Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về việc những câu thơ Đạo Đức Kinh của Lão Tử được viết ra như thế nào, bởi điều đó sẽ giúp bạn thấu hiểu chúng. Trong 90 năm cuộc đời Lão Tử – trên thực tế, ông chẳng làm gì ngoài việc sống. Ông sống một cách trọn vẹn. Nhiều lần các đệ tử bảo ông viết, nhưng ông luôn luôn nói: Đạo mà có thể được nói ra không phải Đạo thực sự. Chân lí mà có thể được nói ra lập tức sẽ trở thành không đúng.
Lão Tử nói: Đạo mà có thể được nói ra thì không phải Đạo tuyệt đối.
Cho nên ông không nói điều gì, ông không viết điều gì. Vậy các đệ tử đã làm gì cùng với ông? Họ chỉ ở cùng với ông. Họ sống cùng với ông, họ đi cùng với ông, họ đơn giản là hấp thụ bản thể của ông. Gần bên ông, họ cố gắng cởi mở với ông; gần bên ông, họ cố gắng không nghĩ ngợi gì cả; gần bên ông, họ trở nên ngày càng im lặng. Trong sự im lặng đó, ông sẽ với tới họ – ông sẽ đến chỗ họ và ông sẽ gõ cánh cửa của họ.
Trong 90 năm, ông từ chối viết hoặc nói bất cứ điều gì. Thái độ căn bản của ông là chân lí không thể dạy được. Khoảnh khắc bạn nói gì đó về chân lí, nó không còn đúng nữa – chính việc nói ra biến nó thành sai. Bạn không thể dạy nó được. Cùng lắm bạn có thể ngụ ý, và cái hàm ý đó nên là chính bản thể bạn, chính cuộc đời bạn; không thể ngụ ý bằng ngôn từ. Lão Tử chống lại ngôn từ, ông chống lại ngôn ngữ.
Người ta nói rằng ông từng đi dạo mỗi buổi sáng, và một người hàng xóm thường đi theo ông. Biết Lão Tử là người tuyệt đối im lặng, người hàng xóm cũng luôn luôn giữ im lặng. Ngay cả một câu “Xin chào” cũng không được phép, ngay cả nói về thời tiết cũng không được phép. Nói “Buổi sáng đẹp làm sao!” cũng đã là quá nhiều. Lão Tử cứ bước đi hàng dặm và người hàng xóm thì lẽo đẽo theo sau.
Chuyện này cứ tiếp diễn trong nhiều năm, nhưng một lần có một vị khách ở cùng người hàng xóm cũng muốn đi cùng, cho nên người hàng xóm đã dẫn anh ta theo. Vị khách không biết Lão Tử hay cách sống của ông. Anh ta bắt đầu cảm thấy ngột ngạt bởi vì người chủ nhà không nói gì, và anh ta không thể hiểu nổi tại sao họ lại im lặng đến thế – sự im lặng đè nặng lên anh ta.
Nếu bạn không biết cách im lặng, im lặng có thể trở nên nặng nề. Không phải bạn nói là bạn đang giao tiếp đâu – không hề. Khi bạn nói, bạn chỉ đang làm nhẹ gánh cho chính mình.
Thực tế là không thể giao tiếp thông qua ngôn từ, điều ngược lại mới là có thể – bạn có thể tránh giao tiếp. Bạn có thể tạo ra một tấm màn ngôn ngữ quanh mình để người khác không thể biết đến hoàn cảnh thực sự của bạn. Bạn che đậy bản thân bằng ngôn từ.
Người đó bắt đầu cảm thấy trần trụi, ngột ngạt và ngượng nghịu; thật là lúng túng. Cho nên khi mặt trời mọc, anh ta nói: “Mặt trời đẹp làm sao. Nhìn kìa...! Một mặt trời tuyệt đẹp đang chào đời, đang mọc lên! Một bình minh thật đẹp!”
Đó là tất cả những gì anh ta nói. Nhưng không ai đáp lại bởi người hàng xóm, chủ nhà của anh ta, biết rằng Lão Tử không thích. Và tất nhiên Lão Tử chẳng nói gì cả.
