Bảy sự thật giúp bạn không còn sợ những đợt điều chỉnh giá và sự sụp đổ của thị trường
“Bí quyết kiếm tiền từ chứng khoán là đừng sợ nó.”
- PETER LYNCH, người đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân 29% một năm với tư cách là nhà quản lý quỹ nổi tiếng tại Fidelity Investments
Sức mạnh, khả năng định hình và tác động đến hoàn cảnh sống, nhiên liệu để tạo ra những kết quả phi thường, đến từ đâu? Điều gì làm cho một người trở nên mạnh mẽ? Điều gì tạo ra sức mạnh trong cuộc sống của bạn?
Trong thời kỳ săn bắt hái lượm, chúng ta không có sức mạnh mà chỉ sống nhờ vào lòng thương xót của thiên nhiên. Chúng ta có thể bị xé xác bởi những con thú săn mồi hung hãn hoặc bị tiêu diệt bởi thời tiết khắc nghiệt mỗi khi mạo hiểm đi vào nơi thiên nhiên hoang dã để săn bắt hoặc tìm kiếm thức ăn. Và không phải lúc nào thức ăn cũng có sẵn ở đó. Nhưng dần dần, qua hàng ngàn năm, chúng ta đã phát triển được một kỹ năng vô giá: chúng ta học cách nhận biết và ứng dụng các quy luật.
Quan trọng nhất là chúng ta nhận ra sự thay đổi của các mùa trong năm và lợi dụng các mùa bằng cách trồng cây vào đúng thời điểm. Khả năng này đã đưa chúng ta thoát cảnh khan hiếm lương thực để đến với một cuộc sống sung túc - đến với một lối sống mà ở đó các cộng đồng và sau này là các thành phố cũng như nền văn minh có thể phát triển mạnh mẽ. Khả năng nhận ra các quy luật đã thật sự thay đổi tiến trình lịch sử loài người.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng học được một bài học vô cùng quan trọng: chúng ta sẽ không được tưởng thưởng khi làm đúng việc nhưng sai thời điểm. Nếu gieo trồng vào mùa đông giá lạnh, bạn sẽ chẳng nhận được gì ngoài sự thất bại ê chề, bất kể bạn làm việc chăm chỉ như thế nào. Để sống sót và phát triển, bạn và tôi phải làm đúng việc vào đúng thời điểm.
Năng lực nhận ra các quy luật cũng là kỹ năng số một có thể giúp bạn đạt được sự sung túc về mặt tài chính. Một khi nhận ra các quy luật trên thị trường, bạn có thể thích ứng với chúng, tận dụng chúng và thu lợi từ chúng. Chương này sẽ trao cho bạn khả năng đó.
“Đa số các nhà đầu tư không tận dụng hết sức mạnh đáng kinh ngạc của lãi kép - khả năng gia tăng lợi nhuận gấp nhiều lần khi sự tăng trưởng diễn ra vào đúng thời điểm tăng trưởng.”
- BURTON MALKIEL, nhà kinh tế học, tác giả quyển sách kinh tế kinh điển
A Random Walk Down Wall Street
Trước khi đi vào trọng tâm của chương này, chúng ta hãy dành hai phút để nói về một khái niệm cơ bản mà tôi chắc chắn rằng bạn đã biết, một khái niệm mà chúng ta cần tận dụng và tối đa hóa để có thể làm giàu bền vững.
Quy luật đầu tiên mà chúng ta cần nhận ra là có một phương thức kỳ diệu mà tất cả chúng ta đều có thể sử dụng để xây dựng sự giàu có cho mình - một cách mà Warren Buffett đã sử dụng để tích lũy khối tài sản 65 tỷ đô-la tính tới thời điểm tôi viết những dòng này. Bí quyết của ông ấy là gì? Buffett nói một cách đơn giản: “Sự sung túc của tôi đến từ sự kết hợp của việc được sống tại Mỹ, gien may mắn và lãi kép”.
Tôi không thể cam đoan về bộ gien của bạn, mặc dù tôi đoán chúng khá tốt! Tôi chỉ biết chắc chắn lãi kép là một đòn bẩy có thể đưa bạn đến với cuộc sống hoàn toàn tự do về tài chính. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều biết về lãi kép, nhưng chúng ta vẫn nên nhắc lại sức ảnh hưởng to lớn mà nó mang lại khi chúng ta thật sự biết cách lợi dụng nó. Trên thực tế, khả năng nhận biết và tận dụng sức mạnh do lãi kép mang lại của chúng ta có tính đột phá tương đương với việc tổ tiên chúng ta phát hiện họ có thể có những vụ mùa bội thu bằng cách gieo trồng đúng thời điểm!
Hãy để chúng tôi minh họa tác động to lớn của lãi kép bằng một ví dụ đơn giản nhưng rất ấn tượng sau đây. Hai người bạn Joe và Bob quyết định đầu tư 300 đô-la một tháng. Joe bắt đầu đầu tư ở tuổi 19, duy trì suốt tám năm kế tiếp và ngừng ở tuổi 27. Anh đã tiết kiệm được tổng cộng 28.800 đô-la. Sau đó, tiền của Joe tăng lên với tỷ lệ 10% một năm (gần bằng mức lợi nhuận lịch sử của thị trường chứng khoán mỹ trong thế kỷ trước). Đến khi nghỉ hưu ở tuổi 65, Joe có bao nhiêu tiền? Đáp án là 1.863.287 đô-la. Nói cách khác, khoản đầu tư khiêm tốn 28.800 đô-la đã tăng lên gần 2 triệu đô-la! Khá tuyệt phải không?
Bạn của Joe, Bob, khởi đầu chậm hơn một chút. Anh ấy cũng bắt đầu với con số 300 đô-la một tháng, nhưng từ năm 27 tuổi. Nhưng Bob là một người có kỷ luật và đã duy trì việc đầu tư 300 đô-la mỗi tháng cho đến khi 65 tuổi - tức là trong 39 năm. Tiền của Bob cũng tăng 10% một năm. Kết quả là gì? Khi nghỉ hưu ở tuổi 65, Bob có khoản tiền 1.589.733 đô-la.
Hãy suy nghĩ về điều này một chút. Bob đã đầu tư tổng cộng 140.000 đô-la, gần gấp năm lần vốn gốc 28.800 đô-la của Joe. Vậy mà cuối cùng Joe lại kiếm được nhiều hơn Bob 273.554 đô-la! Đúng thế, cuối cùng Joe giàu có hơn Bob mặc dù Joe không đầu tư thêm một xu nào sau 27 tuổi!
Lý do cho thành công đáng kinh ngạc của Joe là gì? Đơn giản thôi. Chính vì anh bắt đầu đầu tư sớm hơn, lãi kép mà anh kiếm được từ khoản đầu tư đó giúp số tiền trong tài khoản của anh tăng lên gấp nhiều lần so với số tiền mà anh có thể tự kiếm được. Đến thời điểm Joe 53 tuổi, lãi kép trên tài khoản của Joe mang lại cho anh hơn 60.000 đô-la mỗi năm. Đến khi anh 60 tuổi, tài khoản của anh tăng hơn 100.000 đô-la mỗi năm! Toàn bộ số tiền đó đều đến từ lãi kép, Joe không cần bỏ vào thêm một xu nào. Tổng lợi nhuận Bob có được trên số tiền đầu tư là 1.032%, trong khi lợi nhuận của Joe là con số ngoạn mục 6.370%.
Bây giờ, hãy tưởng tượng Joe không ngừng đầu tư ở tuổi 27. Thay vào đó, giống như Bob, anh tiếp tục bỏ thêm 300 đô-la mỗi tháng vào tài khoản đầu tư cho đến khi 65 tuổi. Kết quả là Joe có được số tiền 3.453.020 đô-la! Nói cách khác, Joe có nhiều hơn Bob 1, 8 6 triệu đô-la nhờ bắt đầu đầu tư sớm hơn Bob tám năm.
Đó là sức mạnh tuyệt vời của lãi kép. Theo thời gian, sức mạnh này có thể biến một khoản tiền khiêm tốn thành một khối tài sản kếch xù.
Nhưng bạn biết điều thật sự đáng ngạc nhiên là gì không? Đó là hầu hết mọi người không bao giờ tận dụng hết mức bí quyết này, bí quyết đang bày ra trước mắt họ, phép màu tạo ra sự giàu có hết sức rõ ràng này. Thay vào đó, họ tiếp tục tin mình có thể tự kiếm tiền để trở nên giàu có. Đây là một quan niệm sai lầm thường thấy - niềm tin rằng nếu bạn kiếm được thu nhập đủ lớn, bạn sẽ đạt được tự do tài chính.
