C
ornây (Pierre Corneille) là một nhà bi kịch cổ điển Pháp, ông sinh năm 1606 tại Ruăng, trong một gia đình trung lưu. Pie Cornây là anh cả của một gia đình gồm sáu anh em; một người em của ông là nhà viết kịch Tomax Cornây.
Năm 18 tuổi, ông tốt nghiệp trường Luật và trở thành luật sư. Được thừa hưởng một nền giáo dục vững vàng, nên ông nhanh chóng hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa nhân văn của thời đại; đồng thời ông cũng là người có nghị lực và ý chí. Cornây ở Ruăng đến 1662 rồi chuyển đến sống hẳn tại Paris. Năm 1647, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.
Năm 1629, ông cho công diễn vở kịch Mêlit tại Paris, và được hoan nghênh nhiệt liệt. Đầu tiên, ông viết hài kịch: “Người đàn bà goá” (1631). Năm 1636, Cornây viết vở bi hài kịch “Lơ Xit” làm cho Paris say mê. Đề tài Lơ Xit được lấy trong lịch sử Tây Ban Nha.
Sau khi “Lơ Xit”, bi kịch năm hồi của Cornây được trình diễn, vở kịch được hoan nghênh nhiệt liệt và sau đó, có thành ngữ: “Đẹp như Lơ Xit”. Vở kịch miêu tả những mẫu người anh hùng của thời đại.
Chuyện xảy ra ở Xêvi (Tây Ban Nha). Simen và Rôđrigơ yêu nhau; cha của Simen, Bá tước Đông Gormax, không phản đối cuộc hôn nhân của đôi trẻ. Lúc đó, vua Phecnăng giao cho Đông Điegơ, cha của Rôđrigơ, trách nhiệm dạy dỗ hoàng tử trẻ tuổi. Đông Gormax nghĩ rằng đáng lẽ chức vụ đó phải giao cho lão; lão ghen tức, gây sự với Đông Điegơ và tát ông. Đông Điegơ bảo con trai phải rửa nhục. Rôđrigơ đau đớn, vì kẻ gây ra tai họa là cha của người yêu. Vâng lệnh cha, chàng quyết đấu. Simen xin vua trừng trị người đã giết cha mình. Đông Điegơ xin được thay con chịu trừng phạt. Đôi trai gái gặp nhau, than thở cho số phận và bày tỏ với nhau mối tình thắm thiết. Song, vì danh dự, Simen vẫn xin với vua Rôđrigơ phải chết; sau đó, không sống nổi, nàng sẽ tự vẫn. Rôđrigơ gặp Simen, xin nàng giết mình bằng chính bàn tay của nàng. Simen không giấu giếm mối tình sâu sắc với chàng. Khi đó, quân Morơ âm mưu giữa đêm đổ bộ lên thành Xêvi để chiếm thành này. Được Đông Điegơ khích lệ, Rôđrigơ tập hợp binh sĩ, giữa đêm tối, dẫn đầu đoàn quân ra bờ biển, đánh tan quân giặc và bắt được vua của quân xâm lược làm tù binh. Chàng thuật lại chiến công lừng lẫy trước Cung đình, khiến vua Phecnăng vô cùng xúc động. Simen lại xin vua bắt Rôđrigơ phải đền mạng. Vua nói Rôđrigơ đã tử trận trong cuộc giao tranh với quân thù. Simen vô cùng thương xót; song được biết sự thật là chàng còn sống, Simen lại xin vua xử tội chàng, nhưng vua từ chối. Nàng cho biết ai báo thù được cho nàng, nàng sẽ lấy làm chồng. Đông Xăngsơ vẫn yêu nàng nên đã nhận lời.
Rôđrigơ gặp Simen, quyết xin chết để nàng vui lòng, nhưng Simen xin với chàng sẽ chiến thắng trở về. Khi Đông Xăngsơ bị đánh bại, mang gươm về, Simen tưởng anh ta đã giết chết Rôđrigơ, liền nguyền rủa anh ta và khóc Rôđrigơ. Vua biết tin, hứa sẽ tìm mọi cách để đôi trai gái kết hôn và hưởng hạnh phúc bên nhau.
“Lơ Xit” nêu cao chủ nghĩa anh hùng của một thời đại đòi hỏi những con người dũng cảm, có nghị lực. Nước Pháp đang trên con đường thống nhất quốc gia và xây dựng một đất nước hùng mạnh, Simen và Rôđrigơ là những tâm hồn cao thượng, biết đặt danh dự và quyền lợi chung lên trên tình yêu và hạnh phúc riêng. Rôđrigơ giết chết cha của người yêu để xứng đáng với nàng, còn Simen quyết đòi hỏi cái chết của người yêu để xứng đáng với chàng. Vở bi kịch này của Cornây mở đầu một cách xứng đáng cho văn học cổ điển Pháp thế kỷ XVII, - một vở kịch biểu hiện những xung đột tâm lý sâu sắc, gây nhiều xúc động, xung đột giữa tình yêu và nhiệm vụ, giữa dục vọng và ý chí.
