Lão Tử nói: Khi kiểu người cao nhất nghe Đạo, họ nỗ lực sống thuận theo nó. Khi kiểu người tầm thường nghe Đạo, họ dường như nhận thức nhưng lại vẫn chưa nhận thức được nó. Khi kiểu người thấp nhất nghe Đạo, họ cười phá lên – nếu không bị cười nhạo thì không phải là Đạo.
Điều hoang đường vĩ đại nhất là về nhân loại. Chẳng tồn tại cái gì như thế. Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu nhân loại – không chỉ có một loại. Mỗi cá nhân khác biệt nhau đến mức nhân loại không tồn tại. Nó chỉ là một từ, một cách trừu tượng hóa. Bạn có vẻ giống như những người khác nhưng không đâu, và sự hoang đường đó phải bị ném đi – chỉ khi đó bạn mới có thể thâm nhập sâu hơn vào trong thực tại của con người.
Không có tư tưởng tâm lí học cổ đại nào từng tin rằng nhân loại tồn tại. Trên thực tế, nếu chúng ta phân loại thì tất cả các tâm lí học cổ đại đều xếp con người vào ba bộ phận. Ở Ấn Độ, họ chia nhân loại thành ba phần: Sattva, Rajas và Tamas. Lão Tử không đặt tên nhưng ông cũng chia nhân loại thành ba kiểu theo cách giống hệt như vậy.
Ba bộ phận này chỉ là theo chủ kiến cá nhân – chúng ta phải phân loại để hiểu; bằng không, số nhân loại cũng nhiều như số đàn ông và đàn bà, bản thân mỗi người đàn ông và mỗi người đàn bà là một thế giới riêng. Nhưng cách phân loại này giúp ta hiểu nhiều điều mà ta sẽ không thể hiểu nếu thiếu nó. Hãy cố gắng thấu hiểu sự phân loại này rõ ràng nhất có thể.
Khi kiểu người cao nhất nghe Đạo, họ nỗ lực sống thuận theo nó. Khi kiểu người tầm thường nghe Đạo, họ dường như nhận thức mà lại chưa nhận thức dược nó. Khi kiểu người thấp nhất nghe Đạo, họ cười phá lên – nếu không bị cười nhạo thì không phải là Đạo.
Kiểu đầu tiên là Sattva, kiểu thứ hai là Rajas, và kiểu thứ ba là Tamas.
Kiểu người cao nhất, khi nghe về Đạo, sẽ đột nhiên cảm thấy hòa hợp với nó. Không phải anh ta thấu hiểu bằng trí tuệ mà toàn bộ bản thể anh ta rung động cùng một bài ca mới, anh ta nghe thấy một khúc nhạc mới. Khi anh ta nghe được chân lí, đột nhiên cái gì đó ăn khớp và anh ta không còn như cũ – chỉ lắng nghe, anh ta trở thành một kiểu người hoàn toàn khác. Không phải người đó dùng trí tuệ của mình để hiểu nó – như vậy sẽ làm sự thấu hiểu bị chậm trễ. Kiểu người cao nhất hiểu ngay lập tức mà không mất chút thời gian nào. Nếu anh ta nghe được chân lí thì chỉ trong chính việc nghe, anh ta đã thấu hiểu. Toàn bộ bản thể anh ta thấu hiểu nó, không chỉ phần trí tuệ. Không chỉ có linh hồn, không chỉ có tâm trí mà thậm chí cả thân thể rung động theo một cách mới mẻ chưa từng thấy. Một điệu vũ mới đã bước vào trong bản thể anh ta, và giờ đây anh ta không bao giờ còn có thể như cũ được nữa.
Ngay khi anh ta nghe được chân lí, anh ta không bao giờ có thể trở lại như cũ; một hành trình mới đã bắt đầu. Giờ đây không thể làm gì khác, anh ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc lên đường. Anh ta đã nghe về ánh sáng và anh ta vẫn đang sống trong bóng tối: Bây giờ anh ta sẽ không được phép nghỉ ngơi trừ khi anh ta đạt tới ánh sáng. Anh ta sẽ trở nên bất mãn sâu sắc. Anh ta đã nghe thấy rằng có thể có một kiểu tồn tại khác: Bây giờ anh ta không thể thoải mái, anh ta không thể coi nơi nào là nhà trừ khi anh ta đạt tới nó. Cho dù anh ta ở đâu, tiếng gọi từ cái không biết cũng sẽ không ngừng gõ cửa. Lúc thức anh ta nghe thấy nó, lúc ngủ anh ta nghe thấy nó, lúc mơ – và sẽ lại có tiếng gõ cửa – anh ta nghe thấy nó. Lúc ăn anh ta nghe thấy nó, đi dạo anh ta nghe thấy nó, trong chợ anh ta nghe thấy nó – nó sẽ ám ảnh anh ta tất cả mọi lúc.
Đó là lí do tại sao Krishnamurti1 luôn luôn nói rằng không cần làm gì cả. Trên thực tế, đối với kiểu người thượng hạng thì không cần làm gì cả – chỉ bằng lắng nghe, bằng việc nghe đúng, người đó đạt tới. Nhưng tìm đâu ra người thượng hạng? Họ rất hiếm có. Nó sẽ không xảy ra trừ khi một Krishnamurti đến nghe một Krishnamurti. Nhưng tại sao một Krishnamurti nên đến nghe một Krishnamurti? Thật ngớ ngẩn, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Một người với khả năng cảm thụ như thế có thể giác ngộ chỉ bởi lắng nghe chim hót, chỉ bởi lắng nghe gió thoảng qua rặng cây, chỉ bởi lắng nghe tiếng nước chảy – thế là đủ, bởi vì chân lí lên tiếng từ khắp mọi nơi. Nếu bạn mẫn cảm, bất cứ cái gì lọt vào tai bạn, bạn đều nghe thấy chân lí, bạn đều nghe thấy Đạo. Không gì khác tồn tại cả. Tất cả âm thanh đều thiêng liêng, tất cả thông điệp đều thiêng liêng, khắp mọi nơi là dấu ấn của sự thiêng liêng. Đối với tâm trí thượng hạng, con đường hoàn toàn không phải con đường, người đó bước vào ngôi đền mà không cần con đường nào, không cần cây cầu nào cả.
1 Triết gia, nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần.
Lão Tử nói rằng khi kiểu người cao nhất nghe thấy Đạo, anh ta thấu cảm ngay lập tức, thấu hiểu ngay lập tức. Chỉ cần nhìn vào bậc thầy đã đạt tới, chỉ cần lắng nghe lời của thầy hay chỉ cần lắng nghe hơi thở của thầy, im lặng, bình yên, ngồi bên cạnh thầy, là anh ta thấu hiểu.
