M
ôlie tên thật là Giăng-Baptixtơ Pôcơlanh (Jean-Baptiste Poquelin); sinh ngày 15 tháng 1 năm 1622 tại Paris. Cha ông là một nhà buôn thảm giàu có, sau làm hầu cận cho nhà vua. Thời trẻ, Môlie học ở Clecmông rồi học luật, ông thường lui tới các nhóm văn nghệ sĩ và chịu ảnh hưởng của triết học duy lí Đêcac và triết học tự nhiên của Gaxăngđi. Ông lấy tên Môlie vào năm 1644, và bước vào nghệ thuật sân khấu. Môlie gia nhập đoàn kịch của nữ nghệ sĩ Mađơlen Bêgia. Thất bại ở Paris, đoàn phải đi diễn ở các tỉnh nhỏ trong suốt 13 năm trời. Môlie thay Bêgia phụ trách đoàn kịch, đồng thời đóng kịch và viết kịch. Chính thời gian này, Môlie đã trở thành một nhà viết hài kịch có tài, một nghệ sĩ sân khấu xuất sắc. Danh tiếng của Môlie trở nên lừng lẫy. Ông cùng đoàn kịch trở về Paris năm 1658. Mùa kịch 1658 - 1659, Môlie cho diễn vở “Những ả cầu kỳ rởm” và được hoan nghênh nhiệt liệt. Người xem không những được thưởng thức những cảnh hết sức vui nhộn, được thưởng thức tài năng lỗi lạc của nghệ sĩ Môlie mà còn thấy ở vở kịch một sức mạnh mới: vở kịch mang tính tư tưởng sâu sắc; phê phán gay gắt giai cấp quý tộc rởm đời. Từ đấy, Môlie bước vào cuộc đời nghệ sĩ vinh quang và đầy tính chiến đấu. Năm 1663, ông cho diễn vở “Trường học làm vợ”, công kích chính sách giáo dục phụ nữ tàn nhẫn của nhà thờ, muốn biến người đàn bà thành nô lệ cho chồng. Vở kịch mang nội dung nhân văn chủ nghĩa của thời đại, dựa trên triết lý tự nhiên. Vì vậy, ông bị nhà thờ hằn thù, mưu toan nhiều việc xấu xa để hại ông. Để trả lời, Môlie cho diễn Phê bình “Trường học làm vợ” và “Kịch ứng diễn ở Vecxay”, trong đó ông trả lời đích đáng kẻ thù và trình bày những quan niệm của ông về hài kịch. Hai vở này góp một phần quan trọng vào lý luận văn học cổ điển mà Môlie là một người vun đắp và xây dựng. Năm 1664, được biết Môlie sắp cho công diễn vở “Tactuyp”, nhà thờ và Hồng y giáo chủ Paris trực tiếp can thiệp, cấm đoán. Sau 5 năm đấu tranh chống mọi âm mưu hèn hạ của kẻ địch và sau mấy lần sửa chữa vở kịch, Môlie được vua cho phép diễn “Tactuyp”. Một cuộc tranh luận gay gắt diễn ra: Tactuyp là ai? Bọn quý tộc và nhà thờ lên án Môlie chế giễu “toàn bộ nhà thờ”, chúng đòi thiêu đốt tác phẩm và cả tác giả nữa. Trong khi đó, năm 1665, lần đầu tiên Môlie cho diễn “Đông Giuăng”, đây là tác phẩm được sáng tác dựa theo một truyền thuyết dân gian Tây Ban Nha về một gã đại quý tộc sa đoạ và tàn nhẫn; đây là một tác phẩm táo bạo, có một sức hấp dẫn đặc biệt, đặt vấn đề tôn giáo và chủ nghĩa duy vật. “Đông Giuăng” gồm 5 hồi, viết bằng văn xuôi.
