Chương 16
THAY CÁCH NHÌN, ĐỔI TRẢI NGHIỆM
“Cuộc sống không bao giờ đứng yên một chỗ. Chỉ những người điên hoặc những người nằm ngoài nghĩa trang mới không thay đổi nhận thức của mình.”
— Everett Dirksen
Nếu tôi hỏi bạn: “Một bước chân có ý nghĩa gì?”, có thể bạn sẽ trả lời: “Nó chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả”. Chà, nếu bạn đang đi bộ trên một con đường đông đúc, có rất nhiều bước chân thậm chí bạn không nghe thấy. Trong tình huống đó, chúng không có ý nghĩa gì. Nhưng điều gì xảy ra nếu bạn đang ngồi ở nhà một mình giữa đêm khuya và nghe tiếng bước chân đang bước xuống cầu thang? Một thoáng sau, bạn nghe tiếng bước chân tiến về phía bạn. Những bước chân này có ý nghĩa gì không? Chắc chắn là có. Những tín hiệu, chẳng hạn như tiếng bước chân, sẽ có ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào việc nó có ý nghĩa thế nào với bạn trong những tình huống tương tự trong quá khứ.
Những trải nghiệm trước đây sẽ cung cấp cho bạn bối cảnh liên quan đến tín hiệu ấy, và từ đó làm bạn cảm thấy thư thái hoặc khiến bạn sợ hãi. Ví dụ, bạn có thể xem âm thanh đó là tiếng bước chân của vợ/chồng bạn; còn những người từng bị trộm viếng thăm có thể nghĩ đó là tiếng động của một người đang đột nhập vào nhà. Như vậy, ý nghĩa của bất kỳ trải nghiệm nào trong cuộc sống phụ thuộc vào bối cảnh chúng ta đặt xung quanh nó. Nếu bạn thay đổi cách nhìn, hay bối cảnh, ý nghĩa của trải nghiệm sẽ ngay lập tức thay đổi. Một trong những công cụ hiệu quả nhất để mang lại sự thay đổi là đưa ra những cách nhìn, quan điểm tốt nhất về bất kỳ trải nghiệm nào. Quy trình này được gọi là tái định hình.
Nhìn hình dưới đây, bạn thấy gì?
Bạn có thể thấy rất nhiều thứ: mặt bên của một chiếc mũ, một con quái vật, một mũi tên hướng xuống, v.v. Và bạn cũng nhìn thấy từ “fly (bay)” chứ? Bạn có thể nhìn thấy nó ngay tức thì bởi ví dụ này được áp dụng rất nhiều trong quảng cáo. Như vậy, khung tham chiếu trước đây đã giúp bạn nhìn thấy từ “fly” ngay lập tức.
Điều này cũng đúng trong cuộc sống. Luôn có cách để nhận ra những cơ hội tuyệt vời giữa những vấn đề đáng ngại nhất chỉ khi chúng ta bước ra khỏi những mô thức nhận thức cũ.
Không điều gì trên thế giới này mang ý nghĩa trường cửu, bất biến. Cảm nhận của ta về điều gì đó và hành động ta thực hiện trong cuộc sống này phụ thuộc vào nhận thức của ta về nó. Một dấu hiệu chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong bối cảnh.
Con người thường có khuynh hướng ấn định ý nghĩa cụ thể cho từng trải nghiệm. Nhưng trên thực tế có vô số cách để diễn giải một trải nghiệm. Ta có khuynh hướng đóng khung sự việc dựa trên những gì ta nhận thức về chúng trong quá khứ. Có những lúc chỉ cần thay đổi mô thức nhận thức quen thuộc là ta đã có thể đưa ra những lựa chọn tuyệt vời hơn cho cuộc sống của mình.
