“TÔI”
“TÔI”, chỉ một từ đơn lẻ thôi mà cũng có thể khiến cho bao đế chế hùng mạnh sụp đổ. Trông nó có vẻ đơn độc và chẳng có ý nghĩa gì lớn lao, nhưng cái từ bé nhỏ này lại mang vác một khối nặng khổng lồ – cái tôi cao ngạo – có thể hủy hoại và quét sạch bất cứ thứ gì trên đường đi của nó. Chinh phục cái “TÔI” giả là điều đầu tiên cần làm trên hành trình tâm linh, hành trình chuyển hóa và hoàn thiện bản thân. Do vậy, nhận ra hệ quả của việc mang ý thức “TÔI” để ta không bị lừa phỉnh trên bước đường chuyển hóa này là điều rất quan trọng.
Thế giới kinh doanh, “mảnh đất” màu mỡ giúp thu gặt hàng tỉ đô-la doanh thu mỗi năm, chỉ chú trọng đến việc bảo vệ và củng cố cái “TÔI” vật chất. Thời trang, thị trường chứng khoán, công nghiệp thực phẩm, sản phẩm công nghệ... kích hoạt, khơi gọi cái “TÔI” giả bằng việc tạo ra bầu không khí đầy cạnh tranh, ham muốn và sợ hãi. Chính vì thế, con người chỉ tập trung rèn luyện khả năng chiêu dụ xuất sắc, còn việc phát triển cái “TÔI” thật bên trong thì rất ít được quan tâm.
Khi chúng ta nói “TÔI”, chúng ta có bao giờ dừng lại và ngẫm xem mình đang hàm ý nhắc đến cái “TÔI” nào hay không? “Tôi” thường được dùng để xác định bản thân, nhưng bản thân nào mà chúng ta đang liên hệ đến? Có phải là người mà ta thấy trong gương, “TÔI” hình dạng thể lý hay là “TÔI” nội tâm, tâm hồn .
Trên hành trình nhận thức và hoàn thiện bản thân, mục tiêu của ta là làm tan biến cái “TÔI” ý thức cơ thể (ý thức về những điều kiện bên ngoài) và chuyển nó thành lòng tự trọng thuần khiết, bền vững. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi ta nhận ra mình là tâm hồn, một thực thể ánh sáng tràn đầy đức hạnh . Nghĩ rằng ta là thân xác này thì đó chỉ là một ảo tưởng vì một ngày nào đó nó sẽ nát tan thành tro bụi. Nhận dạng bản thân qua cái “TÔI” thể lý là sự nhầm lẫn lớn nhất của chúng ta.
Raja Yoga hướng dẫn ta cách đơn giản, dễ dàng để trở về với cái “TÔI” thuần khiết – ý thức thuần khiết, bản thể thuần khiết. Ta sẽ khám phá trở lại chính mình, một thực thể độc đáo và thiện lành, không lệ thuộc vào bộ “y phục - cơ thể” hay những “mặt nạ - địa vị, chức danh” nào. Đúng là “có thực mới vực được đạo”, nhưng ta đang lẫn lộn giữa nhu cầu của cơ thể với lòng tham.
Cái “TÔI” giả tạo tồn tại trong niềm tin sai lầm rằng ta là những thứ mà mình đang có: một cơ thể, các tài sản và các vai trò ta đang đảm nhiệm trong cuộc sống. Chúng ta quên đi lực sống đang hiện hữu bên trong cơ thể và làm cho mọi thứ vận hành. Cũng giống như chiếc điện thoại dù có hiện đại cỡ mấy cũng trở nên vô dụng nếu không được sạc pin.
Nói “TÔI” từ trái tim và cảm nhận những phẩm chất nằm sâu bên trong tâm hồn sẽ mang lại cảm giác rất khác biệt so với việc tập trung vào địa vị xã hội ta đang nắm giữ. Thế giới sẽ khác đi rất nhiều nếu chúng ta tương giao với nhau dựa trên những phẩm chất nội tại thay vì dựa vào vị trí xã hội, nghề nghiệp hay những cái “TÔI” giả tạm khác.
Để làm cho mọi thứ trở nên... tệ hơn, chúng ta chuyển “TÔI ” thành “CHÚNG TÔI”. Đây là cách tinh ranh để che đậy cái “TÔI” đơn lẻ, cá nhân ấy! Chúng ta nói “CHÚNG TÔI” sẽ làm điều này, trong khi thực chất vẫn là “TÔI” muốn làm điều đó và muốn nhận được những lời ngợi ca. Cái “TÔI” ấy đã phỉnh phờ, lập lờ và tỏ ra khiêm nhường một cách giả tạo. Lương tâm cũng biết được cái “TÔI” giả hoàn toàn không đáng tin cậy, nhưng cái “TÔI” đã ranh ma rủ rê thêm “đồng bọn” để tạm thời xoa dịu và che mắt lương tâm. Khi “CHÚNG TÔI” hay cái “TÔI” bầy đàn kia mà đồng tâm hiệp lực với nhau thì cảm giác tội lỗi cũng được giảm thiểu.
“TÔI” thật chính là chủ nhân của các giác quan. Nhưng thay vì vững chãi ở vị trí chủ nhân và bảo chúng phải làm gì, ta lại trở thành nô lệ của chúng. Chúng đã làm chủ ta. Chúng bảo ta ăn, nhìn, chạm, nếm và ngửi, đôi khi khiến ta làm ngược lại phán đoán tốt hơn của ta.
Với mỗi suy nghĩ được tạo ra do sự lôi kéo của các giác quan, chúng ta trở nên ý thức về những điều kiện bên ngoài. Còn với mỗi suy nghĩ được tạo ra dựa trên các đức hạnh nội tại (bình an, yêu thương, sự thật...), chúng ta đang củng cố cho ý thức tâm hồn. Trong một thế giới mà mọi người ngày càng bị các giác quan lôi kéo, chúng ta trở nên quen thuộc với lối suy nghĩ ta đơn giản chỉ là cơ thể, là hình hài vật chất này. Tâm trí sẽ tin vào bất cứ điều gì nó được bảo. Do đã đánh mất sự thấu suốt về bản thể thật sự của mình – là tâm hồn, là linh hồn, là năng lượng sống có ý thức – nên ta cũng mất đi những sức mạnh vô hạn vô song, và bắt đầu tin rằng sức mạnh của ta bị giới hạn trong hình hài vật chất, hay sức mạnh của ta chính là sức mạnh cơ bắp/vũ lực hoặc uy lực do địa vị mang lại.
Hãy hình dung một thế giới khi cái “TÔI” giả tạm được thay thế bằng cái “TÔI” thật sự, “TÔI” của lòng tự trọng đích thực.
Cái “TÔI” thật sẽ không có nhu cầu cạnh tranh hay tìm cách tự vệ chống lại mối đe dọa nào từ người khác, dù chỉ thông qua một ánh nhìn sắc bén hay một hành động hung hăng.
Cái “TÔI” thật sẽ không cố kiểm soát người khác – để lấp liếm việc mất khả năng kiểm soát bản thân.
Cái “TÔI” thật thì cảm thấy không cần phải chuyển nỗi đau bên trong thành sự hung hăng, bạo lực đối với người khác. Nó sẽ không bị cảm xúc của mình, hay năng lượng tiêu cực xung quanh chi phối mà sẽ thật sự làm chủ số phận. Quy luật của Vũ trụ là yêu thương , chứ không phải là gieo rắc nỗi sợ hãi.
Đã đến lúc... ngồi xuống trong yên lặng, mở một bản nhạc nhẹ và nhắc nhở bản thân rằng Tôi là một thực thể sống thuần khiết, một thực thể bình an, một thực thể ánh sáng... Tôi là chủ nhân của cơ thể... Từ “chiếc ghế - tự trọng” này, tôi có thể nói cho các giác quan của mình biết Ai là chủ.
Tiếng nói bên trong
Lương tâm, hay tiếng nói bên trong, vận hành như chiếc la bàn định hướng cho cuộc đời ta. Lương tâm là người bạn tuyệt vời nhất, chỉ cần ta dừng lại để lắng nghe; và nếu phớt lờ nó thì ta sẽ bị nguy hiểm. Nhiều lúc ta đã lờ nó đi, bịt tai để không nghe thấy, hoặc không xem nó là quan trọng.
Tiếng nói bên trong là tiếng nói của sự thông thái. Tiếng nói ấy mách bảo ta, chỉ dẫn ta sống đúng nghĩa: thuận theo quy luật tự nhiên. Tiếng nói ấy là công cụ lèo lái ta theo hướng sống hài hòa với tất cả mọi thứ xung quanh. Tiếng nói ấy thôi thúc ta cân bằng cuộc sống của mình bằng cách giúp ta cân nhắc điều gì nên hoặc không nên nói và làm. Tiếng nói ấy còn hướng dẫn ta chọn lành tránh dữ và thực hiện các hành động trao hạnh phúc, vượt đau khổ.