Với các tác phẩm kịch, Cornây được coi là người sáng tạo ra bi kịch Pháp. Song, những cuộc tranh luận chung quanh Lơ Xit do những kẻ ghen ghét gây nên làm cho Cornây rất thất vọng. Sau ba năm ngừng sáng tác và suy nghĩ về nghệ thuật bi kịch, Cornây viết và cho diễn “Orax” (1639), “Xina” (1640), đây là những vở kịch tiêu biểu cho tài năng của ông.
Sau khi Risơliơ chết, tể tướng kế tục là Madaranh, khuyến khích Cornây trong việc tuyên truyền và củng cố chế độ quân chủ tập trung lúc bấy giờ. Từ năm 1659, bắt đầu thời kỳ sáng tác thứ hai của Cornây. Lúc này, ông đã 53 tuổi. Những vở bi kịch lớn của ông thời kỳ này là: “Êdôp” (1659), “Xuýrêna” (1674), “Attila”. Thời gian này, tài năng của ông bị lu mờ trước danh tiếng của Raxin khi nhà viết kịch này xuất hiện trên sân khấu Paris với bi kịch “Ăngđrômac” (1667). Năm 1670, Cornây và Raxin sáng tác bi kịch về một đề tài. Công chúng đã chán những vở kịch phức tạp rắc rối, “anh hùng” kiểu Cornây và hoan nghênh bi kịch của Raxin với “một hành động kịch đơn giản dựa trên cái đẹp của tình cảm”. Cornây chết ở Paris trong yên lặng. Ba tháng sau khi ông chết, trong dịp Tômax, Cornây được bầu vào Viện hàn lâm, Raxin đã đọc một bài diễn văn nhiệt liệt ca ngợi Pie Cornây và đặt ông vào hàng ngũ “những anh hùng lớn nhất của lịch sử”.
Cornây là người đặt nền móng cho bi kịch dân tộc Pháp. Tài năng của ông phục vụ đắc lực cho việc thống nhất nước Pháp dưới thời Lui XIII. Ông nêu cao tinh thần độc lập dân tộc trong phạm vi tư tưởng và nghệ thuật. Tình hình kịch nước Pháp trước thời Cornây rối ren, chưa có phương hướng rõ rệt và chịu ảnh hưởng của kịch Ý, Tây Ban Nha và nhiều loại hình, tính tư tưởng không cao, cốt truyện phù phiếm; nó chỉ nhằm mua vui và giải trí. Đến Cornây, ông đưa vào kịch nội dung tư tưởng tiến bộ cần thiết lúc bấy giờ là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Hành động kịch của ông tập trung hơn, đơn giản hơn. Người anh hùng của Cornây là mẫu mực của lòng dũng cảm và ý chí tự do. Có một sự trùng hợp giữa tư tưởng của Cornây trong các vở kịch lớn như “Lơ Xit”, “Orax”, “Xina” và tư tưởng của Đêcac về dục vọng. Lý trí có thể hạn chế, điều khiển các dục vọng xấu; tình yêu phục tùng ý chí, tình yêu dựa trên lòng khâm phục hành động cao cả của người yêu, đó là những sáng tạo của Cornây. Sau khi khai thác lịch sử Tây Ban Nha, Cornây khai thác lịch sử La Mã với nhiều nhân vật anh hùng, dũng cảm. Mở đầu văn học cổ điển, Cornây xây dựng những vở kịch tâm lý sâu sắc. Những độc thoại nổi tiếng của ông diễn tả sự xung đột kịch liệt giữa các dục vọng bên trong lòng người. Những đối thoại sắc bén như những mũi kiếm, đầy kịch tính. Kịch anh hùng của Cornây cũng không thiếu chất thơ và những âm điệu trữ tình. Với Cornây, phương hướng lành mạnh của bi kịch dân tộc Pháp đã được xác định.
Là một vũ khí sắc bén trong công cuộc thống nhất quốc gia và xây dựng một chế độ chính trị tập trung vào nửa đầu thế kỷ XVII, bi kịch Cornây không đáp ứng được yêu cầu của công chúng trong nửa sau thế kỷ - khi nền quân chủ chuyên chế đã bộc lộ sự tàn bạo của nó, bởi vì nó dựa vào một tầng lớp quý tộc đồi bại và một tầng lớp tư sản hèn nhát để thống trị. Người ta đòi hỏi những tác phẩm phản ánh hiện thực mới nảy sinh. Điều đó, Cornây không làm được, còn Molie và Raxin đã đạt được những kết quả rực rỡ trong hài kịch và bi kịch của mình.