Trang Tử nói:
Dễ là đúng. Bắt đầu đúng và bạn dễ dàng.
Tiếp tục dễ dàng, và bạn đúng.
Cách đúng để đi dễ dàng là quên đi cách đúng và quên đi rằng đi là dễ dàng.
Dễ là đúng. Chưa từng có ai đủ can đảm để nói điều này. Ngược lại, con người làm cho cái “đúng” trở nên khó khăn nhất có thể. Đối với những người đã bị áp đặt theo những truyền thống khác nhau thì sai là dễ còn đúng là khó. Nó cần huấn luyện, nó cần kỉ luật, nó cần trấn áp, nó cần từ bỏ thế giới, nó cần từ bỏ lạc thú...
Dối trá thì dễ, trung thực thì khó – đó là sự áp đặt phổ biến của nhân loại.
Nhưng Trang Tử chắc chắn là người có tri kiến vĩ đại. Ông nói, Dễ là đúng.
Vậy thì tại sao con người phải làm cho cái đúng trở nên khó khăn? Tất cả các vị thánh đã làm cho cái đúng trở nên khó khăn. Có một tâm lí đằng sau việc này: Chỉ khó khăn mới hấp dẫn bản ngã của bạn. Nhiệm vụ càng khó, bản ngã càng cảm thấy bị thách thức.
Leo lên Everest là một việc khó, hàng trăm người đã chết khi leo lên đó trước khi Edmund Hillary1 thành công. Trong cả thế kỉ, hết nhóm này đến nhóm khác đã nỗ lực làm điều này. Và khi Edmund Hillary tới đỉnh, ông chẳng tìm ra điều gì! Tại đỉnh núi chỉ có một khoảng không gian đủ cho một người đứng. Người ta hỏi ông ấy: “Điều gì thúc đẩy ông? Ông đã biết rõ rằng trong nhiều năm đã có hàng tá nhà leo núi mất mạng và thậm chí mất cả xác... sao ông lại phải cố gắng thực hiện dự án nguy hiểm này?”
1 Nhà leo núi người New Zealand. Ngày 29 tháng Năm năm 1953, ông cùng Tenzing Norgay trở thành hai người đầu tiên trèo lên đỉnh Everest và quay về an toàn.
Trạng thái tỉnh thức giống như một con mèo: ngay cả khi ngủ, nó cũng rất cảnh giác.
Ông ấy nói: “Tôi phải thử. Nó làm cái tôi của tôi bị tổn thương. Tôi là một nhà leo núi, tôi thích chinh phục các ngọn núi, và thật xấu hổ khi đỉnh Everest tồn tại mà chưa ai có thể tới đó. Vấn đề không phải là tìm kiếm cái gì hết... Tôi cảm thấy hạnh phúc mênh mang.”
Hạnh phúc này là gì? Bạn không tìm thấy gì cả! Hạnh phúc là bản ngã của bạn trở nên rõ ràng hơn, cứng chắc hơn. Bạn là người đầu tiên trong lịch sử đã leo tới đỉnh Everest, giờ đây không ai có thể chiếm chỗ của bạn. Bất cứ ai tới đó cũng sẽ là thứ hai, thứ ba... nhưng bạn đã ghi dấu ấn của mình vào lịch sử; bạn là người đầu tiên. Bạn chẳng tìm thấy gì ngoại trừ sự nuôi dưỡng sâu sắc cho bản ngã của bạn.
Tất cả các tôn giáo làm cho cái đúng trở nên khó khăn, bởi vì khó khăn thì hấp dẫn – hấp dẫn bản ngã. Nhưng bản ngã không phải chân lí, bản ngã không đúng. Bạn thấy tình thế khó xử không? Bản ngã chỉ bị khó khăn hấp dẫn. Nếu bạn muốn con người trở thành thánh nhân, bạn phải làm cho cái đúng của bạn, chân lí của bạn, kỉ luật của bạn thành rất khó khăn. Nó càng khó, càng hấp dẫn nhiều người vị kỉ, như một viên nam châm.
