Chương 2
HÀNH ĐỘNG KHÁC, KẾT QUẢ KHÁC
“Cuộc sống này thật khôi hài; nếu bạn từ chối chấp nhận mọi thứ trừ cái tốt nhất, bạn thường sẽ nhận được nó.”
— W. Somerset Maugham
Anh ấy đang đi trên đường cao tốc với vận tốc 104,5 km/giờ thì điều đó đã đột ngột xảy ra. Một thứ gì đó bên vệ đường thu hút ánh nhìn của anh, và khi quay đầu lại nhìn về phía trước, anh chỉ có một giây để phản ứng. Nhưng đã quá trễ. Chiếc xe tải Mack đi phía trước đột nhiên thắng gấp. Ngay lập tức, với nỗ lực tự cứu lấy mạng sống của mình, anh phanh gấp chiếc xe máy với một cú lết bánh kinh hoàng tưởng chừng như sẽ kéo dài mãi mãi. Với những chuyển động chậm chạp đầy khó nhọc, anh trượt xuống gầm xe tải. Chiếc nắp bình xăng rơi ra khỏi xe máy, rồi điều tệ hại nhất đã xảy ra: nhiên liệu tràn ra ngoài và nhanh chóng bắt lửa. Giây phút tỉnh táo tiếp theo của anh là trải nghiệm tỉnh dậy trên chiếc giường ở bệnh viện với những cơn đau rát, không thể cử động và phải thoi thóp thở. Ba phần tư cơ thể anh bị bao phủ bởi những vết bỏng nghiêm trọng. Tuy vậy, anh ấy vẫn không hề bỏ cuộc. Anh gắng gượng quay trở lại cuộc sống và tiếp tục gầy dựng sự nghiệp kinh doanh chỉ để sau đó phải chịu đựng thêm cú sốc cuộc đời không thể ngờ tới: một tai nạn máy bay đã khiến anh bị liệt hoàn toàn từ phần thắt lưng trở xuống.
Trong cuộc đời mỗi người, sẽ luôn có một khoảng thời gian thử thách tột cùng – khoảng thời gian mà tất cả những gì ta có đều bị kiểm nghiệm; khoảng thời gian mà niềm tin, giá trị, sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự bền bỉ của ta bị đẩy lên đến tột đỉnh. Một vài người xem những phép thử này như là cơ hội để hoàn thiện mình hơn, trong khi số khác lại để chúng hủy hoại họ. Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng điều gì tạo nên sự khác biệt trong cách con người ta phản ứng lại trước những thách thức của cuộc đời? Với tôi thì chắc chắn là có đấy. Hầu hết thời gian của đời mình, tôi luôn bị thu hút bởi những thứ khiến cho con người hành xử theo cách mà họ vẫn thường làm. Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo, một người thành đạt? Tại sao có quá nhiều người trên thế giới này sống một cuộc sống vui vẻ, bất chấp nghịch cảnh trong khi những người khác, tưởng chừng như đã có tất cả, lại luôn sống trong tuyệt vọng, giận dữ và trầm cảm?
Để tôi chia sẻ với bạn câu chuyện về một người đàn ông khác. Cuộc sống của người đàn ông này dường như xán lạn hơn rất nhiều. Anh ta giàu có kinh khủng, là một nghệ sĩ vô cùng tài năng với rất nhiều người hâm mộ. Ở tuổi 22, anh ta là thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm hài lừng danh Second City ở Chicago. Gần như ngay lập tức anh trở thành ngôi sao được săn đón ở các sô diễn. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ có một vai diễn chính trên sân khấu New York. Anh là một trong những người thành công nhất vào những năm 70. Sau đó anh trở thành một trong những ngôi sao điện ảnh “nóng” nhất nước Mỹ. Anh tiếp tục lấn sân sang âm nhạc và cũng ngay lập tức gặt hái nhiều thành công ở lĩnh vực này. Anh có những người bạn đáng ngưỡng mộ, một cuộc hôn nhân mỹ mãn, những ngôi nhà tuyệt vời ở thành phố New York và Martha’s Vineyard. Anh dường như có tất cả những gì mà mọi người mong muốn.