Ngay khi kiểu người này thấu hiểu thì họ sẽ không cố gắng đạt tới chân lí, họ sẽ chỉ cố gắng tinh chỉnh cơ chế của mình. Họ đã thấu hiểu chân lí – nó tồn tại; họ đã nghe thấy nó. Người Hindu gọi các kinh sách của họ là các Shruti. Từ shruti nghĩa là “điều đã được nghe thấy”. Tất cả các kinh sách đều là những “điều đã được nghe thấy”.
Một khi kiểu người thông minh thượng hạng nghe thấy chân lí, anh ta sẽ thấu hiểu nó.
Có lần, một bậc thầy Sufi1 đột nhiên gọi một trong các đệ tử của mình lại. Nhiều đệ tử đang ngồi trong đại sảnh, nhưng ông ấy chỉ gọi một người: “Hãy lại gần ta.”
1 Một nhánh của Hồi giáo.
Anh ta đang đứng gần cửa sổ, và đó là một đêm trăng tròn. Tất cả các đệ tử dõi theo trong kinh ngạc. Sao thầy lại gọi người đó? Rồi ông lão chỉ cho chàng trai trẻ điều gì đó bên ngoài cửa sổ và nói: “Nhìn xem!” Và kể từ ngày đó chàng thanh niên hoàn toàn thay đổi.
Những người khác hỏi: “Chuyện gì vậy? Chúng tôi chẳng biết gì ngoại trừ việc đó là một đêm trăng tròn. Tất nhiên là có trăng tròn, tất nhiên là đêm thật huyền diệu, nhưng chuyện đã xảy ra với anh dường như rất đỗi hệ trọng. Anh đã được biến đổi hoàn toàn. Chuyện gì vậy?”
Chàng thanh niên đáp: “Tôi đã lắng nghe thầy, và tôi rất im lặng bởi vì thầy gọi tôi. Tôi không suy nghĩ, bình an đến mức khi thầy chỉ mặt trăng, điều gì đó mở ra bên trong tôi: một cửa sổ. Tôi có một tri giác mà tôi chưa từng có. Tôi nhìn mặt trăng với cặp mắt mới. Tôi nhìn ánh trăng bằng một bản thể mới. Tất nhiên, tôi đã từng nhìn quang cảnh đó từ một trạng thái xa xôi của tâm trí và tôi sẽ phải nỗ lực để đạt tới nó, nhưng bây giờ nó tồn tại. Bây giờ tôi biết nó một cách chắc chắn. Bây giờ không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng tôi vẫn sẽ phải đạt tới trạng thái đó bởi vì tôi đã nhìn thông qua cặp mắt của thầy. Cặp mắt đó không phải của tôi, thầy đã trao nó cho tôi, tôi đã mượn chúng trong một chốc lát. Tôi đã nhìn thông qua bản thể của thầy. Nó không phải bản thể của tôi, cửa sổ không phải của tôi, nó là của thầy, và thầy cho phép tôi nhìn thông qua nó. Nhưng giờ đây tôi biết rằng có thể có một kiểu tồn tại khác – không chỉ có thể mà là tuyệt đối chắc chắn. Giờ đây tôi có thể sẽ mất nhiều kiếp để đạt tới mục đích đó, nhưng mục đích đó đã chắc chắn. Giờ đây trong tôi không còn hoài nghi, hoài nghi không thể làm tôi bối rối nữa – giờ đây hành trình của tôi đã rõ ràng.”
Khi kiểu người cao nhất nghe Đạo, họ nỗ lực sống thuận theo nó.
Họ lắng nghe, họ thấu hiểu, rồi họ nỗ lực sống thuận theo nó. Họ đã nhìn qua cửa sổ của bậc thầy và giờ đây họ đã chắc chắn rằng nó là một thực tế tuyệt đối; nó không phải triết lý, không phải siêu hình. Nó mang tính hiện sinh. Họ đã cảm nhận được nó, họ đã biết nó, nhưng họ sẽ phải đi một chặng đường dài để tri giác đó trở thành của chính họ.
Họ đã nghe được chân lí, họ đã thấu hiểu nó, nhưng họ sẽ phải đi một chặng đường dài để chân lí trở thành bản thể của họ.
Kiểu người cao nhất nỗ lực sống thuận theo nó – không phải bằng việc thuận theo Đạo và nỗ lực mà họ đạt tới nó, không. Chỉ bằng nỗ lực thì không ai đạt tới nó cả – nhưng bằng nỗ lực, dần dần, trong những giai đoạn cuối cùng của sự biến đổi, bạn sẽ cảm nhận được rằng chính nỗ lực là một rào cản. Bằng nỗ lực, bạn biết được rằng thậm chí nỗ lực là một rào cản, và bạn vứt nó đi. Bởi vì khi bạn nỗ lực sống thuận Đạo thì đó không thể là một cuộc sống ngẫu hứng được, nó chỉ có thể là hiện tượng do cưỡng ép, kỉ luật chứ không phải tự do. Nó sẽ trở thành ngục tù bởi vì tất cả nỗ lực đều của bản ngã. Thậm chí khao khát đạt tới chân lí cũng tới từ bản ngã. Bạn cũng sẽ vứt bỏ nó luôn.
Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể vứt bỏ nỗ lực khi bạn đã nỗ lực tới cực điểm. Bạn không thể nói: “Nếu đúng như vậy thì tôi nên vứt bỏ nỗ lực ngay từ đầu. Sao phải nỗ lực chứ?” Bạn sẽ bỏ lỡ toàn bộ mấu chốt. Đó là điều xảy ra cho những ai đã lắng nghe Krishnamurti. Ông ấy nói không cần nỗ lực nào hết. Đúng như thế, nhưng nó chỉ đúng với những người đã nỗ lực mạnh mẽ bằng toàn bộ bản thể của mình. Nó chỉ đúng cho những người đó thôi – họ có thể vứt bỏ nó.
Với những ai chưa trải qua kỉ luật nào thì không nghệ thuật mà vẫn nghệ thuật là điều không thể. Sau cùng, một nghệ sĩ sẽ phải hoàn toàn lãng quên nghệ thuật của mình, anh ta nên quên bất cứ thứ gì đã học. Nhưng bạn chỉ có thể quên cái bạn đã học. Nếu nghệ thuật của một nghệ sĩ mà chứa đầy nỗ lực thì nghệ thuật của anh ta chưa hoàn hảo.
