D
ante (Dante Alighier) sinh năm 1265 tại nước Cộng hoà Phlôrăngxơ, trong một gia đình dòng dõi quý tộc đã suy sụp. Cha ông và ông là những đảng viên của Đảng Guenph, một đảng chủ trương thống nhất nước Ý dưới ngọn cờ của Giáo hoàng. Nền giáo dục Trung cổ cung cấp cho Dante một số vốn kiến thức nghèo nàn. Không vừa lòng, ông học thêm tiếng Pháp, tiếng Prôvăngxơ... để nghiên cứu văn học nước ngoài. Ông say mê thơ ca từ rất sớm và bên các nhà thơ Trung cổ, ông không quên đọc gia tài thơ ca cổ đại. Năm 15 tuổi ông đã làm nhiều bài thơ trữ tình. 18 tuổi gặp lại Bêatơrixê (lần đầu gặp lúc 9 tuổi) và đem lòng yêu thầm người con gái đó. Nhưng Beatrice chết bất ngờ vào năm 1290 đã để lại cho nhà thơ niềm luyến tiếc, xót thương. Mối tình của ông với Beatrice đã được kể lại trong tác phẩm vừa bằng thơ ca và văn xuôi “Cuộc sống mới” (1292 - 1293). Từ đó, nhà thơ dốc tâm sức vào nghiên cứu thần học, triết học và thiên văn học.
Dante bước vào hoạt động chính trị từ sớm. Ông là một trong những người Guenph chống đối quyết liệt với những người Gibơlanh và đã từng ở trong đạo quân của những công xã Phlôrăngxơ. Năm 1266, đảng của những người Guenph thắng thế, nắm được chính quyền ở Phlôrăngxơ thì trong nội bộ phân biệt thành hai phái “Guenph trắng” và “Guenph đen”. Phái Trắng có chủ trương gần giống như những người Gibơlanh. Còn phái Đen ngược lại. Dante thuộc phái Trắng. Ông là người lãnh đạo trong Hội đồng thành phố, đã thực hiện nhiều sứ mạng ngoại giao. Năm 1300, ông được bầu vào hàng ngũ những người lãnh đạo của một Hội đồng sáu vị thủ lĩnh. Nhưng cuộc đấu tranh của phái Trắng thất bại. Ngày 27 tháng 1 năm 1302, Dante bị vu cáo ăn hối lộ và phải chịu án trục xuất khỏi Phlôrăngxơ hai năm, sau nâng án lên suốt đời. Ngày 10 tháng 3 năm 1302, ông bị xử tử hình vắng mặt trên giàn lửa vì tội đã không nộp khoản tiền phạt như Toà tuyên án. Từ đó, Dante sống lưu vong hết thành phố này đến thành phố khác ở miền Bắc và miền Trung nước Ý, nhiều nhất là Vêrôn và Raven. Trong thời gian này, quan điểm chính trị của Dante có bước thay đổi quan trọng. Ông thấy rằng những người dân của Phlôrăngxơ chưa có ý thức tự đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ. Lúc đầu ông nuôi ảo tưởng có thể liên minh với những người Gibơlanh mà không cần phân biệt những thành kiến quý tộc của họ. Nhưng ông sớm nhận ra sai lầm đó và đặt niềm hy vọng vào Hoàng đế Đức, Hăngri VII, thống nhất đất nước, chấm dứt cảnh phân tranh giữa các nước cộng hoà - thành thị. Năm 1313, Hăngri VII chết, niềm hy vọng của Dante không còn. Hai lần Phlôrăngxơ xoá tên ông khỏi danh sách ân xá vì thấy ông là một kẻ thù ngoan cố. Năm 1316, Phlôrăngxơ ra điều kiện nếu Dante công khai thừa nhận tội lỗi, xin khoan hồng thì cho trở về quê hương nhưng ông kiên quyết bác bỏ. Trong thời gian lưu đầy, ông viết những tác phẩm: “Bàn về việc sử dụng ngôn ngữ thông tục: (1305) bằng tiếng Latinh, “Bữa tiệc” (1307-1308) bằng tiếng Ý, một tác phẩm thơ văn xuôi, bàn luận về các vấn đề triết học, đạo đức, thần học, tập thơ “Căng-đô-nie”, sưu tập các bài thơ trữ tình làm từ thời trẻ. “Bàn về chế độ quân chủ” (1313), luận văn bằng tiếng La-tinh trình bày quan điểm chính trị. Tác phẩm lớn nhất của Dante viết trong thời gian 1313 - 1318 là bản trường ca bất hủ “Thần khúc”. Đối với Dante, nhắc đến ông là nhắc đến “Thần khúc”.
“Thần khúc” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Dante. Tác phẩm được viết bằng tiếng Italia, tiếng nói dân tộc mà Dante yêu mến và dày công vun đắp. “Thần khúc” bao gồm 100 ca khúc với 14.226 câu thơ. Sau khi Dante qua đời, số phận của “Thần khúc” cũng trải qua nhiều biến động thăng trầm. Đầu thế kỷ XV, Dante cùng với “Thần khúc” được xem là nghệ sỹ dân gian tầm thường. Mãi đến thế kỷ XVIII, khi nhà triết học duy tâm nổi tiếng của Naples là Giambattista Vico đánh giá cao “Thần khúc”, cho rằng Dante là Homercuar Italia, trong “Thần khúc” là toàn bộ nền văn minh của thời Trung cổ. Kể từ đó, người ta đánh giá lại Dante và thấy lại một thời “Thần khúc” được xem như thánh kinh của người dân, thấy lại rằng lâu nay người ta đã lãng quên một nghệ sỹ đầy lòng nhiệt huyết với dân tộc. Cho tới nay, không ai có thể phủ nhận được tài năng cũng như những cống hiến to lớn của Dante cho thi ca Italia và thi ca nhân loại.
