Chương 1
TÀI SẢN CỦA BẬC ĐẾ VƯƠNG
“Điều quan trọng nhất cuộc đời không phải là biết nhiều mà là làm được gì.”
— Thomas Henry Huxley
Tôi đã nghe kể về anh từ nhiều tháng qua. Họ nói rằng anh ta trẻ, giàu có, khỏe mạnh, hạnh phúc và thành đạt. Tôi nhất định phải gặp người này. Tôi quan sát anh ta thật kỹ khi anh rời khỏi trường quay của đài truyền hình, và dõi theo anh trong vài tuần kế tiếp để chứng kiến anh tư vấn cho mọi người – từ nguyên thủ quốc gia cho đến người bị chứng sợ hãi. Tôi đã xem anh tranh luận với các chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện cho các giám đốc điều hành, cũng như tư vấn cho các vận động viên và những đứa trẻ bị rối loạn khả năng học tập. Có vẻ như anh đang sống rất hạnh phúc và có một tình yêu nồng nàn dành cho vợ vì họ luôn cùng nhau chu du khắp nước Mỹ và vòng quanh thế giới. Và khi đã đi nhiều như vậy, họ lại quay về San Diego, dành ra vài ngày để quây quần bên gia đình trong căn biệt thự nhìn ra Thái Bình Dương.
Làm thế nào mà một chàng trai 25 tuổi chỉ mới tốt nghiệp trung học lại có thể thành đạt như vậy trong một thời gian ngắn? Xét cho cùng, chỉ cách đây ba năm, gã này hãy còn chui ra chui vào căn hộ dành cho người độc thân rộng khoảng 37 mét vuông và phải rửa chén trong bồn tắm. Làm thế nào mà anh ta từ một người cực kỳ bất hạnh, thừa những 15 cân, với các mối quan hệ lỏng lẻo và một tương lai mờ mịt lại có thể trở thành một người khỏe mạnh, là tâm điểm chú ý, được kính trọng với các mối quan hệ tuyệt vời và cơ hội thành công không giới hạn?
Khó tin quá! Tuy nhiên, điều gây sửng sốt nhất đó là người ấy chính là… tôi!
Tôi không nói rằng những gì gọi là thành công đang được phản ánh rõ nét qua cuộc đời tôi. Hiển nhiên tất cả chúng ta đều có những ước mơ và ý tưởng khác nhau về những điều chúng ta muốn sáng tạo cho cuộc sống của mình. Ta quen biết ai, ta đi đâu và ta sở hữu những gì không phải là thước đo thật sự cho thành công của cá nhân.
Với tôi, thành công là quá trình liên tục cố gắng hoàn thiện bản thân. Đó là cơ hội để liên tục trưởng thành – về mặt tình cảm, xã hội, tinh thần, sinh lý, trí tuệ – nâng cao khả năng tài chính, đồng thời có những đóng góp thiết thực, có ý nghĩa cho xã hội. Thành công là một quá trình tiến bộ, chứ không hẳn là đích đến.
Ý nghĩa từ câu chuyện của tôi thì đơn giản lắm. Bằng cách áp dụng những nguyên lý mà bạn sẽ đọc được trong cuốn sách này, tôi đã có thể thay đổi không chỉ cái cách tôi cảm nhận về bản thân mà còn thay đổi cả những kết quả tôi đã tạo ra trong cuộc đời mình. Mục đích của cuốn sách này là nhằm chia sẻ với bạn điều gì đã tạo nên sự khác biệt, thay đổi cuộc sống của tôi theo hướng tốt đẹp hơn. Hy vọng rằng qua đây, bạn sẽ tìm được những kỹ thuật, chiến lược, kỹ năng và triết lý có thể thúc đẩy, tiếp thêm sức mạnh cho bạn – như chúng đã làm với tôi. Quyền năng biến chuyển cuộc sống trở thành những gì mình hằng mơ ước đã có sẵn bên trong mỗi người chúng ta. Và đây là lúc để giải phóng nguồn sức mạnh đó!
Khi nhìn lại tốc độ biến chuyển ước mơ của bản thân thành hiện thực như những gì của ngày hôm nay, tôi không khỏi cảm thấy kinh ngạc và sửng sốt. Chắc chắn rằng tôi không phải là trường hợp duy nhất. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà có rất nhiều người vươn đến những điều kỳ diệu chỉ sau một đêm và đạt được thành công không tưởng từ rất sớm. Như Steve Jobs đấy – từng là một cậu thanh niên nghèo, bụi bặm trong chiếc quần jean nhưng lại có ý tưởng tạo ra chiếc máy vi tính gia đình và đã gầy dựng nên một công ty lọt vào danh sách Fortune 500(*) nhanh nhất trong lịch sử. Cũng phải kể đến Ted Turner(**) nữa, ông đã chọn một thể thức truyền hình gần như chưa từng tồn tại – truyền hình cáp – và tạo nên một “đế chế”. Rồi còn những nhân vật trong làng giải trí như đạo diễn Steven Spielberg và ca sĩ, nhạc sĩ Bruce Springsteen, hay là những doanh nhân như Lee Iacocca(***), Ross Perot(****). Ngoài sự thành công vĩ đại và đáng kinh ngạc, thì giữa họ còn có những điểm chung nào? Dĩ nhiên câu trả lời là… quyền lực.