Sự thật là chuyện này không đơn giản như vậy. Chúng ta đều từng đọc những câu chuyện về các ngôi sao điện ảnh, nhạc sĩ và vận động viên kiếm được những khoản tiền kếch xù nhưng cuối cùng lại trắng tay vì không biết cách đầu tư khoản thu nhập đó. Cách nay không lâu, sau một loạt các khoản đầu tư tệ hại, ca sĩ nhạc rap 50 Cent đã tuyên bố phá sản - mặc dù theo ước tính, anh từng có giá trị tài sản ròng khoảng 155 triệu đô-la. Nữ diễn viên Kim Basinger có mức cát-sê hơn 10 triệu đô-la mỗi phim vào thời kỳ đỉnh cao, nhưng cuối cùng bà cũng phá sản. Ngay cả ông hoàng nhạc pop Michael Jackson, người đã ký hợp đồng thu âm trị giá gần 1 tỷ đô-la và bán được hơn 750 triệu đĩa nhạc, cũng được cho là mắc nợ hơn 300 triệu đô-la sau khi ông qua đời vào năm 2009.
Hay gần đây hơn, Johnny Depp - một trong những nam diễn viên được trả lương cao nhất Hollywood, người kiếm được hơn 650 triệu đô-la trong 30 năm qua với các bộ phim bom tấn như Cướp biển vùng Caribe và là gương mặt đại diện cho những thương hiệu xa xỉ như Dior - đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính. Trong khi Depp luôn miệng đổ lỗi cho khả năng kém cỏi của đội ngũ quản lý tài chính, các chuyên gia quản lý của anh lập luận rằng vấn đề nằm ở thói chi tiêu xa hoa của anh. Theo họ, Depp chi 30.000 đô-la mỗi tháng để mua rượu vang và thậm chí trả 3 triệu đô-la để đặt tro cốt của Hunter S. Thompson16 vào một khẩu pháo được đặt làm riêng và bắn lên trời!
16 Hunter Stockton Thompson (1937-2005) là nhà văn và nhà báo nổi tiếng người Mỹ. Tác phẩm Fear and Loathing in Las Vegas của ông đã được Terry Gilliam chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1998 và Johnny Depp đóng vai một trong các nhân vật chính. Trước khi tự sát ở tuổi 67, Thompson từng nói muốn tro cốt của mình được bắn tung lên trời.
Bài học ở đây là gì?
Đến đây, có lẽ bạn đang nghĩ: “Nhưng tôi phải dành ra bao nhiêu tiền đầu tư để đạt được các mục tiêu tài chính của mình?”. Đó là một câu hỏi hay! Như đã đề cập, để giúp bạn trả lời, chúng tôi đã phát triển một ứng dụng dành cho thiết bị di động mà bạn có thể sử dụng để tìm ra chính xác số tiền bạn cần tiết kiệm và đầu tư. Công cụ này có sẵn tại www.unshakeable.com.
Hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác, vì vậy tôi khuyên bạn nên thảo luận với chuyên gia tư vấn tài chính mà bạn tin cậy về các mục tiêu cụ thể và cách đạt được mục tiêu đó. Nhưng tôi muốn cảnh báo bạn rằng hầu hết các chuyên gia tư vấn thường đánh giá thấp số tiền bạn cần sở hữu để có được sự đảm bảo, độc lập hoặc tự do về tài chính. Một số người nói rằng bạn nên có một tài khoản tiết kiệm có giá trị cao gấp 10 lần thu nhập một năm hiện tại của bạn. Những người thực tế hơn một chút thì nói rằng bạn cần gấp 15 lần. Nói cách khác, nếu bạn đang kiếm được 100.000 đô-la, bạn sẽ cần 1,5 triệu đô-la. Nếu bạn đang kiếm được 200.000 đô-la, bạn sẽ cần 3 triệu đô-la. Bạn hiểu rồi đấy.
Trên thực tế, mục tiêu bạn nên thật sự nhắm tới là một con số cao gấp 20 lần thu nhập của bạn. Như vậy, nếu bạn hiện đang kiếm được 100.000 đô-la/năm, mục tiêu của bạn sẽ là 2 triệu đô-la. Nghe có vẻ nhiều, nhưng hãy nhớ anh bạn Joe của chúng ta đã đạt được con số đó chỉ với 28.000 đô-la ban đầu, và tôi cá là bạn sẽ có nhiều hơn số tiền đó để đầu tư trong những năm sắp tới.
Tôi có dành riêng một phần để chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này trong quyển Money: Master the Game. Như tôi đã giải thích trong quyển sách đó, bạn rất dễ bị choáng ngợp khi nhìn vào một con số khổng lồ như thế. Tuy nhiên, nếu bắt đầu với một mục tiêu nhẹ nhàng hơn, bạn sẽ thấy chuyện này đỡ đáng sợ hơn. Ví dụ, có thể mục tiêu đầu tiên của bạn là đạt được sự đảm bảo tài chính - không phải là độc lập hoàn toàn. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu có thể thanh toán tiền vay thế chấp, trang trải chi phí lương thực thực phẩm, điện nước, phương tiện đi lại và bảo hiểm mà không cần phải đi làm trở lại? Khá tuyệt đúng không? Tin tốt là con số này thường thấp hơn 40% so với số tiền bạn cần để đạt được sự độc lập tài chính sau cùng - trạng thái mà ở đó, mọi thứ bạn cần đều được chi trả - và do đó, bạn có thể đạt được độc lập tài chính nhanh hơn. Một khi đạt được sự đảm bảo tài chính, bạn sẽ có được một lực đẩy mạnh mẽ tới mức cảm thấy việc chinh phục một mục tiêu lớn hơn không phải là quá khó.
Nhưng làm thế nào để bạn đạt được mục tiêu đầu tiên này? Trước tiên, bạn phải tiết kiệm và đầu tư - trở thành chủ sở hữu chứ không đơn giản chỉ là người tiêu dùng. Hãy ưu tiên dành dụm cho bản thân bằng cách thiết lập cơ chế tự động trích một phần tiền lương tháng vào tài khoản tiết kiệm của mình. Hành động này giúp bạn xây dựng “quỹ tự do”: nguồn thu nhập trọn đời mà nhờ nó, bạn không bao giờ phải làm việc nữa. Tôi đoán nhiều người trong số các bạn đã và đang thực hành điều này, nhưng có lẽ đã đến lúc bạn cần thăng cấp: nếu bạn đang tiết kiệm 10% thu nhập, hãy tăng lên 15%; nếu đang tiết kiệm 15%, hãy tăng lên 20%.
Đối với một số người, tiết kiệm 10% thu nhập dường như là bất khả thi ngay lúc này. Có thể bạn đang có các khoản nợ vay từ thời sinh viên, các nghĩa vụ tài chính đối với gia đình hoặc doanh nghiệp cần bạn gánh vác. Bất kể hoàn cảnh của bạn là gì, bạn phải tiến hành bước đầu tiên và bắt đầu tiết kiệm. Có một phương pháp mà tính hiệu quả của nó đã được chứng minh, đó là “Tiết kiệm nhiều hơn vào ngày mai”, và tôi đã mô tả chi tiết về nó trong Chương 1.3 của Money: Master the Game. Bạn có thể bắt đầu tiết kiệm chỉ 3% thu nhập mỗi tháng và từ từ tăng lên 15٪ hoặc 20٪ theo thời gian.
Bây giờ, sau khi đã tiết kiệm được một khoản tiền, bạn sẽ đầu tư vào đâu để thu được lợi nhuận tối đa nhằm đạt mục tiêu tự do tài chính nhanh hơn?
Nơi tốt nhất để tiền của bạn tăng lên theo thời gian là trên thị trường chứng khoán. Trong Chương 5, chúng ta sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc lập một danh mục đầu tư đa dạng bao gồm các loại tài sản khác nhau. Nhưng bây giờ, chúng ta sẽ tập trung vào thị trường chứng khoán. Tại sao? Vì đây là mảnh đất vô cùng màu mỡ! Giống như tổ tiên của mình, chúng ta cần gieo hạt ở nơi có thể tạo ra vụ mùa đạt năng suất cao nhất.
TÔI NÊN ĐẦU TƯ TIỀN CỦA MÌNH VÀO ĐÂU?
Như bạn và tôi đều biết, thị trường chứng khoán đã làm cho hàng trăm triệu người trở nên giàu có. Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng bạn cần hiểu rõ các quy luật của thị trường. Bạn cần hiểu các mùa hoạt động của nó. Đó chính là nội dung của chương này.
Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.
Dạo gần đây, câu hỏi này trở nên đáng chú ý hơn bởi vì tất cả câu trả lời đều có vẻ không hấp dẫn. Trong thời kỳ lãi suất bị dồn nén, bạn không kiếm được gì khi giữ tiền mặt trong tài khoản tiết kiệm. Nếu mua một trái phiếu chất lượng cao (ví dụ, nếu bạn cho chính phủ Thụy Sĩ hoặc Nhật Bản vay tiền), bạn thậm chí còn bị lỗ! Có một câu nói đùa rằng các khoản đầu tư an toàn theo kiểu truyền thống như thế này hiện đang mang đến “rủi ro không lợi nhuận” thay vì “lợi nhuận không rủi ro”!