Trong Thiền tông, người ta sử dụng nhiều phương pháp để dạy thiền. Họ cũng sử dụng cả nghệ thuật – hội họa, thư pháp và các dạng thức khác. Một học trò sẽ học vẽ trong mười hay 12 năm cho tới khi trở nên tuyệt đối hoàn hảo về mặt kĩ thuật – thậm chí không mắc một lỗi nào về mặt kĩ thuật của nghệ thuật đó. Ngay khi kĩ thuật của người nghệ sĩ đã trở nên hoàn hảo, người thầy sẽ nói: “Bây giờ con hãy vứt bỏ nó. Trong hai hay ba năm, hãy hoàn toàn quên nó đi. Vứt hết bút vẽ, quên mọi thứ con biết về hội họa đi. Và khi nào con quên hoàn toàn thì hãy tới ta.”
Cần hai, ba, bốn, năm năm để quên, đôi khi còn lâu hơn. Việc này rất khó. Ban đầu, học một thứ đã khó, nhưng quên nó đi sau khi đã học còn khó hơn. Vế thứ hai là cốt yếu, nền tảng; nếu không, bạn sẽ trở thành kĩ thuật viên chứ không phải nghệ sĩ.
Người ta nói rằng có một cung thủ vĩ đại đã huấn luyện đệ tử của mình hoàn thiện thuật bắn cung, rồi bảo anh ta: “Bây giờ con hãy quên mọi thứ về nó.” Trong 20 năm, người đệ tử vẫn thường qua lại chỗ thầy, nhưng người thầy chẳng nói gì cả, cho nên người đệ tử phải kiên nhẫn chờ đợi. Dần dần anh ta hoàn toàn quên mọi thứ về bắn cung – 20 năm là một quãng thời gian dài – và anh ta gần như đã là một ông già.
Thế rồi một ngày anh ta đến và khi bước vào căn buồng của thầy, anh ta nhìn thấy một cây cung nhưng anh ta không nhận ra nó là cái gì. Người thầy tới bên, ôm lấy anh và nói: “Giờ đây con đã trở thành một cung thủ hoàn hảo, con đã quên ngay cả cây cung. Giờ đây hãy ra ngoài và nhìn lũ chim đang bay. Giờ đây, chỉ cần con nghĩ chúng rơi, chúng sẽ rơi.”
Người cung thủ bước ra ngoài và anh ta không thể tin nổi. Anh ta nhìn vào một đàn chim đang bay, hơn mười con, và ngay lập tức chúng rơi xuống đất. Người thầy nói: “Giờ đây không còn gì hơn để làm nữa. Ta đã cho con thấy rằng chỉ khi con quên đi kĩ thuật thì con mới trở nên hoàn hảo. Giờ đây không cần cung và tên nữa, chúng chỉ dành cho người nghiệp dư.”
Một họa sĩ hoàn hảo chẳng cần bút và vải vẽ, một nhạc sĩ hoàn hảo chẳng cần đàn si-ta1 hay vĩ cầm hay ghi-ta.
1 Một nhạc cụ Ấn Độ.
Tôi tình cờ gặp một nhạc sĩ già, khi đó ông 110 tuổi, bây giờ thì ông ấy chết rồi. Ông ấy có thể tạo ra âm nhạc từ bất cứ cái gì, cái gì cũng được. Ông ấy đi qua hai tảng đá và dùng chúng tạo ra âm nhạc; ông ấy tìm thấy một miếng sắt và bắt đầu dùng nó chơi nhạc, bạn sẽ nghe thấy thứ âm nhạc đẹp đẽ mà bạn chưa từng được nghe. Đây chính là một nhạc sĩ. Ngay cả một cái chạm của ông cũng là âm nhạc. Nếu ông ấy chạm vào bạn, bạn sẽ thấy rằng ông đã chạm vào nhạc cụ thẳm sâu nhất bên trong bạn – đột nhiên bạn bắt đầu rung động.
Khi bất cứ cái gì trở nên hoàn hảo thì phải quên đi nỗ lực đã đổ vào việc học nó, nếu không thì nỗ lực sẽ làm nặng trĩu tâm trí. Cho nên không phải bằng nỗ lực sống thuận theo Đạo mà kiểu người cao nhất đạt tới nó – không. Họ cố gắng thuận theo nó, và dần dần họ bắt đầu hiểu rằng để sống thuận với tự nhiên thì không cần có nỗ lực nào. Giống như nổi trên mặt nước: không ai có thể nổi ngay, đầu tiên bạn phải học bơi. Đừng xuống sông kẻo bạn chết đuối. Một người phải học bơi và khi việc bơi trở nên hoàn hảo, anh ta không cần bơi nữa, anh ta có thể cứ ở giữa sông và nổi; anh ta có thể nằm trên sông như thể nằm trên giường của mình. Giờ đây anh ta đã học cách hòa hợp với dòng sông, giờ đây dòng sông không thể nhấn chìm anh ta, giờ đây anh ta không còn thù hằn với dòng sông. Trên thực tế, anh ta không còn tách rời dòng sông. Người bơi hoàn hảo trở thành một phần của dòng sông; anh ta là một con sóng của dòng sông, anh ta không còn tranh đấu, kháng cự hay làm gì đó. Anh ta hòa hợp dòng sông và cứ thế nổi. Nhưng đừng thử điều này trừ khi bạn đã biết bơi, nếu không, bạn có thể chết đuối đấy.
Người bơi hoàn hảo trở thành một phần của dòng sông; anh ta là một con sóng của dòng sông. Làm sao dòng sông có thể tiêu diệt con sóng?
Điều này cũng xảy ra với Đạo. Bạn nỗ lực để sống đúng với chân lí, và sau đó bạn hiểu ra rằng nỗ lực to lớn của bạn giúp thì ít mà cản trở thì nhiều. Sống thuận là buông bỏ chứ không phải chiến đấu với tự nhiên. Sống thuận với tự nhiên là trở thành một với tự nhiên, không cần phải tranh đấu. Nỗ lực là tranh đấu, nỗ lực nghĩa là bạn đang cố gắng làm gì đó theo ý mình.
Khoa học là nỗ lực, Đạo là phi nỗ lực. Khoa học là bạo lực với tự nhiên. Đó là lí do các nhà khoa học liên tục nói về xung đột và chinh phục. Nó là một cuộc chiến, như thể tự nhiên là kẻ thù mà bạn phải chế ngự. Khoa học có một mối quan hệ chính trị sâu sắc với tự nhiên, một cuộc chiến tranh sâu sắc, một sự thù địch. Đạo hoàn toàn không phải một cuộc chiến; trên thực tế, nó là sự thấu hiểu bạn là một phần của tự nhiên. Làm sao cái bộ phận có thể chiến đấu với cái toàn thể? Nếu cái bộ phận cố gắng chiến đấu với cái toàn thể rồi trở nên tràn ngập lo lắng thì bạn còn gì để trông đợi nữa? Đó là lẽ tự nhiên. Nếu cái bộ phận cố gắng chiến đấu với cái toàn thể, nếu tay của tôi cố gắng chiến đấu với cả thân thể tôi, cái tay sẽ bị bệnh. Sao cái tay có thể chiến đấu với thân thể được? Thân thể cung cấp máu, thân thể cung cấp chất dinh dưỡng, sao nó có thể chiến đấu với thân thể? Cái tay chiến đấu với thân thể là ngu xuẩn.