(*) Fortune 500 là bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ dựa theo tổng thu nhập mỗi công ty.
(**) Ted Turner là cha đẻ của CNN, kênh truyền hình cáp đầu tiên ở Mỹ liên tục cập nhật các tin tức và sự kiện đang diễn ra khắp thế giới và phát sóng 24 giờ suốt các ngày trong tuần. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông còn là một nhà hảo tâm nổi tiếng với các hoạt động gây quỹ từ thiện, bảo vệ môi trường, phản đối chiến tranh. Ông dành tặng hẳn 1 tỉ đô-la để lập Quỹ Liên hợp quốc (UN Foundation).
(***) Lee Iacocca là doanh nhân người Mỹ, tên tuổi gắn liền với những kiểu mẫu xe hơi nổi tiếng của Ford nhưng sau đó bị thất sủng và trở thành cứu tinh vực dậy tập đoàn xe hơi Chrysler vào những năm 1980.
(****) Ross Perot là một tỷ phú người Mỹ, từng hai lần tranh cử tổng thống Mỹ. Ông là người sáng lập nên hệ thống dữ liệu điện tử (EDS) năm 1962 và đã bán cho công ty General Motors năm 1984, sau đó ông thành lập Perot Systems vào năm 1988. Perot Systems là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ dữ liệu điện tử làm ăn khá phát đạt.
Quyền lực là một từ gợi lên nhiều cảm xúc. Phản ứng của mọi người đối với từ này là rất khác nhau. Với một số người, quyền lực mang ý nghĩa tiêu cực. Số khác thì lại mờ mắt, thèm khát đạt được nó. Và một số lại cảm thấy nó dễ dẫn đến sự suy đồi, như thể đấy là một thứ đáng ngờ, đầy tính vụ lợi. Bạn muốn có quyền lực cỡ nào? Bạn nghĩ bạn cần quyền lực lớn đến đâu để tồn tại và phát triển? Quyền lực thật sự có ý nghĩa gì đối với bạn?
Tôi không có ý đề cập đến thứ quyền lực dùng để trấn áp người khác. Tôi cũng không đề cập đến nó như là một thứ gì đó bị lạm dụng. Tôi cũng không ủng hộ bạn làm như thế. Kiểu quyền lực đó hiếm khi tồn tại được lâu. Rồi bạn sẽ nhận ra rằng quyền lực luôn tồn tại trong thế giới này – bạn định hình nhận thức của bản thân, hoặc là một ai đó sẽ làm việc ấy thay cho bạn; bạn làm những việc bạn muốn làm, hoặc là bạn phải làm theo những điều người khác lên kế hoạch cho bạn.
Với tôi, quyền lực tối thượng chính là khả năng đạt được những thành tựu mà bạn mong muốn nhất và làm lợi cho nhiều người khác trong tiến trình đó. Quyền lực là khả năng thay đổi cuộc đời mình, là khả năng định hình nhận thức của bản thân, là khả năng làm cho mọi chuyện trở nên suôn sẻ chứ không gây ra khó khăn, trở ngại cho bạn. Quyền lực là cái có thể chia sẻ, chứ không phải là áp đặt. Đó là khả năng xác định được nhu cầu của con người và đáp ứng những nhu cầu đó – bao gồm nhu cầu của bản thân và nhu cầu của những người mà chúng ta quan tâm. Quyền lực còn là khả năng điều khiển “vương quốc” của riêng mình – quá trình tư duy, hành vi của bản thân – để qua đó ta gặt hái những kết quả mong muốn.
Trong suốt tiến trình lịch sử, quyền lực mang nhiều dạng thức khác nhau và đối nghịch lẫn nhau. Vào thời kỳ sơ khai, quyền lực đơn giản chỉ là kết quả của sức mạnh thể lý: ai là người nhanh nhất và mạnh nhất thì sẽ có quyền lực điều khiển cuộc sống của bản thân và những người sống gần anh ta. Khi nền văn minh con người ngày càng phát triển, quyền lực là kết quả của việc thừa kế. Bậc vua chúa hiển nhiên có quyền lực cai trị tuyệt đối. Những người khác cũng có thể tìm thấy quyền lực khi kết giao với nhà vua. Tiếp đến, vào buổi đầu của kỷ nguyên công nghiệp, quyền lực nằm ở tư bản: ai có tiền của thì người ấy sẽ thống trị được chu trình sản xuất. Tất cả những thứ này hiện giờ vẫn còn giữ vai trò quan trọng. Có nhiều tư bản và sức mạnh thể lý thì vẫn tốt hơn là không có. Tuy nhiên, ở thời đại ngày nay, một trong những nguồn tạo ra quyền lực đó chính là tri thức.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin. Về căn bản, chúng ta không còn sống trong nền văn hóa công nghiệp nữa, mà là văn hóa truyền thông. Chúng ta sống trong thời đại mà những ý tưởng mới, những hoạt động mới và những khái niệm mới thay đổi thế giới gần như hàng ngày, cho dù những thứ đó có cao siêu như vật lý lượng tử hay bình dị như chiếc bánh hamburger. Nếu có một thứ gì đó có thể mô tả thế giới hiện đại này, thì đó là dòng chảy thông tin – theo đó là dòng chảy thay đổi – ồ ạt, gần như không tưởng tượng nổi.
