M
axim Gorky tên thật là Alexei Maximovich Peshkov, sinh năm 1868 tại thành phố Nizhny Novgorod, nước Nga. Ông là một nhà văn, người đặt nền móng cho trường phái hiện thực xã hội trong văn chương và là một nhà hoạt động chính trị người Nga.
Sinh trưởng trong một gia đình lao động nghèo, Gorky phải trải qua tuổi thơ ấu với nhiều đắng cay tủi nhục. Mới 10 tuổi, ông đã mồ côi cả cha và mẹ, phải sống với ông bà ngoại. Do cảnh nhà ngày càng sa sút, Gorky phải bỏ học, tự lực kiếm sống bằng nhiều nghề như: bới rác, đi ở, phụ bếp trên tầu thuỷ, phụ việc trong xưởng làm tượng thánh... Tuy hoàn cảnh sống rất chật vật, gian khổ, nhưng Gorky rất ham học, đặc biệt là ông say mê đọc các tác phẩm văn học. Những trang sách của Pushkin, Gogol, Dostoyevsky, Shakespeare, Hugo,... đã khiến cho tâm hồn Gorky xúc động mạnh mẽ. Năm 1884, ông rời quê hương đi Cadan với hy vọng xin được vào học trường đại học ở đây. Tuy nhiên ước mơ đó không thể thực hiện được. Không nản chí, Gorky vừa lao động kiếm sống rất vất vả, vừa miệt mài đọc những sách về triết học, lịch sử, kinh tế, chính trị..., tích cực tham gia những buổi họp mặt trao đổi, tranh luận của những sinh viên theo chủ nghĩa dân tuý. Gorky sớm nhận ra chủ nghĩa dân tuý không phải là học thuyết có khả năng đưa nhân dân Nga thoát khỏi kiếp đời nô lệ, đói khổ bấy giờ. Trong thời gian ở Cadan, Gorky được đọc một số tác phẩm của Mác và Ănghen, làm quen với Phêđôxêep, một trong những người đầu tiên xây dựng những tổ mác-xít bí mật ở Nga. Năm 1887, trước cảnh nhiều người quen bị bắt bớ, tù đày, lại nhận được tin bà ngoại mất, Gorky rơi vào tâm trạng u uất, tuyệt vọng, dùng súng lục tự sát, nhưng chỉ bị thương nặng ở ngực, nên cứu chữa được. Trong những năm 1888 - năm 1889 và 1891 - 1892, Gorky làm hai cuộc hành trình dài ngày, vừa đi vừa lao động kiếm sống, qua nhiều vùng đất nước nhằm tìm hiểu sâu rộng đời sống của nhân dân Nga. Năm 1892, trong khi đang làm thợ ở một xưởng máy xe lửa ở thành phố Tiphơlix (Grudia), ông gửi truyện ngắn “Macar Suđra” đăng trên báo Capkadơ với bút danh M.Gorky. Đây là tác phẩm mở đầu con đường sáng tác của nhà văn vĩ đại này. Tiếp theo đó là một loạt truyện ngắn xuất sắc như “Sencats”, “Êmêlian Pilyai”, “Bà lão Idecghin”, “Bài ca Chim ưng”, “Vợ chồng Orlôp”... Các tác phẩm này ra đời đã nhanh chóng đưa Gorki trở thành một tên tuổi được đông đảo độc giả cảm mến, được giới phê bình, nghiên cứu chú ý. Những nhà văn lớn đương thời như L. Tônxtôi, Sêkhôp, Côrôlenkô đều đánh giá cao tài năng nghệ thuật của Gorky. Hai tiểu thuyết đầu tiên “Phôma Gorđeep” (1899) và “Ba con người” (1900) đánh dấu một bước phát triển mới trong tài năng nghệ thuật và những tìm tòi cách tân sáng tạo của ông.
Gorky chào mừng thế kỷ mới bằng “Bài ca chim báo bão” chan chứa tinh thần cách mạng tiến công và bản trường ca “Con người thấm sâu chủ nghĩa nhân đạo cách mạng”. Năm 1902, ông được Viện Hàn lâm Khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự của Phân viện văn học, nhưng bị Nga hoàng bác bỏ. Những năm đầu thế kỷ là thời kỳ sáng tác kịch sôi nổi của Gorky: “Bọn trưởng giả”, “Dưới đáy”, “Những người nghỉ mát”, “Những đứa con của mặt trời”, “Bọn dã man”, “Những kẻ thù”. Vở kịch “Dưới đáy” là tác phẩm có tính chất tổng kết đề tài “những người chân đất” trong những truyện ngắn trước đó của tác giả.
