B
airơn (George Gordon Noel Byron) là nhà thơ lãng mạn tiến bộ lớn của nước Anh. Ông sinh năm 1788 tại Luân đôn, trong một gia đình quý tộc nhưng đã bị phá sản. Từ khi còn trẻ, ông đã yêu mến tư tưởng cách mạng của các nhà văn Pháp thế kỷ Ánh sáng và Cách mạng Pháp 1789. Ông thường đọc các tác phẩm của Vônte, Ruxô... những tác phẩm này đã để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc.
Năm 1809, ông tốt nghiệp đại học và được kế thừa chức nguyên lão trong Thượng nghị viện. Nhưng vốn là người chẳng ưa gì xã hội tư sản, quý tộc Anh với những trật tự, thành kiến và dư luận đạo đức giả tạo, nên ông đã từ bỏ chức vụ và đi du lịch nhiều nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp... và được chứng kiến phong trào đấu tranh cách mạng tư sản ở những nước này. Những sự kiện đó khiến nhà thơ xúc động mạnh mẽ và khơi nguồn cảm hứng cho ông viết bản trường ca “Cuộc hành hương của Saiđơ Harôn” (1812 - 1817), đây là tác phẩm đầu tiên gây tiếng vang lớn của ông.
“Cuộc hành hương của Saiđơ Harôn” gồm bốn khúc ca: khúc ca I và II in 1812; khúc ca III và IV hoàn thành năm 1817. Saiđơ Harôn là một thanh niên quý tộc, một ngày kia, trong lòng bỗng nảy sinh nỗi chán chường, chàng chán ngấy cuộc sống trống rỗng, không ý nghĩa, không lý tưởng. Xứ sở quê hương đối với chàng trở nên lạnh lẽo, vô vị. Harôn quyết định ra đi tìm một lối thoát cho tâm hồn mình. Chàng vĩnh biệt quê hương, đôi mắt ráo hoảnh: “Nỗi đau buồn nhất của ta - Là ra đi mà không có gì đáng khóc”. Chàng phó mặc cho con tàu đưa chàng lướt tới, đến đâu thì đến, vì “chốn nào cũng đẹp, trừ xứ sở quê hương”. Tiếp đó, tác phẩm mang dáng dấp một cuốn nhật ký đi đường bằng thơ. Saiđơ Harôn sang Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (Khúc ca I). Cuộc xâm lăng của Pháp và Anh, cảnh nghèo đói và tinh thần đấu tranh dũng cảm của nhân dân chống quân xâm lược..., những sự việc ấy đánh thức tâm hồn Harôn khiến chàng mến yêu những người anh hùng dũng cảm. Harôn rời Tây Ban Nha đi Anbani. Khúc ca II miêu tả vận mệnh đau khổ của Anbani dưới ách tên độc tài Ali và quân Thổ Nhĩ Kỳ. Harôn qua thăm những di tích cổ của Hy Lạp. Nhà thơ đem quá khứ vinh quang đối lập với hiện thực đen tối của Hy Lạp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của Hy Lạp giành cuộc sống tự do và tươi sáng hơn. Sang khúc ca III, Harôn đến chiến trường Oateclô ở Bỉ, nơi Napôlêông thất trận ngày trước. Nhà thơ đã nghiêm khắc lên án Napôlêông là tất yếu. Rời Bỉ, Harôn đến Thuỵ Sĩ. Bairơn dành toàn bộ khúc ca cuối cùng để nói lên những cảm tưởng của mình về nước Ý. Nhà thơ nhắc lại quá khứ vinh quang của Ý trong lĩnh vực văn học nghệ thuật với Dante, Bôcaxiô, Pêtơraca, Taxô. Mục đích của ông là đối lập lại với thực tại của Ý lúc đó đang bị lệ thuộc vào Áo. Bairơn tin tưởng vào tương lai nước Ý và lực lượng tiến bộ ở châu Âu. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh biển cả.
Thông qua nhân vật trữ tình trong “Cuộc hành hương của Saiđơ Harôn”, nhà thơ ghi lại những ấn tượng, cảm nghĩ của chính bản thân mình. Tác phẩm là bức tranh rộng lớn của xã hội châu Âu đầu thế kỷ XIX, toát lên tư tưởng tiến bộ của nhà thơ. Saiđơ Harôn chán chường ghê gớm, bất bình cực độ, nhưng vẫn đi tìm lý tưởng mới và thấy rằng lý tưởng ấy chỉ có thể tìm thấy trong cuộc đấu tranh của nhân dân bị áp bức. Với tập thơ có tiếng vang rộng rãi này, Bairơn là tiếng nói của các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng.
