T
ônxtôi (Lev Tolstoi) là một nhà văn Nga vĩ đại, ông sinh năm 1828 trong một gia đình quý tộc ở trại ấp Iaxnaia Pôlina. Thời thơ ấu, sống gần gũi với nông dân và thiên nhiên Nga.
Năm 16 tuổi, ông được gia đình gửi tới Cadan học đại học. Lúc đầu, ông học ngành ngôn ngữ phương Đông, sau đổi sang ngành Luật. Nhưng mới được hai năm, ông bỏ về quê quản lý trại ấp có hơn 300 nông nô. Vốn là người thông minh, say mê văn học và âm nhạc, Tônxtôi chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng triết học tiến bộ của phái Ánh sáng Pháp, đặc biệt là Ruxô.
Năm 1851, theo lời khuyên của người anh ruột - một sĩ quan quân đội - Tônxtôi nhập ngũ ở vùng Capca. Thời kỳ đóng quân ở Capca để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ và chính từ đây lần đầu tiên Tônxtôi bước vào hoạt động văn học và bắt đầu làm quen với văn nghệ dân gian. Nhà văn bắt đầu viết nhật ký văn học và suốt 60 năm hoạt động văn học, hầu như không có ngày nào không viết. Cũng nơi đây, ông hoàn thành tác phẩm “Thời thơ ấu” (1852) và gửi đăng tạp chí “Người cùng thời”. Sau đó viết cuốn “Thời thiếu niên” (1854) và “Thời thanh niên” (1857). Tham gia cuộc chiến tranh Crưm (1853 - 1856), bảo vệ hải cảng Xêvaxtôpôn, Tônxtôi là sĩ quan pháo binh, chiến đấu chống lại quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp. Mê say sáng tác, giữa những lúc ngừng tiếng súng, ngồi trong công sự, nhà văn chiến sĩ này viết được ba truyện ký: “Xêvaxtôpôn trong tháng Chạp”, “Xêvaxtôpôn trong tháng Năm” và “Xêvaxtôpôn trong tháng Tám”.
Năm 1856, Tônxtôi giải ngũ. Sau khi xuất ngũ, Tônxtôi đi du lịch qua nhiều nước châu Âu, thăm các nước Pháp, Đức, Ý, Thuỵ Sĩ... sau trở về sống ở ấp của mình và hết lòng giúp đỡ những người nông dân nghèo. Chuyến du lịch này tạo nên một chuyển biến quan trọng trong thế giới quan của nhà văn. Thất vọng trước những quan hệ bất công ở xã hội tư bản, Tônxtôi viết truyện ngắn “Luydecnơ” (1857) nhằm tố cáo nền văn minh tư sản và kêu gọi mọi người thương yêu nhau dưới ánh sáng của Chúa. Trở về Nga, tưởng rằng có thể lấy giáo dục văn hoá cứu được số phận đen tối của nhân dân, nhà văn mở trường dạy học con em nông dân và bắt đầu giảm nhẹ tô tức cho nông nô. Sau cuộc cải cách nông dân của Nga Hoàng (1861) niềm rạo rực trước vận mệnh của đất nước và số phận của nhân dân khiến nhà văn chuẩn bị viết bộ sử thi “Chiến tranh và hoà bình” (1863 - 1869).
Để sáng tác “Chiến tranh và hòa bình”, Tônxtôi tìm về những vùng đất từng in dấu cuộc chiến đấu bền bỉ và anh dũng của quân dân Nga chống cuộc xâm lăng của Napôlêông I. Bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ này (gồm 4 tập, được viết từ (1864 -1869) đã tái hiện một cách sinh động cuộc chiến đấu ngoan cường và chiến thắng hiển hách của quân dân Nga chống lại cuộc xâm lược của Pháp dưới quyền thống lĩnh của Napôlêông và đã khẳng định một chân lý: nhân dân là lực lượng quyết định lịch sử.
“Chiến tranh và hoà bình” được đánh giá là một bộ sử thi vĩ đại nhất của Tônxtôi, nó làm sống lại một thời đại lịch sử, khi mà toàn thể nhân dân và dân tộc gặp nhau trên chiến trường. Nhân dân là người anh hùng chân chính của bộ sử thi này. Trong số 559 nhân vật đã có 200 nhân vật xuất thân từ nhân dân. Người con vĩ đại nhất của dân tộc và nhân dân trong cuộc chiến tranh thần thánh này là Cutudôp. Nằm trong tuyến chính của cốt truyện, vị Nguyên soái Tổng tư lệnh quân đội được coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm, cùng với hai nhân vật trung tâm Pie và Anđrây. Hoàn toàn tương phản với Napôlêông, Cutudôp vừa là Tổng tư lệnh tối cao vừa là một con người hết sức giản dị và bình thường. Vừa là người cha của quân đội, vừa là người đại diện chân chính của cuộc chiến tranh yêu nước, Cutudôp là hiện thân của trí thông minh và lòng dũng cảm tuyệt vời của dân tộc Nga, xứng đáng là vị nguyên soái có tài thao lược, lập nên bao chiến công lẫy lừng, đập tan quân xâm lược Pháp.
