Chương 19
5 CHÌA KHÓA ĐỂ THỊNH VƯỢNG & HẠNH PHÚC
“Hoàn cảnh không tạo nên con người. Chính con người mới tạo nên hoàn cảnh.”
— Benjamin Disraeli
Lần nọ ở Boston, sau một cuộc hội thảo buổi tối, tôi đã đi dạo quanh Quảng trường Copley. Tôi chợt nhìn thấy một người đàn ông loạng choạng tiến về phía mình. Toàn thân ông ta nồng nặc mùi rượu và trông như thể chưa cạo râu suốt nhiều tháng.
Tôi nghĩ ông ta sẽ tiến đến để xin tiền. Vâng, cầu được ước thấy! Ông ta tiến đến hỏi: “Quý ông có thể cho tôi 25 xu?”. Đầu tiên, tôi tự hỏi liệu tôi có nên thưởng cho hành vi của ông ta hay không. Nhưng sau đó tôi tự nhủ rằng tôi không muốn ông ta đau khổ. Dù gì thì 25 xu sẽ không tạo ra sự khác biệt nhiều. Do vậy, tôi nghĩ tôi nên làm gì đó để giúp ông ấy vỡ ra: “25 xu? Đó là cái anh muốn, chỉ 25 xu?”. Ông ta trả lời: “Vâng, chỉ 25 xu”. Tôi rút ra đồng 25 xu, và nói: “Cuộc sống sẽ trả bất kỳ giá nào mà anh yêu cầu”. Ông ta choáng váng, rồi loạng choạng bước đi.
Nhìn ông ta bước đi, tôi nghĩ đến sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại. Tôi nghĩ một phần của sự khác biệt chính là câu trả lời tôi dành cho ông ấy, rằng cuộc sống sẽ đáp ứng cho bạn bất cứ điều gì bạn yêu cầu. Nếu bạn yêu cầu 25 xu, bạn sẽ chỉ nhận được ngần ấy. Nếu bạn yêu cầu thành công và hạnh phúc, bạn sẽ nhận được nó.
Tôi sẽ chia sẻ với bạn 5 dấu hiệu của thành công. Nếu bạn vận dụng thành thạo chúng, thì không gì có thể cản bước bạn.
Fred Smith, người sáng lập Federal Express, đã xây dựng một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la sau khi trải qua vô vàn thất bại. Lúc công ty mới hoạt động, sau khi tính toán từng đồng mình có, ông hy vọng sẽ giao được khoảng 150 kiện hàng. Nhưng thay vào đó, ông chỉ giao được 16 kiện, 5 trong số đó bị gửi nhầm đến nhà của các nhân viên. Mọi thứ trở nên tồi tệ từ đó.
Định kỳ, các nhân viên lĩnh lương tại cửa hàng tiện lợi vì tiền mặt không có sẵn để trang trải tất cả các chi phiếu. Nhiều lần máy bay của họ rơi vào tình cảnh bị thu hồi, và đôi khi họ phải sử dụng một khoản tiền nhất định từ doanh số bán hàng trong ngày để giữ cho công ty tiếp tục hoạt động. Còn Federal Express ngày nay là một công ty trị giá hàng tỷ đô-la. Lý do duy nhất nó vẫn tồn tại là Fred Smith đã có thể đối phó với hết thất bại này đến thất bại khác.
Món quà tuyệt diệu nhất mà Kỹ thuật tạo Hiệu suất tối ưu mang lại cho chúng ta là đối phó với nỗi thất vọng theo một cách hiệu quả. Bạn có thể chọn những gì đã từng làm bạn thất vọng và lập trình lại để chúng mang đến cho bạn cảm giác thú vị hơn. Những công cụ như NLP không chỉ giúp suy nghĩ lạc quan, tích cực. Cái mà NLP cung cấp là cách để biến căng thẳng thành cơ hội. Đây là công thức để xử lý căng thẳng:
Bước 1 – Đừng lo lắng những việc nhỏ nhặt.
Bước 2 – Hãy nhớ rằng đó chỉ là những việc nhỏ nhặt.
Tất cả những người thành công đều hiểu rằng thành công chính là mặt đang được cất giấu của thất bại. Không may là nhiều người không đến được phía bên kia. Những người không đạt được mục tiêu thường bị sự thất bại cản bước. Họ để cho nỗi thất vọng ngăn họ thực hiện những hành động cần thiết hỗ trợ họ đạt được điều họ mong muốn.
Có từ nào trong ngôn ngữ của con người mà đau đớn hơn một từ nhỏ bé – “Không”? Điều khác biệt chính ở đây là học cách xử lý sự chối bỏ để nỗi sợ hãi này không còn ngăn cản bạn thực hiện những hành động khác.
