F
euerbach sinh ngày 28 tháng 7 năm 1804 tại Bavie (Đức) trong một gia đình luật sư nổi tiếng, cha ông được phong tước hiệu quý tộc. Ông học trung học ở Anôbach sau đó học thần học ở Haidenbec. Ông dạy triết học ở trường đại học Berlin, tham gia phái Hegel trẻ nhưng sau đó tách khỏi phái này, phê phán Hegel và xây dựng một hệ thống triết học duy vật.
Năm 25 tuổi, ông đỗ tiến sĩ triết học và được giữ lại giảng dạy ở trường Đại học Erlangen, dạy môn triết học cho đến năm 1832. Năm đó ông viết cuốn “Suy nghĩ về cái chết và sự bất tử”, nhưng cuốn sách này bị tịch thu và cấm lưu hành. Ông thôi dạy học, lui về một làng nhỏ và bắt đầu viết sách, khảo luận nghiên cứu triết học của Hegel và nghiên cứu về tôn giáo. Những tác phẩm triết học lớn của ông là “Những nguyên lý của triết học tương lai”, “Bản chất của đạo Cơ đốc”.
Feuerbach là một nhà duy vật chủ nghĩa thời kỳ trước Marx, đề xướng ra và biện hộ chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần ở Đức những năm 30 và 40 của thế kỷ XIX. Ông là nhà tư tưởng của giai cấp tư sản dân chủ. Lúc đầu, ông theo chủ nghĩa duy tâm của Hegel, nhưng sau đó đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa duy tâm và theo chủ nghĩa duy vật.
Trong cuốn “Phê phán triết học Hegel” (1839), Feuerbach kiên quyết phản đối hệ thống triết học duy tâm chủ nghĩa của Hegel, đồng thời kết hợp phê phán tôn giáo. Ông chứng minh chủ nghĩa duy tâm nói chung, đặc biệt là chủ nghĩa duy tâm của Hegel, là cơ sở lý luận của tôn giáo, học thuyết của Hegel về tính có trước của ý niệm và về sự biến hóa của ý niệm thành thế giới tự nhiên chỉ là giáo lý của đạo Thiên chúa về sự sáng tạo ra thế giới được trình bày dưới một hình thức duy lý. Tuy nhiên, sự phê phán của ông có tính chất phiến diện vì từ bỏ chủ nghĩa duy tâm của Hegel, ông đã vứt luôn cả phép biện chứng của Hegel không nhận thấy ưu điểm của phép biện chứng ấy là lý luận về sự phát triển và sự biến đổi. Feuerbach đã không khái quát và dựa vào những phát minh khoa học vĩ đại của thế kỷ XIX, trên cơ sở đó xây dựng quan niệm biện chứng về tự nhiên.
Năm 1841, Feuerbach cho xuất bản cuốn “Bản chất của đạo Thiên chúa”. Tác phẩm có tác dụng lớn trong sự phát triển của chủ nghĩa duy vật. Trong tác phẩm này, Feuerbach bóc trần một cách thần tình nguồn gốc nhận thức luận của tôn giáo nói chung và của đạo Thiên chúa nói riêng. Theo ông, Thượng đế là bản chất con người tách khỏi con người và bị tuyệt đối hóa. Tất cả những đặc tính của Chúa đều là những đặc tính của con người, nhưng bị tách ra khỏi con người, bị thần thánh hóa đi. Trong cuốn “Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, Engels cho rằng tác phẩm “Bản chất của đạo Thiên chúa” có giá trị ở chỗ nó công nhận sự tồn tại khách quan của tự nhiên, tồn tại độc lập với tư tưởng của con người, và do đó, độc lập đối với mọi triết học. Bản thân con người là sản phẩm của tự nhiên. Cái gọi là đấng tối cao do ảo tưởng tôn giáo tạo ra, chỉ là sự phản ánh huyền hoặc chính bản chất con người.
