1. Vai trò của người thầy
2. Về không gian bên trong; về truyền thống và sự phụ thuộc
Needleman*: Có nhiều thảo luận về một cuộc cách mạng tinh thần trong giới trẻ, đặc biệt là ở California này đây. Ngài có thấy trong chính hiện tượng hỗn tạp này bất kỳ mối hy vọng nào về sự khai mở mới mẻ cho một nền văn minh hiện đại, một khả năng mới mẻ cho công cuộc phát triển không?
* Jacob Needleman là giáo sư triết học tại Đại học San Francisco State, là tác giả của The New Religions (tạm dịch: Những tôn giáo mới) và là biên tập viên của Penguin Metaphysical Library.
Krishnamurti: Thưa ngài, để có một khả năng mới cho sự phát triển, ngài không nghĩ rằng ta phải khá nghiêm túc, chứ không phải chỉ là một cú nhảy từ một màn trình diễn đẹp mắt này sang một màn trình diễn đẹp mắt khác sao? Nếu ta nhìn vào tất cả mọi tôn giáo của thế giới và thấy tính cách vô ích có tổ chức của họ, và từ sự tri giác này thấy được điều gì đó chân thực và rõ ràng, có lẽ bấy giờ mới có thể có điều gì mới mẻ ở California, hay trên thế giới. Nhưng ở chừng mực mà tôi thấy được, tôi e rằng phẩm chất nghiêm túc không có trong tất cả mọi điều này. Có thể tôi sai, bởi vì tôi chỉ nhìn những người gọi là giới trẻ từ xa, trong số khán thính giả, và thỉnh thoảng ở đây; qua những câu hỏi của họ, giọng cười của họ, sự tán thưởng của họ, họ không cho tôi chút ấn tượng nào rằng họ rất nghiêm túc và trưởng thành với quyết tâm lớn lao. Đương nhiên, tôi có thể lầm.
Needleman: Tôi hiểu những gì ngài nói. Mối nghi ngờ của tôi chỉ là: có lẽ ta không nên quá kỳ vọng rằng giới trẻ thật sự nghiêm túc.
Krishnamurti: Thế nên tôi không nghĩ điều này có thể áp dụng với giới trẻ. Tôi không biết tại sao người ta cố tạo nên một điều phi thường như vậy nơi giới trẻ, tại sao nó trở thành một điều quan trọng đến thế. Trong một vài năm nữa thôi, đến lượt họ cũng sẽ không còn trẻ nữa.
Needleman: Như một hiện tượng, ngoài những gì nằm bên dưới nó, sự quan tâm đến trải nghiệm siêu việt này – hay bất kỳ tên gọi nào khác – dường như đã trở thành một loại mặt đất ươm đầy hạt giống, mà từ đó một số người khác thường, hoàn toàn không tính đến những kẻ giả mạo và lừa đảo, có lẽ là những vị Đạo sư nào đó, có thể nổi lên.
Krishnamurti: Thưa ngài, nhưng tôi không chắc rằng những kẻ lừa đảo và lợi dụng có đang ngăn cản việc khám phá ra sự thật không. “Tâm thức Krishna” và thiền siêu việt, cùng với tất cả những thứ vô nghĩa đang tiếp diễn – họ bị vướng mắc vào những thứ ấy. Đó là một hình thái của thói phô trương, một hình thái mua vui và giải trí. Muốn có điều gì đó mới mẻ thì phải có những người làm hạt nhân, thật sự nghiêm túc hết lòng theo đuổi xuyên suốt đến cùng. Sau khi kinh qua mọi điều này, họ nói: “Đây mới là điều mà tôi sẽ theo đuổi cho đến cùng”.
Needleman: Người nghiêm túc hẳn là người không còn ảo tưởng với bất cứ điều gì khác.
Krishnamurti: Tôi không gọi đó là không còn ảo tưởng, mà là một hình thái của sự nghiêm túc.
Needleman: Là một sự quy định trước?
Krishnamurti: Không, tôi sẽ không gọi đó là không còn ảo tưởng, thứ dẫn đến tuyệt vọng và hoài nghi. Tôi muốn nói đến việc xem xét tất cả những gì được người đời gọi là tôn giáo, gọi là tâm linh: xem xét, khám phá xem đâu là sự thật trong tất cả mọi điều này, xem liệu trong đó có sự thật nào không. Hoặc vứt bỏ hết mọi sự và bắt đầu lại, mà không phải trải qua mọi cạm bẫy, mọi sự hỗn loạn của những điều đó.
Needleman: Tôi nghĩ đó là điều tôi đã cố nói ra, nhưng trình bày như thế này rõ hơn. Đó là những người đã thử làm gì đó và đã thất bại.
Krishnamurti: Không phải “người nào khác”. Ý tôi muốn nói là bản thân ta phải vứt bỏ hết mọi hứa hẹn, mọi kinh nghiệm, mọi khẳng định có tính cách thần bí. Tôi nghĩ ta phải bắt đầu như thể ta tuyệt đối không biết gì cả.
Needleman: Điều đó quá khó.
Krishnamurti: Không thưa ngài, tôi không nghĩ việc đó khó. Tôi nghĩ việc đó chỉ khó đối với những người đã tự nhồi nhét đầy nghẹt kiến thức của người khác.
Needleman: Không phải phần đông chúng ta đều như vậy cả sao? Hôm qua tôi nói chuyện với lớp của tôi ở Đại học San Francisco State, và tôi nói tôi sắp phỏng vấn Krishnamurti, các em có câu hỏi nào muốn tôi hỏi ông ấy không. Họ đặt nhiều câu hỏi, nhưng câu hỏi gây ấn tượng nơi tôi hơn cả là của một cậu sinh viên: “Em đã đọc đi đọc lại sách của ông ấy nhưng không thể làm những gì ông ấy nói”. Có điều gì đó hết sức rõ ràng từ câu nói này, nó rung chuông báo động. Dường như theo một ý nghĩa tinh tế nào đó, phải bắt đầu theo cách này – như thể là một người mới, hoàn toàn tinh khôi!
