Chương 3
SỨC MẠNH CỦA TRẠNG THÁI
“Chính suy nghĩ là nguyên nhân khiến ta trở nên mạnh hoặc yếu, bất hạnh hoặc hạnh phúc, giàu hoặc nghèo.”
— Edmund Spenser
Đã bao giờ trong bạn cuồn cuộn nỗi căng thẳng, cảm giác như mình không được phép sai phạm? Có lúc bạn thấy ngạc nhiên khi lập nên kỳ tích mà bạn chẳng bao giờ nghĩ mình có thể làm được. Và chắc hẳn bạn cũng từng có những trải nghiệm ngược lại – một ngày chẳng có gì suôn sẻ, bạn làm rối tung những chuyện mà bình thường bạn thực hiện rất dễ dàng.
Sự khác nhau ở đây là gì? Cùng là một người, lẽ ra bạn phải có cùng cách xử lý vấn đề. Vậy tại sao có lúc bạn tạo ra kết quả tồi tệ, nhưng có lúc lại là một kết quả tuyệt vời? Tại sao ngay cả những vận động viên giỏi nhất, những người luôn làm mọi thứ thật xuất sắc lại có lúc không thể đưa bóng vào rổ hoặc không thực hiện được cú đánh đơn giản?
Sự khác biệt ấy nằm ở trạng thái sinh lý - thần kinh của chúng ta. Trạng thái tích cực (như tự tin, yêu thương, vui sướng, tin tưởng...) sẽ khơi trào suối nguồn sức mạnh bên trong mỗi người; còn trạng thái tiêu cực (như bối rối, đau buồn, sợ hãi, lo lắng, buồn bã, thất vọng...) sẽ làm cho chúng ta trở nên bất lực.
Ai cũng từng trải qua trạng thái tốt lẫn xấu. Đã bao giờ bạn bước vào nhà hàng và bị nữ nhân viên phục vụ nặng nhẹ: “Dùng gì???”. Bạn có nghĩ rằng cô ta thường xuyên giao tiếp theo cách đó? Có lẽ do gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nên cô ấy mới hành xử như vậy, hoặc có thể là do cô đã phải làm việc quá nhiều suốt cả ngày hôm ấy và bị một số khách hàng phàn nàn. Cô ấy không phải là người xấu, chỉ là cô đang rơi vào trạng thái bấn loạn không rõ nguyên do. Nếu thay đổi được trạng thái, cách hành xử của cô sẽ thay đổi.
Thấu hiểu trạng thái là chìa khóa để chúng ta thấu hiểu được những thay đổi và đạt được thành công. Có những lúc nào đó trong cuộc đời, ta đã nói và làm những việc mà sau này ta thấy thật hối tiếc, xấu hổ. Việc nhớ những lúc ai đó đối xử tệ với mình là rất quan trọng, để từ đó ta tự nhắc mình hãy trở nên vị tha thay vì giận dữ. Đừng chỉ trích tật xấu của ai khi chính mình cũng chẳng tốt hơn. Chớ đánh đồng một con người với cách hành xử của họ. Vậy thì mấu chốt là phải điều khiển được trạng thái, để rồi kiểm soát được hành vi của mình.
Khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ tìm được cách đưa mình vào trạng thái tháo vát, mạnh mẽ và thoát khỏi trạng thái ủ dột bất cứ lúc nào bạn muốn. Luôn ghi nhớ rằng chìa khóa để mở ra sức mạnh/quyền lực chính là hành động.
Trạng thái là tập hợp hàng triệu các quá trình thần kinh diễn ra bên trong ta – nói cách khác, đó là tập hợp các trải nghiệm ta đã gặp vào bất kỳ thời điểm nào. Hầu hết các trạng thái của chúng ta cứ bùng phát một cách vô thức. Ta nhìn thấy sự vật, hiện tượng nào đó, rồi phản ứng lại theo trạng thái xuất hiện ngẫu nhiên vào thời điểm ấy. Đó có thể là trạng thái tích cực, mà cũng có thể là trạng thái tiêu cực. Điểm khác biệt giữa người thất bại và người thành công trong việc chinh phục mục tiêu đó là người thành công có thể đưa mình vào trạng thái phù hợp, mang tính khích lệ.
