E
ngels là một triết gia và là một nhà khoa học người Đức, cùng với Marx, ông đã phát triển chủ nghĩa cộng sản, ông cũng là đồng tác giả của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản.
Engels sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820, tại Barmen, tỉnh Rhine, nước Phổ. Engels từng học ở Trường Trung học Barmen, sau đó học Trường Trung học Elberfelder. Ông làm việc gần một năm tại văn phòng của bố, rồi đến Bơrêmơ làm trong một hãng buôn lớn. Ở đó ông liên lạc với nhóm nhà văn cấp tiến “Nước Đức trẻ” và cộng tác với báo Điện tín Đức.
Mùa xuân năm 1841, Engels rời Bơrêmơ đi thăm Thụy Sĩ và miền Bắc nước Ý, ông đến Berlin và tham gia vào một trung đoàn pháo binh, nhưng cũng không vì thế mà ngừng việc học triết học ở trường đại học. Vào tháng 3 năm 1842, Engels xuất bản cuốn “Sen linh và việc chúa truyền”, trong đó ông chỉ trích nghiêm khắc những quan niệm thần bí phản động của Sen linh. Năm 1842, hết hạn lính, Engels sang Manchester ở Anh. Tại đây, ông tìm hiểu đời sống và nghiên cứu tình hình của giai cấp công nhân Anh, giao thiệp với những chiến sĩ của phái hiến chương và bắt đầu hợp tác xuất bản những tài liệu về chủ nghĩa xã hội.
Năm 1844, Engels cho đăng ở Paris tác phẩm “Phê phán trị kinh tế học” của ông trong tạp chí niên giám Pháp - Đức của Marx và A. Ruge. Marx đã đánh giá tác phẩm này là một cuốn đại cương tài tình về khoa chính trị kinh tế học mới của giai cấp vô sản. Cuối tháng 8 năm 1844, Engels rời Manchester sang Đức. Khi đi qua Paris, ông gặp Marx, và tình bạn vĩ đại bắt đầu giữa hai nhà lãnh tụ của giai cấp vô sản. Ở Paris, Marx và Engels viết cuốn “Gia đình thần thánh chống lại phái Hegel trẻ”. Cuốn sách đã đặt nền tảng cho chủ nghĩa xã hội duy vật cách mạng.
Năm 1845, Engels trở về Đức, xuất bản cuốn sách nổi tiếng của ông “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh - một trong những tác phẩm hay nhất của nền văn học xã hội chủ nghĩa trên thế giới...” (Lenin).
Đầu năm năm 1845, Engels đến ở Bruy-xen. Lúc này Marx cũng đang ở đấy. Hai ông viết chung quyển Hệ tư tưởng Đức, phê phán những thiếu sót trong triết học của Feuerbach, những quan điểm của phái Hegel trẻ và “chủ nghĩa xã hội chân chính” tức là học thuyết phản động ở Đức.
Từ 1845 - 1847, Engels ở Bruy-xen và Paris, tiếp tục nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn trong phong trào công nhân. Cũng như Marx, ông tiếp xúc với tổ chức bí mật “Đồng minh những người cộng sản”, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đồng minh. Ông đã viết cuốn “Nguyên lý chủ nghĩa cộng sản”, bản sơ thảo cương lĩnh của “Đồng minh những người cộng sản” và cùng với Marx viết tác phẩm nổi tiếng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
Khi cuộc Cách mạng tháng 2 năm 1848 ở Pháp nổ ra, Engels đến Paris sau khi Marx cũng đã đến đấy vì bị trục xuất khỏi Bruy-xen. Đầu tháng 4 năm 1848, cách mạng lại nổ ra ở Đức, Engels và Marx rời Paris và đến Cologne. Tại đây, hai ông lập ra và lãnh đạo “Báo Rênani mới” và miệt mài trong công tác cách mạng vĩ đại. Nhưng Engels lại phải sang Bruy-xen vì có lệnh bắt các nhà biên tập “Báo Rênani mới”. Ông bị bắt, bị cầm tù rồi bị trục xuất. Đến tháng 10, ông sang Paris, rồi trốn sang Thụy Sĩ. Tháng Giêng năm 1849, ông mới trở lại Cologne. Ông và Marx bị đưa ra tòa về tội “xúc phạm đến nhà cầm quyền”. Giữa phiên tòa, hai ông lại đứng trên vị trí của nguyên cáo và tòa án phải tha bổng các ông. Engels tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân, nhưng khi phong trào bị đàn áp, Engels liền sang Thụy Sĩ với hai đội quân cách mạng cuối cùng. Theo lời yêu cầu tha thiết của Marx, ông lại đến London.
