Chương 18
GIÁ TRỊ – CÔNG CỤ TỐI THƯỢNG ĐÁNH GIÁ THÀNH CÔNG
“Nhạc sĩ thì phải viết nhạc, họa sĩ phải vẽ, nhà thơ phải sáng tác thơ nếu anh ta muốn cảm thấy bình yên trong tâm hồn.”
— Abraham Maslow
Mọi hệ thống phức tạp, cho dù là một công cụ sản xuất, một chiếc máy tính hay một con người, đều phải đồng nhất. Các bộ phận của nó phối hợp cùng nhau, từng hành động hỗ trợ cho hành động khác nếu nó muốn hoạt động ở cấp độ cao nhất. Nếu các phần của cỗ máy hoạt động theo hai hướng khác nhau cùng một lúc, máy sẽ không đồng bộ và cuối cùng sẽ bị hỏng.
Con người cũng giống như thế. Chúng ta có thể học cách tạo ra những hành vi hiệu quả, nhưng nếu những hành vi đó không hỗ trợ cho những nhu cầu và mong muốn sâu xa nhất, nếu những hành vi đó xâm phạm đến những thứ quan trọng của chúng ta, thì điều này sẽ dẫn đến mâu thuẫn nội tâm, thiếu đi sự đồng nhất cần thiết để mang lại thành công trên diện rộng. Nếu một người đang muốn có một thứ gì đó, nhưng lại mơ hồ mong muốn một thứ khác nữa, anh ta sẽ không thể hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc. Hoặc nếu để đạt được mục tiêu, anh ta lại xâm phạm đến niềm tin của chính mình, thì kết quả sẽ là hoang mang, rối bời.
Để thực sự thay đổi và phát triển, chúng ta cần nhận thức rõ ràng các nguyên tắc dành cho bản thân và người khác, các tiêu chí đo lường hay phán xét thành - bại. Nếu không thì chúng ta có thể có tất cả nhưng vẫn cảm thấy như không có gì. Đây chính là sức mạnh của yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất, các giá trị.
Giá trị là gì? Đó là niềm tin cá nhân về những điều được xem là quan trọng nhất. Giá trị là hệ thống niềm tin về điều gì là đúng - sai, tốt - xấu. Maslow nói về giới nghệ sĩ, nhưng điều này phổ biến với tất cả mọi người. Giá trị là những điều tất cả chúng ta cần để tiến về phía trước. Không có chúng, ta sẽ không cảm thấy trọn vẹn.
Cảm giác tương thích, nhất quán và trọn vẹn xuất phát từ ý thức chúng ta đang bộc lộ những giá trị của mình thông qua hành vi. Giá trị quyết định bạn sẽ tránh xa điều gì. Chúng chi phối toàn bộ lối sống của bạn. Chúng quyết định cách bạn phản ứng lại trước một trải nghiệm trong cuộc sống.
Từ những gì bạn mặc, phương tiện di chuyển của bạn cho đến nơi bạn sống, người mà bạn kết hôn hay cách bạn nuôi dạy con... phạm vi ảnh hưởng của giá trị là vô tận. Chúng là nền tảng quyết định cách phản ứng của ta trước bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống. Chúng là chìa khóa then chốt để thấu hiểu và dự đoán hành vi của bản thân cũng như của người khác – chìa khóa để khám phá sự kỳ diệu ẩn chứa bên trong.
Vậy, những chỉ dẫn mạnh mẽ này đến từ đâu? Môi trường xung quanh cũng đóng một vai trò nhất định, bắt đầu từ khi bạn còn nhỏ. Cha mẹ có vai trò lớn nhất trong việc “cài đặt” hầu hết các giá trị căn bản của con cái. Họ liên tục truyền đạt những giá trị của họ qua việc kể cho bạn nghe những gì họ đã làm, hay không muốn bạn làm. Nếu bạn chấp nhận những giá trị ấy, bạn được tưởng thưởng – bạn là một cô/cậu bé ngoan; nếu bạn chối bỏ nó, bạn sẽ gặp rắc rối, có khi sẽ bị phạt – bạn là một đứa trẻ hư!