Dưới đáy bao gồm nhiều tuyến cốt truyện phát triển với độ dài, ngắn khác nhau nhưng tương đối trọn vẹn. Dưới đáy là sự tố cáo đầy căm phẫn của nhà văn đối với chế độ quý tộc - tư sản Nga đương thời. Sự kết hợp chặt chẽ bình diện xã hội với bình diện triết học tạo nên giá trị to lớn, sâu sắc của tác phẩm. Qua hành động của nhân vật Luca, một ông già hành hương, Gorky phê phán mạnh mẽ “giáo thuyết thương cảm”, thứ chủ nghĩa nhân đạo, bác ái chung chung. Trước thực tế, “giáo thuyết thương cảm” đã lộ rõ sự bất lực của nó.
Bước vào thế kỷ XX, Gorky giương cao chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu, thấm sâu tư tưởng tiến công, sáng tạo của giai cấp vô sản. “Dưới đáy” đã được dựng ở nhiều nhà hát châu Âu, châu Á, châu Mỹ và ở đâu cũng được đánh giá cao.
Nhìn chung, những vở kịch của Gorky đã kịp thời đưa lên sân khấu những xung đột xã hội - chính trị gay gắt, có tác dụng động viên, cổ vũ mạnh mẽ lực lượng cách mạng. Do có quan hệ mật thiết với phong trào cách mạng, Gorky bị chính quyền Nga hoàng theo dõi sát sao và nhiều lần bị khám xét nhà cửa, bắt giam, trục xuất khỏi quê hương. Năm 1905, giữa lúc cao trào cách mạng đang dâng lên mãnh liệt, Gorky gia nhập đảng Bônsêvich. Ngày 27 tháng 11 năm 1905, lần đầu tiên ông được gặp Lênin ở Pêtecbua trong một cuộc họp mở rộng của Ban chấp hành Trung ương Đảng bàn về công tác báo chí và việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Matxcơva. Tháng 12, ông có mặt ở Matxcơva khi ngọn lửa đấu tranh cách mạng bùng nổ. Cách mạng năm 1905 tạm thời bị thất bại. Đầu năm sau, thực hiện nhiệm vụ Lênin và Ban chấp hành Trung ương Đảng giao phó, Gorky sang châu Âu, châu Mỹ để tuyên truyền, kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng Nga, phản đối việc Nga hoàng vay tiền Chính phủ Âu, Mỹ để mua vũ khí đàn áp phong trào cách mạng. Ông qua Phần Lan rồi sang Đức, Pháp. Từ đó ông đi Mỹ, ở lại đây từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1906. Các lực lượng tiến bộ, cách mạng cùng nhân dân Mỹ nồng nhiệt đón chào nhà văn vô sản Nga. Trong thời gian ở Mỹ, Gorky làm việc rất căng thẳng: đi nói chuyện nhiều nơi, tham dự nhiều cuộc mít-tinh, gặp gỡ nhiều trí thức, nhân sĩ tiến bộ Mỹ... Hình ảnh xã hội tư bản phương Tây đầy rẫy những mâu thuẫn, thối nát, bất công đã được Gorky kịp thời khắc họa bằng ngòi bút châm biếm sắc sảo trong hai tập ký “Những cuộc phỏng vấn của tôi” và “Ở Mỹ”. Tuy công việc bận nhưng ông vẫn tranh thủ sáng tác và hoàn thành vở kịch “Những kẻ thù” và phần thứ nhất tiểu thuyết “Người mẹ”, hai tác phẩm mở đầu trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Rời nước Mỹ, Gorky đi Ý, và ở đây đến năm 1913. Để có một nơi yên tĩnh thuận tiện cho sáng tác, Gorky quyết định đến ở tại đảo nhỏ Capri. Sau khi hoàn thành tiểu thuyết “Người