Nhưng bản ngã không đúng. Nó là điều tồi tệ nhất có thể xảy đến cho một người. Nó không thể trao cho bạn cái đúng, chân lí; nó chỉ có thể làm cho bản ngã của bạn mạnh thêm. Trang Tử đang nói một điều đơn giản nhưng nhiều hàm ý nhất: Dễ là đúng. Bởi vì với cái dễ, bản ngã không bị hấp dẫn. Nếu bạn đang di chuyển về phía cái dễ, bản ngã bắt đầu chết. Khi bản ngã không còn nữa, bạn đã đến được với thực tại của mình – đến cái đúng, đến chân lí.
Chân lí và cái đúng phải tự nhiên. Dễ nghĩa là tự nhiên, bạn có thể tìm thấy cái thật và cái đúng mà không cần bất cứ nỗ lực nào. “Dễ là đúng” nghĩa là tự nhiên là đúng, không nỗ lực là đúng, không bản ngã là đúng.
Bắt đầu đúng và bạn dễ dàng; tiếp tục dễ dàng, và bạn đúng.
Chúng chỉ là hai mặt của cùng một đồng tiền. Nếu bắt đầu sống một cuộc sống đúng mà bạn thấy khó khăn thì hãy nhớ: Như vậy là nó không đúng đâu. Nếu sống đúng mà cuộc sống của bạn trở nên ngày một dễ dàng, ngày một buông bỏ, hòa điệu cùng dòng chảy, thì nó là đúng.
Ngược dòng thì khó, còn xuôi dòng thì không khó. Cho nên hãy chọn những điều dễ dàng nhất trong đời, những điều tự nhiên nhất trong đời, và bạn sẽ đúng; còn nếu bạn muốn bắt đầu con đường khác, hãy nhớ tiêu chuẩn là cái đúng phải tạo ra sự thoải mái và thư giãn trong bạn.
Tiếp tục dễ dàng, và bạn đúng. Đừng quên dù trong một khoảnh khắc rằng khó khăn là thực phẩm cho bản ngã, và bản ngã là rảo cản khiến bạn mù, khiến bạn điếc, khiến trái tim bạn khó mở ra, và khiến bạn không thể yêu thương, nhảy múa, ca hát.
Tiếp tục dễ dàng. Cả cuộc đời bạn nên là một hiện tượng dễ dàng. Như vậy bạn sẽ không tạo ra bản ngã. Bạn sẽ là một bản thể tự nhiên. Cái bình thường là cái phi thường nhất. Những người đang cố gắng trở nên phi thường đã bỏ lỡ điểm mấu chốt. Hãy cứ bình thường, hãy cứ là không ai cả.
Tất cả áp đặt làm bạn biến chất. Chúng nói, dễ dàng là lười biếng, bình thường là đáng xấu hổ. Nếu bạn không cố gắng đạt được quyền lực, uy thế, sự trọng vọng, thì cuộc đời bạn vô nghĩa – ý niệm đó đã bị nhồi nhét vào tâm trí bạn.
Trang Tử, trong phát biểu đơn giản của mình, đang lấy đi tất thảy những điều áp đặt lên bạn. Tiếp tục dễ dàng, và bạn đúng. Đừng bao giờ bị cái khó khăn hấp dẫn, dù chỉ một khoảnh khắc. Nó sẽ biến bạn thành “ai đó” – thủ tướng, tổng thống – nhưng nó sẽ không biến bạn thành thiêng liêng. Dễ dàng là thiêng thiêng.
KHÔNG CÓ CÁCH NÀO CẢ
Người ta kể rằng lần đầu tiên Trang Tử bước vào căn lều của Lão Tử, người mà ông muốn nhận làm thầy, Lão Tử nhìn ông và nói: “Hãy nhớ một điều: Đừng bao giờ hỏi ta làm thế nào để chứng ngộ.” Anh chàng đáng thương đến chính vì mục đích này. Nhưng Lão Tử đã nói rõ: “Chỉ với điều kiện này ta mới chấp nhận anh làm đệ tử.”
