H
eraclit là nhà triết học duy vật cổ Hy Lạp, một trong những người sáng lập ra phép biện chứng. Heraclit cho rằng “thế giới là một chỉnh thể, không do một thánh thần nào tạo ra, thế giới đã, đang và sẽ là một ngọn lửa muôn đời sinh động, cháy bùng lên và tắt đi theo những quy luật nhất định”. Theo Heraclit, lửa là cái có trước của tất cả mọi vật, là sức mạnh có trước. Nhờ có sự biến hóa của lửa mà vật chất mới biến đổi thành nước, thành đất, và do đó mà một thể thống nhất biến thành nhiều, tức là biến thành vạn vật: Lửa tắt đi, chết đi để trở thành nước và đất. Quá trình “chết” của lửa, Heraclit gọi là “con đường đi xuống”. Nhưng “con đường đi lên và con đường đi xuống cũng chỉ là một con đường mà thôi”. Nước sinh ra một luồng lửa xoay tròn, tất cả đều biến thành một thể thống nhất, vạn vật biến đổi thành một ngọn lửa “bùng lên”, “sinh sản thêm”; đó là “con đường đi lên”. Ngọn lửa thế giới biến thành vạn vật và ngược lại, vạn vật biến thành lửa. Lửa là vật chất, là cơ sở của mọi sự biến hóa, là sự liên kết toàn thế giới.
Theo Heraclit, thế giới luôn trải qua những quá trình sinh sản và diệt vong. Heraclit cho rằng, vũ trụ không phải yên tĩnh và bất động. Vì yên tĩnh và bất động là đặc tính của sự chết. Mọi vật đều vận động: những vật vĩnh viễn thì vận động vĩnh viễn; còn những vật có thể diệt vong thì vận động trong một thời gian ngắn. Thế giới gồm những mặt đối lập và mặt đối lập này chuyển hóa thành mặt đối lập kia: “Lạnh biến thành nóng; nóng biến thành lạnh; khô biến thành ướt; ướt biến thành khô”. Vì vậy, sự xuất hiện của mặt đối lập này quyết định sự xuất hiện của mặt đối lập khác. Các mặt đối lập đều liên hệ với nhau, và sự xung đột giữa các mặt đối lập là nguồn gốc của phát triển, của biến hóa. Tất cả những sự biến hóa đều bị những quy luật chặt chẽ chi phối, và đời sống của thế giới không phụ thuộc vào thần thánh. “Tất cả đều sinh ra trong một cuộc đấu tranh và tất yếu phải sinh ra”. Tính tất yếu cố hữu của bản thân thực thể vật chất ấy, Heraclit gọi là “lô-gốt” (logos).
Quan niệm của ông là quan điểm biện chứng tương đối đúng đắn. Ông đã nhận thức được, đấu tranh là nguồn gốc của vạn vật, vì đấu tranh giữa hai mặt đối lập là cơ sở của mọi tồn tại và tư tưởng. Đồng thời vạn vật luôn biến động, trong quá trình vận động ấy, các mặt đối lập dần dần chuyển hóa vào nhau. Ông đã có câu nói bất hủ: “Không bao giờ có thể tắm hai lần trên một dòng sông”.
Tóm lại, quan điểm triết học của Heraclit có thể tóm tắt trong câu nói của ông: “Vũ trụ cũng như mọi vật không phải do bất cứ vị thần nào sáng tạo ra. Trước kia, hiện nay và sau này, nó là ngọn lửa vĩnh viễn và linh hoạt thiêu đốt theo quy luật và cũng tắt theo quy luật”.
Hạn chế của thời đại khiến phép biện chứng của Heraclit không phát triển được hơn nữa. Sự vận động bị đóng khung trong cái vòng luẩn quẩn của tự nhiên. Ông chưa hề có tư tưởng về sự phát triển tiến lên. Về nhận thức luận, ông bênh vực những tư tưởng duy vật chủ nghĩa. Ông cho rằng, cần phải lắng nghe tiếng nói của tự nhiên, “hành động cho hợp với tự nhiên” đề cao tác dụng của nhận thức cảm tính, cũng như tác dụng của lý trí. Về mặt chính trị, Heraclit đại diện cho lợi ích của giai cấp chủ nô, và là kẻ thù của chính thể dân chủ thời cổ.
Tác phẩm nổi tiếng của Heraclit là “Bàn về giới tự nhiên”, tiếc rằng nay chỉ còn có một số đoạn mà thôi.