Khi họ trở về, Lão Tử bảo người hàng xóm: “Ngày mai ông đừng mang người này theo. Anh ta là một người nhiều chuyện.” Ấy thế mà vị khách chỉ nói vài lời đó trong suốt hai hay ba giờ đi dạo. Lão Tử nói: “Anh ta nói toàn những điều vô ích – bởi vì ta cũng có mắt. Ta có thể nhìn thấy rằng mặt trời đang mọc và nó thật đẹp. Cần gì phải nói điều đó ra?”
Lão Tử sống trong im lặng. Ông tránh nói về chân lí mà ông đã đạt tới và ông từ chối ý tưởng ông nên viết lại cho các thế hệ sau.
Chân lí không thể được nói bởi nhiều lí do. Lí do đầu tiên và cơ bản nhất là chân lí luôn luôn được nhận ra trong im lặng.
Vào tuổi 90, ông cáo từ các đệ tử. Ông nói: “Nay ta đi lên núi, tới dãy Himalaya. Ta tới đó để sẵn sàng chết. Sống cùng với mọi người thật là tốt, sống trong thế giới khi các vị đang sống thật là tốt, nhưng khi một người gần với cái chết hơn thì nên đi vào trạng thái đơn độc hoàn toàn, để đi đến nguồn cội nguyên bản trong trạng thái thuần khiết và đơn độc tuyệt đối, không bị thế giới làm uế tạp.”
Các đệ tử cảm thấy rất buồn, nhưng họ có thể làm gì được? Họ theo ông vài trăm dặm, nhưng dần dần Lão Tử thuyết phục họ quay về. Ông đi qua biên giới một mình và lính gác ở biên giới tống giam ông. Người lính gác cũng là một đệ tử, và anh ta nói: “Trừ phi thầy viết một cuốn sách, nếu không, tôi sẽ không cho phép thầy đi qua biên giới. Thầy phải làm việc này vì nhân loại. Hãy viết một cuốn sách. Đó là món nợ thầy phải trả, nếu không, tôi sẽ không cho thầy đi qua.” Thế là trong ba ngày, Lão Tử bị đệ tử của chính mình giam giữ.
Thật đẹp đẽ. Thật đáng yêu. Ông ấy bị ép buộc – và đó là cách Đạo Đức Kinh, cuốn sách nhỏ của Lão Tử, ra đời. Ông ấy đã viết nó bởi nếu không thì người đệ tử sẽ chẳng cho phép ông đi qua biên giới. Vì người lính gác có thẩm quyền và có thể gây rắc rối cho ông nên Lão Tử phải viết cuốn sách. Trong ba ngày, ông hoàn thành.
Đây là câu đầu tiên của cuốn sách:
Đạo mà có thể được nói ra thì không phải Đạo tuyệt đối.
Đây là điều đầu tiên mà Lão Tử phải nói: Cái gì có thể được nói ra thì không thể đúng được. Đây là lời tựa cho cuốn sách. Nó khiến cho bạn cảnh giác: Tiếp sau đây sẽ là ngôn từ, nhưng đừng trở thành nạn nhân của ngôn từ. Hãy nhớ cái phi ngôn ngữ. Hãy nhớ cái không thể được truyền đạt thông qua ngôn ngữ, thông qua ngôn từ. Có thể truyền đạt Đạo, nhưng chỉ có thể truyền đạt từ bản thể tới bản thể. Nó có thể được truyền đạt khi bạn ở cùng bậc thầy, chỉ ở cùng với bậc thầy mà không làm gì cả, thậm chí không thực hành gì hết.
Tại sao chân lí không thể được nói ra? Khó khăn là gì? Chân lí không thể được nói ra bởi nhiều lí do. Lí do đầu tiên và cơ bản nhất là chân lí luôn luôn được nhận ra trong im lặng. Khi những tiếng xì xào bên trong bạn ngừng lại thì bạn nhận ra chân lí. Và điều mà được nhận ra trong im lặng thì làm sao bạn có thể diễn đạt nó thông qua âm thanh được? Nó là một kinh nghiệm. Nó không phải một ý nghĩ. Nếu nó là một ý nghĩ thì có thể diễn đạt nó, sẽ chẳng có rắc rối nào cả. Một suy nghĩ dù phức tạp hay rắc rối đến đâu cũng sẽ có cách để diễn đạt. Học thuyết phức tạp nhất của Albert Einstein, thuyết tương đối, cũng có thể được diễn đạt qua một biểu tượng. Chẳng có vấn đề gì cả. Người nghe có thể không có khả năng hiểu nó nhưng đó không phải vấn đề. Nó có thể được diễn đạt.