Từ sách vở, phim ảnh và internet, luồng thông tin mới mẻ này ào ạt đến với chúng ta như dòng thác lũ. Trong xã hội này, những ai có thông tin và phương tiện truyền đạt những thông tin đó thì sẽ có được những thứ mà các bậc đế vương xưa kia từng có – quyền lực vô hạn. Như nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith có viết: “Tiền là động lực cho xã hội công nghiệp. Nhưng trong xã hội của thông tin thì động lực, hay quyền lực, là nằm ở tri thức. Một cấu trúc giai tầng mới được phân chia giữa những người có thông tin và những người mù mờ thông tin. Giai tầng mới này có được quyền lực không phải từ tiền bạc, đất đai, mà là từ tri thức”.
Điều thú vị là chìa khóa dẫn đến quyền lực trong thời đại ngày nay đều nằm trong tầm tay tất cả chúng ta. Vào thời phong kiến, nếu bạn không phải là vua thì bạn phải đối mặt với những thử thách vô cùng khắc nghiệt để đạt được ngôi vị. Trong buổi bình minh của cuộc cách mạng công nghiệp, nếu bạn không nắm trong tay tư bản thì khả năng tích lũy của bạn thật sự là rất thấp. Nhưng ngày nay, bất cứ người trẻ nào cũng có thể gầy dựng một công ty có thể làm thay đổi thế giới. Trong thế giới hiện đại, thông tin chính là tài sản của bậc “đế vương”. Ai có kiến thức chuyên môn, người đó có thể thay đổi bản thân và cả thế giới bằng nhiều cách khác nhau.
Các loại tri thức chuyên biệt cần thiết để thay đổi chất lượng cuộc sống luôn có sẵn trong tầm tay mọi người. Nó nằm trong bất cứ nhà sách, hay thư viện nào. Bạn cũng có thể tìm thấy nó trong các bài diễn văn, hội thảo hay các khóa học. Thông tin đã có sẵn, vậy thì tại sao một số người đạt được những thành quả đáng kinh ngạc, trong khi những người khác chỉ kiếm vừa đủ để sống qua ngày? Tại sao tất cả chúng ta không thể cùng được tiếp sức mạnh, được hạnh phúc, giàu có, khỏe mạnh và thành công?
Sự thật là ngay cả trong kỷ nguyên thông tin, chỉ có thông tin thôi vẫn chưa đủ. Nếu tất cả những gì chúng ta cần chỉ là các ý tưởng và tư duy tích cực, vậy thì ai ai cũng sẽ có cuộc sống đẹp như mơ. Hành động là thứ giúp sản sinh kết quả, mang lại thành công vĩ đại. Tri thức chỉ mới là sức mạnh tiềm năng cho đến khi nó được trao vào tay người biết hành động hiệu quả. Thật ra, nghĩa đen của quyền lực chính là khả năng hành động.
Những điều chúng ta làm trong cuộc sống được quyết định bởi cách chúng ta tự đối thoại với bản thân như thế nào. Trong thế giới hiện đại, chất lượng cuộc sống thể hiện qua chất lượng của việc giao tiếp. Những điều chúng ta hình dung trong đầu và tự nói với bản thân, cùng với cách chúng ta di chuyển, sử dụng các cơ bắp và cách biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt thể hiện chúng ta sử dụng bao nhiêu kiến thức mà chúng ta biết.
Chúng ta thường bị vướng vào “chiếc bẫy” tinh thần: choáng ngợp trước thành công rực rỡ của người khác và nghĩ rằng họ thành công như vậy hẳn là do họ được trời phú cho những tài năng đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, khi ngẫm nghĩ thấu đáo hơn, ta sẽ thấy rằng món quà lớn nhất mà những người thành công khác thường có được chính là khả năng tự thúc đẩy bản thân hành động, một năng lực mà bất kỳ ai cũng có thể rèn luyện. Xét cho cùng, ai mà không có lượng kiến thức như Steve Jobs có. Không chỉ mình Ted Turner, nhiều người khác cũng phát hiện được truyền hình cáp có một tiềm năng kinh tế vô cùng to lớn. Nhưng duy nhất chỉ có Turner và Jobs có thể hành động, và theo đó họ đã thay đổi cách trải nghiệm về thế giới của rất nhiều người.
Có hai dạng giao tiếp định hình nên trải nghiệm về cuộc sống. Thứ nhất là giao tiếp nội tâm: những điều chúng ta hình dung, nói và cảm nhận bên trong bản thân. Thứ hai là giao tiếp bên ngoài: ngôn từ, âm điệu, nét mặt, cử chỉ và các hành động để giao tiếp với thế giới. Mỗi giao tiếp là một hành động. Và mọi cuộc giao tiếp đều tác động đến bản thân chúng ta, cũng như những người khác.
