L
ý Bạch sinh vào năm Đường Vũ Hậu Trường An, tức là năm 701, đây là thời đại được xem là thịnh vượng nhất của chế độ phong kiến Trung Hoa. Ông là con người tài năng kiệt xuất, phong lưu hào phóng nhưng lại ngang tàng, khí khái, cuộc đời “áo vải thảnh thơi sống giữa vương hầu công khanh lụa là gấm vóc”. Nếu Trung Quốc là một đất nước thi ca thì ông là một ngôi sao sáng nhất trong vương quốc thơ này. Thơ của ông phóng khoáng bay bổng cùng đất trời thiên nhiên với trí tưởng tượng phong phú khiến người đọc như đang lạc vào chốn tiên cảnh bồng lai. Người đời vẫn tôn xưng ông là “tiên thơ”.
Tương truyền rằng, vào buổi tối một ngày trước khi ông cất tiếng khóc chào đời, người mẹ của ông đã mơ một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, mẹ ông nhìn thấy vô vàn sao sáng trên bầu trời tối đen như mực, đêm vô cùng tĩnh lặng. Giữa bầu trời đầy sao đó, ánh sáng của một ngôi sao khiến đôi mắt của mẹ Lý Bạch đau nhức, khó chịu. Đó là sao Thái Bạch, hay người ta còn gọi là sao Mai, nó là ngôi sao thường xuất hiện vào những buổi sáng sớm tinh mơ ở hướng Tây trong những ngày mùa thu mát mẻ. Người mẹ của Lý Bạch đang định nói một điều gì đó, nhưng chưa kịp thốt lên thì ngôi sao ấy đột nhiên rơi xuống và chui vào trong bụng bà. Lúc này, bà cảm thấy bụng mình bắt đầu đau dữ dội, sau đó đứa bé ra đời. Chính vì giấc mơ này mà cha mẹ đã quyết định đặt tên cho ông là Lý Bạch, tự là Thái Bạch.
Khi ông 5 tuổi, gia đình dời đến Tứ Xuyên, một tỉnh miền núi, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh như núi Nga Mi, núi Thanh Thành và nhiều hồ lớn. Do mẹ ông mất sớm, nên hai cha con ông đến sống tại làng Thanh Liên, huyện Chương Minh thuộc tỉnh Tứ Xuyên, thường gọi là đất Thục.
Khi Lý Bạch 14 tuổi, ông đã tinh thông sử sách, miệng thốt thành thơ, 15 tuổi ông đã thuộc “Bách gia chư tử” và các loại kỳ thư nhưng nhất định không chịu ứng thí mà lo học kiếm rồi lên núi cầu tiên học đạo.
Với tư chất thông minh, say mê nghệ thuật, với tay kiếm địch nổi ngàn người, ông mong sau này trở thành một hiệp khách chân chính, vung kiếm trừ gian cứu vớt thiên hạ khỏi áp bức, lầm than. Niềm đam mê này đã nói lên được hùng tâm, tráng khí của ông ngay từ khi còn rất trẻ.
Năm ông lên 16 tuổi, kiếm thuật của ông đã nổi tiếng khắp vùng và ông cũng đặt chân lên những đỉnh núi cao vút, những hang động bí hiểm, những dòng sông cuồn cuộn chảy. Mặc cho bạn bè và người thân thúc giục, ông vẫn không thích dấn thân vào con đường danh lợi, luồn cúi để tìm quan chức. Thực là một bậc kỳ tài, miệt mài học hỏi và suy nghĩ thấu đáo để mở rộng thành thơ, vung bút tan mây.
Năm 726, Lý Bạch từ biệt người thân và gia đình lên đường chu du khắp nơi. Ông ra đi với hoài bão trong lòng là ôm ấp tài kinh bang tế thế, dụng văn bút để có thể biến đổi phong tục, dụng tài học để cứu vớt thiên hạ chứ không phải chỉ là mọt sách. Mùa xuân năm 728, ông đến vùng An Lục tỉnh Hồ Bắc. Ở đây, Lý Bạch kết giao với nhiều danh sĩ nổi tiếng và chính trong 10 năm ở mảnh đất với “bầu rượu túi thơ” này đã giúp tên tuổi của ông rạng danh. Chuyện kể rằng, mỗi lần uống say Lý Bạch thường cất cao giọng ngâm vịnh thơ phú bằng những vần thơ bất hủ làm rung động lòng người, và tài năng xuất chúng của ông đã được Tể tướng người An Lục Hứa Viên Sư thời Đường Cao Tông đánh giá cao, về sau ông ta đã gả cháu gái của mình cho Lý Bạch.
Năm 27 tuổi, Lý Bạch kết hôn với Hứa Thị, sau đó ông chu du vùng Giang Hạ, Hoàng Hà, Vũ Xương, Lô Sơn, kết bạn với Mạnh Hạo Nhiên, Thôi Hiệu, Hạ Chi Chương.
