C
hernyshevsky sinh năm 1828, là nhà dân chủ cách mạng Nga vĩ đại, nhà triết học duy vật, nhà phê bình văn học và nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng.
Chernyshevsky là người cổ vũ phong trào cách mạng dân chủ những năm 60 ở Nga, một trong những nhân vật kiệt xuất của dân chủ cách mạng Nga. Trung thành với tư tưởng cách mạng nông dân, tư tưởng đấu tranh của quần chúng phá huỷ chính quyền cũ, tác phẩm của ông thấm nhuần tinh thần đấu tranh giai cấp, góp phần giáo dục cho cả một thế hệ những nhà cách mạng Nga.
Ông giữ vai trò chủ yếu trong sự phát triển triết học duy vật Nga. Ông là nhà duy vật chủ nghĩa triệt để, là kẻ thù kiên quyết của chủ nghĩa duy tâm triết học. Chernyshevsky là nhà văn Nga vĩ đại duy nhất đã biết gạt bỏ những lời vu khống thô bỉ của chủ nghĩa Kant mới, chủ nghĩa Ma khơ, thể hiện chủ nghĩa duy vật triết học triệt để. Ông hiểu rõ sự hẹp hòi, nghèo nàn của cuộc “cải cách nông dân” và tính chất phong kiến của nó. Trong cuốn tiểu thuyết “Màn đầu”, ông đã tạo ra những điển hình sinh động theo phái tự do, luôn diễn thuyết về “giải phóng” nông dân, nhưng thực tế thì trái lại, Chernyshevsky là đại diện cho trào lưu lịch sử tiến bộ trong cuộc đấu tranh cho một nước Nga mới.
Chernyshevsky rất chú ý đến vấn đề nhà nước. Ông hiểu tác dụng của nhà nước trong các xã hội phong kiến và tư sản. Theo ông, nông dân và những người lao động khác chỉ có thể được giải phóng nếu chính quyền là của nhân dân. Tạp chí “Người cùng thời” do ông chủ biên là tiếng nói của các lực lượng cách mạng Nga trong những năm 50 và 60, là cơ quan ngôn luận của cuộc cách mạng nông dân.
Chernyshevsky mơ tưởng thông qua công xã nông dân thực hiện chủ nghĩa xã hội. Ông không hiểu chỉ có giai cấp vô sản là lực lượng có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong lý luận của ông về chủ nghĩa xã hội, ông đã tiến cao hơn những nhà xã hội không tưởng Tây Âu, tiếp cận được với chủ nghĩa xã hội khoa học, hy vọng vào cách mạng. Chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông liên hệ mật thiết với chủ nghĩa dân chủ cách mạng. Ông là một nhà chính trị, một chiến sĩ cách mạng. Ông hiểu rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện trên nền tảng một kỹ thuật tiên tiến, mà chỉ có quần chúng nhân dân mới hoàn thành được nhiệm vụ đó.
Tác phẩm của ông về kinh tế chính trị cũng có giá trị lớn. Chernyshevsky đã chứng minh một cách tài tình “sự phá sản của nền kinh tế tư sản”. Lenin đánh giá Chernyshevsky là một nhà phê bình sâu sắc chủ nghĩa tư bản, vạch mặt bọn kinh tế học tư sản tầm thường đã ra công xóa mờ những mâu thuẫn không thể điều hòa được của chủ nghĩa tư bản, thẳng tay phê phán nhà kinh tế học tầm thường, tuyên truyền cho sự “hòa hợp” lợi ích các giai cấp. Hệ thống kinh tế học của ông chủ yếu là “kết hợp các đặc tính của người sở hữu và người lao động trong một người duy nhất”. Giá trị lớn nhất của học thuyết kinh tế của ông - tuy có nhiều điểm không tưởng - là ở chỗ nêu rõ mâu thuẫn giữa người lao động và nhà tư bản là không thể điều hòa được.
Chernyshevsky đã để lại nhiều tác phẩm lớn về mỹ học và phê bình văn học. Trong cuốn “Quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ thuật và hiện thực”, ông phê phán quan niệm duy tâm của Hegel, đề ra những nguyên lý cơ bản của nghệ thuật hiện thực cách mạng. Trong phê bình văn học, Chernyshevsky đã ảnh hưởng lớn đến hội họa, âm nhạc tiền tiến Nga; sự phê bình đó ngày nay vẫn còn ý nghĩa thực tế. Theo Chernyshevsky, nhiệm vụ của nghệ thuật là miêu tả chân thực đời sống thực tại, đánh giá đúng mức, đả kích khi cần thiết. Tác phẩm nghệ thuật phải phê phán chế độ nông nô. Ngoài ra, phải tìm cái đẹp chân chính ngay trong bản thân đời sống, trong đà vươn lên những hình thức xã hội mới, cao hơn, chứ không phải trong những lý tưởng trừu tượng. Những nguyên lý mỹ học của ông đã góp phần vào sự phát triển “chủ nghĩa hiện thực phê phán” trong nghệ thuật Nga đồng thời nêu cao vai trò xã hội của nghệ thuật.
Chính phủ Nga hoàng đã bức hại Chernyshevsky, bị đày đi Xibêri hơn 20 năm. Nhưng tù đày không khuất phục được ý chí của nhà tư tưởng, nhà cách mạng Chernyshevsky. Bằng lòng yêu nước nồng nàn, kiên quyết gắn bó với nhân dân, ông đã kiên trì chống lại chủ nghĩa thế giới, chủ nghĩa chủng tộc, cống hiến đời mình cho Tổ quốc.
Tác phẩm chính của Chernyshevsky là: “Quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ thuật với thực tế” (1855), “Khái luận về văn học Nga thời đại Gô gôn” (1855 - 1856), “Phê phán chống lại chế độ sở hữu công xã” (1858), “Nguyên lý nhân bản trong triết học” (1860).