B
ertrand Arthur William Russell sinh ngày 18 tháng 5 năm 1872, tại Trellech, Monmouthshire, nay là Wales, trong gia đình quý tộc Anh. Ông nội của ông, John Russell - bá tước Russell I, từng làm thủ tướng Anh trong các thập kỷ 1840 và 1860 và là con trai thứ hai của John Russell, quận công Bedford VI. Mẹ của Russell, Kate (tên họ thời con gái là Stanley), cũng xuất thân từ một gia đình quý tộc và là chị em gái với Rosalind Howard, nữ bá tước Carlisle. Cha mẹ của Russell là những người khá cấp tiến vào thời của họ - cha Russell, John Russell - tử tước Amberley, là một người vô thần. Cả hai là những người ủng hộ đầu tiên cho các biện pháp tránh thai mà thời đó được coi là đầy tai tiếng. John Stuart Mill - nhà triết học theo thuyết vị lợi, là cha đỡ đầu của Russell.
Russell có hai anh chị: Frank Russell - Bá tước Russell II (hơn Bertrand gần 7 tuổi), và Rachel (hơn 4 tuổi). Tháng 6 năm 1875, mẹ Russell qua đời vì bệnh bạch hầu, ít lâu sau Rachel cũng vậy, và vào tháng 1 năm 1876 cha ông cũng qua đời vì bệnh viêm phế quản sau một thời gian dài bị trầm cảm.
Frank và Bertrand được ông bà nội - những người trung thành với các tiêu chuẩn đạo đức thời Victoria chăm sóc. Bá tước Russell I qua đời năm 1878, bà quả phụ - nữ bá tước Russell (tên thời con gái là Frances Elliot) là người thân quan trọng nhất đối với phần còn lại của tuổi thơ và tuổi trẻ của Russell. Bà xuất thân từ một gia đình người Scotland theo giáo phái Kevin. Bà đã kiến nghị để tòa án Anh bỏ một điều khoản trong di chúc của Amberley rằng các con của ông phải được nuôi dạy thành những người theo thuyết bất khả tri. Mặc dù có tư tưởng bảo thủ tôn giáo, bà vẫn giữ các quan niệm tiến bộ trong các lĩnh vực khác (chấp nhận thuyết Darwin và ủng hộ Irish Home Rule (luật nội bộ Ireland), và ảnh hưởng của bà đối với quan điểm của Bertrand Russell về công bằng xã hội, sự bảo vệ nguyên tắc đã đồng hành với ông suốt cuộc đời. Tuy nhiên, bầu không khí tại Pembroke Lodge luôn đầy những lời cầu nguyện, sự kìm nén cảm xúc và các nghi thức thủ tục - Frank đã phản ứng với điều này bằng sự nổi loạn công khai, còn Bertrand trẻ tuổi đã học được cách giấu những tình cảm của mình.
Thời thanh niên, Russell rất cô đơn, ông đã toan tính tự tử. Trong hồi ký của mình, ông ghi nhận rằng những mối quan tâm sâu sắc nhất của ông là tình dục, tôn giáo và toán học, và mong muốn hiểu biết nhiều hơn về toán học là điều duy nhất giúp ông không tự tử. Frank, đã giới thiệu với ông về Euclid, sự kiện này đã làm thay đổi cuộc đời của Russell.
Russell giành được một học bổng cho ngành toán học tại Trinity College, Đại học Cambridge, và bắt đầu theo học tại đó từ năm 1890. Tại đây, ông làm quen với George Edward Moore và bắt đầu chịu ảnh hưởng của Alfred North Whitehead, người đã giới thiệu ông với hội kín Các thánh tông đồ Cambridge (Cambridge Apostles). Ông nhanh chóng trở thành sinh viên nổi bật trong các môn toán và triết học. Ông lấy bằng cử nhân Toán học năm 1893 và được nhận vào làm nghiên cứu viên triết học năm 1895.
