R
ousseau sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 tại Ganeva (Thuỵ Sĩ), ông là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng, ông còn là nhà văn, nhà dân chủ, nhà tư tưởng tiểu tư sản, một trong những người đề xướng tư tưởng của phái Jacobin.
Gia đình ông vì theo đạo Tin Lành nên trong thời kỳ xung đột tôn giáo phải trốn sang Thuỵ Sĩ. Cha ông là thợ sửa đồng hồ. Năm 10 tuổi, ông được theo học mục sư Lambecxiê ở Bôxây. Năm 14 tuổi, ông học nghề thợ chạm. Năm 16 tuổi, ông rời Thuỵ Sĩ trở về Pháp tìm cuộc sống tự do. Tại Pháp, ông phải từ bỏ đạo Tin Lành, theo đạo Cơ đốc. Trong 4 năm, ông lang thang kiếm sống, làm đủ nghề như dạy nhạc, gia sư. Năm 20 tuổi, ông gặp một thiếu phụ quý tộc hơn ông 12 tuổi tên là Đơvaren, cùng chung sống 9 năm tại Săcmét. Được Đơvaren giúp đỡ, ông có hiểu biết và tri thức xã hội cần thiết để bước vào xã hội thượng lưu. Từ đây ông bắt đầu sáng tác văn học, lấy tên Đơvaren, lên Paris để lập nghiệp. Năm 34 tuổi, ông gặp và yêu cô hầu phòng Têrêdơ Lơvaxơ và họ chung sống với nhau đến cuối đời.
Năm 38 tuổi, ông nổi tiếng với tác phẩm “Sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật có làm cho phong tục thuần khiết hay không”. Năm 1755, ông công bố bản luận văn nổi tiếng “Đối thoại về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng của con người”, chỉ ra nguyên nhân của nó là do chế độ tư hữu tài sản. Năm 1761, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết triết học gây chấn động dư luận xã hội, trong đó vạch rõ những mâu thuẫn giữa con người tự nhiên và con người xã hội, giữa đạo đức tự nhiên và đạo đức phong kiến.
Về quan điểm triết học, ông là người theo tự nhiên thần luận. Rousseau thừa nhận có Thượng đế và linh hồn bất diệt. Ông cho rằng vật chất và tinh thần là hai bản nguyên đã từng tồn tại từ trước đến nay. Theo ông, loài người là tốt về bản chất nếu sống ở trạng thái tự nhiên và con người bị tha hóa bởi chính xã hội. Ông cho xã hội là nhân tạo và sự phát triển phụ thuộc lẫn nhau trong xã hội là cản trở đối với chất lượng cuộc sống.
Về nhận thức luận, ông cho rằng mọi tri thức đều từ cảm giác mà ra. Đồng thời ông lại thừa nhận quan niệm đạo đức có tính chất bẩm sinh. Quan điểm xã hội học của ông cấp tiến hơn. Trong cuốn “Bàn về nguồn gốc và nguyên nhân bất bình đẳng giữa loài người” (1754), Rousseau đã kịch liệt chỉ trích tư hữu là nguyên nhân bất bình đẳng, phải lấy chế độ tiểu tư hữu thay cho chế độ đại tư hữu; nhưng vẫn không thủ tiêu chế độ tư hữu. Ông lý tưởng hóa trật tự xã hội nguyên thủy, cho rằng trong xã hội nguyên thủy mọi người đều tiến hành chiến tranh phản đối nhau. Ông quả quyết trong “trạng thái tự nhiên”, mọi người đều bình đẳng, không hề biết ách áp bức xã hội, bần cùng và bất công. Ông cũng cho rằng, khi loài người buộc phải gắn kết với nhau chặt chẽ hơn, cũng là khi loài người trải qua quá trình ngày càng phụ thuộc lẫn nhau do phân công lao động và dẫn đến bất bình đẳng và do vậy cần phải có khế ước xã hội.
Tác phẩm nổi tiếng “Khế ước xã hội” (1762) là tác phẩm phác họa trật tự chính trị hợp lý của ông, tác phẩm cũng đã có ảnh hưởng nhiều đến triết học phương Tây. Trong tác phẩm, Rousseau trình bày học thuyết về nhà nước xây dựng trên cơ sở hiệp thương giữa mọi người, thừa nhận nhân dân có quyền nắm chính quyền. Ông tán thành một nhà nước bảo vệ những quyền lợi dân chủ tư sản. Trên ý nghĩa đó, Rousseau đã vượt xa những nhà tư tưởng tư sản hiện đại. Nhưng nhà nước lý tưởng của Rousseau chẳng qua chỉ là chính thể lý tưởng hóa của giai cấp tư sản.
Trong cuốn Êmilơ (1762), Rousseau đã kịch liệt phê phán chế độ giáo dục cũ của xã hội phong kiến, giáo dục phải nhằm mục đích đào tạo những công dân tích cực và cần lao. Những tư tưởng giáo dục của Rousseau có tính chất tiểu tư sản. Nhân vật lý tưởng của ông là một người thợ thủ công lương thiện. Tuy những quan điểm xã hội học của ông tương đối tiến bộ, nhưng cũng duy tâm như các nhà tư tưởng khác hồi thế kỷ XVIII. Rousseau cho rằng, nhà nước xuất hiện là do ý muốn tự giác của người ta, ông không hiểu bản chất giai cấp của nhà nước và cho rằng trong xã hội, những quan điểm pháp luật và đạo đức có tác dụng quyết định.
Do quan điểm tư tưởng và tôn giáo của ông, Rousseau bị nhà thờ và chính quyền truy bức, phải trốn sang Thuỵ Sĩ. Năm 1770, ông mới trở về Paris sống nốt quãng đời còn lại bằng nghề chép nhạc thuê buồn tẻ. Những lý tưởng về cải tạo xã hội cuối cùng của ông được gửi gắm vào hai tác phẩm “Tâm sự” và “Những giấc mộng của người độc du”.