Bạn có thể chấp nhận bao nhiêu lời từ chối “Không”? Đã bao lần bạn muốn tiến đến và nói chuyện với một người mà bạn thấy cuốn hút, sau đó lại thôi vì bạn không muốn nghe từ “Không”? Bao nhiêu người trong số các bạn quyết định không thử sức với một công việc hay gọi một cuộc điện thoại giới thiệu sản phẩm chỉ vì bạn không muốn bị từ chối? Bạn đang tạo ra giới hạn cho mình chỉ vì cảm giác sợ hãi mỗi một từ nhỏ bé – “Không”. Bản thân từ ngữ không có chút sức mạnh nào. Nó không thể cắt da bạn hay làm suy yếu sức mạnh của bạn. Sức mạnh của nó đến từ cách bạn nghĩ về nó.
Do vậy, khi bạn nắm bắt được cách vận hành của bộ não, bạn có thể học cách đối phó với sự từ chối. Bạn có thể đón nhận bất kỳ lời từ chối nào và biến nó thành cơ hội. Hãy nhớ rằng thành công là mặt chôn giấu của sự từ chối.
Đối phó với áp lực tài chính nghĩa là biết cách nhận về và biết cách cho đi, biết cách kiếm tiền và cũng biết cách tiết kiệm.
George S. Clason đã giới thiệu một mô hình tuyệt vời để đối phó với áp lực tài chính trong tác phẩm The Richest Man in Babylon(*). Đây là cuốn sách có thể giúp bạn trở nên giàu có và hạnh phúc. Với tôi, điều quan trọng nhất cuốn sách dạy ta là hãy dành 10 phần trăm tổng thu nhập của bạn để cho đi. Điều này đúng! Tại sao ư? Lý do thứ nhất là bạn nên cho đi những gì bạn đã nhận được. Một lý do khác là nó tạo ra giá trị cho bạn và những người khác. Quan trọng hơn cả, nó nói với cả thế giới và chính tiềm thức của bạn rằng bạn có nhiều hơn thế. Và đấy là một niềm tin rất mạnh mẽ.
(*) Sách đã được First News – Trí Việt xuất bản với tựa Người giàu có nhất thành Babylon.
Khi nào bạn bắt đầu cho đi 10 phần trăm? Khi bạn giàu có và nổi tiếng? Không. Bạn nên thực hiện việc này ngay. Bởi vì những gì bạn cho đi giống như những hạt giống. Bạn phải đầu tư vào nó, không phải ăn nó. Cách tốt nhất để đầu tư là cho đi để nó tạo ra giá trị cho nhiều người khác. Một trong những điều giá trị nhất khi thực hiện việc này là bạn sẽ cảm nhận khác hơn về con người mình và bạn sẽ sống với thái độ biết ơn.
Cách tốt nhất để giúp người nghèo là trở thành hình mẫu về những điều có thể, để họ thấy vẫn có những lựa chọn khác và hỗ trợ họ phát triển những nguồn lực có thể tự cung cho mình.
Sau khi bạn cho đi 10 phần trăm thu nhập của mình, dành 10 phần trăm khác để giảm trừ các khoản nợ và 10 phần trăm thứ ba để làm tăng thêm nguồn vốn đầu tư. Bạn cần chi tiêu trong 70 phần trăm còn lại. Hãy học cách dùng tiền của bạn như một nguồn vốn.
Học cách kiếm tiền, tiết kiệm và cho đi. Làm được như vậy, bạn sẽ học được cách xử lý áp lực tài chính. Tiền không bao giờ là tác nhân đưa bạn vào trạng thái tiêu cực, khiến bạn không hạnh phúc hay đối xử với những người xung quanh theo cách ít khéo léo.
Bạn đã từng thấy nhiều người đạt tới đỉnh cao thành công, rồi sau đó dừng lại. Họ cảm thấy thỏa mãn, và mất đi những gì giúp họ đạt tới ngày hôm nay.
Thoải mái là một trong những cảm xúc tai hại nhất. Điều gì sẽ xảy ra khi một người quá thoải mái? Anh ta sẽ dừng phát triển, dừng làm việc, dừng tạo ra giá trị gia tăng. Bạn không muốn trở nên quá thoải mái chứ? Nếu bạn thực sự cảm thấy thoải mái, rất có thể bạn sẽ dừng phát triển.
