B
andăc (Honore de Balzac) là một nhà văn hiện thực lớn của nước Pháp. Ông sinh năm 1799 tại thành phố Tua, miền Tây nước Pháp. Cha là một nông dân thành đạt sau Cách mạng tư sản; mẹ là con một nhà buôn. Năm 1819, sau khi tốt nghiệp đại học luật khoa, ông làm thông sự ở tòa án. Sau thấy mình có thiên hướng viết văn, Bandăc lại chọn con đường văn học và hứa với gia đình sẽ chứng tỏ tài năng sau hai năm.
Vì muốn giàu nhanh chóng và chứng tỏ khả năng của mình, ông viết vội vàng để in cho được nhiều cuốn truyện. Vở bi kịch “Crômôen” sáng tác nhằm mục đích trên, nhưng không thành công. Tuy vậy, từ năm 1822 - 1825, Bandăc tiếp tục viết nhiều truyện phiêu lưu lịch sử ly kỳ mà ông không ký tên thật và sau này ông phủ nhận. Từ năm 1825 - 1828, ông chuyển sang kinh doanh - xuất bản sách, mở nhà in, đúc chữ, nhưng cuối cùng ông cũng bị phá sản và thua lỗ.
Mười năm xây dựng sự nghiệp thất bại cũng là mười năm tích luỹ vốn sống phong phú cho ông. Sau thất bại, ông trở lại nghề viết văn. Ông làm việc hết sức cần cù, trung bình mỗi ngày từ 14 đến 16 tiếng đồng hồ. Ông viết đi viết lại, sửa chữa nhiều lần những trang bản thảo của mình. Ông cũng dành nhiều công sức nghiên cứu, quan sát cuộc sống và đọc sách tham khảo. Trong hơn 20 năm cặm cụi (kể từ tác phẩm đầu tay ra đời năm 1829), ông đã viết tới 96 cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn, tập hợp thành một bộ mang tên là “Tấn trò đời”.
Có thể nói, sự nghiệp văn học của Bandăc bắt đầu từ 1829 với cuốn tiểu thuyết “Những người Chouans”, mô tả những sự kiện xảy ra ở Brơtanhơ năm 1799, cuộc nổi loạn phản cách mạng của giai cấp quý tộc và sự chiến thắng của các lực lượng dân chủ. Tác phẩm mang tính hiện thực rõ rệt, mặc dù còn một số yếu tố lãng mạn. Từ đó Bandăc nổi tiếng và chuyển hẳn sang sáng tác. Ông viết rất nhiều, mỗi năm xuất bản mấy tác phẩm. Hàng loạt truyện vừa và tiểu thuyết xuất sắc ra đời như “Gôpxêch” (1830), khắc họa hình tượng một kẻ tích trữ cho vay nặng lãi. “Vị đế vương thầm lặng” thống trị Paris bằng đồng tiền của y, nhưng chính y cũng không phải ông chủ mà là nô lệ của đồng tiền. “Miếng da lừa” (1831) khái quát hoá quyền lực vô biên của đồng tiền, sức mạnh huỷ hoại của nó và của những dục vọng ích kỷ đối với cuộc sống con người.