Nhận thức là “khoảng trời sáng tạo” của con người. Nghĩa là, nếu ta xem điều gì đó như là một khoản nợ, đấy chính là thông điệp ta gửi đến não bộ. Từ đó não bộ tạo ra trạng thái khiến cho cách nhìn nhận này trở thành sự thật. Nếu ta thay đổi khung tham chiếu bằng cách nhìn vào tình huống tương tự với một góc nhìn khác, ta có thể thay đổi cách phản ứng của mình trong cuộc sống. Chỉ cần thay đổi nhận thức, trạng thái và hành vi của ta sẽ thay đổi ngay lập tức. Đó là ý nghĩa của việc tái định hình.
hình A__________________hình B
Nhìn vào hình A, bạn thấy gì? Chắc chắn bạn nhìn thấy một bà lão.
Giờ thì nhìn vào hình B. Vẫn là bức phác họa một bà lão, với chiếc cằm ẩn trong lớp áo khoác lông chim. Hãy nhìn thật kỹ và nhận ra xem bà ấy đang hạnh phúc hay buồn bã? Có điều gì đó thú vị về bà cụ này. Họa sĩ phác thảo bức tranh này khẳng định đây là bức vẽ cô con gái xinh xắn của bà. Nếu bạn thay đổi khung tham chiếu, bạn có thể nhìn thấy người con gái xinh đẹp ấy. Nhưng làm thế nào để nhìn ra? Mũi của bà cụ trở thành cằm và sóng mũi của cô gái. Mắt trái của bà cụ là tai trái của cô gái. Miệng của bà cụ trở thành chiếc vòng cổ của cô. Nếu vẫn khó hình dung, bức vẽ sau sẽ giúp bạn nhận ra ngay. Hãy nhìn vào hình C.
Câu hỏi đặt ra là tại sao bạn nhìn thấy bà cụ trong hình B mà không phải là cô gái trẻ xinh đẹp? Bạn đã được lập trình trước đó để nhìn thấy bà cụ. Trong các cuộc hội thảo, tôi cho một nửa học viên xem hình A và một nửa xem hình C. Khi hai nhóm bắt đầu trao đổi, tranh cãi thường nổ ra để phân định ai đúng. Những ai nhìn thấy hình A trước sẽ cảm thấy khó khăn khi nhận diện người thiếu nữ, và tương tự như vậy với những ai nhìn thấy hình C trước.
hình C
Cần lưu ý rằng những trải nghiệm quá khứ thường lọc khả năng nhìn nhận điều gì đó đang thực sự diễn ra trên thế giới, trong khi có vô số cách để nhìn hay trải nghiệm một tình huống bất kỳ. Một người mua trước vé tham dự buổi hòa nhạc rồi bán lại với giá cao hơn trước cửa nhà hát có thể bị xem là kẻ ti tiện lợi dụng người khác hoặc anh ta cũng có thể được xem là người mang lại giá trị cho những ai chưa có vé hoặc không muốn xếp hàng mua. Chìa khóa để thành công trong cuộc sống là nhất quán thể hiện những trải nghiệm của mình theo cách hỗ trợ bạn tạo ra những kết quả to lớn hơn cho bản thân và cho người khác.
Tái định hình là một hình thức chuyển từ trạng thái tiêu cực sang tích cực, bằng cách thay đổi khung tham chiếu để nhìn nhận về một điều gì đó. Có 2 dạng tái định hình chính: tái định hình bối cảnh và tái định hình nội dung. Cả hai đều giúp thay đổi những hiển thị nội tại bằng cách xử lý những xung đột (hay đau đớn nội tâm), từ đó đưa bạn đến trạng thái tích cực, toàn vẹn hơn.
Tái định hình bối cảnh là chọn lấy một trải nghiệm buồn hoặc không mong muốn, và nhận ra những hành vi hay trải nghiệm tương tự sẽ trở thành lợi thế lớn trong bối cảnh khác như thế nào. Chiếc mũi của Rudolph, khiến cậu bị cười nhạo, thực sự là một lợi thế và biến cậu trở thành anh hùng giữa trời đêm tuyết giá. Chú vịt “xấu xí” chịu đựng nỗi đau khổ bởi sự khác biệt của mình, nhưng chính sự khác biệt đó lại tạo nên vẻ đẹp của một con thiên nga trưởng thành.