Năm 17 tuổi, Russell lần đầu gặp Alys Pearsall Smith, một tín đồ Quaker người Mỹ. Ông phải lòng Alys, người có quan hệ với một số nhà hoạt động tôn giáo và giáo dục. Trái ý bà nội, ông đã cưới Alys tháng 12 năm 1894. Cuộc hôn nhân của họ bắt đầu có dấu hiệu tan vỡ năm 1902, khi Russell nhận ra rằng ông không còn yêu vợ. 19 năm sau họ li dị. Trong thời kỳ này, Russell đã có những cuộc tình say đắm (và thường là cùng lúc) với nhiều phụ nữ, trong đó có Công nương Ottoline Morrell và nghệ sỹ, Công nương Constance Malleson. Suốt những năm này, Alys mòn mỏi mong đợi và vẫn tiếp tục yêu Russell trong suốt phần đời còn lại.
Russell bắt đầu xuất bản các tác phẩm của mình vào năm 1896 với cuốn “Nền dân chủ xã hội Đức”, đây là nghiên cứu chính trị báo hiệu mối quan tâm cả đời của ông đối với chính trị và các học thuyết xã hội. Năm 1896, ông dạy môn Dân chủ xã hội Đức tại Trường Kinh tế London, cũng là nơi ông đã giảng về khoa học của quyền lực vào mùa thu năm 1937.
Năm 1908, Russell trở thành thành viên của Hội Hoàng gia Anh. Tập đầu tiên trong bộ Principia Mathematica (viết chung với Whitehead) được xuất bản năm 1910. Bộ sách này cùng với tác phẩm “The Principles of Mathematics” trước đó đã nhanh chóng làm cho Russell trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực toán học. Năm 1911, ông gặp Ludwig Wittgenstein, một sinh viên ngành kỹ thuật người Áo. Ông sớm nhận ra tài năng xuất chúng của Wittgenstein và coi anh là người kế tục các công trình của ông về logic toán học. Ông đã dành nhiều thời gian giúp đỡ Wittgenstein vượt qua nhiều nỗi ám ảnh và sự thất vọng thường xuyên. Ông đã khuyến khích sự phát triển hàn lâm của Wittgenstein, trong đó có việc xuất bản cuốn “Tractatus Logico-Philosophicus” năm 1922.
Trong Thế chiến I, Russell tham gia các hoạt động kêu gọi hòa bình, và năm 1916, ông bị Trinity College sa thải sau khi bị buộc tội theo Defence of the Realm Act - đạo luật phòng vệ được nghị viện Anh thông qua năm 1914. Ông đã phải ngồi tù 6 tháng tại nhà tù Brixton.
Năm 1920, Russell đến nước Nga với vai trò thành viên của một đoàn đại biểu chính thức được chính phủ Anh gửi đến để nghiên cứu các hiệu ứng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Cũng thời gian này, Dora Black, người tình của Russell cũng đến thăm Nga. Bà đã rất nhiệt tình với cuộc cách mạng này, nhưng những gì Russell chứng kiến đã phá hủy dự định của ông về việc hỗ trợ cuộc cách mạng này.
Sau đó, Russell dạy triết học tại Bắc Kinh trong một năm có Dora đi cùng. Khi ở Trung Quốc, Russell đã viêm phổi nặng, báo chí Nhật đăng tin nhầm về cái chết của ông. Khi hai người đến thăm Nhật Bản trên đường về Anh, Dora đã nói với các nhà báo “Theo báo chí Nhật thì Bertrand Russell đã chết, nên không thể trả lời phỏng vấn của các phóng viên được”.
Trên đường về Anh năm 1921, Dora có mang 5 tháng, Russell thu xếp một cuộc li dị vội vã với Alys, 6 ngày sau khi ly dị, ông cưới Dora. Thời gian này, Russell kiếm sống từ việc viết các cuốn sách phổ thông giải thích các vấn đề về vật lý học, luân lý học và giáo dục dành cho người không chuyên. Cùng với Dora, ông còn thành lập trường thực nghiệm Beacon Hill năm 1927. Sau khi ông rời trường vào năm 1932, Dora còn tiếp tục điều hành trường cho đến năm 1943.