Người ta nói rằng khi Einstein còn sống, chỉ có một tá người trên khắp thế giới hiểu được ông và những gì ông nói. Nhưng thế thôi đã là đủ. Thậm chí nếu chỉ một người duy nhất hiểu được thì cũng tức là nó đã được diễn đạt. Và thậm chí nếu ngay lúc này không một người nào hiểu được, thì có thể nhiều thế kỉ sau sẽ xuất hiện ai đó hiểu được nó. Thế thì nó cũng đã được diễn đạt. Chính khả năng ai đó có thể hiểu nó nghĩa là nó đã được diễn đạt.
Nhưng không thể diễn đạt chân lý bởi vì việc đạt tới nó là thông qua im lặng, không âm thanh, không suy nghĩ. Bạn đạt tới nó thông qua vô trí, tâm trí bị vứt bỏ. Sao bạn có thể sử dụng thứ gì đó phải bị vứt bỏ như một điều kiện cần để có thể đạt tới chân lí? Tâm trí không thể hiểu chân lí, tâm trí không thể nhận ra chân lí, thế thì làm sao tâm trí diễn đạt nó được? Hãy nhớ quy tắc này: Nếu tâm trí có thể đạt tới điều gì đó thì tâm trí có thể diễn đạt nó, nếu tâm trí không thể đạt tới thì nó không thể diễn đạt.
Mọi ngôn ngữ là vô ích. Không thể diễn đạt chân lý.
Vậy thì từ trước tới nay các kinh sách đang làm gì? Vậy thì Lão Tử đang làm gì? Vậy thì bộ kinh Upanishad1 đang làm gì? Tất cả đều đang cố gắng nói điều gì đó không thể nói ra với hi vọng rằng một niềm khao khát được biết về điều không thể được nói ra đó có thể nảy sinh trong bạn. Không thể nói ra chân lí nhưng trong nỗ lực nói ra nó, một khao khát được biết điều không thể diễn đạt có thể trỗi dậy bên trong người nghe.
1 Một trong những kinh quan trọng bậc nhất của Hindu giáo. Để biết thêm, xin đọc cuốn Upanishad của Osho, cùng bộ với cuốn sách này.
Một cơn khát có thể được kích động. Cơn khát ở đó, nó cần chút kích động. Bạn khát sẵn rồi – sao có thể khác được? Bạn không có phúc lạc, bạn không có cực lạc – bạn đang khát. Trái tim bạn là ngọn lửa bùng cháy. Bạn đang tìm kiếm điều gì đó có thể dập tắt cơn khát nhưng lại không tìm thấy nước, không tìm thấy nguồn, dần dần bạn cố gắng kìm nén chính cơn khát của mình. Đó là cách duy nhất; nếu không, nó sẽ vượt quá sức chịu đựng của bạn – nó sẽ hoàn toàn không cho bạn sống. Cho nên bạn kìm nén cơn khát.
Một bậc thầy như Lão Tử biết rõ rằng chân lí không thể được nói ra nhưng chính nỗ lực nói ra nó sẽ kích động điều gì đó, khiến cơn khát bị kìm nén trỗi dậy. Ngay khi cơn khát nổi lên, một sự tìm kiếm, một sự truy vấn bắt đầu. Và ông ấy đã khiến bạn động tâm.
Đạo mà có thể được nói ra thì không phải Đạo tuyệt đối.
Nhiều nhất thì nó chỉ có thể là tương đối.
