P
laton sinh năm 427 TCN, ông là nhà triết học duy tâm cổ Hy Lạp. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc có quyền thế ở Aten và được hưởng một nền giáo dục khá toàn diện. Khi còn ở tuổi thiếu niên, Platon đã làm thơ, soạn kịch, diễn kịch, chỉ huy đội hợp xướng. Platon rất thích thể thao, ông đã nhiều lần tham gia thi đấu trong các đại hội điền kinh.
Platon rất xuất sắc về văn học, các tác phẩm dưới hình thức đối thoại của ông chẳng những là kiệt tác văn chương mà còn là danh tác triết học. Trong một lần thi sáng tác và trình diễn bi kịch, Platon được nghe Socrates thuyết giảng về triết học hết sức hùng biện. Platon đã thay đổi, đem các thi phẩm đốt đi và thốt lên:
“Này hỡi thần lửa Hêphaixtôt
Platon này xin cầu viện đến ngài”.
Sau đó, Platon xin theo học Socrates. Ông là một người học trò trung thành, nên sau này các nhà triết học phương Tây đều thống nhất nhận định “người kế thừa duy nhất Socrates chính là Platon”.
Sau khi Socrates chết, để tránh liên luỵ, ông rời khỏi thành phố quê hương đến Mega. Sau đó, ông chu du hết thành phố này đến thành phố khác, nghiên cứu chế độ của các nước và đời sống của các dân tộc. Từ Hy Lạp, ông vượt biển đến Ai Cập rồi tới Xixin. Ông đã ba lần đi Xixin để truyền bá chủ trương chính trị của mình nhưng không thành công.
Tại Xixin, ông đến yết kiến bạo chúa Dionysios, hy vọng tìm sự giúp đỡ để xây dựng một quốc gia ở đó chính quyền và khoa học thuộc về một số người ưu tú nhất, đó là các nhà triết học, nhưng tên bạo chúa này không những không giúp đỡ mà còn ra lệnh bán ông sang đảo Egina làm nô lệ. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, dùng rất nhiều tiền để chuộc về, ông mới thoát khỏi cảnh bị bán làm nô lệ.
Khoảng năm 387 TCN, ông mở trường giảng dạy triết học ở Aten. Platon thường thuyết giảng tại một vườn hoa vắng lặng rợp bóng cây. Ông thuyết giảng cho các môn sinh về thần sáng tạo đã tạo ra thế giới và chỉ nó có tinh thần. Mỗi ngôi sao, hành tinh đều có tinh thần, là những vị thần nhìn thấy được, chúng chuyển động vì chúng sống và có tinh thần, cây cỏ và động vật cũng vậy. Theo ông, đấng sáng tạo là toàn thiện toàn mỹ. Khi học trò hỏi, vì sao thế giới này lại đầy rẫy những điều ác, ông đã trả lời: “Vì thế giới mà ta nhìn thấy chỉ là cái bóng của thế giới tinh thần tuyệt mỹ. Nếu ngồi dưới một cái hầm, xoay lưng ra phía ánh sáng thì chỉ nhìn thấy những cái bóng của vật thể chứ không phải bản thân vật thể”.
Có thể nói, nhiều tác phẩm của Platon còn truyền tới ngày nay nhưng quan điểm của ông rất phức tạp và thường xuyên mâu thuẫn. Hạt nhân của quan điểm triết học của ông là ý niệm và linh hồn bất diệt. Ý niệm vĩnh viễn không thay đổi và là mẫu hình của sự vật cá biệt. Vì vậy thế giới thực tại xung quanh chúng ta không phải là một thế giới chân thực mà chỉ là sự phản ánh không đầy đủ của ý niệm hoàn thiện. Chỉ có ý niệm mới là chân lý. Nhưng chỉ có ý niệm thì chưa thành vũ trụ mà phải có một lực lượng tác động ông gọi là “tạo hóa”. Tạo hóa dùng ý niệm để sắp xếp lại sự vật làm cho vũ trụ trở thành có trật tự.
Chủ nghĩa duy tâm “khách quan” của Platon đối lập thế giới tự nhiên thường biến đổi với thế giới vĩnh viễn bất động của thực chất tinh thần, của ý niệm. Theo ông, thế giới của ý niệm có trước, thế giới của những vật có thể cảm giác có sau và do thế giới kia sinh ra. Vật chỉ là bóng của ý niệm. Cây, ngựa, nước,... là do ý niệm siêu tự nhiên về cây, ngựa, nước... sinh ra. Platon phản đối cảm giác luận của những nhà tư tưởng cổ đại, quả quyết cảm giác không thể là nguồn gốc của tri thức chân thực, vì cảm giác không vượt qua thế giới của các vật. Nguồn gốc của tri thức chân thực là hồi tưởng của linh hồn bất diệt của con người với thế giới ý niệm. Linh hồn bất diệt này đã quan sát thế giới ý niệm trước khi đến trú ngụ ở thân xác con người. Theo Platon, phương pháp có thể kích thích linh hồn hồi tưởng những ý niệm là phép biện chứng, ông quan niệm nó như là nghệ thuật so sánh và phân tích các khái niệm trong khi tranh luận. Phép biện chứng duy tâm của các khái niệm được phác ra trong triết học của Platon. Platon dùng lý thuyết của tôn giáo cho rằng Thượng đế sáng tạo thế giới để đối lập với quan niệm duy vật chủ nghĩa về vũ trụ vô cùng vô tận, phát triển theo quy luật; dùng thần học đối lập với quyết định luận.
