Chương 17
DẤU ẤN MANG LẠI THÀNH CÔNG
“Làm những điều bạn có thể, với những gì bạn có, tại nơi bạn đang hiện diện.”
— Theodore Roosevelt
Có những người – cả tôi và bạn đều nằm trong số ấy – cảm thấy bồi hồi mỗi lần nhìn thấy lá quốc kỳ của Tổ quốc mình. Đó là một phản ứng kỳ lạ! Rốt cuộc thì quốc kỳ cũng chỉ là một mảnh vải chẳng có ma thuật gì cả. Nhưng nó tượng trưng cho phẩm giá và tính cách của cả một dân tộc.
Quốc kỳ, cũng như vô số thứ khác quanh ta, là một dấu ấn, một tác nhân khơi gợi tâm trạng. Dấu ấn có thể là một từ hay một cụm từ, một cái chạm hay một vật thể. Nó có thể là điều gì đó chúng ta nhìn thấy, nghe, cảm nhận, nếm hoặc ngửi. Dấu ấn có một sức mạnh to lớn bởi vì chúng có thể khơi dậy những trạng thái mạnh mẽ ngay tức thời.
Ghi dấu ấn là phương thức “neo đậu” hay lưu giữ lâu dài một trải nghiệm nào đó. Chúng ta có thể thay đổi hiển thị nội tại hoặc trạng thái sinh lý của mình trong tích tắc để tạo ra các kết quả mới, và sự thay đổi ấy diễn ra nhờ vào những ý nghĩ có ý thức. Tuy nhiên, bằng cách “neo đậu” trải nghiệm, bạn có thể khơi dậy trạng thái mong muốn vào bất cứ lúc nào mà không phải nghĩ về nó. Khi bạn ghi dấu ấn một điều gì đó đủ sâu, nó sẽ ở bên bạn bất cứ khi nào bạn cần.
Chúng ta rất thường xuyên tạo ra dấu ấn. Dấu ấn, hay “điểm neo đậu” chính là nhịp cầu kết nối các ý nghĩ, ý tưởng, cảm xúc hay trạng thái với một tác nhân kích thích cụ thể. Bạn còn nhớ thí nghiệm của Ivan Pavlov không? Ông đã thí nghiệm trên những chú chó bị đói, đặt miếng thịt ở những nơi chúng có thể ngửi và nhìn thấy nhưng không thể với tới được. Miếng thịt trở thành tác nhân kích thích cảm giác đói của các chú chó. Chúng nhanh chóng chảy nước dãi. Trong lúc đó, Pavlov liên tục rung chuông với một âm sắc cụ thể. Sau đó, ông không cần dùng miếng thịt để làm mồi nhử nữa. Ông chỉ cần rung chuông, ngay tức thì các chú chó sẽ chảy nước dãi như thể có miếng thịt đang ở trước mặt chúng vậy. Ông đã tạo ra một liên kết thần kinh giữa tiếng chuông và trạng thái đói (hay trạng thái chảy nước dãi) của các chú chó.
Chúng ta đang sống trong một thế giới kích thích/phản hồi, nơi mà rất nhiều hành vi của con người là những hồi đáp được lập trình một cách vô thức. Ví dụ, nhiều người bị căng thẳng sẽ ngay lập tức tìm đến thuốc lá, rượu bia hoặc ma túy để cảm thấy khuây khỏa hơn nhưng không cân nhắc hệ quả mà nó mang lại.
Họ cảm thấy hành vi của họ là vô thức và không kiểm soát được. Mấu chốt để trở nên tỉnh táo trong quá trình này là nếu các dấu ấn không thể hỗ trợ bạn, bạn có thể xóa bỏ và thay thế chúng bằng các liên kết kích thích/phản hồi mới.