Còn cổ phiếu thì sao? Hàng trăm tỷ đô-la từ khắp nơi trên thế giới đã đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ, nơi được nhiều người coi là chỗ trú ẩn tương đối an toàn trong một thế giới bấp bênh. Tuy nhiên, điều đó đã tạo ra sự bấp bênh lớn hơn vì giá cổ phiếu Mỹ - và giá trị thực tế của nó - đã tăng vọt trong bảy năm rưỡi qua, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường chắc chắn sẽ lao dốc. Ngay cả những người đầu tư hiệu quả trong thị trường giá lên này cũng lo lắng rằng mọi thứ rồi sẽ sụp đổ, rằng không có gì có thể chống đỡ thị trường trừ các ngân hàng trung ương và những chính sách tiền tệ điên rồ của họ!
Vậy bạn nên làm gì? Chuẩn bị cho một cuộc suy thoái thị trường chứng khoán bằng cách bán tháo mọi thứ và lên núi ở ẩn? Đổi hết tài sản ra tiền mặt (chấp nhận không lợi nhuận) và đợi cho đến khi thị trường giảm mạnh để bạn có thể mua vào với giá thấp hơn? Nhưng bạn có thể chờ bao lâu? Thế còn những linh hồn bất hạnh đã chờ suốt nhiều năm và bỏ lỡ toàn bộ giai đoạn thị trường giá lên thì sao? Hay bạn nên trụ lại trong thị trường, ngồi yên, nhắm mắt và vào tư thế tự bảo vệ như khi chuẩn bị va chạm? Tôi đã nói với bạn rồi: không có phương án nào trong số đó nghe có vẻ hấp dẫn!
Như bạn đã biết, con người thường gặp khó khăn khi xử lý chuyện không chắc chắn. Vậy làm thế nào chúng ta có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan trong một môi trường nơi mọi thứ đều có vẻ không chắc chắn? Chúng ta có thể làm gì nếu không biết khi nào thị trường sẽ lao dốc - khi “mùa đông chứng khoán” cuối cùng cũng đến?
Tôi có một tin vui dành cho bạn: chúng ta biết khi nào mùa đông sẽ đến. Tại sao? Bởi vì khi nhìn lại thị trường chứng khoán trong hơn một thế kỷ qua, chúng ta phát hiện ra sự thật phi thường này: mùa đông chứng khoán đến với tần suất trung bình mỗi năm một lần.
Một khi bắt đầu nhận ra những quy luật dài hạn như thế này, bạn có thể tận dụng chúng. Không chỉ vậy, nỗi sợ sự không chắc chắn của bạn sẽ tan biến bởi bạn hiểu rằng những khía cạnh quan trọng trong thị trường tài chính đều dễ dự đoán hơn bạn nghĩ.
Vì vậy, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn bảy sự thật về cách thức vận hành của thị trường. Bạn sẽ thấy có một số quy luật lặp đi lặp lại, và bạn sẽ học cách đưa ra quyết định dựa trên sự hiểu biết về các quy luật đó - giống như tổ tiên chúng ta đã học được rằng gieo hạt vào mùa xuân chính là một chiến lược hoàn hảo. Tất nhiên, không có điều gì là hoàn toàn chắc chắn trong nông nghiệp, thị trường tài chính hay cuộc sống của chúng ta! Có những năm mùa đông đến sớm hơn hoặc muộn hơn; có những năm mùa đông rất khắc nghiệt nhưng cũng có những năm khá “dễ thở”. Nhưng khi bạn duy trì cách tiếp cận hiệu quả suốt nhiều năm liền, xác suất thành công của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Điều làm cho các bậc thầy kiếm tiền khác với đám đông còn lại là khả năng tìm ra chiến lược đầu tư hiệu quả và kiên trì theo đuổi nó, vì thế phần thắng luôn nghiêng về phía họ.
Khi hiểu bảy sự thật không thể phủ nhận mà chúng tôi sắp giải thích dưới đây, bạn sẽ biết các mùa tài chính hoạt động như thế nào. Bạn sẽ biết luật chơi - các quy tắc tạo nên cuộc chơi tài chính. Sự hiểu biết này sẽ mang lại cho bạn một lợi thế lớn, vì nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm và sành sỏi cũng không biết những sự thật này. Khi được trang bị đầy đủ kiến thức, bạn có thể tham gia cuộc chơi, bám trụ và giành chiến thắng. Trên hết, những sự thật này sẽ giải phóng bạn khỏi mọi nỗi sợ hãi và bất an đang chi phối cuộc sống tài chính của hầu hết mọi người. Đó là lý do chúng tôi gọi chúng là “Những sự thật mang lại tự do tài chính”.
Bên cạnh đó, tôi cần nói với bạn điều này: đầu tư mà không bị tác động bởi nỗi sợ là một năng lực cực kỳ quan trọng. Tại sao? Vì rất nhiều người bị nỗi sợ làm cho tê liệt đến mức không dám đầu tư dù chỉ một chút. Họ sợ thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và cuốn phăng toàn bộ số tiền tiết kiệm mà họ đã vất vả làm ra. Họ sợ cổ phiếu sẽ lao dốc ngay sau khi họ đầu tư vào đó. Họ sợ họ sẽ bị thương vì không biết mình đang làm gì. Nhưng như bạn sẽ sớm nhận ra, những nỗi sợ đó sẽ nhanh chóng biến mất khi bạn hiểu được các quy luật thực tế mà chúng tôi sẽ tiết lộ trong vài trang tiếp theo.
Nhưng trước khi bắt đầu, hãy để tôi giải thích ngắn gọn một số biệt ngữ đầu tư. Khi bất kỳ thị trường nào giảm ít nhất 10% so với mức đỉnh của nó, thị trường đó đang trải qua một lần điều chỉnh giá - một thuật ngữ hết sức trung tính và tạo cảm giác vô cùng bình thản nhưng lại chỉ một trải nghiệm mà hầu hết mọi người đều e ngại không kém gì trải nghiệm nhổ răng khôn! Khi một thị trường giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh của nó, người ta gọi đó là thị trường giá xuống.
Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách chia sẻ một số sự thật đáng kinh ngạc về sự điều chỉnh giá của thị trường. Sau đó, chúng tôi sẽ nói rõ hơn về thị trường giá xuống. Cuối cùng, chúng tôi sẽ lý giải về sự thật quan trọng nhất: mối nguy lớn nhất không phải là sự điều chỉnh giá hay thị trường giá xuống, mà là tình trạng không tham gia vào thị trường.
Sự thật #1: Sự điều chỉnh giá xảy ra trung bình mỗi năm một lần kể từ năm 1900
Bạn đã bao giờ nghe các chuyên gia tài chính trên kênh CNBC hoặc MSNBC17 nói về thị trường chứng khoán chưa? Họ thật sự xuất sắc trong việc làm cho thị trường chứng khoán nghe có vẻ vô cùng kịch tính đúng không? Họ thích nói về sự biến động và hỗn loạn, vì nỗi sợ sẽ khiến bạn vào tròng. Họ liên tục phân tích các cuộc khủng hoảng nhỏ mà các “nhà tiên tri” dự đoán là có thể kích hoạt tình trạng hỗn loạn trên thị trường. Cuộc khủng hoảng mà họ đề cập có thể là tình trạng bất ổn ở Trung Đông, sự sụt giảm giá dầu, thực trạng Mỹ bị tụt hạng tín nhiệm vì nợ công, một “bờ vực tài chính”18, sự bất đồng trong việc duyệt ngân sách, Brexit, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, hoặc bất cứ điều gì khác mà các chuyên gia tài chính này có thể dùng để thu hút sự quan tâm. Và nhân tiện, nếu bạn không hiểu những “cuộc khủng hoảng” kể trên, đừng lo lắng, vì hầu hết các chuyên gia đó cũng không hiểu gì cả!
17 Hai kênh truyền hình và truyền thanh lớn ở Mỹ, chuyên đưa tin thời sự chính thống. Trong đó, CNBC là kênh chuyên về tin tài chính và thương mại.
18 Từ gốc là “fiscal cliff”, một kịch bản mà trong đó nguồn thu ngân sách của Mỹ sẽ tăng vọt trong năm 2013 trong khi chi tiêu của Chính phủ Mỹ sẽ giảm bớt trong cùng năm. Vì thế, theo kịch bản này, mức độ thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2013 sẽ giảm còn khoảng một nửa so với năm 2012. Bản chất của việc thâm hụt được cắt giảm này là do tăng thuế và giảm chi tiêu ngân sách. Nếu nước Mỹ không tránh được kịch bản này, tác động của việc tăng thuế và thắt chặt chi tiêu có thể gây ra một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2013 - một kết cục mà các chuyên gia gọi là trạng thái nền kinh tế “rơi xuống vực thẳm”.