Năm 1831, ông sáng tác “Kiệt tác vô danh”, miêu tả khát vọng vươn tới sự tái hiện hoàn hảo thiên nhiên trong nghệ thuật, đồng thời nói lên một số quan điểm mỹ học của tác giả. Năm 1832, ông ra mắt tác phẩm “Đại tá Sabe”. Năm 1833, ông hoàn thành tác phẩm “Ơgiêni Grăngđê”. Đây là một trong những kiệt tác của Bandăc, một tác phẩm hiện thực sâu sắc diễn tả thế lực tai quái của đồng tiền vàng trong xã hội tư sản. Vàng đã đổi trắng thay đen, biến tốt thành xấu; vàng phá huỷ tâm hồn con người, giết chết những tình cảm thiêng liêng nhất và biến con người thành ác thú nguy hiểm. Lão Grăngđê là hiện thân của vị thần hiện đại duy nhất trong xã hội tư sản, “Vị thần Tiền với tất cả quyền uy của thần đó”. Từ khi Grăngđê trở nên giàu có, những tình cảm vợ chồng, cha con trong người lão đã tắt ngấm. Đối với lão, tính mệnh của vợ chỉ là một cái vốn, tình yêu của con gái chỉ là một món hàng. Có thể nói, chính lão đã gây nên cái chết của bà Grăngđê và phải chịu trách nhiệm một phần về cuộc đời đau khổ của Ơgiêni. Saclơ cũng biến chất sau khi sang Ấn Độ làm giàu. Tình cảm của hắn đối với cha mẹ không còn, mà tình yêu đối với Ơgiêni cũng cạn. Bây giờ hắn chỉ xem Ơgiêni như một người chủ nợ và tưởng có thể thanh toán mối quan hệ với nàng bằng cách trả nợ sòng phẳng cả vốn lẫn lãi. Hắn quan niệm “tình yêu chỉ là ảo tưởng, hôn nhân chỉ là tiền tài và danh vọng”. Ơgiêni là nạn nhân đau khổ của xã hội tư sản. Nàng khao khát một cuộc sống chân chính đồng thời dũng cảm bảo vệ phẩm chất và hạnh phúc của mình. Nhưng xã hội tư sản không buông tha Ơgiêni. Bi kịch của Ơgiêni vượt ra ngoài khuôn khổ bi kịch cá nhân mà trở thành một bi kịch xã hội. Ơgiêni không tìm ra đường thoát. Điều đó phản ánh tâm trạng phần nào bi quan của Bandăc trong thời gian viết tác phẩm này.
Năm 1834, ông hoàn thành tác phẩm “Lão Gôriô”, phơi bày những bi kịch âm thầm trong đời sống gia đình khi quan hệ cha con, vợ chồng, anh em... đều bị giai cấp tư sản “dẫn tới những quan hệ tiền nong đơn thuần”. “Lão Gôriô” là tác phẩm hiện thực vạch trần mặt trái xấu xa của xã hội tư sản. Trong xã hội ấy, thế lực tai quái của đồng tiền đã thấm vào mọi quan hệ giữa người với người, phá vỡ những tình cảm thiêng liêng nhất. Các con gái của Gôriô đặt đồng tiền trên tình cha con. Vì tiền, Anaxtadi và Đenphin đã có lúc vồ vập cha để bòn rút của cải, và cũng vì tiền, cuối cùng cả hai đã bỏ mặc cha chết đau thương trong quán trọ nghèo. Lão tư sản Gôriô trở thành nạn nhân của cái trật tự xã hội do chính lão góp phần đặt nền móng xây dựng nên. Xã hội tư sản cũng làm biến chất Raxtinhăc. Từ một thanh niên nghèo lên Paris chăm chỉ học hành, cuộc đời “trong trắng như bông hoa bách hợp”, Raxtinhăc dần dần hư hỏng, lao vào con đường ăn chơi đàng điếm, tìm đủ mọi cách để có tiền và có địa vị trong xã hội thượng lưu. Tác phẩm “Lão Gôriô” mới miêu tả bước thứ nhất trong quá trình biến hoá của Raxtinhăc. Ở đây, hắn chưa hoàn toàn trở nên xấu xa, mà còn nghĩ đến gia đình, thông cảm, cứu giúp lão Gôriô và cưỡng lại tên tù khổ sai Vôtơranh. Trong nhiều tác phẩm khác của Bandăc, nhân vật này tiếp tục xuất hiện và ngày càng lao sâu xuống vực thẳm của những tính toán cá nhân, đê tiện và đầy tội ác. Những lời “dạy bảo” của Vôtơranh và bà Tử tước Đơ Bôxêăng có ý nghĩa quyết định đối với sự chuyển biến của Raxtinhăc, nhưng xét cho cùng, những lời “dạy bảo” ấy chỉ là sự tổng kết những “bài học” sống mà hàng ngày hàng giờ bản thân Raxtinhăc học được trong xã hội tư sản vật lộn chung quanh địa vị và tiền tài. Lời thách thức của Raxtinhăc hướng về Paris, chấm dứt tác phẩm thực chất là lời tuyên bố đầu hàng xã hội tư sản, vì hắn không muốn gì khác là trở thành một con gián “trong cái chậu lên men” là xã hội ấy.