Điều mà chúng ta thật sự muốn đó là có được trạng thái tích cực. Hãy lập một danh sách liệt kê những thứ bạn muốn trong cuộc sống. Bạn có muốn tình yêu không? Vâng, yêu thương cũng là một trạng thái, là cảm giác hay cảm xúc mà chúng ta cảm nhận được từ sâu thẳm tâm hồn mình khi có những kích thích nhất định từ môi trường xung quanh. Còn sự tự tin, lòng tôn trọng thì sao? Tất cả đều do chúng ta tạo ra. Ta tạo ra những trạng thái này từ bên trong. Có lẽ bạn cũng muốn có nhiều tiền. À, bạn không quan tâm lắm đến mấy tờ giấy bạc ấy, bạn chỉ muốn những thứ mà tiền thường mang đến – tình yêu, sự tự tin, tự do, hay bất kỳ trạng thái nào. Vì vậy, chìa khóa dẫn đến tình yêu thương, niềm vui, chìa khóa giúp mang lại sức mạnh/khả năng làm chủ cuộc đời mà con người ta đã phải tìm kiếm trong nhiều năm đó là khả năng điều khiển và quản lý trạng thái của bản thân.
Bí quyết đầu tiên để điều khiển trạng thái và đạt được những kết quả mong muốn trong cuộc sống đó là học cách vận hành não bộ thật hiệu quả. Từ nhiều thế kỷ qua, con người đã ưa chuộng những cách thức làm thay đổi trạng thái và theo đó là những trải nghiệm của họ về cuộc sống. Họ đã thử nhịn ăn, dùng ma túy, tổ chức những nghi lễ, tận hưởng âm nhạc, tình dục, thức ăn, thôi miên và cả tụng niệm nữa. Tất cả những thứ này đều có công dụng và hạn chế riêng. Có những cách thức đơn giản hơn nhiều nhưng sức mạnh vẫn ngang ngửa, thậm chí trong vài trường hợp còn nhanh và chính xác hơn.
Nếu như mọi hành vi đều là kết quả của trạng thái, thì ta có thể giao tiếp và hành xử tốt hơn khi ở trong trạng thái tích cực. Song, điều gì tạo nên trạng thái? Trạng thái bao gồm hai thành phần chính: hiển thị nội tại và trạng thái sinh lý của bản thân.
Cách thức và những điều mà bạn mường tượng, suy diễn – cũng như cách thức và những điều mà bạn tự trò chuyện với chính mình – sẽ tạo nên trạng thái và theo đó là cách hành xử của bạn. Ví dụ, bạn sẽ đối xử với người bạn đời của bạn như thế nào nếu anh/cô ta về nhà trễ? À, điều đó sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào trạng thái của bạn lúc ấy. Trạng thái được hình thành dựa trên những gì bạn suy diễn trong tâm trí. Nếu bạn nghĩ rằng người mà bạn quan tâm có thể đã gặp tai nạn, người bê bết máu, có thể đã chết hay đang được cấp cứu ở bệnh viện, thì khi người ấy bước vào nhà, bạn sẽ chào đón anh/cô ta trong nước mắt, với cái thở phào nhẹ nhõm, một cái ôm thật chặt hoặc hỏi thăm về những gì đã xảy ra. Những hành động này đều xuất phát từ trạng thái quan tâm. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đến viễn cảnh “một nửa” của mình đang léng phéng với ai đó, hoặc nếu bạn nghi ngờ rằng người kia về trễ vì anh/cô ta không quan tâm đến thời gian và cảm giác của bạn, thì khi người yêu thương vừa về nhà, bạn sẽ tiếp đón người ấy với cách thức hoàn toàn khác – như giận dữ, hoặc mang cảm giác bị bội bạc – từ đó hình thành nên một chuỗi hành vi mang tính gây hấn, hủy hoại.
Nhưng điều gì khiến cho người này luôn đặt mình vào trạng thái quan tâm, trong khi những người khác lại ở trong trạng thái mất lòng tin và giận dữ? Có rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó là chúng ta đã rập khuôn theo cách phản ứng của cha mẹ mình, hoặc những hình mẫu khác, đối với những trải nghiệm như thế này. Ví dụ, khi bạn còn bé, mẹ bạn thường hay lo lắng khi cha về nhà muộn, bạn cũng sẽ học cách tưởng tượng ra nhiều lý do khiến mình phải lo lắng. Nếu mẹ bạn bảo rằng bà không tin tưởng cha bạn, bạn cũng sẽ bắt chước theo hình mẫu như thế. Vì vậy niềm tin, thái độ, giá trị và những trải nghiệm trong quá khứ về một ai đó đều sẽ ảnh hưởng đến sự hình dung, mô tả của ta về hành vi của họ.
