Cuộc sống là biện chứng, và đó là lí do tại sao nó không logic. Logic nghĩa là cái đối lập thực sự là đối lập, còn cuộc sống thì luôn luôn ngụ ý cái đối lập trong chính nó. Trong cuộc sống, cái đối lập không thực sự là cái đối lập, nó là sự bổ sung. Không có nó thì cũng chẳng có gì. Chẳng hạn, sự sống tồn tại nhờ cái chết. Nếu không có cái chết thì không thể có bất cứ sự sống nào. Cái chết không phải kết thúc và cái chết không phải kẻ thù – ngược lại, nhờ cái chết mà có sự sống. Cho nên cái chết không nằm đâu đó ở kết thúc, nó được bao hàm ngay đây và bây giờ. Mỗi khoảnh khắc đều có phần sống và phần chết của nó; nếu không, không thể có sự tồn tại.
Huệ Tử nói với Trang Tử:
“Tất cả giáo huấn của ông đều tập trung vào cái vô dụng.”
Trang Tử trả lời:
“Nếu ông không coi trọng cái vô dụng thì ông không thể bắt đầu nói về cái hữu dụng. Chẳng hạn, mặt đất bao la rộng lớn, nhưng trên cả vùng bao la ấy, một người chỉ dùng vài thước đất mà anh ta ngẫu nhiên đứng vào lúc đó.
Bây giờ giả sử ông đột nhiên lấy đi tất cả phần đất mà anh ta không dùng, thế thì một vực thẳm sẽ mở ra khắp xung quanh chân anh ta, và anh ta đứng trong khoảng không trống rỗng mà không chỗ nào vững chắc ngoại trừ dưới chân anh ta. Liệu anh ta sẽ có thể dùng cái anh ta đang dùng trong bao lâu?”
Huệ Tử nói: “Nó sẽ chẳng còn đáp ứng bất kì mục đích nào.”
Trang Tử kết luận: “Điều này cho thấy sự cần thiết tuyệt đối của cái được cho là vô dụng.”
Có ánh sáng, có bóng tối. Theo logic, chúng là đối lập và logic sẽ nói: Nếu trời sáng thì không thể có chút bóng tối nào, nếu trời tối thì không thể có chút ánh sáng nào. Nhưng cuộc sống nói điều hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống nói, có bóng tối là bởi có ánh sáng, có ánh sáng là bởi có bóng tối. Chúng ta có thể không thể nhìn thấy được cái còn lại khi nó lẩn trốn đâu đó trong góc.
Có im lặng bởi vì có âm thanh. Nếu hoàn toàn không có âm thanh, bạn có thể im lặng hay không? Bạn có thể im lặng như thế nào? Cần cái đối lập làm phông nền. Những người tuân theo logic luôn mắc sai lầm bởi vì cuộc sống của họ trở nên lệch lạc. Họ nghĩ về ánh sáng, rồi họ bắt đầu phủ nhận bóng tối; họ nghĩ về sự sống, rồi họ bắt đầu chống lại cái chết.
Một truyền thống nói rằng Thượng Đế là ánh sáng, và một truyền thống khác nói rằng Thượng Đế là bóng tối. Cả hai đều sai, bởi vì cả hai đều logic; họ phủ nhận cái đối lập. Và cuộc sống quá bao la, nó mang cái đối lập trong chính mình. Cái đối lập không bị phủ nhận, nó được chứa đựng.
Một lần ai đó nói với Walt Whitman, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất từng được sinh ra: “Whitman, anh đang mâu thuẫn với chính mình. Hôm nay anh nói điều này, ngày mai anh lại nói điều ngược lại.”
Walt Whitman cười và nói: “Tôi bao la lắm. Tôi chứa đựng tất cả những mâu thuẫn.”
Chỉ những tâm trí nhỏ bé mới nhất quán, và tâm trí càng chật hẹp thì càng nhất quán. Khi tâm trí rộng bao la, mọi thứ được bao hàm: có ánh sáng, có bóng tối, có Thượng Đế và cả ác quỷ, trong hào quang trọn vẹn của ông.
Nếu bạn hiểu tiến trình bí ẩn này của cuộc sống, tiến trình đi qua những mặt đối lập, tiến trình biện chứng – nơi mặt đối lập giúp ích, giữ cân bằng, thêm sắc thái, tạo phông nền – chỉ khi đó bạn mới có thể hiểu Trang Tử – bởi vì toàn thể tầm nhìn của Đạo dựa trên sự bổ sung của các mặt đối lập.
Hai từ “âm” và “dương” là những mặt đối lập: đàn ông và đàn bà. Hãy thử nghĩ về một thế giới chỉ toàn đàn ông hay một thế giới chỉ toàn đàn bà – nó sẽ chết.
Khoảnh khắc nó sinh ra, nó sẽ chết; không thể có chút sự sống nào trong nó. Nếu nó là một thế giới đàn bà – đàn bà, đàn bà và chỉ đàn bà, không có đàn ông – đàn bà sẽ tự vẫn.
Bất cứ khi nào cái đối lập bị phủ nhận thì đều sẽ có rắc rối. Và đó là điều chúng ta đang làm, cho nên có quá nhiều rắc rối trên thế giới.
Cần cái đối lập bởi vì nó hấp dẫn. Cái đối lập trở thành nam châm hút bạn, cái đối lập kéo bạn ra khỏi chính mình, cái đối lập phá vỡ nhà tù của bạn, cái đối lập làm bạn bao la. Bất cứ khi nào cái đối lập bị phủ nhận thì đều sẽ có rắc rối. Và đó là điều chúng ta đang làm, cho nên có quá nhiều rắc rối trên thế giới.