Krishnamurti: Tôi không nghĩ ta đặt nghi vấn đủ. Ngài hiểu ý tôi muốn nói gì chứ?
Needleman: Vâng.
Krishnamurti: Chúng ta chấp nhận, chúng ta dễ dàng tin, chúng ta ham có những trải nghiệm mới. Người ta nuốt trọng những lời phát biểu của bất cứ ai để râu, với những lời hứa hẹn, rằng bạn sẽ có được một kinh nghiệm tuyệt vời nếu làm những việc nào đó! Mà tôi nghĩ rằng ta phải nói: “Tôi không biết gì cả”. Hiển nhiên là tôi không thể dựa vào người khác. Nếu không có sách, không có đạo sư, bạn sẽ làm gì?
Needleman: Nhưng rõ ràng là người ta quá dễ bị mắc lừa.
Krishnamurti: Bạn còn bị lừa khi bạn còn muốn điều gì đó.
Needleman: Vâng, tôi hiểu điều đó.
Krishnamurti: Cho nên bạn phải nói: “Tôi sẽ khám phá, tôi sẽ truy vấn từng bước một. Tôi không muốn đánh lừa bản thân”. Trò lừa bịp chỉ khởi lên khi tôi còn muốn, khi tôi còn tham, khi tôi còn nói: “Mọi kinh nghiệm đều nông cạn, tôi muốn có thứ gì đó thần bí hơn” – thế là tôi bị mắc lừa.
Needleman: Theo tôi, ngài đang nói đến một trạng thái, một thái độ, một cách tiếp cận mà còn lâu người ta mới hiểu được. Bản thân tôi cũng cảm nhận mình còn cách rất xa điều đó, và tôi biết các sinh viên của tôi cũng vậy. Do đó, họ cảm thấy, bất kể là đúng hay sai, thật sự cần có sự trợ giúp. Có lẽ họ hiểu sai về sự trợ giúp, nhưng liệu có một sự trợ giúp nào như thế không?
Krishnamurti: Ý ngài là “Tại sao bạn cầu xin sự trợ giúp?”?
Needleman: Hãy để tôi nói thế này. Bằng cách nào đó, bạn cảm nhận mình đang đánh lừa bản thân, bạn không biết chính xác…
Krishnamurti: Đơn giản thôi. Tôi không muốn đánh lừa bản thân, đúng không nào? Do đó, tôi phải khám phá động cơ đó là gì, điều mang lại sự lừa dối là gì. Hiển nhiên đó là khi tôi tham, khi tôi muốn cái gì đó, khi tôi bất mãn. Vì thế, thay vì tấn công thói tham lam, ham muốn, bất mãn, tôi lại muốn điều gì hơn thế nữa.
Needleman: Vâng.
Krishnamurti: Do đó tôi phải thấu hiểu sự tham lam của tôi. Nhưng tôi tham vì cái gì mới được chứ? Phải chăng bởi vì tôi đã quá no đủ trong thế giới này, tôi đã có đàn bà, tôi đã có xe, tôi đã có tiền và tôi muốn cái gì đó hơn thế nữa?
Needleman: Tôi nghĩ người ta tham bởi vì người ta muốn được kích thích, muốn thoát ra khỏi chính mình để không phải chứng kiến sự nghèo nàn của chính mình. Nhưng điều tôi muốn hỏi – tôi biết ngài đã trả lời câu hỏi này nhiều lần trong các buổi nói chuyện, nhưng rồi nó cứ trở lại, gần như không thể tránh được – là về việc những truyền thống lớn trên thế giới, không kể những gì đã làm nên chúng (khiến chúng trở nên méo mó, bị hiểu sai và khiến người ta bị đánh lừa) luôn trực tiếp hay gián tiếp nói đến sự trợ giúp. Họ bảo: “Đạo sư-guru cũng chính là bạn”, nhưng đồng thời vẫn có sự trợ giúp.
Krishnamurti: Thưa ngài, chắc ngài biết từ “đạo sư-guru” đó nghĩa là gì chứ?
Needleman: Không, tôi không rõ lắm.
Krishnamurti: Người chỉ ra. Đó là một nghĩa. Một nghĩa khác là người đem lại sự sáng suốt, cất gánh nặng của bạn xuống. Nhưng thay vì cất gánh nặng của bạn xuống, họ lại đặt thêm gánh nặng của họ lên bạn.
Needleman: Tôi e đúng là vậy.
Krishnamurti: Đạo sư-guru cũng có nghĩa là người giúp bạn vượt qua, vân vân, có nhiều nghĩa khác nhau. Ngay khi đạo sư nói ông ấy biết, bạn có thể tin chắc rằng ông ấy không biết. Bởi vì điều ông ấy biết hiển nhiên là điều gì đó thuộc quá khứ. Kiến thức là quá khứ. Và khi ông ấy nói mình biết, ông ấy đang nghĩ tới một kinh nghiệm nào đó mình đã từng có, mà ông ấy có thể đã công nhận là một điều vĩ đại, và sự công nhận đó được sinh ra từ kiến thức có trước đó của ông ấy, mà nếu không, ông ấy không thể công nhận nó, và do đó kinh nghiệm của ông ấy bắt nguồn từ quá khứ. Cho nên, nó không thực.
Needleman: Đúng, tôi nghĩ phần lớn kiến thức đều thế cả.