Chẳng hạn, chúng ta có thể nói về ánh sáng cho một người mù nghe và biết rõ là không thể truyền đạt điều gì về ánh sáng bởi anh ta không có kinh nghiệm về nó. Nhưng anh ta có thể nói về ánh sáng – có thể tạo ra những lí thuyết về ánh sáng. Ngay cả một người mù cũng có thể trở thành một chuyên gia về lí thuyết ánh sáng. Anh ta có thể trở thành một nhà khoa học ánh sáng nhưng anh ta sẽ không hiểu ánh sáng là gì. Anh ta sẽ hiểu ánh sáng gồm có những gì; anh ta sẽ hiểu tính vật lí của ánh sáng, tính hóa học của ánh sáng. Anh ta sẽ hiểu tính thi ca của ánh sáng, nhưng anh ta sẽ không hiểu được ánh sáng là gì. Anh ta sẽ không hiểu kinh nghiệm về ánh sáng. Cho nên tất cả những gì về ánh sáng có thể nói cho một người mù chỉ là tương đối: Nó chỉ là điều gì đó về ánh sáng chứ không phải là chính ánh sáng. Không thể truyền đạt ánh sáng.
Có thể nói điều gì đó về Thượng Đế, nhưng không thể nói ra Thượng Đế. Có thể nói điều gì đó về tình yêu, nhưng không thể nói ra tình yêu. “Điều gì đó” luôn là tương đối. Nó tùy vào sự thấu hiểu, năng lực trí tuệ, sự rèn luyện và khao khát hiểu của người nghe. Nó phụ thuộc vào cách diễn đạt của bậc thầy, những phương sách được sử dụng để truyền đạt. Nó luôn là tương đối – tùy theo nhiều thứ – và nó không bao giờ có thể trở thành kinh nghiệm tuyệt đối. Đây là lý do đầu tiên mà chân lí không thể được diễn đạt.
Lí do thứ hai chân lí không thể được diễn đạt là bởi nó là một kinh nghiệm. Chưa bàn đến chân lí thì cũng không kinh nghiệm nào có thể được truyền đạt. Nếu bạn chưa bao giờ biết đến tình yêu thì khi ai đó đề cập tới tình yêu, bạn sẽ nghe được ngôn từ nhưng lỡ mất ý nghĩa. Khái niệm nằm trong từ điển – nếu bạn không hiểu, bạn có thể xem trong từ điển để hiểu nội dung của nó. Nhưng ý nghĩa thực tế là ở trong bạn. Ý nghĩa có được nhờ kinh nghiệm. Nếu bạn yêu ai đó thì bạn biết ý nghĩa của từ “yêu”. Nghĩa đen ở trong từ điển, trong ngôn từ. Còn ý nghĩa dựa trên kinh nghiệm, ý nghĩa hiện sinh thì ở trong chính mỗi người. Nếu bạn biết kinh nghiệm này, ngay lập tức từ “yêu” không còn trống rỗng; nó chứa đựng thực tế.
Nếu tôi nói bất cứ điều gì, nó trống rỗng trừ khi bạn mang kinh nghiệm của mình vào nó. Khi kinh nghiệm của bạn được đưa vào, nó trở nên đầy ý nghĩa.
Làm sao chân lí có thể được diễn đạt khi bạn chưa trải nghiệm nó? Ngay cả trong cuộc sống bình thường, bạn không thể nói ra một điều chưa được trải nghiệm. Chỉ có thể truyền đạt ngôn từ sáo rỗng. Khi bạn nghe một khái niệm, một từ nào đó, bạn sẽ nghĩ rằng bạn hiểu bởi vì bạn biết nghĩa đen của nó, nhưng bạn sẽ bỏ lỡ nó nếu chưa có sự trải nghiệm. Ý nghĩa thực sự, đích xác tới thông qua kinh nghiệm hiện sinh. Bạn phải biết nó, không có cách nào khác. Không có đường tắt. Không thể chuyển giao chân lí. Bạn không thể đánh cắp nó, bạn không thể vay mượn nó, bạn không thể mua nó, bạn không thể cướp đoạt nó, bạn không thể xin nó – không có cách nào cả. Bạn không thể có nó nếu bạn không trải nghiệm để hiểu nó.
Đạo mà có thể được nói ra thì không phải Đạo tuyệt đối.