Đàn ông đã cố gắng tạo ra một xã hội về cơ bản là đàn ông, đó là lí do tại sao có quá nhiều rắc rồi – đàn bà bị từ chối: cô ấy bị ném đi. Trong những thế kỉ trước, người ta không bao giờ nhìn thấy đàn bà ở bất cứ đâu. Cô ấy bị giấu trong những căn buồng sau nhà, thậm chí không được phép ở phòng khách. Bạn không thể gặp được cô ấy trên phố, bạn không thể trông thấy cô ấy ở những cửa hiệu. Cô ấy không phải một phần của cuộc sống. Thế giới trở nên xấu xí bởi vì làm sao bạn phủ nhận cái đối lập được? Thế giới trở nên lệch lạc, mọi cân bằng bị mất. Thế giới đã phát điên.
Trong nhiều thế kỉ, đàn bà vẫn không được phép đi vào cuộc sống; cô ấy chưa thực sự là một phần, một bộ phận sống còn của cuộc sống. Đàn ông tham gia vào những nhóm hướng về đàn ông – những câu lạc bộ chỉ dành cho đàn ông, nơi những cậu thanh niên gặp nhau, những nhóm thị trường, chính trị, khoa học. Mọi nơi đều thiên lệch. Đàn ông thống trị, đó là lí do có quá nhiều khổ sở. Và khi một trong các cực đối lập thống trị, sẽ có khổ sở bởi vì cực còn lại cảm thấy đau đớn và tìm cách trả thù. Cho nên mọi người đàn bà đều trả thù ở nhà. Khi cô ấy không thể ra ngoài, đi vào thế giới và trả thù nhân loại, trả thù loài người, cô ấy trả thù chồng mình. Xung đột không lúc nào chấm dứt.
Tại sao người vợ luôn luôn sống trong xung đột? Không phải tại người đó, nó không phải vấn đề cá nhân. Nó là sự trả thù của đàn bà, của nữ giới, của mặt đối lập bị khước từ. Và người đàn ông trong ngôi nhà, người chồng, là đại diện cho cả thế giới đàn ông, thế giới hướng về đàn ông mà cô ấy đang chiến đấu.
Bằng cách phủ nhận những mặt đối lập, bạn đang mời gọi rắc rối – và trên mọi con đường, mọi cấp độ, mọi chiều hướng, điều này giống nhau.
Trang Tử nói rằng nếu bạn khước từ cái vô ích thì sẽ chẳng có gì hữu ích trên thế giới. Nếu bạn khước từ cái vô ích, cái khôi hài, cái vui vẻ, thì không thể có bất cứ công việc hay nghĩa vụ nào. Điều này khó bởi vì chúng ta luôn nhấn mạnh vào sự hữu dụng.
Nếu ai đó hỏi bạn ngôi nhà gồm có những gì, bạn sẽ trả lời là những bức tường. Và giống như người thầy của mình là Lão Tử, Trang Tử sẽ nói rằng ngôi nhà không chỉ bao gồm những bức tường mà còn bao gồm các cửa ra vào và cửa sổ. Họ nhấn mạnh vào phần kia. Họ nói rằng những bức tường là hữu dụng, nhưng tác dụng của chúng tùy thuộc vào không gian vô dụng đằng sau những bức tường. Căn phòng là khoảng không chứ không phải những bức tường. Tất nhiên, khoảng không thì miễn phí còn tường thì phải mua. Khi bạn mua một ngôi nhà, bạn mua cái gì? Những bức tường, cái hữu hình, cái nhìn thấy được. Nhưng bạn có thể sống trong cái hữu hình hay không? Bạn có thể sống trong những bức tường không? Bạn phải sống trong căn phòng, trong khoảng không để trống.
Vậy thì ngôi nhà thực sự là gì? Cái trống rỗng mà bao quanh là những bức tường. Và cửa là gì? Không có gì cả – “cửa” nghĩa là không có gì cả, không tường, chỉ trống rỗng. Nhưng bạn không thể bước vào nhà nếu không có cửa; nếu không có cửa sổ thì không có mặt trời nào đi vào, không có cơn gió nào thổi qua. Bạn sẽ chết và căn nhà của bạn sẽ trở thành ngôi mộ.
Trang Tử nói: Hãy nhớ rằng ngôi nhà gồm có hai thứ: những bức tường, cái hữu hình – cái có thể mua bán, cái thực dụng – và sự trống rỗng mà những bức tường bao quanh, cái phi thực dụng mà không thể mua, không thể bán, không có giá trị kinh tế. Làm sao bạn có thể bán sự trống rỗng? Nhưng bạn phải sống trong cái trống rỗng – nếu một người cố gắng chỉ sống trong những bức tường, anh ta sẽ phát điên; không thể làm thế được. Nhưng chúng ta cứ cố gắng làm điều không thể. Trong cuộc sống, chúng ta đã chọn cái thực dụng.
Chẳng hạn, một đứa bé đang chơi và bạn nói: “Thôi đi! Con đang làm gì thế? Việc này vô dụng. Làm gì đó hữu dụng đi. Đọc hay ít nhất là làm bài tập về nhà, làm việc gì có ích đi. Đừng lang thang quẩn quanh nữa, đừng lêu lổng nữa.” Nếu bạn tiếp tục khăng khăng điều này với một đứa trẻ, dần dần bạn sẽ giết chết cái vô dụng – khi đó đứa trẻ sẽ chỉ trở thành hữu dụng, và khi một người chỉ hữu dụng thì sẽ chết. Bạn có thể sử dụng anh ta, anh ta bây giờ là một thứ máy móc – một thứ phương tiện, không còn là chính mình nữa.
