P
lekhanov sinh năm 1856, ông là nhà mác-xít Nga, sáng lập nhóm “Giải phóng lao động”. Từ 1875 đến 1883, Plekhanov là người phái Dân tuý; từ 1883 đến 1903, ông là người Mácxít; từ 1903 trở đi, ông ngả sang hữu, trở thành lãnh tụ Mensêvích, phản bội chủ nghĩa Marx.
Năm 1883, ông tổ chức ở nước ngoài nhóm Mácxít Nga đầu tiên: “Giải phóng lao động”. Nhóm này đã dịch ra tiếng Nga nhiều tác phẩm của Marx và Engels, in ở nước ngoài, bí mật phân phát vào nước Nga. Plekhanov tiếp thu chủ nghĩa xã hội khoa học nhờ ảnh hưởng của những tư tưởng cách mạng của Gercen, Bielinxki, Secnưsepxki và Đơbơraliubốp. Những tác phẩm lý luận của Plekhanov viết thời kỳ này rất có giá trị đối với phong trào công nhân Nga. Nhờ có tài và năng lực văn học kiệt xuất, Plekhanov đã bảo vệ và truyền bá chủ nghĩa Marx ở Nga. Những tác phẩm như: “Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chính trị”, “Những ý kiến chia rẽ của chúng ta”, bàn về sự phát triển của quan niệm nhất nguyên về lịch sử đã dọn đường cho chủ nghĩa Marx thắng lợi ở Nga. Plekhanov là một trong những người Mácxít Nga đầu tiên đấu tranh chống chủ nghĩa dân tuý. Tác phẩm của ông đã giáng một đòn mạnh vào chủ nghĩa dân tuý đó. Dựa vào sự phân tích quan hệ kinh tế của nước Nga sau cải cách, ông đã chỉ ra: lý luận của chủ nghĩa dân tuý cho rằng nước Nga có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua công xã nông dân, bằng con người phát triển phi tư bản chủ nghĩa là có hại và vô căn cứ. Nhưng Plekhanov và cả nhóm “Giải phóng lao động” đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Cương lĩnh của nhóm này mang nhiều tàn dư của quan điểm của phái Dân tuý. Ví dụ như trong cương lĩnh còn có sách lược khủng bố cá nhân.
Plekhanov không hiểu chỉ có liên minh với nông dân, giai cấp vô sản mới có thể chiến thắng chế độ Nga hoàng. Trong một số tác phẩm, ông tỏ ra hoàn toàn coi thường nông dân. Ông nói: “Ngoài giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, chúng ta không còn thấy lực lượng xã hội nào khác có thể dựa trong cách mạng”. Plekhanov cho rằng giai cấp tư sản tự do là một lực lượng có thể ủng hộ cách mạng. Những sai lầm đó là nguồn gốc những quan điểm Mensêvích sau này của ông, là xuất phát điểm của việc ông phủ nhận quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng dân chủ tư sản ở Nga. Khi tòa soạn báo “Tia lửa” thảo ra dự án cương lĩnh của Đảng, Plekhanov định dùng khẩu hiệu mơ hồ “chuyên chính của những người lao động và những người bị bóc lột” thay cho khẩu hiệu chuyên chính vô sản do Lenin đề nghị.
Sau Đại hội lần thứ II của Đảng công nhân xã hội - dân chủ Nga, Plekhanov thỏa hiệp với nhóm cơ hội chủ nghĩa, sau này bản thân ông cũng trở thành cơ hội chủ nghĩa và gia nhập đảng Mensêvích. Năm 1905, trong vấn đề cách mạng, ông đứng trên lập trường của phái tự do chống sách lược Lenin của những người Bônsêvích. Sau này, Plekhanov đứng hẳn vào mặt trận cơ hội chủ nghĩa, phản đối cách mạng tháng Mười vĩ đại.
Những tác phẩm triết học Mácxít có giá trị nhất của ông đều viết vào thời kỳ từ 1883 đến 1903, trước khi ông quay sang chủ nghĩa Mensêvích. Trong 20 năm, từ 1883 đến 1903, ông đã viết rất nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt chống đám cơ hội chủ nghĩa, Makhơ và Dân tuý. Công lao to lớn của Plekhanov về triết học là đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa duy vật, chống chủ nghĩa duy tâm, chống mưu mô kết hợp chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Kant. Trong các tác phẩm của mình, Plekhanov đã phân tích sâu sắc một số vấn đề liên quan đến quan niệm duy vật chủ nghĩa về lịch sử, như quan niệm về vai trò của cá nhân trong lịch sử.
Tuy nhiên, thiếu sót và sai lầm lớn trong các tác phẩm triết học của Plekhanov là ông ủng hộ thuyết văn tự tượng hình, đối lập với nhận thức luận Mácxít; tách phép biện chứng khỏi nhận thức luận, không thấy sự thống nhất giữa hai thứ đó và không hiểu phép biện chứng là nhận thức luận Mácxít; không phân biệt rõ quan niệm duy vật và duy tâm, quy những luật của phép biện chứng thành tổng số những ví dụ, đánh giá quá cao tác dụng của hoàn cảnh địa lý trong quá trình lịch sử và xã hội; miêu tả những nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nga, những nhà dân chủ cách mạng, như những kẻ mô phỏng giản đơn triết học Tây Âu. Ông phê bình Makhơ một cách trừu tượng, không thấy mối quan hệ giữa chủ nghĩa Makhơ và khủng hoảng trong khoa học tự nhiên. Căn nguyên lý luận của những sai lầm của Plekhanov là ở chỗ ông coi thường những phát kiến mà những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Marx đưa vào triết học. Căn nguyên xã hội của những sai lầm của ông là do ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do tư sản và chủ nghĩa cơ hội Tây Âu. Plekhanov không đứng trên lập trường chủ nghĩa Marx, đã nghiên cứu chủ nghĩa Marx một cách giáo điều, không thấy trung tâm cách mạng đã chuyển sang Nga, không chú trọng những đặc điểm của sự phát triển của nước Nga trong điều kiện lịch sử cụ thể mới của thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản.
Về văn học, nghệ thuật Plekhanov là một nhà phê bình có tài góp phần hiệu quả bóc trần những quan điểm duy tâm, phản khoa học trong văn học và nghệ thuật. Ông đã nghiên cứu nhiều vấn đề mỹ học Mácxít, đấu tranh chống quan niệm duy tâm chủ nghĩa về nghệ thuật, chống khẩu hiệu “nghệ thuật vị nghệ thuật”, và trong các bài phê bình văn nghệ của ông, ông đã ủng hộ một nền nghệ thuật có tính tư tưởng.
Những tác phẩm quan trọng nhất của ông gồm: “Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chính trị” (1883), “Những ý kiến chia rẽ của chúng ta” (1885), “Bàn về sự phát triển của quan niệm nhất nguyên về lịch sử” (1895), “Bàn về lịch sử chủ nghĩa duy vật” (1896), “Bàn về quan niệm duy vật chủ nghĩa về lịch sử” (1897), “Vai trò của cá nhân trong lịch sử” (1898).