H
egel là nhà triết học vĩ đại người Đức, đóng một vai trò lớn lao trong việc xây dựng lý luận biện chứng về sự phát triển. Trong lịch sử phát triển triết học, ông là người đầu tiên trình bày một cách toàn diện và có hệ thống phép biện chứng, đồng thời cũng là người phê phán thẳng thắn tư tưởng siêu hình. Ông được đánh giá là triết gia nổi tiếng nhất cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Ông Hegel sinh ngày 27 tháng 8 năm 1770, Đức trong một gia đình viên chức thuế vụ, thành phố Mahatat nước Đức. Năm 1778, ông học khoa Thần học tại trường dòng Tibigen của đạo Tin Lành. Cuộc sống của ông khi đó tuy khắc khổ nhưng ông học tập rất nghiêm túc. Năm 1788, trong thời gian Hegel đang còn đi học, cuộc đại cách mạng Pháp đã nổ ra. Kể từ đó, Hegel bắt đầu quan tâm đến vấn đề chính trị xã hội. Thời trai trẻ, Hegel rất tôn sùng Rousseau, ông luôn hướng về dân chủ và tự do của giai cấp tư sản, phản đối chế độ chuyên chính phong kiến và là một người thuộc phái Cộng hòa của giai cấp tư sản.
Mùa thu năm 1793, ông nhận bằng tốt nghiệp về Thần học của chủng viện nhưng không làm mục sư mà đi làm gia sư ở thành phố Baraco và Frankfurt. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho ông có thời gian nghiên cứu triết học và văn học Hy Lạp. Cũng chính nơi đây, ông bị mắc chứng bệnh trầm cảm và phải thường xuyên đọc sách để điều trị.
Năm 1799, cha của Hegel qua đời, để lại cho ông một tài sản kếch xù. Vì vậy, ông từ bỏ nguồn thu nhập cố định, quyết tâm đầu tư tiền bạc vào con đường học thuật. Năm 1801, Hegel đạt được học hàm phó giáo sư.
Năm 1801, ông chuyển đến giảng dạy ở trường Đại học Iena, lúc này là trung tâm văn hóa của toàn nước Đức. Tại đây ông viết nhiều bài tiểu luận cho tạp chí triết học. Năm 1806, ông làm hiệu trưởng một trường trung học ở Nurembec. Năm 1811, ông lập gia đình với một cô gái quý tộc. Thời gian này ông cho xuất bản hai tác phẩm triết học “Khoa học của logic” và “Cơ sở triết học”.
Năm 1816, ông làm giáo sư triết học trường Đại học Heidenbec. Lúc này quanh ông có rất nhiều học trò và đã lập thành một trường phái, nhiều tác phẩm của ông đã được truyền bá khắp nước Đức. Thời gian này, ông cho xuất bản tác phẩm nổi tiếng nhất “Từ điển bách khoa các khoa học về triết học”. Sau khi tác phẩm xuất bản, tên tuổi của ông được truyền tụng trong giới khoa học. Năm 1818, trường Đại học Berlin mời ông làm giáo sư triết học và thời gian này ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm như “Nguyên lý triết học của luật pháp”, “Bài giảng về triết học của lịch sử”.
Năm 1831, nạn dịch tả lan tràn ở nước Đức, ông mắc bệnh và qua đời ngày 14 tháng 11 năm 1831.