Bạn thực sự là chính mình khi bạn làm một điều vô dụng – vẽ tranh nhưng không để bán mà chỉ để vui; làm vườn, chỉ để vui; nằm trên bãi biển, chẳng làm gì, chỉ để vui. Hay đùa giỡn vô thưởng vô phạt, ngồi im lặng bên một người bạn.
Có nhiều việc khác có thể làm được trong những khoảnh khắc này. Bạn có thể đi mua sắm hay đi chợ, bạn có thể kiếm chút tiền. Bạn có thể biến thời gian thành tiền bạc. Bạn có thể làm tăng số dư trong tài khoản ngân hàng của mình, bởi vì những khoảnh khắc này sẽ không quay trở lại. Đối với những người coi thời gian là tiền bạc, họ chỉ biết một công dụng của thời gian: chuyển đổi nó thành càng nhiều tiền càng tốt. Cuối cùng, bạn chết với một số dư lớn trong tài khoản ngân hàng, nhưng ở bên trong bạn vẫn nghèo khổ, bởi vì sự giàu có bên trong chỉ xuất hiện khi bạn có thể tận hưởng cái vô dụng.
Thiền là gì? Người ta hỏi: “Công dụng của nó là gì? Chúng tôi sẽ được gì từ nó? Lợi ích của nó là gì?” Thiền... và bạn hỏi về lợi ích ư? Bạn không thể hiểu nó bởi vì thiền là vô dụng. Khoảnh khắc tôi nói “vô dụng”, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái bởi vì toàn bộ tâm trí bạn đã trở nên thực dụng đến mức bạn luôn luôn đòi hỏi kết quả. Bạn không thể chấp nhận rằng có điều gì đó tự nó đã có thể là một niềm vui thú.
Vô dụng nghĩa là bạn tận hưởng nó mà không có lợi ích nào, bạn hòa hợp sâu sắc trong nó và nó cho bạn phúc lạc. Nhưng khi bạn đang ở sâu trong nó, bạn không thể tích lũy phúc lạc đó, bạn không thể chất nó thành một kho tàng.
Trên thế giới có hai kiểu người: người thực dụng, đó là những nhà khoa học, kĩ sư, bác sĩ; và nhánh kia, kiểu người bổ sung, đó là các nhà thơ và kẻ lang thang – vô dụng, không làm gì hữu dụng. Nhưng họ cung cấp sự cân bằng, họ đem sự duyên dáng tới cho thế giới. Hãy nghĩ về một thế giới toàn các nhà khoa học mà không có lấy một nhà thơ – nó sẽ xấu xí xiết bao.
Khi thế giới trở nên quá thực dụng, bạn tạo ra nhiều thứ, bạn sở hữu nhiều thứ, bạn ám ảnh với mọi thứ – nhưng cái bên trong bị mất, bởi vì cái bên trong chỉ có thể nở hoa khi không có căng thẳng bên ngoài, khi bạn không đi đâu cả, khi bạn chỉ nghỉ ngơi. Khi đó cái bên trong nở hoa. Những điều vĩ đại nhất luôn luôn xảy đến khi bạn chẳng làm gì cả. Khi bạn làm gì đó, chỉ có những điều tầm thường xảy đến.
Soren Kierkegaard, triết gia người Đan Mạch, đã viết vài điều rất thấm thía. Ông nói: “Khi tôi bắt đầu cầu nguyện, tôi sẽ đi đến nhà thờ và nói với Thượng Đế...” Đó là điều mọi người theo đạo Thiên Chúa đều đang làm trên khắp thế giới. Họ nói to với Thượng Đế, như thể Thượng Đế chết rồi. Và như thể Thượng Đế chỉ là một thực thể ngu xuẩn, họ khuyên ông nên làm gì và không làm gì. Hoặc, như thể Thượng Đế chỉ là một quốc vương ngu xuẩn, họ thuyết phục và hối lộ ông ta để thỏa mãn những khao khát của mình.
Nhưng Kierkegaard nói: “Tôi bắt đầu nói, thế rồi đột nhiên tôi nhận ra rằng điều này vô dụng. Làm sao tôi có thể nói với Thượng Đế được? Phải im lặng. Có gì để nói đây? Tôi có thể nói gì để giúp Thượng Đế biết nhiều hơn? Ngài là toàn năng, toàn trí, ngài biết tất cả, vậy thì tôi kể cho ngài nghe nhằm mục đích gì?”
Và Kierkegaard nói: “Tôi đã nói với ngài ấy suốt nhiều năm, rồi đột nhiên tôi nhận ra như vậy thật ngu xuẩn. Thế là tôi không nói nữa, tôi trở nên im lặng. Thế rồi sau nhiều năm tôi nhận ra rằng thậm chí im lặng cũng không tác dụng. Như vậy bước thứ ba được tiến hành, và đó là lắng nghe. Đầu tiên tôi nói, sau đó tôi không nói, và rồi tôi lắng nghe.”
Lắng nghe khác với im lặng, bởi vì im lặng là một việc tiêu cực – lắng nghe là một việc tích cực. Im lặng là thụ động, trong khi lắng nghe là một sự thụ động tỉnh táo: chờ đợi điều gì đó, không nói gì, nhưng chờ đợi với cả bản thể. Lắng nghe có một mãnh lực. Và Kierkegaard nói: “Khi việc lắng nghe này xảy ra thì lần đầu tiên lời cầu nguyện xảy ra.”