Một thoáng im lặng. Trang Tử nghĩ: “Lạ thật. Ta tới để chứng ngộ, đó chính là mục đích của việc trở thành đệ tử. Nhưng ông già này lại đang đòi hỏi một điều thật ngớ ngẩn: Nếu anh muốn làm đệ tử của ta thì hứa với ta rằng anh sẽ không bao giờ hỏi về cách để chứng ngộ.”
Nhưng quá muộn rồi. Ông đã rơi vào tình yêu với ông già. Ông chạm chân ông già và nói: “Con hứa sẽ không bao giờ hỏi cách để chứng ngộ, xin thầy chấp nhận con làm đệ tử.”
Ngay lập tức là một cái tát trời giáng: “Anh là đồ ngốc! Nếu anh không định chứng ngộ thì trở thành đệ tử làm gì? Ta yêu cầu anh hứa như vậy vì ta có thể thấy trong anh trí tuệ đẹp đến độ lẽ ra anh đã ngay lập tức nhận ra lý do của việc ta yêu cầu. Anh chứng ngộ rồi, không có cách nào để chứng ngộ nữa. Không cần thiết. Trên thực tế, ngay cả khi anh muốn thôi chứng ngộ thì cũng chẳng có cách nào cả.”
Tôi từng nghe về một người Mĩ giàu có. Ông ta phấn đấu cả đời để lên đến đỉnh cao và đã đạt tới. Ông đã có mọi thứ. Nhưng ở bên trong ông cảm thấy ngớ ngẩn, bởi vì chẳng có gì ở trên đỉnh cao.
Nếu Edmund Hillary đủ thông minh, ông ta hẳn phải thấy ngớ ngẩn khi đứng trên đỉnh Everest. Sao ông ta phải cố gắng vất vả thế? Người đã bước lên mặt trăng hẳn phải cảm thấy bối rối một chút, mặc dù không ai nhìn thấy mặt anh ta. Người này đã lên tới đỉnh cao về tiền bạc, và ông ta có thể mua bất cứ cái gì tiền có thể mua. Giờ đây ông ta đang cảm thấy ngớ ngẩn.
“Tất cả những chuyện này là để làm gì?” Bên trong ông ta cảm thấy rỗng tuếch. Ông đã không dành thời gian cho sự trưởng thành bên trong mình, thậm chí không dành thời gian để quen với chính mình.
Ông ta vứt bỏ tất cả giàu sang và vội vã đến phương Đông để tìm chân lí, bởi vì gần ba phần tư cuộc đời ông ta đã trôi qua – chỉ còn lại cái đuôi; con voi đã đi qua. Nhưng nếu có thể làm điều gì đó thì vẫn còn một ít ngày. Ông ta vội vã tới hết bậc thầy này đến bậc thầy khác, nhưng không ai có thể làm ông thỏa mãn bởi vì tất cả những gì họ nói đều lại là một chuyến đi khác cho bản ngã, chuyến đi mà ông ta đã quá quen thuộc.
Bạn đang tích lũy tiền bạc hay tích lũy đức hạnh, đang trở nên đáng kính trọng bây giờ hay sau này thì cũng chẳng có gì khác biệt, nó là cùng một trò chơi. Bạn đang trở thành ngôi sao nổi tiếng toàn cầu hay thánh nhân được cả thế giới sùng bái thì cũng không có khác biệt nào hết: Cả hai đều là những chuyến đi của bản ngã.
Tất cả các bậc thầy này đều cố gắng cho ông những kỉ luật khó khăn và những cách thức cam go để tìm ra chân lí; tất cả bọn họ đều nói: “Khó có thể làm được trong kiếp này, nhưng dù sao đi nữa cũng hãy bắt đầu. Trong kiếp sau biết đâu... Hành trình còn dài, đích đến là một vì sao xa xôi.”
Nhưng giờ đây không ai có thể đánh lừa ông ta. Ông ta đã hiểu ra rằng “trở thành người đặc biệt” là một bài tập ngu dại.
Cuối cùng, ông ta nghe nói về một vị thánh sống trên dãy Himalaya. Người ta bảo: “Nếu ông không thỏa mãn với người này thì ông sẽ không bao giờ thỏa mãn với bất cứ ai. Thế thì hãy quên chuyện này đi.”