Mục tiêu đầu tiên của lương tâm là giữ ta an toàn trong không gian của bình an và hạnh phúc. Nó giúp ta tránh thực hiện những hành động để lại tác động nguy hại cho người khác và cho bản thân. Khi ta tin tưởng và nghe theo tiếng nói bên trong của mình, cuối cùng nó sẽ thức tỉnh tâm trí ta đạt đến nhận thức thuần khiết hơn, hướng thượng hơn.
Con đường tâm linh, con đường trau dồi bản thân, khuyến khích ta liên tục nuôi dưỡng và lắng nghe lương tâm của mình. Khả năng làm chủ đối với tâm trí xuất phát từ việc lắng nghe, phân biệt đúng - sai và đi theo điều đúng. Nhiều triết lý sống khuyên bảo chúng ta nên “theo” họ, vốn chỉ biến chúng ta thành “người đi theo” chứ không là người tiên phong, người lãnh đạo (bản thân). Phải khôn ngoan để không bị mắc kẹt vào giáo điều, chỉ nhìn vào những giá trị cốt lõi mà các triết lý sống ấy trao truyền. Sự thông thái bị vùi sâu bên trong ta, đang gõ nhè nhẹ để lôi kéo sự chú ý của ta. Ta chỉ cần dành chút thời gian để lắng nghe nó.
Nếu ta quay về với những giá trị cốt lõi của tâm hồn mình, ta sẽ nhận ra lương tâm rất thanh khiết, không gì có thể chạm tới. Cho đến cùng, lương tâm ta chỉ tìm kiếm bình an, yêu thương và hạnh phúc, đồng thời cũng mong muốn điều tương tự cho người khác. Đó là lý do vì sao mà chúng ta có bản năng phân biệt được thiện - ác, mong muốn hòa bình chứ không thích chiến tranh, biết được sự khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau.
Einstein xem tiếng nói bên trong giống như là ngọn nguồn tri thức – cả đạo lý và khoa học. Thỉnh thoảng ta làm hoặc nói những điều ta biết là không đúng; rồi lương tâm cắn rứt, nhắc nhở rằng ta đã đi ngược bản chất tự nhiên của mình.
Bứt rứt là kết quả của tình trạng thiếu đồng điệu giữa cảm nhận bên trong và lời nói, việc làm. Mà cảm nhận thì không bao giờ dối gạt ta. Cảm giác không thoải mái là hồi chuông báo hiệu của lương tâm, cảnh báo cho ta biết có kẻ đột nhập và sẽ lật nhào trạng thái tồn tại thật của ta. Tiếp theo là khoảnh khắc chọn lựa, ta cần phải tìm ra sức mạnh để vượt qua với hành động đúng đắn.
Trong cuốn The Unconscious Civilization (tạm dịch Một nền văn minh vô thức ), John Ralston Saul tuyên bố:
“Ở những quốc gia phát triển thời nay, nhiều người buộc phải phó thác cảm nhận đúng - sai và lương tâm phân định của họ cho các chuyên gia...”.
Điều này chắc chắn đúng trong nhiều trường hợp, khi mà chúng ta, những người tiêu dùng, chỉ quan tâm đến việc tiêu xài chứ không màng tới sự hữu hạn của nguồn tài nguyên trên Trái đất. Chúng ta đã đánh mất lương tâm – khả năng phân định – của mình chăng? Hay là chúng ta chỉ cần biết đến hiện tại của mình, chẳng có nghĩa vụ đạo lý nào đối với các thế hệ sau?
Thỉnh thoảng ta có những phán đoán sai lầm. Tuy vậy, dù do u mê hay do ý đồ sai trái, thì mỗi cá nhân vẫn phải nhận lãnh kết quả do việc làm sai mà mình đã thực hiện. Theo Luật Hành động - Phản ứng , hay Luật Nhân quả, tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm cho kết quả hành động của mình. Do vậy, ta phải chú ý hơn đến suy nghĩ và hành động của bản thân, vì đến thời điểm nào đó, ta phải trả “nợ” hoặc phải hối tiếc cho những việc làm sai ấy. Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong thật cẩn thận.
Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp là một động thái mang ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy lương tâm xã hội/tập thể. Vừa giúp người, vừa giúp ta không hề làm suy giảm hiệu quả mà còn có thể tạo sự cộng hưởng tích cực.
Khi lắng nghe lương tâm, ta cũng nâng đỡ chính mình.
Đã đến lúc... lắng nghe tiếng nói bên trong và ngưng việc dập tắt “tiếng chuông” cảnh báo. Lương tâm là bạn chứ không phải là thù của ta. Không nên e sợ vì lương tâm có mặt là để giúp ta sống đàng hoàng, tử tế hơn. Hòa bình thế giới chỉ được thiết lập khi ta hiểu và thực hiện những nghĩa vụ đạo lý đối với tập thể, nghĩa là mỗi người cần lắng nghe lương tâm để trong sạch hóa hành động của mình.
Phi tuổi tác & Phi thời gian
“Bạn chính là những gì bạn nghĩ” là câu ngạn ngữ lâu đời, nhưng có bao giờ ta dừng lại để suy ngẫm về ý nghĩa của nó chưa? Và triết lý sống này tác động đến thái độ của ta đối với tuổi tác như thế nào?
Có những người luôn mang tâm hồn trẻ trung dù các dấu hiệu của cơ thể cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Tương tự, một số người dường như già trước tuổi hoặc thông thái, giàu kinh nghiệm hơn cả tuổi đời của họ. Nhưng ta bao nhiêu tuổi và già trẻ thế nào về hình dáng, cảm nhận hay hành vi là những chuyện khác nhau.
Thậm chí cả khoa học ngày nay cũng cho rằng tuổi tác là điều tùy vào cách ta nghĩ! Chúng ta là những tạo vật duy nhất nhận biết được mình “có tuổi” và mỗi một suy nghĩ, dù chủ ý hay vô thức, hoạt động như là một mệnh lệnh điều khiển từng tế bào trong cơ thể. Ví dụ, những suy nghĩ như “Tôi không thể làm được những chuyện như trước đây” hay “Tôi quá già đối với điều này” sẽ trở thành sự thật. Đó là lý do làm cho gương mặt ta trở thành tấm gương phản chiếu mọi điều từ trong tâm trí: nếu bạn cảm thấy an lạc, gương mặt bạn luôn toát ra vẻ hạnh phúc.
Để thật sự hiểu hiện tượng này, ta cần vượt lên trên thế giới vật chất và đi vào thế giới siêu hình. Trong khi một số người lo tìm kiếm suối nguồn tươi trẻ vĩnh viễn, thì những ai sẵn lòng học hỏi từ cuộc sống biết rằng ta khám phá ra bí mật thật sự của thời gian khi ta bắt đầu hiểu biết con người đích thực của mình –tâm hồn, linh hồn, phần tồn tại vĩnh cửu không thay đổi.
Trong cõi phi thời gian ấy, ý niệm về tuổi tác cũng thay đổi. Người trẻ (về thể chất) trở nên chín chắn hơn, người già cả thì trở nên trẻ trung khi bước ra ngoài vòng ràng buộc của thời gian và giải thoát bản thân khỏi mọi giới hạn.
Tâm hồn không bao giờ già đi: vĩnh viễn trẻ trung và vĩnh viễn thông thái. Chúng ta nên thích thú với vai trò là một đứa trẻ mải mê vui chơi, tận hưởng, đồng thời cũng là người cha người mẹ ân cần, là người lãnh đạo đầy sự thấu hiểu và là một bậc giác ngộ, vì tất cả đều là một phần trong ta.
Chúng ta thường nghĩ mình chỉ là những thực thể hữu hình – chính điều này mang lại cảm giác buồn rầu, thậm chí sợ hãi khi hằn thêm một nếp nhăn, xuất hiện một bệnh tật khác hoặc thêm một năm nữa qua đi. Mất bạn bè, những người thân yêu làm tăng cảm nhận về sự chết chóc. Khi ta quên đi mục đích tồn tại của mình, hành trình cuộc đời dường như chỉ là sự cố gắng lấp đầy thời gian. Cuộc hành trình có thể trở nên đầy với “bộ sưu tập” các trải nghiệm, cả tốt lẫn xấu; nhưng nếu sống không có mục đích thì dường như ta đang tiến tới “hạn cuối” cuộc đời mình.
Điều đó tương phản với suy nghĩ của người lữ hành tâm linh, một thực thể phi thời gian, một linh hồn/tâm hồn tồn tại vĩnh hằng. Sự kết thúc của cơ thể hoàn toàn không đặt dấu chấm hết cho cuộc hành trình của anh ta.