mẹ”, ông viết nhiều tác phẩm văn xuôi xuất sắc: “Một mùa hè”, “Thị trấn Ôcurôp”, “Cuộc đời của Matvây Côgiêmiakin”, “Thời thơ ấu”, “Trên những nẻo đường đất nước Nga”, “Những “cổ tích” về nước Ý”... Đồng thời, ngòi bút viết kịch của ông cũng đạt nhiều kết quả tốt đẹp: “Những tên cuối cùng”, “Những kẻ kỳ quặc”, “Vatxa Giêlêdơnôva”... Cũng trên đảo nhỏ Capri, Gorky viết những bài chính luận sắc bén nổi tiếng như “Về thói vô liêm sỉ”, “Sự suy sụp của nhân cách”... Trong những năm tháng ở Ý, Gorky có nhiều dịp được gặp Lênin. Những lần gặp gỡ đó để lại trong tâm trí Gorki nhiều ấn tượng sâu sắc. Chính nhờ sự góp ý của Lênin, Gorky đã nhận ra tà thuyết “tạo lập Chúa” nhằm kết hợp chủ nghĩa Mác với tôn giáo đã có ảnh hưởng xấu đến tư tưởng và sáng tác của mình (truyện Lời tự thú). Chính Lênin đã gợi ý, khuyến khích Gorky viết bộ tiểu thuyết - tự thuật đặc sắc. Năm 1913, lợi dụng lệnh ân xá chính trị của chính quyền Nga hoàng nhân dịp kỷ niệm 300 năm trị vì của dòng họ Rômanôp, Gorky trở về Tổ quốc, ông bắt tay ngay vào việc viết “Kiếm sống”, tập thứ hai của bộ tiểu thuyết tự thuật nổi tiếng. “Kiếm sống” thuật lại quãng đời niên - thiếu của Aliôsa Pêscôp từ 10 đến 16 tuổi. Trong sáu năm đó, Aliôsa khi trải qua nhiều nghề để tự lực kiếm sống, và trải qua nhiều môi trường, tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau. Tầm mắt của chú bé ngày càng rộng mở. Những hành động bóc lột ti tiện của bọn trưởng giả ngày càng làm Aliôsa căm ghét sôi sục thói tư hữu, vị kỷ. Bọn chúng đã biến lao động sáng tạo của nhân dân thành khổ sai. Aliôsa xót xa thấy cuộc sống của mình buồn tẻ, vô vị. Vốn ham hiểu biết, Aliôsa say mê đọc tác phẩm văn học và chính những thành tựu nghệ thuật của Pushkin, Gogol, Dickens... đã mở ra cho Aliôsa một chân trời mới, củng cố niềm tin của Aliôsa vào cuộc sống, con người, thôi thúc niềm khát vọng mạnh mẽ vươn tới những gì cao thượng, vĩ đại. Trên bước đường kiếm sống, Aliôsa đã gặp được rất nhiều những người “thầy” cao quý trong những người lao động bình thường: thợ mộc, thợ nề, công nhân khuân vác, thợ làm tượng thánh... Bác đầu xếp Xmưrưi hiền hậu, công bằng, cao thượng đã khơi dậy ở Aliôsa niềm say mê đọc sách. Anh thợ Xitanôp rất thẳng thắn, ngay thật, yêu thơ của Lermontov một cách say mê đằm thắm... Bác Gikharep, thợ vẽ tượng thánh, luôn cháy bỏng niềm khát vọng hiểu biết và sáng tác tự do... Biết bao tài năng, tâm hồn đáng kính yêu trong những người lao động đang bị giam hãm trong cuộc đời cơ cực, tù túng.
Qua những năm lăn lộn trong thực tế cuộc sống, tâm hồn Aliôsa ngày càng phong phú hơn lên. Ý chí vươn tới ngày mai càng vững chắc hơn. Cuối tác phẩm, cậu thiếu niên 16 tuổi đã có suy nghĩ chín chắn về ý nghĩa cuộc đời mình: “Ta phải làm được một việc gì chứ, nếu không thì ta sẽ sống vô ích...”