Bạn muốn là ai trong hai người này? Thật khó tin là có ai đó sẽ chọn người đầu tiên thay vì người thứ hai.
Nhưng để tôi nói cho bạn biết rõ hơn về hai người này. Người đầu tiên là một trong những người đầy nghị lực, mạnh mẽ và thành công nhất mà tôi biết, W. Mitchell. Kể từ tai nạn xe máy khủng khiếp năm ấy, ông sống một cuộc sống đầy thành công và niềm vui hơn hẳn những gì hầu hết mọi người được biết. Ông bắt đầu gầy dựng mối quan hệ với những người có tầm ảnh hưởng lớn ở nước Mỹ. Ông trở thành triệu phú trong lĩnh vực kinh doanh. Ông ấy thậm chí còn tham gia cuộc “chạy đua” vào Quốc hội, bất chấp sự thật là khuôn mặt ông mang những vết lằn kỳ quặc. Khẩu hiệu cho chiến dịch của ông là: “Hãy để tôi vào Quốc hội, và tôi sẽ không như những khuôn mặt đẹp đẽ kia”. Ông có mối quan hệ tuyệt vời với một người phụ nữ vô cùng đặc biệt, và ông cũng rất hào hứng tranh cử cho chức Thống đốc vùng Colorado vào năm 1986.
Người đàn ông thứ hai là John Belushi. Ông là một trong những diễn viên hài nổi tiếng, và là một trong những điển hình về sự thành công trong làng giải trí vào những năm 70. Belushi đã làm phong phú cuộc sống của rất nhiều người, nhưng lại không phải là cuộc sống của ông. Khi Belushi mất ở tuổi 33 – theo các điều tra viên, nguyên nhân dẫn đến cái chết là do “ngộ độc cấp tính cocain và heroin” – những ai biết ông đã vô cùng ngạc nhiên. Ngoài mặt, tưởng chừng như ông đã có tất cả; nhưng bên trong, ông đã phải chịu đựng sự trống rỗng suốt nhiều năm qua.
Vậy đâu là điểm khác biệt giữa người có tất cả và người chẳng có gì?
Sự khác nhau giữa người có thể và người không thể?
Sự khác nhau giữa người chịu hành động và người không hành động?
Tại sao một vài người có thể vượt qua những nghịch cảnh tồi tệ đến mức không thể tưởng tượng và tiếp tục sống như là người chiến thắng, trong khi những người khác, mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi nhưng lại biến cuộc sống của mình thành thảm họa?
Tại sao một vài người đón nhận lấy trải nghiệm và bắt nó phải phục tùng mình, còn những người khác cũng có trải nghiệm tương tự nhưng lại khiến chúng chống lại bản thân?
Sự khác nhau giữa W. Mitchell và John Belushi là gì?
Điều gì tạo nên sự khác biệt cho chất lượng cuộc sống?
Tôi đã bị câu hỏi này ám ảnh suốt cuộc đời mình. Khi tôi lớn lên, tôi quan sát thấy có nhiều kiểu người giàu khác nhau – công việc tốt, mối quan hệ tuyệt vời, bề ngoài đẹp đẽ... Tôi đã tìm hiểu điều gì làm cho cuộc sống của họ khác với cuộc sống của tôi và bạn bè tôi. Sự khác biệt hầu như đều bắt đầu từ cách ta giao tiếp với chính mình và những hành động của ta. Phải làm gì đây khi đã cố gắng hết sức mà mọi thứ vẫn không hề ổn? Ai đó thành công không phải vì họ có ít vấn đề hơn người thất bại. Người duy nhất không có vấn đề gì là những người đang yên nghỉ ngoài nghĩa trang. Không phải những gì xảy ra với ta sẽ quyết định sự thành - bại, chính cách chúng ta nhận thức và xử lý những “sự cố” đó mới tạo nên sự khác biệt.