Rồi khi lớn lên, bạn bè cũng là một nguồn “cài đặt” giá trị khác. Tiếp xúc với những đứa trẻ khác, bạn phải pha trộn những giá trị của mình với những giá trị của chúng, hoặc bạn phải thay đổi chính mình, bởi vì nếu không làm thế, chúng sẽ đánh bạn hoặc tệ nhất là không chơi với bạn! Trong suốt hành trình cuộc đời, bạn liên tục tạo ra những nhóm bạn mới và chấp nhận những giá trị mới, pha trộn, hoặc áp đặt những giá trị của bản thân lên người khác. Ngoài ra, các “thần tượng” cũng là nguồn ảnh hưởng đến hệ giá trị của chúng ta.
Trong công việc, bạn phải chấp nhận một số giá trị của công ty và các đồng nghiệp. Nếu bạn không chia sẻ cùng giá trị với sếp của mình, việc thăng tiến dường như là không thể. Và nếu bạn không hòa hợp với các giá trị của công ty, bạn sẽ không cảm thấy vui. Các giáo viên trong trường học luôn thể hiện những giá trị của họ, và thường vô tình vận dụng hệ thống thưởng - phạt để đảm bảo các giá trị của họ được chấp nhận.
Giá trị cũng thay đổi khi ta thay đổi mục tiêu, hoặc hình ảnh bản thân. Giả sử, bạn đặt mục tiêu trở thành người số một công ty, nhờ vậy bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và mong đợi nhiều điều từ những người khác, giá trị trong công việc của bạn sẽ thay đổi. Quan niệm về một chiếc xe đẹp đối với bạn sẽ khác đi. Ngay cả những người xung quanh cũng thay đổi để phù hợp hơn với hình ảnh “mới” của bạn. Thay vì lê la quán cóc với mấy cậu bạn, giờ bạn ngồi nhấm nháp Perrier(*) với ba người khác trong công ty để bàn kế hoạch mở rộng.
(*) Một loại nước uống có ga, được đóng từ nguồn duy nhất Vergeze – phía Nam nước Pháp.
Chiếc xe bạn lái, nơi bạn đến, bạn bè của bạn, những gì bạn làm, tất cả đều phản ánh nhân dạng của bạn. Chúng có thể liên quan đến khái niệm mà nhà tâm lý học Robert McMurray nêu – những biểu tượng “nghịch đời” để thể hiện bản ngã. Thực tế là một người lái chiếc xe rẻ tiền không có nghĩa là anh ta không đánh giá cao bản thân, có thể anh ta đang muốn thể hiện rằng mình là người vượt trên cả trào lưu chung. Một nhà khoa học lẫy lừng hay một doanh nhân với mức thu nhập cao ngất ngưởng làm cho mình trở nên thật khác biệt bằng việc chạy một chiếc xe rẻ tiền, tiết kiệm xăng. Một tỷ phú chọn sống trong căn nhà tồi tàn để cổ xúy việc không lãng phí không gian, hoặc ông ta muốn thể hiện nét độc đáo của bản thân trước nhiều người khác.
Mỗi người sẽ tôn trọng những giá trị khác nhau. Với một số người, đó là sự trung thực; còn với người khác, đó là tình bạn. Người ta có thể nói dối để bảo vệ một người bạn dù sự trung thực cũng quan trọng đối với họ, bởi vì tình bạn cao hơn sự trung thực trong tháp giá trị của họ. Để làm việc hiệu quả với mọi người, bạn cần hiểu điều gì là quan trọng nhất đối với họ, đặc biệt là tháp giá trị của họ.