Những phát minh vĩ đại được tạo ra bởi những người biết cách tái định hình vấn đề thành những nguồn lực tiềm năng trong những bối cảnh khác. Chẳng hạn như, dầu hỏa từng được xem là thứ gây hại cho đất trồng trọt, song hãy nhìn vào giá trị của nó ngày nay mà xem.
Các xưởng gỗ đã từng gặp khó khăn trong việc xử lý mùn cưa thải ra từ các nhà máy. Thế rồi một người đã thu gom và quyết định tận dụng nó. Ông trộn mùn cưa với keo và một loại chất lỏng nhẹ để tạo ra Presto Logs – một loại củi đốt. Sau khi giao ước lấy đi toàn bộ mùn cưa “vô giá trị” từ các nhà máy, chỉ trong vòng hai năm ông đã gầy dựng nên một công ty trị giá hàng triệu đô-la với nguồn nguyên liệu chính không tốn một xu.
Tái định hình nội dung là việc biến đổi ý nghĩa của một tình huống. Chẳng hạn như, bạn bảo rằng cậu con trai của bạn chẳng bao giờ im miệng. Sau khi tái định hình nội dung, có thể bạn sẽ cho rằng ắt hẳn cậu bé phải rất thông minh vì có quá nhiều thứ để nói. Một vị tướng đã tái định hình cho đội quân của mình trong một cuộc công kích xối xả của địch bằng cách nói: “Chúng ta không rút lui, chúng ta chỉ chuyển sang một hướng khác”.
Khi một người thân mất đi, hầu hết mọi người đều cảm thấy đau buồn. Tại sao vậy? Có nhiều lý do – chẳng hạn như cảm thấy mất mát. Song, nhiều người lại cảm thấy viên mãn. Tại sao vậy? Họ tái định hình cái chết thành việc người đã khuất luôn luôn ở bên họ, rằng không thứ gì trong vũ trụ này bị phá hủy, vạn vật chỉ thay đổi hình thái biểu hiện. Một số người xem cái chết là bước chuyển đổi sang dạng thức tồn tại cao hơn nên họ cảm thấy viên mãn.
Một hình thức khác của tái định hình nội dung là thay đổi cách nhìn, cách nghe hoặc cách biểu đạt một tình huống. Nếu bạn buồn bã vì những gì người khác nói với bạn, bạn có thể hình dung mình đang mỉm cười thưởng thức những lời lẽ tiêu cực ấy được chuyển tải qua giọng hát của ca sĩ mình yêu thích. Hoặc bạn có thể hình dung những lời anh ta nói tựa như những nấc thang đang nâng bạn lên thật cao. Tái định hình sẽ làm thay đổi ý nghĩa của thông điệp được gửi đến não bộ, theo đó thay đổi trạng thái và hành vi đi cùng.
Có một cậu bé tên là Calvin Stanley. Calvin cũng biết chạy xe đạp, chơi bóng chày, đi học và làm những việc như bao đứa trẻ cùng tuổi khác – ngoại trừ việc nhìn thấy. Làm thế nào cậu bé này có thể làm được mọi thứ, trong khi nhiều người cùng cảnh ngộ sẽ bỏ cuộc hoặc sống trong sầu muộn? Mẹ của Calvin là một bậc thầy về tái định hình. Bà đã chuyển những trải nghiệm “hạn chế” của Calvin thành lợi thế trong tâm trí Calvin. Sau đây là một trong những cuộc đối thoại giữa bà với cậu bé:
Mẹ Calvin nhớ lại ngày mà cậu con trai đã hỏi bà tại sao nó bị mù.
