B
recht (Bertolt Brecht) là nhà soạn kịch người Đức. Ông sinh năm 1898 tại Augsburg, là con một chủ nhà máy. Năm 1917, ông học đại học văn, triết và y ở Munchen. Cuối Đại chiến thế giới I, ông gia nhập quân đội. Năm 1918, ông là Uỷ viên Hội đồng quân nhân ở Augsburg. Năm 1919 - 1923, ông tiếp tục học đại học, rồi chuyển sang hoạt động sân khấu, làm đạo diễn ở Munchen. Năm 1922, ông được nhận giải thưởng Claixt với vở kịch “Tiếng trống trong đêm”, trong đó tác giả bày tỏ nỗi thất vọng của mình về cuộc cách mạng tháng Mười năm 1918. Năm 1924, ông chuyển đến Berlin, làm đạo diễn cho Nhà hát Đức. Năm 1926 - 1927, ông bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa duy vật biện chứng, dự các buổi thuyết trình ở trường Mác-xít của công nhân Berlin. Năm 1928, vở “Nhạc kịch ba xu” thu được kết quả lớn. Năm 1930, ông cùng nhạc sĩ Aixle sáng tác những ca khúc chính trị. Năm 1933, ông lánh nạn sang Áo, Thuỵ Sĩ, Pháp và Đan Mạch. Từ năm 1936, cùng Brêden ra tờ báo văn học Tiếng nói xuất bản ở Matxcơva. Năm 1941, ông qua Thuỵ Điển, Phần Lan, Liên Xô để sang Mỹ. Năm 1947, ông bị gọi ra tra hỏi trước Uỷ ban đấu tranh chống những thái độ phi Mỹ, cùng năm đó ông trở về châu Âu, dừng lại ở Thuỵ Sĩ. Năm 1948, ông dời về Đông Berlin. Năm 1949, ông cùng với vợ (H. Vaighen) lập ra Đội văn nghệ Berlin, tích cực tham gia xây dựng một nền văn hoá dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Ông là Viện sĩ Viện hàn lâm nghệ thuật Đức, Chủ tịch Pen-Dentrum (Trung tâm văn bút Đông và Tây). Năm 1951, ông đạt giải thưởng quốc gia. Năm 1954, ông đạt giải thưởng hoà bình quốc tế Lênin.
Brecht sáng tác từ rất sớm, bắt đầu là những bài thơ đả kích chế độ tư bản chủ nghĩa và nền đạo đức tư sản, bênh vực những người nghèo khổ mà nổi tiếng nhất là bài “Truyền thuyết về người lính chết trận”. Trong những bài thơ này, Brecht sử dụng những chất liệu, ngôn ngữ và hình thức của dân gian để bóc trần bộ máy chiến tranh đế quốc và đạo lý ăn cướp của giai cấp tư bản. Vở kịch “Baal” (1923) thuật lại câu chuyện một nhà thơ thà chịu vùi dập bên lề xã hội chứ không chịu che đậy cùng xung đột do xã hội có người bóc lột người gây ra. Năm 1927, ông cho xuất bản hai vở kịch: “Trong rừng thành phố”, tác phẩm báo trước tai họa phát- xít đang đến gần. Kết quả đầu tiên của việc nghiên cứu lý luận kinh điển về chính trị kinh tế học thể hiện trong Nhạc kịch ba xu (1928), tố cáo chế độ tư bản độc quyền. Thành công của vở “Nhạc kịch ba xu” cũng là thành công bước đầu của hình thức kịch tự sự mà thời kỳ này Brecht đang xây dựng. Từ một nghệ sĩ nổi loạn chống lại chế độ tư bản, do nghiên cứu chủ nghĩa Mac, ông trở thành bạn đồng minh của giai cấp công nhân cách mạng. Ông suy nghĩ tìm cách thể hiện trên sân khấu mối quan hệ biện chứng của sinh hoạt xã hội và buộc người xem có thái độ tích cực thay đổi thực trạng xã hội. Do đó, Brecht thử nghiệm một lối diễn xuất mới mà ông gọi là “phi Arixtôt”, thay thế sự đồng cảm, ảo tưởng, bằng sự cùng suy nghĩ, thái độ tỉnh táo và phê phán. Sân khấu tái hiện những quá trình xã hội, thuật lại những chuyện đã qua và nhấn mạnh yếu tố giáo huấn, giác ngộ người xem. Tình trạng xã hội và con người không phải là bất biến, mà có thể và cần phải thay đổi. Những chuyện ngày thường được trình bày một cách xa lạ đi để người xem đặc biệt chú ý đến và sẽ nhận ra những chuyện ấy chẳng có gì là dĩ nhiên cả, có thể thay đổi được. Do nhấn mạnh chức năng giáo dục, Brecht đã viết một loạt kịch giáo huấn như “Lẽ biến và lẽ thường”, “Biện pháp”..., trong đó lần đầu tác giả đề cập đến những hình thức đấu tranh giai cấp.