Engels viết hai cuốn sách “Cuộc chiến tranh của nông dân Đức”, và “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức”, tổng kết thời kỳ cách mạng trong những năm 1848 - 1849. Engels đặc biệt chú ý đến những vấn đề khởi nghĩa vũ trang và giáo dục công nhân. Tháng 11 năm 1850, ông đến làm công cho một hiệu buôn ở Manchester, về sau ông có cổ phần trong hiệu buôn ấy. Trong thời gian ở Manchester, Engels viết nhiều cuốn sách về các vấn đề quân sự. Marx và Engels trao đổi thư từ với nhau gần như hằng ngày để thảo luận các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và kinh tế.
Trong nội bộ Quốc tế thứ nhất, Engels và Marx công kích Pơruđông, Bacunin và những kẻ thù khác của Quốc tế thứ nhất. Mùa thu năm 1870, Engels đến London và được chọn làm Tổng uỷ viên hội của Quốc tế thứ nhất. Khi Quốc tế thứ nhất giải tán, Marx và Engels vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào công nhân. Tất cả gánh nặng của cuộc đấu tranh chống thù địch với chủ nghĩa Marx đều trút lên vai Engels, vì Marx đang bận viết bộ Tư bản. Những bài chống Đuy rinh cũng được viết trong thời kỳ ấy, và xuất bản trong những năm 1877 - 1878. Sau này những bài ấy được tập hợp lại thành cuốn “Chống Đuy rinh”, trong đó Engels “phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học, của khoa học tự nhiên và xã hội... Đó là cuốn sách đặc biệt bổ ích và có nội dung phong phú”. Đồng thời, Engels dồn hết tâm trí vào việc nghiên cứu khoa học tự nhiên và toán học. Sau khi Marx mất, Engels tiến hành việc hoàn chỉnh và xuất bản quyển II và quyển III của bộ Tư bản mà Marx chưa kịp hoàn chỉnh. Quyển II ra đời năm 1885 và quyển III năm 1894. Chính trong thời kỳ này, ông cũng viết “Nguồn gốc của gia đình”, của chế độ tư hữu và của Nhà nước. Năm 1866, cuốn Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức” ra đời, đã thể hiện những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Trong thời kỳ đầu của những năm 1890, Engels tiếp tục phát triển trong thư từ của mình những tư tưởng về chủ nghĩa duy vật lịch sử, phản bác ý kiến cho rằng chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ công nhận ý nghĩa quyết định của những sự biến đổi trong nền kinh tế, và phủ nhận vai trò của kiến trúc thượng tầng: Nhà nước, ý thức tư tưởng... Lối giải thích đó gây ra một tai hại nghiêm trọng, làm cho người ta có thái độ nhìn quá trình lịch sử một cách tiêu cực và đánh giá quá thấp vai trò của tư tưởng, của những tổ chức chính trị, của cuộc đấu tranh giai cấp vô sản để giành chính quyền.
