L
ỗ Tấn, tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi tên là Chu Thụ Nhân, tự Dự Tài, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia đình quan lại đã sa sút.
Cha của ông là Chu Bá Nghi đỗ tú tài nhưng không được ra làm quan, bị bệnh mất sớm. Mẹ của ông là Lỗ Thụy. Bà đã sớm có ảnh hưởng đến khả năng văn chương của Lỗ Tấn qua việc kể cho ông nghe nhiều truyện cổ dân gian. Lỗ Tấn là bút danh ông lấy từ họ mẹ.
Từ nhỏ, Lỗ Tấn đã là người rất yêu thích tạp văn dã sử và nghệ thuật hội họa, ông ghét cương thường luân lý của các nhà tư tưởng Mạnh, Khổng. Năm 12 tuổi, vì ông nội bị bắt, cha ông lại lâm bệnh nặng nên những năm sau đó, cuộc đời của Lỗ Tấn luôn gắn liền với những cửa hiệu cầm đồ và hiệu thuốc.
Năm 1898, Lỗ Tấn thi đỗ vào trường lính thuỷ Giang Nam, nhưng một năm sau ông lại chuyển sang học trường khai thác cầu đường trực thuộc trường lính thuỷ Giang Nam. Vào thời gian này, Lỗ Tấn đã đọc rất nhiều tiểu thuyết dịch. Năm 1902, ông được cử sang Nhật du học, tại đây ông tham gia Quang Phục hội, một tổ chức yêu nước của người Trung Quốc.
Sau hai năm học tiếng Nhật, năm 1904, ông chính thức vào học ngành y ở trường Đại học Tiên Đài. Năm 1906, ông thôi học và bắt đầu hoạt động văn nghệ bằng việc dịch và viết một số tiểu luận giới thiệu các tác phẩm văn học châu Âu như thơ Puskin, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Jules Verne”.
Cũng trong năm 1906, mẹ ông nhiều lần hối thúc ông về nhà lập gia đình, nhưng ông đều từ chối. Cuối cùng, mẹ ông đành phải điện báo là bà bị ốm nặng nên ông phải trở về với tâm trạng miễn cưỡng. Một cuộc hôn nhân đầy bi kịch bắt đầu từ đây. Mọi người trong gia đình đều biết Lỗ Tấn là một người ngang ngạnh nên đã chuẩn bị tất cả mọi thứ. Nhưng mọi nghi lễ cầu kỳ của buổi hôn lễ trôi qua một cách bình thường. Trong đêm tân hôn, Lỗ Tấn ngồi trầm ngâm suốt đêm không ngủ, để mặc người vợ trẻ nằm một mình chăn đơn gối chiếc. Vài ngày sau, Lỗ Tấn vẫn nằm trong phòng ngủ của mẹ. Chuyện hôn nhân đầy bi kịch kéo dài đằng đẵng của Lỗ Tấn và người vợ trẻ Chu An bắt đầu từ đây. Đến ngày thứ tư thì Lỗ Tấn cùng em trai và một vài người bạn lên đường sang Nhật. Lần sang Nhật này của ông kéo dài 3 năm. Đến tháng 6 năm 1909, Lỗ Tấn về nước. Thời gian này, ông đã từng làm giáo viên, trưởng khoa và cuối cùng là hiệu trưởng của trường Sư phạm cấp hai Chiết Giang, trường Thiệu Hưng và trường Sư phạm Thiệu Hưng.
Năm 1911, lần đầu tiên Lỗ Tấn dùng lối viết cổ văn để cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Hoài cựu”. Tháng 4 năm 1918, với bút danh Lỗ Tấn, trên tờ báo Thanh niên mới ông đã cho giới thiệu tác phẩm bạch thoại “Nhật ký người điên”. Tác phẩm đã vạch trần bản chất “ăn thịt người” của lễ giáo phong kiến, kéo bức màn bí mật về phong trào văn hoá mới Ngũ tứ. Từ năm 1920 đến năm 1925, Lỗ Tấn làm việc tại các trường Đại học Bắc Kinh, Cao đẳng Sư phạm Bắc Kinh và Đại học nữ Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1926, ông tới Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) và làm việc tại trường Đại học Hạ Môn. Đầu năm 1927, Lỗ Tấn đến Quảng Châu, làm trưởng phòng giáo vụ kiêm chủ nhiệm khoa văn của trường Đại học Trung Sơn. Tháng 10 năm 1927, ông rời Quảng Châu tới Thượng Hải và ở lại đây đến lúc qua đời (1936).... Năm 1923, Hứa Quảng Bình cũng đã có cơ hội được nghe Lỗ Tấn giảng bài.
