B
ôcaxiô (Giovanni Boccaccio) là nhà văn lớn của Italia thời đại Phục Hưng. Ông sinh năm 1313 trong một gia đình thương nhân ở Xectandô, một đô thị nhỏ của tỉnh Tôxcan, mẹ là người Pháp. Thuở nhỏ, ông học ở Phlôrăngxơ. Cha ông muốn ông tiếp tục sự nghiệp kinh doanh của mình nên gửi ông đến một nhà buôn để tập sự. Nhưng công việc kinh doanh chẳng thích thú gì với ông, mà ông chỉ say mê khoa học và văn học. Vì thế gia đình buộc phải gọi ông về và đưa ông đến Naplơ (1330) để học luật với hy vọng nghề luật sư sẽ tạo cho con mình danh tiếng và tiền của. Nhưng ông cũng chẳng quan tâm mấy đến luật pháp. Sau khi cha mất, ông được hoàn toàn tự do theo đuổi chí hướng.
Ở Naplơ, ông kết bạn với những nhà nhân văn chủ nghĩa, học và nghiên cứu tiếng Hy Lạp và văn học cổ đại. Nhờ bạn bè giới thiệu, ông lọt được vào cung đình của Rôba Ănggiu, một nhà vua yêu thích khoa học và văn học, sẵn sàng bảo trợ các nhà trí thức. Ở đây, ông làm quen với Maria Acvinơ, con gái riêng của nhà vua, mà ông đã âu yếm gọi bằng một cái tên khác: “Phiametta”. Tình yêu với Phiametta đã thúc đẩy ông sáng tác. Khoảng năm 1338, ông sáng tác tập thơ “Philôxtơrat” và một chùm bài xon-nê đã đưa tên tuổi Bôcaxiô vào cuốn sổ vàng của văn học. Vào khoảng năm 1340 - 1341, Bôcaxiô trở lại Plôrăngxơ và bước vào hoạt động xã hội, chính trị. Năm 1347, ông hoàn thành nhiều công vụ ngoại giao của nhà nước Cộng hoà Phlôrăngxơ. Trong số những nhà trí thức nhân văn chủ nghĩa nổi tiếng đương thời, Bôcaxiô có mối quan hệ rất mật thiết với nhà thơ Pêtơraca. Ở Phlôrăngxơ, ông hoàn thành cuốn truyện Philôcôlô. Ông còn viết trường ca Têdêit, khúc hát đồng quê “Amêtô”, trường ca “Ảo ảnh tình yêu”. Những tác phẩm này ít nhiều chứa đựng nội dung tư tưởng lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống trần tục, song về biện pháp nghệ thuật vẫn chưa thoát khỏi những truyền thống thời Trung cổ như ám dụ, tượng trưng,… Nhưng đến truyện “Phiametta” (khoảng 1343) thì Bôcaxiô đã từ bỏ cách thể hiện truyền thống ấy và trở thành một ngòi bút hiện thực với ý nghĩa mới mẻ nhất và một khả năng phân tích tâm lý sâu sắc.
“Phiametta” là tập truyện về mối tình tuyệt vọng của nàng Phiameta với chàng Păngphilô, gồm một lời mở đầu và 9 chương. “Phiameta” được sáng tác vào thời kỳ mà tài năng của Bôcaxiô đã trưởng thành. Truyện đơn giản song mặt hấp dẫn của nó không phải ở những tình tiết rắc rối ly kỳ, mà ở thế giới nội tâm của nhân vật phong phú với những biến động phức tạp. Trước Bôcaxiô, người phụ nữ trong văn học xuất hiện như một đối tượng để ngợi ca, chiêm ngưỡng và ban tình yêu cho người đàn ông. Không có người phụ nữ đau khổ vì tình yêu mà chỉ có người đàn ông đau khổ vì tình yêu. Bôcaxiô đã hạ bệ cái tượng đài người phụ nữ Trung cổ ấy và làm cho họ trở thành một con người cụ thể hơn, sinh động hơn và hiện thực hơn. Cống hiến của ông đã đặt cơ sở cho loại tiểu thuyết tâm lý ở châu Âu sau này. Những kiến thức uyên bác về văn hoá cổ đại của tác giả sử dụng chưa có mực thước điều độ làm cho cuốn tự truyện không tránh khỏi nhiều chỗ nặng nề, thiếu tự nhiên.