Khi W. Mitchell biết tin ba phần tư cơ thể ông bị bỏng ở độ 3, bản thân ông có nhiều lựa chọn trong cách diễn dịch thông tin đó. Sự kiện này có thể là một cái cớ để tìm đến cái chết, để đau buồn hay bất cứ điều gì khác mà ông muốn bày tỏ. Nhưng ông đã chọn cách: thường xuyên tự nói với bản thân rằng chuyện gì xảy ra cũng có lý do của nó. Biết đâu một ngày nào đó, chính sự kiện này lại trở thành một lợi thế tuyệt vời để ông có thể tạo nên sự khác biệt trên thế giới này. Kết quả là, sau khi trò chuyện với chính mình như vậy, ông đã hình thành nên một chuỗi niềm tin và giá trị, giúp ông tiếp tục định hướng cuộc đời dựa trên những lợi thế chỉ bản thân mình có thay vì trải nghiệm nó như là tấn bi kịch – kể cả khi cơ thể bị liệt.
“Vạn vật không thay đổi,
chỉ có con người chúng ta mới thay đổi.”
— Henry David Thoreau
Tôi luôn tò mò về cách mà người ta tạo ra kết quả. Cách đây khá lâu, tôi đã nhận thấy những người đạt được thành tựu xuất sắc thường phải làm điều gì đó thực sự đặc biệt để tạo nên chúng. Giao tiếp với bản thân thôi vẫn chưa đủ. Tôi muốn biết cách họ đã thực hiện. Tôi tin rằng nếu tôi sao chép chính xác theo những hành động của người khác, tôi sẽ có được kết quả mỹ mãn y như vậy. Tôi tin rằng nếu tôi trồng cây, sẽ có ngày tôi được ăn quả ngọt. Nếu ai đó vẫn giữ lòng trắc ẩn ngay cả khi ở trong hoàn cảnh thảm khốc nhất, tôi sẽ tìm ra ngay chiến lược của anh ấy – cách nhìn nhận sự việc, cách sử dụng cơ thể mình trong những tình huống ấy – và trở nên giàu lòng trắc ẩn hơn thế. Nếu hai người chung sống với nhau đã 25 năm mà tình yêu họ dành cho nhau vẫn sâu đậm, tôi sẽ tìm hiểu những hành động và niềm tin họ đang có để rồi áp dụng chúng cho mối quan hệ của cá nhân mình nhằm tạo ra kết quả đẹp như vậy. Vì thế, tôi bắt đầu noi theo gương của những cá nhân xuất sắc. Trong cuộc tìm kiếm thành công, tôi đã nghiên cứu mọi con đường mà tôi có thể tìm ra.
Và tôi đã nghiên cứu về Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (Neuro-Linguistic Programming, NLP). NLP là một bộ môn nghiên cứu về cách mà ngôn ngữ, cả bằng lời lẫn không lời, ảnh hưởng đến hệ thần kinh của chúng ta như thế nào. Khả năng làm bất cứ việc gì trong cuộc sống cũng đều dựa vào khả năng điều khiển hệ thần kinh. Những người gặt hái được kết quả vượt trội chắc chắn đã truyền đạt, giao tiếp theo phương thức đặc biệt nào đó với hệ thần kinh.
Trước kia, NLP chủ yếu được dạy cho các nhà trị liệu và số ít các vị giám đốc điều hành may mắn. Lần đầu tiên tiếp xúc với phương pháp này, ngay lập tức tôi nhận thấy nó hoàn toàn khác biệt với những điều tôi đã từng trải nghiệm qua. Tôi đã quan sát chuyên viên NLP chọn một phụ nữ đã từng điều trị 3 năm về chứng phản ứng với nỗi sợ hãi; và chưa đầy 45 phút, chẳng còn nỗi sợ hay nỗi ám ảnh nào nữa. Tôi thực sự đã bị cuốn hút.