Với “Chiến tranh và hoà bình”, nhà văn nhằm miêu tả chủ yếu nhân dân Nga trong cuộc chiến tranh yêu nước chống xâm lăng, làm nổi bật tính chất nhân dân anh hùng quyết định vận mệnh lịch sử của đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Cốt truyện được xây dựng trên hai cuộc chiến tranh năm 1805 và năm 1812, đồng thời phản ánh cuộc sống hoà bình của nhân dân và của giai cấp quý tộc Nga từ năm 1805 - 1812 và từ năm 1812 - 1820. Các tình tiết và các tuyến cốt truyện được kết cấu tập trung xung quanh hai biến cố lịch sử chủ yếu: chủ đề nhân dân gắn bó khăng khít với chủ đề lịch sử; đề tài chiến tranh được phát triển quán xuyến toàn bộ tác phẩm đan chéo với đề tài hoà bình. Bởi thế, truyện kể lịch sử cùng với chủ nghĩa anh hùng nhân dân là hai mặt cơ sở thống nhất tạo thành kết cấu hoàn chỉnh của sử thi, tạo nên mọi tình tiết trong tác phẩm và được hình tượng hoá theo quá trình xây dựng tác phẩm.
Về phương diện nghệ thuật, “Chiến tranh và hoà bình” cũng là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất trong số những tiểu thuyết của thời đại ấy. Kết cấu chặt chẽ, cân đối, hoàn chỉnh là ưu điểm nổi bật nhất của tác phẩm. Không chỉ dừng lại ở các chuyện kể, các sự kiện, các biến cố lịch sử, các nhân vật như trong anh hùng ca cổ đại, Tônxtôi đã đưa yếu tố tâm lý nhân vật vào sử thi. Gắn liền các biến cố lịch sử trên quy mô lớn với các tâm trạng tinh tế, sinh động ở quy mô nhỏ của từng nhân vật đang sống giữa các trào lưu lịch sử xã hội tạo nên các biến cố; gắn liền quá khứ, hiện tại và tương lai như “đã có đang có và sẽ có”, điều đó trở thành một quy luật thẩm mỹ, được nhà văn thể hiện sâu sắc trong “Chiến tranh và hoà bình”. Đấy chính là điểm cách tân của Tônxtôi đối với thể loại anh hùng ca, giúp ông sáng tạo nên một loại “anh hùng ca hiện đại” trong lịch sử văn học Nga và văn học thế giới.
Mặc dầu tác phẩm còn bộc lộ quan điểm định mệnh lịch sử, quan điểm “liên kết” giữa giai cấp quý tộc trại ấp và nông nô, quan điểm tôn giáo duy tâm về cái chết, về tình thương yêu đồng loại..., song với bộ anh hùng ca bất tử này, Tônxtôi xứng đáng là “linh hồn và tiếng nói của dân tộc vĩ đại, là dòng sông mà suốt trong hàng thế kỷ, những trẻ con, người lớn và những kẻ dìu dắt loài người sẽ đến uống nước”.
Thành công của cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Chiến tranh và hoà bình” đã thúc đẩy nhà văn viết “Anna Carênina” (1877). Đây là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Tônxtôi. “Anna Carênina” không chỉ là bức tranh chân thực rộng lớn và điển hình về cuộc sống gia đình và xã hội Nga nửa cuối thế kỷ XIX mà còn được xem là một tác phẩm tuyệt về nghệ thuật phân tích tâm lý trong lịch sử văn học Nga và thế giới.
Trong tác phẩm, ông đã lớn tiếng tố cáo luật pháp vô nhân đạo của xã hội quý tộc tư sản Nga, ước vọng đem lại tự do và cuộc sống no đủ, yên vui cho nhân dân. Toàn bộ tác phẩm của Lép Tônxtôi đã được Lênin coi là “Tấm gương phản ánh cách mạng Nga” thế kỷ XIX.