Khả năng giao tiếp, truyền đạt cũng là một dạng quyền lực. Những người vận dụng hiệu quả công cụ giao tiếp có thể thay đổi trải nghiệm của chính họ về thế giới và trải nghiệm của thế giới về họ. Mọi hành vi và cảm xúc đều có nguồn gốc từ việc giao tiếp. Người có thể tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của đám đông chính là người biết cách sử dụng công cụ quyền năng này. Hãy nghĩ về những người có khả năng làm thay đổi thế giới, như mục sư Martin Luther King, thủ tướng Anh Winston Churchill, Mahatma Gandhi... kể cả Hitler. Những nhân vật này đều có chung một đặc điểm: họ đều là bậc thầy giao tiếp. Họ có khả năng truyền đạt tầm nhìn, ước mơ của mình – cho dù đó là việc đưa con người vào không gian hay là việc lập nên chế độ Quốc xã đầy thù hận – cho người khác một cách thích hợp nhằm tác động đến cách suy nghĩ và hành động của đám đông. Thông qua năng lực giao tiếp, họ đã thay đổi cả thế giới.
Thực vậy, điều gì đã làm cho đạo diễn Steven Spielberg, Lee Iacocca hay Jane Fonda(*****) khác biệt với những người còn lại? Phải chăng họ là bậc thầy của công cụ giao tiếp, công cụ tác động đến con người? Nếu như những bậc thầy này đã tác động đến đám đông bằng cách giao tiếp, truyền đạt, thì nó cũng sẽ là công cụ giúp chúng ta tác động đến bản thân.
(*****) Jane Fonda là nữ diễn viên người Mỹ kiêm nhà văn, nhà hoạt động xã hội.
Mức độ thuần thục trong cách giao tiếp với thế giới bên ngoài sẽ quyết định mức độ thành công của bạn khi tương giao với mọi người – về các khía cạnh cá nhân, cảm xúc, xã hội và tài chính. Quan trọng hơn đó là mức độ thành công mà bạn trải nghiệm được trong nội tâm – niềm vui, niềm hân hoan, tình yêu và bất cứ điều gì bạn mong ước. Tất cả những điều đó là kết quả của việc giao tiếp với bản thân. Những điều ta cảm nhận được không phải là kết quả của những gì xảy đến với ta, mà nó là cách ta diễn giải những gì đang diễn ra. Cuộc đời của những nhân vật thành công đã cho thấy rõ rằng chất lượng cuộc sống không được quyết định bởi những điều xảy đến, mà là từ cách ứng phó của ta trước những điều đang diễn ra.
Ta chính là người quyết định mình sẽ cảm nhận và hành động như thế nào, dựa vào cách thức ta chọn để nhận thức về cuộc sống. Hầu hết mọi người đều để cho quá trình diễn giải ấy diễn ra tự động, nhưng ta có thể lấy lại sức mạnh này và ngay lập tức thay đổi trải nghiệm của bản thân về thế giới.
Cuốn sách này chia sẻ những cách thức hành động tập trung và phù hợp mà sẽ mang lại những kết quả vượt trội. Nếu có thể nói với bạn bốn từ về nội dung cuốn sách này, tôi sẽ nói là: tạo ra kết quả! Hãy nghĩ về điều đó. Đấy chẳng phải là điều khiến bạn quan tâm sao? Có thể là bạn muốn thay đổi cách bạn cảm nhận về bản thân và thế giới. Có thể là bạn muốn trở thành người có khả năng giao tiếp, truyền đạt tốt hơn, có được những mối quan hệ yêu thương, học hỏi nhanh hơn, trở nên khỏe mạnh hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.
Hầu hết chúng ta nghĩ rằng trạng thái tinh thần và những điều đang diễn ra trong tâm trí là những thứ không kiểm soát được. Nhưng sự thật là bạn có thể điều khiển các hoạt động tinh thần và hành vi của mình ở mức độ mà bạn chưa bao giờ tưởng tượng đến. Nếu bạn quá căng thẳng, bạn đã tạo ra cái mà bạn gọi là căng thẳng. Nếu bạn cảm thấy hân hoan, thì đó cũng chính là điều bạn đã tạo ra.
Hãy nhớ rằng những cảm xúc, như là căng thẳng, không xảy ra với bạn. Bạn không “bắt” lấy nó, mà thông qua các hành động tinh thần và thể chất nào đó, bạn tạo ra nó, cũng như những kết quả khác trong cuộc sống. Để cảm thấy căng thẳng, bạn phải nhìn cuộc sống theo cách thức riêng biệt nào đó, nói với bản thân điều gì đó với giọng điệu đặc trưng, thể hiện những cử chỉ và cách hít thở đặc thù. Ví dụ, nếu bạn muốn cảm thấy trầm cảm, hãy rụt vai lại và gục đầu, lăm lăm nhìn xuống đất. Nói với giọng điệu buồn bã và nghĩ đến những viễn cảnh tồi tệ nhất về cuộc sống cũng có thể... giúp bạn! Nếu bạn làm cho quá trình sinh hóa trong cơ thể bị rối loạn thông qua chế độ ăn uống nghèo dưỡng chất, rượu chè be bét hoặc “chơi” ma túy, hàm lượng đường sẽ xuống thấp và chắc chắn bạn cảm thấy mình rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
Như vậy, để tạo nên sự căng thẳng thì cũng phải mất nhiều công sức và đòi hỏi thực hiện nhiều hành động cụ thể. Một vài người thường xuyên và dễ dàng tạo ra được trạng thái này. Một số người đạt được những lợi ích phụ, chẳng hạn như nhận được sự chú ý, sự cảm thông, tình yêu thương… từ mọi người, cho nên họ biến kiểu giao tiếp này trở thành trạng thái tự nhiên của họ. Những người khác thì sống cùng với chúng quá lâu nên hoàn toàn cảm thấy thoải mái với chúng, và họ đồng hóa bản thân với trạng thái ấy. Tuy nhiên, ta có thể thay đổi những hành động tinh thần và thể chất của mình để qua đó ngay lập tức thay đổi cảm xúc và hành vi.