NLP giới thiệu một khuôn khổ mang tính hệ thống giúp điều khiển não bộ chúng ta. Nó không chỉ dạy ta cách làm chủ hành vi và trạng thái của mình, mà còn định hướng cả hành vi và trạng thái của người khác nữa. Tóm lại, đây là bộ môn khoa học chỉ dẫn ta cách vận hành não bộ theo hướng tối ưu để từ đó tạo ra những kết quả như mong muốn.
Một trong những giả định của NLP là tất cả chúng ta đều có cùng một hệ thần kinh giống nhau, vì vậy chỉ cần bạn vận động hệ thống của mình hệt như những người khác thì bạn cũng có thể làm được những điều vĩ đại như họ. Quá trình khám phá chính xác và cụ thể những gì con người ta cần làm để đạt được kết quả như ý muốn được gọi là quá trình mô hình hóa.
Nếu người khác làm được, thì bạn cũng có thể. Điều quan trọng không phải là bạn có thể tạo ra những thành quả giống như họ hay không, mà vấn đề ở đây chính là chiến lược – nghĩa là người ấy đã đạt được thành công bằng cách nào? Nếu người mà bạn quen biết có thể giao tiếp tốt với con cái anh ta, bạn cũng làm được như vậy. Nếu ai đó dễ dàng thức dậy và tỉnh táo vào buổi sáng, thì bạn cũng có thể làm được như thế. Đơn giản là hãy mô phỏng theo cách những người ấy điều khiển hệ thần kinh của họ.
Có những việc rất khó, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể học hỏi và mô phỏng theo. Tuy nhiên, nếu mong muốn và niềm tin của bạn đủ lớn, nó sẽ hỗ trợ bạn tiếp tục điều chỉnh và thay đổi. Trong nhiều trường hợp, người ta phải mất vài năm để thử nghiệm và phạm sai lầm, từ đó tìm ra cách cụ thể để sử dụng cơ thể và khối óc của mình cho mục đích cuối cùng là tạo ra thành quả; nhưng bạn có thể bắt đầu ngay, mô phỏng theo một hành động mà mất nhiều năm mới có thể hoàn thiện, và tạo ra kết quả tương tự trong vòng vài giây, vài tháng – hoặc trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Càng đọc nhiều sách về NLP, tôi càng ngạc nhiên vì tôi tìm thấy rất ít, thậm chí là không hề có bài viết nào đề cập đến quá trình mô hình hóa. Đối với tôi, mô hình hóa là “đại lộ” thênh thang đưa ta đến sự vượt trội. Có nghĩa là nếu tôi thấy ai đó làm được điều mình mong muốn, chỉ cần tôi sẵn sàng dành ra thời gian và nỗ lực, thì tôi có thể đạt được kết quả y hệt. Nếu bạn muốn thành công, những gì bạn cần làm là noi theo gương những người thành đạt. Nếu bạn muốn trở thành một người bạn tốt, một người giàu có, một ông bố tuyệt vời, một vận động viên tài năng, một doanh nhân thành đạt... hãy tìm ngay cho mình những hình mẫu vượt trội trong lĩnh vực ấy.
Những yếu nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới thường là những bậc thầy về nghệ thuật mô phỏng. Họ tinh thông nghệ thuật học hỏi dựa trên kinh nghiệm của người khác. Họ biết cách tiết kiệm thứ mà không ai trong chúng ta có đủ – thời gian.
Cuốn sách này cũng chứa đựng hàng loạt những hình mẫu về việc định hướng tư duy, vận động cơ thể và cách thức giao tiếp với người khác để tạo ra những thành tựu vượt bậc. Tuy nhiên, mục đích tôi đặt ra cho bạn không chỉ là học theo những mô hình thành công sẵn có, mà còn phải đi xa hơn nữa là tự tạo cho mình những hình mẫu riêng. Tôi muốn hướng dẫn bạn cách chộp lấy những điều vượt trội và biến nó thành của mình. Với Kỹ thuật tạo Hiệu suất Tối ưu, bạn sẽ không bị bế tắc, cứng nhắc làm theo bất kỳ hình mẫu nào, mà thay vào đó sẽ luôn tìm ra những phương pháp mới hiệu quả hơn để đạt được thành quả như mong đợi.