Trước đó, Dante có tác phẩm “Cuộc sống mới”, đây là danh tác đầu tiên của Dante, sáng tác từ 1292 - 1293, công bố 1576. Đây là một tác phẩm văn học quan trọng của Dante nhưng nội dung tư tưởng của nó không nói về vấn đề xã hội mà thể hiện tình yêu với những câu thơ chứa đựng màu sắc tôn giáo, hình thức nghệ thuật cũng chưa đạt tới mức điêu luyện. Dante muốn đem tình yêu thế tục kết hợp một cách hài hòa với tình yêu Chúa. Tác phẩm gồm những bài thơ theo thể xon-nê, ba-lat và căng-dôn-ne với những mô-típ gợi cảm, và một sự phân tích tinh tế quá trình diễn biến tâm lý và tư tưởng, để cuối cùng dẫn đến một sự tổng hợp, trong đó nổi bật lên những mặt cống hiến khác nhau của ngòi bút nhà thơ.
Trong tác phẩm, Dante đã ghi lại một phần đời của mình, dưới màu sắc đầy xúc cảm của những kỷ niệm, liên quan mật thiết với hình ảnh Bêatơrixê, một thiếu nữ yêu kiều, được mọi người ca tụng, chết lúc còn rất trẻ và để lại trong lòng Dante niềm thương tiếc khôn nguôi. Kỷ niệm về Bêatơrixê đọng lại sừng sững trong tâm hồn Dante, mà thời gian không bao giờ có thể phai nhoà. Nhà thơ đã lý tưởng hoá nhân vật của tình yêu, biến nàng thành người trinh nữ cao quý nhất, thành một biểu tượng của lòng nhân hậu mênh mông và sâu vợi, đưa nàng lên ngự trị trên vừng sáng của thế giới thần linh, và làm người ta nhớ đến hình ảnh Đức mẹ đồng trinh trong các bản thánh ca của nhà thờ. Dante tự thề rằng sẽ không hé một lời nào về những sáng tác đang ấp ủ của mình đến chừng nào mà ông xây dựng nên một tác phẩm xứng đáng. Những điều tự hứa này trong phần cuối “Cuộc sống mới”, sẽ được xác nhận ở “Thần khúc”. Tuy nhiên, với “Cuộc sống mới”, nhân vật Bêatơrixê dù đã mang màu sắc lý tưởng hoá, vẫn còn rất gần với người phụ nữ sinh động có thực. Dĩ nhiên, cái thực trong tác phẩm cũng là cái thực mang đầy chất mộng, mà những cảnh huống thực ngoài đời hiện ra dưới một màu sắc lờ mờ, hư ảo, và cũng tan dần như một giấc mộng. Bằng không khí đắm say đầy hương sắc đó, Dante đã sáng tạo nên một bài thơ tuyệt diệu, ở đó xao động những nhịp điệu sâu thẳm và bí mật của một tâm hồn rất mực yêu đương, nó tự buông thả vào khúc ca trong trẻo và quyến rũ của những khát vọng cũng như niềm vui của nó. Mặt khác, với “Cuộc sống mới”, Dante cũng được xem là người khởi xướng tiểu thuyết tâm lý ở châu Âu, với những sự phân tích đến chi ly con người nội tâm của mình, con người trăn trở, dằn vặt, không kém mâu thuẫn, và từng độc thoại như một Hămlet. Dante chính là người đầu tiên đưa lên văn đàn châu Âu hình tượng người thanh niên do dự, đang yêu và đang thất vọng.
“Tiệc thết khách” là tác phẩm mang tính lý trí được Dante dùng ngôn ngữ thông tục để viết ra trong giai đoạn 1304 đến 1307, đặt nền tảng cho sáng tác văn xuôi mang tính chất ngữ học thông tục. Dante dựa vào việc giải thích một số tác phẩm thi ca của mình, giới thiệu cho người đọc những tri thức khách quan từ cuộc sống, trong đó phần nào phản ánh những đau khổ, buồn bã thất vọng của ông trong thời gian sống lưu vong. Đồng thời ông muốn dùng tác phẩm này để khoa trương tài năng và trí thức uyên bác của mình, một lần nữa muốn “gõ cánh cửa” trở về quê hương.
Phần một của tác phẩm là lời mở đầu, 14 phần còn lại là thơ chen lẫn những lời bình luận. Tiếc là Dante chỉ hoàn thành 4 phần, những phần này hết lòng ca ngợi ngôn ngữ thông tục, phê bình đả kích quan niệm đẳng cấp của phong kiến.
Dante qua đời tại Raven. Ănghen coi Dante là một “nhân vật khổng lồ”, là “nhà thơ cuối cùng của thời Trung cổ và đồng thời là nhà thơ đầu tiên của thời đại mới”.