Sẽ chẳng có thành công thực sự trừ khi nó đi liền với những giá trị căn bản của bạn. Đôi khi vấn đề nằm ở việc học cách để hài hòa những giá trị hiện hữu đang mâu thuẫn. Nếu một người đang đấu tranh nội tâm giữa công việc lương cao và quan điểm “tiền là… bạc” – một trong những giá trị chính của anh ta – thì anh ta sẽ không thể tập trung vào công việc. Bạn có thể có một tỷ đô-la, nhưng nếu cuộc sống của bạn lại mâu thuẫn với những giá trị của mình, bạn sẽ không hạnh phúc. Hiểu được những giá trị của bản thân để bạn có thể định hướng, tạo động lực và hỗ trợ bản thân ở mức độ cao nhất.
Vậy, làm thế nào để khám phá ra tháp giá trị của mình và của người khác? Chúng ta thường có những giá trị khác nhau đối với công việc, các mối quan hệ hoặc gia đình.
Bạn phải hỏi: “Điều gì là quan trọng nhất đối với tôi trong một mối quan hệ?”. Ai đó có thể trả lời: “Cảm giác hỗ trợ”. Bạn có thể hỏi tiếp: “Điều gì là quan trọng trong việc hỗ trợ?”. Anh ta có thể trả lời: “Nó thể hiện rằng người khác yêu quý tôi”. Bạn hỏi tiếp: “Điều gì là quan trọng nhất khi ai đó yêu quý bạn?”. Anh ta trả lời: “Nó tạo ra cảm giác hân hoan cho tôi”.
Sau khi tạo ra tháp giá trị cho những mối quan hệ cá nhân, hãy thực hiện tương tự cho công việc. Hãy tự hỏi: “Điều gì trong công việc là quan trọng đối với tôi?”. Đó có thể là tính sáng tạo. Hiển nhiên câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Điều gì về tính sáng tạo là quan trọng?”. Bạn trả lời: “Khi tôi sáng tạo tôi cảm thấy mình đang phát triển”. “Điều gì về sự phát triển là quan trọng?”, hãy tiếp tục như vậy.
Nếu bạn là cha mẹ, tôi đề nghị bạn nên làm việc này với các con của mình. Khi bạn hiểu những gì thật sự tạo động lực cho chúng, bạn sẽ nghĩ ra những công cụ hữu ích giúp việc nuôi dạy con cái hiệu quả hơn.
Bạn có thể suy luận ra những giá trị quan trọng trong những mẩu đối thoại thông thường. Hãy lắng nghe kỹ những từ mà người đó dùng. Người ta thường có xu hướng dùng đi dùng lại những từ khóa bao hàm những giá trị hàng đầu trong tháp giá trị của họ.
Bằng cách liên tục hỏi “Điều gì là quan trọng nhất?”, bạn bắt đầu phát triển một danh sách các giá trị, chẳng hạn như:
______ Tình yêu
______ Đê mê
______ Giao tiếp hai chiều
______ Tôn trọng
______ Vui vẻ
______ Phát triển
______ Hỗ trợ
______ Thách thức
______ Sáng tạo
______ Đẹp
______ Cuốn hút
______ Đồng điệu về tâm hồn
______ Tự do
______ Thành thật
Bây giờ, hãy sắp xếp thứ tự những giá trị này theo mức độ quan trọng – 1 là quan trọng nhất và 14 là ít quan trọng nhất.
Nhà quản lý nhất thiết phải biết giá trị tối cao của nhân viên mình. Để khơi gợi các giá trị, trước hết hãy hỏi: “Điều gì khiến bạn tham gia một tổ chức nào đó?”. Giả sử nhân viên đó trả lời: “Môi trường sáng tạo”. Bạn tìm hiểu thêm bằng cách hỏi: “Còn gì nữa không?”. Có thể bạn cũng muốn biết những gì khiến anh ta rời bỏ tổ chức. Giả sử câu trả lời là: “Thiếu sự tin tưởng”. Bạn tiếp tục thăm dò: “Ngay cả khi thiếu sự tin tưởng, điều gì sẽ khiến bạn ở lại?”. Một số người trả lời rằng họ không bao giờ ở lại một tổ chức mà thiếu sự tin tưởng. Nếu vậy, đó chính là giá trị tối cao của họ. Một số người khác có thể trả lời họ sẽ ở lại, ngay cả khi không có sự tin tưởng, nếu anh ta có cơ hội thăng tiến trong tổ chức. Hãy tiếp tục đặt câu hỏi tìm hiểu.