Con người chiến đấu với tự nhiên là ngu xuẩn. Chúng ta chỉ có thể sống hòa hợp với tự nhiên. Đạo là đầu hàng, khoa học là chiến tranh. Khoa học củng cố bản ngã và toàn bộ vấn đề lại là làm sao để vứt bỏ bản ngã. Không thể vứt bỏ thông qua nỗ lực.
Vậy nên hãy nhớ điều này:
Khi kiểu người cao nhất nghe Đạo, họ nỗ lực sống thuận theo nó.
Đó là lập trường đầu tiên của họ. Ngay khi thấu hiểu, họ lắng nghe, họ cảm nhận, họ nếm trải sự đồng cảm với nó, và họ bắt đầu nỗ lực sống hòa hợp. Nhưng khi họ trưởng thành trong nó, họ bắt đầu hiểu rằng nỗ lực là không cần thiết – đúng hơn là phải không nỗ lực. Cuối cùng, họ vứt bỏ nỗ lực và trở thành một với tự nhiên.
CHIẾC LÁ RƠI VÀ AN ĐỊNH
Nếu lịch sử được chép đúng thì nên có hai loại lịch sử: lịch sử của những “người làm”– Thành Cát Tư Hãn, Tamerlane, Nadir Shah, Alexander, Napoleon Bonaparte, Ivan Khủng Khiếp, Joseph Stalin, Adolf Hitler, Benito Mussolini; đây là những người thuộc thế giới của hành động. Nên có một lịch sử khác, một lịch sử cao hơn, một lịch sử thực sự – của tâm thức con người, của tiến hóa con người: lịch sử của Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Đức Phật, Mahavira, Bồ Đề Đạt Ma; kiểu lịch sử hoàn toàn khác.
Lão Tử chứng ngộ khi đang ngồi dưới một gốc cây. Một chiếc lá bắt đầu rơi – đó là vào mùa thu, và chiếc lá chậm rãi chao liệng trong gió. Ông quan sát chiếc lá. Chiếc lá rơi xuống đất, an định trên mặt đất, và khi ông quan sát chiếc lá rơi rồi an định, có cái gì đó an định trong ông.
Từ khoảnh khắc đó, ông trở thành một “người không làm”. Cơn gió tự đến và hiện hữu tự lo.
Lão Tử sống cùng thời với nhà tư tưởng, nhà đạo đức học, nhà lập pháp vĩ đại Khổng Tử.
Khổng Tử thuộc về thứ lịch sử kia, lịch sử của “người làm”. Khổng Tử có ảnh hưởng to lớn khắp Trung Hoa – và thậm chí vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay.
Trang Tử và Liệt Tử là các đệ tử của Lão Tử. Ba người này đã đạt tới những đỉnh cao nhất nhưng dường như không có ai ấn tượng về họ. Con người thấy ấn tượng khi bạn làm một điều to lớn. Ai mà lại thấy ấn tượng trước người đạt trạng thái không làm gì chứ?
Ai đó hỏi Lão Tử: “Thầy đã đạt tới như thế nào?” Ông trả lời: “Khi ấy ta đang ngồi dưới gốc cây.
Ta đã làm tất cả những gì mà con người có thể làm nhưng ta vẫn vô cùng thất vọng. Nhiều thứ đã xảy đến thông qua quá trình đó, nhưng không phải tất cả; vẫn còn thiếu cái gì đó, và mắt xích còn thiếu này là thứ khó tìm thấy nhất, khó nắm bắt nhất. Thế rồi khi ta ngồi dưới gốc cây thì một chiếc lá, một chiếc lá khô, chậm rãi rơi từ trên cây xuống, bay theo cơn gió. Gió thổi về hướng bắc, chiếc lá bay hướng bắc; rồi gió đổi chiều, bắt đầu thổi về hướng nam, và chiếc lá bắt đầu bay hướng nam. Rồi gió ngừng, và chiếc lá rơi xuống mặt đất mà không một lời phàn nàn, không tranh đấu, không có phương hướng cho riêng mình. Nếu gió thổi về phía nam thì nó bay về phía nam; nếu gió thổi về phía bắc thì nó bay về phía bắc; nếu gió ngừng, nó rơi xuống mặt đất và nghỉ ngơi thanh thản.
Rồi lại có chút gió và nó lại bay cao lên bầu trời – nhưng chẳng có vấn đề gì. Đột nhiên ta hiểu ra. Thông điệp đã đánh trúng đích. Kể từ ngày đó, ta trở thành một chiếc lá khô và mắt xích còn thiếu vốn khó nắm bắt đã không còn khó nắm bắt nữa.” Mắt xích còn thiếu chỉ là: bạn có thể đạt tới nhiều thứ thông qua nỗ lực, nhưng bạn không thể đạt tới Đạo thông qua nỗ lực. Cuối cùng bạn phải từ bỏ nỗ lực – và đột nhiên mọi thứ vừa vặn, bạn hòa hợp. Khi đó bạn không chỉ đường, khi đó bạn không làm đạo diễn; bạn không bảo những cơn gió: Thổi về phương nam đi, vì ta đang trên hành trình về phương nam. Bạn không có điểm đến, định mệnh của cái toàn thể là định mệnh của bạn, bạn không tách rời. Bạn không còn nghĩ trong vai trò một cá nhân, bạn đã trở thành một phần của cái toàn thể và cái toàn thể đi đâu thì bạn đi đó. Nếu cái toàn thể thay đổi ý định của nó thì bạn thay đổi ý định của bạn; nếu cái toàn thể dừng hành trình thì nó thật đẹp; nếu cái toàn thể chạy, bạn chạy cùng nó. Đó là ý nghĩa của “thuận theo”.
Khi không có một chút tâm trí nào của chính mình, khi bạn trở thành vô trí, cái toàn thể sống thông qua bạn, sống cuộc sống của bạn, dịch chuyển thông qua bạn, dịch chuyển bạn. Bây giờ bạn không thở, mà cái toàn thể thở cho bạn. Mọi thứ là ân sủng, phúc lành. Khi đó làm sao bạn có thể căng thẳng được? Lo lắng về điều gì? Tất cả lo lắng tồn tại bởi vì bạn đã mang một định mệnh cá nhân vào tâm trí mình và nó chống lại định mệnh của cái toàn thể – bạn đang di chuyển ngược dòng.