Không ít người không lý giải được sự kết hợp giữa Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình, tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận được, đó chính là việc Lỗ Tấn đã được thể nghiệm một cách đúng đắn tình yêu theo hình thức mới từ chính Hứa Quảng Bình. Tuy hai người cách nhau 18 tuổi và mặc dù Lỗ Tấn đã có một người vợ trên danh nghĩa nhưng giữa họ vẫn nảy nở một tình yêu cháy bỏng, sâu sắc. Hứa Quảng Bình đã chủ động và dũng cảm đi tìm tình yêu cho chính mình và hai người quyết định đi ngược lại lễ giáo phong kiến bằng cách chung sống với nhau dưới một mái nhà. Cơ sở tư tưởng tình yêu giữa hai người chính là gặp gỡ để cùng nhau tranh đấu với những hủ tục lạc hậu của chế độ phong kiến về việc ép hôn.
Năm 1925, Chương Sĩ Chiêu có ý định xoá bỏ trường Đại học Sư phạm nữ giới. Việc làm này đã bị học sinh sinh viên phản đối, biểu tình mạnh mẽ. Vì ủng hộ phong trào của sinh viên nên Lỗ Tấn đã bị phế truất việc giảng dạy. Năm 1926, Chủ nhiệm khoa Quốc học của trường Đại học Hạ Môn mời Lỗ Tấn về trường giảng dạy và trả lương khá hậu hĩnh. Buổi chiều ngày 26 tháng 8 năm 1926, Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình cùng nhau rời bỏ Bắc Kinh đi về phía Nam, bắt đầu một cuộc sống mới.
Tuy công việc chính là dạy học nhưng Lỗ Tấn luôn đam mê sáng tác các tác phẩm văn học. Tập truyện ngắn “Gào thét” của ông được viết từ năm 1918 – 1922, gồm 14 truyện, trong đó có những thiên nổi tiếng như “Nhật ký người điên”, “Cố hương”, “AQ chính truyện”… Khi viết các thiên truyện này, Lỗ Tấn nghĩ đến những chiến sỹ đang “bôn ba trong vắng lặng” để thức tỉnh “những người đang ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt, không có cửa sổ”. Ông muốn gào thét lên mấy tiếng để giúp họ vững tâm hơn. Ý muốn đó được thể hiện trong thiên truyện đầu tay “Nhật ký người điên”, trong “Cố hương”, ông nói đến căn bệnh an phận thủ thường của người nông dân, trong “Khổng ất kỷ”, ông nói đến bệnh thủ cựu, gàn dở của ông đồ, trong “Thuốc” nói đến sự mê muội của những người cách mạng, đặc biệt trong “AQ chính truyện”, ông nói đến chủ nghĩa thất bại đã đầu độc quốc dân Trung Hoa thời cận đại. Bởi vậy, tập truyện đầu tiên của thời hiện đại này vừa có giá trị chống phong kiến vừa gợi ý cho mọi người tìm một con đường cách mạng khác cách mạng tư sản. Tác phẩm đã báo hiệu tài năng kiệt xuất của Lỗ Tấn.
Trong hai năm 1924 – 1925, Lỗ Tấn tiếp tục sáng tác tập truyện ngắn “Bàng hoàng”, gồm 11 truyện, trong đó có những thiên nổi tiếng như “Cầu phúc”,“Trên gác quán rượu”, “Tiếc thương những ngày đã mất”, “Ly hôn”… Trong “Bàng hoàng”, Lỗ Tấn chú ý nhiều hơn đến tầng lớp trí thức (7 trong số 11 truyện). Ông nghiêm khắc lên án bọn nho sỹ sùng tín (Cầu phúc); phê phán loại nho sỹ ngụy thiện (Xà phòng, Cao phu tử). Nhưng nhiều hơn cả là ông nói tới bản chất cá nhân chủ nghĩa của trí thức tiểu tư sản, có khi thể hiện trong quan niệm “tình yêu trên hết” (Tiếc thương những ngày đã mất); có khi là bệnh cô độc (Người cô độc), có khi là trạng thái mất hết lòng tin (Trên gác quán rượu). Chỉ ra được điều đó, tác phẩm đã nhắc nhở trí thức phải hoà mình vào quần chúng, gắn bó với cuộc đấu tranh xã hội, tìm con đường giải phóng cá nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với ý nghĩa đó, mặc dù trong “Bàng hoàng”, người ta không thấy sự nhiệt tình sôi nổi như trong “Gào thét” nhưng sự “nguội lạnh” này lại đưa đến một cách phân tích sâu sắc và một kỹ thuật điêu luyện hơn.
Thành công của Lỗ Tấn là nhờ biết gắn kết chặt chẽ giữa sự nghiệp của mình với vận mệnh tiền đồ của đất nước. Dù ông sáng tác ở thể loại nào, từ tạp văn cho đến tiểu thuyết, tất cả đều đề cập đến những vấn đề mang tính căn bản của dân tộc. Chính vì viết về dân tộc nên mới được thế giới công nhận.
Thành công của Lỗ Tấn còn bắt nguồn từ chính tư tưởng uyên bác và một tri thức phong phú của ông. Thân thế và sự nghiệp viết văn của ông đã để lại cho người đời những điều mà chúng ta không bao giờ có thể nói hết được.
Năm 1927, Lỗ Tấn rời Quảng Châu đến Thượng Hải và qua đời ở đây vào năm 1936.