Không có nhiều đền thờ Đạo, cho nên rất hiếm khi tìm thấy tượng Đạo sư. Hầu hết tượng nằm trên núi – đứng giữa không gian rộng mở, được tạc từ núi, không mái che, không đền đài, không tu sĩ, không thờ phụng.
Có một bức tượng Lão Tử, người sáng lập Đạo. Trong suốt nhiều năm, một chàng trai trẻ đã hy vọng được đi lên núi để nhìn thấy bức tượng đó. Anh ta yêu những lời của Lão Tử, cách Lão Tử nói, cách ông đã sống, nhưng anh ta chưa bao giờ nhìn thấy bức tượng nào của ông. Năm tháng trôi qua, luôn có những điều ngăn trở chàng thanh niên theo đuổi khao khát của mình là được nhìn thấy bức tượng.
Cuối cùng, một đêm, anh ta quyết định lên đường – không quá xa, chỉ một trăm dặm. Nhưng anh là một người nghèo khổ, và anh phải đi bộ. Vào nửa đêm – anh ta chọn thời điểm nửa đêm để vợ, các con và gia đình anh đã ngủ, đỡ rắc rối – bởi vì trời tối, anh mang trên tay một cây đèn và bước ra khỏi thị trấn. Khi anh đi đến cột mốc đầu tiên bên ngoài thị trấn, một ý nghĩ xuất hiện: “Trời ơi, những một trăm dặm! Và ta chỉ có hai chân – ta sẽ chết mất. Ta đang truy cầu điều bất khả thi. Ta chưa bao giờ đi bộ một trăm dặm, mà lại không có đường.”
Đó là một lối mòn nhỏ dẫn vào trong núi, đầy nguy hiểm. Do đó, anh ta nghĩ: “Tốt hơn là đợi đến bình minh. Ít nhất sẽ có ánh sáng và ta có thể nhìn rõ hơn, nếu không ta sẽ ngã, bị lạc khỏi con đường mòn nhỏ này ở chỗ nào đó, và tiêu đời khi chưa được nhìn thấy bức tượng Lão Tử. Sao phải đi vào chỗ chết làm gì?” Thế là anh ta dừng lại và ngồi xuống ngay bên ngoài thị trấn.
Khi mặt trời mọc, một ông già đi qua. Nhìn thấy chàng trai trẻ này ngồi đó, ông bèn hỏi: “Cậu đang làm gì ở đây vậy?” Chàng trai trẻ giải thích. Ông già cười lớn và nói: “Cậu chưa nghe cổ nhân nói ư? Không ai có sức mạnh để bước hai chân cùng một lúc, cậu chỉ có thể bước từng bước một. Người khỏe, người yếu, người trẻ, người già cũng thế cả thôi. Người ta nói: ‘Cứ bước đi, từng bước một, một người có thể đi mười ngàn dặm.’ Và đây chỉ có một trăm dặm! Ai bảo cậu phải đi liên tục? Cậu không cần vội, cứ mười dặm cậu có thể nghỉ một hay hai ngày và tận hưởng. Đây là một trong những thung lũng đẹp nhất, giữa những dãy núi đẹp nhất, cây cối thì trĩu quả, những quả mà cậu thậm chí chưa từng được nếm. Thôi, ta đi đây; cậu có thể đi cùng ta. Ta đã đi con đường này cả ngàn lần, và tuổi ta ít nhất gấp bốn lần tuổi cậu đấy. Đứng dậy đi!”
Ông già thật có uy – khi ông nói: “Đứng dậy!” thì chàng trai trẻ liền đứng dậy. Và ông già tiếp: “Đưa đồ đạc của cậu cho ta. Cậu còn trẻ và chưa có kinh nghiệm. Ta sẽ mang đồ cho cậu. Cậu chỉ việc theo ta, và chúng ta sẽ dừng nghỉ bao nhiêu lần tùy cậu muốn.”
Điều ông già nói là đúng – khi họ đi sâu hơn vào trong rừng núi, cảnh vật ngày càng trở nên tuyệt mĩ hơn. Có nhiều quả dại mọng nước để ăn và bất cứ khi nào chàng trai trẻ muốn nghỉ, ông già đều sẵn sàng. Anh ta ngạc nhiên là không bao giờ tự ông già nói đã đến lúc phải nghỉ. Nhưng mỗi khi chàng trai trẻ muốn nghỉ thì ông luôn sẵn sàng nghỉ cùng anh – một ngày hay hai ngày, và rồi họ sẽ bắt đầu tiếp tục hành trình.
Một trăm dặm đó trôi qua như gió thoảng mây bay, và họ đến nơi có một trong những bức tượng đẹp nhất của một trong những con người vĩ đại nhất từng bước đi trên Trái Đất. Ngay cả bức tượng của ông ấy cũng thật đặc biệt – nó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nó được các nghệ sĩ theo Đạo tạo ra để đại diện cho tinh thần của Đạo.
Triết lí của Đạo là triết lí buông bỏ. Bạn không bơi, mà trôi nổi cùng dòng sông, để cho dòng sông đưa bạn đến bất cứ nơi nào nó chảy qua, bởi vì mọi dòng sông cuối cùng đều sẽ hòa vào đại dương. Không cần phải căng thẳng hay lo lắng – bạn sẽ được hòa vào đại dương.
