A
ristotles là nhà triết học vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại. Ông sinh năm 384 TCN ở Stagira thuộc vương quốc Macedonia, là học trò của Platon và là thầy giáo của Alexandros đại đế. Sau khi Alexandros lên ngôi, ông đến Athens mở trường dạy học.
Aristotles là một học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực như triết học, toán học, vật lý học, sinh vật học, sinh lý học, y học, sử học và được xem là bộ bách khoa toàn thư của Hy Lạp.
Về triết học, ông chịu ảnh hưởng rất lớn của Platon và Democritos nên tư tưởng triết học của ông có mặt gần với chủ nghĩa duy vật nhưng cuối cùng lại sa vào chủ nghĩa duy tâm. Ông là một nhà triết học nhị nguyên luận.
Một mặt ông khẳng định vật chất tồn tại vĩnh viễn, sự vật cụ thể được tạo nên bởi bốn nguyên liệu là chất liệu, hình thức, động lực và mục đích. Do đó trong sự vật cụ thể, chất liệu và hình thức không thể tách rời nhau, không có hình thức thì không có chất liệu, không có chất liệu thì không có hình thức. Bởi vậy, tuyệt nhiên không có thế giới ý niệm ở ngoài vật chất thực tại. Đó là chỗ khác nhau căn bản giữa Platon và Aristotles.
Nhưng mặt khác ông lại cho rằng “hình thức” là nhân tố tích cực năng động và nêu ra một loại hình thức không có chất liệu, đó là “lực thúc đẩy đầu tiên của mọi vật”, là lý tính. Theo ông, lý tính là “tư duy của tư duy”, là “tư duy thuần tuý”. Như vậy về điểm này, ông đã sa vào chủ nghĩa duy tâm.
Dù là học trò của Platon nhưng Aristotles đã vứt bỏ lý luận duy tâm về các ý niệm của Platon và phê phán rất tỉ mỉ lý luận đó. Sự phê phán của ông chứng tỏ ông đã hiểu biết chủ nghĩa duy tâm nói chung.
Theo Aristotles, Platon đã tách rời bản chất khỏi cái có bản chất và do đó biến ngay cái chung (khái niệm) thành cái riêng; bên cạnh thế giới cảm giác, thế giới hiện thực, Platon đã tạo ra một thế giới riêng biệt, một thế giới lý tưởng, siêu cảm giác. Theo Platon, những ý niệm, tức là nguyên hình của mọi sự vật, tồn tại một cách độc lập với những sự vật đó. Sự vật nhờ có ý niệm mới tồn tại được. Sự vật chỉ là phản ánh của những ý niệm, là những cái bóng, những cái hình chưa hoàn thiện.
Aristotles cho rằng, không phải chỉ cứ thừa nhận có những bản chất siêu cảm giác bất di bất dịch là người ta có thể giải thích được tại sao những sự vật cảm thấy được có thể xuất hiện và thay đổi: “Nói rằng ý niệm là những nguyên hình, còn ngoài ra tất cả đều có quan hệ với ý niệm, như thế là nói để mà không nói gì cả, và là lạm dụng những ẩn dụ của thơ ca”. Trái với Platon, Aristotles khẳng định bản chất chứa đựng ngay trong bản thân sự vật và cái chung không tồn tại song song với cái riêng, không tồn tại tách rời cái riêng. Aristotles tin thế giới bên ngoài là có thật, nhưng ông lúng túng trong phép biện chứng của cái phổ biến và cái riêng biệt, của khái niệm và cảm giác, của bản chất và hiện tượng. Theo Aristotles thì ý niệm (ông gọi là hình thức) và sự vật không tách rời nhau.
Có thể nói, Aristotles đã phân vân giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật để rồi sau cùng ông rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Theo ông, mỗi vật thể, mỗi sự vật đều gồm có hai yếu tố là vật chất và hình thức. Thế giới dựa trên một cơ chất tiêu cực và vô định là: “vật chất đầu tiên”. Tuy gắn liền các hình thức với vật chất, nhưng theo Aristotles vẫn có một hình thức thuần tuý, nghĩa là một hình thức không có vật chất và là hình thức của tất cả mọi hình thức. Đó là tư duy, là lý tính “tự suy nghĩ”, là Thượng đế. Thượng đế đóng vai trò động lực bất động của thế giới, thế giới duy nhất và vĩnh viễn. Theo Aristotles, vũ trụ hình tròn, ở giữa có trái đất, bên trên trái đất có những “viên cầu” vận động cùng với những tinh thần gắn liền với “viên cầu”.
Trong nhận thức luận (cũng như trong một loạt những vấn đề triết học tự nhiên và toán học), Aristotles đã đi gần đến chủ nghĩa duy vật. Khác với Platon, ông đã bênh vực thuyết cho rằng sự hiểu biết bắt nguồn từ cảm giác. Tuy Aristotles phân vân giữa phép biện chứng và phép siêu hình, nhưng triết học của ông đã có những nhân tố của quan niệm biện chứng về hiện thực. Engels nhận xét Aristotles “đã nghiên cứu những hình thức rất trọng yếu của tư duy biện chứng”. Trong khi phê phán phái Ê-lê về việc họ phủ nhận vận động, Aristotles gọi họ là những người “bất động” và “phản tự nhiên”. Ông cho rằng việc không biết đến vận động tất nhiên dẫn đến việc không biết đến tự nhiên. Khi ông đề cập vấn đề quan hệ giữa khả năng và hiện thực, giữa hình thức và nội dung... thì những nhân tố biện chứng hiện ra rất nổi bật trong triết học của ông.
Trong triết học cổ đại, Aristotles là người sáng tạo ra logic học. Ông cố gắng không tách rời tư duy ra khỏi tồn tại, gắn liền những hình thức của tư duy với tồn tại, để giải thích những phạm trù logic cho hợp với hiện thực khách quan. Ông có công lao rất lớn khi dùng phương pháp quy nạp từ kinh nghiệm rút ra nguyên lý, từ nguyên lý dùng phương pháp diễn dịch (tam đoạn luận) để rút ra những kết luận cá biệt.
Về mỹ học, ông cho rằng tác phẩm nghệ thuật khi mô phỏng sự vật cá biệt nhằm mục đích làm cho đặc trưng của sự vật được biểu hiện ra.
Về giáo dục, ông cho rằng mục đích của giáo dục là phát triển lý tính đồng thời chủ trương nhà nước nên mở trường dạy con em quý tộc để họ được phát triển hài hòa về thân thể, trí tuệ.
Ngoài ra ông còn có những đóng góp quan trọng về các mặt khác như đã miêu tả tới 100 loài động vật, chia động vật thành hai nhóm có xương sống và không xương sống, phân loại đá và các khoáng vật, chia các thể chế chính trị thành quân chủ, độc tài, dân chủ. Ông đã để lại cho đời sau 150 tác phẩm về nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Và những tư tưởng của ông có ảnh hưởng lâu dài ở phương Tây.
Những tác phẩm chính của ông là: “Siêu hình học”, “Vật lý học”, “Bàn về linh hồn”, “Lý luận học”, “Chính trị học”, “Những phạm trù”, “Phân tích”, “Quyển I” và “Quyển II”.