Chúng ta là những lữ khách tâm linh, dù bạn có tin hay không. Sống không phải để “làm”, để “chạy đuổi”, để “thu vén” mà để “là (mình)”, để “thưởng ngoạn”. Hãy trải nghiệm và tận hưởng khoảnh khắc này, vì hiện tại thực sự là khoảnh khắc duy nhất ta có. Ở trong “hiện tại”, ta kết nối với bản thể vĩnh cửu của mình. Trong không gian an toàn, chắc chắn này, sự thay đổi không còn là mối đe dọa nữa: nó chỉ là biểu hiện của dòng chảy liên tục. Tất cả đều tốt và tất cả đều sẽ tốt đẹp. Nỗi sợ hãi không còn thường trực khi mà mỗi ngày trở thành lễ hội, mỗi khoảnh khắc là sự kiện để nếm trải và thưởng thức – một phần của học hỏi và trưởng thành.
Với ý thức tâm hồn (ý thức nội tâm), người lữ hành tâm linh có thói quen vượt thoát thời gian và không gian nên luôn cảm thấy tự do tự tại. Cơ thể cũng trở nên đầy sức sống, được nạp năng lượng nhờ vào những suy nghĩ mạnh mẽ, “bổ dưỡng”. Đón nhận tối đa từ mỗi giây phút, mỗi khoảnh khắc là sự chuẩn bị cho bước tiếp theo trong cuộc hành trình.
Đã đến lúc... thoát khỏi lối suy nghĩ hạn hẹp và bước vào sự vô hạn – không bị ràng buộc bởi thời gian và nỗi sợ. Hãy bộc lộ những phẩm chất đẹp của mình và tương giao với mọi người bằng những phẩm chất ấy. Và trước tiên, hãy biết rằng ta không thể sống trong quá khứ hay tương lai, ta chỉ có thể sống trong hiện tại, do vậy hãy tận hưởng mọi khoảnh khắc.
Hãy tháo giày
Cởi giày dép trước khi bước vào nhà hay những nơi chốn thiêng liêng là hành động bình thường đối với người dân sống ở vùng khí hậu ấm áp. Nhưng đó có phải chỉ đơn thuần vì lý do vệ sinh? Sự thực nó ám chỉ đến điều gì? Tại sao truyền thống này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác?
Giày dép thường làm từ da, là ẩn dụ cho khía cạnh vật chất của con người: “bộ da” chính là ý thức cơ thể ( ý thức về những điều kiện bên ngoài ). Khi ta bước vào nơi chốn thiêng liêng, dù giàu sang, vương giả hay bần cùng, chúng ta cũng không được mang cái tôi hay sự cao ngạo vào. Phải để tất cả ngoài cửa!
Ý thức cơ thể có thể mang nhiều “lốt” khác nhau, ví dụ như: quá bận tâm đến dáng vẻ bên ngoài (chẳng lấy làm lạ khi lĩnh vực làm đẹp đạt doanh thu đến hàng tỷ đô-la), hay nhu cầu tích cóp và khoe của cải, tài sản để theo kịp người và thổi phồng địa vị của ta trong mắt người khác.
Ý thức cơ thể thường bộc lộ ra thông qua những lời than phiền, phê bình, chỉ trích, rủa xả và kết tội. Phán xét, ganh tỵ và bất mãn thường là gốc rễ của ý thức cơ thể.
Đối lập thái độ ý thức cơ thể là ý thức tâm hồn, “thuốc giải” cho hành vi hủy hoại bản thân. Ý thức tâm hồn là trạng thái nhận thức: “TÔI”, bản thể thật sự, hoàn toàn điềm tĩnh, thanh thản, mãn nguyện và thoải mái từ bên trong . Cảm giác hài lòng và an toàn sẽ trở nên thường trực khi ta hiểu rằng trong ta đã có sẵn toàn bộ “của cải” đích thực – bình an, yêu thương, hân hoan, sức mạnh, sự thật, sự sáng tạo và lòng trắc ẩn.
Trong mắt của Đấng Tạo hóa, tất cả chúng ta đều bình đẳng và trong sáng. Chỉ có sự phân biệt đẳng cấp khi ta nhìn vào cơ thể. Các triết lý sống đều nhắc nhở rằng cơ thể chỉ như là tấm mạng từ bùn đất bao bọc lấy tâm hồn, hay atma . Điều lý thú là tên gọi atma hay atom (nguyên tử) đều có gốc từ atomos(tiếng Hy Lạp), có nghĩa là điều gì đó không thể phân chia được nữa . Tức là khi ta được gột sạch đến tận cốt lõi con người mình, ta thoát khỏi mọi nhãn mác, danh hiệu, tước vị.
Tương tự, khi ta về đến nhà, hành động cởi bỏ giày dép còn thể hiện đó là một sự lột bỏ cái tính cách đa dạng mà ta đã thể hiện ở nơi làm việc để lại trở về là chính mình.
Điều lạ lùng là khi gỡ bỏ hết những “lớp” cái tôi mà ta đã từng ẩn náu sau chúng hết sức thoải mái suốt một thời gian dài, ta lại trở nên toàn vẹn một lần nữa. Ta lại trở về “cội”, hòa hợp với gia đình toàn cầu. Ta chấp nhận bản thân và có thể chấp nhận người khác là chính họ. Ta bắt đầu trân trọng những phẩm chất thật của họ khi ta bắt đầu nhìn thấy ánh sáng tâm hồn ở từng người tỏa sáng qua bộ “y phục - cơ thể”.
Nguồn ánh sáng này không thể cân bằng vàng hay kim cương; nó được đo lường bằng các thuộc tính. Chính đức hạnh làm cho tâm hồn tỏa sáng, và thiếu đi đức hạnh sẽ làm cho ánh sáng tâm hồn trở nên mờ nhạt. Với mỗi “lớp” cái tôi giả tạm được gỡ bỏ, ta lại để lộ ra các đức hạnh trong tâm hồn.
Đã đến lúc... cởi bỏ ý thức cơ thể, cởi bỏ cái tôi giả tạm . Trở nên chân thật và trung thực. Cảm nhận ta đã trở về “cội rễ” nội tâm mình và không cần đến các loại mặt nạ hóa trang nào nữa. Khi thiền, hãy thực hành Tôi là một thực thể ánh sáng có ý thức, là tâm hồn thanh cao, rồi lớp “vỏ bọc” ý thức cơ thể sẽ tự động được tháo gỡ. Tương tự như khi bạn bước vào căn phòng tối, bạn không cố đuổi bóng tối đi mà chỉ cần bật đèn lên.
Nhận ra giá trị bản thân
Tất cả mọi thứ bạn thu hút vào cuộc đời mình phản ánh điều bạn cảm thấy bạn đáng được nhận, mức độ bạn đánh giá bản thân trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Quá trình định hình lòng quý trọng bản thân khởi đầu từ khi còn bé và tiếp tục diễn ra suốt cả cuộc đời. Bởi đấy là một quá trình chứ không phải đích đến nên bạn có thể nâng cao lòng quý trọng bản thân bằng cách hiểu chính mình và gia tăng cảm giác xứng đáng .
Cảm giác xứng đáng là lòng tin vững chắc rằng bạn xứng đáng được hạnh phúc. Cảm giác xứng đáng là cách bạn tự nói với bản thân về chính mình, cách bạn cảm nhận về bản thân, mức độ tự tin đối với tình huống đang diễn ra. Nếu bạn đối xử tốt với bản thân, những người khác cũng sẽ làm như vậy. Nếu bạn phát ra tín hiệu cần điều gì đó, mọi người có thể không tôn trọng bạn hoặc sẽ “thừa nước đục thả câu”.
Cảm giác xứng đáng sinh ra từ sự tự tin. Tự tin là một thái độ và khi được vận dụng theo hướng tích cực, nó sẽ mở ra tầm nhìn thực tiễn về bản thân và về tình huống. Như thế không có nghĩa là họ có thể làm mọi thứ. Những người tự tin thì tin tưởng vào khả năng của cá nhân và cảm thấy họ có quyền kiểm soát cuộc đời họ. Ngay cả khi một số kỳ vọng không thành hiện thực thì họ vẫn cứ tích cực và chấp nhận. Họ biết cách nuôi dưỡng bản thân. Họ quản lý suy nghĩ của mình, không cho phép những suy nghĩ và cảm nhận yếu đuối, tiêu cực ăn mòn, làm suy yếu lòng tự tin của họ.
Những người không cảm thấy mình xứng đáng thì lệ thuộc quá mức vào sự tán thành của người khác để cảm thấy bản thân mình là tốt đẹp. Họ thường né tránh mạo hiểm vì sợ thất bại. Nói chung là họ không kỳ vọng, không “dám” thành công. Họ thường đánh giá mình rất thấp, phủ nhận hoặc lờ đi những lời khen tặng dành cho họ. Ngược lại, những người tự tin thì sẵn lòng mạo hiểm, ghi nhận sự tán đồng của người khác vì họ tin vào khả năng của mình. Họ không cảm thấy phải chạy đuổi theo ai để được chấp nhận.