Có nhiều nhà quản lý cho rằng họ là những người động viên giỏi. Họ nghĩ rằng tôi trả anh ta một số tiền xứng đáng nên tôi có quyền đòi hỏi thế này thế kia. Vâng, điều này đúng ở khía cạnh nào đó. Nhưng mỗi người lại đề cao những giá trị khác nhau. Để quản lý tốt, bạn cần phải biết những giá trị tối quan trọng của một nhân viên và làm thế nào để đáp ứng. Nếu không, bạn sẽ đánh mất nguồn nhân lực quý giá, hoặc chẳng bao giờ thấy anh ta phát huy hết tiềm năng và thích thú với công việc.
Giá trị là công cụ động viên mạnh mẽ nhất. Nếu bạn muốn thay đổi một thói quen xấu, việc thay đổi sẽ diễn ra nhanh chóng nếu bạn có thể liên kết việc sửa đổi thành công với những giá trị quan trọng nhất.
Người phụ nữ nọ đã đặt lòng kiêu hãnh và sự tôn trọng lên trên tất cả. Do đó, cô ấy đã viết thư cho năm người mà cô ấy tôn trọng nhất trên thế gian, nói rằng cô sẽ không bao giờ hút thuốc nữa, rằng cô sẽ tôn trọng cơ thể mình và những người khác. Sau khi gửi những lá thư đi, cô ấy đã từ bỏ hút thuốc. Rất nhiều lần bị cám dỗ, thậm chí sẵn sàng đánh đổi, nhưng lòng kiêu hãnh đã giúp cô không bao giờ quay trở lại với thuốc lá. Giá trị được vận dụng đúng cách có sức mạnh cực kỳ to lớn trong việc thay đổi hành vi của chúng ta!
“Nếu một người chưa khám phá ra điều gì đó mà anh ta sẵn sàng chết vì nó anh ta chưa thực sự sống.”
— Martin Luther King, Jr.
Đôi khi, hai giá trị khác nhau, như tự do và tình yêu, kéo chúng ta đi theo hai chiều hướng trái ngược nhau – tự do nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, còn tình yêu có nghĩa là cam kết với một người duy nhất. Do đó, biết những giá trị cao nhất của bản thân là rất quan trọng bởi nó giúp ta có thể lựa chọn những hành vi hiệu quả hỗ trợ nuôi dưỡng các giá trị. Nếu không làm vậy, ta sẽ phải trả giá về mặt cảm xúc sau này.
Nhiều khi sự bất tương đồng không xuất phát từ các giá trị mà xuất phát từ bằng chứng thể hiện các giá trị. Bạn vẫn có thể thành công tột đỉnh và sống hết sức thanh tịnh. Nhưng nếu bằng chứng cho sự thành công là có một dinh thự tráng lệ, và bằng chứng cho sự thanh tịnh là sống bần hàn thì sẽ ra sao? Bạn phải xác định lại bằng chứng, hoặc điều chỉnh lại nhận thức. Nếu không, bạn tự giày vò chính mình với những xung đột nội tâm.
Một cách khác để phát huy sức mạnh của các giá trị là kết hợp chúng với cơ chế siêu lập trình để tạo động lực và thấu hiểu bản thân. Lần nọ, tôi làm việc với một cậu thanh niên vô trách nhiệm khiến cha mẹ cậu ta phải điên đầu. Vấn đề của cậu ta là cậu chỉ biết sống cho hôm nay và bất chấp những hệ quả về sau.
Khi tôi gặp và trò chuyện với anh chàng này, tôi khám phá cơ chế siêu lập trình của cậu ta. Tôi nhận ra cậu ta có xu hướng tiếp cận và thực hiện những việc cần làm. Sau đó, tôi bắt đầu khơi gợi những giá trị của cậu. Và 3 giá trị quan trọng nhất của cậu ấy là an toàn, hạnh phúc và sự tin tưởng.