Ray Kroc, người sáng lập McDonald’s, từng được hỏi rằng nếu ông đưa ra lời khuyên cho một ai đó để đảm bảo một cuộc sống thành công lâu dài, ông sẽ cho lời khuyên gì? Ông nói rằng đơn giản hãy nhớ điều sau:
“Khi bạn còn trẻ, bạn sẽ trưởng thành, nhưng khi bạn đã đến độ chín muồi, bạn sẽ già cỗi đi. Miễn là bạn luôn giữ cho mình tươi trẻ, thì bạn sẽ phát triển. Bạn có thể trải nghiệm bất cứ điều gì và biến nó thành cơ hội để phát triển, hoặc bạn đón nhận nó và biến nó thành một lời mời suy kiệt. Bạn có thể nhìn nhận việc về hưu như là bước khởi đầu cho một cuộc sống giàu có, hoặc bạn cũng có thể xem đấy là sự kết thúc cuộc đời lao động của mình. Bạn có thể xem thành công như là bàn đạp để tiến đến những thành công to lớn hơn, hoặc bạn cũng có thể xem nó như là điểm dừng nghỉ. Và nếu đó là điểm dừng, rất có thể bạn sẽ không giữ được nó lâu.”
Một hình thức khác của tự mãn là so sánh. Tôi thường nghĩ tôi đang làm tốt bởi vì tôi làm tốt hơn so với những người tôi biết. Đây là một trong những sai lầm lớn. Hãy nhìn vào mục tiêu của bạn, thay vì nhìn vào những gì người khác làm. Tại sao vậy? Bởi vì bạn sẽ tìm thấy lời bào chữa cho những gì mình đang làm.
Hãy quan tâm đến những điều bạn tạo ra, có thể làm và muốn làm. Luôn luôn có những người có nhiều hơn bạn, và cũng có những người không bằng bạn. Không quan trọng! Bạn cần đánh giá bản thân mình thông qua những mục tiêu của mình, không gì khác.
“Những điều cỏn con làm phiền những cái đầu nhỏ nhen.”
— Benjamin Disraeli
Có một câu mà Rolling Thunder, nhà thông thái người da đỏ, thường hay nói là “Hãy chỉ nói với mục đích tốt”. Những gì chúng ta cho đi thì chúng ta sẽ nhận lại. Do vậy, hãy tránh xa những rác rưởi của cuộc sống. Đừng chú tâm vào những điều nhỏ nhặt. Nếu bạn muốn trở thành một người tự mãn và tầm thường, thì hãy dành thời gian tán gẫu. Nếu bạn muốn tạo ra sự khác biệt, hãy luôn thử thách bản thân mình, thử nghiệm và khiến cho cuộc sống của bạn trở nên đặc biệt.
Tôi còn nhớ lần lái xe về nhà vào một đêm nọ sau cuộc họp. Tôi gần như ngủ gục. Tiếng còi xe liên tục đánh thức tôi. Và trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi cố gắng tìm ra điều gì làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Bỗng nhiên, một giọng nói nhỏ vang lên trong đầu tôi: “Bí mật của cuộc sống là cho đi”.
Nếu bạn muốn làm cho cuộc sống của mình tốt hơn, bạn phải bắt đầu học cách cho đi. Hầu hết mọi người chỉ có ý nghĩ thu nhận về mình. Nhưng bạn phải đảm bảo rằng bạn đang cho đi để nguồn lực được luân chuyển.
Một cặp vợ chồng tìm đến tôi, người đàn ông nói rằng vợ anh ta không đối xử tốt với anh ta. Còn người vợ thì nói bởi vì anh ta không biết thể hiện tình cảm. Như vậy cả hai người đều đang chờ người kia thực hiện trước, trưng ra bằng chứng trước.
Đây là mối quan hệ kiểu gì? Nó sẽ tồn tại trong bao lâu? Mấu chốt của bất kỳ mối quan hệ nào là bạn phải cho đi trước và tiếp tục cho đi. Đừng dừng lại và chờ nhận lại. Bạn phải sẵn lòng gieo hạt giống và nuôi dưỡng nó trưởng thành.
Bạn có muốn biết ảo tưởng lớn nhất về thành công không? Nó giống như một đỉnh cao để vươn tới, một thứ gì đó để sở hữu, hay một kết quả cần đạt được. Nếu bạn muốn thành công, nếu bạn muốn đạt được thành quả, bạn phải nghĩ rằng thành công giống như một quá trình, một cách sống, một thói quen của tâm trí, một chiến lược cho cuộc sống.
Bạn phải biết bạn đang có gì, và bạn phải biết những hiểm nguy trên con đường mình chọn. Bạn phải có khả năng sử dụng sức mạnh theo cách đầy yêu thương và trách nhiệm nếu bạn đang trải nghiệm sự giàu có và hạnh phúc thực sự. Làm chủ được 5 điều trên, bạn sẽ có thể làm nên điều kỳ diệu.