Ý định tái hiện không chỉ một mặt nào đó mà toàn bộ cuộc sống xã hội đương thời nảy sinh rất sớm ở Bandăc. Ông dự kiến tập hợp những tác phẩm tản mác thành một bộ tiểu thuyết thống nhất cũng hình thành ngày càng rõ nét. Năm 1834, Bandăc phác thảo nội dung phần chủ yếu của công trình với nhan đề “Khảo luận phong tục”. Đồng thời, trong “Lão Gôriô”, ông sử dụng lần đầu biện pháp “nhân vật tái hiện”, cho một số nhân vật trở lại nhiều lần ở nhiều tác phẩm, tạo nên chiều sâu của tính cách và những mối liên hệ phức tạp, sinh động trong thế giới do ông sáng tạo, giống như trong cuộc sống thực. Cuối năm 1841, Bandăc tìm ra cho bộ tiểu thuyết cái tên mà G.Xăng coi là “tuyệt vời và sâu sắc”: “Tấn trò đời”.
Năm 1842, ông viết Lời nói đầu cho “Tấn trò đời”, trình bày mục đích, kết cấu của công trình. Qua Lời nói đầu, có thể thấy những luận điểm cơ bản của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa cũng như một số mâu thuẫn trong thế giới quan của nhà văn. Sau cách mạng tháng Bảy năm 1830 ít lâu, thất vọng vì chế độ quân chủ lập hiến của Lui Philip, mất lòng tin tưởng ở chủ nghĩa tự do và nền dân chủ tư sản nhưng lại không tin vào khả năng và lực lượng của nhân dân, Bandăc hướng về chủ nghĩa chính thống, hy vọng một nền quân chủ chuyên chế anh minh dựa trên những giá trị tinh thần của tôn giáo có thể kìm hãm được sự bóc lột và nguyên lý tư hữu.
Ông viết nhiều tác phẩm lớn, mang tính khái quát cao, tính tố cáo sâu sắc như tiểu thuyết “Vỡ mộng” (1837 - 1843), lên án xã hội tư sản biến văn học nghệ thuật thành hàng hoá, huỷ hoại tài năng, cướp đoạt phát minh, biến mọi khát vọng về tình yêu, sáng tạo, lập công danh... thành những ảo mộng tan tành.
Tác phẩm “Nông dân” ông sáng tác trong khoảng thời gian (1838 - 1845), dựng lại bức tranh chân thực về cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn. “Bà con nghèo” (1846 - 1847) thể hiện sự đồi truỵ của giai cấp tư sản, sự thối nát của xã hội tư sản thời quân chủ tháng Bảy, nhan nhản những âm mưu và tội ác gây nên bởi lòng đố kỵ, nỗi hận thù, sự tham lam. Cho đến 1847, Bandăc đã hoàn thành 97 tác phẩm, hơn hai phần ba dự kiến toàn bộ “Tấn trò đời”. Ông còn viết một số vở kịch và nhiều bài báo, bài phê bình. Bản thân Bandăc tuy có tiếng tăm lớn, nhưng vẫn bị giới phê bình học thuật đương thời công kích và miệt thị. Năm 1845 và 1849, ông ứng cử vào Viện hàn lâm nhưng không lần nào được tiếp nhận.
Bandăc giao du rộng, đi nhiều; ngoài các tỉnh ở Pháp, ông còn sang Ý, Đức, Nga. Từ 1832, ông có quan hệ - chủ yếu qua thư từ - với bà Bá tước Hanxka, một phụ nữ quý phái Ba Lan - lấy chồng người Ucren. Năm 1841, chồng Hanxka mất nhưng cuộc hôn nhân mà Bandăc đặt rất nhiều hi vọng gặp trở ngại. Ông đã sang ở hẳn Ucren 5 tháng trong năm 1847 và 18 tháng từ tháng 9 năm 1848. Lúc này thể lực cường tráng của ông đã suy sụp do làm việc quá sức.