Nhưng dường như lắng nghe hoàn toàn vô ích, đặc biệt là lắng nghe cái không biết; bạn không biết nó ở đâu. Im lặng là vô ích, nói dường như hữu ích. Nói có thể làm được điều gì đó; bằng việc nói, bạn làm được nhiều điều trên thế giới. Cho nên bạn nghĩ rằng nếu muốn trở nên có tôn giáo, bạn cũng sẽ phải làm gì đó.
Nhưng Trang Tử nói: Tôn giáo chỉ bắt đầu khi bạn thấu hiểu sự phù phiếm của tất cả những việc làm, và bạn di chuyển sang cực đối lập, đó là không làm, không hoạt động, thụ động, và vô dụng.
Trang Tử và sư phụ Lão Tử của ông luôn luôn nói về cái vô dụng, họ thậm chí còn tán dương những người vô dụng.
Trang Tử kể về một người đàn ông, một anh gù. Tất cả trai tráng trong thị trấn đã bị cưỡng ép vào quân ngũ bởi vì họ hữu dụng. Duy chỉ có người này, gù lưng, vô dụng, thì bị bỏ lại. Trang Tử nói: Hãy giống như anh gù, vô dụng đến mức bạn không bị tàn sát trong chiến trận.
Họ ca ngợi cái vô dụng bởi vì họ nói rằng cái hữu dụng sẽ luôn luôn gặp khó khăn. Thế giới sẽ sử dụng bạn; mọi người sẵn sàng sử dụng bạn, thao túng bạn và điều khiển bạn. Nếu bạn vô dụng, chẳng ai nhìn vào bạn; người ta sẽ quên bạn luôn. Họ sẽ để yên cho bạn sống trong im lặng, họ sẽ không bận tâm đến bạn. Họ không nhận biết bạn tồn tại.
CÁI BÓNG LỪA
Chuyện kể rằng một buổi tối Trang Tử đang nói với các đệ tử và nhiều người trong số họ đã nhanh chóng ngủ gục, đệ tử vốn là thế mà. Lúc đó hẳn là đã muộn và họ mệt mỏi. Trang Tử thì đang nói những điều khó, vượt quá khả năng của họ. Khi điều gì đó vượt quá khả năng của bạn, dường như nghỉ ngơi và ngủ thì tốt hơn là bận tâm đến nó.
Đột nhiên Trang Tử nhận ra nhiều đệ tử đã ngủ gà ngủ gật và như thế thì thật vô dụng. Vài người thậm chí còn ngáy và làm phiền ông. Ông bèn kể một chuyện ngụ ngôn. Ông nói: “Một lần, một người có một con lừa và anh ta đang hành hương đến một nơi linh thiêng nào đó. Nhưng anh ta rất nghèo khổ, và đến lúc anh ta đói. Tiền đã cạn cho nên anh ta bán con lừa mình cưỡi cho một lữ khách khác, một người giàu. Nhưng buổi chiều hôm sau, khi mặt trời thiêu đốt, người chủ đầu tiên nghỉ ngơi dưới cái bóng bên cạnh con lừa.
Người chủ thứ hai nói: ‘Thế này không hay đâu. Anh đã bán con lừa cho tôi rồi.’
Người chủ đầu tiên nói: ‘Tôi đã bán con lừa chứ không phải cái bóng.’”
Mọi người trở nên tỉnh táo – đột nhiên không ai ngủ nữa, không ai ngáy nữa. Khi bạn kể về những con lừa thì những con lừa nghe thấy ngay lập tức! Trang Tử nói: “Bây giờ ta trở lại vấn đề...”
Nhưng tất cả đệ tử nói: “Khoan đã! Xin thầy kể nốt câu chuyện ạ.” Giờ đây mọi người rộn lên phấn khích: “Chuyện gì xảy ra ạ? Sau đó chuyện gì xảy ra thưa thầy?”
Trang Tử nói: “Nó là một ngụ ngôn, không phải một câu chuyện. Các con đang quan tâm đến lừa hơn ta đấy.” Trang Tử để ngỏ câu chuyện ở đấy, ông không bao giờ kể hết. Không cần phải kể hết, nó chỉ nhằm biểu lộ rằng tâm trí con người quan tâm đến những điều ngu ngốc hơn là những giá trị cao hơn; nó quan tâm nhiều hơn tới những thứ ngu xuẩn.
Chuyện này đã xảy đến với tôi. Tôi là một người vô dụng. Vào những ngày thơ ấu, tôi ngồi bên cạnh mẹ. Bà nhìn xung quanh và nói: “Ta muốn nhờ ai đó ra chợ mua rau, nhưng chẳng có ai để nhờ” – mà tôi thì ngồi ngay cạnh bà! Bà sẽ nói: “Ta không thấy ai quanh đây”, và tôi sẽ cười thầm – bà không thể nhờ tôi đi chợ – tôi vô dụng đến nỗi bà không nhận ra rằng tôi ở đấy.
Có lần cô tôi đến ở nhà tôi, và cô không biết sự vô dụng của tôi. Mẹ tôi lại nói: “Không có ai đi chợ cả. Tất cả lũ trẻ đã ra ngoài còn người giúp việc thì ốm, thế thì tôi phải làm sao? Phải có người đi chợ.”
Cô tôi nói: “Sao không nhờ Raja? Nó đang ngồi đây, có làm gì đâu.”