Cuộc hôn nhân với Dora ngày càng mong manh, rạn vỡ khi bà có hai người con với Griffin Barry, một nhà báo Mỹ. Năm 1936, Russell lấy vợ ba là sinh viên của trường Đại học Oxford tên là Patricia Spence, người đã từng là gia sư của các con ông từ mùa hè năm 1930. Russell và Patricia Spence có một người con trai - Conrad Russell - Bá tước Russell V, người sau này trở thành nhà sử học nổi tiếng và là một trong những nhân vật lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do Anh.
Mùa xuân năm 1939, Russell chuyển tới Santa Barbara để giảng dạy tại Đại học California, Los Angeles. Ông nhận chức giáo sư tại City College of New York vào năm 1940, nhưng sau đó việc này bị hủy bỏ bởi phán quyết của một phiên tòa: các quan điểm của ông (đặc biệt là các quan điểm liên quan đến đạo đức tình dục, chi tiết trong tác phẩm “Hôn nhân và đạo đức” 10 năm trước đó) đã làm ông trở nên “không phù hợp về mặt đạo đức” cho việc giảng dạy đại học. Ít lâu sau, Russell ra nhập Barnes Foundation, giảng lịch sử triết học cho nhiều thính giả - các bài giảng này đã tạo cơ sở cho cuốn A History of Western Philosophy (Lịch sử triết học phương Tây) của ông. Quan hệ của ông với Albert C. Barnes lập dị trở nên xấu đi một cách nhanh chóng, và ông quay trở lại Anh năm 1944 để lại về làm việc tại Trinity College.
Trong những năm 1940 và 1950, Russell tham gia nhiều chương trình phát thanh của BBC về nhiều chủ đề triết học và thời sự. Thời gian này, Russell đã nổi tiếng trên thế giới bên ngoài cộng đồng hàn lâm, ông thường là tác giả của các bài đăng trên các báo và tạp chí, ông còn được đề nghị đưa ra quan điểm về một diện rộng các chủ đề, kể cả các chủ đề trần tục. Tháng 10 năm 1948, Russell đã thoát chết trong một vụ máy bay rơi khi ông đang trên đường đi giảng tại Trondheim. Cuốn “Lịch sử triết học phương Tây” (1945) trở thành cuốn sách bán chạy nhất, mang lại cho Russell một nguồn thu nhập ổn định trong suốt phần đời còn lại. Năm 1949, Russell được tặng Huân chương Công lao của Khối Thịnh vượng chung Anh, và năm sau, ông nhận được Giải Nobel Văn học.
Năm 1952, Patricia Spence bỏ Russell. Sau vụ li dị, Russell nhanh chóng cưới người vợ thứ tư, Edith Finch. Họ đã biết nhau từ năm 1925, Edith giảng dạy tại Bryn Mawr College gần Philadelphia, Pennsylvania, bà ở chung nhà trong 20 năm với Lucy Donnelly - người bạn cũ của Russell. Edith đã sống hạnh phúc cùng ông cho đến khi ông qua đời. John, con trai cả của Russell bị bệnh tâm thần nặng. Đây là nguồn gốc của những cuộc cãi vã dai dẳng giữa Russell và Dora - vợ cũ của Russell.
Russell dành hai thập kỷ 1950 và 1960 cho nhiều hoạt động chính trị, chủ yếu liên quan đến giải trừ vũ khí hạt nhân và phản đối chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ này, ông viết rất nhiều thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới. Ông trở thành một anh hùng đối với nhiều thành viên trẻ của New Left - một phong trào cánh tả cấp tiến trong những năm 1960. Đặc biệt, trong thập kỷ 1960, Russell ngày càng phản đối quyết liệt các chính sách của chính quyền Mỹ. Năm 1963, ông là người đầu tiên được nhận Giải thưởng Jerusalem - một giải thưởng dành cho các tác giả viết về tự do cá nhân trong xã hội.