Có một yếu tố thậm chí còn quan trọng và tác động mạnh mẽ hơn trong cách chúng ta nhìn nhận và hình dung thế giới, đó là trạng thái sinh lý của bản thân – như sự căng cơ, những thứ ta ăn, cách hít thở, tư thế, chức năng sinh hóa... Những hiển thị nội tại và các vấn đề thuộc sinh lý hoạt động phối hợp cùng nhau. Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến cái này đều sẽ tự động ảnh hưởng đến cái còn lại. Vì thế, việc thay đổi trạng thái sẽ bao gồm cả việc thay đổi hiển thị nội tại và các khía cạnh liên quan đến sinh lý. Chẳng hạn như, nếu người yêu/bạn đời/con của bạn chưa về nhà, lúc ấy cơ thể bạn đang ở trong trạng thái tích cực, lành mạnh, thì bạn sẽ dễ chấp nhận rằng có lẽ họ đang bị kẹt xe hoặc là đang trên đường về. Tuy nhiên, nếu bạn bị căng cứng cơ, mệt mỏi tột cùng, hoặc bạn đang bị cơn đau hành hạ hay hạ đường huyết, khi đó bạn sẽ có xu hướng suy diễn sự việc theo cách phóng đại cảm xúc tiêu cực.
Có phải là khi cơ thể tràn trề sức sống, bạn sẽ nhận thức về thế giới hoàn toàn khác so với khi bạn mệt mỏi, đau ốm? Như vậy, trạng thái sinh lý đã thay đổi cách bạn hình dung và trải nghiệm về thế giới.
Loài người tiếp nhận và diễn giải những thông tin về môi trường sống thông qua các giác quan – vị giác, khứu giác, thị giác, thính giác và xúc giác. Hầu hết các quyết định – ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta – chủ yếu dựa trên 3 trong số 5 giác quan kể trên: thị giác, thính giác và xúc giác.
Những cơ quan thụ cảm đặc biệt sẽ truyền dẫn những kích thích từ bên ngoài đến não bộ. Thông qua quá trình khái quát hóa, bóp méo và loại bỏ, não bộ sẽ tiếp nhận những tín hiệu xung điện và “tuyển lọc” chúng, chuyển thành hiển thị nội tại.
Vì thế, hiển thị nội tại – những trải nghiệm của bạn về sự kiện – không chính xác là những gì đã xảy ra mà là sự “trình chiếu” lại trong tâm trí bạn. Tâm trí chúng ta không thể sử dụng hết các tín hiệu được gửi đến. Bạn sẽ phát điên nếu phải giải mã cho hàng ngàn các tác nhân kích thích – từ mạch máu chảy qua ngón tay cho đến sự rung động của màng nhĩ. Vì vậy, não bộ sẽ lọc và lưu lại những thông tin cần thiết, hoặc sẽ cần sau này, và cho phép tâm trí bỏ qua số còn lại.
Quá trình tuyển lọc này giải thích nhiều điều về nhận thức của con người. Hai người cùng chứng kiến một vụ tai nạn giao thông nhưng lại tường thuật hoàn toàn khác nhau. Người này thì tập trung nhìn, người kia lại tập trung nghe. Cả hai đều có những chức năng sinh lý khác nhau để bắt đầu quá trình nhận thức. Người này có thể có thị lực cực kỳ tốt, trong khi thị lực của người kia lại rất kém. Có thể một người đã từng bị tai nạn và hẳn vẫn còn những trải nghiệm rất sống động. Dù trong trường hợp nào thì cả hai sẽ có những biểu hiện khác nhau cho cùng một sự kiện. Họ sẽ tiếp tục lưu giữ những nhận thức và hiển thị nội tại ấy như là những bộ lọc mới để trải nghiệm về mọi thứ trong tương lai.
Một trong những ý niệm quan trọng trong NLP đó là Bản đồ không phải là lãnh thổ. Hiển thị nội tại của con người không phản ánh hoàn toàn chính xác về sự kiện. Nó chỉ là một cách diễn giải thông qua màn lọc niềm tin, thái độ, giá trị sống của cá nhân. Có thể đây là lý do vì sao Einstein bảo rằng: “Những ai tự cho mình là quan tòa của sự thật và tri thức thì sẽ bị chết đắm bởi tiếng cười của các vị thần”.
