà Lan), E. K. Corens (Đức) và E. V. Tschermak (Tiệp Khắc cũ). Nhờ ba nhà khoa học công nhận công trình của thầy tu Mendel nên thuyết Mendel mới ra đời được. Và năm 1900 được coi là năm ra đời của Di truyền học.
Có thể nói, Mendel là một nhà khoa học đã chỉ ra đặc tính di truyền tuân theo những quy luật nhất định, ngày nay gọi là Định luật Mendel. Nội dung định luật của ông rất đơn giản, tuy nhiên, khi ông còn sống, ý nghĩa và tầm quan trọng trong các công trình nghiên cứu của ông không được công nhận, người ta cũng không quan tâm đến các nghiên cứu của ông. Đến tận đến thế kỷ XX, các kết luận của ông mới được công nhận, khi đó ông được tôn vinh như một nhà khoa học thiên tài, một danh hiệu ông xứng đáng được nhận từ lúc sinh thời và Mendel được tôn vinh là cha đẻ của ngành này.