Tư tưởng triết học của Hegel có tính chất duy tâm. Theo chủ nghĩa duy tâm “khách quan” (hoặc tuyệt đối) của ông, thì nền tảng của thế giới là một “Quan niệm tuyệt đối”, thần bí nào đó có trước tự nhiên và loài người. Theo ông “Quan niệm tuyệt đối” là bản nguyên hoạt động, nhưng sự hoạt động của nó chỉ có thể biểu hiện trong tư duy, trong nhận thức về mình mà thôi. “Quan niệm tuyệt đối” bao hàm những mâu thuẫn nội tại, nó vận động và biến đổi, chuyển hóa thành cái đối lập. Trong quá trình phát triển biện chứng của nó, “Quan niệm” trải qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn logic, có trước thế giới, lúc mà “Quan niệm tuyệt đối” còn hoạt động trong “nguyên chất của tư duy thuần tuý”. “Quan niệm tuyệt đối” lúc đó biểu hiện như là một hệ thống khái niệm và phạm trù logic, như là một hệ thống logic. Bộ phận triết học đó đã được trình bày trong cuốn “Logic học”. Trong giai đoạn thứ hai, “Quan niệm” chuyển hóa thành tự nhiên, tự nhiên là hiện thân của “Quan niệm tuyệt đối”. Hegel trình bày học thuyết này trong cuốn “Triết học tự nhiên” của ông. Tự nhiên không phát triển trong thời gian, mà chỉ phát triển trong không gian. Trong cuốn “Triết học tinh thần”, Hegel nêu ra giai đoạn phát triển tối cao, tức giai đoạn thứ ba của sự phát triển của “Quan niệm”: giai đoạn của “Tinh thần tuyệt đối”. “Quan niệm tuyệt đối” phủ định tự nhiên và trở về với bản thân, rồi một lần nữa sự hóa thành tiếp diễn trong lĩnh vực của tư duy, nhưng từ đấy trở đi thì là trong tư duy của con người. Hegel cho rằng giai đoạn này bao gồm cả giai đoạn của ý thức cá nhân, giai đoạn của ý thức xã hội, và giai đoạn tột cùng là lúc mà quan niệm dưới hình thức tôn giáo, nghệ thuật và triết học, đã đạt đến chỗ nhận thức cao nhất đối với bản thân. Hegel biến triết học thành “tri thức tuyệt đối”. Ông coi triết học như là sự phát triển cao độ của quan niệm. “Cái tuyệt đối”, “Tinh thần tuyệt đối”, “Quan niệm tuyệt đối” không có gì khác hơn là đặt cho thượng đế một cái tên mới. Hegel tách ý thức con người ra khỏi tự nhiên, nhân cách hóa ý thức ấy, thần thánh hóa nó và cho rằng nó phát triển lên thì sinh ra tự nhiên, xã hội, con người.
Phần quý giá trong triết học duy tâm của Hegel là phép biện chứng: sự phát triển bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập được thực hiện thông qua sự chuyển biến từ những thay đổi về số lượng sang những thay đổi về chất lượng, chân lý có tính chất cụ thể. Lenin coi phép biện chứng của Hegel là một thành quả vĩ đại của triết học Đức. Chính nhờ có phép biện chứng đó mà triết học của Hegel cũng như triết học của những nhà triết học Đức cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã trở thành một trong những nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Marx.
Đặc điểm của triết học Hegel là sự mâu thuẫn sâu sắc giữa phương pháp biện chứng và hệ thống siêu hình. Phương pháp biện chứng xác định rằng quá trình phát triển của nhận thức là vô tận, nhưng Hegel lại cho rằng triết học là giai đoạn cuối cùng của mọi sự phát triển, là chân lý vĩnh viễn. Phương pháp biện chứng xuất phát từ quan điểm cho rằng tất cả đều biến hóa và phát triển nhưng triết học siêu hình hình dung tự nhiên không thay đổi, mãi mãi vẫn như thế. Theo phép biện chứng thì xã hội không bao giờ ngừng phát triển nhưng Hegel lại rời bỏ phép biện chứng, đề xướng sự nhân nhượng lẫn nhau giữa chế độ phong kiến đang hấp hối và chủ nghĩa tư bản đang phát sinh và tuyên bố chế độ quân chủ phong kiến Phổ chỉ mới được cải cách một phần bằng một bản hiến pháp là giai đoạn tột cùng của sự phát triển xã hội.