Krishnamurti: Vậy tại sao ta lại muốn một hình thái truyền thống cổ xưa hay hiện đại nào đó trong toàn bộ điều này chứ? Thưa ngài, hãy nhìn đi, tôi không đọc bất cứ quyển sách tôn giáo, triết học, tâm lý nào cả: người ta có thể thâm nhập vào chính mình ở những chiều sâu khủng khiếp và khám phá tất cả mọi thứ. Đi sâu vào chính mình là một vấn đề, làm sao để làm điều đó. Vì không thể làm điều đó, ta mới nói: “Làm ơn giúp tôi”.
Needleman: Vâng.
Krishnamurti: Và người kia nói: “Tôi sẽ giúp bạn” rồi đẩy bạn ra chỗ khác.
Needleman: Vâng, đó cũng là một lối trả lời cho câu hỏi. Có lần, tôi đã đọc một quyển sách nói về điều gì đó gọi là “Sat-san”.
Krishnamurti: Ngài biết điều đó nghĩa là gì không?
Needleman: Kết bạn với người trí.
Krishnamurti: Không, với người thiện.
Needleman: Với người thiện. À!
Krishnamurti: Vì có thiện tâm, bạn mới có trí tuệ. Không, vì có trí tuệ, bạn mới có thiện tâm.
Needleman: Không phải tôi đang cố phân tích mổ xẻ gì điều này, nhưng tôi thấy sinh viên của tôi và chính bản thân tôi, khi đọc sách và khi nghe ông, chúng tôi đều thốt lên: “À! Mình không cần ai, mình không cần phải có ai ở gần bên cả” – và cả trong ý nghĩ này cũng có một sự lừa bịp khủng khiếp.
Krishnamurti: Lẽ dĩ nhiên thôi, bởi vì ngài đang bị diễn giả tác động.
Needleman: Vâng, đúng là vậy. (Cười)
Krishnamurti: Thưa ngài, hãy nhìn đây, hãy hết sức đơn giản. Giả sử, nếu không có kinh sách, không có đạo sư, không có thầy giảng, ngài sẽ làm gì? Nếu phải sống trong náo động, hỗn loạn, thống khổ, ngài sẽ làm gì? Không ai giúp ngài, không thuốc men, không thuốc an thần, không tổ chức tôn giáo, vậy ngài có thể làm gì?
Needleman: Tôi không tưởng tượng được tôi có thể làm gì.
Krishnamurti: Thế đấy.
Needleman: Có lẽ sẽ có một khoảnh khắc cấp bách trong tôi.
Krishnamurti: Thế đấy. Ta sẽ không thấy cấp bách, bởi vì ta nói: “À, rồi cũng có người giúp đỡ tôi thôi”.
Needleman: Nhưng phần đông con người sẽ rơi vào tình trạng điên cuồng vì tình thế đó.
Krishnamurti: Tôi không chắc là thế, thưa ngài.
Needleman: Tôi cũng không chắc.
Krishnamurti: Không, tôi hoàn toàn không chắc một chút nào. Bởi vì cho đến giờ phút này ta đã làm gì? Những người mà chúng ta dựa dẫm, các tôn giáo, giáo hội, nền giáo dục, họ đã dẫn chúng ta đến tình thế hỗn loạn khủng khiếp này. Ta không thể thoát khỏi khổ đau, ta không thể thoát khỏi thú tính, sự xấu xa, hợm hĩnh, phù phiếm trong ta.
Needleman: Phải chăng ta vơ đũa cả nắm? Có khác chứ. Trong hàng ngàn kẻ lừa bịp cũng có một ông Phật.
Krishnamurti: Nhưng thưa ngài, tôi không quan tâm khi chúng ta nói rằng việc đó đưa đến tình thế dối lừa như thế này. Không, tôi không bận tâm đến điều đó.
Needleman: Vậy, hãy để tôi hỏi ngài điều này. Ta biết rằng không làm việc chăm chỉ, thân thể có thể bị bệnh hoạn, và ta gọi làm việc chăm chỉ là “cố gắng”. Có sự cố gắng nào khác mà ta có thể gọi là tinh thần không? Ngài phản đối sự cố gắng, nhưng chẳng phải sự trưởng thành và an ổn toàn vẹn của con người đòi hỏi sự làm việc chăm chỉ bằng cách này hay cách khác sao?
Krishnamurti: Tôi tự hỏi ngài có ý gì khi nói đến làm việc chăm chỉ? Làm việc chăm chỉ về thể lý sao?
Needleman: Đó là cách hiểu thông thường của chúng ta khi nói về làm việc chăm chỉ. Hay chống lại các dục vọng.
Krishnamurti: Ngài biết không, đúng rồi đó! Sự quy định của chúng ta, văn hóa của chúng ta được xây dựng xoay quanh sự “chống lại” này. Dựng lên tường vách kháng cự. Do đó khi ta nói “làm việc chăm chỉ”, ý ta là gì? Lười biếng sao? Tại sao ta phải cố gắng về bất kỳ điều gì chứ? Tại sao?
Needleman: Bởi vì ta mong muốn đạt được điều gì đó.
Krishnamurti: Không. Tại sao ta sùng bái sự cố gắng? Tại sao ta phải cố gắng vươn đến Thượng đế, sự giác ngộ, chân lý?
Needleman: Có thể có nhiều câu trả lời nhưng tôi chỉ có thể trả lời cho chính bản thân tôi.
Krishnamurti: Có thể nó ở ngay đó, chỉ là tôi không biết cách nhìn.
Needleman: Nhưng nếu vậy thì phải có trở ngại.
Krishnamurti: Cách nhìn! Nó có thể ở ngay góc đó, bên dưới đóa hoa, có thể ở bất cứ nơi nào. Do đó, trước hết tôi phải học cách nhìn, chứ không phải cố gắng nhìn. Tôi phải khám phá nhìn có nghĩa là gì đã.