Vậy thì dấu ấn được tạo ra như thế nào? Khi con người ở trong trạng thái mãnh liệt, cùng lúc đó xuất hiện một tác nhân đặc biệt tại đỉnh điểm của trạng thái ấy, thì tác nhân và trạng thái này sẽ liên kết với nhau. Sau đó, bất cứ khi nào tác nhân kích thích xuất hiện, trạng thái có cường độ mạnh ấy sẽ tự động trỗi dậy. Chúng ta hát quốc ca với cảm giác lâng lâng, đồng thời cũng nhìn vào quốc kỳ. Chúng ta tuyên thệ trung thành và cũng nhìn thấy quốc kỳ. Chẳng mấy chốc, chỉ cần nhìn vào lá quốc kỳ là những cảm xúc ấy tự động trỗi dậy.
Tuy nhiên, không phải tất cả dấu ấn đều mang tính tích cực. Một số dấu ấn khá khó chịu và tệ hại. Sau khi nhận giấy phạt vì chạy quá tốc độ, bạn sẽ bị ám ảnh mỗi khi đi qua khúc đường cao tốc đó.
Hầu hết chúng ta đều ghi dấu ấn một cách bừa bãi. Chúng ta bị tấn công dồn dập bởi những thông điệp từ ti-vi, ra-đi-ô và cuộc sống – một số sẽ trở thành dấu ấn, một số thì không. Đang ở trong trạng thái mãnh liệt – dù là tốt hay xấu – khi ấy bạn lại kết nối với một tác nhân nào đó, vô tình một “điểm neo đậu” được hình thành. Nếu bạn nghe điều gì đó thường xuyên (chẳng hạn như một khẩu hiệu quảng cáo), nó sẽ ghi dấu vào hệ thần kinh của bạn. Tin vui là bạn có thể học cách làm chủ quá trình ghi dấu ấn, đồng thời bạn có thể cài đặt những dấu ấn tích cực và xóa bỏ những dấu ấn tiêu cực.
Ghi dấu ấn là cách thức được nhiều vận động viên chuyên nghiệp ưa dùng. Có thể họ không nhắc đến, hay thậm chí không để ý đến, nhưng họ đang vận dụng nguyên lý này. Các vận động viên đã gắn kết trạng thái hăng hái, hiệu quả nhất của họ với những tình huống “làm hoặc chết” để tạo ra những kết quả xuất sắc. Các vận động viên quần vợt dùng nhịp dập banh hay một kiểu thở nào đó để đưa họ về trạng thái tốt nhất trước khi họ giao banh.
Tôi đã vận dụng kỹ thuật ghi dấu ấn và tái định hình khi làm việc với Michael O’Brien, người đoạt huy chương vàng nội dung bơi tự do 1.500 mét tại Thế vận hội Olympic 1984. Tôi đã tái định hình niềm tin bị giới hạn của anh ta, đồng thời “neo đậu” trạng thái tốt nhất của anh vào phát súng báo hiệu bắt đầu cuộc đua và vạch kẻ đen mà anh phải tập trung vào khi bơi. Những kết quả anh tạo ra trong trạng thái đỉnh điểm đó là những kết quả đáng mong ước.
Vậy, làm thế nào để tạo “điểm neo đậu” cho bản thân và cho người khác. Về cơ bản, có hai bước đơn giản. Đầu tiên, bạn phải đặt bản thân hoặc người kia vào trạng thái mà bạn muốn neo vào. Sau đó, bạn phải liên tục đưa ra một tác nhân kích thích cụ thể và độc đáo. Ví dụ, khi ai đó đang cười, anh ta đang ở trạng thái phù hợp đặc trưng. Rồi bạn vặn tai anh ta với một lực mạnh rõ, đồng thời tạo ra tiếng động đặc trưng nào đó vài lần. Sau đó, bạn quay lại, vừa vặn tai vừa tạo ra tiếng động ấy, anh ta sẽ lại bật cười.
Một cách khác để “neo đậu” sự tự tin đó là yêu cầu người kia nhớ lại lúc anh ta ở trong trạng thái tự tin. Bạn bắt đầu nhìn thấy những thay đổi trong trạng thái sinh lý của anh ta – biểu hiện trên gương mặt, điệu bộ, hơi thở. Khi bạn nhận thấy những trạng thái đó gần lên đến đỉnh điểm, hãy nhanh chóng đưa ra một yếu tố khơi gợi đặc biệt trong vài lần.