Thế rồi, mệt mỏi và tả tơi, sau khi đi bộ nhiều dặm đường, cuối cùng ông tìm thấy ông già. Ông hạnh phúc khi gặp ông già, nhưng ông bị sốc. Trước khi ông kịp nói điều gì, ông già hỏi: “Anh là người Mĩ à?”
Ông đáp: “Vâng, đúng vậy.”
Ông già nói: “Rất tốt. Anh có đem theo điếu thuốc lá Mĩ nào không?”
Ông trả lời: “Trời ơi, tôi đang ở đâu? Tôi tới để truy tìm chân lí, tìm kiếm điều đúng...” Ông rút thuốc lá ra và ông già lấy một điếu rồi bắt đầu hút.
Người Mĩ nói: “Ông thậm chí không hỏi tôi tại sao tôi tới đây, mệt mỏi, đói khát...”
Ông già trả lời: “Điều đó không quan trọng.” Người Mĩ nói: “Tôi tới để tìm chân lí!”
Ông già đáp: “Chân lí à? Anh hãy làm điều này – quay về nơi anh rời đi. Và lần sau khi anh tới, hãy mang thật nhiều thuốc lá Mĩ, bởi vì ở nơi này rất khó kiếm thuốc lá. Ta là người dễ tính. Ta không nỗ lực chút nào, mọi người tự họ đến. Nhưng ta thích thuốc lá hảo hạng.”
“Nhưng,” người đàn ông hỏi, “...việc tìm kiếm của tôi thì sao?”
Ông già trả lời: “Việc tìm kiếm của anh? Đây là kỉ luật cho anh: Quay về, mua càng nhiều thuốc lá càng tốt, rồi trở lại và ở đây cùng ta.”
Người đàn ông hỏi: “Có kỉ luật nào không?”
Ông già đáp: “Ta là một lão già bình thường – không kỉ luật, không tôn giáo, không triết lí – ta chỉ thích hút thuốc. Anh tới đây rồi dần dần, chậm rãi, anh cũng sẽ trở nên bình thường giống như ta. Và ta nói cho anh nghe, cứ bình thường, không giả tạo, là đúng.”
Và khi người đàn ông lúng túng chuẩn bị ra về thì ông già nói: “Nghe này, ít nhất hãy để đồng hồ đeo tay của anh lại đây, bởi vì ta không có cái đồng hồ đeo tay nào cho nên ta chẳng bao giờ biết giờ giấc. Đằng nào anh cũng quay về, anh có thể mua cho mình một cái đồng hồ đeo tay khác.”
Trang Tử có lẽ sẽ thích ông già này.
Dễ là đúng. Bắt đầu đúng và bạn dễ dàng. Đó phải là tiêu chuẩn. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái, căng thẳng thì cái bạn đã bắt đầu không thể là đúng.
Tiếp tục dễ dàng, và bạn đúng.
Và không bao giờ được quên phần cuối cùng. Cách đúng để đi dễ dàng là quên đi cách đúng – bởi vì ngay cả việc nhớ nó cũng không dễ. Cách đúng để đi dễ dàng là quên đi cách đúng và quên đi rằng đi là dễ dàng. Cần nhớ những điều này để làm gì?
Thư giãn cho đến khi... trở nên tự nhiên như cây cối và chim chóc. Bạn sẽ không tìm trong đám chim chóc ai là thánh nhân và ai là tội nhân, bạn sẽ không tìm trong đám cây cối ai đức hạnh và ai trụy lạc. Mọi thứ là dễ dàng – dễ dàng đến nỗi bạn không cần nhớ nữa.
Trang Tử là một trong những con người tự nhiên nhất mà thế giới từng thấy. Ông không đưa ra kỷ luật nào, ông không đưa ra học thuyết nào, ông không đưa ra giáo lí nào. Ông chỉ giải thích một điều: Nếu bạn có thể tự nhiên và bình thường, như chim chóc và cây cối, bạn sẽ nở hoa, bạn sẽ sải cánh trên bầu trời rộng lớn.
