A
ndersen (Hans Christian Andersen) sinh ngày 2 tháng 4 năm 1805 trong một khu lao động nghèo tại thành phố Odense của Đan Mạch, cha ông là một thợ mộc nghèo nhưng có một trí tưởng tượng phong phú, mẹ ông là một người giặt quần áo thuê cho các gia đình giàu có. Từ nhỏ cha của Andersen mong muốn được đi học nhưng không có cơ hội, chính vì vậy ông đã gửi gắm tất cả niềm hi vọng của mình vào đứa con trai. Ngay từ bé, Andersen đã biểu lộ trí thông minh và óc tưởng tượng tuyệt vời của mình. Ông thường tự làm các món đồ chơi, may áo cho các con rối và đọc tất cả các vở kịch, hầu hết là những vở kịch của William Shakespeare và Ludvig Holberg. Trong suốt thời thơ ấu, Andersen có một tình yêu nồng nhiệt đối với văn học. Ông được biết đến vì thuộc làu các vở kịch của Shakespeare và tự trình diễn các vở kịch bằng những con rối gỗ. Ông cũng có hứng thú với những câu chuyện hài hước và có những đóng góp trong việc hình thành hội những người yêu hài hước ở nơi ông sinh sống.
Năm 6 tuổi, Andersen được cha đưa đến trường học, sau đó ông lại được đưa đến trường dành cho học sinh nam. Thầy giáo rất thích cậu học trò vừa ngoan ngoãn lại vừa thông minh học giỏi này, và thầy thường dắt Andersen đi chơi trong những khu vườn ở trường học.
Lúc đó, Andersen rất thích nhìn trộm một cô gái tên là Salai có đôi mắt màu đen, là nữ sinh duy nhất của trường. Andersen thường tưởng tượng cô bé là nàng công chúa trong những câu chuyện thần thoại, nhưng có một lần khi bọn họ cùng về nhà, nàng “công chúa” xuất thân nghèo khó này quả quyết sau này lớn lên sẽ trở thành một nữ quản gia nông trường. Andersen mở to mắt nói: “Thật tuyệt, sau này lớn lên mình sẽ mời bạn đến tiếp quản thành luỹ của mình”, cô bé Salai chỉ cười nhẹ nhàng và cho rằng cậu bạn mình nhất định đang bị điên. Ngày hôm sau, một đứa trẻ tinh nghịch khác đến túm tóc của Andersen và kêu lên rằng: “Công tước đại nhân, thành luỹ đẹp đẽ của ngài ở đâu vậy?” Mọi người xung quanh thấy vậy đều cười ồ lên.
Nhưng khi trường học bị đóng cửa, ông phải nghỉ học. Điều này khiến Andersen rất đơn độc, hàng ngày ông ở nhà chơi với những con rối gỗ. Sau đó lại đọc các tác phẩm của Shakespeare và dần dần chịu ảnh hưởng của những tác phẩm này. Năm 1816, cha Andersen qua đời để lại hai mẹ con nên ông phải tự kiếm sống. Mẹ của ông vốn là người tự lập, biết tạo dựng sự nghiệp, thế nhưng những phụ nữ khác trong thôn thường cười con trai của bà không được đi ra ngoài học hỏi. Vì thế, bà đành phải gửi ông vào trường nhi đồng. Hoàn cảnh gia đình lúc đó đã khiến cậu bé Andersen trở thành người trầm cảm, tuy vậy, giọng hát ngọt ngào đã cứu rỗi ông. Những lúc buồn ông thường hát, vì thế mà những người xung quanh không để cho ông làm việc, chỉ yêu cầu ông hát lên để phá vỡ sự buồn tẻ của cuộc sống, Andersen cũng rất vui vẻ làm thoả mãn nhu cầu của mọi người.