Tương tự như vậy, bạn có thể trở nên hân hoan ngay tức thì bằng cách hình dung ra những điều giúp tạo ra trạng thái cảm xúc ấy. Bạn có thể thay đổi âm điệu và nội dung của cuộc đối thoại nội tâm, có những cử chỉ và kiểu hít thở đặc trưng. Nếu muốn tràn đầy lòng trắc ẩn, bạn chỉ cần thay đổi các hành động thể chất và tinh thần của mình để phù hợp với những gì mà trạng thái trắc ẩn đòi hỏi. Điều này cũng đúng đối với tình yêu thương và các trạng thái cảm xúc khác.
Quy trình tạo ra trạng thái cảm xúc bằng cách quản lý các giao tiếp nội tại cũng tương tự như công việc của người đạo diễn. Để tạo ra kết quả chính xác như mong muốn, người đạo diễn phải kiểm soát được những điều khán giả sẽ nghe và sẽ nhìn thấy. Nếu muốn bạn sợ hãi, ông ta sẽ thêm vào những âm thanh và hiệu ứng ánh sáng đặc biệt vào đúng lúc cần thiết. Đạo diễn có thể dựng lên vở bi kịch hoặc hài kịch với cùng một sự kiện, tùy thuộc vào những gì ông ta chiếu lên màn hình. Bạn có thể làm y như vậy trên màn hình tâm trí bạn. Bằng những kỹ năng tương tự, bạn có thể chỉ đạo cho các hoạt động tinh thần, qua đó củng cố thêm cho những hành động thể lý. Bạn có thể bật “âm thanh” và “ánh sáng” – là những thông điệp tích cực trong não – và làm lu mờ “hình ảnh” và “âm thanh” của những thông điệp tiêu cực.
Một trăm năm trước, nếu bạn nói rằng loài người có thể lên được mặt trăng thì bạn sẽ bị cho là điên. Và nếu lúc đó bạn nói rằng bạn có thể đi từ New York đến Los Angeles trong năm giờ đồng hồ, có vẻ như bạn lại là một kẻ mơ mộng hão huyền. Tuy nhiên, chỉ cần làm chủ công nghệ và nắm vững quy luật khí động học là bạn có thể biến điều đó thành hiện thực. Tương tự như vậy, trong cuốn sách này, bạn sẽ nắm bắt được các quy luật về Kỹ thuật tạo Hiệu suất Tối ưu. Chúng sẽ giúp bạn khai thác những nguồn tài nguyên mà bạn chưa bao giờ nhận ra là bạn đang sở hữu.
“Mọi nỗ lực kiên trì
đều mang lại thành quả gấp bội lần.”
— Jim Rohn
Những người xuất sắc đều có chung một con đường dẫn đến thành công. Tôi gọi đó là Công thức Thành công Chủ chốt. Bước đầu tiên của công thức này là phải biết được kết quả bạn tạo ra, nghĩa là xác định rõ điều bạn mong muốn. Bước thứ hai là hành động, nếu không thì mong muốn của bạn sẽ mãi chỉ là giấc mơ. Song, hành động chúng ta thực hiện không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như ý, vì vậy bước thứ ba là tinh ý ghi nhận các phản hồi, kết quả từ hành động và nhanh chóng nhận ra hành động ấy đang đưa ta tiến gần mục tiêu của mình, hay khiến ta ngày càng rời xa nó. Nếu kết quả bạn nhận được không phải là điều bạn mong muốn, bạn cần rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Sau đó, bạn tiến đến bước thứ tư – linh hoạt thay đổi hành vi của bản thân cho đến khi đạt được điều bạn mong muốn.
Quan sát những người thành đạt, bạn sẽ thấy rằng họ đều trải qua những bước này. Họ bắt đầu với một mục tiêu, bởi lẽ bạn không thể đạt được điều gì nếu bạn không có một mục tiêu nào. Họ hành động, bởi lẽ có tri thức thôi thì chưa đủ. Họ có khả năng hiểu được người khác, để biết được phản hồi họ sẽ nhận được là gì. Và họ luôn hòa nhập, điều chỉnh, thay đổi hành vi của bản thân cho đến khi họ thấy rằng chúng có hiệu quả.
Steven Spielberg, ở tuổi 36, đã là một trong những nhà làm phim thành công nhất. Ông đã từng có bốn bộ phim nằm trong tốp mười phim đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh. Làm thế nào ông có thể thành đạt khi tuổi đời còn quá trẻ như vậy? Đó là một câu chuyện thật khác thường.