Bởi vì ta không hoàn toàn biết rõ mọi sự trên thực tế là như thế nào, và chỉ biết cách phản ánh chúng với bản thân, vậy thì tại sao không phản ánh, truyền dẫn thông tin về chúng theo cách củng cố thêm sức mạnh/uy lực cho chính mình và cho mọi người, thay vì tạo ra những giới hạn? Bí quyết để làm được điều này chính là quản lý bộ nhớ – có những biểu hiện/cách diễn đạt đặc trưng, qua đó tạo ra trạng thái giúp khơi trào sức mạnh. Trong bất kỳ trải nghiệm nào, sẽ có rất nhiều thứ để bạn tập trung vào. Ngay cả người thành đạt nhất có khi cũng suy nghĩ theo hướng không suôn sẻ và rơi vào trạng thái trầm uất, thất vọng hay giận dữ. Dù tình huống có tệ đến đâu, bạn vẫn có thể truyền đạt nó theo cách sẽ mang lại sức mạnh cho chính bạn.
Những người thành đạt thường xuyên có được trạng thái hữu ích nhất. Chẳng phải đấy chính là sự khác nhau giữa người thành công và thất bại hay sao? Những việc đã xảy ra đối với W. Mitchell không phải là vấn đề, mà cốt yếu chính là cách ông diễn giải về chúng. Cho dù bị bỏng nặng và sau đó bị liệt, ông vẫn tìm cách đặt mình vào trạng thái hữu ích. Luôn nhớ rằng chẳng có gì tự thân là xấu hay tốt. Giá trị là do chúng ta tự tạo ra. Chúng ta có thể mô tả mọi việc theo hướng đưa mình vào trạng thái tích cực, hoặc là ngược lại.
Việc đi trên than hồng dạy con người ta cách thay đổi trạng thái, hành vi của họ theo hướng cho phép họ hành động và tạo ra những kết quả mới thay vì bị chế ngự bởi nỗi sợ hãi hoặc bị bó buộc bởi những hạn chế khác. Hành động này mang lại một hình mẫu mới cho niềm tin và năng lực thực hiện, tạo ra một cảm nhận nội tại hay một liên kết trạng thái mới giúp cuộc sống của con người có chất lượng hơn và cho phép họ làm được nhiều điều hơn họ từng nghĩ.
Vậy thì bí quyết để tạo ra kết quả như mong muốn là trình bày mọi việc với bản thân theo cách sẽ đặt bạn vào trạng thái tháo vát, hỗ trợ bạn lựa chọn những kiểu hành động mà sẽ tạo ra kết quả như ý. Khi tôi bảo: “Hãy bước qua lửa”, kích thích tôi đưa ra – bằng ngôn từ và cả ngôn ngữ hình thể – sẽ đi thẳng đến não bộ và hình thành nên hiển thị nội tại. Nếu bạn hình dung ra cảnh một đám người mũi đeo khuyên đang tham gia buổi tế lễ, trạng thái của bạn lúc đó không thể nào tốt được. Nếu bạn tưởng tượng bạn sắp bị thiêu sống, trạng thái thậm chí còn tệ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn hình dung ra cảnh mọi người đang vỗ tay, nhảy múa và ăn mừng cùng nhau, bạn sẽ ở trong trạng thái khác ngay. Nếu hình dung bạn đang bước qua thật an toàn và đầy hào hứng, và nếu bạn khẳng định: “Tôi làm được điều này”, và có những cử chỉ, động tác đầy tự tin thì những tín hiệu thần kinh sẽ đặt bạn vào trạng thái sẵn sàng hành động.
Điều này cũng đúng đối với mọi việc trong cuộc sống. Nếu ta tự nhủ rằng mọi thứ sẽ chẳng đi tới đâu thì chúng thật sự sẽ chẳng đi tới đâu. Còn nếu ta nghĩ mọi việc sẽ ổn, ta sẽ tập hợp được những nguồn lực nội tại cần thiết để hình thành nên trạng thái hỗ trợ ta tạo ra những kết quả tích cực. Sự khác nhau giữa Ted Turner, Lee Iacocca, W. Mitchell và những người khác nằm ở chỗ họ xem thế giới này là nơi họ có thể tạo ra bất kỳ kết quả nào mà họ mong muốn. Rõ ràng là ngay cả trong trạng thái tốt nhất, không phải lúc nào ta cũng có thể tạo ra những thành quả như mong muốn; tuy nhiên, với trạng thái tích cực, ta đã tạo ra cơ hội để sử dụng tất cả các nguồn lực một cách thật hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là, nếu hiển thị nội tại và trạng thái sinh lý cùng phối hợp tạo ra trạng thái để từ đó hình thành nên các hành vi, thì điều gì sẽ xác định những kiểu hành vi cụ thể mà ta thực hiện khi ở trong trạng thái đó? Trong trạng thái yêu thương, người này sẽ ôm bạn, trong khi người khác sẽ chỉ nói rằng họ yêu bạn. Câu trả lời là, khi ta đi vào một trạng thái nào đó, não bộ sẽ lựa chọn những hành vi phù hợp, khả dĩ. Số lượng các lựa chọn được xác định dựa trên những hình mẫu ta đã thu thập được. Một vài người, khi nóng giận, chỉ có một kiểu phản ứng duy nhất, vì thế họ có thể tỏ ra hung hăng – dựa theo những gì quan sát được từ cha mẹ của mình. Hoặc là họ cố gắng làm điều gì đó và cũng đạt được thứ mình mong muốn, thế là cách làm ấy trở thành một hình mẫu về cách hồi đáp trong tương lai.