Đây chính là bí mật cho thất bại của bạn – bạn đang di chuyển ngược dòng. Bạn đang lo lắng, căng thẳng, đau đớn, ưu tư, gần như phát điên – bất cứ ai cũng sẽ phát điên nếu họ không ngừng đi ngược dòng bởi vì cuộc chiến đó quá cam go và quá vô nghĩa. Một ngày bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và rồi nó có vẻ như một sự thất vọng, một thất bại. Người thông thái rời bỏ trạng thái ngược dòng vô nghĩa này, anh ta cho phép dòng sông đưa mình đi bất cứ đâu mà nó đến. Nếu nó đến đâu đó, tốt thôi; nếu nó chẳng đến đâu cả, tốt thôi.
Đột nhiên bạn tĩnh tại, im lặng. Chỉ khi đó, chưa từng có, thiền thực sự xảy ra và tất cả nỗ lực bị vứt bỏ. Nhưng trước tiên bạn phải nỗ lực, nếu không bạn sẽ không bao giờ hiểu rằng nó phải bị vứt bỏ.
Khi kiểu người tầm thường nghe Đạo, họ dường như nhận thức mà lại chưa nhận thức được nó.
Một tâm trí tầm thường là vậy – nhận thức được một chút. Thấu hiểu một chút và không thấu hiểu một chút, sáng một chút và tối một chút, bị phân chia. Bị phân chia là tầm thường bởi vì nó làm hao mòn năng lượng của bạn; nó không bao giờ cho phép bạn tràn đầy, tụng ca hiện hữu. Nếu bạn đang cố gắng tạo ra một cuộc chiến giữa tay trái và tay phải của mình, làm sao bạn có thể hạnh phúc được? Cuộc chiến sẽ giết bạn và chẳng đem lại kết quả nào, bởi vì làm sao tay trái thắng hoặc tay phải thắng được? Cả hai tay đều là của bạn.
Mọi kiểu xung đột bên trong đều khiến bạn tầm thường, và những ai dạy bạn phân chia đều là kẻ thù của bạn. Họ nói: “Cái này xấu và cái kia tốt.” Ngay lập tức xuất hiện sự so sánh. Họ nói: “Cái này thấp hơn, cái kia cao hơn.” Ngay lập tức xuất hiện sự so sánh. Họ nói: “Đây là tội lỗi và kia là đức hạnh.” Bạn bị tách ra. Toàn thể nhân loại bị tâm thần phân liệt và mọi người trở nên tầm thường.
Là một là ở trong phúc lạc, so sánh là ở trong khổ sở. Là một là ở trong cõi trời, so sánh là ở trong địa ngục. So sánh càng nhiều, địa ngục càng lớn – và bạn sẽ là một đám đông – không chỉ gồm hai người mà nhiều người. Các nhà tâm lí học nói rằng con người đã trở thành đa nhân cách: Giờ đây một người không có một mà nhiều tâm trí. Trong những vấn đề nhỏ bạn cũng có nhiều tâm trí – ăn cái này hay cái kia, gọi món này hay món kia? Cứ như thể bạn đã mất tất cả khả năng quyết đoán, bởi vì bạn chỉ có thể quyết đoán nếu bạn là một, một thể thống nhất.
Làm sao bạn có thể quyết đoán? Khi một giọng nói thế này, một giọng khác lập tức phủ nhận và nói thế khác; một giọng bảo đi hướng đông, một giọng khác bảo đi hướng tây. Nếu bạn cứ giằng co theo nhiều hướng, cả đời bạn sẽ là một thất bại buồn thảm, một câu chuyện dài của thất vọng và không gì khác – “một câu chuyện mà người kể là một tên ngốc, đầy ồn ào và giận dữ, chẳng có ý nghĩa gì”.
Chỉ có ý nghĩa khi có sự thống nhất bên trong. Kiểu người cao nhất có thể đạt tới sự thống nhất, kiểu người thấp nhất cũng có một kiểu thống nhất nào đó, nhưng những người tầm thường thì ở trong nguy hiểm lớn lao nhất.
Bạn có thể thấy những người thông thái như Đức Phật hay Lão Tử sống trong một sự thống nhất – phúc lạc bao quanh họ, họ di chuyển giữa một cực lạc tinh tế, và nếu bạn nhìn vào họ, bạn có thể thấy họ ngây ngất với điều thiêng liêng. Họ bước trên mặt đất nhưng lại không ở đây. Nhưng đôi khi bạn cũng có thể cảm thấy cùng kiểu rung động này bao quanh một kẻ ngốc. Một sự thơ ngây nào đó bao quanh anh ta – anh ta cười, và bạn có thể thoáng thấy hiền nhân trong kẻ ngốc bởi vì anh ta cũng là một. Anh ta không phải hiền nhân, anh ta chưa đạt tới điều gì, nhưng ít nhất anh ta không bị phân chia.
Hiền nhân đã vượt khỏi tâm trí trong khi kẻ ngốc ở dưới tâm trí. Họ giống nhau ở một điểm, cả hai đều không có tâm trí. Có những khác biệt lớn lao nhưng điểm này thì tương đồng. Nếu bạn không hiểu thì hiền nhân đôi khi có thể trông giống như kẻ ngốc – và đôi khi, trong sự ngu ngốc của mình, bạn có thể thờ phụng một kẻ ngốc như một hiền nhân. Tôi đã gặp nhiều kẻ ngốc được thờ phụng – họ có phẩm chất nào đó, ít nhất họ là một. Họ không có nhiều tâm trí – trên thực tế, họ hoàn toàn chẳng có tâm trí, họ chẳng có suy nghĩ.
VÔ DỤNG
Lão Tử đang đi lang thang cùng các đệ tử. Họ tới một khu rừng có hàng trăm tiều phu đang chặt cây để phục vụ cho việc xây dựng một cung điện lớn. Gần như cả khu rừng đã bị đốn hạ, chỉ còn lại một cây duy nhất đứng đó, một cây lớn có hàng nghìn cành – lớn tới nỗi mười nghìn người có thể ngồi dưới bóng cây. Lão Tử bảo các đệ tử đi hỏi thăm xem tại sao cây này chưa bị đốn trong khi cả khu rừng đã bị chặt và trở thành hoang vu.
Các đệ tử đi hỏi tiều phu: “Sao các ông chưa chặt cây này?”
Những tiều phu đáp: “Cái cây này vô dụng. Chẳng thể làm gì với nó bởi cành nào cũng có quá nhiều đốt. Không có cái gì thẳng. Không thể dùng nó làm cột. Không thể dùng nó làm đồ đạc. Không thể dùng nó làm củi bởi vì khói của nó quá nguy hiểm cho mắt – các ông có thể bị mù. Cái cây này vô dụng.”