- Tôi đã giải thích rằng cháu được sinh ra như thế, và đó không phải là lỗi của ai cả.
Cháu lại hỏi:
- Nhưng sao lại là con?
Tôi nói:
- Mẹ không biết tại sao, Calvin à. Có thể đó chính là một kế hoạch đặc biệt dành cho con.
Sau đó, bà bảo cậu bé ngồi xuống và nói với cậu bé:
- Con vẫn đang nhìn thấy, Calvin à. Con đang sử dụng đôi tay thay cho đôi mắt. Và hãy nhớ rằng, không có gì con không thể làm được.
Một ngày nọ, Calvin cảm thấy buồn bã vì cậu nhận ra cậu không bao giờ có thể nhìn thấy khuôn mặt của mẹ. Rồi người mẹ nói:
- Calvin, con có thể nhìn thấy khuôn mặt mẹ. Con có thể nhìn thấy bằng đôi tay của mình và lắng nghe giọng nói của mẹ, và con có thể kể về mẹ nhiều hơn bất cứ ai có thể nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt của họ.
Cứ như thế, Calvin tiếp tục tiến bước với sự tin tưởng và tự tin. Calvin muốn trở thành lập trình viên và một ngày nào đó thiết kế những chương trình dành cho người mù.
Thế giới này có rất nhiều người như Calvin. Chúng ta cần có nhiều hơn nữa những người biết vận dụng kỹ thuật tái định hình một cách hiệu quả như bà Stanley đã làm.
Hãy nghĩ về một sai lầm nghiêm trọng bạn mắc phải năm ngoái. Hẳn là bạn sẽ cảm thấy buồn rầu, nhưng rất có thể sai lầm ấy là một phần trong kinh nghiệm thành công của bạn. Khi xem xét nó, bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn.
Bạn đang nắm quyền kiểm soát. Bạn điều khiển bộ não của bạn. Bạn tạo ra kết quả cho cuộc sống của mình. Tái định hình là một trong những cách hiệu quả nhất giúp thay đổi cách nghĩ về một trải nghiệm.
Hãy dành thời gian và tái định hình những tình huống sau:
1. Sếp suốt ngày la mắng tôi.
2. So với năm ngoái, năm nay tôi phải trả thêm 4.000 đô-la cho thuế thu nhập.
3. Chúng tôi không có tiền để mua quà Giáng sinh năm nay.
4. Mỗi lần tôi bắt đầu thành công, tôi lại hủy hoại thành công của chính mình.
Sau đây là một vài mẫu tái định hình gợi ý:
la. Thật tuyệt vời khi sếp quan tâm đến bạn và cho bạn biết ông đang thực sự cảm thấy thế nào. Đáng lẽ ông ta chỉ cần sa thải bạn.
2a. Tuyệt vời! Ắt hẳn bạn đã kiếm thêm được khá nhiều tiền so với năm ngoái.
3a. Tuyệt vời! Như vậy bạn có thể trở nên khéo léo hơn khi tự tạo ra những món quà mà mọi người không bao giờ quên. Món quà đó sẽ mang đậm dấu ấn của bạn.
4a. Thật tốt là bạn nhận thức được mô thức cũ của mình. Bây giờ bạn có thể nhận ra điều gì cản trở thành công của bạn và thay đổi nó mãi mãi!
Tái định hình là kỹ thuật khá quan trọng trong việc giao tiếp với bản thân và với người khác. Ở cấp độ cá nhân, đó là cách chúng ta đặt ý nghĩa cho mỗi sự việc diễn ra. Ở cấp độ rộng hơn, đây là một trong những công cụ giao tiếp hữu hiệu nhất.