Ngày 14 tháng 3 năm 1850, ông chính thức kết hôn với Hanxka. Tháng 5, ông cùng vợ trở về Pháp và qua đời sau đó ít lâu.
Ănghen gọi Bandăc là “người thầy của chủ nghĩa hiện thực”. Bộ “Tấn trò đời” với hơn 2000 nhân vật đã phản ánh toàn diện, sinh động và chân thực xã hội Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Giá trị nhận thức to lớn của “Tấn trò đời” không chỉ ở sự phong phú và chính xác về tư liệu mà chủ yếu ở những qui luật được phát hiện, ở bản chất các mối quan hệ được khám phá. “Tấn trò đời” không phải chỉ là sự tập hợp, sắp xếp các tiểu thuyết bên cạnh nhau một cách dễ dãi, có tính chất hình thức. Bandăc cố tạo ra những mối liên hệ ràng buộc các tiểu thuyết riêng rẽ thành một thể thống nhất, hầu hết các tiểu thuyết trong “Tấn trò đời” đều tập trung miêu tả xã hội Pháp nửa đầu thế kỷ XIX; nhiều tiểu thuyết có mối quan hệ ít nhiều với nhau về phương diện cốt truyện, tuy rằng mỗi cuốn tiểu thuyết đều có tính chất hoàn chỉnh riêng; các tiểu thuyết còn được kết lại với nhau khá chặt chẽ về phương diện nhân vật. Bandăc sử dụng phương pháp nhân vật tái xuất hiện: các nhân vật trong tiểu thuyết này sẽ lại xuất hiện trong tiểu thuyết khác hoặc có quan hệ thân thích, bè bạn với các nhân vật trong tiểu thuyết khác. Tất cả những đặc điểm ấy gây cho độc giả ấn tượng như đang sống trong một xã hội có thực. Cách phân chia thành từng phần, từng cảnh trong “Tấn trò đời” tương tự như cách phân chia giới tự nhiên thành từng bộ, từng loại trong khoa nghiên cứu sinh vật học. Bandăc quan niệm xã hội là một chỉnh thể, tất cả các sự kiện đều tác động, ảnh hưởng chi phối lẫn nhau một cách hết sức chặt chẽ như trong giới tự nhiên. Nhan đề “Tấn trò đời” có ý nghĩa phê phán sâu sắc. Dưới con mắt của Bandăc, xã hội tư sản Pháp nửa đầu thế kỷ XIX là một tấn tuồng lố bịch. Tác phẩm của Bandăc là một bản án không thương xót đối với xã hội trong đó “đồng tiền là vị thần hiện đại duy nhất mà người ta tín ngưỡng”. Tuy vậy, là “đứa con hư của giai cấp tư sản”, Bandăc không vượt nổi những giới hạn của ý thức hệ giai cấp. Ông phân tích đúng đắn và sâu sắc mâu thuẫn của xã hội, nhưng cũng như nhiều nhà văn hiện thực khác đã bế tắc và lầm lạc khi tìm phương hướng giải quyết. Phủ nhận con đường phát triển tư bản chủ nghĩa của bước tiến xã hội, đồng thời sợ hãi và phủ nhận các biện pháp cách mạng cải tạo thế giới, chủ nghĩa chính thống của Bandăc về thực chất là một hình thái chống đối nền quân chủ tư sản, mang khuynh hướng bảo thủ không tưởng.
Với Bandăc, tiểu thuyết Pháp phát triển một bước mới và đạt tính chất cổ điển. Để tái hiện toàn bộ hiện thực rộng lớn đương thời, Bandăc đã mở rộng đề tài tiểu thuyết, đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật phong phú, đã có những cách tân táo bạo về kết cấu, ngôn ngữ… Đặc biệt ông đã xây dựng được những “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”, đầy sức sống, có tính khái quát cao, tính cá thể độc đáo. Ảnh hưởng của Bandăc to lớn đến nỗi ngày nay khái niệm “tiểu thuyết truyền thống” có nghĩa là tiểu thuyết viết theo cách của Bandăc và các trường phái hiện đại chủ nghĩa muốn chống chủ nghĩa hiện thực và phá vỡ thể loại tiểu thuyết, trước hết phải công kích Bandăc.