Bạn có cảm thấy đầy nhiệt huyết không? Bạn có nhìn vào gương và nói “ Đúng, tôi thích cái người đang nhìn lại tôi này” ? Bạn có biết ơn vì những tài năng của mình không? Bạn có thực sự hạnh phúc là chính mình hay bạn muốn sống cuộc đời của người khác? Bạn phải mãi mãi sống cuộc đời của mình, nếu bạn không thích mình thì ai sẽ thích đây?
Tình trạng có hoặc thiếu vắng cảm nhận xứng đáng đều sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời ta và để lại “dấu vết” lên mọi điều ta làm. Nuôi dưỡng cảm nhận xứng đáng có nghĩa là bạn đáng nhận được những gì tốt nhất trong mỗi khoảnh khắc. Tuy nhiên, ăn uống vô độ, hút thuốc và không thể kiểm soát bản thân nói chung, hay để cho người khác không tôn trọng bạn, tất cả đều là dấu hiệu của việc thiếu tôn trọng chính mình. Nói cách khác, hành động của bạn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự xứng đáng của bạn.
Hãy tự hỏi:
Điều gì cản trở tôi yêu thích bản thân?
Nguyên cớ nào khiến cho tôi nhụt chí, thiếu niềm tin vào chính mình?
Những điều gì tôi cố làm để được ưa thích?
Những điều gì tôi phải chịu đựng do cảm thấy mình không xứng đáng?
Tôi tự trừng phạt bản thân theo những cách nào?
Tôi có chịu đựng sự trễ nải chỉ vì để được ưa thích không?
Tôi có tự trừng phạt mình bằng cách làm việc quá giờ, hay làm những việc mà không ai thích làm không?
Tôi có ăn uống vô độ để khỏa lấp nỗi đau cảm xúc của mình không?
Cảm nhận xứng đáng khá khác biệt với cái tôi . Đó là sự hiểu biết và nhận thức được sự độc đáo, vẻ đẹp bên trong và giá trị nội tại của chính ta, không phải chỉ là những kỹ năng, những năng lực ta có hay tài sản, danh tiếng, sự ngưỡng mộ trong mắt người khác. Đó là sự nhận biết rằng ta xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, chỉ vì ta hiện hữu ở đây là để “là mình”, để “tỏa lan một cách tự nhiên những điều tốt đẹp có sẵn trong ta” chứ không phải để “làm”, để “ra sức phô diễn”.
Sau đây là một vài gợi ý để giúp bạn gia tăng cảm nhận xứng đáng:
Tự đánh giá bản thân
Học cách tự đánh giá bản thân một cách độc lập, khách quan sẽ giúp bạn tránh bị lệ thuộc vào quan điểm của người khác. Hãy tập trung vào cách bạn cảm nhận về bản thân. Quản lý suy nghĩ của bạn và ngưng trao quyền cho người khác bằng việc tìm kiếm sự tán thành hay sự nhìn nhận từ họ.
Khẳng định các sức mạnh
Hãy ghi nhận, khen ngợi cho những cố gắng của bạn. Trong mỗi vị thánh đều có một kẻ tội đồ và trong mỗi kẻ tội đồ đều có một vị thánh. Hãy chỉ tập trung nuôi dưỡng vị thánh!
Trò chuyện tích cực với bản thân
Trong tâm trí liên tục diễn ra cuộc đối thoại nội tâm – giữa ta với chính mình, vì vậy hãy làm cho nó thật tích cực. Hãy nói với bản thân bằng những lời lẽ yêu thương và trân trọng, chứ không chỉ trích, phán xét. Loại bỏ những suy nghĩ độc hại. Khi nhận thấy mình đang kỳ vọng sự hoàn hảo, hãy tự nhắc nhở rằng bạn đang làm hết sức mình.
Dám mạo hiểm
Hãy xem cuộc đời như là một cuộc phiêu lưu. Nhìn nhận những trải nghiệm mới như là cơ hội để học hỏi, hơn là chuyện thắng thua. Làm như vậy sẽ giúp mở ra cho bạn những tiềm năng mới và gia tăng ý thức chấp nhận bản thân. Nếu không thì mỗi một tiềm năng sẽ biến thành cơ hội cho thất bại và theo đó sẽ kìm hãm sự phát triển của cá nhân.
Chọn bạn mà chơi
Chọn những người mà bạn muốn dành nhiều thời gian ở bên họ. Những người tiêu cực và những người ưa đòi hỏi sẽ hút cạn năng lượng của bạn, không giúp bạn gia tăng cảm nhận xứng đáng. Những người tích cực thì tạo nhiều cảm hứng hơn.
Dọn sạch quá khứ
Một lương tâm trong sáng, rõ ràng là điều kiện tiên quyết để có được cảm nhận xứng đáng . Nếu ta cảm thấy tệ hại về những chuyện mình đã làm trong quá khứ, ta sẽ tìm cách trừng phạt bản thân – theo những cách hết sức tinh tế. Sự cố thường xảy ra khi ta thấy mình đáng phải nhận lãnh chúng. Ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng ta có thể hiểu rồi cho qua đi. Cảm thấy tồi tệ về bản thân chỉ khiến ta tiếp tục gây ra nhiều điều tệ hại.
Dọn dẹp
Dọn dẹp gọn ghẽ nhà cửa và... cuộc đời bạn. Làm thông thoáng không gian sống, sắp xếp hoặc bỏ bớt những thứ ngổn ngang, những thứ bạn không dùng tới cả năm qua. Nếu bạn trân quý bản thân và quỹ thời gian bạn có, bạn cũng sẽ yêu quý không gian riêng tư và tài sản của mình, rồi người khác cũng sẽ làm như vậy.
Một tâm trí “gọn gàng, ngăn nắp” sẽ có ít suy nghĩ nhưng đều là những suy nghĩ quyết tâm và mạnh mẽ. Những gì diễn ra bên trong tâm trí sẽ được phản ánh qua không gian sống bên ngoài. Một tâm trí “bầy hầy” sẽ tạo ra lộn xộn, ngổn ngang; còn một tâm trí rõ ràng thì “thông thoáng”, tươi mới.
Đã đến lúc... phải đối xử tôn trọng với bản thân hơn nữa. Hãy tha thứ cho bản thân vì những sai lầm mắc phải. Bạn càng tôn trọng mình bao nhiêu, những người khác cũng sẽ làm như thế bấy nhiêu. Hãy mời những người tuyệt vời bước vào cuộc đời bạn, và làm cho bản thân trở thành người tuyệt vời trong mắt người khác. Bạn xứng đáng được như thế!
Huấn luyện tâm trí
Chúng ta sống trong một thế giới đầy rẫy các huấn luyện viên, các guru, những nhà tư vấn về tinh thần và các loại sách tự giúp bản thân để hỗ trợ ta quản lý tâm trí mình, vậy mà thực tế dường như ta không thể tập trung vào một ý quá vài giây. Tâm trí giống như giọt thủy ngân: rất trơn trượt và khó nắm bắt. Bởi vì suy nghĩ là hạt giống cho hành động, nên ta phải nắm bắt cho được tâm trí mình và bắt đầu huấn luyện nó trước khi ai đó làm chuyện này.
Chịu trách nhiệm cho bản thân chính là chìa khóa. Ngưng chơi “trò” đổ lỗi và hãy nhận quyền sở hữu đối với suy nghĩ của bạn vì bạn tạo ra suy nghĩ của mình chứ không ai khác. Khi bạn tạo ra những suy nghĩ lãng phí, hãy nhớ rằng chẳng có ai làm gì đối với bạn cả; tự thân bạn giao nộp sức mạnh của mình và cho phép nó bị lấy mất.
Và cũng hãy ngưng phóng chiếu. Nhiệm vụ của máy chiếu là phóng lớn mọi thứ nó trình chiếu với sự hào nhoáng. Theo cách tương tự, ta bắt đầu với một suy nghĩ đơn lẻ, bé xíu, rồi ta thổi phồng nó quá mức và phản ứng bằng cách ném nó vào người khác. Thực sự thì chẳng có gì to lớn đến như vậy. Hãy tự hỏi bản thân: “Mối bất đồng, tranh cãi hay sự xâu xé này có thật sự đáng kể sau một tháng, một năm, hay năm năm nữa không?”.
Tương tự như các huấn luyện viên thể thao sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ mạnh mẽ, tích cực để giúp các cầu thủ hình dung ra cái đích cần đạt và thắng lợi của họ, theo cùng cách đó, nếu ta muốn thành công trong cuộc sống, ta phải tạo ra tầm nhìn tích cực về bản thân. Ta cần tạo ra bức tranh tích cực, mạnh mẽ về một tâm trí, cơ thể và tinh thần lành mạnh. Nếu như huấn luyện viên cứ liên tục nhắc đến những yếu kém của cầu thủ hay của cả đội, ông ta dễ dàng mất việc ngay. Công việc của huấn luyện viên là nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu, rồi chỉ tập trung vào điểm mạnh và khéo léo khắc phục điểm yếu.
