S
ocrates sinh năm 469 TCN, trong gia đình làm nghề điêu khắc ở thủ đô Athens, thuộc Hy Lạp cổ đại và đã sống vào một giai đoạn thường được gọi là hoàng kim của thành phố này. Ông được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn. Hồi trẻ ông đã từng cầm dao trổ để làm việc. Tượng nữ thần Sarit do ông điêu khắc vẫn còn đến ngày nay. Sau đó, ông bỏ nghề thủ công này vì cho rằng suốt ngày cầm dao trổ bên những phiến đá sẽ mất hết thời gian và ông quyết định đi theo con đường của các nhà hiền triết. Sau khi tham gia phục vụ quân đội, xuất ngũ, ông chuyển sang nghiên cứu triết học.
Thời trẻ, Socrates nghiên cứu các loại triết học thịnh hành lúc bấy giờ của các triết gia trước ông, đó là nền triết học nỗ lực tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên chung quanh chúng ta.
Là học trò của các nhà nguỵ biện, nhưng sau này Socrate đã phê phán thuyết nguỵ biện. Bản tính trầm tư, song Socrates rất hóm hỉnh và có tính hay châm biếm người khác. Ông thường sử dụng phương pháp châm biếm để đàm thoại là chủ yếu. Không giống các nhà nguỵ biện, Socrates không dùng nghệ thuật hùng biện, diễn thuyết để kiếm tiền. Ông cũng không mở trường dạy học hay giảng bài như những nhà triết học khác. Đơn giản chỉ là Socrates cảm thấy mình có nhiệm vụ phải cải thiện sự bàng quan của con người. Tuy nhiên, ông chỉ thường xuyên đàm thoại mà không để lại một cuốn sách nào. Nhà triết học này quan niệm rằng chỉ có văn nói mới sống động, còn những gì người ta viết ra đều bị khô cứng, mất hết tính sinh động. Phương pháp của ông là hướng mọi người vào câu hỏi và buộc họ phải trả lời. Socrates là người đầu tiên sử dụng các nguyên tắc logic trong việc đàm thoại những vấn đề quan trọng. Ông đặt ra những câu hỏi về cách mọi người nghĩ và làm khiến cho một số nhân vật quan trọng ở Athens khó chịu. Coi triết lý là sự dần dần từ biệt cuộc sống trần gian và giải thoát linh hồn bất diệt khỏi thể xác, Socrates rất thản nhiên đón nhận cái chết vào năm 399 TCN khi ông bị tòa án Athens kết tội tử hình vì không tôn trọng các thần linh mà dân Athens hồi đó rất ngưỡng mộ. Ông còn bị kết tội gây rối tầng lớp thanh niên bằng việc giúp họ trả lời những câu hỏi về xã hội mà họ đang sống. Cái chết của Socrates đã để lại sự tiếc thương vô hạn và niềm căm thù sâu sắc đối với chế độ chính trị Hy Lạp đương thời trong lòng các học trò, đặc biệt là Platon.
Socrates và triết học của ông chủ yếu được biết đến qua các học trò như Platon và một số nhà tư tưởng cổ đại khác. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người, coi đó là chủ đề chính trong các cuộc đàm thoại của mình. Nhưng quan niệm về con người của Socrates không dừng lại ở những gì mà các nhà nguỵ biện bàn đến. Ông là người đầu tiên hiểu ra rằng triết học không phải là gì khác hơn là sự nhận thức của con người về chính bản thân mình. Tư tưởng của ông thực sự là một bước tiến mới trong sự phát triển của triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại. Trước ông, các nhà triết học chủ yếu bàn đến những vấn đề về khởi nguyên thế giới, về nhận thức luận. Đề tài con người (nhân sinh luận) bắt đầu từ Socrates mới trở thành một trong những chủ đề trọng tâm nghiên cứu của khoa học triết học.
Socrates quan niệm rằng triết học còn là sự nhận thức về cái thiện, cái ác. Đề cao vai trò của tri thức, Socrates coi tri thức là nền tảng của đạo đức. Mọi hành vi vô đạo đức đều là kết quả của sự dốt nát, kém hiểu biết, bởi nếu người ta biết thế nào là tốt thì họ sẽ không bao giờ làm điều xấu. Vì vậy, Socrates khẳng định con đường đi tới tri thức chính là con đường hoàn thiện nhân cách đạo đức của con người, hướng con người tới cái thiện và hạnh phúc.
Từ việc thừa nhận tri thức khách quan, Socrates khẳng định tính độc lập của chuẩn mực đạo đức. Khác với các nhà nguỵ biện, ông coi hai phạm trù thiện và ác hoàn toàn khác biệt nhau, không đồng nhất hạnh phúc với cái lợi mà coi hạnh phúc là đạo đức. Cái ác và bất hạnh là kết quả của sự không hiểu biết cái thiện, do vậy, chỉ những người nào biết đạo đức là gì mới thực sự có hạnh phúc.
Socrates chủ yếu bàn về con người dưới khía cạnh đạo đức, nhưng triết học của ông vẫn được coi là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển tư tưởng triết học phương Tây cổ đại. Ông đã đề xuất tư tưởng coi con người là trung tâm của các vấn đề về thế giới quan. Đây là một tư tưởng rất tiến bộ và Marx đã gọi các quan niệm của Socrates là “biểu tượng của triết học”.
Trong lịch sử triết học, hiếm có nhân vật nào được truyền tụng nhiều như Socrates. Ông đã trở thành biểu tượng của sự thông thái, sự dũng cảm về tư tưởng và nhân cách anh hùng, trở thành đề tài sáng tác trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy ông không để lại một tác phẩm nào nhưng sau này hậu thế đã viết về ông với một khối lượng tác phẩm khổng lồ. Ông được đánh giá là nhà triết học khai sinh ra phép biện chứng với tư cách là phương pháp tìm tòi chân lý bằng con đường đặt ra những câu hỏi dẫn dắt mà người ta quen gọi là phương pháp Socrates.