Needleman: Vâng, nhưng chẳng phải ngài thừa nhận rằng có thể có một sự kháng cự với động thái nhìn đó sao?
Krishnamurti: Vậy thì đừng nhìn làm gì! Nếu có người đến nói: “Tôi không muốn nhìn”, ngài sẽ ép anh ta nhìn như thế nào?
Needleman: Không. Tôi đang nói chính tôi thôi. Tôi muốn nhìn.
Krishnamurti: Nếu ngài muốn nhìn, thì ngài hiểu nhìn là gì? Ngài phải tìm ra nhìn là gì trước khi cố gắng nhìn. Đúng chứ, thưa ngài?
Needleman: Theo tôi, đó là một sự cố gắng.
Krishnamurti: Không.
Needleman: Nhìn một cách tinh tế và khéo léo. Tôi muốn nhìn nhưng tôi không muốn tìm xem nhìn có nghĩa là gì. Tôi đồng ý đây là điều vô cùng cơ bản với tôi. Nhưng cái ước muốn làm điều đó thật nhanh, để cho xong, chẳng phải là kháng cự sao?
Krishnamurti: Là phương thuốc hiệu quả nhanh để vượt qua.
Needleman: Có điều gì trong tôi mà tôi phải tìm hiểu, chống lại cái điều tinh tế, khéo léo hơn nhiều mà ngài đang nói đến? Nó không hiệu quả sao, điều mà ngài đang nói đến? Không phải đó là việc đặt câu hỏi một cách tĩnh lặng, một cách tinh tế sao? Tôi cảm thấy dường như cách hiệu quả là không lắng nghe cái phần muốn làm điều đó…
Krishnamurti: Một cách nhanh chóng.
Needleman: Đặc biệt đối với người phương Tây chúng tôi, hoặc có thể đối với tất cả mọi người.
Krishnamurti: Tôi e rằng con người trên khắp thế giới đều giống như vậy. “Xin hãy nói cho tôi cách nào để đạt được điều đó một cách nhanh chóng.”
Needleman: Nhưng chính ngài cũng nói điều đó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc.
Krishnamurti: Đúng, rõ ràng là vậy.
Needleman: Vâng, tôi hiểu.
Krishnamurti: Thưa ngài, cố gắng là gì? Thức dậy sớm, khi mà bạn không muốn, đó là cố gắng. Điều gì sinh ra sự lười biếng đó? Thiếu ngủ, ăn uống quá độ, buông thả, vân vân; và sáng hôm sau bạn nói: “Ôi chán quá, mình phải dậy rồi!”. Nào gượm đã, thưa ngài, hãy hiểu điều này. Lười biếng là gì? Phải chăng thân thể ta lười biếng hay chính tư tưởng lười biếng?
Needleman: Điều đó tôi không hiểu. Tôi cần một từ khác. “Tư tưởng lười biếng?” Tôi thấy rằng tư tưởng lúc nào cũng vậy.
Krishnamurti: Không, thưa ngài. Tôi lười biếng. Tôi không muốn thức dậy và do đó, tôi buộc mình phải thức dậy. Trong đó có cái gọi là cố gắng.
Needleman: Vâng.
Krishnamurti: Tôi muốn điều đó, nhưng tôi cho là không nên, tôi chống lại điều đó. Chống lại là cố gắng. Tôi tức giận và tôi không được tức giận: chống lại, cố gắng. Điều gì đã làm tôi lười biếng?
Needleman: Ý nghĩ rằng tôi phải thức dậy.
Krishnamurti: Đúng thế.
Needleman: Được rồi.
Krishnamurti: Do đó, tôi phải thật sự đi sâu vào toàn bộ vấn đề tư tưởng này. Đừng vờ như thân thể lười biếng, buộc thân thể phải ra khỏi giường, bởi vì thân thể vẫn có sự thông minh riêng của nó, nó biết khi nào nó mệt mỏi và nên nghỉ ngơi. Sáng nay tôi cảm thấy mệt mỏi; tôi đã chuẩn bị sẵn thảm tập và mọi thứ cần thiết để tập yoga, nhưng thân thể lên tiếng: “Xin lỗi, không tập đâu” và tôi nói: “Được thôi”. Đó không phải là sự lười biếng. Thân thể nói: “Xin hãy để tôi yên, bởi vì hôm qua anh đã nói quá nhiều, gặp gỡ nhiều người, anh đang mệt mỏi”. Bấy giờ, tư tưởng nói: “Anh phải dậy và tập yoga bởi vì điều đó tốt cho anh, mỗi ngày anh đều tập và điều đó đã trở thành thói quen, đừng ngưng nghỉ, anh sẽ trở nên lười biếng, hãy tập tiếp đi”. Điều đó có nghĩa rằng: tư tưởng đang khiến tôi lười biếng chứ không phải thân thể.
Needleman: Tôi hiểu điều đó. Vậy là, có một sự cố gắng về phần tư tưởng.
Krishnamurti: Vậy, đừng cố gắng! Tại sao tư tưởng quá máy móc như thế chứ? Và phải chăng tất cả tư tưởng đều có tính máy móc?
Needleman: Vâng, chính xác, người ta đặt ra câu hỏi đó.
Krishnamurti: Không phải vậy sao?
Needleman: Tôi không thể nói rằng tôi đã kiểm nghiệm được điều đó.
Krishnamurti: Nhưng chúng ta có thể mà, thưa ngài. Điều đó hết sức đơn giản, dễ thấy. Phải chăng mọi tư tưởng đều máy móc? Tâm thái không máy móc là khi vắng mặt tư tưởng; không phải là bỏ mặc tư tưởng, mà là vắng mặt tư tưởng.
Needleman: Bằng cách nào tôi có thể thấy ra điều đó?