Một người bạn của tôi bán chuỗi nhà hàng chuyên về thực phẩm tốt cho sức khỏe cho General Mills với giá gấp 167 lần thu nhập của anh. Anh ta làm điều đó như thế nào? Anh ta đã để cho General Mills quyết định giá trị của công ty mình dựa trên giá trị của nó nếu họ không mua nó trong vòng 5 năm tới. Anh ta có thể chờ tới thời điểm đó rồi bán nó cho họ. Nhưng họ cần nó ngay bây giờ để đạt được mục tiêu kinh doanh, nên họ đã đồng ý với đề xuất của anh. Việc thay đổi nhận thức đã giúp ích cho quá trình thuyết phục.
Một trong những ứng dụng tái định hình tuyệt vời nhất trong lĩnh vực quảng cáo đã được Pepsi-Cola thực hiện. Coca-Cola đã từng được xem là thức uống giải khát hàng đầu. Lịch sử, truyền thống và vị thế của nó trên thị trường đã không bị thách thức. Pepsi chẳng làm được gì để đánh bại vị thế của Coke. Nếu bạn đứng lên chống lại một thứ kinh điển, bạn không thể nói “Chúng tôi kinh điển hơn họ” bởi vì sẽ chẳng có ai tin.
Thay vào đó, Pepsi đảo ngược thế cờ – hãng nước ngọt này đã tái định hình nhận thức vốn có của mọi người. Khi hãng bắt đầu nói về Thế hệ Pepsi (Pepsi Generation) và đưa ra chương trình Thách thức của Pepsi (Pepsi Challenge), hãng đã biến điểm yếu thành thế mạnh cho mình. Pepsi đưa ra thông điệp “Rõ ràng những hãng khác đã từng ở vị thế thống trị, nhưng hãy nhìn vào ngày hôm nay. Bạn muốn sản phẩm của ngày hôm qua hay sản phẩm của ngày hôm nay?”. Mẩu quảng cáo đã tái định hình hình ảnh thống trị truyền thống của Coke thành điểm yếu của hãng này, bởi lẽ nó chỉ ra rằng đây là sản phẩm của quá khứ, không phải sản phẩm của tương lai. Và Pepsi đã biến vị thế thứ yếu ấy trở thành lợi thế của công ty.
Hãy dành ra một phút để nghĩ về 3 tình huống trong cuộc sống đang thách thức bạn. Bạn nhìn vào mỗi tình huống bằng bao nhiêu cách? Bạn đặt xung quanh chúng bao nhiêu khung tham chiếu? Bạn học được gì khi nhìn chúng khác đi? Điều này giúp bạn hành động khác đi như thế nào?
Một số người nói rằng: “Việc này không dễ thực hiện. Thỉnh thoảng tôi quá chán nản để làm điều đó”. Chán nản là gì? Đấy chỉ là một trạng thái. Điều kiện tiên quyết để có thể tái định hình chính bản thân là ngắt kết nối với trải nghiệm chán nản và nhìn nó từ một góc nhìn khác, sau đó bạn mới có thể thay đổi hiển thị nội tại và trạng thái sinh lý.
Một cách để tái định hình là thay đổi ý nghĩa của một trải nghiệm hoặc hành vi. Có một anh chồng nọ rất thích nấu ăn, và việc đánh giá cao những món ăn anh ta nấu là điều khá quan trọng đối với anh. Nhưng người vợ thì cứ im lặng trong suốt bữa ăn. Người chồng cảm thấy rất thất vọng. Nếu thích món ăn của anh, cô ấy phải nói về nó chứ. Nếu cô ấy không nói gì cả, ắt hẳn cô ấy không hài lòng. Bạn có thể làm gì để tái định hình nhận thức của anh chồng về hành vi của vợ?
Hãy nhớ rằng sự cảm kích là điều quan trọng đối với anh ta. Bạn có thể nói rằng có lẽ vợ anh đang mải mê thưởng thức món ăn cho nên cô ấy không muốn dừng lại để nói chuyện.