Tôi không thể trách họ tạo ra thứ kịch tính cường điệu như vậy. Đó là công việc của họ. Nhưng thành thật mà nói, không có điều nào trong số đó thật sự gây cấn như họ nói. Rất nhiều câu chuyện trong số đó đã được thổi phồng lên nhằm thu hút sự chú ý của bạn, để ngăn bạn cầm chiếc điều khiển từ xa lên và bấm chuyển kênh. Vấn đề là tất cả những lời lảm nhảm này, sự kịch tính này, cảm xúc này có thể khiến chúng ta khó suy nghĩ mạch lạc. Khi nghe những “chuyên gia” này nói với giọng nghiêm trọng về khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh giá, một sự gãy vỡ hoặc một cuộc khủng hoảng, chúng ta dễ trở nên lo lắng vì mọi thứ nghe như tận thế đến nơi. Chuyện này có thể có lợi cho nhà đài, nhưng việc mà bạn và tôi không muốn làm nhất là đưa ra quyết định tài chính dựa trên nỗi sợ. Vì vậy, chúng ta phải loại bỏ cảm xúc khỏi cuộc chơi này càng nhiều càng tốt.
Thay vì bị phân tâm bởi những thông tin nhiễu loạn từ các “chuyên gia” này, bạn nên tập trung vào một số sự kiện then chốt thật sự quan trọng. Ví dụ: kể từ năm 1900, năm nào cũng xuất hiện sự điều chỉnh giá trong thị trường chứng khoán. Khi lần đầu tiên nghe điều này, tôi đã vô cùng bối rối. Cứ nghĩ mà xem: nếu năm nay bạn 50 tuổi và nếu bạn sống đến năm 85 tuổi, bạn có thể chứng kiến 35 lần điều chỉnh của thị trường nữa. Nói cách khác, bạn sẽ trải nghiệm số lần điều chỉnh thị trường bằng với số lần sinh nhật của bạn!
Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì nó cho bạn thấy những đợt điều chỉnh của thị trường chỉ là một phần trong thông lệ của trò chơi. Thay vì sống trong nỗi sợ về chúng, bạn và tôi phải chấp nhận chúng như những sự kiện diễn ra thường xuyên - như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Chưa hết! Theo ghi nhận, một đợt điều chỉnh giá bình thường chỉ kéo dài 54 ngày - chưa tới hai tháng! Nói cách khác, hầu hết các giai đoạn điều chỉnh của thị trường đều biến mất trước khi bạn kịp nhận ra. Không đáng sợ lắm đúng không?
Tuy nhiên, khi đang trải qua giai đoạn điều chỉnh của thị trường, bạn có thể thấy mình trở nên dễ dao động và chỉ muốn bán tống bán tháo cổ phiếu vì lo rằng mình sẽ bị thiệt nhiều hơn nếu không bán. Hẳn nhiên, không chỉ có mình bạn nghĩ như vậy. Những cảm xúc lan tỏa theo diện rộng này tạo ra tâm lý khủng hoảng. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là trong hơn 100 năm qua, thị trường chỉ giảm trung bình 13,5% sau một đợt điều chỉnh giá. Nếu tính riêng từ năm 1980 đến cuối năm 2015, mức giảm trung bình là 14,2%.
Có thể bạn cảm thấy không mấy dễ chịu khi tài sản của bạn bị sụt giảm giá trị như vậy - và sự không chắc chắn của hoàn cảnh đó thường khiến nhiều người phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng. Nhưng hãy nhớ chỉ cần bạn vững tay chèo, cơn dông trước mắt sẽ sớm qua đi.
Sự thật #2: Có chưa đến 20% đợt điều chỉnh giá tạo ra thị trường giá xuống
Khi thị trường bắt đầu bị xáo trộn mạnh - đặc biệt là khi nó sụt giảm hơn 10% - nhiều người không thể chịu đựng được nỗi bất an và bắt đầu bán tháo vì sợ sự sụt giảm này có thể biến thành vòng xoáy tử thần. Chẳng phải họ chỉ đang hành động hợp lý và thận trọng sao? Thực tế thì không phải vậy. Chưa tới 1/5 các đợt điều chỉnh giá leo thang đến mức tạo thành một thị trường giá xuống. Nói cách khác, 80% các đợt điều chỉnh giá không tạo thành thị trường giá xuống.
Nếu bạn hoảng sợ và chuyển chứng khoán thành tiền mặt trong thời gian thị trường đang điều chỉnh, đó có thể là hành động ngốc nghếch vì có thể thị trường sẽ phục hồi ngay sau đó. Khi bạn hiểu rằng phần lớn các đợt điều chỉnh giá của thị trường không tệ đến mức đó, bạn sẽ dễ giữ được bình tĩnh hơn và chống lại cám dỗ nhấn nút “bán tháo” ngay khi nhìn thấy dấu hiệu đầu tiên của sự hỗn loạn.
Sự thật #3: Không ai có thể liên tục dự đoán chính xác thị trường sẽ tăng hay giảm
Các phương tiện truyền thông thường lan truyền một chuyện hoang đường rằng nếu đủ thông minh, bạn có thể dự đoán các động thái của thị trường và tránh được khi nó suy thoái. Ngành công nghiệp tài chính cũng thuyết phục bạn tin một ảo tưởng tương tự: các nhà kinh tế học và “chuyên gia chiến lược thị trường” từ các ngân hàng đầu tư lớn tự tin dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ đứng ở đâu vào cuối năm, như thể họ có quả cầu tiên tri hay khả năng nhìn thấu quá khứ vị lai vậy!
Những người phụ trách viết bản tin định kỳ cũng hành động như thể họ là nhà tiên tri Nostradamus và cảnh báo bạn về “sự sụp đổ sắp đến” với hy vọng bạn sẽ cảm thấy bức bách phải đăng ký sử dụng dịch vụ của họ để có thể tránh được thảm họa này. Nhiều người trong số họ đưa ra những lời dự đoán đáng sợ y hệt nhau hết năm này qua năm khác cho đến một ngày dự đoán đó trở thành sự thật, việc mà bất kỳ ai cũng làm được. Ngay cả một người đeo chiếc đồng hồ bị hỏng cũng có thể nói giờ chính xác hai lần trong ngày. Sau đó, những nhà tiên tri tự xưng này sử dụng dự đoán “chính xác” đó để tiếp thị bản thân như một chuyên gia xuất sắc trong việc dự đoán thời điểm thị trường. Nếu không đủ khôn ngoan và tỉnh táo, bạn sẽ rất dễ sa vào chiếc bẫy này.
Có thể một số trong những người này thật sự tin vào khả năng tiên đoán biến động thị trường của mình, nhưng đa số những người còn lại chỉ là những con buôn khua môi múa mép. Vì vậy, bạn có thể xem họ là kẻ ngốc hoặc những tên lừa gạt. Bản thân tôi cũng không thể quyết định xem họ là ai! Nhưng tôi sẽ nói với bạn điều này, nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy bị thuyết phục bởi những lời của họ, hãy nhớ lại câu nói này của nhà vật lý Niels Bohr: “Dự đoán là một việc cực kỳ khó, đặc biệt là dự đoán về tương lai”.
Tôi không biết bạn cảm thấy thế nào về các bà tiên hoặc ông già Noel. Tuy nhiên, khi nói đến tài chính, tốt nhất bạn nên nhìn vào sự thật. Sự thật là không ai có thể liên tục dự đoán chính xác thị trường sẽ lên hay xuống. Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng bạn hoặc tôi đã thành công đoán đúng thời điểm thị trường vì đã nhảy vào và thoát ra vào đúng lúc.
Nếu bạn không tin, hãy xem hai trong số những bậc thầy khôn ngoan nhất của giới tài chính nói gì về việc canh thời điểm thị trường và những khó khăn của việc dự đoán biến động thị trường. Jack Bogle, người sáng lập Vanguard, một công ty tài chính đang quản lý khối tài sản trị giá hơn ba ngàn tỷ đô-la, nhận định: “Đúng là thật tuyệt khi có thể bán hết chứng khoán với giá cao và mua vào với giá thấp, nhưng trong 65 năm trong ngành, không chỉ tôi chưa từng gặp được ai biết cách làm điều đó mà người quen của tôi cũng không biết ai từng làm được như vậy”. Còn Warren Buffett thì nói: “Giá trị duy nhất của các nhà dự đoán chứng khoán chính là làm cho mấy ông thầy bói trông có vẻ tốt đẹp hơn”.
Tuy nhiên, tôi phải thú nhận rằng thật thú vị khi xem các chuyên gia thị trường, nhà bình luận và nhà kinh tế học tự đem bản thân ra làm trò hề bằng cách cố xác định chính xác thời điểm thị trường điều chỉnh. Hãy xem biểu đồ ở trang sau và bạn sẽ hiểu ý tôi. Một trong những ví dụ yêu thích của tôi là câu chuyện về nhà kinh tế học, Tiến sĩ Nouriel Roubini, người đã dự đoán (sai) rằng sẽ có một đợt điều chỉnh thị trường chứng khoán “đáng kể” xảy ra vào năm 2013. Roubini, một trong những nhà dự báo nổi tiếng nhất thời đại của chúng ta, được đặt biệt danh là “Tiến sĩ Thảm Họa” vì đưa ra rất nhiều lời tiên tri về thảm họa tài chính. Ông đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thật không may, ông cũng từng cảnh báo về một cuộc suy thoái vào các năm 2004 (sai), 2005 (sai), 2006 (sai) và 2007 (cũng sai).