Từ hồi còn là cậu thiếu niên 13 – 14 tuổi, Spielberg đã biết mình muốn trở thành một đạo diễn điện ảnh. Đến năm 17 tuổi, trong một buổi chiều tham quan phim trường Universal, cuộc đời chàng trai trẻ Spielberg đã hoàn toàn thay đổi. Ông bí mật quan sát công đoạn quay phim. Rồi ông đã gặp gỡ, nói chuyện với trưởng phòng biên tập của hãng phim Universal trong một giờ đồng hồ, và ông trưởng phòng cảm thấy rất thú vị với các ý tưởng của Spielberg.
Đối với hầu hết mọi người thì câu chuyện có lẽ đã kết thúc. Nhưng Spielberg không giống như vậy. Ông có sức mạnh cá nhân. Ông biết được điều mình mong muốn. Ông đã học hỏi được từ chuyến tham quan ấy, vì vậy ông đã thay đổi cách tiếp cận. Trong ngày tiếp theo, ông diện một bộ com-lê, xách theo chiếc va-li của cha mà bên trong chỉ có mỗi chiếc bánh xăng-uýt và hai cây kẹo, và quay lại phim trường như thể là ông thuộc về nơi đó. Hôm ấy, ông đã qua mặt được nhân viên gác cổng. Ông tìm thấy một chiếc xe rơ-móoc bỏ đi, rồi dán dòng chữ đề-can “Đạo diễn Spielberg” lên cửa xe. Sau đó, ông dành cả mùa hè để gặp gỡ các đạo diễn, tác giả kịch bản, biên kịch và được sống trong thế giới mà ông hằng ao ước, học hỏi qua từng cuộc chuyện trò, quan sát và ngày càng nhạy bén trong việc làm thế nào để sản xuất thành công một bộ phim.
Đến năm 20 tuổi, sau khi trở nên quen thuộc với nơi này, Steven đã cho Universal xem một đoạn phim khiêm tốn mà ông đã đạo diễn, và ông được đề nghị làm đạo diễn cho một chuỗi chương trình truyền hình kéo dài bảy năm. Ông đã biến ước mơ của bản thân thành hiện thực.
Phải chăng Spielberg đã tuân theo Công thức Thành công Chủ chốt? Chắc chắn như vậy rồi. Ông đã có những kiến thức chuyên biệt để biết bản thân muốn điều gì. Ông đã hành động. Ông có khả năng cảm nhận mình sẽ đạt được thành quả nào, hành động của ông đưa ông đến gần hơn hay xa hơn mục tiêu của bản thân. Ông có khả năng linh hoạt chuyển đổi hành vi để đạt được điều mong muốn. Gần như tất cả những người thành đạt đều có cách làm việc giống nhau. Những người thành công đều cam kết sẽ linh hoạt thay đổi cho đến khi họ tạo được cuộc sống như mơ ước.
Gần như hàng tuần, tôi đều thực hiện một hội thảo bốn ngày với tên gọi The Mind Revolution (Cuộc Cách mạng Trí não). Trong hội thảo này, chúng tôi hướng dẫn cho mọi người mọi thứ – từ việc làm thế nào để não bộ hoạt động hiệu quả nhất cho đến việc ăn uống, hít thở và vận động như thế nào để phát huy tối ưu năng lượng của cá nhân. Ở phần Biến nỗi sợ thành sức mạnh vào buổi tối đầu tiên, tôi hướng dẫn mọi người làm thế nào để sẵn sàng dấn bước thay vì bị nỗi sợ kìm hãm lại. Đến cuối buổi, mọi người có cơ hội được đi trên... lửa – thực tế là bước qua dải than hồng dài khoảng 3 mét; ở những nhóm cao cấp hơn, tôi yêu cầu mọi người vượt qua 12 mét than đang cháy. Việc đi trên than hồng đã khiến cho giới truyền thông phấn khích đến nỗi tôi sợ họ quên mất thông điệp thật sự mà tôi gửi gắm. Vấn đề không nằm ở việc đi trên lửa. Việc đi qua thảm than đang cháy thì chẳng có lợi lộc gì cả. Thay vào đó, đây là một trải nghiệm về sức mạnh cá nhân, mang hàm ý về khả năng thực hiện và mở ra cơ hội để mọi người làm những việc mà trước đây họ nghĩ là không thể. Nó giúp mọi người nhận ra rằng nỗi sợ lớn nhất và những giới hạn của họ là do tự bản thân họ đặt ra.
Sự khác biệt duy nhất giữa việc bạn có thể đi trên than hồng hay không chính là khả năng bạn nói chuyện với bản thân để khích lệ bạn hành động, mặc cho những nỗi sợ hãi trong quá khứ đang “lập trình” những gì sẽ xảy ra với bạn. Bài học ở đây là con người gần như có thể làm mọi việc miễn là họ tập trung được các nguồn lực và tin rằng họ có thể hành động một cách hiệu quả.