Thế là tôi được sai đi. Tôi bảo người bán rong ngoài chợ: “Cho cháu rau ngon nhất, chuối ngon nhất, xoài ngon nhất mà bác có.” Nhìn tôi và nghe cách mà tôi nói chuyện, ông ấy hẳn nghĩ tôi là một đứa khờ, bởi vì chẳng ai bao giờ lại đi hỏi thứ ngon nhất. Thế là ông lấy đắt gấp đôi rồi đưa tôi tất cả số rau hỏng mà ông có, và tôi hớn hở ra về.
Mẹ tôi quăng chúng đi và nói: “Xem đi! Thế nên tôi mới nói không có ai ở đây.”
Trang Tử nhấn mạnh: Hãy cảnh giác và đừng quá hữu dụng, nếu không người ta sẽ bóc lột bạn. Rồi họ sẽ bắt đầu quản lý bạn và bạn sẽ gặp rắc rồi. Nếu bạn có thể sản xuất gì đó, họ sẽ ép bạn sản xuất cả đời. Nếu bạn có thể làm một việc gì đó, nếu bạn lành nghề, thì người ta không thể lãng phí bạn được.
Ông nói rằng sự vô dụng có ích lợi nội tại của riêng nó. Nếu bạn có thể hữu dụng cho những người khác thì bạn phải sống cho họ. Vô dụng, chẳng ai nhìn vào bạn, chẳng ai chú ý tới bạn; chẳng ai quan tâm đến sự hiện diện của bạn. Bạn được để yên một mình. Bạn có thể sống ở nơi đông đúc như thể đang sống trên dãy Himalaya. Trong cảnh cô độc đó bạn lớn lên. Toàn thể năng lượng của bạn có thể di chuyển vào trong.
Trang Tử nói: “Nếu ông không coi trọng cái vô dụng thì ông không thể bắt đầu nói về cái hữu dụng.” Cái vô dụng là một phương diện khác của cái hữu dụng. Bạn có thể nói về cái hữu dụng chỉ bởi có cái vô dụng. Nó là một phần thiết yếu. Nếu bạn vứt bỏ nó hoàn toàn, thì sẽ chẳng có gì hữu dụng nữa. Có những thứ là hữu dụng bởi vì có những thứ khác là vô dụng.
Nhưng chuyện này xảy ra với rất nhiều người trên thế giới. Chúng ta cắt bỏ tất cả những hoạt động vui chơi vì nghĩ rằng như thế toàn thể năng lượng của chúng ta sẽ chuyển vào công việc. Nhưng bây giờ công việc đã trở nên chán ngắt.
Bạn phải di chuyển đến cực đối lập – chỉ thế thì bạn mới được “hồi xuân”. Suốt cả ngày bạn thức và vào buổi đêm bạn ngủ. Nhưng ngủ để làm gì? Nó chỉ làm lãng phí thời gian – và thời gian đó không ít. Nếu bạn sống được 90 năm thì bạn sẽ dành 30 năm để ngủ, tám giờ mỗi ngày, một phần ba ngày. Vậy ngủ để làm gì?
Nhưng sau cả ngày làm việc, khi ngủ, bạn di chuyển từ cái hữu dụng tới cái vô dụng. Và đó là lí do buổi sáng bạn cảm thấy tươi mới thế, sống động thế, nhẹ nhõm thế. Đôi chân bạn có thể nhảy múa, tâm trí bạn có thể hát, trái tim bạn có thể lại rung động – tất cả bụi bặm được gột đi, tấm gương lại trong một lần nữa. Vào buổi sáng bạn có sự trong trẻo. Nó tới như thế nào? Nó tới thông qua cái vô dụng.
Đó là lí do tại sao thiền có thể cho bạn những thoáng nhìn lớn lao nhất, bởi vì nó là thứ vô dụng nhất trên thế giới. Bạn không làm gì cả – bạn chỉ đi vào trong im lặng. Nó lớn lao hơn ngủ, bởi vì trong giấc ngủ bạn không ý thức và cái gì xảy ra đều xảy ra một cách vô thức. Bạn có thể ở thiên đường nhưng mà không hề biết. Trong thiền bạn di chuyển có chủ ý. Bạn nhận biết được con đường: làm sao để di chuyển từ thế giới hữu dụng bên ngoài đến thế giới vô dụng bên trong. Khi bạn biết con đường, bất cứ khoảnh khắc nào bạn cũng có thể di chuyển vào trong. Ngồi trên xe buýt, bạn chẳng cần làm gì cả; ngồi trên ô tô hay trên tàu hay máy bay, bạn chẳng làm gì hết. Mọi thứ được người khác làm, bạn có thể nhắm mắt lại và di chuyển vào cái vô dụng, cái bên trong. Đột nhiên mọi thứ trở nên im lặng, đột nhiên mọi thứ trở nên mát mẻ, và đột nhiên bạn ở cội nguồn của tất cả sự sống.
Thiền không có giá trị trên thị trường. Bạn không bán nó được, bạn không thể nói: “Tôi có thiền cực tốt đây? Ai sẵn sàng mua không?” Sẽ chẳng có ai mua. Nó không phải hàng tiêu dùng, nó vô dụng.