Tôi đã dạy cho các tay súng thiện xạ trong quân đội Mỹ bắn tốt hơn nhờ cách tìm ra những hình mẫu xuất sắc trong lĩnh vực bắn súng ngắn. Tôi đã học được kỹ năng của một bậc thầy karate bằng cách quan sát những gì họ nghĩ và làm. Tôi cải thiện được phong độ cho các vận động viên Olympic. Tôi làm được điều này bằng cách mô phỏng chính xác những gì người ta làm và đạt được thành công vang dội, rồi sau đó hướng dẫn họ thực hiện những điều tương tự.
Kế thừa từ thành công của người khác là một trong những khía cạnh cơ bản nhất của việc học hỏi. Trong lĩnh vực công nghệ, tất cả những tiến bộ về kỹ thuật hay thiết kế đều dựa trên nền tảng những phát minh và đột phá trước đó. Trong lĩnh vực kinh doanh, những doanh nghiệp không biết học hỏi từ quá khứ, không biết cập nhật những thông tin mới nhất sẽ bị lụn bại.
Tuy nhiên, lĩnh vực hành vi con người là một trong số ít các lĩnh vực vẫn còn vận hành dựa trên những lý thuyết và thông tin lỗi thời. Rất nhiều người vẫn đang sử dụng bộ óc của thế kỷ 19 để làm việc, cũng như hành xử. Chúng ta dán cái mác mang tên “trầm cảm” lên mọi thứ, và đoán xem nào? Chúng ta trở nên chán nản thật! Cụm từ này tự thân nó có thể là một lời tiên tri. Cuốn sách này sẽ hướng dẫn ta về một công nghệ có sẵn, giúp tạo ra giá trị cuộc sống như mong muốn.
Bandler và Grinder, “cha đẻ” của NLP, nhận thấy có 3 thành phần cơ bản giúp con người đạt đến sự vượt trội. Đó là 3 hình thức hoạt động về tinh thần và thể chất. Hãy tưởng tượng chúng giống như 3 cánh cửa đưa ta đến một sảnh tiệc thật hoành tráng.
Cánh cửa đầu tiên đại diện cho hệ thống niềm tin của con người. “Dù bạn tin rằng làm được hay không làm được, thì bạn vẫn luôn đúng” – trong phạm vi nào đó, câu nói này hoàn toàn chính xác. Khi bạn không tin rằng mình có thể, bạn gửi đến hệ thần kinh một thông điệp nhất quán, từ đó sẽ hạn chế hoặc loại bỏ hẳn khả năng tạo ra thành quả của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên gửi đến hệ thần kinh những thông điệp thích hợp, nói rằng bạn có thể thực hiện việc đó, não bộ sẽ được báo hiệu để tạo ra những kết quả như mong đợi, đồng thời còn giúp mở ra những khả năng mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống niềm tin ở chương 4.
Cánh cửa thứ hai là cú pháp tinh thần, là cách sắp xếp những suy nghĩ của chúng ta. Với ngần ấy số, bạn phải quay số điện thoại theo đúng thứ tự để gọi đến đúng người. Cú pháp tinh thần đúng sẽ giúp bạn đạt được kết quả như mong đợi. Ngoài ra, điều này cũng có ý nghĩa trong giao tiếp giữa người với người. Nhiều người không thể giao tiếp tốt với nhau bởi vì họ sử dụng những cú pháp tinh thần khác nhau. “Giải” được những đoạn mã ấy, bạn sẽ bước qua cánh cửa thứ hai và thấm nhuần những tính cách tốt nhất. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về cú pháp tinh thần ở chương 7.