Ở Trường An một năm, hiểu rõ thêm cái thối nát của chế độ phong kiến, vua mê sắc, bỏ mặc việc nước cho bọn quan xu nịnh, coi rẻ nhân tài. Rồi ông tiếp tục đi Lạc Dương, Trung Sơn, Thái Sơn, ông kết giao với các vị ẩn dật nơi núi rừng và lập nên nhóm “Trúc Khê lục dật", trong đó có Lý Bạch, Khổng Sào Phủ, Hàn Chuẩn, Bùi Chính, Trương Thúc Minh và Đào Miện. Đây là những người coi thường phú quý, muốn tự mình tu dưỡng để tìm ra phương thuốc hay để cứu đời. Cầu tiên học đạo là một dấu ấn đặc biệt trong đời Lý Bạch và có ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp sáng tác thơ văn của ông.
Lý Bạch được Hạ Tri Chương tiến cử với vua Đường Huyền Tông với lời khen ngợi: “Đây là con người danh long vũ trụ, thông đạt cổ kim, văn võ toàn tài, lý tình đầy đủ. Nhà vua được người này khác gì nhà Hán được Trương Tử Phòng”.
Ông làm việc trong Hàn lâm viện, giúp vua đọc phiên thư của sứ Cao Ly mà không ai trong triều đọc được. Chính ở nơi đây, ông được nhà vua vô cùng yêu mến, dành cho không ít sự ưu ái. Thế nhưng trong triều chỉ đầy bọn nịnh thần trong khi dân tình đói khổ chỉ còn da bọc xương. Vì lý tưởng phò vua giúp nước không được thực hiện nên Lý Bạch tỏ ra bất mãn và chán ngán, ông thường xuyên mượn rượu giải sầu. Cũng chính vì sự ưu ái của nhà vua mà ông ngày càng có nhiều kẻ ghen ghét, ganh tỵ. Chúng đặt điều nói xấu tài năng, phẩm hạnh của Lý Bạch với nhà vua nên cuối cùng triều đình dần xa lánh ông. Được tận mắt chứng kiến sự hủ bại của triều đình, năm 745 Công nguyên, Lý Bạch buồn bã rời bỏ kinh đô Trường An. Trong thời gian này, Lý Bạch kết bạn với Đỗ Phủ.
Năm 756, An Lộc Sơn làm phản, đem 15 vạn quân từ U Châu về Hàm Dương, chiếm Lạc Dương, kéo quân về Trường An, biến Trường An thành tro bụi trong khói lửa.
Năm Thiên Bảo thứ 14, chiến loạn nổ ra. Lý Bạch cùng vợ lánh nạn đến vùng Giang Nam. Năm Thiên Bảo thứ 15, Huyền Tông chạy đến vùng Thành Đô. Thừa lệnh Huyền Tông, Vĩnh Vương khởi binh kháng chiến chống quân xâm lược. Tháng giêng năm sau, Vĩnh Vương ba lần cho người lên núi mời Lý Bạch tham gia chính trường. Cuối cùng, Lý Bạch cũng đồng ý. Nhưng không may, giữa Vĩnh Vương và Tiêu Tông lại nảy sinh mâu thuẫn. Không lâu sau, quân đội của Vĩnh Vương bị tiêu diệt hoàn toàn bởi bàn tay của Tiêu Tông. Lý Bạch đắc tội với Tiêu Tông, bị lưu đày ở Quý Châu. Đến tháng 2 năm 759, sau 15 năm lưu đày, Lý Bạch mới được trả tự do.
Năm 760, Lý Bạch qua đời ở tuổi 61. Mọi người đều cho rằng Lý Bạch là một thiên tài, nhưng rõ ràng thành công của ông lại nhờ chính sự phấn đấu không mệt mỏi và những kinh nghiệm phong phú của cuộc sống.
Kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống chính là lý do quan trọng giúp Lý Bạch đạt được những thành tựu huy hoàng như vậy. Sinh ra và lớn lên ở vùng Ba Thục non xanh nước biếc, những nơi trên đất nước Trung Hoa tươi đẹp, rộng lớn này đều có dấu chân ông như Giang Tô, Chiết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam, Thiểm Tây... Tất cả chúng đều trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho Lý Bạch để viết nên những vần thơ bất hủ.
Với lối văn chương có tính triết lý cao, trong văn thơ lại có nhạc, có tình, lại có cả thiên nhiên. Tính tích cực nhập thế của ông bắt nguồn từ lòng yêu nước, muốn cứu giúp chúng sinh bằng tài năng và trí tuệ của mình. Tuy không chịu ứng cử nhưng ông vẫn để Ngô Quân tiến cử là vì lẽ đó. Để rồi cuối cùng có tài mà không được dùng, muốn ra giúp đời mà phải nhìn đời như giấc mộng, ông đã mượn rượu và thơ để quên đi nỗi thống khổ của mình, đồng thời giúp người đời nhận biết cõi đời là phù du giả tạm, danh lợi là nguồn gốc của đại loạn. Ông tiếp thu tinh thần tích cực nhập thế của Nho gia để giúp nước, cứu đời và tinh thần tự do, bay bổng, yêu thiên nhiên, khinh thường công danh phú quý của Đạo gia, cùng với tinh thần khẳng khái nghĩa hiệp của một trang kiếm khách.
Và như vậy, tuy Lý Bạch đã ra đi nhưng sao Thái Bạch vẫn sáng ngời trên bầu trời xanh thẳm.