Trong thư từ của mình, Engels đã làm sáng tỏ tác dụng qua lại giữa cơ sở và kiến trúc thượng tầng, chỉ rõ những đặc điểm riêng biệt của sự phát triển của hệ tư tưởng (triết học, tôn giáo, nghệ thuật) khác với kinh tế, ông chỉ trích những người “Mácxít” mới học được vài nguyên lý chung chung của chủ nghĩa duy vật lịch sử, đã không chịu khó nghiên cứu tỉ mỉ sự việc cụ thể của lịch sử nữa.
Tác phẩm kinh điển của Engels là “Chống Đuy rinh”, trong đó ông trình bày ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Marx: triết học Mácxít, tức là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chính trị kinh tế học và lý luận về chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tác phẩm gồm ba phần: Triết học, Chính trị kinh tế học và Chủ nghĩa xã hội. Cuốn sách “phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học, của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội... Đó là một cuốn sách hết sức bổ ích và có nội dung phong phú” (Lenin).
Engels viết cuốn sách này để bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Marx, chống sự công kích của Ơgien Đuy-rinh - một người mưu đồ làm cho phong trào công nhân và đảng xã hội dân chủ chịu ảnh hưởng tiểu tư sản. Đuy-rinh là một người theo phái chiết trung, có những quan điểm dung hòa những học thuyết hết sức đối lập nhau. Ở Đuy-rinh, chủ nghĩa duy vật tầm thường và những quan điểm máy móc liên kết với chủ nghĩa duy tâm của Căng và của Hegel được đám cơ hội chủ nghĩa, đặc biệt là Bécxten hoan nghênh nhiệt liệt. Vì thế, Engels đã cho đăng một loạt bài báo nhằm chống những ý định phản động của nhà tư tưởng đó. Năm 1878, ông tập hợp những bài báo đó thành một tập lấy tên là Ông Ơ. Đuyrinh đảo lộn khoa học, sau đó gọi là Chống Đuyrinh. Trong tác phẩm này, Engels lật mặt nạ và chế nhạo Đuyrinh, một đại biểu điển hình của một khoa học giả mạo, tự phụ và dốt nát, tách rời khỏi đời sống, trống rỗng, tuyên bố một cách tự phụ những chân lý “vĩnh viễn, cuối cùng, và không thể cãi được”. Marx đã đọc bản thảo cuốn sách đó trước khi đưa in và viết Chương X của phần thứ hai (“Lịch sử phê phán”).
Trong “Lời nói đầu” và phần thứ nhất “Triết học”, khi phê phán triết học của Đuy-rinh, Engels đã trình bày những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ông đưa ra cách giải quyết theo chủ nghĩa duy vật vấn đề cơ bản của triết học, chứng minh những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa duy vật triết học Mácxít: Vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau, thế giới là vật chất và phát triển theo những quy luật khách quan, thế giới là có thể biết được. Bằng những ví dụ điển hình, Engels làm sáng tỏ tính chất biện chứng của sự tiến hóa của tự nhiên, xã hội và của nhận thức. Áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc nghiên cứu tự nhiên và xã hội, ông đã giải thích nhiều vấn đề khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Trái với những người duy tâm cho rằng, tư tưởng là do ý thức sinh ra và không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, Engels dựa vào tài liệu của khoa học và những ví dụ về khái niệm toán học, đã chứng minh rằng tất cả những nhận thức của con người đều phản ánh thế giới vật chất. Engels chỉ ra rằng, thế giới là thống nhất, không phải vì tư tưởng liên kết tất cả mọi hiện tượng với nhau, nhưng vì thế giới là vật chất và vì tất cả mọi hiện tượng và quá trình của tự nhiên đều là những biểu hiện của vật chất đang vận động. Tính thống nhất thực sự của thế giới là ở trong tính vật chất của nó. Vật chất tồn tại trong không gian và thời gian, không gian và thời gian là những hình thức tồn tại của vật chất. Engels phân tích sâu sắc mối tương quan biện chứng của vật chất, của không gian và của thời gian, và chứng minh tính vô hạn của thời gian và không gian.