Phép biện chứng của Hegel chỉ chú ý đến dĩ vãng mà không chú ý đến hiện tại và tương lai. Hegel không dám rút ra những kết luận từ trong học thuyết của mình cho rằng mâu thuẫn là động lực của quá trình phát triển. Theo ông, cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập không đi đến kết luận hợp với logic, không đi đến sự tiến bộ, cái mới chiến thắng cái cũ đang suy tàn. Hegel dung hòa những mặt đối lập bằng cách khéo che giấu cuộc đấu tranh gay gắt đang diễn ra trong lòng xã hội có đối kháng giai cấp.
Vì thế, Marx và Engels không thể công nhận nguyên vẹn phép biện chứng của Hegel. Hai ông đã dùng quan điểm duy vật chủ nghĩa mà cải tạo nó và đặt nó đứng thẳng lại, hai ông chỉ lấy cái nhân hợp lý: lý luận về phát triển và biến hóa, về chuyển hóa từ những thay đổi số lượng thành thay đổi chất lượng, vứt bỏ cái vỏ duy tâm chủ nghĩa, sáng tạo ra một phương pháp duy vật chủ nghĩa mới, dựa trên khoa học không gì lay chuyển nổi của triết học duy vật chủ nghĩa.
Những quan điểm xã hội và chính trị của Hegel đánh dấu sự phản ứng của quý tộc đối với cuộc cách mạng Pháp.
Trong khi công nhận sự cần thiết phải hiện đại hoá theo phương thức tư sản những quan hệ phong kiến suy đồi, ông không muốn có một sự thay đổi căn bản trong chế độ phong kiến ở Đức. Hegel nói về quần chúng nhân dân một cách hằn học và khinh bỉ, coi đó là một lực lượng mù quáng. Ông tán tụng nước Đức, cho nước Đức là hiện thân của “tinh thần của vũ trụ mới”; còn đối với các dân tộc Xlavơ, ông gán cho họ vai trò của các dân tộc “phi lịch sử”; ông coi chiến tranh như là một hiện tượng vĩnh viễn, cần thiết cho sinh hoạt xã hội... và phát xít Đức đã lợi dụng những quan điểm phản động ấy của Hegel để phục vụ cho cuộc tuyên truyền chủ nghĩa chủng tộc và quyền bá chủ của nước Đức trên thế giới.
Những nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx đã kịch liệt phê phán triết học duy tâm chủ nghĩa của Hegel. Họ đã sử dụng, với tinh thần phê phán, những yếu tố quý báu của phương pháp biện chứng của Hegel, xây dựng và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử tức là triết học khoa học duy nhất, nêu rõ sự khác nhau căn bản giữa phép biện chứng của Hegel và phép biện chứng Mácxít.
Tác phẩm chính của Hegel gồm: “Tinh thần hiện tượng học” (1807), “Logic học” (1812 - 1816), “Triết học toàn thư”, (Logic, Triết học tự nhiên, Triết học tinh thần) (1817), “Triết học pháp luật” (1821). Và những tác phẩm xuất bản sau khi ông mất gồm có: “Những bài giảng về lịch sử của triết học” (1833 - 1836), “Triết học về lịch sử” (1837), “Những bài giảng về mỹ học hay là triết học về mỹ học” (1836 - 1838).
Thành công của Hegel có ý nghĩa rất lớn. Thành công của ông là nhờ biết kế thừa có phê phán thành quả của các bậc tiền bối và quan niệm đúng đắn của bản thân đối với con đường nhân sinh của mình.
Hệ thống triết học của Hegel vừa là sự kế thừa có phê phán chủ nghĩa duy tâm khách quan của Platon vừa là sự kế thừa, tổng kết triết học cổ điển Đức. Đồng thời, ông còn biết rút ra nguyên lý vận động xoắn ốc trong “Kinh dịch” cổ điển của Trung Quốc mà xây dựng hệ thống phép biện chứng cho chính mình.