Họ quay trở về. Lão Tử cười và nói: “Hãy giống cái cây này. Nếu các anh muốn sống sót trong thế giới như cái cây này, hãy vô dụng hoàn toàn. Thế thì sẽ chẳng ai hại các anh. Nếu các anh thẳng, các anh sẽ bị chặt, các anh sẽ trở thành đồ đạc trong nhà ai đó. Nếu các anh đẹp, các anh sẽ bị bán ngoài chợ, sẽ trở thành hàng hóa. Hãy giống cái cây này, vô dụng tuyệt đối. Thế thì không ai hại các anh. Và các anh sẽ trở nên to, rộng, hàng ngàn người có thể tìm bóng mát bên dưới các anh.”
Tôi đã sống nhiều năm trong một thị trấn. Có một vị thánh nổi tiếng sống gần thị trấn đó và mọi người từ khắp Ấn Độ thường kéo đến gặp ông. Ông ấy hoàn toàn là một kẻ ngốc, nhưng ông có một vẻ đẹp nào đó bao quanh – không âu lo, không rắc rối. Có lẽ ông có vài rắc rối nhưng vì mọi người thờ phụng ông nên ngay cả những rắc rối đó cũng không còn. Mọi người mang thức ăn và mọi thứ khác cho ông nên ngay cả vấn đề sống còn căn bản cũng không vướng bận. Thậm chí họ còn xây một căn nhà đẹp đẽ cho ông ấy.
Tôi có thể trao cho bạn bông hoa, nhưng làm sao có thể trao cho bạn hương thơm được? Bạn phải làm sạch mũi mình và trở nên nhạy cảm hơn.
Lúc này nếu quan sát ông, bạn có thể thấy rằng ông ấy chẳng hiểu điều gì. Tôi đã tới xem người này nhiều lần và tôi đã quan sát ông ấy cặn kẽ. Ông ấy bị tổn thương thần kinh – ông ấy không thể thốt ra nổi một lời – nhưng người ta nghĩ rằng ông ấy đã thề im lặng cả đời. Không có tia sáng nào của nhận thức trong cặp mắt ông ấy, nhưng vẫn có một sự tương đồng. Người ta đã bị đánh lừa nhiều lần. Tất nhiên, những người tội nghiệp này không thể đánh lừa bạn, đó là do chính sự khờ dại của bạn. Bạn bị chính mình đánh lừa. Nhiều lần những linh hồn rất hiếm hoi lại bị cho là ngu si, bởi vì có sự tương đồng với điều xảy ra cho kẻ ngốc.
Kẻ ngốc là một bộ phận, người phi thường là một bộ phận, và rồi có phần ở giữa, người tầm thường, phần đông trong thế giới.
“Phần tầm thường,” Lão Tử nói, “...dường như nhận thức mà lại chưa nhận thức được nó.” Khi bạn nói về chân lí, tâm trí tầm thường hiểu về mặt tri thức nhưng không hiểu toàn bộ. Người đó nói: “Vâng, tôi có thể hiểu những gì anh đang nói nhưng tôi vẫn bỏ lỡ điều gì đó. Ý anh là gì?” Lời đã được lắng nghe, nhưng ý nghĩa thì bị mất. Cho nên người tầm thường có thể hiểu về mặt tri thức – anh ta có thể có học vấn, anh ta có thể có bằng cấp, thậm chí bằng tiến sĩ. Anh ta hiểu bạn đang nói gì bởi vì anh ta hiểu ngôn ngữ, nhưng có cái gì đó bị mất. Anh ta hiểu lời, nhưng lời không phải thông điệp. Thông điệp vốn tinh tế; nó có thể tới cùng lời, nhưng lại không phải là lời.
Lời giống như bông hoa và ý nghĩa thì giống như hương thơm bao quanh nó. Nếu mũi bạn không tốt, tôi có thể trao cho bạn bông hoa nhưng tôi không thể trao cho bạn hương thơm. Nếu tâm trí bạn đang không vận hành toàn bộ, tôi có thể trao cho bạn lời nhưng không thể trao cho bạn ý nghĩa. Ý nghĩa phải được bạn dò tìm ra, giải mã ra. Tôi có thể trao cho bạn bông hoa, nhưng làm sao có thể trao cho bạn hương thơm được? Nếu mũi bạn đang không hoạt động, nếu mũi bạn không nhạy cảm, thì chẳng làm gì được – tôi có thể trao cho bạn một ngàn lẻ một bông hoa, nhưng bạn sẽ không ngửi thấy hương thơm.
Nhiều người tìm đến tôi và bảo: “Những gì thầy nói, chúng tôi hiểu, nhưng chẳng có gì xảy ra. Chúng tôi hiểu mọi thứ thầy nói, chúng tôi đã đọc sách của thầy rất nhiều, rất nhiều lần, chúng tôi gạch chân gần như mọi dòng – nhưng vẫn chẳng có gì xảy ra.”
Tôi có thể trao cho bạn bông hoa, nhưng làm sao có thể trao cho bạn hương thơm được? Bạn phải làm sạch mũi mình và trở nên nhạy cảm hơn. Đó là chỗ thiền có thể giúp ích; nó làm bạn nhạy cảm hơn, tỉnh giác hơn. Nó đẩy bạn tới kiểu người đầu tiên, và dần dần bạn bắt đầu nhạy cảm – không chỉ thấu hiểu mà còn nhạy cảm. Nhạy cảm là cần thiết. Tôi không ngụ ý khuyên bạn trở nên ủy mị. Ủy mị không phải là nhạy cảm, ủy mị là giả tạo. Có những người có thể sụt sùi rơi lệ chẳng vì lí do gì và họ nghĩ họ là kiểu người nhạy cảm. Không phải đâu. Họ chỉ ủy mị thôi.
Nhạy cảm là phẩm chất của người trưởng thành, ủy mị là phẩm chất của người chưa trưởng thành. Người nhạy cảm sẽ làm gì đó, người ủy mị sẽ tạo ra nhiều rắc rối hơn. Chẳng hạn, nếu ai đó bị bệnh hay sắp qua đời, người nhạy cảm sẽ đến bệnh viện và cố gắng giúp người sắp qua đời. Người ủy mị sẽ bắt đầu khóc lóc. Họ sẽ tạo ra nhiều rắc rối hơn cho người sắp qua đời – họ thậm chí sẽ không cho người đó chết trong thinh lặng. Ủy mị là hỗn loạn, nhạy cảm là sự trưởng thành lớn. Khi tôi nói về tình yêu, nếu bạn nhạy cảm thì không chỉ đầu bạn hiểu mà cả tim bạn cũng bắt đầu đập theo một cách khác. Hương thơm đã với tới bạn.