Bertrand Russell xuất bản bộ hồi ký dài ba tập vào cuối năm 1960. Khi sức khỏe sa sút, ông vẫn minh mẫn cho đến khi ông qua đời vào năm 1970 tại nhà riêng ở Plas Penrhyn, Penrhyndeudraeth, Merioneth, Wales. Theo di chúc, ông đã được hỏa táng và tro được rải khắp nơi.
Russell thường được xem là một trong những người đặt nền móng cho triết học phân tích và thậm chí một số nhánh của ngành này. Đầu thế kỷ XX, cùng với George Edward Moore, Russell gần như khởi xướng “cuộc nổi dậy” tại nước Anh chống lại chủ nghĩa duy tâm - một trường phái triết học chịu ảnh hưởng lớn của Georg Hegel và vị thánh tông đồ người Anh - F. H. Bradley. 30 năm sau, cuộc nổi dậy này còn được vọng lại tại Vienna với “cuộc nổi dậy” của những người theo chủ nghĩa thực chứng logic chống lại siêu hình học. Russell đặc biệt phê phán mạnh mẽ học thuyết duy tâm về các quan hệ nội tại - quan niệm cho rằng để hiểu về một vật cụ thể nào đó, ta phải hiểu tất cả các quan hệ của nó. Russell chỉ ra rằng quan niệm này sẽ làm cho không gian, thời gian, khoa học và khái niệm về số trở thành không thể hiểu được.
Russell và Moore đã cố gắng loại bỏ những gì mà họ cho là các khẳng định vô nghĩa và không mạch lạc trong triết học, tìm kiếm sự trong sáng và tính chính xác trong luận cứ bằng ngôn ngữ chính xác và bằng cách phân tích các mệnh đề triết học thành các thành phần đơn giản nhất. Cụ thể, Russell coi logic và khoa học là các công cụ chính của các nhà triết học. Khác với đa số các nhà triết học trước ông và nhiều người cùng thời, Russell không tin có một phương pháp riêng dành cho triết học. Ông tin rằng nhiệm vụ chính của nhà triết học là làm sáng tỏ các mệnh đề tổng quát nhất về thế giới và loại bỏ những mơ hồ và nhầm lẫn. Cụ thể, ông muốn chấm dứt cái mà ông coi là những thứ quá mức của siêu hình học.
Nhận thức luận của Russell trải qua nhiều giai đoạn. Thời trẻ, ông đã từ bỏ chủ nghĩa Tân Hegel và là một người theo thuyết duy thực triết học trong suốt phần đời còn lại. Ông tin rằng các trải nghiệm trực tiếp có tầm quan trọng bậc nhất đối với việc đạt được tri thức. Tuy một số quan niệm của ông không còn được hâm mộ, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ trong sự phân biệt giữa hai cách mà theo đó ta có thể làm quen với các đối tượng: “tri thức từ nhận biết” và “tri thức từ mô tả”. Có một thời gian, Russell đã cho rằng chỉ có thể nhận biết bằng dữ liệu giác quan của chính ta - các tri giác nhất thời về màu sắc, âm thanh và những thứ tương tự. Và rằng tất cả những thứ khác, trong đó có các đối tượng vật lý mà ta chỉ có thể thu được các dữ liệu giác quan về chúng bằng cách suy luận hoặc lập luận. Nghĩa là được biết bởi mô tả, không được biết một cách trực tiếp. Sự phân biệt này đã được ứng dụng rộng rãi, tuy sau này Russell đã loại bỏ quan niệm về dữ liệu giác quan trực tiếp.