Năm 1345-1346, ông viết truyện thơ bi thảm “Những nàng tiên Phiêdôlanô”. Khoảng năm 1350 - 1353, ông viết “Đêcamêrông” (Chuyện mười ngày), tập truyện gồm tất cả 100 truyện. Mở đầu là một lời đề tặng của tác giả, tặng cuốn sách cho những chàng tình nhân xấu số, và đặc biệt, cho những phụ nữ. Kế đó, đến phần nhập đề, tác giả trình bày lý do khởi đầu câu chuyện, cũng là sợi dây dắt dẫn, nối liền 100 truyện của tập sách, mà tất cả sự khác nhau là ở tính cách và chủ đề của chúng. Tất cả được Bôcaxiô miêu tả với một nghệ thuật tỉ mỉ và trang trọng. Mỗi nhân vật trong tác phẩm tượng trưng cho một trạng thái tâm hồn, tình cảm nào đấy và những truyện quy vào nhân vật đó thì có cùng trạng thái ấy (thất vọng vì tình; sự yên tĩnh, trong sáng; sự cường tráng, linh lợi...).
Tuy vậy, tác phẩm không được giới hàn lâm Ý thưởng thức nhiều lắm vì tác phẩm không chịu tắm mình vào những cội nguồn quen thuộc của văn hóa cổ điển, nhưng chính là bằng thái độ chống lại tính chất cổ truyền, tác phẩm Đêcamêrông đã trở thành cuốn sách bậc thầy lừng lẫy của xã hội Ý ở thế kỷ XIV – XV. Với những truyện ngắn hấp dẫn, được tái tạo nên từ kho truyện dân gian và bình dân Ý chứ không phải từ văn hoá Hy – La, Bôcaxiô đã thể hiện ra trong tác phẩm của mình như một nhà tư tưởng Phục Hưng vĩ đại, vạch trần không thương tiếc mọi thói hư tật xấu của xã hội thượng lưu Ý, nhất là nhà thờ: tham lam, lừa lọc, dâm dục và tàn bạo. Ông cũng hiện ra như một nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại, chỉ ra cái đẹp của con người, không chỉ đẹp ở thể xác và tinh thần mà nó còn khả năng vươn tới cái đẹp, nói lên cái đẹp. Tuân theo một dàn ý chính xác, cuốn truyện đã dẫn chúng ta từ bức tranh xấu xa của hiện thực đến vẻ đẹp hoàn mỹ của những đức hạnh cao cả và trong chiều hướng vận động của nó, tác giả vẫn không quên mô tả chính xác một thế giới đầy lôi cuốn, say mê, trong đó con người từng bước thắng được định mệnh. Những truyện ngắn của Bôcaxiô làm sống lại không khí của một thời đại vẫn còn in đậm dấu vết những thiên anh hùng ca lớn, những cuộc thập tự chinh, những cuộc hoành hành của bọn cướp biển, những cuộc tranh quyền nội bộ, xâu xé lẫn nhau giữa các đô thị Ý. Và từ trong tất cả những câu truyện ly kỳ của các nhân vật, đã xuất hiện những khuôn mặt tiêu biểu của thời đại ấy: khuôn mặt của các ông vua, các họa sỹ, các nhà thơ, nổi bật lên trên cả một cái nền chung của cả một xã hội gồm những con người bình thường, hoạt động với tất cả tính chất nhân bản sâu sắc của nó, và đối lập với những kẻ cao sang, quyền thế. Bằng bút pháp ngắn gọn, súc tích, giàu chất hài hước, khắc họa con người rất sắc nét và dựng truyện lôi cuốn, tác phẩm “Đêcamêrông” đã đến với chúng ta như một “tấn trò đời” thời Trung cổ mà hình ảnh nó truyền lại luôn phong phú và sống động.
Sau khi tập truyện ngắn này ra đời đã làm người đọc dường như quên đi tất cả những gì Bôcaxiô đã sáng tác trước đó. “Đêcamêrông” được thế giới coi là một trong những tác phẩm tuyệt diệu nhất của văn học Phục Hưng. Với nội dung hài hước, châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong đời sống, bộ mặt đạo đức giả của giới thầy tu, lối sống gia trưởng kìm hãm quyền tự do của tuổi trẻ... với phong cách phóng túng, cuốn truyện tràn đầy hơi thở nồng nàn của cuộc sống Phục Hưng. Nghệ thuật viết truyện ngắn trong “Đêcamêrông” đưa Bôcaxiô vào hàng ngũ những nhà viết truyện ngắn mẫu mực của văn học thế giới.
Về cuối đời, trong thế giới quan của Bôcaxiô có một bước lùi. Từ năm 1353 - 1356, ông viết truyện Con quạ mang dấu ấn tư tưởng của chủ nghĩa khổ hạnh, nhìn phụ nữ với lòng căm ghét, ghê tởm. Năm 1373, theo yêu cầu của Vương chủ thành Phlôrăngxơ, ông giảng thơ ca của Dante trước công chúng. Bôcaxiô còn viết nhiều tác phẩm khoa học bằng tiếng Latinh. Cùng với Pêtơraca, ông là niềm tự hào của văn học Phục Hưng Ý thời kỳ đầu thế kỷ XIV.