Tôi bắt đầu giải thích những hành vi của cậu đang hủy hoại những giá trị mà cậu ta coi trọng. Nếu cứ tiếp tục như vậy, cậu sẽ phải chuyển đến sống ở một nơi mà không hề có sự an toàn, hạnh phúc và sự tin tưởng. Đó có thể là nhà tù hoặc trường giáo dưỡng!
Như vậy, tôi đã cho cậu ta thấy một cái gì đó đối nghịch với những giá trị của cậu để cậu thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. Rồi tôi đưa ra một lựa chọn lạc quan để cậu tiếp cận. Tôi giao cho cậu những nhiệm vụ cụ thể. Đó như là những bằng chứng cụ thể để cha mẹ cậu quyết định có tiếp tục hỗ trợ duy trì cảm giác an toàn, hạnh phúc và tin tưởng – những giá trị rất quan trọng đối với cậu – hay không.
Sau đó, cậu đã về nhà mỗi tối vào lúc 10 giờ, kiếm được việc trong vòng 7 ngày và làm tròn nhiệm vụ của mình ở nhà mỗi ngày. Tôi bảo chúng tôi sẽ xem xét sự tiến triển của cậu trong vòng 60 ngày. Nếu cậu giữ đúng lời hứa, mức độ tin tưởng của cha mẹ cậu sẽ tăng lên, và sự hỗ trợ của họ để mang lại cảm giác hạnh phúc, an toàn cho cậu cũng vậy.
Lần cuối cùng biết tin tức về chàng trai trẻ ấy, cậu ta vẫn hành xử hết sức gương mẫu. Các giá trị và cơ chế siêu lập trình đã phối hợp tạo động lực thúc đẩy. Tôi đã cho cậu ta một hướng đi để cậu tự tạo cho mình cảm giác an toàn, hạnh phúc và tin tưởng.
Thay vì cảm thấy khó chịu vì những xung đột giá trị, bây giờ chúng ta đã hiểu chuyện gì đang diễn ra và có thể tạo ra kết quả mới. Chúng ta cũng có thể thay đổi những bằng chứng thể hiện giá trị bằng cách vận dụng những phương thức phụ.
Chẳng hạn như, một người đàn ông tôi tư vấn có giá trị số 1 là sự hữu ích. Tình yêu xếp thứ 9 trong nấc thang giá trị của anh ta. Với thang giá trị thế này, anh ta đã làm nhiều việc không giúp xây dựng mối quan hệ. Tôi nhận thấy anh ta thể hiện giá trị số 1 của mình, sự hữu ích, dưới dạng một bức tranh tổng thể rất tươi sáng ở bên phải. Sau khi so sánh nó với giá trị mà anh ta xếp hạng thấp hơn, tình yêu (một bức tranh nhỏ hơn rất nhiều, chỉ với hai màu đen - trắng ở một vị trí thấp hơn, mờ tối hơn), điều tôi cần làm là tạo ra những phương thức phụ của giá trị xếp hạng thấp hơn giống như của giá trị xếp hạng cao, và tạo ra những phương thức phụ của giá trị xếp hạng cao hơn giống như của giá trị xếp thấp hơn, sau đó tạo ra Mô thức Vút nhanh để neo giữ chúng lại. Theo đó, tình yêu trở thành giá trị số 1 của anh ta.
Hãy nghĩ đến những người ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn nhiều nhất. Giá trị và hành vi của họ trở thành hình mẫu đầy tính thuyết phục. Các cuốn sách tôn giáo, như Kinh thánh, không khác gì hơn ngoài các giá trị. Những câu chuyện kể, những tình huống được mô tả, đều là những hình mẫu làm phong phú thêm cuộc sống của con người trên hành tinh này.
Bây giờ, bạn đã hiểu và có thể vận dụng sức mạnh của các giá trị để mang lại những thay đổi tích cực. Qua đó, bạn có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc cho toàn bộ cuộc đời mình.