Krishnamurti: Hãy làm ngay bây giờ, đơn giản thôi. Ngài có thể làm được điều đó ngay bây giờ nếu muốn. Tư tưởng luôn mang tính máy móc.
Needleman: Hãy giả định là vậy đi.
Krishnamurti: Đừng giả định. Đừng giả định bất cứ điều gì.
Needleman: Được rồi.
Krishnamurti: Tư tưởng có tính máy móc, không phải sao? Bởi vì nó có tính lặp lại, rập khuôn, so sánh.
Needleman: Phần đó thì tôi thấy, tính so sánh. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy không phải tất cả tư tưởng đều có cùng tính chất. Tư tưởng có nhiều tính chất.
Krishnamurti: Có nhiều sao?
Needleman: Theo kinh nghiệm của tôi là như vậy.
Krishnamurti: Ta hãy khám phá xem. Tư tưởng là gì, tư duy là gì?
Needleman: Dường như có thứ tư tưởng hết sức nông cạn, lặp đi lặp lại, vô cùng máy móc, nó có một ý hướng riêng nào đó. Dường như có một loại tư tưởng khác gắn kết nhiều hơn với thân thể tôi, với bản ngã toàn vẹn của tôi, cộng hưởng theo một hướng khác.
Krishnamurti: Đó là gì, thưa ngài? Tư tưởng là phản ứng của ký ức.
Needleman: Được rồi, đó là một định nghĩa.
Krishnamurti: Không, không, tôi có thể thấy nó trong chính tôi. Tôi phải đi đến ngôi nhà đó chiều nay – ký ức, khoảng cách, thiết kế của ngôi nhà – tất cả là ký ức, không phải sao?
Needleman: Vâng, đó là ký ức.
Krishnamurti: Trước đây tôi đã từng ở đó và do đó ký ức đã được thiết lập rõ ràng và từ đó có tư tưởng thoáng qua trong khoảnh khắc, hay tư tưởng kéo dài trong một khoảng thời gian. Do đó, tôi tự hỏi: phải chăng tất cả tư tưởng đều giống nhau, đều mang tính máy móc, hay có loại tư tưởng không máy móc, phi ngôn từ?
Needleman: Vâng, đúng vậy.
Krishnamurti: Liệu có chăng tư tưởng, nếu không có ngôn từ?
Needleman: Có sự thấu hiểu.
Krishnamurti: Khoan đã, thưa ngài. Động thái hiểu này diễn ra như thế nào? Nó xảy ra khi tư tưởng hoạt động một cách gấp gáp hay khi tư tưởng tĩnh lặng?
Needleman: Khi tư tưởng tĩnh lặng, vâng.
Krishnamurti: Thấu hiểu không có liên hệ gì với tư duy cả. Bạn có thể lý luận, tức tiến trình tư duy, suy luận logic, cho đến lúc bạn nói: “Tôi không hiểu”; lúc đó bạn trở nên im lặng, và bạn nói: “A! Tôi thấy rồi, tôi hiểu rồi”. Động thái thấu hiểu đó không phải là kết quả của tư duy.
Needleman: Ngài nói đến thứ năng lượng dường như không có nguyên nhân. Chúng ta trải nghiệm thứ năng lượng có nguyên nhân và kết quả, nó định hình nên cuộc sống của ta, nhưng mối quan hệ giữa loại năng lượng khác này với năng lượng mà ta đã quen thuộc là gì? Năng lượng là gì?
Krishnamurti: Trước hết: năng lượng có thể phân chia được không?
Needleman: Tôi không biết. Xin ngài nói tiếp.
Krishnamurti: Năng lượng có thể phân chia. Năng lượng thể chất, năng lượng của cơn giận, và vân vân, năng lượng vũ trụ, năng lượng con người, đều có thể phân chia được. Nhưng tất cả là một năng lượng, phải không?
Needleman: Về mặt logic thì tôi thấy đúng. Tôi không hiểu về năng lượng. Thỉnh thoảng tôi trải nghiệm thứ mà tôi gọi là năng lượng.
Krishnamurti: Tại sao ta phải phân chia năng lượng, đó là điều mà tôi muốn nói đến; rồi từ đó chúng ta sẽ đi vào từng loại năng lượng khác nhau. Năng lượng tình dục, năng lượng thể chất, năng lượng tinh thần, năng lượng tâm lý, năng lượng vũ trụ, năng lượng của một doanh nhân đi đến văn phòng, vân vân – tại sao ta phân chia năng lượng? Lý do của sự phân chia năng lượng này là gì?
Needleman: Dường như có nhiều phần trong ta vẫn phân chia tách biệt; và theo tôi, dường như bởi thế mà ta phân chia cuộc sống.
Krishnamurti: Tại sao? Ta phân chia thế giới thành Công giáo, Tin Lành, Hindu, Phật giáo, và những quốc tịch, những nhánh ngôn ngữ, toàn thể điều này là một sự phân chia manh mún. Tại sao trí não lại phân chia manh mún toàn bộ cuộc sống như thế?
Needleman: Tôi không biết câu trả lời. Tôi thấy đại dương và tôi thấy rừng cây: có sự phân chia.
Krishnamurti: Không. Có sự khác biệt giữa biển và rừng. Tôi hy vọng là thế! Nhưng đó không phải là phân chia.
Needleman: Không. Nó là khác biệt, không phải phân chia.
Krishnamurti: Nhưng ta đang hỏi tại sao sự phân chia tồn tại, không chỉ ở bên ngoài mà ngay ở trong ta.
Needleman: Ngay ở trong ta, đó là câu hỏi đáng quan tâm nhất.
Krishnamurti: Bởi vì nó ở trong ta nên ta mới mở rộng nó ra bên ngoài. Tại sao có sự phân chia này ở trong tôi? Cái “tôi” và cái “không phải tôi”. Ngài hiểu chứ? Cái cao hơn và cái thấp hơn, Atman và tiểu ngã. Tại sao có sự chia rẽ này?