Hoặc bạn có thể hỏi: “Anh đã bao giờ im lặng trong suốt bữa ăn bởi vì anh đang thưởng thức các món ăn? Điều gì đã xảy ra?” để giúp anh thay đổi ý nghĩa của hành vi. Hành vi của vợ chỉ gây khó chịu khi anh nhìn bằng cái khung tham chiếu cố hữu của anh. Trong trường hợp đó, chỉ cần linh hoạt thay đổi khung tham chiếu một chút là ổn.
Bạn có thể tái định hình những hình ảnh hoặc trải nghiệm làm bạn khó chịu. Chẳng hạn, nghĩ đến một người hoặc một trải nghiệm ám ảnh bạn. Bạn trở về nhà sau một ngày tệ hại ở nơi làm việc, và tất cả những gì bạn nghĩ đến lúc này là cái dự án quái quỷ mà cấp trên giao cho bạn vào phút chót. Thay vì dẹp nó sang một bên, bạn mang theo sự chán nản về nhà. Trong khi xem ti-vi với lũ trẻ, bạn vẫn ngập ngụa trong nỗi tức giận về gã sếp ngớ ngẩn và cái dự án ngu ngốc của ông ta.
Thay vì trải qua ngày nghỉ cuối tuần với tâm trạng đầy phiền muộn, bạn có thể tái định hình trải nghiệm này theo hướng giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Bắt đầu từ việc ngắt kết nối bản thân với chuyện này. Vẽ lại hình ảnh ông sếp. Vẽ thêm một cặp kính hài hước, một chiếc mũi to và hàng ria mép cho ông ta. Hình dung ông ấy đang la thét với giọng điệu hài hước như trong phim hoạt hình. Cảm thấy ông ấy thật ấm áp và trìu mến, và lắng nghe ông ấy đang khẩn thiết yêu cầu sự giúp đỡ của bạn cho dự án này. Bạn có sẵn lòng giúp không? Sau khi vẽ lại tình huống này, bạn có thể nhận thấy ông ta đang căng thẳng, cho nên quên nói với bạn những gì ông ta cần nói cho đến phút chót. Hãy nhớ lại một thời điểm bạn đã từng làm như vậy với một người khác. Tự hỏi bản thân liệu tình huống này có đáng để bạn làm hỏng cả ngày nghỉ cuối tuần vì nó.
Một điều quan trọng cần nhớ về tái định hình là mọi hành vi của con người đều có ý nghĩa nhất định trong bối cảnh nào đó. Bạn hút thuốc không phải bởi vì bạn muốn đưa chất gây ung thư vào trong phổi. Bạn hút thuốc để cảm thấy thư thái, thoải mái hơn trong những tình huống xã hội. Bạn thông qua hành vi này để tạo ra một cái gì đó cho bản thân mình. Do vậy, trong một số trường hợp, bạn không thể tái định hình hành vi khi mà chưa tìm ra nhu cầu cơ bản ẩn sau hành vi đó.
Richard Bandler và John Grinder đã thiết lập một quy trình tái định hình 6 bước để thay đổi những hành vi không mong muốn thành những hành vi mong muốn, trong khi vẫn duy trì được những lợi ích quan trọng mà hành vi cũ đem lại:
1. Nhận ra mô thức hoặc kiểu hành vi bạn muốn thay đổi.
2. Giao tiếp với phần vô thức tạo ra hành vi đó.
Hướng sự chú ý vào bên trong và tự hỏi: “Liệu phần tạo ra hành vi X trong tôi có sẵn lòng trao đổi với tôi trong ý thức?”. Lưu ý và ghi chép lại bất kỳ thay đổi nào trong cảm giác, hình ảnh hoặc âm thanh – xảy ra như là một cách phản ứng với câu hỏi bạn đưa ra.
Yêu cầu phần X ấy tăng cường tín hiệu khi nó muốn nói “Có”, và giảm tín hiệu khi muốn nói “Không”. Thử kiểm tra phản ứng bằng cách yêu cầu nó phát ra tín hiệu “Có”… và sau đó là “Không”… để bạn có thể phân biệt giữa hai phản ứng.