Cánh cửa thứ ba là trạng thái sinh lý. Trí não và cơ thể vốn có mối liên kết với nhau. Cách sử dụng các chức năng sinh lý – cách thở, tư thế, nét mặt và cử động – thực sự có thể xác định trạng thái hiện tại của mỗi người, và rồi tiếp tục định hình nên hành vi. Chúng ta sẽ xem xét về trạng thái sinh lý ở chương 9.
Thực ra, chúng ta đang mô phỏng, đang bắt chước ở mọi lúc, mọi nơi. Một đứa bé học nói như thế nào? Một vận động viên trẻ học hỏi từ các bậc tiền bối ra sao? Một doanh nhân đầy tham vọng có thể quyết định cơ cấu lại công ty của mình dựa trên những cơ sở nào?
Điều gì nằm sau “phép màu” của nền kinh tế Nhật Bản? Có phải là do sự đổi mới quá xuất sắc hay không? Cũng có thể. Tuy nhiên, có rất ít những sản phẩm mới hay những tiến bộ công nghệ vượt bậc bắt đầu từ Nhật. Người Nhật đơn giản lấy ý tưởng và sản phẩm từ một nơi, đủ các loại – từ xe hơi đến chất bán dẫn – và thông qua quá trình mô phỏng một cách tỉ mỉ, họ giữ lại những yếu tố tốt nhất và cải tiến phần còn lại.
Tại sao W. Mitchell không những sống sót mà còn trở nên thịnh vượng sau những gì ông đã trải qua? Khi ở trong bệnh viện, những người bạn của ông thường xuyên kể cho ông nghe về những tấm gương đã vượt qua được những trở ngại lớn của cuộc đời. Ông đã có được hình mẫu đầy triển vọng. Hình mẫu tích cực ấy mạnh mẽ hơn nhiều so với những trải nghiệm tiêu cực mà ông đã trải qua. Điểm khác nhau giữa người thành công và người thất bại không nằm ở những gì họ có – mà nằm ở những gì họ muốn nhìn thấy, muốn thực hiện với những nguồn lực sẵn có và với những kinh nghiệm về cuộc đời.
Mục tiêu và kết quả tôi đặt ra cho bạn không chỉ là nắm rõ các mô hình mà tôi mô tả ở đây. Điều bạn cần làm là phát triển mô hình, chiến lược riêng cho bản thân.
Việc mô hình hóa rõ ràng là không hề mới – mỗi nhà phát minh vĩ đại đều dựa vào những khám phá của người khác để tạo ra một thứ gì đó mới; mỗi đứa trẻ đều bắt chước thế giới xung quanh chúng. Nhưng vấn đề là hầu hết chúng ta đều rập khuôn một cách lộn xộn, thiếu tập trung. Chúng ta chọn ngẫu nhiên từ người này hay người kia, và bỏ lỡ những thứ quan trọng hơn từ người khác. Chúng ta có thể rập khuôn một điều tốt ở chỗ này, nhưng lại sao chép nhầm một điều xấu ở chỗ khác. Chúng ta bắt chước theo người mà ta tôn trọng, nhưng thực sự không hiểu gì về cách họ làm.
“Cuộc tương ngộ giữa những bước chuẩn bị và cơ hội, để từ đó sinh ra thành quả, được gọi là sự may mắn.”
— Anthony Robbins
Luôn có những nguồn lực và chiến lược kỳ lạ xung quanh bạn. Hãy bắt đầu tư duy như một người mô phỏng, liên tục tìm tòi những mô hình và kiểu hành động giúp tạo nên kết quả tuyệt vời. Nếu ai đó có thể làm những việc vượt trội, câu hỏi xuất hiện ngay lập tức trong đầu bạn phải là: “Họ đã làm điều đó như thế nào?”. Tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục tìm kiếm sự vượt trội, điều kỳ diệu trong mọi điều bạn nhìn thấy và học cách biến nó thành hiện thực.