Khi mà bạn tin rằng bạn đã có một dấu ấn, bạn cần phải kiểm nghiệm nó. Đầu tiên, làm cho người đó quay về trạng thái bình thường. Sau đó, đưa ra yếu tố kích thích phù hợp và quan sát. Trạng thái sinh lý của anh ta có giống như trạng thái tích cực trước đó không? Nếu có, thì dấu ấn đã phát huy tác dụng. Nếu không, có lẽ bạn đã thiếu một trong bốn điểm mấu chốt để tạo dấu ấn khơi gợi thành công:
ĐIỂM MẤU CHỐT TẠO NÊN DẤU ẤN
Cường độ của trạng thái
Thời điểm (Đỉnh điểm của trạng thái)
Sự độc đáo của yếu tố kích thích/khơi gợi
Mức độ lặp lại các yếu tố kích thích/khơi gợi
1 Để “điểm neo đậu” phát huy tác dụng, khi đưa ra yếu tố kích thích/khơi gợi, bạn phải đưa người ấy vào trạng thái phù hợp, toàn bộ cơ thể cùng tham gia vào tiến trình.
Tôi gọi đây là trạng thái có cường độ cao. Cường độ càng cao thì càng dễ ghi dấu ấn và dấu ấn tồn tại càng lâu. Nếu bạn ghi dấu ấn cho ai đó trong khi anh ta vừa nghĩ về chuyện này, vừa quan tâm đến chuyện kia, thì yếu tố kích thích sẽ liên kết với những tín hiệu rời rạc và vì thế sẽ không mạnh.
2. Bạn phải đưa ra yếu tố kích thích ngay tại đỉnh điểm của trải nghiệm.
Nếu bạn ghi dấu ấn quá sớm hoặc quá trễ, bạn sẽ không bắt được cường độ đỉnh điểm. Bạn có thể phát hiện đỉnh điểm của trải nghiệm bằng cách quan sát phản ứng của cơ thể. Hoặc bạn có thể bảo anh ta cho bạn biết khi nào trạng thái của anh ta gần chạm đến đỉnh điểm, và dùng dữ kiện đó để xác định khoảnh khắc then chốt mà đưa ra yếu tố kích thích.
3. Bạn nên chọn một yếu tố kích thích đặc trưng.
Dấu ấn phải cung cấp cho trí não tín hiệu rõ ràng và đáng tin cậy. Nếu ai đó đang ở trạng thái cường độ cao và bạn cố gắng thiết lập “điểm neo đậu”, ví dụ như bằng một cái nhìn, thì sẽ không hiệu quả lắm bởi vì “điểm neo đậu” này không riêng biệt và rất khó để não nhận được tín hiệu rõ ràng. Tương tự, một cái bắt tay cũng không hiệu quả bởi chúng ta lúc nào cũng bắt tay. Tốt nhất là kết hợp dấu ấn với thị giác, thính giác, xúc giác… cùng một lúc để tạo ra yếu tố kích thích riêng biệt, giúp não bộ dễ dàng nắm bắt. Vì vậy, ghi dấu ấn bằng một cái chạm và một câu nói thường sẽ hiệu quả hơn so với một cái chạm.
4. Để “điểm neo đậu” phát huy tác dụng, bạn phải lặp lại chính xác.