Theo kinh nghiệm của tôi, những nhà tiên tri thị trường như Roubini rất thông minh, có lý lẽ rành mạch và lập luận của họ thường rất thuyết phục. Nhưng họ làm giàu bằng cách đưa ra những dự đoán khiến bạn sợ chết khiếp - và họ dự đoán sai hết lần này tới lần khác. Đôi khi họ đoán đúng, nhưng nếu nghe theo tất cả những lời cảnh báo đáng sợ của họ thì cuối cùng bạn sẽ ôm chặt cái tráp đựng tiền tiết kiệm cả đời của mình và trốn xuống gầm giường. Và để tôi cho bạn biết một bí mật: lịch sử cho thấy đây không phải là một chiến lược có thể giúp bạn đạt được thành công tài chính lâu dài.
Các dự đoán “trời ơi đất hỡi”
Nếu thích, bạn có thể dành ra ít phút để lướt qua 33 dự đoán sai của các nhà dự báo thị trường chứng khoán tự phong. Mỗi dự đoán dưới đây tương ứng với một ngày trên biểu đồ. Xu hướng chung là các dự đoán đều nói thị trường sẽ đi xuống trong khi thực tế nó lại đi lên.
1. “Thị trường sắp có đợt điều chỉnh”, Bert Dohmen, Dohmen Capital Research Group, 7/3/2012.
2. “Cổ phiếu đang đùa giỡn với sự điều chỉnh của thị trường”, Ben Rooney, CNN Money, 1/6/2012.
3. “Thị trường điều chỉnh 10%: giữ chặt hay bán tháo?”, Matt Krantz, USA Today, 5/6/2012.
4. “Trên thực tế, sự điều chỉnh đáng kể về giá cổ phiếu có thể là động lực khiến nền kinh tế Mỹ bị thu hẹp hoàn toàn vào năm 2013”, Nouriel Roubini, Roubini Global Economics, 20/7/2012.
5. “Chuẩn bị cho sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 2013”, Jonathan Yates, moneymorning.com, 23/6/2012.
6. “Dự đoán năm 2013 của Tiến sĩ Thảm Họa: Roubini cho biết tình trạng hỗn loạn tồi tệ hơn sắp xuất hiện trong nền kinh tế toàn cầu; 5 yếu tố gây ra tình trạng này”, Kukil Bora, International Business Times, 24/7/2012.
7. “Cẩn thận chờ đón một đợt điều chỉnh thị trường - hoặc tệ hơn”, Mark Hulbert, MarketWatch, 8/8/2012.
8. “Chúng ta cần sẵn sàng cho sự điều chỉnh 8-10% trong tháng Chín”, MaryAnn Bartels, Bank of America-Merrill Lynch, 22/8/2012.
9. “Điều đó đang đến: Một chuyên gia dự đoán đợt bán tháo cổ phiếu lớn sau 10 ngày nữa”, John Melloy, CNBC, 4/9/2012.
10. “Cảnh báo: Một đợt điều chỉnh thị trường đang tới”, Hibah Yousuf, CNN Money, 4/10/2012.
11. “Tôi đi vòng quanh thành phố để nói với các khách hàng của tôi rằng nền kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái”, Michael Belkin, Belkin Limited, 15/10/2012.
12. “Có thể bờ vực tài chính sẽ gây ra sự điều chỉnh giá”, Caroline Valetkevitch và Ryan Vlastelica, Reuters, 9/11/2012.
13. “Tại sao thị trường chứng khoán sắp có đợt điều chỉnh lớn”, Mitchell Clark, Lombardi Financial, 14/11/2012.
14. “Chúng ta sẽ đối mặt với một thị trường sụp đổ nữa trước khi mùa hè tới”, Harry Dent, Dent Research, 8/1/2013.
15. “Điều chỉnh thị trường đã và đang xảy ra”, Rick Newman, U.S. News & World Report, 21/2/2013.
16. “Nền kinh tế chậm chạp có thể báo hiệu đợt điều chỉnh mới”, Maureen Farrell, CNN Money, 28/2/2013.
17. “Tôi tin rằng có đợt điều chỉnh đang đến”, Byron Wien, Blackstone, 4/4/2013.
18. “Một đợt điều chỉnh bị trì hoãn đã lâu của thị trường có vẻ đang bắt đầu”, Jonathan Castle, Paragon Wealth Strategies, 8/4/2013.
19. “5 dấu hiệu cảnh báo đợt điều chỉnh thị trường sắp tới”, Dawn Bennett, Bennett Group Financial Services, 16/4/2013.
20. “Các dấu hiệu cảnh báo thị trường chứng khoán đang trở nên đáng lo ngại”, Sy Harding, StreetSmartReport.com, 22/4/2013.
21. “Đừng mua - hãy bán các tài sản rủi ro”, Bill Gross, PIMCO, 2/5/2013.
22. “Đây có thể không phải là lúc để chạy trốn rủi ro, nhưng là lúc để bỏ đi”, Mohamed El-Erian, PIMCO, 22/5/2013.
23. “Chúng ta sẽ sớm gặp thị trường điều chỉnh”, Byron Wien, Blackstone, 3/6/2013.
24. “Cuộc thăm dò ngày tận thế: 87% nguy cơ sụp đổ cổ phiếu vào cuối năm nay”, Paul Farrell, MarketWatch, 5/6/2013.
25. “Cổ phiếu giảm: Thị trường đang có xu hướng điều chỉnh lớn”, Adam Shell, USA Today, 15/6/2013.
26. “Đừng đắc thắng - Một đợt điều chỉnh thị trường đang tới”, Sasha Cekerevac, Investment Contrarians, 12/7/2013.
27. “Trong hai tháng, các mô hình dự báo của tôi nói rằng 19/7 sẽ là ngày bắt đầu một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán”, Jeff Saut, raymondjames.com, 18/7/2013.
28. “Dấu hiệu cho thấy một đợt điều chỉnh sắp xảy ra”, John Kimelman, Barron’s, 13/8/2013.
29. “Theo dấu đợt điều chỉnh thị trường: Còn bao lâu nữa? Tệ đến mức nào? Làm sao chuẩn bị?”, Kevin Cook, Zacks.com, 23/8/2013.
30. “Tôi nghĩ khả năng cao là thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ”, Henry Blodget, Business Insider, 26/9/2013.
31. “5 lý do cho thấy một đợt điều chỉnh đang đến”, Jeff Reeves, MarketWatch, 18/11/2013.
32. “Đã đến lúc đối mặt với đợt điều chỉnh 20%”, Richard Rescigno, Barron’s, 14/12/2013.
33. “Phó chủ tịch Wien của Blackstone: Thị trường chứng khoán sẵn sàng cho đợt điều chỉnh 10%”, Dan Weil, Moneynews.com, 16/1/2014.
Sự thật #4: Thị trường tăng theo thời gian bất chấp nhiều đợt suy giảm ngắn hạn
Chỉ số S&P 500 có mức giảm trung bình 14,2% một năm kể từ năm 1980 đến cuối năm 2015. Nói cách khác, những đợt thị trường sụt giảm này diễn ra đều đặn trong suốt 36 năm. Một lần nữa, không có gì phải sợ - đây chỉ là chuyện mùa đông xuất hiện vào thời điểm mà nó vẫn thường xuất hiện mỗi năm. Nhưng bạn biết điều gì làm tôi sửng sốt không? Như bạn có thể thấy trong biểu đồ bên dưới, thật ra thị trường đã đạt lợi nhuận dương trong 27 trên tổng số 36 năm đó, tức 75% tổng thời gian!
Những kết thúc tốt đẹp
Mặc dù có mức sụt giảm trung bình 14,2% một năm, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đạt lợi nhuận dương trong 27 trên tổng số 36 năm qua.
Tại sao điều này lại quan trọng đến vậy? Bởi vì nó nhắc nhở chúng ta rằng nhìn chung, thị trường thường tăng nếu xét trong thời gian dài - dù trên chặng đường dài đó có không ít ổ gà. Bạn và tôi đều biết thế giới gặp khá nhiều vấn đề trong 36 năm đó, bao gồm hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, vụ khủng bố 11/9, các xung đột ở Iraq và Afghanistan và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Mặc dù vậy, ngoại trừ 9 năm có các biến cố đó, cuối cùng thì thị trường đều đi lên trong tất cả khoảng thời gian còn lại.