Song càng gắn bó với cuộc sống của nông dân, Tônxtôi lại càng không muốn sáng tác nữa. Ông tham gia cứu đói (1875, 1891, 1893), tham gia điều tra dân số (1882), làm Thẩm phán Toà án huyện hoà giải các vụ tranh chấp ruộng đất giữa địa chủ và nông dân. Cuộc sống nghèo khổ của nông dân hoàn toàn tương phản với đời sống xa hoa thừa thãi của giai cấp địa chủ quan lại càng làm cho Tônxtôi căm giận và đau buồn. Tác phẩm “Lời thú tội” (1875 - 1881) bộc lộ nỗi niềm dằn vặt triền miên trước những bất công trên đường đi tìm “chân lý nông dân” của nghệ sĩ, biến thành những lời sám hối xót xa cùng những điều phản kháng quyết liệt dẫn đến sự khẳng định những nguyên lý chính trị mới mẻ: “Cần phải dựng lại tất cả ngay từ dưới lên” và “Cách mạng kinh tế không những là cái có thể xảy ra mà là cái không thể không xảy ra. Nếu nó không xảy ra thì quả là kỳ lạ thật”. Say mê đi tìm chân lý, Tônxtôi viết “Phục sinh” (1889 - 1899), một bức tranh đồ sộ hoàn chỉnh tố cáo chế độ phong kiến Nga hoàng.
Bên cạnh tiểu thuyết, L.Tônxtôi còn viết kịch. Kịch Tônxtôi lên án thế lực chuyên chế bạo tàn và sức mạnh đồng tiền của giai cấp tư sản Nga đã bóp chết những con người đang được quyền hưởng cuộc sống tự do hạnh phúc. Đó là vở “Thế lực bóng tối”, “Thây ma sống và Thành quả giáo dục”… Truyện ngắn cũng là một đóng góp đáng kể của nhà văn, nổi bật nhất là “Buổi sáng của một địa chủ”, “Luy-đern, cái chốt của Ivan Ilits”, “Bản Xônat Crâyxe”, “Ông chủ và người thợ”, “Đức cha Xecghi”, “Sau cuộc khiêu vũ”, “Khatgi Murat”. Hơn nữa, Tônxtôi còn viết nhiều bài chính luận nổi tiếng làm cho dư luận đương thời phải chú ý và giai cấp thống trị tức giận điên cuồng, đến nỗi Nga hoàng cùng giáo hội chính thống đã ra lệnh cho các Nhà thờ khắp nước hàng năm lấy một ngày Chủ nhật rung chuông lên bắt nhân dân Nga nguyền rủa tên phản chúa L.Tônxtôi.
Lep Tônxtôi là nhà nghệ sĩ, nhà tư tưởng và nhà thuyết giáo vĩ đại của dân tộc và nhân dân Nga nửa cuối thế kỷ XIX đã nói lên được những tư tưởng và những tâm trạng đã hình thành trong hàng triệu nông dân Nga khi bắt đầu cuộc cách mạng tư sản Nga. Tônxtôi đã phản ánh được mối căm thù chồng chất, mối hoài vọng chín mùi về một tương lai tốt đẹp hơn, cái ý muốn giải phóng mình khỏi quá khứ và cũng phản ánh cả sự chưa chín chắn của những ước mơ, sự thiếu tu dưỡng về chính trị, tình trạng ít ý chí cách mạng...
Mặt khác, nhà nghệ sĩ thiên tài không những đã vẽ nên những bức tranh tuyệt vời về đời sống ở Nga, mà còn hiến cho văn học thế giới những tác phẩm bậc nhất. Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa Tônxtôi, là sự thâm nhập một cách nhuần nhuyễn của bản chất quá trình phát triển xã hội vào bản chất quá trình phát triển tâm lý. Bởi thế mà chủ nghĩa hiện thực Tônxtôi đạt đến mức “sáng suốt nhất”, “bóc trần được mọi thứ mặt nạ bất kỳ thứ nào”. Điều mới mẻ trong nhà văn vĩ đại là nghệ thuật phân tích tâm lý con người. Từ quan niệm “cuộc sống là một quá trình vận động”, Tônxtôi coi “con người như dòng sông”, tâm lý con người lưu chuyển không ngừng.
Tuy có nhiều mâu thuẫn trong thế giới quan, Lep Tônxtôi vẫn là “một nhà nghệ sĩ thiên tài. Trong di sản của ông có cái không chìm vào dĩ vãng, có cái thuộc về tương lai” (Lênin). Tônxtôi là một tấm gương ngời sáng về chí kiên nhẫn tạo nên thiên tài. Tônxtôi quan niệm: “Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”, nên ông tự đặt cho mình một kỷ luật viết hết sức nghiêm khắc: “Phải luôn luôn từ bỏ ý nghĩ muốn viết mà không sửa chữa lại. Sửa ba, bốn lần, hãy còn ít đấy”. Sáng tác của Tônxtôi thực sự gắn bó với tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu người trên trái đất bởi tràn đầy tư tưởng nhân đạo và là “một bước tiến trong quá trình phát triển nghệ thuật của toàn nhân loại” (Lênin).