“Đông Giuăng” là một đề tài phổ biến ở các nước châu Âu thế kỷ XVI. Môlie đã sáng tạo một Đông Giuăng có cá tính sâu sắc và đặt ra một số vấn đề xã hội lớn. Đông Giuăng của Môlie sống trong một xã hội hiện thực, ở đấy có những người quý tộc, nông dân và tư sản; những mối quan hệ xã hội được miêu tả một cách sâu sắc. Nhân vật rất sinh động và phức tạp. Đông Giuăng không chỉ là kẻ quyến rũ phụ nữ, không chỉ là một đứa con hư, một tay lừa bịp, một gã thích làm tội ác, đang trở thành một kẻ đạo đức giả, - tóm lại một “đại quý tộc gian ác”; hắn còn “nổi loạn” chống lại tôn giáo và những giáo điều quý tộc. Chính vì những đặc trưng này mà Đông Giuăng có vẻ hấp dẫn lạ lùng. Hắn chỉ có một tín điều: “hai với hai là bốn” và chỉ tin ở “lòng nhân đạo” có thể cứu vớt con người. Có thể nói rằng do Môlie chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý Đêcac, của triết học duy vật Gaxăngđi, nên ông đã đặt vấn đề chủ nghĩa vô thần một cách táo bạo. Hài kịch “Đông Giuăng” của Môlie là một tác phẩm tiến bộ và có tư tưởng thâm trầm, báo hiệu chủ nghĩa vô thần thế kỷ XVIII.
Năm 1667, ông sáng tác “Người ghét đời” (1667). Đây là một bức tranh sâu sắc và đầy đủ về đời sống tinh thần và đạo đức sa sút ở cung đình. Những “bức chân dung” sinh động trong “Người ghét đời” có thể là đề tài của nhiều vở kịch có tính cách hài hước. Từ năm 1668, Môlie tỏ ra là một tài năng lỗi lạc, đa dạng, không ai sánh kịp trong lĩnh vực hài kịch.
Năm 1668 ông hoàn thành tác phẩm “Lão hà tiện”, là một nhân vật phức tạp, cổ hủ, một tai họa cho gia đình và xã hội. “Lão hà tiện” là hài kịch lấy đề tài từ tác phẩm “Cái nồi” của Plôt, và ở một vài tác phẩm thời Phục Hưng.
Tuy “Lão hà tiện” lặp lại một số cảnh trong hài kịch “Cái nồi” và mấy vở hài kịch khác, song Môlie đã sáng tạo một chủ đề mới, những tính cách mới, hợp với thời đại ông. Người hà tiện của Môlie là một người giàu có, một người cha và một người tình. Những sáng tạo này của Môlie khiến vở kịch có một tầm quan trọng lớn về phương diện xã hội và đạo đức. Với đề tài này, Môlie nâng vở kịch của ông lên thành một tác phẩm lớn. Trong “Lão hà tiện”, nhà văn sử dụng mọi cung bậc của cái cười. Trước hết là cái cười hề kịch. Suốt vở kịch, Acpagông làm mọi người cười ồn ào bằng những cử chỉ, dáng điệu, ngôn ngữ của một anh hề, ngây ngô, dở rồ dở dại. Nghệ thuật phóng đại một cách tài tình và liên tục là biện pháp gây cười chủ yếu của Môlie. Song ông có tài năng đặc biệt sử dụng vai trò của mình để nêu lên những vấn đề xã hội.