Điều này có ý nghĩa gì trong thực tiễn? Nó có nghĩa là bạn và tôi nên nhớ rằng khi xét theo chặng đường dài, kết quả sau cùng thường tốt đẹp ngay cả khi những tin tức ngắn hạn cực kỳ ảm đạm và thị trường đang bị dập tả tơi. Chúng ta không cần sa lầy vào lý thuyết kinh tế ở đây, nhưng cần lưu ý rằng thị trường chứng khoán Mỹ thường tăng theo thời gian vì nền kinh tế phát triển khi các công ty Mỹ kinh doanh có lợi nhuận hơn, người lao động Mỹ làm việc có hiệu quả và năng suất hơn, dân số tăng lên và khi các công nghệ mới ra đời thúc đẩy sự đổi mới.
Tôi không nói rằng mọi công ty - hay mọi cổ phiếu riêng lẻ - đều sẽ kiếm được lợi nhuận theo thời gian. Như bạn và tôi đều biết, thương trường như chiến trường! Một số công ty sẽ sụp đổ, một số cổ phiếu sẽ giảm xuống bằng 0. Nhưng một lợi thế lớn của việc sở hữu một quỹ chỉ số theo dõi hàng loạt cổ phiếu như S&P 500 là các công ty yếu hơn sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng các công ty mạnh hơn. Đó chính là cuộc chiến sinh tồn! Điều tuyệt vời là bạn sẽ được hưởng lợi từ những lần “nâng cấp” về mặt chất lượng này của các công ty trong quỹ chỉ số. Bằng cách nào? đơn giản thôi, trong vai trò là một cổ đông của một quỹ chỉ số, bạn sở hữu một phần dòng tiền tương lai của các công ty trong quỹ chỉ số đó. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đang kiếm tiền cho bạn ngay cả khi bạn đang ngủ!
Nhưng nếu tương lai nền kinh tế Mỹ trở nên u ám thì sao? Đó là một câu hỏi hợp tình hợp lý. Tất cả chúng ta đều biết có những thử thách lớn cho nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn như mối đe dọa khủng bố, tình trạng ấm lên toàn cầu hoặc các nghĩa vụ an sinh xã hội. Mặc dù vậy, đây là một nền kinh tế cực kỳ năng động và bền bỉ với những xu hướng mạnh mẽ giúp tạo đà tăng trưởng cho chính nó trong tương lai. Trong báo cáo thường niên năm 2015 của mình, Warren Buffett đã dành một phần nội dung lớn cho chủ đề này, lý giải làm thế nào sự gia tăng dân số và giá trị gia tăng từ năng suất lao động phi thường tạo ra sự gia tăng đáng kể về tài sản cho thế hệ người Mỹ tiếp theo. Ông viết: “Xu hướng mạnh mẽ này chắc chắn sẽ tiếp tục: phép màu kinh tế Mỹ vẫn tồn tại và tốt đẹp. Trong suốt 240 năm qua, thật sai lầm nếu không tin tưởng nền kinh tế Mỹ, và hiện tại chúng ta cũng không có lý do gì để nghi ngờ nền kinh tế này”.
Sự thật #5: Theo ghi nhận, thị trường giá xuống xảy ra mỗi 3-5 năm một lần
Tôi hy vọng bạn bắt đầu hiểu tại sao bạn nên trở thành một nhà đầu tư dài hạn chứ không phải chỉ là một người giao dịch ngắn hạn. Tôi cũng hy vọng giờ đây bạn đã hiểu mình không cần phải sống trong nỗi sợ hãi khi thị trường điều chỉnh giá. Hãy để tôi tóm tắt lại một chút: bây giờ bạn đã biết những đợt điều chỉnh của thị trường diễn ra thường xuyên, không ai có thể đoán được thời điểm chúng xảy ra, bạn cũng biết thị trường thường phục hồi nhanh chóng và tiếp tục quỹ đạo đi lên. Lúc này, nỗi sợ của bạn hẳn đã trở thành sức mạnh. Hãy tin tôi, những sự thật này ập đến với tôi như một sự khai sáng: một khi tôi đã hiểu được chúng, mọi nỗi lo lắng của tôi về sự điều chỉnh của thị trường đều tan biến. Đây là bằng chứng thực tế cho thấy con rắn tôi sợ chỉ là một sợi dây thừng vô hại!
Nhưng thị trường giá xuống thì sao? Chúng ta không nên khiếp sợ các thị trường giá xuống hay sao? Trên thực tế, câu trả lời là không. Một lần nữa, chúng ta cần hiểu một vài dữ kiện quan trọng để có thể hành động trên kiến thức chứ không phải cảm xúc.
Đầu tiên, bạn cần biết là đã có 34 thị trường giá xuống xuất hiện trong 115 năm từ 1900 đến 2015. Nói cách khác, trung bình, thị trường giá xuống diễn ra gần 3 năm một lần. Gần nay hơn, thị trường giá xuống xuất hiện thưa hơn một chút: trong 70 năm kể từ năm 1946, chỉ có 14 thị trường giá xuống. Đó là tần suất 5 năm một lần. Như vậy, tùy vào việc chúng ta bắt đầu tính từ mốc thời gian nào, các thị trường giá xuống trong quá khứ thường xảy ra mỗi 3 hoặc 5 năm một lần. Với tốc độ đó, nếu bạn 50 tuổi, khả năng cao là bạn sẽ còn trải qua tám hoặc mười lần thị trường giá xuống khác nữa!
Bạn và tôi đều biết tương lai không phải là một bản sao chính xác của quá khứ. Tuy nhiên, tìm hiểu những gì đã xảy ra trong quá khứ để hiểu hơn về các sự kiện lặp đi lặp lại này vẫn là việc vô cùng hữu ích, như câu nói: “Lịch sử không lặp lại, nhưng nhịp điệu của lịch sử thì có”. Vậy chúng ta học được gì từ hơn một thế kỷ lịch sử tài chính? Chúng ta học được rằng thị trường giá xuống có khả năng diễn ra vài năm một lần, bất kể chúng ta muốn hay không. Như tôi đã nói trước đây, mùa đông đang đến. Vì vậy, tốt hơn hết chúng ta nên làm quen và chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đông đó.
Mọi thứ sẽ tồi tệ đến mức nào khi thị trường thật sự sụp đổ? Lịch sử cho thấy, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 33% trong thị trường giá xuống. Trong hơn 1/3 thị trường giá xuống, chỉ số giảm hơn 40%. Tôi sẽ không “bọc đường” sự thật này. Nếu bạn hoảng loạn bán tháo mọi thứ để rồi thua lỗ hơn 40%, bạn sẽ thật sự cảm thấy như thể mình đang bị tấn công. Ngay cả khi có hiểu biết và đủ can đảm để không bán tháo cổ phiếu, có thể bạn vẫn sẽ cảm thấy thị trường giá xuống là một trải nghiệm đầy căng thẳng.
Ngay cả một “chiến mã” già đời như Jack Bogle bạn tôi cũng thừa nhận rằng không dễ vượt qua thị trường giá xuống. Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy như thế nào khi thị trường giảm 50% à? Thành thật mà nói, tôi cảm thấy đau khổ, đau đến thắt ruột. Vậy tôi phải làm gì? Tôi lấy ra một vài quyển sách mà tôi đã viết về cách ‘trụ lại thị trường’ và đọc lại!”.
Đáng buồn thay, nhiều chuyên gia tư vấn đã trở thành nạn nhân của nỗi sợ tương tự và tìm chỗ trốn cho qua những giai đoạn hỗn loạn này. Peter Mallouk nói với tôi rằng sự giao tiếp không gián đoạn giữa những cơn bão như thế này là điều làm nên sự khác biệt của Creative Planning. Công ty của anh ấy như ngọn hải đăng liên tục phát đi thông điệp “Hãy giữ đúng lộ trình!”.
Đây là điều bạn cần biết: thị trường giá xuống không kéo dài mãi. Nếu bạn nhìn vào bảng biểu đồ dưới đây, bạn sẽ thấy chuyện gì đã xảy ra trong 14 thị trường giá xuống ở Mỹ trong 70 năm qua. Các thị trường này có độ dài khác nhau, từ một tháng rưỡi (45 ngày) đến gần hai năm (694 ngày). Trung bình, chúng xảy ra trong khoảng một năm.
Khi đang ở giữa giai đoạn thị trường giá xuống, bạn sẽ thấy phần lớn những người xung quanh trở nên bi quan. Họ bắt đầu tin rằng thị trường sẽ không bao giờ tăng lên lại, rằng họ sẽ thua lỗ nặng nề hơn, rằng mùa đông sẽ không bao giờ dứt. Nhưng hãy nhớ: mùa đông sẽ qua! Mùa xuân sẽ luôn đến.