Đại chiến thế giới lần thứ I bùng nổ. Trong tình hình xã hội Nga rối ren phức tạp, lực lượng cách mạng bị khủng bố ác liệt, Gorky kiên quyết chống lại tư tưởng sô-vanh mà bọn quý tộc, tư sản Nga ra sức tuyên truyền lừa bịp quần chúng, đẩy các dân tộc vào lò lửa chiến tranh tàn bạo. Ông đứng ra sáng lập Nhà xuất bản Cánh buồm và tạp chí “Biên niên” nhằm tập hợp, đoàn kết những lực lượng trí thức dân chủ, tiến bộ. Sau Cách mạng tháng Mười, Gorki đảm nhiệm rất nhiều công tác văn hoá - xã hội: Giám đốc Nhà xuất bản văn học thế giới, Tổng biên tập tạp chí “Khoa học và những người hoạt động khoa học”, tạp chí thiếu nhi “Ánh sáng phương Bắc”, lãnh đạo Chi hội Pêtơrôgrat của Hội nhà văn Nga... Do làm việc quá căng thẳng, sức khoẻ lại yếu, Gorky bị lao phổi nặng. Theo chỉ thị của Lênin, năm 1921, Gorky phải ra nước ngoài chữa bệnh. Ông qua Đức, sang Tiệp Khắc và năm 1924 trở lại Ý. Lần này ông trú tại Xôrientô trong 4 năm liền. Tuy sống ở nước ngoài để chữa bệnh, Gorky vẫn không ngừng sáng tác. “Những trường đại học của tôi”, tập cuối cùng của bộ tiểu thuyết - tự thuật, hồi ký V.I.Lênin khi nhận được tin Lênin từ trần là những tác phẩm được hoàn thành trong thời gian này. Ơ Xorientô, ông hoàn thành quyển tiểu thuyết lớn “Sự nghiệp gia đình Actamônôp”, bắt tay vào xây dựng bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ “Cuộc đời của Clim Xamghin”. Năm 1928, Gorky trở về nước trong niềm hân hoan chào đón của giới sáng tác và toàn dân Xô Viết. Ông náo nức đi thăm nhiều nhà máy, công trường, viết hai tập ký sinh động về thực tại xã hội Xô Viết: “Trên những nẻo đường Liên bang Xô Viết”, “Truyện kể về những người anh hùng”. Năm 1931, nhân dân Xô Viết long trọng kỷ niệm 40 năm lao động nghệ thuật của Gorky. Nhân dịp này, ông được tặng thưởng huân chương Lênin. Thành phố quê hương nhà văn được đổi tên là Gorky. Nhà hát nghệ thuật Matxcơva, một đại lộ trung tâm Thủ đô, một công viên lớn của thành phố được vinh dự mang tên nhà văn vĩ đại này. Viện văn học mang tên Gorky được thành lập. Thực hiện nhiệm vụ Đảng giao phó, Gorky dốc sức lực của mình vào việc chuẩn bị Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ I. Ông viết một loạt bài lý luận có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc như: “Bàn về văn xuôi”, “Bàn về kịch”, “Bàn về ngôn ngữ”, “Về chủ nghĩa, hiện thực xã hội chủ nghĩa”... Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ I (1934) đã bầu Gorky là Chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Xô Viết. Bước vào những năm 30, khi thấy xuất hiện nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh mới giữa bè lũ đế quốc, Gorky đã kịp thời lên tiếng tố cáo chủ nghĩa phát xít, kêu gọi những lực lượng dân chủ, tiến bộ đấu tranh chặn bàn tay đẫm máu của bọn trùm tư bản. Bài báo “Hỡi các bậc thầy văn hoá, các ông đứng về phía ai?” đã có tiếng vang rộng lớn trong công luận các nước Âu, Mỹ. Cùng với nhiều nhà văn tiến bộ, Gorki góp phần quan trọng vào việc triệu tập hội nghị quốc tế chống chiến tranh ở Amxtecđam và Paris. Tuy bận rất nhiều việc, nhưng trong những năm cuối đời, ngòi bút nghệ thuật của ông vẫn rất sung sức; tiếp tục viết bộ tiểu thuyết - sử thi, viết ba vở kịch mới, trong đó có kiệt tác “Êgor Bưtưsôp và những người khác”. Gorky là người đề xuất sáng kiến và trực tiếp chỉ đạo xây dựng bộ sách “Cuộc đời của những danh nhân”, “Tủ sách của nhà thơ”, tham gia chủ trì những bộ sách lớn “Lịch sử cuộc nội chiến”, “Lịch sử nhà máy và công xưởng”...
Maxim Gorky qua đời sau hơn 40 năm lao động sáng tác không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng nhân dân, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao quý. Bình đựng tro di hài nhà văn được an táng vào tường điện Cremli, gần gũi kề bên lăng Lênin tại trung tâm Matxcơva.