Cũng thuộc vào thể loại kịch giáo huấn là vở “Người mẹ”, phỏng theo tiểu thuyết của Gorki, trong đó tác phẩm viết những bài thơ nổi tiếng tuyên truyền cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Năm 1939, trong thời gian sống lưu vong, ông sáng tác một vở kịch xuất sắc là: “Mẹ can đảm và các con” (1939). Tác phẩm được sáng tác với mục đích chống chiến tranh phát-xít, nhắc nhở nhân dân Đức chớ ảo tưởng có thể kiếm chác trong cuộc chiến tranh đó. Tác giả sử dụng chất liệu lịch sử về một phụ nữ có tên thật là Anna Phiêclinh, trong cuộc chiến tranh 30 năm (1618 - 1648) đi theo các đội quân phong kiến để bán hàng kiếm lời. Về hình thức, vở kịch được viết theo thể biên niên sử (hành động kịch bắt đầu năm 1624 và kết thúc năm 1636).
Đây là một trong những tác phẩm điển hình về kịch tự sự của Brecht. Vở kịch không được viết theo nguyên tắc “Cái nọ nảy sinh ra từ cái kia” (nguyên tắc nhân quả) mà theo nguyên tắc “cái nọ nảy sinh sau cái kia” (trình tự thời gian). Hành động kịch không miêu tả một trạng thái mà một quá trình lịch sử, không có bước đột biến trong đó nhân vật “giác ngộ” nhận ra vấn đề. Khi tác phẩm kết thúc, tính cách Mẹ Can đảm không thay đổi, mụ vẫn là mụ bán hàng ban đầu. Có ba cái chết trong vở kịch nhưng không cái chết nào là cao trào của hàng động kịch. Xung đột kịch phản ánh một mâu thuẫn đối kháng trong xã hội có giai cấp bóc lột, giữa bọn thống trị gây chiến và người dân thường, nạn nhân của chiến tranh không thể có một quyền lợi chung nào. Tác giả áp dụng rộng rãi phương pháp lạ hoá do ông đề xướng ra. Mỗi cảnh kịch có một tiêu đề nói rõ nội dung của cảnh đó, người xem không còn hồi hộp chờ xem những gì sẽ xảy ra. Trong tác phẩm có nhiều ca khúc làm gián đoạn hành động kịch, nhằm ngăn trở sự nhập thân của người xem vào hành động. Cũng như các nhân vật khác trong kịch của Brecht, tính cách Mẹ Can đảm có hai mặt rõ rệt và quan hệ biện chứng với nhau: mặt cá nhân và mặt xã hội, trong đó mặt xã hội (tính giai cấp) là cơ bản. Cũng như mọi người mẹ khác, Mẹ Can đảm rất yêu con. Nhưng không phải tình mẹ, mà thói hám lời và ước muốn kiếm chác trong chiến tranh mới là nét chủ đạo ở tính cách nhân vật này. Vở kịch được diễn lần đầu vào năm 1941 ở Xuyrich (Thuỵ Sĩ) và đến 1960 được quay thành phim.
Năm 1938 - 1939, cùng thời gian với việc sáng tác “Mẹ Can đảm và các con”, ông cho ra đời vở “Cuộc đời Galilê”, đề cập đến vấn đề trách nhiệm của các nhà khoa học về những kết quả nghiên cứu của mình. Tác giả chỉ ra rằng tiến bộ khoa học nếu tách rời tiến bộ xã hội có thể đem lại những tai họa ghê gớm. “Cuộc đời Galilê” là vở kịch gồm 15 cảnh; sự việc diễn biến từ 1609 - 1637, trong cuộc đời nhà thiên văn học nổi tiếng Galilê.
Brecht viết vở kịch này khi được tin các nhà khoa học đã thành công trong việc tách hạt nhân nguyên tử uranium. Vở kịch có ý cảnh cáo các nhà khoa học không được đem khoa học phục vụ bọn phát-xít và cuộc chiến tranh ăn cướp của chúng. Tác giả khắc họa tính cách nhân vật Galilê với thái độ phê phán rõ ràng: Galilê không phải là một nhà khoa học chân chính, thiếu ý thức trách nhiệm trước nhân loại khi khuất phục Giáo hội. Sau 1945, khi được tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Brecht sửa chữa lại vở kịch và nhấn mạnh thêm thái độ phê phán đối với nhân vật Galilê, một người say mê nghiên cứu khoa học chỉ vì thói quen, sẵn sàng nộp các kết quả nghiên cứu cho Giáo hội để đổi lấy cuộc sống vật chất đầy đủ.
Bên cạnh những tác phẩm nhằm đấu tranh trực tiếp với chủ nghĩa phát-xit (Những khẩu súng của bác Cara, Nỗi lo sợ và khốn cùng của Đệ tam đế chế, Sự thăng tiến có thể ngăn lại được của Acturô...), là vở kịch biểu trưng Người tốt ở Tứ Xuyên chứng minh sự không thể thực hiện được những lý tưởng nhân đạo trong một xã hội vô nhân đạo. Vở “Ông Puntila và người đầy tớ Matti” viết theo hình thức kịch dân gian Phần Lan, vở “Vòng phấn Kavkaz”, trong đó tác giả khẳng định: “Trẻ phải thuộc về tình mẹ, để chúng được lớn khôn, và thung lũng phải thuộc về người tưới nước để nó đâm hoa kết trái”. Ngoài ra, Brecht còn làm nhiều thơ, viết tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là những tác phẩm kịch. Riêng trong thời gian (1956 - 1966) kịch của ông đã được trình diễn 1436 lần ở 53 nước trên khắp thế giới và gây được ảnh hưởng đến nhiều nhà soạn kịch hiện đại.