Feuerbach đem lại giải pháp duy vật chủ nghĩa cho vấn đề cơ bản của triết học. Ông cũng giải quyết một cách duy vật khả năng của nhận thức, phê phán bất khả tri luận của Kant. Cảm giác không bao giờ tách con người ra khỏi thế giới khách quan, mà nối liền với thế giới khách quan; là hình ảnh của thế giới khách quan. Tuy nhiên nhận thức luận, cũng như toàn bộ chủ nghĩa duy vật của Feuerbach đều mang tính chất trực quan, siêu hình. Feuerbach không hiểu được bước chuyển biện chứng từ cảm giác đến tư tưởng, từ cái cá biệt đến cái chung, không hiểu được tác dụng của sự trừu tượng trong nhận thức. Ông cũng không hiểu được rằng chính hoạt động thực tiễn của con người có một ý nghĩa quyết định trong nhận thức.
Vì thế, Feuerbach vẫn còn là một người duy tâm chủ nghĩa khi giải thích các hiện tượng xã hội: căn cứ vào những hình thức của ý thức, vào sự kế tục của các tôn giáo, mà phân biệt các thời kỳ lịch sử. Tất cả lý luận của ông đều căn cứ vào con người trừu tượng, “con người nói chung”, như một sinh vật. Ông có nói đến mối liên hệ “huyết thống” giữa người với người, nhưng quan niệm mối liên hệ ấy là thuần tuý tự nhiên, nhất là như mối quan hệ nam nữ. Ông không nhận thấy liên hệ xã hội giữa người với người do quan hệ của họ trong sản xuất quyết định. Ông quan niệm con người chỉ có thể tồn tại bằng cách dùng những công cụ mà họ chế tạo ra để tác động vào tự nhiên, trong quá trình ấy, bản thân con người cũng biến đổi trải qua lịch sử chân chính của mình. Bởi vậy, bản chất của loài người chỉ là tính cộng đồng nội tại, ẩn náu, liên kết nhiều cá thể một cách thuần tuý tự nhiên.
Vì chủ nghĩa duy vật của Feuerbach có tính chất nhân bản chủ nghĩa, nên sự phê phán của ông với tôn giáo vẫn còn yếu ớt, thiển cận. Không hiểu con người là tổng hòa những quan hệ xã hội, nên ông không hiểu bản thân tôn giáo cũng là sản phẩm của sự phát triển lịch sử của những quan hệ xã hội giữa người và người, không thể phát hiện ra nguồn gốc giai cấp của tôn giáo.
Tuy cuộc đấu tranh chống tôn giáo của Feuerbach có tính chất tiến bộ, nhưng vẫn không thoát khỏi khuôn khổ của hệ tư tưởng tư sản tiên tiến. Feuerbach không hiểu được ý nghĩa của cuộc đấu tranh chính trị đối với sự tiến bộ xã hội. Ông cũng không hiểu cuộc cách mạng năm 1848, và dù trong những ngày cuối cùng, ông đã gia nhập Đảng Xã hội - Dân chủ, những quan điểm của ông về quy luật của đời sống và xã hội vẫn không dung hòa được với khoa học.
Học thuyết xã hội của Feuerbach biểu lộ nổi bật trong quan điểm đạo đức của ông. Chính đó là chỗ biểu hiện rõ rệt nhất sự thiển cận của triết học Feuerbach. Quan điểm đạo đức của ông lấy sự thương yêu lẫn nhau giữa mọi người và nguyện vọng tự nhiên của con người muốn có hạnh phúc làm nguyên tắc cơ bản. Feuerbach cho rằng muốn có hạnh phúc, người ta phải thương yêu lẫn nhau. Đối với ông “tình yêu” là một môn thuốc vạn ứng. Tuyên truyền tình yêu phổ biến trong một xã hội có giai cấp đối kháng, Feuerbach đã vứt bỏ tất cả những gì có tính chất cách mạng trong triết học của ông, tuyên truyền cho hòa bình giai cấp, làm dịu tính chất đối kháng của lợi ích giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp.
Tuy nhiên những thiếu sót của ông không làm giảm ý nghĩa lịch sử quan trọng của chủ nghĩa duy vật của ông. Marx và Engels chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa duy vật của Feuerbach trong thời kỳ quan niệm triết học của hai ông đang hình thành. Nhưng chủ nghĩa duy vật của Marx và Engels khác với chủ nghĩa duy vật của Feuerbach. Trong chủ nghĩa duy vật của Feuerbach, Marx và Engels chỉ lấy ra cái “nhân cơ bản”, phát triển nó lên thành một triết học khoa học, sau khi đã vứt bỏ tất cả những tạp chất duy tâm, tôn giáo và đạo đức của chủ nghĩa duy vật ấy.