Ngay từ thuở nhỏ, Andersen đã tỏ ra thích thú với sân khấu biểu diễn, ông hi vọng sau khi lớn lên sẽ trở thành một ca sĩ, một diễn viên hoặc một nhà viết kịch. Năm 14 tuổi, ông đến Copenhagen, Đan Mạch xin làm diễn viên trong các nhà hát. Ông tìm mọi cách để gặp bà Salapu, một người dạy múa nổi tiếng, hi vọng bà có thể giới thiệu mình vào đoàn khiêu vũ, nhưng ông đã bị từ chối. Andersen liền đi gặp giám đốc của kịch Viện Hoàng gia với mong muốn trở thành một diễn viên, nhưng vị giám đốc sau khi nhìn thấy thân hình ốm yếu của ông cũng liền từ chối. Andersen buồn bã rời đi. Sau đó không còn con đường nào khác ông phải đi làm thuê cho các gia đình. Một hôm ông bỗng nhớ đến một ca sĩ nổi tiếng người Italia, ông quyết định đi gặp anh ta. Lúc đó người ca sĩ này đang mở một trường âm nhạc tại Copenhagen, anh ta cảm mến ý chí của Andersen nên đã đóng học phí và cho Andersen vào học tại trường nhạc của mình. Tuy nhiên, sau 6 tháng học, giọng của ông bỗng nhiên bị mất. Ông đành phải bỏ học kiếm cách mưu sinh. Một Andersen không người thân thích sống trong căn phòng tồi tàn, mỗi ngày chỉ ăn bánh bao qua ngày, nhưng ông không từ bỏ lý tưởng trở thành một nhà viết kịch. Andersen cầm kịch bản của mình đi mọi nơi mong một sự chấp nhận, nhưng chỉ gặp phải những tiếng cười chê bai, tuy vậy, ông vẫn không từ bỏ ý định. Cuối cùng, ông cũng được giáo sư Labeke đưa tới trường học tập của giáo hội.
Năm 1828, do cần cù hiếu học nên cuối cùng Andersen cũng được vào học tại trường Đại học Copenhagen và bắt đầu sự nghiệp sáng tác. Năm 1829 ông cho xuất bản cuốn “Cuộc du hành ở đảo Mahatka” và đã gây được tiếng vang lớn. Năm 1832, Andersen bắt đầu chuyến du hành đầu tiên ra nước ngoài, ông đã đến hầu hết các nước ở châu Âu, qua Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Ý... nhưng vẫn giữ được niềm đam mê văn học trong suốt cuộc đời mình. Khi đi chu du, Andersen đã gặp được rất nhiều người nổi tiếng đương thời như Victor Hugo, Heinrich Heine, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas cha và cả nhà văn Charles Dickens. Sau đó, Andersen tiếp tục hoàn thành các tác phẩm “Hình ảnh về cuộc du hành”, “Những hồi tưởng tuyệt vời”. Năm 1835, ông cho xuất bản cuốn “Niềm vui vẻ của nhà thờ” và đã nhận được sự tán thành của mọi người.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của Andersen lại nằm ở thể loại truyện thần thoại. Andersen rất thích viết những câu chuyện thần thoại, khi tuổi đã cao, mỗi lần làm việc ông luôn hăng say, tập trung cao độ, tưởng như đã hôn mê đi vậy. Vì sợ mọi người nghĩ rằng mình đã chết mà đem đi chôn sống, trong túi và trên mũ của ông luôn có một mẩu giấy nói với mọi người rằng: Nếu khi phát hiện tôi bất tỉnh nhân sự, thì nhất định không đưa tôi đến gặp bác sĩ để kiểm tra mà hãy cho là tôi đã chết. Trên đầu giường nơi ông nằm luôn có một dòng chữ: Andersen có một bộ não tưởng như đã chết nhưng thực ra chưa bao giờ chết.
Các tác phẩm chủ yếu của Andersen là những câu chuyện thần thoại thiếu nhi. Năm 1835, ông cho xuất bản bộ sách đầu tiên có tên gọi “Những câu chuyện kể dành cho trẻ em”, bộ sách bao gồm những câu chuyện thần thoại như “Cô bé bán diêm”, “Nàng công chúa và hạt đậu”... Những câu chuyện thần thoại này đều được lấy từ cuộc đời trải nghiệm của Andersen, “Chúng giống như những hạt mầm còn ẩn trong tư tưởng của tôi, khi gặp ánh nắng thích hợp và được chăm sóc chu đáo thì chúng sẽ vươn khỏi mặt đất”.
Cũng từ đó, cứ mỗi khi đến dịp giáng sinh thì mỗi trẻ em đều có những câu chuyện thần thoại bên mình. Andersen đã viết trong suốt 40 năm với 168 câu chuyện thần thoại. Ngôn ngữ đời thường của cuộc sống được ông đưa vào tác phẩm của mình khiến cho những câu chuyện thần thoại trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Đồng thời với việc viết các câu chuyện thần thoại, ông cũng viết các cuốn tiểu thuyết dài và các kịch bản. Năm 1836, ông đã cho xuất bản tiểu thuyết “Chỉ là một người chơi dương cầm”. Năm 1840, vở kịch Nàng Musali của ông đã được công diễn và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cả trong và ngoài nước.
Từ những sự trải nghiệm của cuộc đời Andersen có thể thấy, thành công mà ông đạt được có rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất chính là ông đã nhận ra đúng con đường của mình và kiên trì theo đuổi.
Ngày 4 tháng 8 năm 1875, Andersen đã từ trần trong một ngôi biệt thự của người bạn, hưởng thọ 70 tuổi.