Trong triết học của ông về cuối đời, Russell đã chia sẻ quan điểm với một dạng chủ nghĩa nhất nguyên trung dung (neutral monism), trong đó ông cho rằng khác biệt giữa thế giới vật chất và tinh thần là tùy ý, và rằng cả hai đều có thể được suy giảm về một tính chất trung gian - một quan niệm tương đồng với quan niệm của một nhà triết học Mỹ - William James, và là quan niệm được khởi xướng bởi Baruch Spinoza, người mà Russell rất ngưỡng mộ. Tuy nhiên, thay vì “trải nghiệm thuần túy” của James, Russell đã mô tả đặc điểm của bản chất các trạng thái khởi đầu của tri giác là các “biến cố”, một quan điểm tương đồng một cách kỳ lạ với triết học quá trình của Alfred North Whitehead - người thầy cũ của Russell.
Russell dùng năng lực của một nhà triết học viết về luân lý học. Thời trẻ, Russell chịu ảnh hưởng lớn của tác phẩm Principia Ethica của George Edward Moore. Cùng với Moore, khi đó ông đã tin rằng các sự kiện đạo đức có tính chất khách quan nhưng chỉ được biết qua trực quan, và rằng chúng là các tính chất đơn giản của các đối tượng chứ không tương đương với các đối tượng tự nhiên mà chúng thường được gán cho. Ông cho rằng các tính chất đạo đức đơn giản không định nghĩa được này không thể được phân tích dựa trên các tính chất thuộc về đạo đức mà chúng có quan hệ. Tuy nhiên, theo thời gian, ông đi đến đồng quan điểm với người hùng triết học của ông, David Hume, người tin rằng các thuật ngữ luân lý học nói đến các giá trị chủ quan mà không thể được chứng thực theo cách mà người ta vẫn làm đối với các vấn đề sự kiện. Cùng với các học thuyết khác của Russell, quan niệm này đã ảnh hưởng tới các nhà thực chứng logic, những người thiết lập lý thuyết emotivism với quan điểm rằng các mệnh đề luân lý (cũng như các mệnh đề siêu hình học) về bản chất là vô nghĩa và vô lý, hay cùng lắm cũng không hơn các biểu đạt về thái độ và sự ưu tiên là bao. Mặc dù vậy, chính Russell lại không hiểu các mệnh đề luân lý theo cách hẹp như các nhà triết học thực chứng vì ông tin rằng các suy xét luân lý học không chỉ có ý nghĩa mà còn là một chủ đề sống còn đối với giao tiếp thông thường. Quả thực, tuy Russell thường được mô tả là ông thần bảo hộ của sự hợp lý, ông đã đồng ý với Hume, người nói rằng lý tính nên giữ vị trí kém quan trọng hơn các suy xét luân lý.
Russell đã viết một số sách về các vấn đề luân lý thực tiễn chẳng hạn như hôn nhân. Ông có các quan điểm tự do về lĩnh vực này. Ông cho rằng các quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là chấp nhận được. Trong cuốn “Human Society in Ethics and Politics” (1954), ông ủng hộ quan niệm rằng ta nên nhìn các vấn đề đạo đức từ góc nhìn của các mong muốn cá nhân. Các cá nhân được phép làm những gì họ mong muốn, miễn là không có xung đột giữa mong muốn của những cá nhân khác nhau. Bản thân các mong muốn không xấu, chỉ có đôi khi các hậu quả tiềm năng hay thực tế của chúng là xấu. Russell còn viết rằng sự trừng phạt chỉ quan trọng với ý nghĩa một công cụ. Do đó, ta không nên trừng phạt một ai đó chỉ vì mục đích trừng phạt.