Các nhà đầu tư thành công nhất tận dụng toàn bộ nỗi sợ và sự u ám đó, sử dụng những giai đoạn hỗn loạn để đầu tư nhiều tiền hơn với giá hời. Ngài John Templeton, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ trước, đã nói rất nhiều về vấn đề này với tôi trong vài cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện với ông ấy trước khi ông ấy qua đời vào năm 2008. Templeton, người đã làm giàu từ việc mua cổ phiếu giá rẻ giữa Chiến tranh Thế giới thứ hai đã giải thích: “Cơ hội đầu tư tốt nhất đến từ những lần thị trường làm người ta bi quan nhất”.
Sự thật #6: Thị trường giá xuống trở thành thị trường giá lên và kẻ bi quan trở thành người lạc quan
Bạn có nhớ thế giới dường như mong manh dễ vỡ như thế nào vào năm 2008 khi các ngân hàng sụp đổ và thị trường chứng khoán thế giới rơi tự do không? Khi tưởng tượng ra viễn cảnh đó, bạn có thấy nó tăm tối và nguy hiểm không? Hay bạn cảm thấy thời gian vui vẻ đã đến gần và bữa tiệc sắp bắt đầu?
Như bạn có thể thấy trong bảng thông tin bên trên, thị trường chứng khoán cuối cùng đã chạm đáy vào ngày 9 tháng Ba năm 2009. Bạn có biết chuyện gì xảy ra sau đó không? Chỉ số S&P 500 tăng 69,5% trong 12 tháng tiếp theo. Thật là một cú lội ngược dòng ngoạn mục! Mới phút trước, thị trường đang chao đảo. Ngay phút sau đó, chúng ta bắt đầu thấy một trong những thị trường giá lên chấn động nhất lịch sử xuất hiện! Khi tôi viết những điều này vào cuối năm 2016, chỉ số S&P 500 đã tăng đáng kinh ngạc lên 266% kể từ mức thấp nhất vào tháng Ba năm 2009.
Bạn có thể nghĩ rằng đây là một sự kiện kỳ lạ. Nhưng như bạn có thể thấy trong bảng thông tin trên, tình trạng thị trường giá xuống đột ngột nhường chỗ cho thị trường giá lên đã lặp đi lặp lại ở Mỹ trong 75 năm qua.
Bây giờ bạn đã hiểu tại sao Warren Buffett nói ông ấy thích trở nên tham lam khi người khác đang sợ hãi chưa? Ông ấy biết tâm trạng sợ hãi và chán nản có thể chuyển sang lạc quan cao độ một cách nhanh chóng như thế nào. Trên thực tế, khi thị trường quá ảm đạm, các nhà đầu tư siêu hạng như Buffett có khuynh hướng xem đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy những giai đoạn tốt đẹp hơn đang ở phía trước.
Bạn sẽ thấy quy luật tương tự khi nói đến niềm tin của người tiêu dùng, một thước đo mức độ lạc quan hay bi quan của họ về tương lai. Trong thời kỳ thị trường giá xuống, các nhà bình luận thường nhận xét rằng người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì quá lo lắng cho tương lai. Đó là một vòng lẩn quẩn: người tiêu dùng chi tiêu ít hơn, vì vậy các công ty kiếm được ít tiền hơn. Và nếu các công ty kiếm được ít hơn, chẳng phải điều đó có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ không thể phục hồi hay sao? Có thể bạn nghĩ như vậy. Nhưng những giai đoạn tình hình tiêu dùng ảm đạm này thường là thời điểm lý tưởng để đầu tư. Hãy nhìn vào bảng “Ai cần tự tin?” và bạn sẽ thấy một loạt thị trường giá lên đã bắt đầu xuất hiện trong khi niềm tin của người tiêu dùng ở mức rất thấp.
Tại sao? Bởi vì thị trường chứng khoán không nhìn vào ngày hôm nay. Thị trường chứng khoán luôn hướng đến ngày mai. Điều quan trọng nhất không phải là nền kinh tế đang ở đâu mà là nó đang hướng tới đâu. Và khi mọi thứ tưởng chừng như thật kinh khủng thì con lắc lại từ từ đảo chiều. Trên thực tế, mọi thị trường giá xuống trong lịch sử Mỹ đều được nối tiếp bởi một thị trường giá lên, không có ngoại lệ!
Khả năng phục hồi đáng kinh ngạc này giúp các nhà đầu tư dài hạn tại Mỹ “dễ thở” hơn một chút vì những giai đoạn tồi tệ rồi sẽ qua và những giai đoạn tốt đẹp sẽ đến. Nhưng còn những quốc gia khác thì sao? Họ có chứng kiến quy luật thị trường xuống rồi sẽ lên hay chưa?
Nhìn chung thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, Nhật Bản đã có một trải nghiệm gian nan hơn nhiều. Bạn có nhớ những năm 1980 khi các công ty Nhật dường như sắp thống trị thế giới không? Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng gấp sáu lần trong những năm lạc quan đó và đạt mức cao nhất là 38.957 điểm vào năm 1989. Sau đó, thị trường chứng khoán Nhật vỡ vụn. Đến tháng Ba năm 2009, chỉ số Nikkei giảm xuống mức thấp nhất là 7.055 điểm, tương đương lỗ 82% trong 20 năm! Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nikkei đã có sự trở lại mạnh mẽ, phục hồi đến mức 17.079 điểm. Mặc dù vậy, sau gần ba thập niên, thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn đang ở dưới mức đỉnh.
Như chúng ta sẽ thảo luận ở phần sau, bạn có thể tự bảo vệ bản thân trước thảm họa này bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng trên phạm vi toàn cầu cũng như đa dạng các loại tài sản khác nhau.
“Thị trường chứng khoán là công cụ để chuyển tiền của những người thiếu kiên nhẫn sang túi của những người kiên nhẫn.”
- WARREN BUFFETT, nhà đầu tư thành công nhất thế giới
Bạn đã bao giờ nghe thấy các bản tin đề cập tới chuyện thị trường chứng khoán vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại không? Có thể khi đó bạn có cảm giác nhộn nhạo rằng có lẽ chúng ta đang bay quá gần mặt trời, rằng trọng lực sắp thực hiện nhiệm vụ của nó và kéo chúng ta về lại mặt đất, rằng thị trường chắc chắn sẽ rơi chạm đáy.
Khi tôi viết những dòng này, S&P 500 chỉ thấp hơn mức cao nhất mọi thời đại một vài điểm. Trong những tuần gần đây, chỉ số S&P 500 đã nhiều lần lập đỉnh mới. Như bạn đã biết, thị trường giá lên này đã kéo dài hơn bảy năm qua. Vì vậy, có lẽ cả bạn và tôi đều nghĩ tới khả năng chúng ta không tránh khỏi một cú rơi. Khi cổ phiếu đã tăng vọt trong nhiều năm, đúng là chúng ta không thể cứ đón nhận mà không lo nghĩ gì. Nếu chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì từ trường hợp của Nhật Bản thì đó là khi giá cổ phiếu tăng vọt, con người chúng ta có khuynh hướng bị cuốn theo hoàn cảnh và mất khả năng nhìn thấy nguy cơ.
Tuy nhiên, khi một thị trường gần đạt mức cao nhất mọi thời đại, điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc có rắc rối đang chực chờ phía trước. Như chúng tôi đã đề cập, nhìn chung thị trường Mỹ có khuynh hướng đi lên. Trong dài hạn, thị trường đi lên vì nền kinh tế tiếp tục phát triển. Trên thực tế, thị trường Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào khoảng 5% tổng số ngày giao dịch. Trung bình, tỷ lệ đó tương đương mỗi tháng một lần.
Do lạm phát, giá của gần như mọi thứ đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nếu không tin, bạn hãy kiểm tra giá của ổ bánh mì bạn thường ăn, giá ly cà phê bạn hay uống, thanh kẹo, con gà quay hoặc giá chiếc xe mới của bạn. Có khả năng tất cả chúng đều đang có giá cao nhất mọi thời đại.
Sự thật #7: Mối nguy lớn nhất là không tham gia vào thị trường
Tôi hy vọng đến lúc này bạn đã đồng ý với tôi rằng chúng ta không thể nào canh đúng thời điểm để tham gia hoặc rút khỏi thị trường. Thật quá khó cho những người bình thường như bạn và tôi có thể dự đoán được các chuyển động của thị trường. Như Jack Bogle từng chia sẻ: “Đơn giản là không có hồi chuông nào báo hiệu cho các nhà đầu tư thời điểm tham gia hoặc rút khỏi thị trường chứng khoán”. Mặc dù vậy, khi thị trường dao động gần mức cao nhất mọi thời đại, bạn có thể bị cám dỗ chơi theo lối an toàn bằng cách ôm khư khư tiền mặt đứng ngoài cuộc chơi chờ đến khi giá cổ phiếu giảm mới mua vào.
Vấn đề là đứng ngoài cuộc chơi dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cũng có thể là sai lầm đắt giá nhất đời bạn. Tôi biết điều này nghe có vẻ không hợp lý, nhưng như bạn có thể thấy trong biểu đồ bên dưới, lợi nhuận của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bạn bỏ lỡ dù chỉ một vài ngày giao dịch tốt nhất của thị trường.