3. Tách biệt ý định với hành vi.
Cảm ơn phần X đó vì đã sẵn lòng hợp tác với bạn. Bây giờ hãy hỏi liệu nó có sẵn lòng cho bạn biết nó đã cố gắng giúp bạn điều gì khi sinh ra hành vi X. Khi bạn hỏi câu này, một lần nữa hãy chú ý đến phản ứng “Có” hoặc “Không”. Ghi chú lại những lợi ích mà hành vi này đem lại cho bạn trong quá khứ và cảm ơn phần X đã hỗ trợ.
4. Tạo ra những hành vi thay thế giúp thỏa mãn ý định.
Bây giờ, hướng sự chú ý vào bên trong và liên hệ với phần sáng tạo nhất trong con người bạn, yêu cầu nó tạo ra 3 hành vi thay thế tốt hơn hành vi X để thỏa mãn ý định của phần con người mà bạn vừa mới giao tiếp.
Để cho phần sáng tạo trong bạn đưa ra tín hiệu khi đã có 3 kiểu hành vi mới. Hãy hỏi phần sáng tạo ấy có sẵn lòng chia sẻ cho bạn biết 3 hành vi mới là gì không.
5. Làm cho phần X chấp nhận những lựa chọn mới và có trách nhiệm tạo ra chúng khi cần.
Hãy hỏi phần X liệu những hành vi mới có mang lại hiệu quả như hành vi X hay không.
Hỏi xem phần X có sẵn lòng nhận trách nhiệm tạo ra những hành vi mới trong những tình huống thích hợp khi cần để thỏa mãn ý định.
6. Kiểm tra sự tương thích.
Bây giờ, hướng sự chú ý vào bên trong và hỏi có phần nào khác trong bạn đang chống lại sự lựa chọn mới, hoặc tất cả các phần đều sẽ hỗ trợ bạn.
Sau đó, nghĩ về tương lai, tưởng tượng một tình huống có thể kích hoạt kiểu hành vi cũ, và áp dụng một trong những lựa chọn mới mà vẫn đạt được những lợi ích mong muốn.
Nếu bạn nhận được tín hiệu phản đối từ những phần khác trong con người bạn, bạn phải bắt đầu lại từ đầu, nhận ra phần nào đang phản đối, những lợi ích nó mang lại cho bạn trong quá khứ là gì, và yêu cầu nó phối hợp với phần X để đưa ra lựa chọn mới.
Có vẻ hơi kỳ lạ khi nói chuyện với những phần khác nhau trong con người bạn, nhưng đây là một hình thức thôi miên cơ bản được Erikson, Bandler và Grinder áp dụng.
Chẳng hạn như, nếu bạn nhận thấy mình liên tục ăn quá nhiều, bạn có thể yêu cầu phần vô thức chia sẻ những lợi ích mà kiểu hành vi này đem lại trong quá khứ. Có thể bạn sẽ khám phá ra rằng bạn dùng thức ăn để vượt qua nỗi cô đơn, hoặc có thể nó giúp bạn cảm thấy an toàn, thư giãn. Tiếp theo, bạn có thể tạo ra 3 cách mới để giúp bản thân cảm thấy mình luôn được mọi người quan tâm, hoặc cảm thấy an toàn, thư thái. Bạn có thể tham gia vào một câu lạc bộ sức khỏe, hoặc tập thiền.
Khi bạn nghĩ ra những kiểu hành vi thay thế này, hãy đảm bảo tất cả những phần trong bạn sẵn lòng hỗ trợ bạn. Nếu bạn cảm thấy tương thích, những hành vi này sẽ mang đến cho bạn những điều bạn muốn, và bạn không cần phải ăn quá nhiều. Sau đó, hình dung bạn thực hiện kiểu hành vi mới này một cách hiệu quả trong tương lai. Cảm ơn phần vô thức vì những lựa chọn mới, và tận hưởng hành vi mới.