Tất cả chúng ta đều có những hình mẫu góp phần định hình nên nhận thức về môi trường xung quanh. Điều ta cần làm trong việc noi gương theo ai đó chính là nhận ra niềm tin nào dẫn dắt họ hành động hiệu quả như vậy. Chúng ta cần tìm hiểu họ đã mô tả những trải nghiệm của họ về thế giới với bản thân như thế nào. Họ hình dung điều gì trong tâm trí? Họ nói gì? Họ cảm thấy thế nào? Nếu chúng ta gửi cho cơ thể cùng một bức thông điệp, chúng ta có thể tạo ra những kết quả tương tự. Đó là những gì mà sự mô phỏng muốn nói đến.
Một trong những điều bất biến của cuộc sống là kết quả luôn luôn được tạo ra. Nếu bạn không chủ ý quyết định kết quả mà mình mong muốn và truyền đạt cho bản thân một cách phù hợp, thì ngoại cảnh sẽ khiến bạn rơi vào những trạng thái mà sẽ dẫn đến những hành vi không có lợi cho bạn.
Nếu bạn không gieo những “hạt giống” tinh thần và thể chất để gặt hái kết quả như mong muốn thì cỏ dại sẽ tự động sinh sôi phát triển. Nếu chúng ta không định hướng tâm lý và trạng thái của mình một cách có ý thức, môi trường xung quanh sẽ khiến ta rơi vào trạng thái lộn xộn. Theo đó, kết quả nhận được có thể thật là thảm hại. Vì vậy, hãy bảo vệ cánh cửa tâm trí mình, biết cách truyền đạt mọi thứ cho bản thân một cách hợp lý. Chúng ta phải dọn sạch cỏ cho khu vườn tâm trí mình mỗi ngày.
Cứ tiếp tục tập trung vào những điều không hay trong cuộc sống, tập trung vào những thứ bạn không mong muốn hoặc những vấn đề có thể xảy ra, tức là bạn đang đặt bản thân mình vào trạng thái hỗ trợ cho những hành vi hay kết quả dạng này. Ví dụ, bạn có phải là một người hay ganh tị không? Ồ, bạn không phải như thế! Có thể trong quá khứ bạn đã từng tạo ra trạng thái và những kiểu hành vi ganh tị; tuy nhiên, đó không phải là tính cách của bạn. Bằng cách khái quát hóa bản thân như thế này, bạn hình thành nên niềm tin sẽ chi phối hành động của bạn trong tương lai. Giờ đây, bạn có thể diễn đạt mọi thứ theo cách mới, tạo ra trạng thái mới và theo đó là hành vi mới. Chúng ta có toàn quyền lựa chọn cách truyền đạt.
“Nguồn gốc của mọi hành động chính là tư tưởng.”
— Ralph Waldo Emerson
Nếu chúng ta có thể làm chủ quá trình giao tiếp và tạo ra những tín hiệu hình ảnh, âm thanh, cũng như vận động/cảm xúc về điều mà ta mong muốn, thì kết quả tích cực sẽ liên tục được sản sinh, ngay cả trong những tình huống mà tỉ lệ thành công không cao hoặc hoàn toàn không tồn tại. Một trong những người khích lệ giỏi nhất mà tôi biết đó là Dick Tomey, huấn luyện viên trưởng của đội bóng bầu dục Trường Đại học Hawaii. Ông ấy thật sự hiểu cách mà hiển thị nội tại của một người ảnh hưởng đến cách họ ứng xử như thế nào. Một lần, trong trận đấu với Trường Đại học Wyoming, đội bóng của ông bị đẩy ngã khắp sân. Đến giữa hiệp, tỉ số là 22 – 0. Đội bóng của ông có vẻ như chẳng cùng đẳng cấp với Wyoming.