Thiền có thể giúp bạn bằng cách ném ra ngoài tất cả bụi bẩn bạn đã thu thập bên trong mình, tất cả những thứ đang ngăn cản sự nhạy cảm của bạn. Những cánh cửa nhận thức của bạn đầy bụi bặm. Bạn muốn nhìn nhận đúng đắn, nhưng quá nhiều nước mắt bị kìm nén đã không cho phép bạn có một cặp mắt sáng rõ. Bạn muốn ngửi bông hoa nhưng không thể, bởi vì cả xã hội đang bóp nghẹt mũi bạn. Bạn có thể không nhận ra rằng mũi là phần thân thể bị đè nén nhất. Con người gần như đã mất khứu giác hoàn toàn.
Ngựa và chó nhạy cảm hơn con người. Chuyện gì đang xảy ra với mũi bạn? Tại sao nó lại bị liệt?
Có một cơ chế tinh vi hoạt động ở đây bởi vì khứu giác liên quan và kết nối sâu sắc với tình dục. Bạn đã bao giờ nhìn thấy loài vật ngửi lẫn nhau trước khi giao phối? Chúng sẽ không bao giờ giao phối trừ khi chúng ngửi trước, bởi vì thông qua mùi, chúng cảm thấy liệu năng lượng thân thể của chúng có gặp nhau hay không, liệu chúng có hợp nhau hay không. Ngửi là một kiểu ăng ten. Con chó tiến tới và ngửi: Nếu con chó cái hợp với cảm giác hay khứu giác của nó thì nó mới nỗ lực, còn không thì ai đi đường nấy. Nó chẳng lo nghĩ chút nào. Con chó cái đó không dành cho nó và ngược lại.
Khứu giác là giác quan giàu tính dục nhất trong thân thể và khi nền văn minh quyết định đè nén tình dục, một cách tự động nền văn minh cũng quyết định đè nén khứu giác. Mỗi khi người đàn bà muốn làm tình, cô ấy bắt đầu tỏa ra mùi hương tinh tế quanh mình và như thế sẽ thật nguy hiểm trong một thế giới mà tình dục không được chấp nhận. Nếu bạn bước trên phố cùng vợ bạn và khi nhìn vào người đàn ông khác, cô ấy bắt đầu tỏa mùi hương, bạn sẽ biết ngay lập tức! Thế thì vợ bạn không thể đánh lừa bạn, cô ấy không thể chối rằng cô ấy thậm chí còn không nhìn anh kia. Nhưng như bây giờ thì chính vợ bạn cũng không thể biết rằng cơ thể cô ấy đang toát ra một mùi hương nào đó, và cả người đàn ông đột nhiên cô ấy bị hấp dẫn cũng không thể biết. Mũi bạn bị đóng hoàn toàn, bạn không ngửi. Và theo cách đó, mọi thứ ổn định tốt đẹp, không có rắc rối nảy sinh.
Cho nên nếu bạn thực sự muốn ngửi bông hoa – nếu bạn muốn không chỉ đem theo bông hoa mà còn thưởng thức cả hương thơm nữa – thì bạn sẽ phải đạt tới một trạng thái tự nhiên hơn, trạng thái tình dục không bị kìm nén. Nếu không thì sẽ không thể được. Nếu tất cả năm giác quan của bạn đều bị bao phủ bởi bụi bẩn và bị đè nén, chúng sẽ tạo ra một tâm trí tầm thường, bởi vì tâm trí chẳng là gì ngoài một bồn chứa tổng hợp của cả năm giác quan. Khi bạn tầm thường thì bạn có thể tiếp tục trở nên ngày càng uyên bác, nhưng bạn sẽ vẫn là một gã khờ bởi vì bạn không sống thực sự.
Bạn đã bao giờ quan sát hiện tượng các chuyên gia là những người tê liệt nhất mà bạn từng thấy chưa? Giáo sư và học giả là những người “tê liệt” nhất. Họ không thấy, họ không ngửi, họ không nếm – họ gần như chết bởi vì tất cả các giác quan của họ đều chết. Chỉ có đầu họ vận hành, một mình, mà không có sự hỗ trợ của thân thể. Họ sẽ rất hạnh phúc nếu cái đầu có thể vận hành mà không cần thân thể. Thế thì họ có thể tiếp tục những hành trình học thuật mà không gặp rắc rối với thân thể. Không bệnh tật nào quấy rầy họ, không cơn đói nào quấy rầy họ.
Học giả thậm chí không biết đói. Anh ta sống bằng cái đầu. Các học giả luôn luôn là người tầm thường, tầm thường hoàn hảo, và vấn đề của người tầm thường là anh ta hiểu – điều đó đánh lừa anh ta, bởi vì anh ta nghĩ rằng mình hiểu, thế là xong. Anh ta hãy còn chưa hiểu chút gì, anh ta vẫn chưa nhận thức được. Sự hiểu của anh ta chỉ là của cái đầu, không phải của toàn bộ bản thể. Và trừ khi sự hiểu là của toàn bộ bản thể, nếu không, nó hoàn toàn không phải là hiểu. Hiểu về mặt tri thức hoàn toàn không phải là hiểu.
Khi kiểu người thấp nhất nghe Đạo, họ cười phá lên.
Kiểu người thấp nhất nghĩ chân lí, Đạo, là một trò đùa. Họ nông cạn đến mức không cái gì có chiều sâu có thể hấp dẫn họ và tiếng cười là một sự bảo vệ. Người nông cạn cười bởi vì giờ đây bạn thật khôi hài. Họ nhận thức rõ rằng hoàn toàn không có chân lí, chẳng có cái gì gọi là chân lí, nó chỉ là phát minh của những người xảo quyệt để lợi dụng những người khác. Tiếng cười lớn là một sự bảo vệ bởi vì họ cũng sợ hãi, sợ rằng nó có thể tồn tại. Thông qua tiếng cười, họ quét nó đi, ném nó đi. Thông qua tiếng cười, họ thể hiện sự chế nhạo, sự lên án, niềm tin toàn bộ chuyện này là vô nghĩa. Cùng lắm bạn có thể cười vào nó chứ chẳng làm gì khác được. Bạn sẽ bắt gặp kiểu người thấp nhất khắp mọi nơi. Nếu kiểu người thấp nhất gặp một Lão Tử, anh ta sẽ cười: “Người này điên rồi, lại thêm một người nữa lạc khỏi nhân loại và phát điên.”