Vạch trần quan niệm máy móc của Đuy-rinh, Engels giải thích một cách sâu sắc những khái niệm về vật chất và vận động.Vận động là thuộc tính căn bản và là phương thức tồn tại của vật chất. Không có vật chất nào mà không có vận động, ngược lại, không có vận động nào mà không có vật chất. Lần đầu tiên, Engels trình bày rộng rãi về những hình thức vận động của vật chất, không chỉ tồn tại dưới hình thức đổi chỗ một cách máy móc của những vật thể trong không gian.
Những nguyên lý của triết học Mácxít về thế giới hữu cơ mà Engels phát triển trong chống Đuy-rinh có giá trị rất lớn. Engels đánh giá rất cao chủ nghĩa Đácuyn, cho rằng nó là một học thuyết duy vật về giới sinh vật. Đồng thời, ông sáng suốt vạch ra những thiếu sót của học thuyết Đácuyn, như thiếu thái độ phê phán đối với chủ nghĩa Mantuýt, không nghiên cứu những nguyên nhân gây ra những thay đổi trong cơ thể, hơn nữa ông còn vạch ra con đường khoa học để bổ khuyết. Sau này nhà sinh vật học Mítsurin đi theo con đường của Engels, vạch ra một số chỗ thiếu sót và xóa bỏ được một số khuyết điểm trong học thuyết của Đácuyn.
Trong những chương sau của Phần thứ nhất, Engels phê phán những quan niệm giáo điều siêu hình về nhận thức và chân lý, về đạo đức, về bình đẳng, về tự do và về tất yếu. Bác bỏ những chân lý “vĩnh viễn” của Đuy-rinh, Engels đã làm sáng tỏ phép biện chứng của nhận thức. Ông chứng minh sự tồn tại của chân lý khách quan, tính chất tương đối của những chân lý khoa học và đồng thời chứng minh rằng tư tưởng loài người có khả năng nhận thức chân lý tuyệt đối. Sau đó, Lenin phát triển những quan điểm đó của Engels và xây dựng lý luận hoàn chỉnh về mối tương quan giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối.
Cuốn chống Đuy-rinh phân tích sâu sắc nguyên lý của chủ nghĩa duy vật Mácxít về tính khách quan của những quy luật tự nhiên và xã hội, chứng minh rằng tự do là tính tất yếu đã được nhận thức.
Trong lời nói đầu và trong những chương cuối cùng phần triết học, Engels trình bày một cách rõ ràng và sâu sắc những nguyên lý của phép biện chứng duy vật Mácxít.
Bàn về những vấn đề của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Engels giải thích nguồn gốc của tư hữu, của giai cấp và nhà nước, giải thích vai trò của đấu tranh giai cấp trong sự phát triển của xã hội và bản chất giai cấp của nhà nước. Ông chỉ ra rằng nhà nước và luật pháp, đạo đức và tôn giáo không vĩnh viễn, mà nó thay đổi vì ảnh hưởng của sự phát triển cơ sở kinh tế của xã hội.
Engels bác bỏ khái niệm trừu tượng về bình đẳng và chứng minh rằng “nội dung thật sự của yêu sách của công nhân về bình đẳng là yêu sách xóa bỏ giai cấp”. Trong phần thứ hai (Chính trị kinh tế học), Engels phê phán những quan điểm của Đuy-rinh và trình bày những nguyên lý của chính trị kinh tế học Mácxít. Ông định rõ đối tượng của chính trị kinh tế học. Ông trình bày lý luận Mácxít về hàng hóa và giá trị về sự bóc lột những người công nhân làm thuê, về giá trị thặng dư, về địa tô, về tình trạng vô chính phủ của sản xuất và của cạnh tranh trong chế độ tư bản chủ nghĩa, về những cuộc khủng hoảng thừa. Những chương chuyên nói về vai trò của bạo lực trong lịch sử có ý nghĩa rất lớn về mặt triết học. Trong khi đập tan “lý luận về bạo lực” duy tâm cho rằng bạo lực là nhân tố chủ yếu của đời sống xã hội, Engels chỉ ra vai trò quyết định của những điều kiện kinh tế, đồng thời cũng nhấn mạnh ý nghĩa tiến bộ lớn lao của bạo lực cách mạng chống lại giai cấp bóc lột.