Nếu quy trình ghi dấu ấn của bạn tuân theo bốn nguyên tắc này, nó sẽ phát huy hiệu quả. Một trong những điều tôi đã làm trong hoạt động đi trên than hồng là hướng dẫn mọi người cách tạo ra dấu ấn giúp huy động nguồn năng lượng mạnh mẽ, tích cực.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng làm một bài tập Ghi dấu ấn đơn giản. Đứng dậy và nghĩ về thời điểm mà bạn hoàn toàn tự tin. Đặt cơ thể bạn vào trạng thái sinh lý như lúc đó. Đứng với tư thế như khi bạn hoàn toàn tự tin. Tại đỉnh điểm của cảm giác ấy, nắm bàn tay lại và nói “Vâng!” một cách hùng hồn và chắc chắn. Hãy hít thở như cách bạn đã hít thở khi bạn hoàn toàn tự tin. Một lần nữa nắm tay lại và nói “Vâng!” với cùng một giọng điệu. Bây giờ, nói với giọng điệu hoàn toàn tự tin, đồng thời nắm chặt bàn tay và nói “Vâng!” với cùng một cách thức.
Khi bạn đã ở trong trạng thái hoàn toàn tự tin, tại đỉnh điểm của trải nghiệm đó, hãy nhẹ nhàng nắm tay lại và nói “Vâng!” với giọng điệu mạnh mẽ. Chú ý đến nguồn năng lượng thể chất và tinh thần của bạn, cảm nhận đầy đủ nguồn năng lượng ấy. Lặp lại khoảng 5 – 6 lần, mỗi lần cảm nhận mạnh mẽ hơn, tạo sự liên kết giữa trạng thái này với hành động nắm chặt bàn tay và nói “Vâng!”. Chẳng bao lâu, chỉ bằng cách nắm chặt bàn tay, bạn có thể ngay lập tức có được trạng thái như ý muốn. Sau khi đã ghi dấu ấn cho trạng thái tự tin, bạn có thể dùng nó trong những tình huống khó khăn. Nắm chặt tay lại và cảm thấy hoàn toàn tự tin.
Việc ghi dấu ấn thường hiệu quả nhất khi người được tạo không hề biết gì cả. Trong cuốn sách Keeping Faith của mình, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đưa ra một ví dụ xuất sắc về việc ghi dấu ấn. Trong những buổi nói chuyện về việc kiểm soát cánh tay, Leonid Brezhnev đã làm Carter giật mình bằng việc đặt tay của mình lên vai ông và nói bằng một thứ tiếng Anh hoàn hảo: “Jimmy, nếu chúng ta không thành công, thì Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta”. Nhiều năm sau đó, khi được phỏng vấn trên ti-vi, Carter đã miêu tả Brezhnev như là “người đàn ông của hòa bình” và kể lại câu chuyện này. Trong lúc kể chuyện, Carter đã đưa tay lên và chạm vào vai rồi nói: “Tôi vẫn có thể cảm nhận được tay của anh ta trên vai vào lúc này”. Carter nhớ lại trải nghiệm đó một cách sống động bởi vì Brezhnev làm ông giật mình bằng việc sử dụng một thứ tiếng Anh hoàn hảo và nhắc đến Chúa. Là một người mộ đạo, rõ ràng Carter có những xúc cảm mạnh về những gì Brezhnev nói, và thời điểm quyết định là khi Brezhnev chạm vào ông. Cường độ cảm xúc của Carter và tầm quan trọng của vấn đề gần như đảm bảo ông sẽ ghi nhớ trải nghiệm này suốt đời.