Nếu kiểu người thấp nhất thấy bạn thiền, anh ta sẽ cười, anh ta sẽ nghĩ rằng bạn dường như có chút lập dị. Bạn đang làm gì vậy? Sao bạn phải lãng phí thời gian? Nếu anh ta có thể cười, anh ta có thể cảm thấy mình thật tốt vì anh ta không điên hay ngu ngốc như người đang thiền này.
Lão Tử nói:
Nếu không bị cười nhạo thì không phải là Đạo.
Lão Tử nói, Nếu kiểu người thứ ba không cười khi nghe về chân lí, nó sẽ không phải chân lí. Vậy đây là dấu hiệu rõ ràng: Mỗi khi chân lí được khẳng định thì kiểu người thấp nhất sẽ cười ngay lập tức. Nó cho thấy hai điều chắc chắn: Một, chân lí đó đã được khẳng định, và hai, kiểu người thứ ba, kiểu người thấp nhất đã nghe về nó. Giữa chân lí và kiểu người thấp nhất là tiếng cười; giữa người tầm thường và chân lí là một kiểu thấu hiểu về mặt tri thức; giữa kiểu người thượng hạng và chân lí là sự thấu hiểu sâu sắc của toàn bộ bản thể – toàn bộ bản thể người đó rung động cùng một cuộc phiêu lưu chưa biết, một cánh cửa được mở vào một thế giới mới.
LÃO TỬ VÀ KHỔNG TỬ
Tương truyền rằng Khổng Tử đến tìm Lão Tử. Lão Tử là một ông già còn Khổng Tử thì trẻ hơn. Lão Tử thì gần như không ai biết còn Khổng Tử thì gần như cả thế giới biết. Các bậc đế vương từng triệu Khổng Tử tới triều đình của họ, các nhà thông thái từng tới xin lời khuyên của ông, ông là người thông thái nhất Trung Hoa thời bấy giờ. Nhưng dần dần ông ấy hẳn cảm thấy rằng mặc dù sự thông thái của ông có thể hữu ích cho những người khác nhưng ông vẫn không có phúc lạc, ông vẫn không đạt tới điều gì. Ông đã trở thành chuyên gia, có thể hữu dụng cho người khác nhưng lại không hữu dụng cho bản thân mình.
Thế là ông ấy bắt đầu bí mật tìm kiếm người có thể giúp mình. Những nhà thông thái bình thường không giúp được, bởi vì họ còn đến tìm ông để xin lời khuyên. Các học giả lớn không giúp được, họ còn tới hỏi ông về vấn đề của họ. Nhưng hẳn phải có ai đó ở đâu đó – cuộc sống vốn bao la. Ông cử đệ tử đi tìm người có thể giúp mình, và họ quay trở về với thông tin là có một người – không ai biết tên ông ta – được gọi là “ông già”.
Lão Tử nghĩa là “ông già”. Đó không phải tên ông, không ai biết tên ông. Ông là người vô danh đến nỗi chẳng ai biết ông sinh ra khi nào hay từ ai, ai là bố mẹ ông. Ông sống chín mươi năm nhưng rất hiếm người gặp ông có được cặp mắt và cách nhìn khác biệt để thấu hiểu được ông. Ông ấy chỉ dành cho những người hiếm hoi nhất mà thôi – một người quá đỗi bình thường nhưng chỉ dành cho những tâm trí con người hiếm hoi nhất.
Nghe tin có một người được gọi là “ông già”, Khổng Tử lên đường đi tìm. Khi ông gặp Lão Tử, ông có thể cảm nhận đây là con người có sự thấu hiểu vĩ đại, có sự toàn vẹn vĩ đại về trí tuệ, có sự nhạy bén vĩ đại về logic – một thiên tài. Ông cảm nhận được rằng có gì đó ở đây mà ông không thể nắm bắt được. Có cái gì đó mơ hồ, bí ẩn; người này không phải người bình thường, mặc dù ông ta trông rất bình thường. Có gì đó bị ẩn giấu, ông ta đang mang theo một kho báu.
Khổng Tử hỏi: “Ông nghĩ sao về đạo đức? Ông nghĩ sao về tu dưỡng nhân cách?” – bởi vì ông ấy là nhà đạo đức học và ông ấy nghĩ nếu bạn tu dưỡng nhân cách thì đó là thành tựu cao nhất.
Lão Tử cười lớn và nói: “Chỉ khi ông không có đạo đức thì câu hỏi về đạo đức mới nảy sinh. Chỉ khi ông không có nhân cách thì ông mới nghĩ về nhân cách. Người có nhân cách hoàn toàn không nghĩ đến việc có thứ gọi là nhân cách. Người có đạo đức không biết từ đạo đức nghĩa là gì. Thế nên đừng có ngốc nghếch! Và đừng cố gắng tu dưỡng. Hãy sống tự nhiên!”
Người này có năng lượng khủng khiếp đến nỗi Khổng Tử bắt đầu run rẩy. Ông ấy không thể kháng cự được người này nên ông ấy bỏ trốn. Ông ấy trở nên sợ hãi, như một người sợ hãi trước vực sâu. Khi ông trở về, những người đệ tử của ông đang đợi bên ngoài dưới một cái cây, họ không thể tin nổi. Khổng Tử đã từng gặp các hoàng đế, các hoàng đế vĩ đại nhất, và họ chưa bao giờ thấy ông hốt hoảng. Bây giờ ông đang run rẩy, mồ hôi lạnh vã ra khắp người. Họ không tin nổi – chuyện gì đã xảy ra? Cái ông Lão Tử đã làm gì sư phụ họ? Họ hỏi ông và ông nói: “Đợi một chút. Hãy để ta hoàn hồn. Con người này thật nguy hiểm.”
Về Lão Tử, ông kể với các đệ tử: “Ta đã nghe về những loài vật to lớn như voi, và ta biết chúng bước đi thế nào. Ta đã nghe về những loài vật ẩn mình dưới biển, và ta biết chúng bơi thế nào. Và ta đã nghe về những loài chim lớn bay hàng ngàn dặm khắp cả Trái Đất, và ta biết chúng bay thế nào. Nhưng người này là một con rồng. Không ai biết ông ta bước đi ra sao. Không ai biết ông ta sống ra sao. Không ai biết ông ta bay ra sao. Đừng bao giờ đến gần ông ta – ông ta giống như vực thẳm. Ông ta giống như cái chết vậy.”
Và đó là định nghĩa về bậc thầy: Bậc thầy giống như cái chết. Nếu bạn đến gần ông ta, quá gần, bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, run rẩy toàn thân. Bạn sẽ ngập tràn một nỗi sợ không tên, như thể bạn sắp chết. Người ta nói rằng Khổng Tử không bao giờ quay lại tìm ông già ấy nữa.