Năm 1670, ông sáng tác “Ông tư sản quý tộc”. Tác phẩm cuối cùng của ông, “Người bệnh tưởng” (1673), là một vở hài kịch lớn, trong đó tác giả phê phán những kẻ hủ lậu, khư khư bám lấy những tín điều Trung cổ đã lỗi thời, không chịu chấp nhận những phát minh mới của khoa học. Buổi diễn lần thứ tư vở “Người bệnh tưởng” (Môlie đóng vai Acgông), khi nói đến chữ “juro” trong cảnh cuối cùng, Môlie lên cơn đau nặng và mất ngay sau đó. Nhà thờ trả thù, không cho mai táng ở nghĩa trang Xanh-Ơxtasơ. Nhờ có vua Lui XIV can thiệp, Môlie được chôn cất ở nghĩa trang Xanh-Giôdep, vào lúc đêm tối. Các bạn của ông, tay cầm đuốc, đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Cuộc đời Môlie là cuộc đời chiến đấu của một nghệ sĩ dũng cảm. Ông luôn luôn đứng về phía nhân dân chống lại những lực lượng phản động như bọn nhà thờ, quý tộc, tầng lớp tư sản lạc hậu muốn kìm hãm xã hội trong ngu dốt, nô lệ. Môlie chiếm một vị trí lớn trong lịch sử văn học Pháp. Ông là cha đẻ của hài kịch Pháp, đưa hài kịch của nước ông từ chỗ chỉ là những kịch hề hoặc những kịch vui nhộn ngoại lai kiểu hài kịch Ý thế kỷ XVI, lên một nền hài kịch mang tính tư tưởng sâu sắc, dựa trên truyền thống dân tộc. Kịch Môlie thấm nhuần tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ - chủ nghĩa duy lý Đêcac, một phần chủ nghĩa duy vật Gaxăngđi. Kịch của ông có tính chất triết học rõ rệt, nó là tiếng nói của lương tri thời đại và của nhân dân. Môlie phản ánh những vấn đề xã hội lớn của thế kỷ ông. Ông là một nhà văn gắn chặt với thời đại mình và biểu hiện thời đại ấy bằng nghệ thuật sân khấu. Ông phê phán thứ văn hoá cầu kỳ của quý tộc, những lề thói sống giả dối, hèn hạ của bọn quý tộc lớn nhỏ nơi cung đình; ông công kích chính sách ngu dân của nhà thờ. Ông chế giễu những đầu óc hẹp hòi, gia trưởng, lạc hậu, bảo thủ, không chịu tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của khoa học. Kịch của ông còn nhiều ảo tưởng về con người, về sự cải tạo con người và xã hội. Hài kịch của Môlie mang tính hiện thực sâu sắc; nó linh hoạt, sôi nổi, là bức tranh rộng lớn của cung đình và thành thị lúc bấy giờ. Nhân vật của ông có những nét chung của thời đại, đồng thời những nét cá thể đậm sắc. Tài năng diễn viên Môlie làm cho sân khấu Paris sôi động với một nghệ thuật hài hước linh hoạt. Môlie là một người hề vĩ đại. Cái cười của Môlie có đủ cung bậc: vui nhộn, dí dỏm, chế giễu, chua chát, cay độc. Ông sáng tạo cái cười có tính bi kịch, mang ý nghĩa xã hội lớn.
Môlie là một nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa cổ điển Pháp - bằng sáng tác và những vở kịch có tính lý luận về văn học, nghệ thuật của mình, ông đã đóng góp vào việc xây dựng nên lý thuyết của chủ nghĩa cổ điển mà nền tảng là triết học duy lý Đêcac kết hợp với triết học Gaxăngđi. Phản ánh chân thực cuộc đời, đi sâu vào tâm lý nhân vật, đấu tranh chống “văn hoá” Trung cổ hủ bại, kịch của Môlie là tiếng nói của tầng lớp tư sản tiến bộ của nhân dân và chủ nghĩa nhân văn thế kỷ XVII.
Những thành tựu Molie đạt được khiến ông được xem là bậc thầy vĩ đại nhất của hài kịch nước Pháp. Tác phẩm của ông có một sức sống to lớn do được tiếp thu nhiều tri thức tiến bộ của thời đại. Từ những kiến thức được tiếp thu ngay từ khi còn nhỏ cộng với một vốn sống phong phú sau những năm tháng long đong diễn trên khắp nước Pháp, những tác phẩm của Molie có thể nhìn thấu cuộc sống, nhìn thấu mọi tính cách và phơi bày những mâu thuẫn của con người!
Có thể khẳng định Molie là một tên tuổi lớn của chủ nghĩa cổ điển Pháp, của lịch sử văn học Pháp và của lịch sử sân khấu thế giới.