PHƯƠNG THỨC XÁC ĐỊNH SỰ THAY ĐỔI TRẠNG THÁI
Hãy lưu ý đến những thay đổi ở:
Hơi thở
vị trí
quãng nghỉ
nhịp
lượng
Sự chuyển động của mắt
Kích thước của môi dưới
Điệu bộ
Độ căng cơ
Độ giãn nở đồng tử
Màu sắc/Độ sáng của da
Giọng nói
tính dứt khoát
tốc độ
âm sắc
giọng điệu
âm lượng
Việc ghi dấu ấn có thể rất thành công trong việc vượt qua nỗi sợ hãi và thay đổi hành vi. Trong các buổi hội thảo, tôi yêu cầu một vài người bước lên trước khán phòng. Họ có thể là nam hay nữ, và là những người cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với người khác giới. Lần nọ, một chàng trai trẻ có chút gì đó rụt rè đã xung phong. Khi tôi hỏi cậu ta cảm thấy thế nào khi nói chuyện hay hẹn hò với một phụ nữ lạ mặt, tôi có thể thấy được phản ứng tức thời của cơ thể cậu ta – dáng người sụp xuống, đôi mắt chùng lại, giọng nói run rẩy. Cậu ấy nói: “Tôi không thật sự thoải mái khi làm việc đó”. Không cần phải nói gì cả, chính trạng thái sinh lý của cậu đã nói hộ điều tôi cần biết. Tôi đã phá vỡ trạng thái này bằng cách hỏi liệu cậu ấy có còn nhớ khoảng thời gian mà cậu cảm thấy tự tin, hãnh diện và chắc chắn, khoảng thời gian mà cậu biết rằng mình sẽ thành công. Cậu ấy gật đầu, và tôi hướng dẫn cậu ấy đi vào trạng thái đó. Tôi yêu cầu cậu đứng với tư thế tự tin và hít thở theo cách tự tin. Tôi bảo cậu ấy nghĩ về những người đã tiếp chuyện với cậu tại thời điểm cậu cảm thấy tự tin và hãnh diện, nhớ về những điều cậu đã tự nói với mình khi đang ở trạng thái đó. Tại đỉnh điểm của trải nghiệm, tôi chạm vào vai cậu ta.
Sau đó, tôi dẫn dắt cậu ấy trải qua cùng một trải nghiệm vài lần. Mỗi lần, tôi phải chắc chắn rằng cậu ta cảm nhận và nghe chính xác cùng những điều đó. Ở đỉnh điểm của mỗi trải nghiệm, tôi chạm vào vai cậu ta để tạo dấu ấn. Hãy nhớ là, việc tạo dấu ấn thành công phụ thuộc vào sự lặp lại chính xác, vì vậy tôi cẩn thận chạm vào cậu ấy theo cùng một cách và đưa cậu ấy vào cùng một trạng thái. Đến đây, tôi cần kiểm nghiệm lại hiệu quả của “điểm neo đậu” này. Tôi phá vỡ trạng thái của cậu, và hỏi cậu cảm thấy như thế nào về phụ nữ. Ngay tức khắc, cậu ta quay lại trạng thái sinh lý phiền muộn – vai cụp xuống, hít thở ngập ngừng. Khi tôi chạm vào vai cậu tại điểm mà tôi đã ghi dấu ấn, cơ thể cậu tự động “bật” trở về trạng thái sinh lý tự tin, mạnh mẽ.
“Nếu bạn làm những việc bạn vẫn thường làm, bạn sẽ nhận được cái mà bạn vẫn luôn nhận.”
— Khuyết danh
Nhận thức được việc tạo dấu ấn là rất quan trọng bởi vì nó luôn ở quanh chúng ta. Nếu bạn nhận thức được nó đang diễn ra, bạn có thể ứng phó và thay đổi nó. Ví dụ như, khi một người vừa mất đi người thân, anh ta ở trong trạng thái đau buồn vô hạn. Tại đám tang, rất nhiều người đi ngang qua và chạm vào bả vai trái anh ta để chia buồn, bày tỏ niềm tiếc thương. Nếu có đủ người chạm vào anh ta theo cùng một cách giống nhau, và anh ta vẫn ở trong tâm trạng phiền muộn khi họ làm điều đó, thì cái chạm vào vị trí ấy sẽ “neo đậu” trạng thái u sầu của anh. Vài tháng sau đó, khi ai đó vô tình chạm vào chỗ này với cùng một áp lực nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn khác, nó có thể khơi dậy cảm giác đau buồn, và anh ta thậm chí không biết tại sao mình lại cảm thấy như vậy. Bạn đã bao giờ có trải nghiệm như thế này chưa, khi bạn bỗng nhiên cảm thấy trầm cảm mà thậm chí không biết tại sao?