Lần cuối cùng bạn vỗ vai khen ngợi bản thân vì một công việc được hoàn thành tốt hoặc vì bạn đã khoan dung hơn, hướng thiện hơn, hiệu quả hơn là vào lúc nào?
Công việc của một huấn luyện viên cuộc đời là giúp cho thân chủ nhận thấy rõ ước mơ, mong muốn và đam mê của họ, giúp họ xác định rõ ràng sứ mạng và mục đích cuộc đời. Là huấn luyện viên tâm trí của chính mình, ta cần nhận ra hiệu quả làm việc của nó và tập trung vào những mặt tích cực. Hãy tự hỏi: “Tôi có trò chuyện với mình bằng lòng trắc ẩn chưa? Tôi có giày vò bản thân vì sai phạm không? Tôi thấy rõ mục đích cuộc đời mình chưa? Mỗi ngày tôi thấy mình tiến gần đến con người mà tôi muốn trở thành như thế nào?” .
Trong một số loại hình thể thao, việc điều chỉnh cách thở rất được quan tâm chú ý. Cách hít thở cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tương tự như vậy, suy nghĩ chính là dưỡng khí cho tâm trí. Nếu suy nghĩ của ta không tích cực và thuần khiết, ta sẽ không có đủ năng lượng để tạo ra những thay đổi như mong muốn. Suy nghĩ thế nào thì hành động sẽ như thế ấy.
Huấn luyện viên phải đảm bảo các cầu thủ của mình không trì hoãn: họ chỉ việc thực hiện, và thực hiện ngay lúc này. Nếu mỗi bài luyện tập bị gác lại cho ngày hôm sau thì chúng ta sẽ không có những vận động viên và những con người thành công như bây giờ. Tương tự, để giữ “lửa” sáng tạo và nhiệt tình, cần có huấn luyện viên tâm trí để buộc ta hành động ngay lúc này. Nếu cứ để lại cho ngày mai, sẽ chẳng có gì xảy ra. Trì hoãn cũng có sức hủy hoại; nó giết chết khả năng sáng tạo, lòng nhiệt tình, ý chí, khiến ta đánh mất sức mạnh hiện tại.
Đã đến lúc... nhận ra rằng tôi là người vận hành tâm trí mình và huấn luyện nó một cách yêu thương nhưng nghiêm túc theo hướng linh hoạt hơn, tích cực hơn và mạnh mẽ hơn. Đây là cách duy nhất để thực sự chiến thắng trong “trò chơi” cuộc đời này.
Người thợ tâm hồn
Người thợ tâm hồn sẽ liên tục phấn đấu cho sự hoàn thiện và phát triển bản thân. Nếu ta tiếp cận cuộc đời như một nghệ sĩ, xem tất cả những trải nghiệm của mình trong cuộc sống là công cụ để dệt nên tác phẩm hoàn hảo thì cuộc đời sẽ đầy niềm vui, cảm hứng sáng tạo chứ không nhàm chán và chật vật.
Người nghệ sĩ thường biết cách kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để tạo ra một tác phẩm hoàn hảo. Ví dụ, nghệ nhân cắm hoa sẽ bố trí các cành hoa nhánh lá để có một bình hoa thật đẹp và tinh tế; người đầu bếp kết hợp các nguyên liệu để chế biến ra món ăn thật ấn tượng; người thợ may phối hợp nhiều loại vải để cắt, may thành bộ y phục hợp thời trang.
Cũng như bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa, tạo hình lại để có một diện mạo ưng ý hơn, tại sao ta không làm chủ số phận của mình và tạo ra cuộc đời như mong muốn? Công trình nghệ thuật vĩ đại nhất chính là gắn lại những mảnh vỡ trái tim và làm cho nó lại trở nên toàn vẹn. Có thể ai đó đã làm trái tim ấy rạn vỡ, những người kia có thể đã ra đi và mang theo vài mảnh vỡ, còn chúng ta có thể đã làm mất một số mảnh trên hành trình cuộc đời, nhưng chúng ta phải tha thứ, quên đi, buông bỏ và tiếp tục khôi phục lại các mối quan hệ, bất kể đã có những tổn thương nào.
Nuôi dưỡng tâm hồn là một nghệ thuật, đó là cách để trở nên toàn vẹn một lần nữa. Chỉ khi ta hướng nhìn vào nội tâm mình thì ta mới có thể nhận ra cách thức làm việc của tâm hồn. Sau đó ta có thể quan sát rõ tình huống và hồi đáp sao cho phù hợp, thay vì cứ máy móc đi theo những mô thức mà mình đã tạo ra hoặc sẵn có cho ta.
Hoạt động trên bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn. Kết quả cuối cùng hiển hiện rõ ràng trong tâm trí và tầm nhìn của ta, nhưng so với thực tại hiện tiền thì vẫn còn xa xôi. Do vậy ta cần kiên nhẫn.
Giống như việc cắt may, nặn tượng, thiết kế và nấu ăn, làm hoàn hảo tâm hồn cũng là một nghệ thuật có thể diễn ra cả đời. Các sự kiện tiêu cực trên toàn cầu không ngừng gia tăng thì lòng kiên nhẫn, khoan dung, sự tử tế và lòng trắc ẩn của ta cũng phải lớn mạnh hơn nữa; mức độ thích nghi và trưởng thành của cá nhân phải đi trước cả sự đổi thay của thời gian. Những người có nếp nghĩ lạc hậu và cứng nhắc sẽ dễ bị bỏ lại phía sau.
Các nghệ sĩ luôn phải đối mặt với những lời nhận xét – một số thực sự là những góp ý mang tính xây dựng, trong khi số khác là những lời chỉ trích vì muốn chống phá hay do ghen tỵ. Dù lời nhận xét có như thế nào thì người thợ tâm hồn vẫn ghi nhận một cách tích cực, tiếp thu những điều phù hợp và bỏ qua những điều không cần thiết. Tắt đi giọng nói nghi ngờ bản thân và vặn to giọng nói tự trọng, cứ chú tâm và thẳng hướng đến tầm nhìn tương lai.
Đa số các nghệ sĩ không bị cản trở này thì cũng bị cản trở khác che khuất sự sáng tạo của họ. Cản trở lớn nhất cho tâm hồn là ngủ mê hay tệ hơn nữa là quên đi bản thân đã từng đẹp đẽ và cao thượng đến dường nào. Ta không thể cố gắng đạt điều gì đó mà ta chưa từng biết hoặc chưa từng trải nghiệm. Do vậy, nếu tầm nhìn của người thợ tâm hồn là một cuộc đời bình an, hạnh phúc và sung túc, thì đấy là do tâm hồn đã từng trải nghiệm điều đó và từng là như vậy trước đây.
Tất cả mọi người đều sẽ ngoái lại để chiêm ngắm những điều đẹp đẽ. Đa số có thể dễ dàng phân biệt giữa tốt và xấu. Họ thích những thứ tinh tuyền nhất và sẵn lòng trả giá cao để mua. Người thợ tâm hồn cũng có con mắt tinh nhạy có thể phân biệt giữa “người đẹp” và “quái thú” ở bên trong. Do vậy, ta cần có sức mạnh để chinh phục những thói xấu và để cho vẻ đẹp lại được tỏa sáng.
Đã đến lúc... tiếp nhận vai trò là người thợ tâm hồn một cách nghiêm túc, nhìn vào vẻ đẹp bên trong và để cho bản thân bạn tỏa sáng. Hãy tô vẽ cuộc đời bạn và bắt đầu sáng tạo – lôi ra những “sắc màu - đức hạnh”, ánh sáng lấp lánh của các phẩm chất và khơi trào trí tưởng tượng. Cố nhìn mọi điều từ nhiều góc cạnh khác nhau và thưởng thức “vở kịch - cuộc đời” đang diễn ra xung quanh. Hãy xem mỗi cảnh, mỗi chuyện xảy ra là “búa”, là “dùi đục” giúp bóc bỏ những phần thô ráp vốn không thuộc về bạn và giải phóng cho pho tượng tuyệt mỹ ở bên trong. Bạn là vẻ đẹp đó, bạn là tâm hồn đó.
Y phục của tâm hồn
Bộ y phục truyền thống mang tính cá nhân cao đến mức không những cho ta biết điều gì đó về người khoác lên nó mà còn hé lộ rất nhiều về nơi họ sinh sống, môi trường sống và cả địa vị xã hội. Từ xa xưa, chất liệu vải, màu sắc, kiểu cách và mức độ sang trọng của y phục phản ánh rõ các giai tầng, đẳng cấp khác nhau trong xã hội.
Còn thời nay, ngày càng có nhiều “nhãn mác” nói hộ “ Tôi là ai ”. Các tổ chức, đội nhóm ra sức báo hiệu cho ta biết vai trò và vị trí trong xã hội của họ thông qua bộ đồng phục.