Needleman: Có lẽ nó đã được hình thành, ít ra từ lúc ban đầu, để giúp con người tự vấn, khiến con người tự hỏi liệu họ có thật sự biết điều họ nghĩ là họ biết không.
Krishnamurti: Thông qua sự phân chia, họ có khám phá được không?
Needleman: Có thể thông qua ý tưởng rằng có điều gì đó mà tôi không hiểu.
Krishnamurti: Trong con người có sự phân chia, tại sao? Cái “lý do tồn tại”, cái cấu trúc của sự phân chia này là gì? Tôi nhìn thấy có người tư duy và tư duy, đúng chứ?
Needleman: Tôi không thấy điều đó.
Krishnamurti: Có người tư duy nói: “Tôi phải kiểm soát tư tưởng đó, tôi không được nghĩ thế này, tôi phải nghĩ thế kia”. Vậy là có người tư duy nói: “Tôi phải”, hoặc “Tôi không được”.
Needleman: Chính xác.
Krishnamurti: Có sự phân chia. “Tôi nên là thế này” và “Tôi không nên là thế nọ”. Nếu tôi có thể thấu hiểu tại sao sự phân chia này tồn tại trong tôi... Này, ngài hãy nhìn đi, nhìn đi! Hãy nhìn các ngọn đồi kia đi! Tuyệt vời, phải không?
Needleman: Đẹp lắm!
Krishnamurti: Vậy, thưa ngài, ngài có nhìn chúng với một sự phân chia không?
Needleman: Không.
Krishnamurti: Tại sao không?
Needleman: Không có cái “tôi” tác động vào đó.
Krishnamurti: Tất cả chỉ có thế. Ngài không thể làm bất cứ điều gì tác động vào đó. Còn ở đây, với tư tưởng, tôi nghĩ tôi có thể làm cái gì đó.
Needleman: Vâng.
Krishnamurti: Vậy là tôi muốn thay đổi “cái đang là”. Tôi không thể thay đổi “cái đang là” ở ngoài kia, nhưng tôi nghĩ tôi có thể thay đổi “cái đang là” ở trong tôi. Vì không biết thay đổi nó bằng cách nào, nên tôi đã trở nên tuyệt vọng, lạc lõng, hoang mang. Tôi nói: “Tôi không thể thay đổi”, và do đó tôi không có năng lượng để thay đổi.
Needleman: Người ta thường nói như vậy.
Krishnamurti: Do đó, trước hết, trước khi tôi thay đổi “cái đang là”, tôi phải biết người thay đổi là ai, ai đứng ra làm cuộc thay đổi.
Needleman: Có những khoảnh khắc ta biết điều đó, chỉ trong một khắc. Rồi khoảnh khắc ấy qua đi. Có những khoảnh khắc ta biết ai nhìn thấy “cái đang là” trong ta.
Krishnamurti: Không, thưa ngài. Rất tiếc. Chỉ cần thấy “cái đang là” là đủ, đừng thay đổi nó.
Needleman: Tôi đồng ý, tôi đồng ý điều đó.
Krishnamurti: Tôi chỉ có thể thấy “cái đang là” khi không có người quan sát. Khi ngài nhìn những ngọn đồi kia thì không có người quan sát.
Needleman: Vâng, tôi đồng ý.
Krishnamurti: Người quan sát chỉ xuất hiện khi ngài muốn thay đổi “cái đang là”. Ngài nói: Tôi không thích “cái đang là”, nó phải thay đổi, vậy là tức khắc có sự nhị phân. Trí não có thể nào quan sát “cái đang là” mà không có người quan sát không? Điều đó diễn ra khi ngài nhìn các ngọn đồi kia với thứ ánh sáng tuyệt vời phủ trùm lên chúng.
Needleman: Sự thật này là sự thật tuyệt đối. Ngay khi trải nghiệm nó, ta nói: “Vâng!”. Nhưng kinh nghiệm của ta cũng khiến ta quên đi điều này.
Krishnamurti: Hãy quên đi!
Needleman: Khi nói như vậy, ý tôi là người ta cứ không ngừng ra sức thay đổi cái đang là.
Krishnamurti: Hãy quên nó đi và tiếp thu nó trở lại.
Needleman: Nhưng trong cuộc thảo luận này – dù ý định của ngài là gì đi nữa – luôn có sự trợ giúp. Tôi biết, như tôi biết bất cứ điều gì khác, nó không thể xảy ra mà không có sự trợ giúp giữa chúng ta. Tôi có thể nhìn những ngọn đồi ấy và có thể có cái nhìn không phê phán, nhưng việc đó không quan trọng đối với tôi; tôi sẽ không thể biết rằng đó là cách tôi phải nhìn để được cứu rỗi. Và tôi nghĩ đây là vấn đề mà ta luôn muốn nêu ra. Có thể ở đây, trí não lại muốn bám víu hay chấp giữ điều gì đó, nhưng dường như cái số phận của con người…
Krishnamurti: Thưa ngài, khi ta nhìn các ngọn đồi ngoài kia, ngài không thể thay đổi nó được, ngài chỉ nhìn thôi; và khi ngài nhìn vào nội tâm, cuộc chiến lại bắt đầu. Trong một khắc, ngài đã nhìn mà không có cuộc chiến, không có cuộc đấu tranh nào nổi lên, đại loại như thế. Nhưng rồi ngài nhớ lại cái đẹp của khoảnh khắc đó, của giây phút đó và ngài muốn nắm giữ lại vẻ đẹp đó. Khoan đã, thưa ngài! Hãy tiếp tục. Vậy điều gì xảy ra? Một cuộc xung đột khác khởi lên: điều mà ngài đã từng có và giờ đây muốn có lại, nhưng không biết làm cách nào để có lại. Ngài biết không, nếu ngài nghĩ đến việc đó, nó không còn giống như trước nữa, nó không còn là nó nữa. Do đó, ngài phải đấu tranh, chiến đấu. “Tôi phải kiểm soát, tôi không được muốn”, đúng chứ? Trái lại, nếu ngài nói: “Được rồi, việc đó đã qua, đã chấm dứt”, thì khoảnh khắc đó chấm dứt.
