M
arcel Proust sinh năm 1871 tại Ôtơi, ngoại ô Paris. Cha là Ađriêng Proust, sinh sống ở Iliê. Mẹ ông là người gốc Do Thái, là một phụ nữ thông minh, xinh đẹp, có khuôn mặt phương Đông. Thuở nhỏ, Proust ốm yếu, dễ xúc cảm, thông minh. Năm lên 9 tuổi, ông bị một cơn hen nặng và suốt đời ốm đau, nhiều lần tưởng chết. Lớn lên, Proust học Luật, nhưng có khuynh hướng về văn học và triết học. Học xong, ông hay lui tới các xa-lông quý tộc và tư sản. Nhưng ở “xã hội thượng lưu” ấy, Proust chỉ cảm thấy trống rỗng, tẻ nhạt. Năm 25 tuổi, ông cho in tập sách đầu tay “Những thú vui và ngày tháng”, gồm một số truyện, ký và thơ. Sau đó, ông viết “Giăng Xăngtơi” dày hàng nghìn trang, phác thảo đầu tiên của “Đi tìm thời gian đã mất”; ông còn viết dở dang quyển “Chống Xanhtơ Bơvơ”. Proust là người thích đi du lịch, ông yêu cảnh vật, bãi biển, kiến trúc nhà thờ cổ. Nhưng mỗi lần đi xa, sức khoẻ ông lại giảm sút. Từ năm 1914, ông ở hẳn Paris. Cha ông mất năm 1903, mẹ ông mất 1905. Điều này khiến ông rất xót xa, bởi đối với ông, mẹ “là mục đích của cuộc sống”, là “niềm vui dịu dàng nhất, tình thương duy nhất”. Ông không ra khỏi căn phòng của mình. Thay vào đó, ông mải miết, hăm hở sáng tác. Không ai biết ông đang miệt mài chuẩn bị trong cô độc và bóng tối một tác phẩm dày bốn, năm nghìn trang. Cách viết của ông thật đáng ngạc nhiên. Ông viết, bỏ dở, lại viết, xoá bỏ hàng trăm trang, viết lại, thêm thắt hàng trăm trang khác, sửa chữa không mỏi mệt. Câu văn được thêm chi tiết, ngày càng dài mãi ra, theo dòng cảm xúc triền miên, tưởng không dừng lại được. Quyển sách ngày càng dày thêm, càng phức tạp. Ngay cả khi sửa bản in thử, ông còn dập xoá, và bổ sung hàng trang, triển khai đến vô cùng tận. Năm 1912, ông hoàn thành quyển I của bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất”, nhan đề: “Bên phía nhà Xvan”, dày 500 trang. Quyển II, “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa”, được giải thưởng Gôngcua (1919). Lúc này, ông đã 48 tuổi, trong một căn phòng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, ngày đêm, ông viết và hoàn thành bộ tiểu thuyết gồm 7 quyển, in thành 16 tập, từ năm 1913 - 1927, dày trên 4000 trang. Ông qua đời tại Paris, để lại một số tác phẩm còn dở dang.