Trong một nỗ lực khẳng định nét riêng của mình, ta đã vô tình tạo ra “đồng phục” mới dựa vào sức mua. Y phục không còn dựa trên yếu tố văn hóa, hay giá trị đạo đức nữa. Các giá trị truyền thống bị xói mòn và sự lấp lánh, lộng lẫy một thời vốn chỉ dành cho tầng lớp vua chúa như là bằng chứng cho sự sung túc, dồi dào giờ tràn ngập ở bất kỳ khu mua sắm nào. Thật ra chẳng có gì là sai khi sở hữu hay mặc những bộ đồ thời trang, nhưng điều mà ta cần tự hỏi bản thân là: “ Tôi chỉ đang khoác lên một bộ vét hay bộ đồ này là tôi? ”.
Trong cái thế giới luôn chú trọng đến “ấn tượng đầu tiên”, ham muốn tạo ra dấu ấn thường không thể cưỡng lại được. Xã hội khuyến khích ta phán xét dựa trên vẻ bề ngoài và nhiều khi ta cũng không thể nhìn sâu hơn. Tuy nhiên, nếu ta đánh giá cuốn sách chỉ qua tờ bìa của nó thì thử hình dung xem ta sẽ bỏ lỡ điều gì. Nếu ta không có khả năng nhìn vượt thoát khỏi lớp trang trí bên ngoài thì ta không sử dụng được kho báu ẩn chứa bên trong.
Hành trình tâm linh là hành trình tìm hiểu sự thật sâu sắc nhất, bắt đầu lột từng “lớp vỏ” để khám phá bản chất cốt lõi của mình. Khi ta lột bỏ những lớp “TÔI” bề mặt, ta nhận ra sự tồn tại của những lớp sâu hơn. Cơ thể là bộ “y phục” bao lấy tâm hồn, cốt lõi của ta; và ta cần khám phá kho báu quý giá nằm sâu bên trong ấy. Cuộc hành trình tâm linh đòi hỏi sự thuần khiết từ trong tâm trí. Ta chỉ có thể tập trung vào Chân lý, Cội nguồn Thánh thiện khi sự chú tâm của ta không bị lôi kéo về phía “y phục” của những người khác.
Nhận ra cơ thể chỉ là bộ “y phục” chính là sự thông thái, sẽ giúp ta trở nên hướng thượng hơn, vượt thoát khỏi màn sương mờ ảo của vật chất để thấy rõ ánh sáng tâm hồn.
ĐÃ ĐẾN LÚC... xem lại cách bạn định nghĩa về bản thân và ngẫm xem bạn đã sống với những giá trị sâu sắc nhất – như yêu thương và chân thật – được bao nhiêu. Khi bạn bắt đầu nhận ra cốt lõi thật sự của mình và nhìn vào giá trị đích thực đang ẩn sâu bên trong mọi người, bạn bắt đầu thiết kế ra bộ “y phục cao cấp” cho riêng mình – là cách nghĩ thanh cao, trong khi lối sống thì đơn giản.
Sự thanh thản trong tâm hồn
Bạn có bao giờ tự hỏi điều gì giúp cho tâm hồn bạn được tự do, thanh thản không? Nhiều người tin rằng một công việc mơ ước với mức lương cao hơn và có cơ hội thăng tiến là “đường cao tốc” dẫn tới sự an nhiên, thanh thản ấy. Số khác thì cảm thấy được giải thoát khi tìm ra “nửa kia” của họ. Song, tự do đích thực không phải là bỏ chạy về vùng quê hẻo lánh hay mua một thửa đất trên cung trăng, mà nó liên quan đến việc giải phóng bản thân thoát khỏi đám “quỷ” nội tâm, nghĩa là sự tiêu cực.
Tất cả đều muốn được tự do. Dù trẻ hay già, không ai trong chúng ta thích cảm giác bị mắc kẹt hay bị hạn chế dù về mặt thể chất hay cảm xúc. Tự do sẽ không ngừng ngẩng đầu lên và cất cao giọng cho đến khi được nghe thấy.
Nhưng nhân danh tự do, chúng ta lại đi cột mình vào những ràng buộc khác. Bằng cách nào? Bằng cách “cống nạp” cho người khác sức mạnh của mình. Khi ta muốn những người có chức trách phải chỉnh đốn lại thế giới, vô tình ta đã trao và để họ cầm cương cuộc đời ta. Ta giao nộp sức mạnh của mình cho người bạn đời khi ta kỳ vọng người ấy mang lại hạnh phúc cho ta. Ta thoái thác trách nhiệm đối với chính cuộc đời mình và hệ quả là ta mất tự do.
Nhân danh tình yêu, ta cũng đánh mất chính mình và theo đó mất luôn cả sự tự do, thanh thản trong tâm hồn. Đây là một điều nan giải. Ta khát khao tình yêu thương, sự tin cậy và sự an toàn nơi người bạn đời, nhưng ta lại không sẵn lòng “đầu tư” tìm hiểu xem những thứ này có ở đâu. Do vậy, tình yêu đã trở thành... cạm bẫy.
Trong các mối quan hệ, ta “hy sinh”, “cống hiến” cho người khác nhân danh sự tin cậy. Mức độ ta “nộp” mình sẽ tùy vào mức độ thân thuộc. Khi giao nộp như vậy, ta cũng bị mắc bẫy. Điều này tương tự như việc cùng một lúc vừa được bảo vệ, vừa bị hạn chế.
Ngay khi ta trở nên thân mật với ai thì đó cũng là lúc ta bước vào không gian riêng tư của người ấy. Ta tạo ra sự thân tình, nếu không thận trọng có thể sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng và đánh mất danh dự bản thân. Sau “tuần trăng mật”, vùng thoải mái của mối quan hệ sẽ trở nên không còn thoải mái. Yêu thương trở thành một nghĩa vụ thay vì là hành động vô vị lợi. Nhưng đã quá trễ! Chu kỳ hành động - phản ứng, hay Nghiệp quả, đã được khởi động.
Sau đó, có thể mất cả đời để gỡ cá nhân ấy ra khỏi thế giới nội tâm của bạn, nhất là khi lòng oán giận đã quá lớn. Khi người khác bước quá sâu vào cuộc đời bạn, bạn sẽ cảm thấy dường như họ đang giam giữ bạn từ bên trong. Nhưng hãy xác định rõ: họ giam giữ bạn hay bạn vẫn còn bám chặt? Đường đến tự do chỉ cách có... một suy nghĩ.
Khi lòng quý trọng bản thân gia tăng, quá khứ sẽ dễ dàng qua đi, vì bạn nhận ra bạn và tài sản nội tâm của bạn đều rất quan trọng. Hãy củng cố giá trị bản thân bằng cách tôn trọng thời gian, suy nghĩ, cảm nhận, năng lượng và các nguồn lực của bạn, không để người khác lạm dụng. Hãy nhớ, bạn là chủ nhân của các kho báu nội tâm.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là để cảm thấy tự do hơn, ta cần xác lập ranh giới rõ ràng cho người khác, cho phép họ đi vào thế giới bên trong của mình ở chừng mực nào đó. Hãy nhớ rằng chính bạn cho phép họ bước vào. Mặc dù ranh giới nghe có vẻ như là ràng buộc, nhưng thật ra chúng tồn tại là để bảo vệ bạn. Ví dụ, dây an toàn khiến bạn cảm thấy bị chèn ép nhưng nhờ đó mà bạn sẽ an toàn hơn, yên tâm hơn.
Tự do đích thực là khi ta có thể làm những việc mình muốn mà không ai hay điều gì cản phá được và không bị buộc phải làm bất cứ điều gì không mong muốn.
Chính tâm trí mới cần được thả tự do. Thỉnh thoảng nó cũng rất bướng bỉnh, vào lúc khác nó lại dễ dàng bị thuyết phục. Có lúc sự gắn kết/lệ thuộc/bấu víu lên tiếng biện hộ cho sự tồn tại của nó: “Ơ, những người kia cần tôi mà!” . Thỉnh thoảng cái tôi bày tỏ chính kiến để hợp lý hóa địa vị của nó: “Tôi cần bằng cấp để mọi việc ở đây chạy thông suốt”. Tham lam cũng ngóc đầu biện bạch: “Nhưng sức khỏe của tôi sẽ suy sụp nếu không có những tiện ích thoải mái và lối sống như vầy” . Càng giải thoát bản thân khỏi những thứ rườm rà, những lễ bộ bao nhiêu, tâm hồn ta càng nhẹ nhàng và tự do bấy nhiêu.
Đã đến lúc... nhận ra rằng khi bạn thoát khỏi tiêu cực, bất an và sự lệ thuộc, bạn trở thành chất xúc tác cho tự do đích thực lâu dài. Giữ trong tay chiếc chìa khóa mở ra thế giới nội tâm, bạn hãy cẩn trọng xác định ai được phép đi vào. Nếu bạn cảm thấy bị mắc kẹt, hãy tự hỏi: “Tôi đã dựa dẫm vào đâu?” . Một tâm hồn tự do thật sự không bám víu vào gì cả: chính sự thanh thản, nhẹ nhàng này giúp tâm hồn dễ dàng bay lên.