Tất cả những điều này dẫn đến một sự thật đơn giản và hiển nhiên: thành công không phải là một việc ngẫu nhiên. Sự khác nhau giữa những người có thể đạt được thành quả tích cực và những người thất bại không phải là do may mắn - xui rủi. Có những mô thức hành động kiên định và lô-gic, có những con đường cụ thể dẫn đến sự tuyệt hảo, tất cả đều nằm trong tầm tay. Chúng ta có thể giải phóng phép màu bên trong bản thân. Đơn giản là chúng ta phải học cách khởi động, sử dụng não bộ và cơ thể một cách mạnh mẽ, có lợi nhất.
Bạn có bao giờ tự hỏi đâu là điểm chung giữa đạo diễn Spielberg và ca sĩ, nhạc sĩ Springsteen? John F. Kennedy và Martin Luther King đều có thể tác động đến nhiều người một cách sâu sắc và đầy cảm xúc, vậy điều giống nhau giữa họ là gì? Ted Turner và “Nữ hoàng nhạc Rock ‘n’ Roll” Tina Turner khác với những người còn lại ở điều gì? Tất cả họ đều có khả năng thúc đẩy bản thân hành động một cách hiệu quả nhằm hoàn thành ước mơ. Vậy điều gì đã khiến họ miệt mài biến những điều học hỏi được thành hành động? Dĩ nhiên là có rất nhiều yếu tố. Song, tôi tin rằng có bảy điều đã thắp lửa cho họ, giúp họ vượt qua bất cứ khó khăn nào để thành công.
1. Đam mê!
Tất cả những nhân vật kể trên đều khám phá ra một lý do, một mục tiêu đã thôi thúc mạnh mẽ và gần như ám ảnh họ, từ đó thúc đẩy họ hành động, phát triển và nhiều hơn thế nữa! Nó đã cung cấp thêm năng lượng cho “đoàn tàu thành công” của họ và giúp họ phát huy tiềm năng thật sự của mình.
Chính đam mê đã làm cho Lee Iacocca trở nên khác biệt với những người khác.
Chính đam mê đã thôi thúc các nhà khoa học cống hiến nhiều năm để có được những bước nhảy vọt nhằm đưa con người vào không gian.
Chính đam mê đã khiến người ta phải thức khuya dậy sớm, làm việc quên mình.
Lòng đam mê tiếp thêm sức mạnh và ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta sẽ khám phá cách giải phóng nguồn năng lượng nội tại này ở chương 11.
2. Niềm tin!
Những người thành công rực rỡ có niềm tin rất khác so với những người thất bại. Nếu ta tin vào phép màu, ta sẽ sống trong một thế giới đầy phép màu. Nếu ta tin rằng cuộc sống của mình đầy rẫy những hạn chế, thì bỗng nhiên ta biến những giới hạn đó thành sự thật.
Cuốn sách này sẽ đem đến cho bạn một phương pháp khoa học cụ thể nhằm nhanh chóng thay đổi niềm tin, từ đó giúp bạn vươn tới những mục tiêu hằng mơ ước. Nhiều người có đầy nhiệt tâm, nhưng do những niềm tin hạn hẹp của họ về việc họ là ai và họ có thể làm gì, nên họ chẳng bao giờ dám dấn bước để biến ước mơ thành hiện thực. Chúng ta sẽ khám phá về niềm tin và cách khai thác sức mạnh của nó ở chương 4 và 5.
Đam mê và niềm tin tạo động lực đẩy ta đến với sự vượt trội. Nhưng vẫn chưa đủ! Bên cạnh sức mạnh, chúng ta cần có một con đường, một trí óc nhạy bén. Để nhắm trúng mục tiêu, chúng ta cần:
3. Chiến lược!
Chiến lược chính là cách phân bổ các nguồn lực.
Khi Steven Spielberg quyết định trở thành nhà làm phim, ông đã vẽ ra một kế hoạch để vươn tới cái thế giới mà ông muốn chinh phục. Ông vạch ra những điều ông muốn học, cần phải quen biết những ai và điều cần phải làm. Ông có nhiệt huyết, có niềm tin, đồng thời cũng có chiến lược để những điều này phát huy hết tiềm năng của nó.
Có nguồn lực thôi vẫn chưa đủ, các nguồn lực phải được sử dụng một cách hiệu quả. Những người tài năng và tham vọng nhất cũng cần tìm ra hướng đi đúng. Bạn có thể mở cánh cửa bằng cách đập phá nó, nhưng bạn cũng có thể tìm thấy chìa khóa để mở nó một cách nguyên vẹn. Chúng ta sẽ bàn về chiến lược tạo nên sự vượt trội ở chương 7 và 8.
4. Nhận thức rõ các giá trị!
Giá trị là hệ thống niềm tin về những điều đúng - sai trong cuộc sống. Đó là những đánh giá mà chúng ta đưa ra về những gì làm cho cuộc sống này trở nên đáng sống. Nhiều người không có ý tưởng rõ ràng về điều gì thật sự quan trọng đối với họ. Họ thường làm những việc mà ngay sau đó họ cảm thấy không vui về điều đó.
Những người đạt được thành công vĩ đại thường là những người có khả năng phán đoán điều gì thật sự có ý nghĩa. Martin Luther King, Jane Fonda... tất cả họ đều có tầm nhìn lãnh đạo khác nhau, nhưng điểm chung giữa họ là đều có một nền tảng đạo đức căn bản – có khả năng nhận biết họ là ai và tại sao họ lại làm như vậy. Thấu hiểu các giá trị là một trong những chìa khóa đầy thách thức và đáng tưởng thưởng để đạt được sự vượt trội. Chúng ta sẽ xem xét đến các giá trị ở chương 18.