Trong phần thứ ba “Chủ nghĩa xã hội”, Engels trình bày lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học một cách tóm tắt và rõ ràng. Ông chỉ ra mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội Mácxít, trình bày quan điểm Mácxít về nhiều vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội như: sự sản xuất, sự phân phối, nhà nước, gia đình, nhà trường. Khác với chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa xã hội vô sản dựa trên sự hiểu biết những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, trên quan niệm duy vật về lịch sử. Việc chủ nghĩa xã hội thay thế cho chủ nghĩa tư bản là một tất yếu khách quan, những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản làm cho chế độ dựa trên tài sản tư hữu và chế độ người bóc lột người sẽ bị sụp đổ. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trước kia thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất của xã hội, ngày nay biến thành những trở ngại cho sự phát triển đó. Chủ nghĩa tư bản chính nó lại sinh ra lực lượng tiêu diệt nó là giai cấp công nhân làm thuê, giai cấp vô sản công nghiệp. Engels chỉ ra rằng, con đường dẫn từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa xã hội, thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản để giành lấy chính quyền Nhà nước, nghĩa là thông qua chuyên chính vô sản. Có thể nói cuốn sách là một kiểu mẫu về luận chiến Mácxít.
Một trong những tác phẩm triết học đầu tiên của ông viết cùng với Marx chuyên phê phán chủ nghĩa duy tâm của phái Hegel trẻ và chủ nghĩa duy vật hẹp hòi của Feuerbach là cuốn “Hệ tư tưởng Đức”. Với thế giới quan đã hoàn thành về cơ bản của mình, lần đầu tiên Marx và Engels trình bày một cách tường tận lý luận duy vật lịch sử. Sau này, Marx viết: “Chúng tôi quyết định cùng nhau nêu ra sự đối lập giữa quan điểm của chúng tôi với hệ tư tưởng của triết học Đức...”
Hệ tư tưởng Đức phê phán kịch liệt chủ nghĩa cá nhân tư sản của Xtiecne, một người vô chính phủ chủ nghĩa ở Đức cũng phê phán kịch liệt “chủ nghĩa xã hội chân chính” có tính chất phản động do Hexơ, Gơrun... truyền bá.
Hệ tư tưởng Đức nêu lên những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản khoa học, chứng minh rằng trong khi hoạt động, giai cấp vô sản dựa vào quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Marx và Engels coi cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản, coi cách mạng cộng sản thắng lợi và sự xuất hiện tất yếu của chủ nghĩa cộng sản, là kết quả tất nhiên của quy luật kinh tế, quy luật tồn tại một cách độc lập đối với ý chí con người. Cuốn “Hệ tư tưởng Đức” bàn về một trong những vấn đề quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử, vấn đề các hình thái kinh tế xã hội, nêu rõ nguyên nhân làm cho những hình thái đó kế tiếp nhau và giải thích nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, cho rằng tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội... Trong khi luận chứng nguyên lý chủ yếu về tính tất yếu của cách mạng cộng sản chủ nghĩa của giai cấp vô sản, Marx và Engels vạch rõ rằng cuộc cách mạng đó “là tất yếu không những vì không thể lật đổ giai cấp thống trị bằng cách nào khác, mà còn vì giai cấp tiến hành việc lật đổ chỉ có dùng cách mạng mới có thể thoát khỏi hết thảy mọi cái thối nát cũ và có khả năng sáng tạo một xã hội mới.”
Engels qua đời ngày 5 tháng 8 năm 1895, thọ 76 tuổi.