Tác phẩm lớn nhất, gắn liền với tên tuổi của ông là bộ “Đi tìm thời gian đã mất”. Bộ tiểu thuyết này gồm 7 quyển. Đây là tiểu thuyết tự truyện của người kể chuyện. Nhân vật “tôi” kể chuyện mình từ ngày còn nhỏ với bao ước mơ, dằn vặt. Khi lớn lên, mối tình với Ginbec, con gái của Xvan, với Anbectin, một trong “những cô gái tuổi hoa”, mối tình thơ mộng, đau xót làm cho nhân vật quằn quại. Còn có những thiên đường tuổi ấu thơ, một “xã hội thượng lưu” nhạt nhẽo, giả dối. Anbectin sống bên cạnh Macxen như một “nữ tù nhân” rồi chết một cách thảm thương. Cuối cùng, “thời gian lại tìm thấy” có nghĩa là người kể chuyện tìm ra lẽ sống của mình là cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật. Tất cả những hoạt động xã hội là “thời gian đã mất” và người kể chuyện biến cái thời gian đã mất ấy thành một hành động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng giá trị nghệ thuật của tác phẩm không phải ở đấy mà ở trăm nghìn chi tiết khác, ở kiến trúc thâm u, đồ sộ với muôn ngàn ngóc ngách, ở những phân tích sâu sắc, nên thơ, những cảm xúc dạt dào hay ẩn hiện như bao phủ trong sương mờ. Quyển tiểu thuyết này chứa đựng nhiều tiểu thuyết nhỏ, ở đấy có tiếng thủ thỉ tâm tình triền miên như không bao giờ chấm dứt, có nhiều tiếng nói, có tiếng nhạc xa xôi dội về và những bóng người. “Đi tìm thời gian đã mất” là một giấc mơ vô tận. Trong môi trường gia đình (Bên phía nhà Xvan) và trong môi trường quý tộc (Bên phía nhà Ghecmăng), hình bóng những nhân vật hiện lên dần dần xoá nhoà và biến đi, cuối cùng nổi lên một nhân vật duy nhất, có thể tồn tại mãi với thời gian: Macxen “Đi tìm thời gian đã mất” là công cuộc đi tìm cái tôi, với muôn vàn bóng dáng, luôn luôn thay đổi hình dạng. Có nhiều nhân cách trong một nhân cách, nhiều hữu thể trong một hữu thể. Đó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Cái tôi ấy được khơi dậy từ quá khứ. Một kỷ niệm bỗng nhiên sống lại từ bóng tối của thời gian, nó sinh sôi nảy nở, với tiếng động, hương sắc, mùi vị và những cảm xúc dạt dào. Với Proust, ký ức là một sức mạnh sáng tạo. Ông viết: “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”. Những tư tưởng này trùng hợp với tư tưởng của Becxông về thời gian, với Phrơt về tiềm thức, tức là những tư tưởng triết học duy tâm và thần bí. Sự thật, những thứ triết học ấy muốn “di chuyển” vấn đề xung đột giữa cá nhân và xã hội tư sản tàn bạo vào nội tâm con người, tức là xa rời hiện thực. “Đi tìm thời gian đã mất” mở đầu cho “phản tiểu thuyết” ở thế kỷ XX.
Một số nhà phê bình và nghiên cứu phương Tây đề cao vai trò của Marcel Proust trong lịch sử văn học hiện đại. Họ cho rằng tác phẩm của Proust diễn đạt “mối quan hệ tự do giữa con người và thế giới”, “mối quan hệ động - tức là sự vận động của con người chống lại cái bất động của thế giới”. Họ ca ngợi Proust đã “làm một cuộc cách mạng trong tiểu thuyết”, đã khám phá “những đỉnh cao chót vót” và “những đại dương bí ẩn” của tâm hồn con người. Họ đánh giá Proust là người “đi tìm giá trị cuộc sống trong bản thân con người”.
Proust là một nhà văn tài năng, có nhiều cảm xúc tế nhị và sâu sắc, tác phẩm của ông chứa đựng nhiều yếu tố thơ ca. Gorki đã nhận định về Proust: “Cuộc sống luôn luôn đặt ra biết bao nhiêu đề tài mới cho tiểu thuyết, bi kịch và hài kịch, cuộc sống đòi hỏi một Banzăc mới; song Marcel Proust đã đến để nỉ non với chúng ta về những giấc mơ không thể chấm dứt và rất khó chịu của một người ốm yếu, một người sống bên lề hiện thực”. Proust sáng tác “Đi tìm thời gian đã mất” trong một thời kỳ cách mạng sôi nổi của nhân loại, giữa một cuộc chiến tranh phi nghĩa tàn phá châu Âu và nhân loại, giai cấp vô sản Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Lênin đã sáng lập một thế giới hoàn toàn mới. Ông thoát ly những hiện thực to lớn ấy, ông sống cô độc và bị bao trùm trong không khí dày đặc của nghệ thuật tượng trưng chủ nghĩa, của những lý thuyết duy tâm và thần bí của Phrơt và Becxông. Ông đã đưa vào văn học những bóng người khắc khoải, sống trong những giấc mơ bất tận. Tác phẩm của ông xa rời chủ nghĩa hiện thực, phá huỷ tính sử thi của tiểu thuyết truyền thống, thay thế nhân vật bằng “dòng ý thức” triền miên, bí ẩn của tiềm thức và vô thức. Marcel Proust là một trong những người đặt nền móng cho tính huyền thoại về con người trong văn học hiện đại chủ nghĩa phương Tây.