Needleman: Tôi phải học điều đó.
Krishnamurti: Không, không.
Needleman: Tôi phải học, không đúng sao?
Krishnamurti: Có gì ở đây để học chứ?
Needleman: Tôi phải học về tính vô nghĩa của xung đột.
Krishnamurti: Không, có gì để học chứ? Tự ngài cũng thấy rằng khoảnh khắc của cái đẹp đó trở thành một ký ức, rồi ký ức đó lên tiếng: “Điều đó quá đẹp, tôi phải có lại nó”. Ngài không quan tâm cái đẹp, ngài quan tâm đến việc theo đuổi khoái lạc. Lạc thú và cái đẹp không đi cùng nhau. Vì thế, nếu ngài thấy được điều đó, nó sẽ chấm dứt. Giống như thấy một con rắn độc nguy hiểm, ngài sẽ không đến gần nó nữa.
Needleman: (Cười) Có lẽ tôi vẫn chưa thấy nó, vì thế tôi không thể nói gì.
Krishnamurti: Vấn đề nằm ở chỗ đó.
Needleman: Vâng, tôi nghĩ sự thể phải là như vậy, bởi vì ta cứ quay lại mãi.
Krishnamurti: Không. Đây là điều rất thực. Nếu tôi thấy vẻ đẹp của ánh sáng đó và nó thật sự đẹp lạ thường, thì tôi chỉ thấy nó thôi. Giờ đây với cùng phẩm chất chú tâm đó, tôi muốn thấy chính mình. Có một khoảnh khắc tri giác cũng đẹp đẽ như thế. Rồi thì việc gì xảy ra?
Needleman: Rồi tôi ao ước có nó.
Krishnamurti: Rồi tôi muốn nắm giữ nó lại, tôi muốn nuôi dưỡng nó, tôi muốn theo đuổi nó.
Needleman: Nhưng làm thế nào để thấy nó?
Krishnamurti: Chỉ thấy nó đang xảy ra là đủ nhỉ?
Needleman: Đó là điều tôi quên!
Krishnamurti: Không phải là vấn đề quên.
Needleman: Vâng, đó là do tôi hiểu không đủ sâu. Chỉ thấy là đủ.
Krishnamurti: Nhìn đây, thưa ngài. Khi ngài thấy con rắn, việc gì xảy ra?
Needleman: Tôi sợ.
Krishnamurti: Không. Việc gì xảy ra? Ngài bỏ chạy, giết nó, làm điều gì đó. Tại sao? Bởi vì nó nguy hiểm. Ngài nhận ra sự nguy hiểm của nó. Một vách đá, lấy ví dụ một vách đá, một vực thẳm nhé. Ngài biết sự nguy hiểm của nó. Không cần ai phải nói cho ngài biết cả. Ngài trực tiếp thấy điều gì sẽ xảy ra.
Needleman: Chính xác.
Krishnamurti: Vậy, nếu ngài trực tiếp thấy rằng cái đẹp của khoảnh khắc tri giác đó không thể lặp lại, thì nó chấm dứt. Nhưng tư tưởng nói: “Không, nó không chấm dứt, ký ức về nó vẫn tồn tại”. Vậy thì ngài đang làm gì? Ngài đang theo đuổi ký ức đã chết về nó, chứ không phải cái đẹp sinh động của khoảnh khắc tri giác đó, đúng chứ? Bây giờ nếu bạn thấy điều đó, sự thật về nó – chứ không phải lời lẽ nói lên sự thật về nó – thì nó chấm dứt.
Needleman: Động thái thấy này hiếm hoi hơn ta nghĩ nhiều.
Krishnamurti: Nếu tôi thấy vẻ đẹp của giây phút đó, nó chấm dứt. Tôi không muốn theo đuổi nó. Nếu tôi theo đuổi nó, nó trở thành khoái lạc. Và nếu tôi không thể đạt được nó, nó đưa tới tuyệt vọng, đau khổ và đủ thứ điều đại loại như thế. Do đó tôi nói: “Được rồi, chấm dứt rồi”. Vậy thì điều gì xảy ra?
Needleman: Theo kinh nghiệm của tôi, tôi sợ rằng điều sẽ xảy ra là con quái vật lại hồi sinh. Nó có cả ngàn mạng sống. (Cười)
Krishnamurti: Không, thưa ngài. Khi nào vẻ đẹp đó xuất hiện?
Needleman: Ở chỗ mà tôi thấy nhưng không cố gắng thay đổi nó.
Krishnamurti: Khi trí não hoàn toàn tĩnh lặng.
Needleman: Vâng.
Krishnamurti: Không phải thế sao? Đúng chứ?
Needleman: Vâng.
Krishnamurti: Khi bạn nhìn vào đó, trí não bạn tĩnh lặng, nó đã không nói: “Tôi ước gì có thể thay đổi, sao chép và chụp ảnh điều này, điều nọ” – bạn chỉ nhìn thôi. Trí não bất động. Hoặc chính xác hơn, tư tưởng bất động. Nhưng rồi tức khắc tư tưởng trở lại hoạt động. Bây giờ ta hỏi: “Làm thế nào tư tưởng có thể tĩnh lặng? Làm thế nào ta có thể vận dụng tư tưởng khi cần thiết và không vận dụng tư tưởng khi không cần thiết?”.