Bức tượng đứng tại nơi cô độc đó và có một thác nước ngay bên cạnh – bởi vì Đạo được gọi là con đường nước chảy. Đạo tuôn chảy như nước, liên tục không ngừng mà không có hướng dẫn, không có bản đồ, không có quy tắc, không có kỉ luật. Kì lạ là nó tuôn chảy một cách khiêm tốn, ở nơi nào cũng luôn tìm chỗ thấp hơn. Nó không bao giờ đi lên dốc. Nó luôn luôn đi xuống dốc, và nó tới đại dương, tới chính cội nguồn của nó. Toàn thể bầu không khí xung quanh bức tượng đại diện cho ý niệm buông bỏ của Đạo.
Ông già nói: “Bây giờ hành trình bắt đầu.”
Chàng trai trẻ nói: “Cụ nói sao? Tôi đang nghĩ một trăm dặm đã hết và hành trình kết thúc rồi.”
Ông già nói: “Đó chỉ là cách các bậc thầy nói với mọi người. Nhưng thực tế là bây giờ – từ thời điểm này, một hành trình một ngàn lẻ một dặm bắt đầu. Và ta sẽ không lừa cậu đâu, bởi vì sau một ngàn lẻ một dặm nữa cậu sẽ gặp một ông già khác – cũng có thể là ta – và người đó sẽ nói: ‘Đây chỉ là điểm dừng chân, hãy tiếp tục đi.’ Thông điệp là hãy tiếp tục.”
Hành trình là vô tận, nhưng cực lạc sẽ ngày càng sâu hơn. Cứ mỗi bước, bạn càng thêm cực lạc; cuộc sống của bạn sống động hơn, trí tuệ của bạn rực cháy hơn. Và không ai dừng lại. Ngay khi người tìm kiếm đạt tới bản thể của mình, tự anh ta có thể thấy điều gì nằm phía trước – kho báu chồng chất kho báu. Sự thuyết phục chỉ cần thiết cho tới thời điểm chạm được tới bản thể, một trăm dặm đầu tiên đó là khó khăn nhất. Sau một trăm dặm đó, có thể là một ngàn lẻ một dặm hoặc vô tận – chẳng có gì khác biệt.
Giờ đây bạn biết rằng trong thực tại không có đích đến; việc nói về đích đến là dành cho người mới bắt đầu, dành cho trẻ con. Hành trình chính là đích đến.
Hành trình tự nó là đích đến.
Nó là vô tận. Nó là vĩnh cửu.
Bạn sẽ tìm ra các vì sao, những không gian bí ẩn, những trải nghiệm không thể biết, nhưng bạn sẽ không bao giờ tới một điểm mà bạn có thể nói: “Bây giờ tôi đã đến”. Bất cứ ai nói: “Tôi đã đến” đều không ở trên đường. Anh ta chưa du hành, hành trình của anh ta chưa bắt đầu, anh ta chỉ đang ngồi ở cột mốc đầu tiên.
Mỗi cuộc khởi hành đều có một chút đau đớn, nhưng nỗi đau sẽ ngay lập tức bị lãng quên – bởi vì sẽ có ngày càng nhiều phúc lạc trút lên bạn. Bạn sẽ sớm học được điều này: không cần phải cảm thấy đau đớn khi rời khỏi một chỗ nghỉ qua đêm. Bạn trở nên quen thuộc với việc rời đi bởi vì bạn biết rằng hành trình là vô tận. Kho báu ngày càng to lớn hơn, bạn không mất gì cả. Dừng lại ở bất cứ đâu cũng đều sẽ là mất mát. Cho nên không có điểm dừng, không có dấu chấm hết, thậm chí không có dấu chấm phẩy...
CON ĐƯỜNG
Đạo nghĩa là con đường không có đích đến. Chỉ là Con Đường. Hai mươi lăm thế kỉ trước, Lão Tử thật can đảm khi bảo mọi người rằng không có đích đến và chúng ta đang không đi đâu cả. Chúng ta sẽ ở đây, cho nên hãy làm cho khoảng thời gian này thành đẹp đẽ, đáng yêu, vui vẻ nhất có thể. Ông gọi triết lí của mình là Đạo, và Đạo đơn giản nghĩa là Con Đường.
Nhiều người hỏi ông: “Tại sao thầy lại chọn cái tên Đạo? Bởi vì thầy làm gì có đích đến nào trong triết lí của mình.”
Ông nói: “Chính vì lí do đó mà ta đã chọn gọi nó là ‘Đạo’, để không ai quên rằng không có đích đến, chỉ có Con Đường thôi.”
Con Đường thật đẹp đẽ, Con Đường tràn ngập hoa. Và Con Đường ngày càng trở nên tuyệt mĩ hơn khi ý thức của bạn trở nên cao hơn. Khoảnh khắc bạn đạt tới đỉnh, mọi thứ trở nên ngọt ngào, cực lạc tới mức bạn đột nhiên nhận ra rằng đây chính là nơi ấy, đây chính là nhà. Bạn đã chạy lăng xăng một cách không cần thiết.
Vậy thì hãy hủy tất cả vé mà bạn đã đặt! Không có nơi nào để đi cả.