Bạn tâm giao của tâm hồn
Loài người chúng ta vẫn đang tiếp tục trả giá đắt cho ảo tưởng về một tình yêu lãng mạn. “Một nửa” của đời ta đang ở đâu đó ngoài kia, đến với nhau, anh/cô ta sẽ bổ khuyết để ta trở nên toàn vẹn; nhưng rồi cảm giác cô đơn, trống rỗng, vô nghĩa, buồn chán và không xứng đáng cũng sẽ bủa vây cùng với sự hợp nhất đầy dụng ý này.
Ta ao ước được ôm gọn trong vòng tay trìu mến của bạn tình đắm say, người hiểu những điều sâu kín, những băn khoăn và bí mật trong lòng ta. Các thi sĩ mô tả về điều hứa hẹn này bằng những lời hoa mỹ. Hàng loạt trái tim và những gia đình tan vỡ có lẽ sẽ làm rạn nứt ý tưởng này nơi nhiều người, nhưng đối với đa số thì giấc mơ vẫn tiếp tục.
Ngày nay, cầm lên một cuốn tạp chí bất kỳ bạn đều sẽ tìm thấy số lượng đáng kể những bài viết “tham mưu” cho cách cải thiện mối quan hệ, hay tìm ra tình yêu đích thực. Nếu như ai cũng tìm thấy tình yêu đích thực từ lâu và các tạp chí có thể cung cấp mọi giải pháp, vậy thì tại sao vẫn còn quá nhiều người cảm thấy cô đơn, không mãn nguyện, thậm chí sau khi đã tìm ra “nửa kia”? Dường như càng phân tích và lý tưởng hóa một mối quan hệ tình cảm thì ta càng xa rời chính cái điều ta đang tìm kiếm. Nhân danh tình yêu, ta đã làm mất đi quá nhiều sức mạnh nội tâm của mình.
Bức tranh đẹp đẽ về sự viên mãn được vẽ trên “tấm toan” tâm trí thực ra là một bức tranh về mối quan hệ sâu sắc giữa ta với chính mình, bản thể nội tâm tràn đầy đức hạnh. Lần gần đây nhất bạn... hẹn hò với chính mình là vào lúc nào? Khi bạn xa rời con người chân thật của mình, bạn bắt đầu phóng chiếu nhu cầu của bản thân lên một ai đó ở ngoài kia, kẻ mà cũng đang làm điều tương tự, và trong khoảnh khắc ấy bạn đã tự đặt mình vào thế bị thất vọng cho dù bên kia có chân thành bao nhiêu. Những phẩm chất ta bị thu hút ở những người khác là những phẩm chất thiếu hụt trong ta. Sự thiếu hụt này tạo ra cảm giác trống trải. Vì vậy, để đạt sự viên mãn thực sự, ta phải hiểu chính mình và làm đầy dần những phẩm chất thiếu hụt. Chỉ sau đó thì mối quan hệ giữa ta với người khác mới dựa trên nền tảng bình đẳng, mang tính chia sẻ hơn là mong cầu, dựa dẫm vào nhau.
Người may mắn là người hiểu rằng càng yêu bản thân bao nhiêu, họ càng trao nhiều yêu thương trong mối quan hệ bấy nhiêu. Họ quý trọng bản thân và sẽ xử lý được gánh nặng cảm xúc, vốn rất độc hại cho các mối quan hệ của mình. Xuất phát từ nội tâm tràn đầy và tình yêu thương chân thành – trái tim thuần khiết – ta mới có thể thật sự trao đi, sẻ chia mà không lệ thuộc, kỳ vọng. Nếu ta trao ra từ một nội tâm tràn đầy như thế, chắc chắn ta sẽ được đền đáp.
Hãy hình dung nếu mỗi người chúng ta đều hành động với nội tâm tràn đầy, thế giới chắc chắn sẽ rất khác. Ta sẽ không còn nói mình bị “rơi vào lưới tình”, vì ta biết rằng trong tình yêu đích thực, ta chỉ có thể thăng hoa.
Tình yêu từ tâm hồn trong sáng, thuần khiết thì không có sự cân đo hay tính toán. Không có sự tôn thờ hay “chết vì nhau”. Tình yêu từ tâm hồn vốn vô bờ, khách quan và đầy sự tin tưởng. Tình yêu ấy tuyệt đối dồi dào.
Đã đến lúc... ta lại làm bạn với chính mình. Đây là thời điểm để “thăng hoa” trong tình yêu, nhận lại sức mạnh nội tâm và khôi phục lại vẻ đẹp của mình. Cả thế giới sẽ cám ơn bạn, và bạn cũng hân hoan khi tìm thấy người bạn tâm giao đích thực, hoàn hảo của mình.
Phá bỏ pháo đài nội tâm
Ngày xưa, pháo đài được dựng lên để chống lại sự tấn công của các thế lực thù địch. Đó là nơi trú ngụ an toàn, là bức tường bảo vệ khỏi kẻ thù và là phương tiện thể hiện quyền uy, sức mạnh. Thỉnh thoảng ta cũng dựng lên những “bức tường” nội tâm cũng nhằm phục vụ cho chức năng đó. Nhưng với ảo tưởng tạo ra nơi chốn bảo vệ bản thân, nó lại trở thành nơi giam giữ chính ta.
Cho dù là pháo đài bên trong hay bên ngoài thì cũng chẳng có được sự bảo vệ nào nhờ những bức tường thành dày ấy, mà chỉ có sự bảo vệ từ đức hạnh. Khi ta tràn đầy đức hạnh, ta luôn trao hạnh phúc và tích lũy một “tài khoản” những việc làm tốt, thế thì chẳng cần đến những lớp “tường thành” bảo vệ. Lương tâm rõ ràng thì chẳng có gì phải sợ.
Là những cá nhân sợ hãi và yếu đuối, ngay từ khi còn bé, ta đã bắt đầu xây “pháo đài” bên trong để bảo vệ mình khỏi thất vọng, những giấc mơ không thành và khỏi những người có thể làm ta bị tổn thương. Lớn hơn một chút, những trải nghiệm tiêu cực ta tích lũy thường được dùng để củng cố vững chắc hơn cho những “bức tường” này. Trong nỗ lực giữ cho bản thân được an toàn, ta cũng tự cản trở mình đón nhận tình yêu thương, sự hợp tác và thiện ý từ người khác.
Với những ai đã làm dày bức “tường thành” của “pháo đài” nội tâm, thời gian có thể làm nó rạn nứt, cho phép ánh sáng tràn vào. Quá trình nhận thức ấy làm thức tỉnh chúng ta, giúp ta tự do vượt thoát nỗi sợ, tổn thương và cái tôi giả tạo . Ta nhận ra những “tường thành” kia đã giam giữ và chia cắt ta nhiều hơn là che chở cho ta. Việc củng cố bức “tường thành” đã “chiếm dụng” mất nguồn năng lượng dùng cho việc khám phá sức mạnh nội tâm thật sự, dùng cho việc nhận ra vẻ đẹp nội tâm, cho việc trải nghiệm những điều kỳ diệu của cuộc sống, và cho việc tận hưởng sự ấm áp của ánh sáng thánh thiện – thứ ánh sáng phát tỏa từ lòng tự trọng đích thực.
Với sức mạnh nội tâm, ta dần biết được rằng vẫn có cách tốt đẹp hơn để sống và ta có thể thành công trong việc phá bỏ những rào cản, từng chút từng chút một, hết viên gạch này đến viên gạch khác. Để người khác có thể bước vào, trước hết ta phải quản lý được những kỳ vọng của mình. Qua thời gian và với một chút lòng trắc ẩn, ta có thể thay thế rào chắn trái tim bằng sự tin cậy và cảm nhận rằng ta có thể tự chăm sóc cho bản thân mình.
Phần thưởng sẽ đến với những ai can đảm đập bỏ bức “tường thành” bên trong. Họ trở nên linh hoạt hơn, chấp nhận sự thay đổi và phát triển được những khả năng mới để đón chào vẻ đẹp của cuộc đời. Họ có thể quản lý những thăng trầm mà cuộc đời đem đến cho họ. Khả năng yêu thương và được yêu thương của họ mở rộng. Họ cảm nhận rất rõ họ là ai, sống vì điều gì và sẵn sàng cởi mở với bất kỳ thách thức nào. Thế giới không còn là kẻ thù của họ nữa và chẳng còn mối đe dọa nào để phải sợ hãi.