Trang Tử nói:
“Nếu ông không coi trọng cái vô dụng thì ông không thể bắt đầu nói về cái hữu dụng. Chẳng hạn, mặt đất bao la rộng lớn, nhưng trên cả vùng bao la ấy, một người chỉ dùng vài thước đất mà anh ta ngẫu nhiên đứng vào lúc đó. Bây giờ giả sử ông đột nhiên lấy đi tất cả phần đất mà anh ta không dùng, thế thì một vực thẳm sẽ mở ra khắp xung quanh chân anh ta, và anh ta đứng trong khoảng không trống rỗng mà không chỗ nào vững chắc ngoại trừ dưới chân anh ta. Liệu anh ta sẽ có thể dùng cái anh ta đang dùng trong bao lâu?”
Đây là một ẩn dụ đẹp. Bạn đang ngồi trên ghế, và bạn chỉ đang sử dụng một không gian nhỏ giữa hai cặp chân ghế. Bạn không dùng cả mặt đất, phần còn lại của mặt đất là vô dụng. Trang Tử nói, nếu cả mặt đất bị lấy đi thì sẽ chỉ còn lại hai cặp chân ghế cho bạn. Giả sử bạn đang đứng và mỗi bàn chân chỉ nằm trên vài xăng-ti-mét đất – chỉ chừng đó được để lại, phần còn lại của mặt đất bị lấy đi – thì liệu bạn có thể dùng phần nhỏ này trong bao lâu?
Một hố sâu, một vực thẳm vô tận sẽ mở ra xung quanh bạn – bạn sẽ choáng váng ngay lập tức và bạn sẽ rơi xuống vực thẳm đó. Mặt đất vô dụng hỗ trợ cho cái hữu dụng – và trong khi cái vô dụng thì bao la, cái hữu dụng rất nhỏ bé. Điều này đúng trên mọi cấp độ của hiện hữu: Cái vô dụng thì bao la còn cái hữu dụng rất nhỏ bé. Nếu bạn chỉ cố gắng giữ cái hữu dụng và bỏ quên cái vô dụng, sớm hay muộn bạn cũng sẽ bị choáng váng. Và điều này đã xảy ra rồi, bạn đã choáng váng và đang ngã vào vực thẳm.
Trên khắp thế giới, những người duy lí có một vấn đề: Cuộc sống dường như vô nghĩa. Hãy hỏi Sartre, Marcel, Jaspers, Heidegger1 – họ đều nói cuộc sống là vô nghĩa. Sao cuộc sống lại trở nên vô nghĩa đến thế? Nó đã từng không như thế. Đức Phật không bao giờ nói vậy; Krishna có thể nhảy múa, ca hát, tận hưởng bản thân mình; Mohammed2 có thể cầu nguyện và cảm ơn Thượng Đế vì đã ban phước cho cuộc sống. Trang Tử luôn hạnh phúc, hạnh phúc ở mức tối đa đối với một con người. Những người này không bao giờ nói rằng cuộc sống vô nghĩa. Chuyện gì đã xảy ra với tâm trí hiện đại? Tại sao cuộc sống dường như vô nghĩa thế?
1 Tên các triết gia nổi tiếng.
2 Nhà tiên tri sáng lập Hồi giáo.
Cả mặt đất đã bị lấy mất và bạn chỉ còn lại duy nhất phần mà bạn đang ngồi hoặc đứng trên đó. Bạn bị choáng váng. Khắp xung quanh, bạn thấy vực thẳm và hiểm nguy. Bây giờ bạn không thể sử dụng mặt đất mà bạn đang đứng, bởi vì bạn chỉ có thể sử dụng nó khi cái vô dụng được nối vào nó. Cái vô dụng phải ở đó.
Nghĩa là sao? Cuộc sống của bạn đã trở thành chỉ có công việc và không có vui chơi. Vui chơi là cái vô dụng, cái bao la; công việc là cái hữu dụng, cái vụn vặt, cái nhỏ bé. Bạn đã lấp đầy cuộc sống của mình bằng công việc. Mỗi khi bạn bắt đầu làm gì đó, điều đầu tiên nảy ra trong đầu bạn là, lợi ích của nó là gì? Nếu có lợi ích nào đó thì bạn mới làm.
Sartre đặt bối cảnh một trong những câu chuyện của mình ở thế kỉ XXI. Một người rất giàu nói: “Tình yêu không dành cho tôi, nó chỉ dành cho người nghèo khổ. Việc gì có liên quan đến tôi thì người hầu của tôi có thể làm.”
Dĩ nhiên, tại sao Henry Ford1 phải phí thời gian làm tình với một phụ nữ? Một người hầu rẻ mạt có thể làm điều đó, thời gian của Ford đáng giá hơn nhiều. Ông ta nên dành nó cho những lợi ích to lớn hơn.
1 Người sáng lập Ford Motor. Một trong những người giàu nhất lịch sử nhân loại.
Có thể thế đấy! Nhìn vào tâm trí con người mà xem, có thể trong tương lai chỉ có người hầu mới làm tình. Khi bạn có thể giao việc cho một người hầu, tại sao bạn lại phải làm? Khi mọi thứ đều được xem xét dưới góc độ kinh tế, khi một Ford hay một Rockerfeller2 có thể sử dụng thời gian của họ hữu ích hơn nhiều, tại sao họ nên phí thì giờ với một người đàn bà? Họ có thể cử một người hầu, như thế sẽ ít rắc rối hơn.
2 Người sáng lập Standard Oil, được coi là “Vua dầu mỏ”. Một trong những người giàu nhất lịch sử nhân loại.
Cuộc sống dường như vô nghĩa bởi vì ý nghĩa nảy sinh trong sự cân bằng giữa cái hữu dụng và cái vô dụng.