6 bước Tái định hình
6. Giao cho phần chịu trách nhiệm đối với hành vi cũ đảm nhận luôn trách nhiệm hiện thực hóa kiểu hành vi mới.
5. Kiểm tra sự tương thích: “Có phần nào kháng cự lại không?”.
4. Yêu cầu phần sáng tạo phối hợp với phần chịu trách nhiệm sinh ra kiểu hành vi cũ tìm ra 3 phương cách/kiểu hành vi khác cũng mang lại lợi ích tương tự.
3. Khám phá LỢI ÍCH.
2. Thiết lập hệ thống đưa ra tín hiệu.
1. Tiếp cận phần trong con người bạn chịu trách nhiệm cho kiểu hành vi hiện tại.
Hầu như bất kỳ trải nghiệm nào có vẻ tiêu cực đều có thể được tái định hình trở thành tích cực. Nhưng nếu lợi ích từ hành vi cũ nhận được nhiều hơn so với hành vi mới, rất có thể ta sẽ quay lại hành vi cũ. Trong một buổi tập huấn của tôi, một phụ nữ bị mù trong 8 năm trời có vẻ như tinh thông và tập trung một cách khác thường. Sau này tôi khám phá ra rằng bà ấy hoàn toàn không bị mù. Song bà vẫn sống như thể bà bị mù thật. Tại sao vậy? Trước đó bà từng bị tai nạn và thị lực dần trở nên kém đi. Khi bà bị như vậy, những người xung quanh bà đã hết lòng yêu thương và hỗ trợ, nhiều hơn những gì bà từng nhận được trước đây. Thêm vào đó, bà nhận thấy ngay cả những việc làm bình thường hàng ngày của bà cũng được ghi nhận, tán dương. Họ đối xử với bà như một người đặc biệt, do vậy bà tiếp tục duy trì kiểu hành vi này, thậm chí thỉnh thoảng tự thuyết phục bản thân về sự mù lòa của mình. Bà chưa tìm thấy cách nào tốt hơn để khiến mọi người phản hồi với bà theo cách đầy yêu thương và tận tâm. Kể cả người lạ cũng đối xử với bà như một người đặc biệt. Hành vi này chỉ có thể thay đổi khi bà tạo ra điều gì đó mang lại nhiều lợi ích hơn kiểu hành vi hiện tại.
Cho đến thời điểm này, chúng ta đã tập trung vào những cách giúp chuyển đổi nhận thức tiêu cực thành tích cực. Chúng ta thường rơi vào lối mòn. Chúng ta có thể có được những kết quả chấp nhận được, nhưng cũng có thể có được những kết quả ngoạn mục. Do vậy hãy thực hành bài tập sau.
Lập ngay danh sách 5 điều bạn đang làm mà bạn cảm thấy hài lòng. Hình dung những điều này thậm chí còn tốt hơn nữa. Dành một vài phút nghĩ về nó. Tái định hình khả năng là việc mà tất cả chúng ta đều có thể làm.
Tái định hình là một kỹ năng hiệu quả giúp tạo ra những kết quả tuyệt vời. Những nhà lãnh đạo và những chuyên gia giao tiếp đều là những bậc thầy về nghệ thuật tái định hình. Họ biết cách động viên và trao quyền cho người khác.
Có một câu chuyện nổi tiếng về Tom Watson, người sáng lập ra IBM. Một trong những nhân viên của ông gây ra một lỗi nghiêm trọng làm tiêu tốn của công ty 10 triệu đô-la. Anh ta được gọi vào phòng làm việc của Watson và nói: “Tôi cho rằng ông đang muốn tôi đưa đơn xin nghỉ việc”. Watson nhìn vào anh ta và nói: “Anh đùa à? Chúng tôi vừa mới bỏ ra 10 triệu đô-la để đào tạo anh đó”. Đây quả là một bài học vô giá.