Có lẽ bạn cũng nhận thấy rằng tất cả các đặc điểm này đều bổ trợ và tương tác lẫn nhau. Lòng đam mê có bị tác động bởi niềm tin không? Dĩ nhiên là có. Càng tin mình có khả năng hoàn thành việc gì đó, ta sẽ càng dốc lòng dốc sức cho nó. Tuy nhiên, chỉ tin thôi thì đã đủ để vươn tới sự vượt trội? Đấy có thể là một khởi đầu tốt, nhưng nếu bạn tin rằng bạn sẽ thấy được mặt trời mọc, và chiến lược của bạn là chạy về hướng tây thì hẳn là bạn sẽ gặp khó khăn. Liệu chiến lược có bị ảnh hưởng bởi các giá trị? Nếu chiến lược yêu cầu bạn làm những việc trái với niềm tin, cho dù đó là chiến lược tốt nhất thì cũng không thể hiệu quả.
5. Nghị lực!
Nghị lực có thể là những cam kết mạnh mẽ của Bruce Springsteen hay là Tina Turner. Nó cũng có thể là sự linh hoạt trong việc điều hành kinh doanh của Donald Trump hay Steve Jobs. Nó cũng có thể là sức sống bền bỉ của Ronald Reagan(******) hay Katharine Hepburn(*******). Hầu như là không thể lừ đừ tiến bước mà đạt được thành công. Những người thành đạt nắm bắt mọi cơ hội. Họ sống như thể bị ám ảnh bởi những cơ hội diệu kỳ mỗi ngày và thừa nhận rằng thứ mà không một ai có đủ là thời gian.
(******) Ronald Wilson Reagan là tổng thống thứ 40 của Mỹ. Ông từng là phát thanh viên, diễn viên điện ảnh và truyền hình.
(*******) Katharine Hepburn là nữ diễn viên huyền thoại của điện ảnh Mỹ, với 4 lần đoạt giải Oscar dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Rất nhiều người trên thế giới này dành trọn nhiệt huyết, đam mê cho điều mà họ tin tưởng. Họ biết được chiến lược nào sẽ đảm bảo thành công, những giá trị phải tuân thủ, nhưng họ lại chẳng có đủ sự bền bỉ để thực hiện. Thành công không thể nào tách rời nghị lực, dù đó là sức mạnh ý chí hoặc năng lượng thể chất.
6. Sức mạnh của những mối quan hệ khắng khít!
Hầu như tất cả những người thành công đều có khả năng kết giao với nhiều người khác. Đó là khả năng kết nối và phát triển mối quan hệ với những người có nền tảng kiến thức và niềm tin khác nhau.
Chắc chắn là thỉnh thoảng vẫn có những thiên tài hơi tưng tửng. Những người này có khả năng sáng chế những thứ làm thay đổi thế giới, nhưng nếu họ dành hết thời gian của bản thân cho một lĩnh vực hạn hẹp, thì họ chỉ có thể thành công trong lĩnh vực đó và thất bại trong rất nhiều lĩnh vực khác. Những “tượng đài” vĩ đại – như họ nhà Kennedy, họ nhà Reagan, họ nhà Gandhi... – đều có khả năng tạo ra những quan hệ khắng khít nhằm liên hiệp họ với hàng triệu người khác. Những “tượng đài” này không chỉ thành công trên vũ đài thế giới, mà còn nằm trong sâu thẳm trái tim mọi người. Bất cứ ai cũng cần thiết lập mối quan hệ bền chặt với những người khác. Không có mối quan hệ, bất kỳ thành công hay sự xuất sắc vượt bậc nào cũng thực sự rỗng tuếch. Chúng ta sẽ tìm hiểu về các mối quan hệ ở chương 13.
7. Giao tiếp tốt!
Cách chúng ta giao tiếp với chính mình và với người khác sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Người thành công là người biết đón nhận những thử thách từ cuộc sống và khích lệ bản thân để thay đổi mọi thứ theo hướng mang lại thành công; trong khi đó, người thất bại chỉ nhìn thấy nghịch cảnh và an phận với những hạn chế đó. Sức mạnh của sự truyền đạt có thể tạo nên những ông bố bà mẹ tốt, một nghệ sĩ lớn, một chính trị gia vĩ đại hay một giáo viên tuyệt vời.
Điều gì xảy ra nếu có một phương pháp giúp đẩy nhanh tiến trình học hỏi?
Điều gì xảy ra nếu tôi chia sẻ với bạn cách rút ra những bài học vô giá, giống như những con người ưu tú đã từng làm?
Điều gì xảy ra nếu bạn chỉ mất vài phút để “ngộ” ra những điều mà người khác phải mất hằng năm trời mới nhận ra để đạt đến sự hoàn thiện?
Thật tuyệt vời, phải không? Phương pháp để làm được như vậy đó là học hỏi những mô hình tốt – điều gì khiến họ khác với người suốt ngày chỉ mơ mộng một ngày kia mình sẽ thành công? Chúng ta hãy cùng khám phá...