Bạn không cần phải là thánh nhân. Thánh nhân rất căng thẳng – căng thẳng hơn tội nhân. Tôi đã biết cả hai dạng người, nhưng nếu có lựa chọn, tôi sẽ chọn các tội nhân làm bầu bạn hơn là các vị thánh. Các thánh nhân là bạn tồi nhất bởi vì cặp mắt họ đầy phán xét về mọi thứ: “Bạn nên làm cái này và bạn đừng nên làm cái kia.” Và họ bắt đầu thống trị bạn, kết tội bạn, làm nhục bạn, lăng mạ bạn, bởi vì cái họ đang làm là đúng, và cái bạn đang làm thì không. Họ đã đầu độc bản chất của bạn tồi tệ đến nỗi nếu phải tìm ra tội phạm thực thì chúng sẽ ở trong các thánh nhân chứ không phải trong các tội nhân. Các tội nhân không làm hại gì nhiều cho ai.
Tôi đã thăm các nhà tù, gặp các tội phạm, và tôi đã ngạc nhiên vì họ thường là những người ngây thơ nhất. Có lẽ bởi vì ngây thơ nên họ bị bắt – những kẻ xảo quyệt đang gây những tội ác khủng khiếp hơn, nhưng chúng không bị bắt. Mọi luật đều có lỗ hổng. Những kẻ xảo quyệt tìm ra lỗ hổng trước, những người ngây thơ bị bắt bởi vì họ không có sự gian xảo đó.
Chúng ta đang sống trong một thế giới kì lạ. Tội phạm là người cai trị, tội phạm là chính trị gia, tội phạm trở thành thổng thống, phó tổng thống – bởi vì, ngoài tội phạm ra thì ai muốn quyền lực? Một con người đích thực muốn an bình, yêu thương, muốn được để yên và tự do cho chính mình. Chính ý tưởng thống trị người khác mới là tội ác.
Trang Tử nói đúng: Nếu bạn cảm thấy bất cứ căng thẳng nào, cho dù bạn đang làm gì thì nó cũng không đúng. Và ông là người duy nhất đã đưa ra một tiêu chuẩn đẹp đẽ:
Dễ là đúng.
Bắt đầu đúng và bạn dễ dàng.
Tiếp tục dễ dàng, và bạn đúng.
Cách đúng để đi dễ dàng là quên đi cách đúng và quên rằng việc đi là dễ dàng.
Hãy thư giãn để trở thành không ai cả. Hãy tự nhiên. Trở thành một phần của vũ trụ thư thái này – thư thái tới mức bạn quên tất cả về cái dễ dàng và bạn quên tất cả về cái đúng.
CON RÙA HẠNH PHÚC
Hai sứ giả được hoàng đế cử đến. Trang Tử đang câu cá. Họ đi tới chỗ ông và nói: “Hoàng đế muốn ngài trở thành tể tướng.”
Trang Tử nói: “Các vị có thấy con rùa kia không, đang quẫy đuôi trong bùn đó?”
Họ nói: “Chúng tôi có thấy.”
“Và các vị thấy nó hạnh phúc thế nào chứ?”
Họ đáp: “Hẳn rồi. Nó trông hạnh phúc khôn cùng.”
Và rồi Trang Tử nói: “Ta nghe nói rằng trong cung điện của hoàng đế có một con rùa ba nghìn tuổi, đã chết, được bỏ trong lồng vàng, trang trí bằng kim cương, và được thờ phụng. Nếu các vị yêu cầu con rùa đang quẫy đuôi trong bùn này đổi vị trí, trở thành con rùa trong cung điện kia – chết, nhưng được bỏ trong lồng vàng, trang trí bằng kim cương, và được hoàng đế thờ phụng – thì liệu con rùa này có chấp nhận điều đó không?”
Các sứ giả nói: “Chắc chắn là không. Con rùa này sẽ không chấp nhận.”
Cho nên Trang Tử nói: “Thế tại sao ta nên chấp nhận? Các vị hãy đi đi! Ta đang hạnh phúc quẫy đuôi trong vũng bùn của mình, và ta không muốn tới cung điện của hoàng đế.”