Trở về nước đúng vào thời kỳ phong trào công nhân phá máy phát triển khắp nơi để chống lại bọn chủ tư sản, nhà thơ tiếp tục dũng cảm đấu tranh phản đối những luật lệ bất công, hà khắc ngay trên đất nước Anh. Ngày 27 tháng 12 năm 1812, ông phát biểu tại Thượng nghị viện chống dự luật xử tử những công nhân phá máy. Nhà thơ còn viết Bài ca tặng những người Lơđaitơ để ca ngợi cuộc đấu tranh của thợ thuyền chống áp bức. Giai cấp quý tộc Anh thù ghét và không tha thứ thái độ phản kháng của Bairơn. Chúng tung dư luận vu cáo bỉ ổi nhà thơ là một người sa đoạ, vô đạo đức. Không thể sống nổi ở quê hương mình, năm 1816, Bairơn ra đi và không bao giờ trở về Tổ quốc nữa.
Ông sang Thuỵ Sĩ rồi sang Ý. Thời kỳ này, nước Ý rên xiết dưới ách thống trị của Áo và bị chia nhỏ thành tám quốc gia riêng biệt. Bairơn tham gia phong trào cách mạng Cacbônari của Ý. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Bairơn bị cảnh sát Áo theo dõi rất ngặt. Năm 1823, ông quyết định tham gia phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Hy Lạp chống ách thống trị Thổ Nhĩ Kỳ. Bao nhiêu tài sản còn lại của mình, nhà thơ mua thuốc men, súng ống ủng hộ Hy Lạp. Nhưng sức khoẻ của ông vốn đã giảm sút từ lâu, do làm việc quá sức càng trở nên trầm trọng. Ông bị ốm nặng và mất ở Mixôlôngghi (Hy Lạp).
Bairơn viết nhiều tác phẩm lớn. Ngoài “Cuộc hành hương của Saiđơ Harôn” còn phải kể đến “Các truyện thơ Phương Đông” (1813 - 1816), “Người tù ở Siông” (1816), “Manphrêt” (1817), “Beppô” (1818), “Ca in” (1821), “Đông Giuăng” (1818 - 1823)...
Bairơn là một nhà thơ trữ tình, các vở kịch thơ của ông như “Manphrêt”, “Ca in”... cũng mang tính chất những bản trường ca nhiều hơn. Trong những vở kịch ấy, không có những tình huống căng thẳng; mỗi vở kịch chỉ có một nhân vật nổi lên. Đó là Manphrêt, Ca in... mang tâm trạng của chính tác giả. Còn các nhân vật khác đều mờ nhạt, chỉ góp phần tô đậm thêm nhân vật chính. Yếu tố độc thoại lấn át yếu tố đối thoại. Bairơn là một nhà thơ chiến sĩ: cuộc đời của ông gắn liền với những phong trào tiến bộ của thời đại. Trong các tác phẩm của ông toát lên vấn đề mâu thuẫn giữa cá nhân với hoàn cảnh, giữa lý tưởng và thực tại. Tuy nhiên, các tác phẩm ấy cũng thể hiện rõ rệt tư tưởng bi quan. Tính chất bi quan bắt nguồn từ hoàn cảnh xã hội: những bước thoái trào của cách mạng Pháp, sự thất bại của phái Giacôbanh, việc phục hồi triều đại Buôcbông ở Pháp và các thế lực phản động hoạt động ráo riết ở châu Âu, tất cả những sự kiện ấy đã tác động đến Bairơn khiến cho nhà thơ suy nghĩ về những mâu thuẫn không giải quyết được giữa lý tưởng và thực tế xã hội sau cách mạng tư sản. Tâm trạng bi quan của Bairơn ngày càng giảm đi nhưng không bao giờ được khắc phục hẳn. Đó là mặt yếu của Bairơn so với một số tác gia lãng mạn khác. Vì vậy Mác khen ngợi Bairơn nhưng đồng thời lại nhận xét: “... Bairơn chết năm 36 tuổi là một điều hạnh phúc...”