Needleman: Vâng, câu hỏi đó khiến tôi quan tâm hết mực, thưa ngài.
Krishnamurti: Tức là, tại sao ta sùng bái tư tưởng? Tại sao tư tưởng trở nên quan trọng một cách lạ thường như thế?
Needleman: Dường như nó có thể thỏa mãn các dục vọng của ta; thông qua tư tưởng ta tin ta có thể thỏa mãn.
Krishnamurti: Không, không phải do thỏa mãn. Tại sao tư tưởng trong tất cả các nền văn hóa lại trở thành mối quan tâm sống còn với hầu hết mọi người như thế?
Needleman: Thông thường ta tự đồng hóa bản thân với tư tưởng, tư tưởng của chính mình. Nếu tôi nghĩ về chính tôi, tôi nghĩ về những điều tôi nghĩ, những kiểu ý niệm mà tôi có, những điều tôi tin. Có phải đây là những gì ngài muốn nói?
Krishnamurti: Không hẳn. Ngoại trừ việc đồng hóa hay phân biệt mình với cái “tôi”, hay với cái “không phải tôi”, tại sao tư tưởng luôn luôn động?
Needleman: À, tôi hiểu.
Krishnamurti: Tư tưởng luôn vận hành trong kiến thức, phải không? Nếu không có kiến thức thì không thể có tư tưởng. Tư tưởng luôn vận hành trong địa hạt của cái đã biết. Dù có tính máy móc hay không, phi ngôn từ hay không, vân vân, tư tưởng luôn hoạt động trong quá khứ. Vì thế cuộc sống của tôi là quá khứ, bởi vì nó được xây dựng trên kiến thức quá khứ, kinh nghiệm quá khứ, kỷ niệm quá khứ, khoái lạc, đau khổ, sợ hãi, vân vân – tất cả đều là quá khứ. Và tương lai là cái mà tôi phóng chiếu ra từ quá khứ, tư tưởng phóng chiếu ra từ quá khứ. Do đó, tư tưởng dao động giữa quá khứ và tương lai. Lúc nào tư tưởng cũng nói: “Tôi nên làm điều này, tôi không nên làm việc kia, lẽ ra tôi nên cư xử thế này, thế khác”. Tại sao tư tưởng làm những điều ấy chứ?
Needleman: Tôi không biết. Do thói quen?
Krishnamurti: Thói quen. Được rồi. Tiếp tục nào. Ta hãy khám phá xem. Thói quen thì sao?
Needleman: Thói quen đem lại điều mà tôi gọi là khoái lạc.
Krishnamurti: Thói quen, khoái lạc, đau khổ.
Needleman: Để bảo vệ cái tôi. Đau khổ, vâng, đau khổ.
Krishnamurti: Tư tưởng luôn luôn hoạt động trong địa hạt đó. Tại sao?
Needleman: Bởi vì nó không biết gì hơn.
Krishnamurti: Không, không. Tư tưởng có thể hoạt động trong địa hạt nào khác không?
Needleman: Loại tư tưởng đó thì không.
Krishnamurti: Không, không một tư tưởng nào. Tư tưởng có thể hoạt động trong bất kỳ địa hạt nào khác không, ngoại trừ địa hạt của cái đã biết?
Needleman: Không.
Krishnamurti: Hiển nhiên là không. Tư tưởng không thể hoạt động trong điều gì mà nó không biết; nó chỉ có thể hoạt động trong địa hạt này thôi. Tại sao nó hoạt động trong địa hạt này? Thưa ngài, tại sao thế? Đó là điều duy nhất mà tôi biết. Trong đó có sự an toàn, có sự bảo vệ, có sự đảm bảo. Đó là tất cả những gì tôi biết. Vậy là tư tưởng chỉ có thể vận hành trong địa hạt của cái đã biết. Và khi nó cảm thấy mệt nhoài vì điều đó, mà nó thường như thế, bấy giờ nó tìm kiếm điều gì đó ở bên ngoài. Vậy là điều nó tìm kiếm vẫn là cái đã biết: những thần thánh, những viễn cảnh, những trạng thái tinh thần… tất cả được phóng chiếu từ quá khứ đã biết vào cái đã biết của tương lai. Do đó, tư tưởng luôn luôn hoạt động trong địa hạt này.
Needleman: Vâng, tôi hiểu.
Krishnamurti: Cho nên, tư tưởng luôn hoạt động trong tù ngục. Nó có thể gọi đó là tự do, nó có thể gọi đó là cái đẹp, nó có thể gọi bằng bất cứ cái tên nào nó thích! Nhưng nó luôn luôn ở trong những giới hạn của hàng rào kẽm gai. Giờ đây, tôi muốn khám phá liệu tư tưởng có nơi chốn nào khác ngoài nơi đó không? Tư tưởng không có nơi chốn nào cả khi tôi nói rằng “tôi không biết”, “tôi thật sự không biết”. Đúng chứ?
Needleman: Trong lúc này thôi.
Krishnamurti: Tôi thật sự không biết. Tôi chỉ biết hiện thực này và tôi thật sự không biết liệu tư tưởng có thể vận hành trong bất kỳ địa hạt nào ngoài hiện thực này không. Tôi thật sự không biết. Khi tôi nói “tôi không biết”, điều đó không có nghĩa là tôi mong chờ được biết, khi tôi nói tôi thật sự không biết – điều gì xảy ra? Tôi leo xuống thang. Tôi trở nên, trí não trở nên, hoàn toàn khiêm nhường.
Giờ đây, cái tâm thái “không biết” đó là trí thông minh hay trí tuệ. Bấy giờ nó có thể vận hành trong địa hạt của cái đã biết và tự do hoạt động bất cứ nơi nào khác nếu nó muốn.
Malibu, California
26/3/1971