Ghi dấu ấn là cách làm rất quan trọng nếu bạn muốn phát triển một mối quan hệ thân thiết lâu dài. Tôi và vợ tôi Becky đã cùng nhau đi rất nhiều nơi, chia sẻ những ý tưởng này với nhiều người. Chúng tôi thường xuyên ở trong trạng thái tích cực đầy mạnh mẽ, và thường nhìn hay chạm vào nhau tại đỉnh điểm của trải nghiệm. Kết quả là, mối quan hệ của chúng tôi được lấp đầy bởi các dấu ấn tích cực – bất cứ khi nào chúng tôi nhìn vào mặt nhau, tất cả những giây phút yêu thương, hạnh phúc, mạnh mẽ đó được khơi dậy.
Nhận ra sức mạnh của việc lưu dấu ấn đối với con trẻ cũng là điều rất quan trọng. Một hôm, ở trường học, con trai Joshua của tôi được cảnh báo về việc không nên chấp nhận đi quá giang xe với người lạ mặt. Tôi cảm kích việc làm này, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cách thức thông điệp được trình bày. Nhóm đã trưng ra loạt hình ảnh ghê sợ – nào là áp-phích của những đứa trẻ bị mất tích, thậm chí cả hình ảnh xác của những đứa trẻ được đưa lên từ dưới mương. Họ nói rằng trẻ con mà đồng ý đi quá giang với những người lạ có thể có kết cục như thế này. Rõ ràng đây là một chiến lược tránh xa để thúc đẩy bọn nhỏ.
Tuy nhiên, kết quả khá là tiêu cực, ít nhất là với con trai tôi, và tôi có thể đoán được kết quả với những đứa trẻ khác. Những điều họ làm đã gieo nỗi ám ảnh cho chúng. Con trai tôi thấy những hình ảnh to lớn, rõ mồn một về việc bị sát hại, nó liên kết những hình ảnh này với việc đi bộ về nhà. Ngày hôm đó, cậu bé từ chối đi bộ về nhà và đòi được đón ở trường. Trong 2 – 3 ngày tiếp theo, cậu bé liên tục choàng tỉnh vào giữa đêm vì gặp ác mộng, thậm chí nó còn từ chối đi bộ đến trường cùng với chị gái. May mắn thay, tôi hiểu được nguồn cơn gây ra vấn đề này. Lúc đó tôi không có ở nhà, và khi tôi phát hiện ra sự việc, tôi đã thực hiện một chuỗi các dấu ấn phá vỡ và chữa lành nỗi ám ảnh qua điện thoại. Trong ngày tiếp theo, Joshua đã tự mình đi bộ đi học một cách tự tin, mạnh mẽ và hăng hái. Cậu bé sẽ không dại dột – vì biết những điều cần tránh và những điều phải làm để tự bảo vệ bản thân. Và Joshua được khuyến khích sống một cuộc sống mà nó mong muốn, hơn là sống trong sợ hãi.
Những người trình bày bài thuyết trình rõ ràng là có ý tốt. Tuy nhiên, sự chân thật đó không lường trước được những tác dụng “phụ”. Vì vậy, hãy để tâm đến những tác động bạn gây ra cho người khác – nhất là đối với trẻ nhỏ!
Nếu chỉ đọc sách thôi, những điều này sẽ lướt qua nhanh. Nhưng nếu bạn thật sự thực hành, bạn sẽ cảm nhận được nguồn sức mạnh không thể tin nổi. Đó chính là thành phần cốt yếu cho sự thành công: tránh những yếu tố có xu hướng đưa bạn vào trạng thái tiêu cực, chỉ nên đặt bản thân và những người khác vào trạng thái tích cực.
Cũng như một hòn đá được ném xuống ao sẽ tạo ra sóng gợn lăn tăn, thành công trong việc áp dụng kỹ năng này sẽ tạo ra nhiều thành công hơn nữa. Tôi hy vọng bạn sẽ vận dụng chúng không chỉ trong hôm nay, mà còn thường xuyên trong cuộc đời bạn.