Theo ông, thời gian không chi phối ý niệm mà có thể cuốn theo tất cả những gì chúng ta nhìn thấy xung quanh và ý niệm ở ngoài không gian và thời gian. Ông đã sáng tạo ra một thế giới ảo huyền, không có màu sắc, hình tượng, không có bất kỳ cái gì có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy được. Ở đấy, tinh thần quan sát thụ động những ý niệm tối cao như chân lý, hạnh phúc, chính nghĩa. Nơi đấy là xứ sở của chân lý vĩnh hằng, còn thế giới chúng ta đang sống chỉ là sự phản ánh lờ mờ cái thế giới không thể nhìn thấy ấy. Đối với ông, khái niệm trừu tượng là một thực thể bất hủ, tách rời vật chất, tồn tại trong một thế giới khác. Ông cho rằng ngoài cây và đá ra, ở một nơi nào đó còn có “cái cây ý niệm” và “hòn đá ý niệm”.
Về mỹ học, ông cho rằng mọi sự vật cá biệt chỉ là sự bắt chước ý niệm, tác phẩm nghệ thuật lại bắt chước sự vật cá biệt, tức là “bắt chước sự bắt chước” mà cái đẹp là chân thật và hoàn hảo, do đó cái đẹp thực sự là ý niệm mà nghệ thuật không thể biểu đạt.
Lý luận xã hội của Platon nhằm bảo vệ nền thống trị của quý tộc. Trong học thuyết về “Nhà nước lý tưởng”, ông quả quyết trật tự xã hội phải dựa trên ba đẳng cấp: 1. Những nhà triết học chấp chính; 2. Vệ binh; 3. Nông dân và thợ thủ công. Đẳng cấp thứ nhất cai trị, đẳng cấp thứ hai giữ gìn trật tự, đẳng cấp thứ ba sản xuất. Platon coi sự phân công nhằm làm cho chế độ bóc lột nô lệ vĩnh viễn ấy là “tự nhiên” và bất di bất dịch. Ông cho rằng quần chúng không nên tham gia quản lý nhà nước, rằng nền dân chủ là hình thức thấp của tổ chức nhà nước, nền cộng hòa quý tộc mới là hình thức lý tưởng. Platon là người rất căm ghét chế độ dân chủ. Ông cho rằng ở Aten “bình dân được tự do quá trớn”, thậm chí chó, ngựa, lừa cũng muốn làm gì thì làm, không theo sự chỉ huy của chủ. Thực tế lúc đó, ở Aten đạo đức tốt đẹp không được đề cao, chủ nghĩa lợi kỷ hình thành, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Vì vậy, ông đã nêu ra một hình mẫu nhà nước để làm thay đổi tình hình ấy. Sau này, ông còn viết tác phẩm “Pháp luật”, tuy lời lẽ mềm dẻo hơn nhưng tư tưởng tập quyền và chế độ công hữu thì không thay đổi.
Học thuyết của Platon được chủ nghĩa Platon mới và đạo Thiên chúa kế thừa, trở thành nguồn gốc của nhiều thuyết phản động, thần bí và phản khoa học. Học thuyết duy tâm chủ nghĩa của Platon cho rằng thế giới hiện thực là hình ảnh của thế giới siêu cảm giác của “ý niệm”. Những người theo chủ nghĩa Platon mới, quan niệm thế giới vật chất “toát ra” một cách thần bí từ một nguyên lý tinh thần. Vật chất chỉ là một khâu thấp trong đẳng cấp của vũ trụ, chỉ là cái “toát ra” từ thần linh, từ “linh hồn thế giới”. Người ta đạt tới đỉnh cao nhất của triết học không phải nhờ vào lý trí và kinh nghiệm mà là nhờ vào trạng thái nhập thần thần bí. Như vậy chủ nghĩa duy tâm đã thoái hóa thành thần trí học, miếng đất của những mê tín vô lý nhất.
Môn phái Platon mới xuất hiện đầu tiên ở Alêxanđơri (Ai Cập). Năm 244, Pôlôtanh (204 - 270) lập ra một môn phái khác ở La Mã. Vào thế kỷ IV ở Xyri, xuất hiện môn phái của Giămbơlích. Môn phái cuối cùng của chủ nghĩa Platon mới do Pơrôcơluýt thành lập tại Aten. Chủ nghĩa Platon mới có tác dụng quyết định trong giáo phụ học của đạo Thiên chúa và có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ tư tưởng phong kiến trong những nước theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi.
Cuộc đời của Platon là cuộc đời của một nhà bác học quên mình, nghiên cứu miệt mài, viết sách và thuyết giảng. Ông để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó có 35 thiên đối thoại, 13 phong thư và 1 tập “Định nghĩa”. Hầu như con đường phát triển tư tưởng của ông đều thể hiện trong các chương đối thoại. Hegels đã gọi ông là “người thầy của nhân loại”.