Khi mà một kẻ thù ló ra đe dọa và chống đối bạn, dường như chặn hết tầm nhìn và lối đi, bạn bắt đầu cảm thấy bất lực và hoảng sợ, rồi có thể bạn cảm thấy lựa chọn duy nhất lúc bấy giờ là tấn công hoặc bỏ chạy . Tuy nhiên, với ánh sáng của sự thông thái, ta nhìn ra sự thật rằng kẻ thù không phải ở ngoài kia. Kẻ thù không ở bên kia tường rào, mà ở ngay đây trong chính ta. Như vậy ta chỉ đang chiến đấu với chính mình hoặc bỏ chạy khỏi chính mình, nói cách khác ta đang đánh nhau bên trong “pháo đài” của chính ta.
Pháo đài là công trình thuộc về quá khứ. Chúng ra đời để phục vụ cho sứ mệnh nào đó vào thời điểm ấy, nhưng giờ đây chúng đã trở thành di tích. Tương tự như vậy, hãy trả “pháo đài” nội tâm của bạn về với quá khứ. Sử dụng thiền như là công cụ để đập bỏ những “bức tường”, bóc gỡ từng “viên gạch” một, và thay thế chúng bằng hào quang ánh sáng thông tuệ và tình yêu thương. Thay cho “bức tường” sợ hãi, hãy tạo một dòng năng lượng cho phép các nguồn lực, các sức mạnh thật sự hiển lộ, và cũng mời những người khác bước vào trải nghiệm ánh sáng.
Đã đến lúc... kiểm tra lại mức độ tự trọng và tự tin của bạn. Hãy can đảm, trở nên cởi mở và chấp nhận hơn, xem bao nhiêu “viên gạch” đã được bóc gỡ để cho ánh sáng tràn vào tâm hồn bạn. Kiểm tra xem có điều gì đang đe dọa sự tự do, thanh thản của bạn. Tự hỏi bản thân “Tại sao?” hay “Bằng cách nào?”mà điều này xảy ra. Hãy sử dụng những nguồn lực, sức mạnh nội tâm, suy nghĩ, lời nói và tình yêu thương thuần khiết của bạn vì chúng mới là vòm che chở thật sự.
Không ai là ốc đảo
No Man is an Island (tạm dịch Không Ai là Ốc đảo ) là một cuốn sách nổi tiếng của nhà văn người Anh John Donne được viết vào năm 1624. Sau khi hồi phục từ một căn bệnh hiểm nghèo, ông đã viết hàng loạt những chiêm nghiệm về cuộc sống. Không may là chỉ khi người ta nằm trên giường bệnh thì họ mới có được những trải nghiệm thần thánh như thế. Lời tuyên bố này – Không ai là ốc đảo – vẫn còn nguyên giá trị như ở thế kỷ 17.
Nhiều người trong chúng ta lấy làm kiêu hãnh về sự độc lập của mình, dù đó là tự lực cánh sinh trong nhiệm vụ nào đó hay là tự tạo hướng đi riêng. Điều này đáng được ghi nhận, nhưng liệu nó có nói lên hết về con người của ta? Dạng độc lập này có khác gì một “ốc đảo” bơ vơ?
Nếu ta quá độc lập, ta sẽ không thể chia sẻ, cống hiến những cái mình có. Và quan trọng hơn đó là ta đánh mất đi cơ hội hiệp lực, cộng hưởng cùng năng lực và sở trường của người khác để sáng tạo ra điều gì đó lớn lao hơn. Tính tự chủ không được triệt tiêu mục đích cao hơn – là sự thống nhất.
Khi chúng ta cùng tham gia, bộc lộ và trao đổi, chính lúc đó chúng ta cảm thấy có sự kết nối với nhau. Chúng ta cảm nhận được ý nghĩa của sự tồn tại: sống không chỉ vì bản thân mình, mà là cơ hội để chia sẻ và quan tâm. Thử hình dung một thế giới nơi mỗi người đi qua cuộc đời nhau mà không giao tiếp với bất kỳ ai khác. Không xúc chạm, không nói chuyện hay giao tiếp bằng mắt, mỗi cá nhân sống tách biệt và chỉ bận tâm đến chính mình. Cuộc đời như thế liệu có đáng sống không?
Thật nực cười là nhiều người thích sống cô độc nhưng lại mở ti-vi suốt cả ngày chỉ để nghe thấy vài tiếng nói trong nhà. Hoặc họ mở cửa sổ chỉ để nghe vài âm thanh từ thế giới bên ngoài. Họ muốn có không gian riêng, nhưng cũng nối kết vừa đủ với thế giới rộng lớn để khẳng định họ còn tồn tại.
Quan điểm “không ai là ốc đảo” được khám phá sâu hơn bởi nhà văn viễn tưởng Frigyes Karinthy. Ông là người đầu tiên ủng hộ cho quan điểm “sáu cấp độ tách biệt”, trong một truyện ngắn viết vào năm 1929 của mình, Chains. “Sáu cấp độ tách biệt” cho rằng cần có tối đa năm nấc trung gian để kết nối hai người với nhau.
Các khảo sát sau đó đã phát hiện ra trong một số cấu trúc xã hội, ba cấp độ tách biệt tồn tại trong cả những cộng đồng đông đúc như Hoa Kỳ.
Luôn có một yếu tố chung nối kết tinh tế mỗi người chúng ta lại. Thực ra, chúng ta đều có “dây mơ rễ má” với nhau trong “mạng lưới” nhân loại và mức độ gần gũi của ta sẽ quyết định giá trị của mối quan hệ.
Khi mà cuộc sống trở nên phức tạp, thì sự hỗ trợ càng trở nên cực kỳ quan trọng. Khoa học ngày nay cũng nhận thấy các cá thể chỉ có thể sống sót và khỏe mạnh nếu chúng hợp tác, liên hệ, được kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Minh chứng là những ai có mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ và sống chan hòa thường sống thọ hơn, ít mắc bệnh hơn và hạnh phúc hơn. Hợp lực với nhau, chúng ta có thể làm nên điều vĩ đại.
Toàn cầu hóa là minh chứng cho tầm quan trọng của việc hòa nhập. Thành công, sự tân tiến, sự phát triển vượt bậc hay sáng tạo của một quốc gia có thể giúp cho những quốc gia khác.
Nhưng buồn thay, chúng ta sống trong một thế giới mà ai cũng muốn độc quyền sở hữu những gì họ sáng tạo. Thật ra thế giới này không được tạo ra với những đường biên giới rõ mồn một trên tấm bản đồ. Chính cái tôi giả trá và sự gắn kết đã tạo ra sự chia cắt và cảm giác “tự túc” giả tạo.
Có câu nói rằng một con bướm vỗ cánh tại châu Phi có thể tạo tác động lan tỏa gây nên những cơn cuồng phong tại Alaska . Tất cả chúng ta đều tác động lẫn nhau qua những quyết định và hành động của mình.
Chúng ta đã gây ô nhiễm, tàn phá nghiêm trọng cả bầu trời lẫn đại dương, bòn rút một cách tham lam từ Mẹ Trái đất, tiêu dùng quá mức mà không nghĩ đến việc tái sử dụng và phục hồi để lại có những vụ mùa bội thu. Điều đó có thực tế, có khả thi không? Mọi nguồn lực không có giới hạn sao?
Ngày nay, một số doanh nghiệp lớn cũng rất chú ý đến trách nhiệm xã hội song song với hoạt động kinh doanh. Họ có mục tiêu trao lại Trái đất những gì họ đã lấy, nhưng mỗi cá nhân cũng cần có trách nhiệm bù đắp cho thế giới. Trước thực trạng tất cả các nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt, nhân loại buộc phải rút ra bài học cho riêng mình và bắt đầu hợp tác với nhau trước khi quá trễ.
Tâm linh còn có nghĩa là hợp tác . Không có kẻ thù, không có sự phân biệt, chỉ có tình yêu thương thuần khiết dành cho nhau trên toàn thế giới. Điều này dường như là giấc mơ nhưng sâu bên trong mỗi người đều có ước mong như vậy. Thật ra ta không thể muốn điều mà ta chưa từng trải qua.
Ta tách mình khỏi những người khác trước hết là do thiếu lòng khoan dung; ta thường kỳ vọng nhận trước thay vì là trao đi. Tuy nhiên, khi thực hành thiền, càng bình an trong “ốc đảo” nội tâm mình bao nhiêu, ta càng lan tỏa hạnh phúc nhiều bấy nhiêu và theo đó cảm thấy tự tin khi song hành cùng người khác. Ta học cách làm cho tâm trí trở thành người bạn tốt nhất của mình trước khi làm bạn với ai khác.
Đã đến lúc... trở nên tự chủ, đồng thời luôn sẵn sàng hợp tác, giao tiếp và kết nối với mọi người. Người độc lập, tự chủ luôn biết trân trọng những người hỗ trợ mình, và quan tâm đến những ai cần được hỗ trợ. Hãy nhớ rằng thế giới này là một ốc đảo lớn mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Nếu có thể gỡ bỏ tất cả những biên giới, những hạn chế trên thế giới thì chẳng còn gì để ta phải vượt qua.