Có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nó đã xảy ra trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Bạn không phải là người tham gia tích cực vào các trò vui, người khác làm thay bạn. Bạn đi xem một trận bóng đá: Những người khác chơi và bạn chỉ xem. Bạn là một khán giả thụ động, không tham gia. Bạn đi đến rạp chiếu bóng và xem người khác làm tình, gây chiến tranh, bạo lực, mọi thứ, trong khi bạn chỉ là một khán giả ngồi trên ghế. Nó vô dụng đến nỗi bạn không cần phải bận tâm làm nó. Người khác có thể làm, bạn chỉ cần xem. Bạn làm việc – còn vui chơi người khác làm cho bạn.
Cuộc sống dường như vô nghĩa bởi vì ý nghĩa nảy sinh trong sự cân bằng giữa cái hữu dụng và cái vô dụng. Bạn đã phủ nhận hoàn toàn cái vô dụng. Bạn đã đóng cửa lại. Giờ đây chỉ còn cái hữu dụng, và bạn bị nó đè nặng. Dấu hiệu của thành công là vào độ tuổi 40 bạn có những khối u. Nếu bây giờ bạn ở độ tuổi 50 và những khối u chưa xuất hiện, bạn hẳn là một kẻ thất bại. Bạn đã làm gì cả đời vậy? Bạn hẳn đã lãng phí thời gian. Trong 50 năm bạn lẽ ra nên có cơn đau tim đầu tiên. Và đến tuổi 60 người thành công thực sự qua đời – và anh ta chưa bao giờ sống. Không có thì giờ để sống. Anh ta có quá nhiều thứ quan trọng hơn để làm, chẳng có thời gian để mà sống.
Nhìn khắp xung quanh bạn đi, nhìn vào những người thành công đi – chính trị gia, người giàu, tài phiệt – chuyện gì đang xảy ra với họ? Đừng nhìn vào những thứ họ sở hữu, hãy nhìn thẳng vào họ, bởi vì nếu bạn nhìn vào những thứ kia bạn sẽ bị đánh lừa. Đồ vật không có khối u, xe hơi không bị đau tim, và nhà cửa thì không phải nhập viện. Hãy nhìn vào con người trần trụi, tước bỏ hết tài sản của họ đi; nhìn thẳng vào họ, và rồi bạn sẽ cảm thấy sự nghèo nàn của họ. Khi đó, thậm chí một người ăn mày cũng có thể là một người giàu, khi đó thậm chí một người nghèo khổ cũng có thể giàu có hơn về sức sống.
Thành công là thất bại, và không gì thất bại như thành công, bởi vì người thành công đang đánh mất cuộc sống – đánh mất mọi thứ. Người thành công sẵn sàng mặc cả, ném đi cái thật vì cái không thật, ném đi những viên kim cương bên trong vì những viên sỏi màu sắc trên bờ biển, thu thập sỏi và đánh mất kim cương. Nhưng bởi vì bạn nhìn với cặp mắt của tham vọng, bạn nhìn vào của cải. Bạn không bao giờ nhìn vào chính trị gia; bạn chỉ nhìn vào chức vụ, vào vai trò tổng thống. Bạn nhìn vào quyền lực. Bạn không bao giờ nhìn vào người đang ngồi đó, hoàn toàn bất lực, bỏ lỡ mọi thứ, thậm chí không biết một chút gì về phúc lạc. Ông ta mua quyền lực, nhưng khi làm thế, ông ta đánh mất chính mình. Cái tôi bên trong bị đánh đổi để lấy những tài sản phù phiếm. Bạn đánh lừa người khác, nhưng làm sao bạn có thể đánh lừa bản thân mình? Đến cuối cùng bạn sẽ nhìn vào cuộc đời mình và bạn sẽ thấy rằng bạn đã bỏ lỡ nó vì cái hữu dụng.
Phải có cái vô dụng. Cái hữu dụng giống như một khu vườn: ngăn nắp, sạch sẽ. Cái vô dụng giống như một khu rừng rộng lớn: Nó không thể gọn gàng và sạch sẽ. Tự nhiên có vẻ đẹp riêng và khi mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ thì nó đã chết rồi. Một khu vườn không thể sống động, bởi vì bạn cắt tỉa, trông nom nó. Một khu rừng rộng lớn có sức sống, có linh hồn mạnh mẽ. Đi vào trong một khu rừng, bạn sẽ cảm thấy sự tác động; lạc trong một khu rừng, bạn sẽ thấy sức mạnh của nó. Trong một khu vườn, bạn không thể cảm thấy sức mạnh; nó không có đó, bởi vì khu vườn được con người làm ra. Nó đẹp, nhưng được vun trồng, chăm sóc, uốn nắn.
Khu vườn là thứ giả tạo – khu rừng mới là thật. Cái vô dụng giống như khu rừng bao la và cái hữu dụng giống như khu vườn mà bạn tạo ra quanh nhà. Đừng xâm phạm vào rừng. Hãy để khu vườn của bạn là một phần của khu rừng rộng lớn vốn không phải vườn của bạn mà là vườn của tự nhiên.
Trang Tử nhấn mạnh vào cái vô dụng nhiều thế bởi vì bạn đã quá chú trọng cái hữu dụng. Cần sự nhấn mạnh đó để đem đến cân bằng cho bạn. Bạn đã đi sang trái quá nhiều, bạn phải được kéo về bên phải.