Bạn có thể tưởng tượng trạng thái lúc đó của các cầu thủ đội Tomey khi họ bước vào phòng thay đồ trong giờ nghỉ giải lao. Bước đi thất thểu, mặt cúi gằm, vẻ mặt buồn nản, Tomey nhận ra rằng trừ khi ông giúp họ thay đổi trạng thái, không thì họ sẽ lại thua trong hiệp thứ hai. Từ những biểu hiện sinh lý này, họ sẽ không thoát khỏi vòng lẩn quẩn của cảm giác thất bại và chẳng thể huy động được nguồn lực để thành công.
Vì thế, Dick đã lôi ra một tấm áp phích dán những bài báo mà ông đã sưu tập suốt nhiều năm qua. Mỗi bài báo mô tả những đội bóng đã từng đứng sau những đối thủ ngang tầm và mạnh hơn, nhưng họ vẫn bình tĩnh thi đấu và giành chiến thắng. Bằng cách để cho các cầu thủ của mình đọc những bài báo ấy, ông đã thành công trong việc giúp họ thấm nhuần một niềm tin mới. Điều gì đã xảy ra? Đội bóng của Tomey lấy lại phong độ trong hiệp hai và chơi một trận để đời, họ dẫn trước đội Wyoming trong suốt hiệp hai và giành chiến thắng với tỉ số 27 – 22. Họ làm được điều đó vì Tomey có khả năng thay đổi những hiển thị nội tại của họ – niềm tin về những điều khả dĩ.
Mọi người rất ít khi chủ ý định hướng cho trạng thái của mình. Ai cũng muốn hạnh phúc, vui vẻ, ngây ngất và là trung tâm của sự chú ý. Ai cũng muốn đạt được sự thư thái trong tâm hồn, hay nói cách khác họ đang tìm cách thoát khỏi trạng thái mà họ không thích (thất vọng, tức giận, buồn bã, nhàm chán...). Vậy thì hầu hết mọi người làm gì? À, họ mở ti-vi, thứ sẽ cung cấp cho họ những hiển thị nội tại mới – nhìn thấy điều gì đó và phá lên cười. Họ không còn ở trong trạng thái thất vọng nữa. Một số người thì chọn cách lê la hàng quán, hút thuốc hoặc dùng ma túy.
Vấn đề mà hầu hết các phương pháp tiếp cận này gặp phải đó là hiệu quả không kéo dài. Khi chương trình truyền hình kết thúc, những hiển thị nội tại cũ vẫn còn. Họ nhớ đến chúng và cảm thấy thật ê chề – chưa kể đến cái giá phải trả cho những phương pháp tăng lực “đốt giai đoạn” này. Trong khi đó, cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn thay đổi hiển thị nội tại và trạng thái sinh lý mà không cần đến bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào, vốn chỉ gây rắc rối về lâu về dài.
Tại sao con người lại sử dụng ma túy? Không phải vì họ thích đâm kim vào cánh tay đâu, bởi vì họ thích cái trải nghiệm mà trạng thái ấy mang lại và không biết cách nào khác để đi vào trạng thái ấy. Tôi đã khiến những thiếu niên nghiện ma túy ở mức độ nặng từ bỏ thói quen này sau khi bước đi trên than hồng. Các em được giới thiệu cho những cách lành mạnh hơn để đạt đến trạng thái cao như vậy. Một cậu bé nghiện hê-rô-in trong sáu năm rưỡi, sau khi hoàn thành việc bước qua lửa, nói với cả nhóm: “Xong rồi! Tôi chẳng còn cảm thấy bất cứ điều gì do cây kim mang lại khi bước đến cuối đống than”. Thế không có nghĩa là cậu ta phải thường xuyên bước qua than hồng. Cậu chỉ cần thường xuyên khơi dậy trạng thái mới này.
Có một yếu tố quyết định cách chúng ta truyền đạt những trải nghiệm về cuộc sống cho bản thân mình như thế nào. Yếu tố ấy sẽ xác định kiểu trạng thái mà chúng ta thường xuyên tạo ra trong tình huống. Nó có quyền năng cực kỳ lớn. Đấy chính là sức mạnh của niềm tin.