“Bạn bỏ lỡ 100% cơ hội ghi điểm từ những cú đánh mà bạn không thực hiện.”
- WAYNE GRETZKY, cầu thủ khúc côn cầu được vinh danh
Từ năm 1996 đến năm 2015, S&P 500 cho lợi nhuận trung bình 8,2% một năm. Nhưng nếu bạn bỏ lỡ 10 ngày giao dịch đạt đỉnh trong 20 năm đó, lợi nhuận của bạn sẽ giảm xuống chỉ còn 4,5% một năm. Bạn tin được không? Lợi nhuận của bạn bị giảm gần một nửa chỉ vì bạn bỏ lỡ 10 ngày giao dịch tốt nhất trong 20 năm!
Chuyện này còn có thể tồi tệ hơn! Nếu bạn bỏ lỡ 20 ngày giao dịch đạt đỉnh, lợi nhuận của bạn sẽ giảm từ 8,2% một năm xuống còn 2,1%. Và nếu bạn bỏ lỡ 30 ngày? Lợi nhuận của bạn bốc hơi, toàn bộ về 0!
Bên cạnh đó, một nghiên cứu của JPMorgan phát hiện 6 trong số 10 ngày mua vào tốt nhất trên thị trường trong 20 năm qua diễn ra trong vòng hai tuần lễ của 10 ngày đen tối nhất. Bài học ở đây là nếu hoảng loạn và bán cổ phiếu sai thời điểm, bạn sẽ bỏ lỡ những ngày tuyệt vời sau đó, quãng thời gian mà các nhà đầu tư kiên nhẫn kiếm được gần như toàn bộ lợi nhuận của họ trong năm. Nói cách khác, sự hỗn loạn của thị trường không phải là điều đáng sợ. Đó là cơ hội lớn nhất để bạn thực hiện bước nhảy vọt đến tự do tài chính. Bạn không thể giành chiến thắng nếu cứ ngồi lì trên băng ghế dự bị. Bạn phải tham gia vào cuộc chơi. Nỗi sợ không bao giờ được tưởng thưởng, nhưng sự dũng cảm thì có phần thưởng của nó.
Thông điệp ở đây rất rõ ràng: hiểm họa lớn nhất đối với sức khỏe tài chính19 của bạn không phải là sự sụp đổ của thị trường mà là việc bạn không tham gia vào thị trường. Trên thực tế, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất để đạt được thành công tài chính lâu dài là bạn cần phải tham gia vào thị trường và trụ lại trong đó để có thể thu được tất cả lợi nhuận mà nó mang lại. Jack Bogle đã diễn đạt điều này một cách hoàn hảo: “Đừng làm gì cả - cứ ở yên đó!”.
19 Một thuật ngữ mô tả tình trạng của các vấn đề tiền tệ cá nhân của một người hoặc một tổ chức. Sức khỏe tài chính đề cập tới nhiều khía cạnh, bao gồm số tiền tiết kiệm bạn có, số tiền bạn dành cho hưu trí và mức thu nhập bạn đang chi tiêu cho các chi phí cố định hoặc linh hoạt.
“Địa ngục là sự thật được nhìn thấy quá muộn màng.”
- THOMAS HOBBES, triết gia người Anh thế kỷ 17
Nhưng nếu bạn tham gia vào thị trường không đúng thời điểm thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không may mắn và bị vùi dập ngay lập tức bởi một đợt điều chỉnh hay sự sụp đổ của thị trường? Như bạn có thể thấy trong biểu đồ ở trang sau, Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab đã tìm hiểu tác động của thời điểm tham gia thị trường đối với lợi nhuận của năm nhà đầu tư giả định, những người có 2.000 đô-la tiền mặt để đầu tư mỗi năm một lần trong 20 năm, bắt đầu từ năm 1993.
Người thành công nhất trong số năm nhà đầu tư này - chúng ta hãy gọi cô ấy là Quý cô Hoàn Hảo - đã đầu tư vào ngày tốt nhất mỗi năm: chính là ngày thị trường chạm mức thấp trong năm. Nhà đầu tư giả tưởng này, người đã xác định thời điểm một cách hoàn hảo trong suốt 20 năm đầu tư, đã thu về tổng cộng 87.004 đô-la. Nhà đầu tư xác định thời điểm tham gia tệ nhất - chúng ta hãy gọi anh ta là Quý ông Đen Đủi - đã đầu tư toàn bộ tiền của mình vào ngày tồi tệ nhất mỗi năm: ngày thị trường đạt mức cao nhất trong năm. Kết quả? Anh ta nhận được 72.487 đô-la sau 20 năm.
Điều đáng chú ý là ngay cả sau 20 năm xui xẻo như vậy, Quý ông Đen Đủi vẫn kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể. Bài học ở đây là gì? Nếu bạn trụ lại thị trường đủ lâu, lãi kép sẽ phát huy tác dụng kỳ diệu của nó và cuối cùng bạn sẽ có trong tay một khoản lợi nhuận tốt - ngay cả khi bạn hoàn toàn không may trong việc chọn thời điểm thị trường. Và bạn cũng cần biết điều này: nhà đầu tư hoạt động kém hiệu quả nhất không phải là quý ông kém may mắn kia, mà là người đã chọn ngồi lại trên băng ghế dự bị, người đã giữ khư khư giữ tiền mặt - cuối cùng anh ta chỉ kiếm được 51.291 đô-la.
NGƯỜI TRỤ LẠI SAU CÙNG
Trong chương này, bạn đã biết được bảy sự thật cho thấy cách vận hành của thị trường chứng khoán. Dựa trên lịch sử tài chính hơn một thế kỷ qua, giờ đây bạn hiểu rằng các đợt điều chỉnh, thị trường giá xuống và quá trình phục hồi tuân theo các quy luật lặp đi lặp lại. Một khi đã có khả năng nhận ra các quy luật dài hạn này, bạn cũng sẽ có khả năng sử dụng chúng.
Ở phần sau của quyển sách này, chúng tôi sẽ giải thích kỹ hơn về các chiến lược cụ thể mà bạn có thể dùng để lợi dụng các quy luật theo mùa này. Ví dụ, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn những điều cần lưu ý khi lập chiến lược phân bổ tài sản lý tưởng để có thể giảm thiểu thiệt hại khi gặp thị trường giá xuống và tối đa hóa lợi nhuận khi thị trường phục hồi. Nhưng bây giờ, bạn nên cười thật tươi! Bạn đã biết các sự thật. Bạn đã nắm được luật chơi. Bạn biết thị trường giá xuống và các đợt điều chỉnh giá là không thể tránh được, và bạn sẽ sớm học được cách tận dụng chúng. Bạn tiến gần thêm một bước nữa đến mục tiêu trở thành người không dễ nao núng.
Hơn hết, bạn đang kiểm soát đời sống tài chính của mình. Bạn đang chịu trách nhiệm. Hầu hết mọi người đều không bao giờ chịu trách nhiệm. Họ thích đổ lỗi cho thị trường về bất cứ điều gì xảy ra với họ. Nhưng thị trường không bao giờ lấy đi của ai xu nào! Nếu bạn mất tiền trên thị trường, đó là do quyết định của bạn - và nếu bạn kiếm được tiền trên thị trường, đó cũng do quyết định của bạn. Thị trường vẫn đang làm việc mà thị trường cần làm, còn thắng hay thua là do bạn quyết định. Bạn là người chịu trách nhiệm.
Chương này cũng cho bạn biết mùa đông tài chính luôn được tiếp nối bởi mùa xuân - điều này tạo động lực cho bạn tiến lên mà không sợ hãi, hoặc ít ra là đỡ sợ hãi hơn nhiều. Kiến thức mang lại sự hiểu biết và sự hiểu biết mang lại sự kiên định. Bạn sẽ không phải là người rút hết tiền ra khi thị trường đang lao dốc! Bạn sẽ là người trụ lại cuộc chơi lâu dài - gieo những hạt giống thích hợp, kiên nhẫn nuôi dưỡng chúng và sau đó tận hưởng những vụ mùa bội thu!
Nhưng trong chương kế tiếp, bạn sẽ thấy rằng có một điều mà bạn nên dè chừng vì lợi ích của bản thân: những công ty tài chính tính giá cắt cổ cho các khách hàng như bạn và tôi nhưng lại mang tới hiệu quả làm việc yếu kém. Như bạn sẽ thấy, không có cách kiểm soát tài chính nào tốt hơn việc cắt bỏ những khoản chi phí cao thái quá như vậy - mà chúng còn thường là chi phí chìm. Bạn sẽ được lợi gì khi làm vậy? Bạn sẽ tiết kiệm được khoảng ít nhất 10 năm thu nhập! Kết quả này đáng để bạn bắt tay vào chịu trách nhiệm rồi chứ?
Hãy tiếp tục đọc và cùng chúng tôi vạch trần những chi phí chìm cũng như những sự thật nửa vời này.