Nhưng hãy nhớ rằng, sự nhấn mạnh quá mức này có thể khiến bạn dễ dàng dịch chuyển sang thái cực bên kia. Và điều đó đã xảy ra với nhiều môn đệ của Trang Tử. Họ trở nên nghiện cái vô dụng và bỏ lỡ điểm mấu chốt. Trang Tử nhấn mạnh cái vô dụng chỉ vì bạn đã nghiện cái hữu dụng. Nhưng do tâm trí có thể dịch chuyển sang cực đối lập mà vẫn không có gì thay đổi nên tôi phải nhắc nhở bạn rằng, cái thực là sự siêu việt. Bạn phải đi tới một điểm mà bạn có thể sử dụng cả cái hữu dụng lẫn cái vô dụng, cái có mục đích và cái vô mục đích. Khi bạn đã vượt qua cả hai thì cả hai đều phục vụ bạn.
Một người thực sự, một người hoàn hảo, một người có Đạo thì không có chứng nghiện. Anh ta có thể dễ dàng di chuyển từ thái cực này sang thái cực kia bởi vì anh ta luôn ở giữa. Anh ta sử dụng cả đôi cánh.
Không nên hiểu lầm Trang Tử, đó là lí do tại sao tôi nói điều này. Những người như Trang Tử nguy hiểm bởi vì bạn có thể hiểu nhầm họ, và khả năng hiểu nhầm thì cao hơn khả năng hiểu đúng. Tâm trí nói: “Được thôi, tôi đã chịu đựng đủ cái cửa hàng này rồi, tôi đã chịu đựng đủ cái gia đình này rồi... bây giờ tôi sẽ đi lang thang.” Như thế là hiểu nhầm. Bạn sẽ vẫn mang theo tâm trí cũ, bạn sẽ trở nên nghiện việc lang thang. Thế rồi bạn sẽ không thể quay về cửa hàng, quay về chợ, quay về gia đình. Thế rồi bạn sẽ sợ hãi nó.
Theo cùng cách đó, thuốc có thể trở thành một chứng bệnh mới nếu bạn nghiện nó. Cho nên bác sĩ phải bảo đảm bạn tống khứ được bệnh tật nhưng không bị nghiện thuốc, nếu không thì ông ta không phải bác sĩ tốt.
Đầu tiên bạn phải tống khứ bệnh tật, và lập tức ngay sau đó bạn phải tống khứ thuốc men; nếu không, thuốc men sẽ thế chỗ bệnh tật và bạn sẽ luôn luôn dính vào nó.
Mulla Nasruddin đang dạy cậu con trai bảy tuổi cách tiếp cận một cô gái, làm sao để mời cô ấy nhảy, nói gì và không nói gì, làm sao để thuyết phục cô ta. Cậu con chạy đi, nửa giờ sau nó quay về và nói: “Bây giờ bố dạy cho con cách tống khứ cô ta đi!” Điều đó cũng phải học, và đó là một việc khó. Mời thì rất dễ, nhưng tống khứ thì khó. Bạn biết rõ điều này thông qua kinh nghiệm của mình. Hãy nhớ rằng, cái vô dụng có sức hấp dẫn riêng của nó. Nếu cái hữu dụng làm bạn xáo động, bạn có thể di chuyển sang thái cực kia quá nhiều. Bạn có thể mất cân bằng. Cần phải có sự cân bằng sâu sắc, đứng ở giữa, tự do khỏi mọi đối lập. Bạn có thể sử dụng cái hữu dụng lẫn cái vô dụng, bạn có thể sử dụng cái có mục đích và cái không mục đích mà vẫn vượt lên cả hai. Bạn không bị chúng sử dụng. Bạn trở thành ông chủ.
VỊ THÁNH TINH QUÁI
Chỉ ít người có đủ can đảm để ở lại cùng Trang Tử. Ông luôn luôn tạo ra những tình huống gây hổ thẹn, các vị thánh không nên làm những điều như thế. Chẳng hạn, một hôm, người ta thấy ông cưỡi lừa trong kinh thành và các đệ tử theo sau ông. Cả thành phố cười rộ lên – mọi người tụ tập hai bên đường – bởi vì ông ấy không ngồi đúng cách. Con lừa đang đi về phía trước còn Trang Tử lại ngồi quay mặt về phía sau, đối diện với các đệ tử của mình!
Người dân cười và các đệ tử rất ngượng. Cuối cùng một đệ tử nói: “Sao thầy lại làm thế này ạ? Thầy đang tự biến mình thành trò cười, và đi cùng thầy chúng con bị chế nhạo một cách không cần thiết. Mọi người nghĩ chúng ta là những kẻ ngốc!”
Trang Tử nói: “Việc này hàm ý một điều lớn lao – ta đã nghĩ thấu đáo về nó. Nếu ta ngồi theo cách thông thường thì lưng của ta sẽ quay vào các con, và đó là sự xúc phạm. Ta không muốn xúc phạm ai, ngay cả đệ tử của ta.
Một cách khác là các con có thể đi trước ta, nhưng thế thì các con sẽ xúc phạm ta – và như thế cũng không đúng, đệ tử lại xúc phạm sư phụ. Cho nên ta tìm ra giải pháp này.
Cứ để những kẻ ngốc cười – nhưng ta đối diện với các con và các con đối diện với ta. Sự phụ và đệ tử nên như thế: Ta tôn trọng các con và các con tôn trọng ta.
Và con lừa không phản đối – sao chúng ta phải bận tâm về điều vài người nghĩ?”
Giờ đây kiểu người này thật hiếm hoi, độc nhất vô nhị, khó mà tìm được. Ông đã đạt tới sự sáng tỏ, ý thức, tình yêu, lòng từ bi cao nhất – nhưng ông vẫn là một người tinh quái cho đến tận cuối cùng.