Có lẽ lối phân tích triết học hệ thống hóa nhất và thuyết logic với trọng tâm là chủ nghĩa kinh nghiệm của Russell được thể hiện rõ nhất trong cái mà ông gọi là thuyết nguyên tử logic (logical atomism), học thuyết này được phát triển trong một tập hợp các bài giảng. Trong các bài giảng này, Russell trình bày khái niệm của ông về một ngôn ngữ lý tưởng có thể phản ánh chính xác thế giới, trong ngôn ngữ đó, tri thức của ta có thể được suy giản về các mệnh đề nguyên tử và các kết hợp của chúng với ý nghĩa như các hàm chân giá trị. Thuyết nguyên tử logic là một hình thức chủ nghĩa kinh nghiệm cấp tiến, vì Russell tin rằng yêu cầu quan trọng nhất đối với một ngôn ngữ lý tưởng như vậy là: mọi mệnh đề có nghĩa đều phải bao gồm các thuật ngữ chỉ trực tiếp đến các đối tượng mà ta biết. Russell loại trừ một số thuật ngữ logic hình thức nhất định, chẳng hạn tất cả, mọi, là, v.v... khỏi yêu cầu của ông. Nhưng ông chưa bao giờ hoàn toàn hài lòng với cách hiểu của chúng ta về những từ này. Một trong những chủ đề trung tâm của thuyết nguyên tử của Russell là: thế giới bao gồm các sự kiện độc lập với nhau về logic, tính đa nguyên của các sự kiện, và rằng tri thức của ta phụ thuộc vào dữ liệu của trải nghiệm trực tiếp của ta về các sự kiện đó.
Về cuối đời, Russell trở nên nghi ngờ các khía cạnh của thuyết nguyên tử logic, tuy ông vẫn tiếp tục tin rằng một quá trình triết học cần phải phân tích sự kiện, tri thức thành những thành phần đơn giản nhất, ngay cả khi ta có thể không hoàn toàn đạt đến một sự kiện tuyệt đối.
Trong phần lớn cuộc đời, Russell nghĩ rằng rất ít khả năng tồn tại một vị Chúa trời, và ông cho rằng tôn giáo chỉ mê tín dị đoan tí chút và mặc dù tôn giáo có thể có hiệu ứng tích cực, nói chung tôn giáo vẫn có hại đối với dân chúng. Ông tin rằng tôn giáo và lối suy nghĩ tôn giáo làm cản trở tri thức, nuôi dưỡng sự sợ hãi và phụ thuộc, do đó phải chịu trách nhiệm phần lớn đối với các cuộc chiến tranh, đàn áp và đau khổ trên thế giới.
Quan điểm của Russell về tôn giáo thể hiện trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Tại sao tôi không phải tín đồ Kitô giáo”, và các bài luận khác về tôn giáo, các chủ đề liên quan. Cuốn sách còn gồm những bài luận trong đó Russell xem xét một loạt các luận cứ logic về sự tồn tại của Chúa trời, bao gồm luận cứ nguyên nhân đầu tiên, luận cứ quy luật tự nhiên - thuyết cho rằng Chúa trời đã tạo ra các quy luật tự nhiên), luận cứ thiết kế và các luận cứ đạo đức khác. Ông còn bàn luận cụ thể về thần học Ki-tô giáo.
Có thể nói, ông là một triết gia, nhà logic học, nhà toán học người Anh. Ông viết nhiều tác phẩm, mang triết học đến với đại chúng và là một nhà bình luận đối với nhiều chủ đề đa dạng, từ các vấn đề rất nghiêm túc cho đến những điều trần tục. Nối tiếp truyền thống gia đình trong lĩnh vực chính trị, ông là một người theo chủ nghĩa tự do với vị thế nổi bật, ông còn là một người dân chủ xã hội và người hoạt động chống chiến tranh trong phần lớn cuộc đời của mình. Hàng triệu người coi ông như là một nhà tiên tri của cuộc sống sáng tạo và duy lý; đồng thời, quan điểm của ông về nhiều chủ đề đã gây nên rất nhiều tranh cãi. Sinh vào thời kỳ nền kinh tế và uy thế chính trị của nước Anh đang phát triển, ông là một trong những trí thức nổi tiếng nhất, tiếng nói của ông mang một quyền lực đạo đức, thậm chí cả khi ông đã ở tuổi 90. Trong các hoạt động chính trị, Russell là một người kêu gọi đầy nhiệt huyết cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân và phê phán mạnh mẽ sự tham gia của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Năm 1950, Russel được tặng giải Nobel Văn học, “để ghi nhận các tác phẩm đầy ý nghĩa mà trong đó ông đã đề cao các tư tưởng nhân đạo và tự do về tư tưởng.”